Thông tin giá cả thị trường số 35/2017

09:34 AM 13/09/2017 |   Lượt xem: 9303 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Trồng thanh long VietGAP: Phát huy vai trò của các hợp tác xã

Để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị thanh long, một số địa phương đang tiếp tục vận động nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn với những tiêu chí cụ thể để các thị trường khó tính chấp nhận.

Hiện tại, thanh long đã được trồng rộng rãi ở các tỉnh thành trên toàn quốc. Tuy nhiên, diện tích tập trung lớn nhất là: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. Trong đó, tỉnh Bình Thuận có 27.000 héc-ta thanh long với sản lượng gần 500.000 tấn/năm, chủ yếu được xuất qua thị trường Trung Quốc. Vừa qua, Úc đã chấp nhận cho thanh long Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này. Đây là thị trường mở ra triển vọng lớn đối với mặt hàng thanh long Bình Thuận. Vì vậy, hiện nay, ngành nông nghiệp đang kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm năng liên kết với bà con nông dân để sản xuất theo hướng an toàn, đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường lớn như Úc.

Tại Bình Thuận, vụ thanh long năm nay được mùa, được giá nên người trồng rất phấn khởi. Đặc biệt, thời điểm từ nay đến cuối năm, thanh long vào vụ nghịch nên nhiều khả năng giá tiếp tục tăng mạnh, mang lại nguồn lợi khá cho nông dân vùng chuyên canh. Riêng tại huyện Chợ Gạo có vùng chuyên canh thanh long 5.430 héc-ta, mỗi năm đạt sản lượng hàng trăm nghìn tấn. Hiện tại, ngành nông nghiệp địa phương đang hướng cho người trồng thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn để xuất khẩu sang nhiều nước theo đường chính ngạch và bình ổn được giá.

Diện tích trồng thanh long của tỉnh Long An đứng thứ hai cả nước sau Bình Thuận với tổng diện tích hơn 7.377 héc-ta, diện tích đang cho trái khoảng 6.200 héc-ta, sản lượng đạt khoảng 158.000 tấn. Trái thanh long được xuất khẩu sang châu Âu chiếm khoảng 5% sản lượng (đi theo đường chính ngạch), xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 80% sản lượng, còn lại 15% tiêu thụ nội địa.

Cây thanh long ruột đỏ đang mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà vườn của tỉnh Long An từ khoảng 1 tỷ đồng/năm/héc-ta, thu nhập bình quân của người lao động đạt mức 100 triệu đồng/người/năm. Vì vậy, nông dân các huyện Tân Trụ, Bến Lức, thành phố Tân An... đã chuyển sang trồng chuyên canh và được ứng dụng công nghệ cao. Đầu ra của trái thanh long được hơn 77 cơ sở thu mua xuất khẩu. Trái thanh long Long An đã xuất khẩu qua hơn 15 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Sing-ga-po, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Ca-na-đa, Ấn Độ…

Sở Công thương Long An cho biết, thị trường tiêu thụ trái thanh long thời gian gần đây tương đối ổn định, sản lượng tiêu thụ rất tốt. Thời gian tới, Long An đang tập trung đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, tỉnh rất cần các bộ, ngành hỗ trợ khâu xúc tiến thương mại để giúp hợp tác xã và doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp với nhà nhập khẩu. Qua đó giúp cây thanh long phát triển bền vững. Mặt khác, nhà vườn rất lo lắng trước tình hình dịch bệnh đốm nâu trên cây thanh long xuất hiện nhiều năm qua nhưng đến nay chưa có thuốc đặc trị. Giải pháp nhà vườn đang làm là phòng trừ bằng cách vệ sinh vườn thông thoáng, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật định kỳ để kéo giảm tỷ lệ bệnh phát triển. Vì thế, về lâu dài, rất cần nhà khoa học vào cuộc mạnh mẽ để giúp bà con phòng ngừa bệnh đốm nâu, từ đó tạo ra nguồn hàng tốt theo hướng an toàn và bền vững để xuất khẩu. Đặc biệt, để có được trái đẹp, bán giá cao thì nhà vườn phải thạo kỹ thuật canh tác. Có như vậy, phải phát huy được vai trò của các hợp tác xã trong việc liên kết trồng thanh long sạch, an toàn tới việc tiêu thụ sản phẩm. Thời gian qua, tại Long An đã hình thành một số hợp tác xã liên kết với nhà vườn trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài việc tiêu thụ trái chín của xã viên, hợp tác xã còn liên kết và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá ổn định. Khi nông dân ký kết với hợp tác xã được hưởng các quyền lợi: Mua vật tư nông nghiệp trả chậm giá thấp, được tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất sạch...

