Thông tin giá cả thị trường số 35/2018

09:33 AM 31/08/2018 |   Lượt xem: 4133 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Trạm Tấu, Yên Bái: Cây sơn tra giúp bà con cải thiện sinh kế

Đề án phát triển sơn tra tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đề ra mục tiêu đến năm 2020 trồng mới và phát triển 2.400 héc-ta sơn tra, đưa diện tích sơn tra toàn huyện đạt trên 4.578 héc-ta. Sau 3 năm triển khai thực hiện, Đề án đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện sinh kế cho người dân.

Huyện Trạm Tấu hiện có 3.436 héc-ta sơn tra, trong đó có 800 héc-ta đã cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm người dân thu về 3,15 tỷ đồng từ bán quả sơn tra. Nhờ trồng sơn tra, nhiều hộ gia đình không những đủ ăn mà còn mua được xe máy, ti vi.

Thực hiện Đề án phát triển sơn tra, huyện Trạm Tấu đã đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân. Qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế từ cây sơn tra cho bà con. Thông qua Đề án, việc sử dụng quy hoạch cho lâm nghiệp hiệu quả hơn, góp phần giải quyết việc làm cho 2.047 hộ dân. Ngoài tiền khoán bảo vệ rừng từ Chương trình 30a, tiền dịch vụ môi trường rừng, người dân đã tăng thu từ công trồng chăm sóc rừng và đến nay bình quân mỗi hộ thu nhập đạt 4,7 triệu đồng/năm. Không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, Đề án đã góp phần nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ và phát triển rừng trồng, giảm bớt khai thác rừng bừa bãi, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng khả năng phòng hộ của rừng đầu nguồn.

Theo Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu, từ năm 2016 đến nay, huyện đã trồng mới 1.478 héc-ta sơn tra, đưa diện tích sơn tra lên 3.436 héc-ta, đạt 61,5% kế hoạch của Đề án. Phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích sơn tra đạt 4.578 héc-ta. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án còn gặp nhiều khó khăn. Các hộ dân chủ yếu là hộ nghèo chưa chủ động trồng rừng để phát triển sơn tra ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, trong các hạng mục của Đề án, có hạng mục đầu tư trồng rừng phòng hộ, sản xuất và đây là diện tích chủ yếu nhưng đến nay không được trung ương bố trí nguồn vốn nên thiếu vốn cho chăm sóc. Diện tích đất trống mà cây sơn tra có thể sinh trưởng và phát triển tốt hiện đang bị người dân bao chiếm, xâm lấn làm nương rẫy, bãi chăn thả, xen kẽ. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân chưa thực sự quan tâm đến lợi ích của gia đình trong phát triển chung của cộng đồng để phát triển vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo định hướng quy hoạch. Việc thu hái quả sơn tra non làm ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng, sản lượng gây thiệt hại đáng kể về kinh tế. Thị trường tiêu thụ còn nhỏ lẻ, chưa có quy mô để kiểm tra, kiểm soát tạo thành sản phẩm trong chuỗi hàng hóa của vùng…

Để thực hiện hiệu quả Đề án, trong thời gian tới, huyện Trạm Tấu tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế của cây sơn tra. Từ đó, giúp người dân có ý thức phát triển sơn tra và chuyển đổi nhận thức. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích các nguồn lực đầu tư cho cây sơn tra từ các hộ dân và liên doanh, liên kết, tổ hợp tác, nhóm sở thích; tăng cường quản lý giống, lựa chọn giống tốt và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong gieo tạo, sản xuất cây giống; lựa chọn đất trồng phù hợp và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và nông lâm kết hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế của cây sơn tra. Huyện Trạm Tấu cũng đề nghị tỉnh bổ sung vốn từ ngân sách để thực hiện trồng 522 héc-ta sơn tra trên đất chưa có rừng quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ; 200 héc-ta trồng sơn tra trên đất chưa có rừng quy hoạch cho phát triển rừng sản xuất; 196 héc-ta trồng thuần loài sơn tra trên đất nương rẫy kém hiệu quả; bố trí nguồn vốn chăm sóc 475 héc-ta rừng trồng phòng hộ đã trồng theo Đề án phát triển sơn tra. 

