Thông tin giá cả thị trường số 36/2016

07:43 PM 26/12/2016 |   Lượt xem: 4657 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Hà Giang: Kết nối cung cầu, tiêu thụ cam sành

Mới đây, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam sành, niên vụ 2016 - 2017, nhằm quảng
bá thương hiệu cam sành Hà Giang và kêu gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam sành bền vững.

Cây cam - cây trồng thế mạnh của địa phương

Hà Giang là vùng cam lớn nhất trong khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Với chất lượng thơm, ngon đặc trưng, cam sành Hà Giang luôn là sự lựa chọn số một của người tiêu dùng. Cây cam được coi là một trong những cây chủ lực của tỉnh, được đầu tư phát triển tập trung, nhằm tạo thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Sự phát triển cam, quýt ở Hà Giang cũng rất thăng trầm. Những năm 2000, diện tích cam, quýt đạt hơn 8.000 héc-ta, sản lượng khoảng 32.500 tấn. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến 2012, giống cây ăn quả truyền thống của tỉnh vùng cao bị thoái hóa, giảm cả về diện tích, chất lượng, chỗ đứng trên thị trường. Thực trạng đó khiến tỉnh Hà Giang thực hiện các giải pháp nhằm lấy lại vị thế vùng cam truyền thống… Từ năm 2013 đến nay, cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã chỉ đạo tập trung phục hồi, phát triển vùng cam sành hàng hóa và sản xuất cam theo quy trình VietGAP. Đặc biệt, cây cam trở thành 1 trong 5 cây, con chủ lực của địa phương để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020. Bên cạnh đó, Hà Giang có nhiều chính sách cụ thể đối với cây cam, như: Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư thâm canh vườn cam theo quy trình VietGAP, với mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa 80 triệu đồng/héc-ta; hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở bảo quản cam với mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa 500 triệu đồng/dự án... Đến nay diện tích cam toàn tỉnh Hà Giang đạt trên 7.900 héc-ta. Trong đó, trên 1.400 héc-ta cam sản xuất theo quy trình VietGAP. Đồng thời, Hà Giang đã có định hướng ổn định diện tích cam đến năm 2020 cùng sản lượng cam toàn tỉnh đạt 50.000 – 80.000 tấn/năm...

Xúc tiến quảng bá, tìm kiếm thị trường

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết, thông qua hội nghị sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn trong công tác giữ thương hiệu cam sành Hà Giang, xúc tiến quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường. Ông Tiến nhấn mạnh, những năm qua, nhằm phục hồi vị thế cây cam sành, tỉnh Hà Giang đã tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển vùng cao, gắn với việc triển khai các chính sách hỗ trợ về vốn cho người trồng cam, trong đó tập trung hỗ trợ những vườn cam sản xuất theo quy trình VietGAP. Hội nghị lần này cũng nhằm kêu gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam sành bền vững.

Đại diện các bộ, ngành Trung ương đóng góp ý kiến cho tỉnh trong việc xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Bà Hoàng Thị Lệ Hằng, Phó Viện trưởng Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, cam sành Hà Giang hiện phải cạnh tranh với nhiều thương hiệu nổi tiếng khác, bao hàm cạnh tranh về giá, quảng bá sản phẩm, xúc tiến tiêu thụ. Nếu không có chiến lược phát triển kinh doanh, cam Hà Giang sẽ khó đứng vững trên thị trường. Trên cơ sở đó, Viện Nghiên cứu rau quả gợi ý cho Hà Giang những giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và bảo quản, về giống, sản xuất, thu hái, bảo quản… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường. Nhân dịp này, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trao giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành Hà Giang. Theo đó, khu vực địa lý gồm các xã thuộc 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, ông Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và người trồng cam cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết thị trường, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm cam sành trên thị trường. Mặt khác, các địa phương tiếp tục rà soát quỹ đất, cơ chế, chính sách nhằm giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi...