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Bồn bồn Cái Nước - Cà Mau tiêu thụ tốt

Với đặc tính dễ trồng, giá trị kinh tế cao, cây bồn bồn đã được người dân Cà Mau trồng ở nhiều nơi trên địa bàn các huyện Cái Nước, U Minh, Trần Văn Thời… Địa phương cũng xác định đây là cây phát triển mũi nhọn, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo.

Bồn bồn được nông dân miền Tây trồng lấy lõi non để chế biến tươi và chế biến dưa bồn bồn. Lõi bồn bồn tươi được chế biến vào các món xào thịt, tép hoặc nấu canh chua ăn rất giòn, ngọt. Nông dân Cà Mau còn dùng nước vo gạo hàng ngày ủ chua để làm dưa bồn bồn bán cho khách du lịch với giá 40.000 đồng/kg. Dưa bồn bồn được coi là đặc sản của Cà Mau khi ăn kèm với mắm ruốc hoặc chấm cá kho. Đặc biệt, vừa qua, cây bồn bồn Cái Nước - Cà Mau đã được công nhận nhãn hiệu tập thể. Điều này sẽ giúp địa phương khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của các sản phẩm chế biến từ cây bồn bồn và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất, kinh doanh hàng nông sản thực phẩm theo loại hình kinh tế hợp tác.

Tại xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, chính quyền đã tích cực vận động cũng như tạo mọi điều kiện để Hợp tác xã Bồn bồn Đông Hưng được thành lập và phát triển ổn định. Hiện hợp tác xã có 30 xã viên với diện tích trồng bồn bồn là 30 héc-ta. Nhằm tìm đầu ra ổn định cho cây bồn bồn, hợp tác xã đã thành lập được 2 văn phòng đại điện tại TP. Cà Mau và huyện Cái Nước. Ngoài ra, còn các đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đại lý ở các huyện trên địa bàn tỉnh là các chuỗi tiêu thụ sản phẩm bồn bồn.

Đời sống của người dân nơi đây ngày càng được cải thiện, nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ cây bồn bồn. Bởi trồng bồn bồn rất phù hợp với những hộ có ít đất sản xuất do không đòi hỏi diện tích lớn, chi phí đầu tư thấp. Bồn bồn có thể thu hoạch nhiều lần trong năm nhưng phát triển tốt nhất là khi bắt đầu mùa mưa, vào khoảng tháng 5. Hiện giá bán bồn bồn tươi từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, nếu làm dưa giá có thể lên 45.000 - 50.000 đồng/kg.

Việc công nhận thương hiệu sản phẩm bồn bồn Cái Nước - Cà Mau cũng đã nâng cao giá trị nông sản, góp phần ổn định sinh kế cho người dân.

Kon Tum:  Chuyển 200 héc-ta rừng thông sang trồng mắc ca

Theo phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, vùng Tây Nguyên sẽ trồng 5.940 héc-ta, riêng tỉnh Kon Tum là 290 héc-ta được trồng tại 3 huyện: Kon Plông, Đắk Glei và Tu Mơ Rông.

Hiện nay, cây mắc ca đã được trồng thành công tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đã khảo sát và nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Kon Plông tương đồng với huyện Krông Năng. Vì vậy, việc trồng mắc ca tại huyện Kon Plông được đánh giá là khả thi. Theo kế hoạch, tỉnh Kon Tum sẽ chuyển đổi gần 200 héc-ta rừng thông sang trồng cây mắc ca tại huyện Kon Plông. Gần 200 héc-ta rừng thông này, thời gian qua đã khai thác kém hiệu quả, sản lượng bình quân đạt thấp. Hơn nữa, đây là khu vực không thuộc quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái của tỉnh Kon Tum, lại nằm khá xa khu dân cư và cách trung tâm huyện hơn 6 km. Đây chính là lý do để UBND tỉnh Kon Tum có chủ trương chuyển đổi sang các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có cây mắc ca, nhằm tái cơ cấu và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Đến nay, tại huyện Kon Plông có 6 dự án phát triển nông nghiệp đã có chủ trương đầu tư trên tổng diện tích 480,81 héc-ta, trong đó đất rừng trồng thông là 400,43 héc-ta, còn lại là đất chưa có rừng. Dự án trồng mắc ca được triển khai ảnh hưởng không nhiều đến môi trường. Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao ngoài lợi ích kinh tế còn phục vụ cho mục đích phát triển du lịch sinh thái.