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Hỗ trợ hộ khó khăn trồng bắp sinh khối

Công ty TNHH Hạt giống C.P Việt Nam đã phối hợp cùng chi đoàn Báo Gia Lai hỗ trợ 11 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại 3 xã: Lơ Ku (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) và An Trung, Yang Trung (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) triển khai mô hình trồng bắp sinh khối làm thức ăn cho bò. Đến nay, cây bắp phát triển tốt, hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho người dân.

Tham gia mô hình, 11 hộ dân được Công ty TNHH Hạt giống C.P Việt Nam và chi đoàn Báo Gia Lai hỗ trợ vật tư (20 kg hạt giống, 800 kg phân bón do Công ty TNHH Hạt giống C.P Việt Nam sản xuất, tổng trị giá khoảng 10 triệu đồng) để trồng 1 héc-ta bắp sinh khối. Ngoài ra, bà con còn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây bắp từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch và bao tiêu sản phẩm. Các hộ chỉ bỏ công gieo hạt, làm cỏ và thu hoạch.

Hơn 2 tháng sau khi xuống giống, 6 héc-ta bắp sinh khối của 6 hộ dân tại 2 xã An Trung và Yang Trung phát triển khá tốt. Cây bắp đạt chiều cao từ 1,9 m đến 2,4m và đang ra trái. Tại xã Lơ Ku có 5 hộ dân thuộc 2 làng Bon và Thonn 2 tham gia mô hình trồng bắp sinh khối. Trong quá trình thực hiện mô hình, Công ty TNHH Hạt giống C.P Việt Nam thường xuyên cắt cử nhân viên đến hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật chăm sóc bắp. Mục đích của công ty là giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tăng thu nhập, hướng đến thoát nghèo bền vững.

Hiện một số doanh nghiệp chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh cũng đã cam kết thu mua toàn bộ số bắp sinh khối của 11 hộ dân. Thời gian tới, ngoài 11 hộ này, công ty sẽ hỗ trợ thêm nhiều hộ dân nữa, kết hợp hướng dẫn người dân trồng bắp sinh khối trong mùa khô ở những nơi có nguồn nước tưới ổn định.

Quảng Nam: Tồn đọng hơn 100 tấn nghệ

Thời điểm này, nhiều nông dân ở xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đang hết sức lo lắng bởi nghệ đã đến kỳ thu hoạch nhiều tháng nay nhưng thương lái không thu mua.

Hai năm trước, cây nghệ đã đem lại hiệu quả đáng kể cho bà con xã Tam Lộc. Nhiều hộ gia đình đã chuyển sang trồng nghệ để thay đổi giống cây trồng và mong muốn thoát nghèo. Thế nhưng, năm nay hơn 100 tấn nghệ tồn đọng ở Tam Lộc đang khiến các hộ dân lo lắng. Đây là số lượng nghệ đã được thu hoạch rải rác từ tháng 6 đến nay nhưng thương lái không thu mua. Trước tình hình này, một số hộ đã chọn giải pháp không thu hoạch.

Một hộ dân cho biết, năm ngoái, giá nghệ tươi dao động từ 11.000 - 16.000 đồng/kg còn năm nay thương lái chỉ mua nghệ với giá từ 4.000 - 6.000 đồng/kg nhưng chỉ mua nhỏ lẻ vài tạ vào thời điểm đầu mùa, cả tháng nay không có thương lái đến thu mua. Nếu tình trạng này kéo dài thêm 1 - 2 tuần nữa, nghệ sẽ bị thối và hư hỏng hết.

Xã Tam Lộc hiện có khoảng 25 hộ trồng nghệ vàng với diện tích trên dưới 8 héc-ta, sản lượng ước đạt hơn 100 tấn. Năm ngoái, nghệ được giá nên người trồng nghệ có thu nhập khá nhưng năm nay thương lái không đến mua hoặc thu mua nhỏ lẻ khiến người nông dân thiệt hại nặng. Nguyên nhân không có đầu ra chủ yếu là  do nghệ của các tỉnh Tây Nguyên nhiều và năng suất cao dẫn đến cung vượt cầu khiến thương lái thờ ơ. Hiện nay, địa phương đang liên hệ một số đầu mối với hy vọng tiêu thụ nghệ giúp cho bà con nông dân.  