MUA GÌ

Phú Yên: Nhu cầu tôm hùm giống tăng cao 12345

Do tôm hùm ở Phú Yên chết hàng loạt trong đợt lũ vừa qua nên hiện nhu cầu tôm giống tăng cao. Trong khi đó, giá tôm hùm giống đã tăng lên khoảng 20.000 - 40.000 đồng/con so với năm trước. Hiện tôm giống khai thác tại địa phương có giá khoảng 350.000 - 360.000 đồng/con. Giá tôm hùm giống nhập khẩu từ Philippines về có giá từ 320.000 - 340.000 đồng/con. Đợt mưa lũ vừa qua, các vùng nuôi tôm hùm bị ngọt hóa khiến tôm nuôi chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Vì vậy, vụ tôm năm nay, người nuôi đang cần một lượng lớn tôm hùm giống thay cho số lượng tôm đã chết. Do nhu cầu con giống đang tăng nên nhiều ngư dân ở các địa phương ven biển chuẩn bị ngư lưới cụ để khai thác tôm hùm giống. Tuy nhiên, nguồn tôm hùm giống cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60 - 80%.

Hậu Giang: Giá mít Thái giảm mạnh

Nhiều nhà vườn trồng mít Thái ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, nếu như ở thời điểm tháng 9 giá tăng trên 20.000 đồng/kg thì hiện nay mít Thái loại 1 được thương lái cân tại vườn chỉ còn 8.000 đồng/kg, loại 2 có giá 4.000 đồng/kg, giảm khoảng 3 lần so với trước. Nguyên nhân giá mít Thái giảm mạnh là do thị trường mít sấy ế ẩm và ở thời điểm này một số loại cây ăn trái khác đang bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, do mít Thái là loại cây trồng cho trái quanh năm nên khi giá giảm mạnh vẫn không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của nhà vườn. Theo thống kê, với diện tích 1.000 m2 nhà vườn có thể trồng 200 gốc mít Thái, sau 1 năm chăm sóc có thể cho trái, mít càng lớn tuổi thì năng suất trái càng tăng cao. Trung bình mít trên 3 năm tuổi có thể thu hoạch được 4 tấn trái mỗi năm.

Đồng bằng sông Cửu Long: Khô cá lóc tết vào mùa

Tết nguyên đán đang đến gần, thời điểm này các hộ dân chuyên làm nghề sản xuất khô cá lóc nổi tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long như làng khô Chợ Mới, Thoại Sơn (An Giang), làng khô Tam Nông (Đồng Tháp), làng khô ở Thới An Đông (TP. Cần Thơ) đang tranh thủ thu mua nguyên liệu cá để chế biến làm khô phục vụ thị trường Tết Đinh Dậu 2017.

Theo các hộ sản xuất khô truyền thống, năm nay giá cá lóc rẻ, khoảng 23.000 - 25.000 đồng/kg, nguồn nguyên liệu dồi dào. Trung bình khoảng 3 – 3,5kg cá lóc tươi sẽ cho ra 1kg khô cá lóc và phải phơi từ 3 – 4 nắng mới xuất bán. Trung bình mỗi ngày, các hộ cung cấp ra thị trường từ 30 – 40kg khô cá lóc, giá dao động từ 130.000 – 150.000 đồng/kg, giảm khoảng 20.000 - 50.000 đồng/kg so với thời điểm năm rồi.

Ngoài khô cá lóc, năm nay các hộ sản xuất cũng tranh thủ cho ra thị trường khô cá sặc rằn, khô cá chạch đồng, khô cá trê, khô nhái, khô cá tra phồng, giá từ 150.000 – 350.000 đồng/kg tùy loại, tăng khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Bến Tre: Rơm cuộn cho bò ăn tăng giá