Như vậy, việc khai thác rừng thông kém hiệu quả để trồng một số loại cây nông nghiệp có giá trị cao là phù hợp với định hướng phát triển của Chính phủ, định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Kon Tum cũng như quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010 - 2020 của huyện Kon Plông.

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

Bến Tre: Tôm, cua được mùa

Hiện nay, ngư dân tỉnh Bến Tre rất phấn khởi vì thu hoạch tôm, cua được giá. Giá cua biển dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/kg. Riêng tôm sú nuôi quảng canh đạt kích cỡ 14 - 20 con/kg, giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg, loại dưới 40 con/kg có giá khoảng 200.000 đồng/kg, tăng từ 40.000 - 50.000 đồng/kg so với tháng trước. Với mức giá này, chỉ cần 1 héc-ta nuôi tôm, cua biển, ngư dân lãi trên 500 triệu đồng/vụ.

Toàn tỉnh Bến Tre có hơn 29.000 héc-ta diện tích mặt nước được nuôi tôm, cua, tập trung ở huyện Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri. Thời gian qua, các huyện này đã tập trung phát triển nhiều mô hình nuôi tôm, cua biển đạt hiệu quả cao.

Giá hành Lý Sơn tăng cao

Người dân Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang bước vào vụ chính thu hoạch hành. Với giá bán hành từ 38.000 - 40.000 đồng/kg loại 1, cao hơn từ 13.000 - 15.000 đồng so với vụ trước và 30.000 đồng/kg loại 2, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập ổn định. Trên những thửa ruộng đã thu hoạch xong, người dân hối hả thay cát để bắt đầu xuống giống vụ mới.

Theo đánh giá tổng thể, sản lượng vụ hành này ước tính đạt 1 tấn/sào (500 m²). Tuy nhiên, nếu so sánh với vụ trước thì mất mùa hơn. Nguyên nhân do thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của hành. Củ hành không được to, đều nhưng bù lại giá tăng cao nên người trồng không lỗ.

Vụ này, toàn huyện Lý Sơn xuống giống 120 héc-ta hành với sản lượng đạt khoảng 1.200 tấn. Tranh thủ được giá, nông dân đang khẩn trương nhổ lấy củ bán cho thương lái.

Bình Định: Kiệu giống tăng giá gấp đôi

Bà con nông dân huyện Phù Mỹ, tỉnh  Bình Định đã vào mùa kiệu giống. Nhờ mưa nhiều, nước đủ, thâm canh tốt nên năng suất kiệu giống năm nay đạt bình quân 350 - 400kg củ/sào, tăng cả trăm ki-lô-gam mỗi sào so với cùng vụ này năm ngoái. Kiệu giống được bán với giá từ 35.000 - 45.000 đồng/kg tùy loại, tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg so với cùng vụ năm ngoái nên người trồng kiệu giống lãi ít nhất 5 - 6 triệu đồng/sào, gấp 2 lần năm ngoái. Hiện nhu cầu mua kiệu giống của nông dân Phù Mỹ tăng cao, trong khi lượng kiệu giống từ các tỉnh miền Nam đưa về rất ít. Nhiều người mua, bán kiệu giống cho biết, một mặt nhờ thời tiết năm nay thuận lợi, mặt khác, nông dân mở rộng diện tích trồng kiệu do vụ kiệu năm ngoái bán được giá cao, nên dự tính giá kiệu giống sẽ tiếp tục tăng.

Đồng Tháp: Giá cá thát lát cườm giảm

Trong một thời gian dài, giá cá thát lát cườm (hay còn gọ là cá nàng hai) luôn ở mức thấp. Vì vậy, nhiều hộ nuôi cá ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp thua lỗ hàng chục triệu đồng trên mỗi công đất đào ao nuôi cá.

