Thông tin giá cả thị trường số 35/2019

03:09 PM 04/09/2019 |   Lượt xem: 3664 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Phú Yên:

Mía khô hạn do nắng nóng

Nhiều năm qua, cây mía đã góp phần xóa đói, giảm nghèo ở các huyện miền núi Phú Yên. Tuy nhiên, vụ mía này, bà con nông dân và cả nhà máy đều gặp khó do nắng hạn kéo dài.

Nắng hạn gay gắt thời gian qua đã làm cho nhiều diện tích mía ở các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh khô héo. Tại xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) nhiều diện tích mía trồng ở vùng gò đồi khô héo, mía trồng ven sông thì không phát triển. Vùng gò đồi từ xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Ea Ly (huyện Sông Hinh), những rẫy mía khô héo trải dài. Nắng nóng khắc nghiệt khiến cây mía khô lá và chết cháy, mía nhổ lên khô tận rễ. Tại huyện Sơn Hòa, mía là cây trồng chủ lực của người dân miền núi nhưng nắng hạn đã khiến những cánh đồng mía xã Sơn Nguyên, Sơn Hà, Sơn Phước khô trắng. Mía chết hàng loạt, người trồng mía thiệt hại nặng còn nhà máy đường lo lắng sản lượng mía nhập về nhà máy sẽ giảm. Bởi bình quân 1 héc-ta mía trồng mới, đầu tư cày bừa, giống, phân hết 30 triệu đồng; còn mía lưu gốc thì công cuốc cỏ, bón phân đợt 1 hết 7 triệu đồng. Đến thời điểm này, mía tơ chết héo, mía lưu gốc rễ nhiều có sức hơn nhưng bụi nào bụi nấy giống như bụi sả. Nhiều khả năng vụ mới này, nông dân không có mía bán cho nhà máy.

Theo thống kê sơ bộ từ các địa phương, riêng vùng nguyên liệu mía của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, diện tích mía khô héo đã lên đến gần 2.000 héc-ta. Đây là những diện tích không chủ động được nước tưới. Trung bình 1 héc-ta mía, nhà máy đầu tư trước cho nông dân 10 triệu đồng. Nay mía chết, nông dân lo lắng không có tiền trả nợ. Song đáng lo ngại hơn cả là tình trạng này có thể ảnh hưởng đến vụ ép mía. Với diễn biến này, dự báo, lượng mía nhập về nhà máy sẽ giảm 50% so với các niên vụ trước đây. Trước tình hình này, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam tiếp tục có chính sách ưu đãi cho người trồng mía trong vùng nguyên liệu nhà máy về giống, phân bón, đồng thời hỗ trợ đầu tư để mua sắm dụng cụ nông nghiệp nhưng không tính lãi như: Máy bơm nước, giếng khoan, hệ thống tưới nhỏ giọt…

Vùng nguyên liệu mía quy hoạch cho Công ty CP Mía đường Tuy Hòa là 6.000 héc-ta trên địa bàn các huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Tuy An… Tuy nhiên, nắng nóng vừa qua làm cho 1.000 héc-ta bị khô hạn, diện tích còn lại bị nắng hạn đe dọa. Theo Công ty CP Mía đường Tuy Hòa, để ổn định vùng nguyên liệu mía, thời gian tới, công ty đưa chính sách đầu tư là tăng suất đầu tư trồng mới, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh để nông dân có thêm lợi nhuận. Đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân trong việc mua giống chất lượng cao, hỗ trợ phân vi sinh, phân NPK, từ đó bớt gánh nặng cho nông dân.