MUA GÌ - BÁN GÌ

Vĩnh Long: Trồng nấm rơm cải tiến, lợi nhuận tăng gấp đôi

Nhằm xây dựng các vùng sản xuất nấm rơm theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn) tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ triển khai các mô hình trồng nấm rơm theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, lợi nhuận tăng gấp đôi so với cách làm nấm rơm truyền thống. Hiện có hơn 60% các nhà trồng nấm được dự án hỗ trợ và 80% nhà trồng nấm do dân đầu tư được duy trì. Năng suất bình quân của mô hình này 1,81 kg/m mô, lợi nhuận trên 7,6 triệu đồng/nhà trồng nấm 18m2, cao hơn 2,1 lần so với trồng nấm truyền thống.

Bình Phước: Giá cà phê giảm sâu

Chỉ còn khoảng một tháng nữa người trồng cà phê tại tỉnh Bình Phước sẽ bước vào thu hoạch vụ mùa năm 2018 nhưng xu hướng giá đang giảm sâu khiến nhà nông thấp thỏm lo âu.

Hiện giá cà phê chỉ còn khoảng 34.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù đây chưa phải là mức giá cuối cùng nhưng mức giá này cũng khiến người trồng cà phê cảm thấy lo lắng vì nhiều khả năng giá thu hoạch đầu mùa sẽ không cao và rất khó tăng lên vào cuối vụ. Trong khi đó, thông thường vào đầu vụ, vụ giá cà phê rất ổn định từ 45.000 - 48.000 đồng/kg.

Giá cà phê thấp đã ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định đầu tư, chăm bón cây cà phê của bà con. Hầu như người dân đều không dám đầu tư quá nhiều mà chỉ đầu tư cầm chừng do e ngại thua lỗ.

Phụng Hiệp (Hậu Giang): giá gừng tăng nhẹ

Giá gừng tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đang tăng nhẹ. Hiện nay, gừng được thương lái thu mua với giá 12.500 đồng/kg, tăng hơn 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ, nhưng giảm khoảng 7.000 đồng/kg so với tháng trước. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi nên nhiều hộ trồng gừng đã phải thu hoạch gừng sớm để tránh ngập nước, gây thiệt hại nặng hơn. Bên cạnh đó, năm nay, gừng bị sâu bệnh nên sản lượng thấp, trong khi giá gừng giống cao hơn năm trước là 9.000 đồng/kg. Với giá gừng hiện tại hầu hết bà con trồng gừng chỉ hòa vốn.

Đà Lạt: Hoa cúc tăng giá

Gần đây, giá hoa cúc tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng bắt đầu tăng cao từ 1.000 - 1.500 đồng mỗi cành, đắt hơn trước 1,5 lần. Hiện giá hoa cúc đại đoá, saphia, xanh tua rua ở mức 3.200 đồng một cành (cao hơn bình thường từ 1.000 – 1.200 đồng/cành. Riêng cúc kim cương tăng cao nhất với mức giá 3.200 - 3.700 đồng/cành. Tương tự, các loại hoa cúc chùm cũng tăng từ 4.000 - 5.000 đồng một bó so với trước. Các nhà vườn dự báo, giá cúc trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo thống kê, TP. Đà Lạt hiện có gần 1.000 héc-ta trồng hoa cúc các loại. Trong đó, các vùng chuyên canh gồm làng hoa Thái Phiên (phường 12), làng hoa Hà Đông (phường 8), làng hoa Xuân Thành (xã Xuân Thọ)... Với giá tăng cao như hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi sào hoa cúc sẽ mang về khoảng 20 triệu đồng cho nông dân.

LƯU Ý- CẢNH BÁO

Bình Thuận: Cây trồng thiệt hại do nắng hạn

Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình là 2 huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận. Từ tháng 6 đến nay, tại đây đã diễn ra hiện tượng nắng hạn kéo dài gây thiệt hại cho cây trồng.