Hiện giá cá thát lát cườm bà con xuất bán cho thương lái chỉ 40.000 đồng/kg cá, giảm hơn 30.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2016. Trong khi đó, chi phí đầu tư tiền thức ăn, thuốc, con giống cho mỗi ký cá khoảng 43.000 đồng/kg, chưa tính tiền công nuôi. Với giá bán như hiện nay, các hộ nuôi cá thua lỗ từ 3 - 4 triệu đồng/tấn cá thịt. Một số hộ có diện tích nuôi nhiều lỗ nặng, nhiều hộ không còn vốn để tái đầu tư.

Trước đây, cá thát lát cườm là loài thủy sản có nhiều lợi thế phát triển do dễ nuôi, giá cao. Tuy nhiên, do lợi nhuận hấp dẫn, nhiều hộ tiến hành đào ao thả nuôi ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu khiến giá cá thương phẩm liên tục giảm.

LƯU Ý -  CẢNH BÁO

Đồng Nai: Thận trọng khi chuyển đổi giống cây chôm chôm

Mặc dù chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc (Java) của Đồng Nai đã được công nhận là 2 loại giống đặc sản và được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý chôm chôm Long Khánh nhưng gần đây, trước sự cạnh tranh của chôm chôm Thái, các nhà vườn đã đua nhau chặt bỏ. Nguyên nhân chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao bằng chôm chôm Thái.

Giá chôm chôm nội luôn ở mức thấp

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Đồng Nai, toàn tỉnh có hơn 11.000 héc-ta chôm chôm, tập trung ở thị xã Long Khánh, huyện Xuân Lộc và Thống Nhất. Những năm qua, diện tích chôm chôm ở Đồng Nai tăng không đáng kể, song có sự thay đổi về cơ cấu: Diện tích chôm chôm Thái không ngừng tăng trong khi chôm chôm nhãn, chôm chôm tróc giảm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chênh lệch giá giữa chôm chôm nội và chôm chôm Thái. Thông thường, những năm trước, vào thời điểm từ tháng 5, tháng 6 đã là cao điểm thu hoạch của chôm chôm nhưng năm nay thu hoạch trễ từ 2 - 2,5 tháng so với mọi năm khiến chính vụ bị đẩy lùi đến tháng 8 - 9. Do thu hoạch vào thời điểm mưa nhiều nên dễ dẫn đến tình trạng chôm chôm nứt vỏ khiến thị trường tiêu thụ chậm và bị mất giá. Cụ thể, giá chôm chôm tróc hiện đang ở mức thấp kỷ lục so với vài năm trở lại đây, chỉ còn từ 3.000 - 3.500 đồng/kg,  chôm chôm nhãn hiện cũng giảm xuống mức giá còn 7.000 - 8.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá chôm chôm Thái luôn duy trì ở mức từ 11.000 - 12.000 đồng/kg.

Các nhà vườn cũng cho biết, những năm trước, ở các vùng chôm chôm vào mùa chín thông thường có độ chênh về thời gian, nhưng năm nay do ảnh hưởng thời tiết, chôm chôm nhiều nơi bị trễ vụ nên mới xảy ra tình trạng các nhà vườn đồng loạt thu hoạch cùng thời điểm khiến giá chôm chôm giảm mạnh. Tình trạng này khiến nhiều thương lái mua mão cả vườn cũng lỗ trắng, có thương lái bỏ không thu cuối vụ vì giá bán ra không đủ bù công hái. Nhiều vườn không kịp thu hoạch, chôm chôm chín quá chuyển sang màu đỏ sậm giá càng thấp, nhất là chôm chôm tróc.