Theo nhiều gia đình nuôi bò ở Bến Tre, gần 2 tháng nay, rơm cuộn cho bò ăn có giá từ 30.000 - 55.000 đồng/cuộn (mỗi cuộn khoảng 14kg - 15kg). Trước đây, giá rơm chỉ khoảng 22.000 - 24.000 đồng/cuộn. Đây là lần đầu tiên rơm cuộn tăng giá kỷ lục như vậy. Thậm chí, một số gia đình không đi mua được, lái rơm chở đến tận nhà bán với giá 55.000 đồng/cuộn. Dù giá rơm cao nhưng bà con nông dân cũng phải mua vì trồng cỏ và rơm nhà không đủ cho đàn bò ăn.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri, sở dĩ người dân nuôi bò phải mua rơm cuộn giá cao cho bò ăn vì năm nay, Bến Tre chủ động chuyển đổi mùa vụ lúa từ 3 vụ sang 2 vụ để tránh ảnh hưởng của hạn mặn, nên người nuôi bò thiếu rơm phải mua rơm cuộn ở các tỉnh khác.

MUA GÌ

Khánh Hòa: Bí đỏ mất mùa, người trồng gặp khó

Xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa là vựa bí đỏ ở Khánh Hòa. Bí trồng ở đây chất lượng rất ngon, dẻo, béo, được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên những năm gần đây, việc trồng bí đỏ của người dân rất bấp bênh, được mùa thì mất giá, còn được giá lại mất mùa. Vụ bí đỏ năm nay mất mùa nên giá ở thời điểm đầu vụ tăng mạnh, dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, một số hộ thu hoạch sớm có mức lãi khá. Tuy nhiên giá đó chỉ giữ được 20 - 30 ngày, sau đó bí đỏ vào mùa thu hoạch rộ khoảng đầu tháng 10 đến nay, giá đã hạ xuống, chỉ còn 3.600 - 3.700 đồng/kg. Với giá hiện tại so với năm ngoái là gấp đôi, tuy nhiên tính chi phí người trồng bí đỏ vẫn không lãi mấy.

Vụ bí đỏ năm nay toàn xã trồng 200 héc-ta, giống 2 mũi tên đỏ. Đến nay, bà con đã thu hoạch được 2/3, dự kiến vụ bí sẽ kết thúc khoảng 20 - 30 ngày nữa.

Lâm Đồng: Dự báo sẽ khan hiếm hoa Tết

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Lâm Đồng, diện tích hoa Tết toàn tỉnh năm nay vào khoảng 2.000 héc-ta, tương ứng với gần 1 tỷ cành, tập trung nhiều nhất tại TP. Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đức Trọng và một phần của huyện Đơn Dương.

Đến nay chưa có con số thống kê cụ thể diện tích hoa tết khi xuống giống gặp mưa bị thiệt hại, hư hỏng. Tuy nhiên, theo người dân tại các vùng trồng hoa tết ngoài trời của các huyện Đức Trọng, Lạc Dương, diện tích hoa tết trồng đúng vào thời điểm gặp mưa lớn gây hư hỏng tương đối nhiều. Thời tiết bất lợi, người trồng hoa tết trong tỉnh gặp khó khăn ngay từ thời điểm xuống giống. Hiện nhiều diện tích hoa trồng ngoài trời lại phát triển nhanh quá mức cần thiết vì gặp mưa kéo dài. Trong khi đó, vừa qua dọc các tỉnh miền Trung, nơi cung cấp một lượng đáng kể hoa cho thị trường tết như Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi… vẫn đang phải gánh chịu cảnh mưa lũ, nhiều vùng trồng hoa tết tại các tỉnh này đã bị hư hỏng, mất trắng, do đó nhiều khả năng thị trường hoa tết năm nay sẽ khan hiếm.

Long An: Thanh long ruột đỏ bán chạy

Thanh long ruột đỏ ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An hiện đang tiêu thụ mạnh. Do vậy, nhiều thương lái phải đến tận vườn đặt cọc từ 30 - 40% tổng giá trị lượng hàng muốn mua để “giữ chỗ”, sợ nhà vườn bán cho người khác. Nhiều nhà vườn cho biết, dù thanh long mới có bông, còn một tháng nữa mới thu hoạch, nhưng các thương lái đã có mặt tại vườn để thỏa thuận giá mua trung bình là 37.000 đồng/kg, đặt cọc trước 40% giá trị. Đặc biệt, năm nay giá thanh long ruột đỏ luôn ổn định trên 30.000 đồng/kg nên nhà vườn nào cũng có lãi. Thực tế, năm nào đến cận Tết Nguyên đán, nhu cầu thanh long ruột đỏ cũng tăng đột biến. Do vậy, ngay từ bây giờ, nếu các thương lái không trực tiếp xuống gặp nông dân thỏa thuận giá và đặt cọc, sẽ khó tìm được hàng bán trong dịp tết. Theo tính toán của các nhà vườn, với giá dao động từ 36.000 - 40.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi héc-ta thanh long ruột đỏ người dân lãi từ 200 - 250 triệu đồng.