Thống kê của Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Phú Yên, niên vụ mía 2019 - 2020, nông dân trong tỉnh trồng trên 23.600 héc-ta. Trong đó, nắng hạn làm cho 2/3 diện tích mía bị khô do không có nguồn nước tưới. Phần lớn diện tích trồng mía ở Phú Yên nằm trên đồi cao, canh tác chỉ dựa vào nước trời, trong khi biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, lượng mưa thấp ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng mía. Ở những vùng có điều kiện thuận lợi, mặc dù bà con đã áp dụng biện pháp thâm canh như phân bón, tưới nước để tăng năng suất nhưng vẫn canh tác theo tập quán sản xuất truyền thống nên năng suất chưa cao.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Thanh Hóa:

Liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây chế biến

Trong những năm qua, sản xuất khoai tây phục vụ chế biến đã và đang được Thanh Hóa quan tâm phát triển. Nhiều cơ chế, chính sách nhằm liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân được áp dụng.

Trung tuần tháng 8/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã phối hợp với UBND huyện Nga Sơn, Viện Sinh học Nông nghiệp và Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ khoai tây chế biến và triển khai kế hoạch thực hiện trong vụ Đông Xuân 2019 - 2020 trên địa bàn một số huyện ven biển tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2017 - 2018, mô hình liên kết sản xuất khoai tây chế biến được triển khai với diện tích 75 héc-ta tại huyện Nga Sơn (60 héc-ta) và huyện Hoằng Hóa (15 héc-ta), năng suất trung bình đạt 16,26 tấn/héc-ta, sản lượng thu mua vào nhà máy chế biến trên 1.300 tấn, đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/héc-ta. Chính vì vậy, vụ Đông Xuân 2018 -  2019, mô hình sản xuất khoai tây tiếp tục được triển khai và mở rộng với quy mô 136 héc-ta tại 3 huyện: Nga Sơn, Hoằng Hóa và Nông Cống. Với năng suất bình quân đạt 15,2 tấn/héc-ta, sản lượng 2.070 tấn, tổng thu nhập trên 1 héc-ta đạt trên 100 triệu đồng. Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina chuyển trả tiền cho người dân ngay sau khi nhập khoai nên người dân và hợp tác xã vô cùng phấn khởi, tin tưởng và mong muốn tiếp tục được hợp tác trong những vụ tiếp theo. Bên cạnh đó, các đơn vị cùng phối hợp với nhau trong tuyển chọn giống khoai tây mới vào sản xuất thử, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ kết quả đạt được trong những năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa cùng các đơn vị xây dựng phương án liên kết sản xuất để mở rộng diện tích, tối thiểu từ 200 - 250 héc-ta ở vụ Đông Xuân 2019 - 2020.

Để đạt được kế hoạch đề ra, các địa phương cần bố trí giống, thời vụ trồng hợp lý; tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất; tập trung với quy mô lớn nhằm nâng cao hiệu quả. Đồng thời có các chính sách khuyến khích phát triển và tổ chức tốt công tác dịch vụ sản xuất.

Hậu Giang:

Trúng mùa bắp nếp

Sau nhiều niên vụ mía thu nhập bấp bênh, bà con nông dân ở tỉnh Hậu Giang đã chuyển sang canh tác cây bắp nếp và có thu nhập ổn định hơn trước.

Hiện nay, nông dân huyện Phụng Hiệp đang vào vụ thu hoạch bắp nếp. Vụ này, thời tiết thuận lợi cho cây bắp phát triển, trái đạt chất lượng, giá bán cao nên nông dân có lãi. Bắp nếp được các nông hộ ở huyện Phụng Hiệp chọn trồng thường là các giống cao sản, khoảng 65 - 70 ngày là cho thu hoạch để tranh thủ sản xuất được 3 vụ/năm. Bắp nếp là loại nông sản rất dễ trồng phù hợp với mọi loại đất, kể cả đất xấu. Đặc biệt, ở những khu vực trồng mía của huyện Phụng Hiệp năm nay do giá mía khá rẻ nên nông dân đã chuyển đổi sang trồng bắp nếp. Vụ này, năng suất dao động từ 2.000 - 2.500 trái/công, được thương lái thu mua bình quân ở mức 28.000 - 30.000 đồng/chục (14 trái). Với mức giá này, sau khi trừ hết chi phí, bà con nông dân lãi hơn 4 triệu đồng/công/vụ. Chính vì vậy, hiện nay, nhiều hộ dân trồng mía thua lỗ đã chuyển sang trồng bắp.