Chưa có vùng chuyên canh

 Trên thực tế, chôm chôm tróc vẫn có lợi thế cạnh tranh vì cho năng suất cao, ít chịu tác động bởi thời tiết như các giống chôm chôm khác. Tuy nhiên, vài năm gần đây, diện tích trồng 2 loại chôm chôm nhãn và tróc trên địa bàn Đồng Nai ngày càng bị thu hẹp dần. Bà con thường trồng chôm chôm Thái thay thế mặc dù lựa chọn này cũng khá rủi ro bởi chôm chôm Thái là loại cây cần nhiều nước tưới, khó chăm sóc. Mặt khác, chôm chôm tróc được thị trường nước ngoài ưa chuộng bởi độ ngọt ít nhưng hiện nay, loại chôm chôm này không xuất khẩu được nhiều do yêu cầu phải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong khi đó, người dân lại chưa có điều kiện để trồng theo tiêu chuẩn này, địa phương cũng chưa có vùng chuyên canh, trồng đại trà theo mô hình “cánh đồng lớn”. Thời gian qua, mặc dù UBND thị xã Long Khánh đã hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình điểm sản xuất chôm chôm VietGAP tại xã Bình Lộc nhưng mô hình này vẫn chưa phát triển nhiều. Những năm gần đây, xác định chôm chôm là cây chủ lực, các ngành chức năng của Long Khánh đã chú trọng hỗ trợ kỹ thuật cho bà con áp dụng những kỹ thuật canh tác mới, hướng dẫn quy trình sản xuất, hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để bà con lấy mô hình mẫu thực hiện và nhân rộng.

Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Đồng Nai cũng khuyến cáo nông dân cần thận trọng khi chuyển đổi giống cây trồng. Hiện tại, chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc lợi nhuận không bằng chôm chôm Thái song đây là loại cây đã được trồng lâu năm, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Trong khi đó, chôm chôm Thái là loại cây cần nhiều nước tưới, khó chăm sóc, giá không ổn định như chôm chôm bản địa nên rủi ro lớn. Ngoài ra, nếu nông dân ồ ạt phát triển chôm chôm Thái sẽ dẫn đến nguồn cung tăng và cũng dễ dẫn đến hiện tượng rớt giá như 2 giống chôm chôm bản địa hiện nay.

HÀNG VIỆT

Thái Nguyên: Nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp

Nhắc tới tỉnh Thái Nguyên, nhiều người nghĩ ngay đến những vùng chè nổi tiếng. Giờ đây với việc xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn, Thái Nguyên còn được biết đến với nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng.

Tại Hội chợ “Mỗi xã, mỗi phường một sản phẩm năm 2017” của Thái Nguyên được tổ chức mới đây, khách tham quan không khỏi ngạc nhiên khi thấy rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của Thái Nguyên được bày bán. Trong đó, nhiều nhất vẫn là những sản phẩm đậm hương sắc núi rừng Thái Nguyên như: Chè, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, thuốc nam…

Được biết, đây là lần thứ 2 tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội chợ “Mỗi xã, mỗi phường một sản phẩm” nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của các xã, phường trong tỉnh. Nếu như huyện Định Hóa có các sản phẩm thuốc nam gia truyền độc đáo; thì huyện Võ Nhai lại có đủ các loại nông sản (lạc, đỗ, hạt sen, măng khô), huyện Định Hóa có mì gạo, bánh chưng, bánh gio, thuốc nam; huyện Đồng Hỷ có các sản phẩm chè chất lượng; các xã của thành phố Thái Nguyên có rau sạch, trái cây an toàn…

Đặc biệt, không chỉ đơn giản như trước đây, nhiều sản phẩm của Thái Nguyên đã được đầu tư để có mẫu mã sang trọng, hấp dẫn với quy trình chế biến sâu hơn: Cụ thể như các sản phẩm chăm sóc sức khỏe được chế biến từ thảo dược do đồng bào dân tộc trồng của huyện Phú Lương, các sản phẩm chè của xóm Trung Thành 2 được đóng gói và bày biện trong những giỏ đựng quà xinh xắn do chính người dân tự đan, dệt.

Theo ông Nguyễn Quốc Huy – Phó giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên - Hội chợ “Mỗi xã, phường một sản phẩm năm 2017” là cơ hội để các địa phương giới thiệu, quảng bá và tôn vinh những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của mình đến với người tiêu dùng; tạo tiền đề để các ngành dịch vụ, du lịch, cung cấp những sản phẩm có chất lượng tốt, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, hội chợ còn là cầu nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng; thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm do địa phương sản xuất…

Không chỉ có các xã ở 9 đơn vị hành chính trong tỉnh tham gia, Hội chợ “Mỗi xã, mỗi phường một sản phẩm năm 2017” của Thái Nguyên còn thu hút 20 đơn vị và các tổ chức ở các tỉnh như: Thanh Hóa, Bắc Kạn, Quảng Nam, Cao Bằng… Sự tham gia của các đơn vị này được kỳ vọng sẽ là cơ hội để các cơ sở sản xuất của Thái Nguyên cọ sát, nhìn nhận được năng lực của mình và nhu cầu của thị trường để điều chỉnh cho phù hợp.