Cụ thể, từ tháng 6, 7 và 8 tại các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình do nắng hạn, không có mưa; một số nơi có mưa nhưng lượng mưa không đồng đều và ít nên gây thiệt hại hơn 5.286 héc-ta cây trồng. Các loại cây trồng bị thiệt hại gồm: bắp lai, lúa và hoa màu tại những vùng không chủ động nước tưới. Tại huyện Hàm Thuận Bắc có các xã Đông Giang, Thuận Hòa và Hồng Liêm với 838 héc-ta (lúa 338 héc-ta và màu 500 héc-ta) bị thiệt hại. Trong đó, thiệt hại trên 30 - 50% khoảng 570 héc-ta, trên 70% hơn 4.725 héc-ta, tương ứng hơn 16,7 tỷ đồng. Hàm Thuận Bắc cũng là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất tỉnh Bình Thuận. Hiện các nhà vườn đang áp dụng sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Vì vậy, việc thiếu nước tưới là một thách thức không nhỏ đối với các nhà vườn.

Tại huyện Bắc Bình có các xã Phan Điền, Sông Bình, Phan Sơn, Bình Tân với hơn 4.448 héc-ta cây màu gồm dưa, mì, đậu các loại, bắp, mè... bị thiệt hại. Thời gian qua, nông dân Bắc Bình mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trước tình hình này, Ủy ban Nhân dân các huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn phối hợp tốt với Ủy ban Nhân dân các xã xây dựng kế hoạch phòng chống hạn, tổ chức tuyên truyền dùng nước tiết kiệm, khai thác nước ngầm, khoan, đào giếng ở những vùng có điều kiện, đào ao trữ nước...

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Tây Ninh: Nan giải quản lý hom mì giống

Hiện nay, nhu cầu mì (cây sắn) giống ở tỉnh Tây Ninh rất lớn. Trong đó, giống mì KM 94 được ngành nông nghiệp khuyến cáo là ít nhiễm bệnh nhưng thực tế lại không đủ nguồn cung cấp cho nông dân, dẫn đến tình trạng thương lái mua nhiều loại giống cây mì không rõ nguồn gốc bán cho bà con nông dân.

Chính vì vậy, thời gian qua, dịch bệnh khảm lá trên cây mì đã diễn ra ồ ạt khiến nhiều hộ dân khốn đốn. Mặt khác, trong sản xuất mì, người nông dân sau khi trồng tự để lại giống hoặc mua bán hom giống thông qua thương lái nên nguy cơ lây lan bệnh khảm lá ngày càng nghiêm trọng hơn. Địa phương cũng không kiểm soát được khâu vận chuyển hom giống từ nơi này sang nơi khác. Điều này vô hình chung đã gây hậu quả là không chỉ ở Tây Ninh, điểm xuất phát dịch bệnh ban đầu mà còn lây lan sang một số tỉnh miền Đông Nam bộ, thậm chí cả Tây Nguyên.

Đặc biệt, giống HL-S11 được cơ quan chuyên môn xác định là giống bị nhiễm bệnh khảm lá nặng nhất trong tất cả các giống vẫn được bán tại các điểm bán giống. Đây cũng là loại mà Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo nghiêm cấm mua bán và không được trồng. Tuy nhiên, trên thực tế, ở một số nơi tại huyện biên giới như Tân Châu, Tân Biên, loại mì giống này vẫn được bán tràn lan dọc theo các con đường lộ liên xã. Đây là những điểm bán cây mì giống của thương lái nằm ven đường, luôn sẵn sàng cung cấp giống cho nông dân. Trước thực trạng này, ngành chức năng địa phương đã khuyến cáo người dân chuyển đổi cây trồng trên diện tích bị nhiễm bệnh, không mua bán giống bị nhiễm bệnh...  Ngoài ra, các tỉnh trồng mì (sắn) vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên cần chỉ đạo tổ chức rà soát bệnh khảm lá ở các địa phương. Nếu phát hiện bệnh phải thực hiện theo quy trình phòng trừ; phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng tập trung hỗ trợ các địa phương phòng chống, tổ chức rà soát bệnh khảm lá trên cây mì ở các địa phương.

HÀNG VIỆT 

Lạng Sơn: Nâng tầm giá trị na Chi Lăng

Giờ thì na Chi Lăng không chỉ là “thương hiệu vàng” nông sản trong lòng người tiêu dùng Việt mà đã lọt vào danh sách 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam; mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân miền sơn cước.