Điểm đặc biệt là cây bắp nếp có thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi trồng đến thu hoạch chỉ mất khoảng 65 ngày. Bà con khi thu hoạch xong là trồng lại để có bắp bán quanh năm. Một năm có thể trồng được 3 vụ, cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/công/năm.

Theo thống kê, vụ này, huyện Phụng Hiệp xuống giống được 643héc-ta bắp nếp, đến nay đã thu hoạch được hơn 80% diện tích.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Bình Thuận:       

12 hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ thanh long an toàn

Toàn huyện Hàm Thuận Bắc có 22 hợp tác xã (HTX) hoạt động trên các lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp. Trong số đó có 12 HTX thanh long liên kết sản xuất tiêu thụ trái thanh long an toàn với diện tích 402 héc-ta. Theo đó, HTX thanh long Thuận Tiến có các hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp trong nước để xuất thanh long đi châu Âu 100 tấn/năm. HTX thanh long sạch Hòa Lệ liên kết với Công ty TNHH Màu xanh Vĩnh Cửu xuất thanh long đi Mỹ với sản lượng 120 tấn/tháng; từ tháng 3/2018 còn liên kết với Công ty THHH Giasaka Nhật Bản tiêu thụ thanh long vào thị trường Nhật với sản lượng 30 tấn/tháng.

Ngoài ra, thanh long còn được chế biến thành rượu vang bằng công nghệ hiện đại tại HTX thanh long Hàm Đức, sản lượng trung bình 75.000 lít/năm và đang tiếp tục mở rộng quy mô, nâng chất lượng và sản lượng chế biến nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng…

Vĩnh Long:

Giá lúa cánh đồng mẫu lớn cao hơn 500 đồng/kg

Hiện bà con nông dân huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long đã thu hoạch dứt điểm lúa Hè Thu, ước năng suất bình quân 6,16 tấn/héc-ta. Vụ Hè Thu năm nay, giá lúa duy trì ở mức thấp. Thương lái mua tại ruộng đối với lúa IR50404 từ 4.000 -  4.100 đồng/kg; lúa hạt dài OM 5451 giá từ 4.300 - 4.400 đồng/kg.

Vụ Hè Thu 2019, nông dân trong huyện tiếp tục sản xuất lúa cánh đồng mẫu với tổng số 3.500 héc-ta. Đặc biệt, giá lúa thương lái thu mua tại ruộng cao hơn lúa sản xuất ngoài mô hình 500 đồng/kg.

Ngư dân trúng đậm ốc xoắn, sò bi

Tuần qua, nhiều tàu thuyền của bà con ngư dân ở các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa... liên tiếp trúng đậm ốc xoắn và sò bi với số lượng lớn tại vùng biển Hà Tĩnh, cách bờ khoảng 2 - 3 hải lý. Bình quân mỗi ngày có 25 - 30 tàu thuyền các loại, mỗi tàu đánh bắt được từ 1,2 - 3 tấn ốc xoắn, sò bi, vào cập bến cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) bán với giá dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Ngay sau đó, các thương lái huy động ô tô tải đến tận bến cảng thu mua hết tại chỗ, vận chuyển vào các tỉnh miền Nam tiêu thụ. Ốc xoắn thường được sử dụng để chế biến làm thực phẩm, còn sò bi chủ yếu làm thức ăn cho tôm hùm. Việc liên tiếp trúng đậm ốc xoắn, sò bi và bán được giá không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể, mà còn tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động khác trên bờ.