Đánh giá cao vai trò của Hội chợ “Mỗi xã, mỗi phường một sản phẩm” đối với việc thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, bà Hà Thị Bích Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Hiện tại, mỗi năm Thái Nguyên đang hỗ trợ sản xuất và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm 1.000 héc-ta trở lên; xây dựng 7 mô hình vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất chè an toàn tại vùng chè trọng điểm như: Đại Từ, Phú Lương, Định Hoá, Đồng Hỷ, Phổ Yên...

Với hướng đi này, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa, Dao… của tỉnh Thái Nguyên đang dần hình thành thói quen sản xuất hàng hóa với số lượng lớn, tuân thủ các quy trình sản xuất và chế biến khoa học, từng bước cung cấp ra thị trường các sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Gia Lai: Tăng cường kiểm tra hàng giả, gian lận thương mại

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Gia Lai đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm giả, kém chất lượng nhằm góp phần bình ổn thị trường, ổn định sản xuất.

Xử phạt hơn 140 cơ sở kinh doanh thực phẩm giả

Đặc biệt, trong đợt cao điểm kiểm tra an toàn thực phẩm vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã phát hiện 148 cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính gần 270 triệu đồng. Trong đợt cao điểm này, Chi cục đã đồng loạt kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương trên địa bàn toàn tỉnh và phát hiện 148 cơ sở kinh doanh thực phẩm giả, nhập lậu và không rõ nguồn gốc xuất xứ… Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Chi cục cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất 40 cơ sở kinh doanh, thu giữ và xử lý nhiều mặt hàng thực phẩm như: Rượu giả, nước ngọt, sữa nhập lậu, bột ngọt, hạt nêm giả mạo nhãn hiệu, thịt đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ …

Đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tình hình kiểm tra, quản lý khá phức tạp. Không ít cơ sở lợi dụng kinh doanh hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, bán trà trộn trong các cửa hàng đại lý, cơ sở kinh doanh nhỏ… Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch, chuyên đề cũng như thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng. Qua đó đã phần nào kiểm soát được tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, một số cơ sở đã lợi dụng khe hở trong một số văn bản để “lách luật”. Bên cạnh đó, vì nhiều lý do khách quan, bất cập trong cơ chế quản lý nên cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý. Điển hình là mặt hàng phân bón được làm giả rất tinh vi. Để phát hiện và xử lý ngay như những hàng hóa khác là không thể vì phải giám định. Trong khi đó, thủ tục lấy mẫu, giám định mất nhiều thời gian, làm hạn chế hiệu quả công việc.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con

Trước mắt, để chấn chỉnh tình trạng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng trên địa bàn, các cơ quan chức năng địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Tại các địa phương, các cán bộ kỹ thuật cần hướng dẫn bà con cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, khoa học. Các cơ quan chức năng vận động các đại lý, doanh nghiệp ký cam kết không kinh doanh, sản xuất phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng... Đồng thời, phối hợp với các địa phương lân cận để thường xuyên nắm tình hình hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất để họ cung cấp mẫu, hướng dẫn phân biệt các sản phẩm thật, giả nhằm hỗ trợ công tác kiểm tra, xử lý. Mạnh tay hơn trong chế tài xử lý hành chính, đặc biệt là gắn trách nhiệm giữa người sản xuất, cung ứng và tiêu dùng; có chế tài bồi thường thỏa đáng cho nông dân do sử dụng phân bón giả, kém chất lượng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng...

Cao Bằng: Kiểm tra các cơ sở thực phẩm

Với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; Phòng tránh ngộ độc rượu”, tỉnh Cao Bằng đã thành lập 97 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành an toàn phẩm từ tuyến tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn. Các đoàn đã kiểm tra 1.321/4.262 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Trong đó 1.088 cơ sở đạt, chiếm 82,3%; 233 cơ sở vi phạm, chiếm 17,7%; 35 cơ sở vi phạm bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền. Các cơ sở vi phạm chủ yếu về điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dụng cụ, điều kiện về con người, chất lượng sản phẩm thực phẩm. 

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)