Tiền Giang: Giá ớt xuất khẩu tăng cao

Tỉnh Tiền Giang có gần 1.000 héc-ta ớt với các giống ớt Sen Hồng 09, Chánh Phong, Đồng Tiền, An Phú Nông… Ớt dù mất mùa nhưng được giá nên đa số nông dân trồng ớt trong tỉnh đều có thu nhập khá.
Giá ớt tại tỉnh Tiền Giang được đang thương lái thu mua tại ruộng với giá từ 70.000 – 72.000 đồng/kg, cao hơn 2 lần so với tháng trước. Đây cũng là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Giá ớt thời điểm hiện nay tăng cao do nhu cầu xuất khẩu sang thị trường các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia tăng mạnh; trong khi diện tích và năng suất sụt giảm do thời tiết bất lợi...

LƯU Ý CẢNH BÁO

Niên vụ 2016 - 2017: Sản lượng cà phê sẽ giảm

Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VIFOCA), sản lượng cà phê Việt Nam trong niên vụ mới 2016 - 2017 dự báo sẽ giảm 20 - 25% so với vụ trước do tác động của El-Nino.

Giá cà phê có xu hướng tăng vào cuối vụ

Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch VIFOCA cho biết, trong năm 2016, xuất khẩu cà phê dự kiến có thể đạt gần 3,5 tỷ đô-la Mỹ, tương đương với khoảng 1,8 triệu tấn cà phê xuất khẩu. Riêng về cà phê chế biến, trong niên vụ 2015 - 2016, cả nước xuất khẩu được gần 86,5 ngàn tấn, với kim ngạch 325 triệu đô-la Mỹ, tăng 28,4% về lượng nhưng chỉ tăng 10,3% về kim ngạch so với niên vụ trước. Cũng theo ông Lương Văn Tự, Trung Quốc đang là một trong những thị trường quan trọng nhất của cà phê chế biến Việt Nam. Trước đây, người Trung Quốc chủ yếu uống trà, ít tiêu dùng cà phê. Nhưng những năm qua, tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc đang tăng nhanh nhờ lớp người tiêu dùng trẻ, tiếp cận nhiều với văn hóa phương Tây. Gu cà phê hòa tan của người Trung Quốc là thích có đường và sữa. Nhờ đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc các loại cà phê hòa tan.

Về mặt giá cả, nếu như trong 6 tháng đầu năm 2016, giá cà phê chỉ dừng ở mức 30.000 - 32.000 đồng/kg thì đến cuối vụ giá cà phê đã tăng vọt, có thời điểm lên đến trên 45.000 đồng/kg. Giá cà phê có sự biến động khá lớn, không chỉ phụ thuộc vào cung – cầu thế giới mà còn chịu tác động của nhiều yếu tố khác. Với mức giá cà phê nhân xô hiện nay đạt trên 42.000 đồng/kg, bà con nông dân rất phấn khởi.

Mặc dù tình hình xuất khẩu và giá cả hiện tương đối thuận lợi, song doanh nghiệp không nên quá kỳ vọng vào kết quả này. Bởi sản lượng cà phê xuất khẩu tăng trong niên vụ này chủ yếu là do trong niên vụ 2014 – 2015, giá cà phê xuống quá thấp nên nông dân và các nhà xuất khẩu giữ hàng lại, khiến lượng tồn kho chuyển sang khá lớn, lên đến 300.000 tấn. Trong khi đó, sản lượng cà phê thu hoạch trong niên vụ 2016 - 2017 dự báo sụt giảm trên 20%, cộng thêm lượng tồn kho của vụ 2015 - 2016 chuyển sang vụ mới chỉ còn khá ít, khoảng 50.000 - 60.000 tấn sẽ khiến sản lượng xuất khẩu trong năm tới chỉ còn 1,3 - 1,4 triệu tấn, giảm khá mạnh.