Bến Tre:

Giá dừa khô tăng trở lại

Sau một thời gian dài giảm xuống ở mức thấp, giá trái dừa khô ở tỉnh Bến Tre hiện tăng bình quân 20.000 đồng/chục 12 trái so với cách nay khoảng 2 tuần. Hiện dừa khô được nông dân bán ngay tại vườn cho thương lái đang ở mức 50.000 - 55.000 đồng/chục; giá thu mua tại nhiều doanh nghiệp và cơ sở chế biến dừa xuất khẩu trong tỉnh ở mức 60.000 - 70.000 đồng/chục. Riêng dừa trồng theo mô hình hữu cơ được một số doanh nghiệp thu mua ở mức 75.000 - 80.000 đồng/chục. Giá tăng do nhiều đơn vị, doanh nghiệp và tiểu thương đẩy mạnh thu mua phục vụ sản xuất các sản phẩm xuất khẩu và thời điểm này nguồn cung dừa khô nguyên liệu tại nhiều địa phương trong tỉnh cũng giảm. Nguyên nhân do trước đó giá thấp, nhiều nhà vườn trồng dừa không đầu tư đúng mức cho vườn dừa; một số diện tích dừa bị lão hóa người dân đốn bỏ để chuyển sang các loại cây ăn trái khác hiệu quả hơn.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Thái Bình:

Không thả ngao giống trong mùa mưa bão

Chi Cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình khuyến cáo người nuôi không thả lại ngao giống trong thời gian ngao chết và mùa mưa bão.

Toàn tỉnh Thái Bình hiện có 3.100 héc-ta diện tích nuôi ngao bãi triều thuộc hai huyện ven biển. Trong đó, huyện Tiền Hải 1.800 héc-ta, huyện Thái Thuỵ 1.300 héc-ta. Tuy nhiên, thời gian qua, tại huyện Tiền Hải xuất hiện tình trạng ngao chết trên diện rộng. Tỷ lệ chết trên 70% tập trung chủ yếu là cỡ ngao giống (trên 1.000 con/kg), bãi nuôi cao, chất đáy có tỷ lệ cát trên 80%. Cơ quan chuyên môn nhận định, nguyên nhân gây chết ngao là do sốc độ mặn kết hợp với thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, dẫn đến ngao chết hàng loạt.

Chi Cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi khẩn trương thu gom vỏ ngao chết, chôn lấp đúng nơi quy định. Đồng thời, vệ sinh mặt bãi, vây lưới để hạn chế ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Khuyến cáo người nuôi không thực hiện việc thả lại ngao giống trong thời gian ngao chết và mùa mưa bão (tháng 8 - 9 dương lịch). Khi điều kiện môi trường thuận lợi (tháng 10 dương lịch) tiến hành cải tạo, vệ sinh bãi nuôi bắt đầu thả lại giống mới theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển nuôi ngao theo hướng hàng hóa đó là tạo vùng sản xuất phù hợp, thuận lợi nhất cho các hộ nuôi. Ngao Thái Bình đã trở thành thương hiệu và được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và châu Âu. Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên ven biển, bên cạnh phát triển nuôi ngao thương phẩm, tỉnh cũng phê duyệt đề án phát triển sản xuất ngao giống giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Phân biệt sâm Ngọc Linh thật - giả

Trước những giá trị về kinh tế do cây sâm Ngọc Linh mang lại, thời gian gần đây đã có không ít sâm giả trà trộn khiến người tiêu dùng khó phân biệt. Đặc biệt, sâm ngọc linh và củ tam thất có hình dáng bên ngoài rất giống nhau. Hầu hết khách hàng không có kinh nghiệm và hiểu biết chuyên sâu về sâm Ngọc Linh sẽ rất khó phân biệt được hai cây thuốc này. Do đó, các tay buôn thường sử dụng củ tam thất để trà trộn, giả mạo thành sâm Ngọc Linh. Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để nhận biết sâm ngọc linh giả và thật là dựa vào hương vị. Vì vậy, khi mua sâm ngọc linh bà con nên bẻ 1 ít để nếm thử. Nếu là sâm Ngọc Linh thật sẽ đắng gắt nhưng càng ăn (sau 10 – 15 phút) sẽ thấy vị ngọt thanh, ngọt lâu ở cổ. Khi nhai thấy chắc sâm, giòn sâm, không có xơ, càng ăn càng ngọt. Nếu là sâm ngọc linh giả: Khi ăn thấy sồn sột, dai, có nhiều xơ, khi bẻ ra thì thấy xơ. Khi nhai không có cảm giác giòn, không có vị đắng mà vị ngái. Ăn xong 1 lúc thấy ngái ở cổ, nóng cổ, rát cổ như bị ho, bị viêm amidan…