Mùa bội thu

Cây na Chi Lăng được bà con trồng tập trung trên những sườn núi đá vôi, thung lũng tại các xã, thị trấn của 2 huyện Chi Lăng và Hữu Lũng. Năm nay, do nắng hạn đầu vụ kéo dài, lại gặp mưa bão nên quả nhỏ hơn một chút. Tuy nhiên, do biết áp dụng công nghệ kỹ thuật vào chăm sóc, thụ phấn nên sản lượng niên vụ na 2018 ước đạt 30.000 tấn, mang lại giá trị doanh thu xấp xỉ 1.000 tỷ đồng/năm, tăng từ 150 - 200 tỷ đồng so với năm 2017.

Ông Đinh Hữu Học - Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết, nhằm tăng hiệu quả kinh tế từ trồng na, chính quyền các địa phương vùng trồng na đã và đang thực hiện theo hướng sản xuất na an toàn. Vụ na năm nay, địa phương tích cực hướng dẫn người trồng na thực hiện đúng các quy trình chăm sóc cây theo hướng VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm na sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đến nay, diện tích na trồng theo quy trình an toàn VietGAP trên địa bàn đạt 195 héc-ta, tăng 75 héc-ta so với năm 2017, diện tích còn lại cũng đang được định hướng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc trồng na theo mô hình an toàn không chỉ năng suất mà giá trị của cây cũng tăng cao so với cây trồng và chăm sóc theo mô hình truyền thống.

Theo ông Trần Ngọc Oánh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất dịch vụ nông lâm nghiệp xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng: HTX  được giao 25 héc-ta trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi bắt đầu thực hiện mô hình, bà con khá e dè, nhưng được sự hỗ trợ, tư vấn của cán bộ kỹ thuật bà con đã yên tâm. Đặc biệt, giá trị của quả na trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cao hơn nhiều so với cây trồng theo lối truyền thống. Hiện nay, HTX đang tiếp tục mở rộng diện tích và chăm sóc cây na theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm khẳng định thương hiệu và nâng tầm cho quả na Chi Lăng.

Tăng giá trị cho na Chi Lăng

Hiện nay, phong trào nông dân làm giàu từ cây na ở Lạng Sơn đã lan tỏa mạnh mẽ theo hướng sản xuất tập trung hướng tới thị trường. Để tăng năng suất và chất lượng cho quả na, lãnh đạo các xã, thị trấn những vùng trồng na của tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn, Viện Rau quả Trung ương tuyên truyền vận động, xây dựng và triển khai nhiều mô hình, các đề tài khoa học nghiên cứu để phục tráng, phát triển, phòng trừ sâu bệnh cho cây và chế biến, bảo quản na sau thu hoạch. Đồng thời, mở các lớp tuyên truyền, tập huấn về quy trình kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật đốn tỉa cành, kỹ thuật thụ phấn cho các hộ trồng na. Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ, hướng dẫn các nhóm hộ duy trì các vườn mẫu sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, vườn mẫu áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt; tổ chức tập huấn, hỗ trợ cho các hộ thực hiện vườn mẫu, xây dựng hệ thống biển bảng để giới thiệu đến các đoàn thăm quan… Đặc biệt, từ năm 2017, sản phẩm na Chi Lăng đã được dán bao bì, tem nhãn bao gói, truy suất nguồn gốc sản phẩm cho các Tổ hợp tác, HTX sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tổ hợp tác sản xuất na an toàn.

Theo lãnh đạo huyện Chi Lăng, việc dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ tránh được tình trạng nhái thương hiệu “Na Chi Lăng”. Đây cũng là cách để địa phương hướng đến việc xuất khẩu na sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch và các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…

Nhằm đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ cho quả na, tỉnh Lạng Sơn vừa tổ chức Ngày hội na Chi Lăng lần thứ hai, năm 2018. Điểm nhấn của Ngày hội na năm nay là tuyên truyền, quảng bá, kết nối tiêu thụ, thúc đẩy trồng na theo mô hình VietGAP, xây dựng chuỗi giá trị na Chi Lăng phát triển bền vững.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)