Cách nhận biết thứ hai là qua vỏ sâm. Vỏ ngoài của củ sâm Ngọc Linh bao giờ cũng mỏng và nhẵn, không xù xì. Khi rửa sạch củ có màu vàng nâu hoặc màu xanh xám. Khi cắt lát củ sâm, sâm Ngọc Linh bên ngoài da màu vàng nâu thì bên trong thường là màu vàng và có lõi vàng hoặc pha màu tím nhạt. Nếu củ sâm bên ngoài da màu xanh xám thường thì ruột bên trong có màu hơi tím, lõi cũng có màu tím. Trong khi đó, sâm ngọc linh giả thường rất dày, sờ vào thấy bì bì, nhìn xa giống màu gia tê giác. Tam Thất khi cắt lát nhìn trắng phếu, đôi khi có pha chút màu tím trong lõi.

Cách nhận biết tiếp theo là cầm củ sâm lên tay để ước lượng trọng lượng. Sâm ngọc linh thật cầm rất chắc tay cảm giác như cầm 1 cái rễ cây chắc chắn, nhìn củ bé nhưng cân rất nặng. Sâm ngọc linh giả cầm xốp tay như cầm khúc gỗ, nhìn thì to nhưng cân rất nhẹ.

Cuối cùng, bà con có thể nhận biết sâm ngọc linh giả và thật qua mùi đất. Vì mọc tự nhiên trên đỉnh núi Ngọc Linh nên sâm Ngọc Linh luôn có mùi nồng nồng của đất mùn trên núi đá. Còn các loại sâm giả mọc chủ yếu ở đất Feralit đỏ vàng hoặc nâu nên nếu khách mua để ý, hoàn toàn có thể cạy được những loại đất này bám trên ngóc ngách của củ sâm. 

HÀNG VIỆT

Đồ dùng học tập phục vụ năm học mới:

Dành trọn niềm tin cho hàng Việt

Hồng Hà, Thiên Long, Hải Tiến, Bến Nghé, Vĩnh Tiến… là những cái tên quen thuộc trên thị trường đồ dùng học tập trong nước từ rất nhiều năm nay. Không chỉ phục vụ các thành phố lớn, sản phẩm của các công ty này giờ đã có mặt ở hầu hết các huyện vùng cao, phục vụ nhu cầu học tập ngày càng cao của học sinh con em đồng bào DTTS.

Đa dạng mẫu mã, chất lượng

Với những cải tiến về công nghệ, đồng thời đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng… hàng hóa của các công ty sản xuất đồ dùng học tập trong nước đến nay đều có mẫu mã khá bắt mắt, chất lượng. Đặc biệt, các doanh nghiệp đều hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, với các sản phẩm tiêu biểu như: Đèn chống cận thị, hộp bút làm từ nguyên liệu nhựa không độc hại với môi trường; cặp siêu nhẹ chống vẹo cột sống...

Bên cạnh đó, để phục vụ được số lượng khách hàng lớn, việc tiếp cận các thị trường tỉnh lẻ, các huyện vùng sâu, vùng xa cũng được nhiều doanh nghiệp triển khai. Đến nay, hầu hết các tên tuổi lớn trong lĩnh vực đồ dùng học tập đều có đại lý tại các tỉnh, các huyện trên toàn quốc. Đơn cử như Tập đoàn Thiên Long hiện có 60.000 điểm bán lẻ tại 63 tỉnh, thành. Ngay tại các tỉnh miền núi như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái… sản phẩm bút bi của Thiên Long cũng có mặt ở hầu hết các cửa hàng văn phòng phẩm.

Đặc biệt, với hệ thống trải dài từ bắc vào Nam, các công ty cổ phần sách và thiết bị trường học đã xây dựng nhiều cửa hàng quy mô, bày bán đa dạng các sản phẩm phục vụ cho năm học mới. Tại đây, các phụ huynh có thể tìm mua cho con em từ sách giáo khoa, sách tham khảo, sách hướng dẫn… đến các loại bút, cặp, thước, giấy kiểm tra, dụng cụ đựng bút… mà không phải lo lắng về giá cả và chất lượng. Bởi thực tế, qua nhiều năm phân phối đồ dùng trường học, các công ty cổ phần sách và thiết bị trường học được ghi nhận là đơn vị uy tín trong việc cung cấp đồ dùng chất lượng, sản xuất bởi các doanh nghiệp có tiếng.

Chị Lò Thị Phương, ở bản Hôm, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La cho biết: “Tôi hay chọn mua sách tại cửa hàng của Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Sơn La vì các cuốn sách đều có dán tem của Nhà xuất bản Giáo dục, chất lượng đảm bảo, bán đúng giá in trên bìa”. Giống như chị Phương, nhiều phụ huynh ở các tỉnh như Cao Bằng, Yên Bái, Hà Giang…cũng bày tỏ niềm tin với các đồ dùng học tập được sản xuất bởi các doanh nghiệp trong nước và được phân phối bởi Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học…

Thương hiệu Việt lên tới các bản xa

Thực tế, những điểm bán hàng văn phòng phẩm, thiết bị, đồ dùng học tập quy mô của các doanh nghiệp đa phần chỉ dừng lại ở các trung tâm huyện. Trở về tuyến xã, đồ dùng học tập được bán khá lèo tèo tại một vài cửa hàng ở chợ trung tâm xã, các chợ phiên… và cũng chỉ dễ tìm mua ở các xã tập trung đông dân cư. Với các xã vùng sâu, vùng xa… các thầy cô đều phải xoay mọi cách để học sinh có đủ đồ dùng học tập phục vụ năm học mới. Đáng ghi nhận là, số lượng có thể không nhiều, nhưng các sản phẩm được chọn lựa cho các em đều là hàng Việt Nam.

Thầy giáo Lý A Phông, dạy lớp 1, Trường Tiểu học Trung Sơn 1, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ cho biết: “Trường của tôi cách trung tâm xã 16km, trung tâm huyện hơn 30km, học sinh đều là con em đồng bào dân tộc Mông… nên việc mua đồ dùng học tập cho học sinh, các phụ huynh đều “phó thác” cho các thầy cô giáo”. Chính vì vậy ngay sau khi nghỉ hè, thầy cô đã phải chủ động tìm hiểu xem học sinh năm học mới là bao nhiêu, từ đó đăng ký số lượng sách, vở, bút, thước, tẩy cần thiết rồi đặt hàng với các đại lý bán đồ văn phòng phẩm ở ngoài huyện để kịp có sách khi năm học mới bắt đầu. “Tiền mua sách tạm thời thầy ứng trước, khi nào dư dả phụ huynh sẽ chuyển lại cho thầy. Chất lượng đồ dùng như thế nào cũng do thầy lựa chọn. Cơ bản, các em sử dụng chủ yếu là sách tiếng Việt và sách Toán, các loại sách nâng cao hầu như không phải mua, nên chi phí cho mỗi học sinh cũng chỉ khoảng 150.000 - 200.000 đồng” – thầy Phông cho hay.

Do số lượng tiêu thụ không nhiều, nên các đại lý ở những huyện vùng xa, điều kiện kinh tế chưa phát triển, thường nhập về các loại đồ dùng phổ biến, chất lượng trung bình để phục vụ học sinh - chủ yếu vẫn là sản phẩm có giá phải chăng của Hồng Hà, Thiên Long, Bến Nghé… Những sản phẩm công nghệ mới với giá bán vài trăm đến cả triệu đồng như: đèn bàn chống cận thị, ba lô chống cong vẹo cột sống... hầu như không thấy xuất hiện tại các địa bàn này.