Diện tích ngày càng giảm

Theo VIFOCA, trong niên vụ 2016 - 2017, sản lượng cà phê của Việt Nam dự báo giảm trên 20% so với vụ trước, chỉ khoảng 1,3 triệu tấn. Một trong những nguyên nhân chính khiến sản lượng sụt giảm là do tác động tiêu cực của hiện tượng El-Nino mạnh nhất trong 2 thập niên qua. Khô hạn, thiếu nước tưới khiến năng suất cà phê giảm mạnh, từ 30 - 70%. Thậm chí, hàng ngàn héc-ta cà phê ở Tây Nguyên đã mất trắng do hạn hán. Bên cạnh đó, hiện tượng thời tiết cực đoan cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng cà phê trong vụ mới này. Ví như tại Gia Lai, hiện niên vụ mới 2016 - 2017 đã đi được 1/4 chặng đường. Khác với mọi năm, năm nay khu vực này lại liên tục mưa nhiều kèm theo sương mùa sương mù dày đặc khiến bà con nông dân không thu hoạch được cà phê đúng vụ, chất lượng cà phê cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cà phê xuất khẩu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, điều mà VIFOCA lo ngại nhất hiện nay là tình trạng chặt phá cà phê, khiến diện tích cà phê giảm mạnh. Cây cà phê đang bước vào thời kỳ “lão hóa”, năng suất, sản lượng thấp, lợi nhuận không cao. Trong khi đó, giá hồ tiêu cao và tình trạng trồng xen cây ăn quả như bơ, sầu riêng vào vườn cà phê đang lan rộng. Những cây trồng này có lợi nhuận cao hơn nên được nông dân lựa chọn để trồng thay thế cà phê. Trong thời gian qua, hàng trăm héc-ta cao su và cà phê bị người dân Tây Nguyên chặt bỏ để trồng tiêu. Dù việc trồng tiêu ồ ạt sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng nhiều người dân Tây Nguyên bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng địa phương. Điều này có nguy cơ gây mất cân đối quy hoạch cây trồng, dẫn đến khủng hoảng trong cán cân cung - cầu đối với 2 loại cây này trong niên vụ tới. Đặc biệt, nếu không kịp thời khuyến cáo, tình trạng chặt bỏ ồ ạt cây cà phê sẽ phá vỡ quy hoạch cây trồng chủ lực của Tây Nguyên và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển cây cà phê bền vững trong thời gian tới.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Ðức Cơ - Gia Lai: Năng suất cà phê giảm

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Đức Cơ. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 5.200 héc-ta cà phê, chiếm hơn 1/3 tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày, tập trung tại các xã: Ia Din, Ia Lang, Ia Krêl, Ia Kriêng, Ia Nan. Năm nay, giá cà phê tăng cao ngay từ đầu vụ, ở mức khoảng 40.000 đồng/kg, cao điểm tăng lên 44.000 - 45.000 đồng/kg và hiện vẫn đang dao động ở mức 40.000 - 42.000 đồng/kg nhưng bà con vẫn không vui vì năng suất cà phê giảm nghiêm trọng do nắng hạn hồi đầu vụ. Theo khảo sát sơ bộ, năng suất cà phê trên địa bàn huyện năm nay giảm nhiều, thậm chí có nhiều diện tích mất trắng. Nhiều diện tích cà phê bị giảm năng suất 50 - 70% do thiếu nước tưới. Ngoài ra, những diện tích đủ nước cũng bị giảm năng suất 20 - 30%. Ngoài năng suất giảm thì chất lượng cà phê cũng giảm do quả nhỏ, hạt nhỏ, nhiều nhân đơn. Do vậy, trong niên vụ tới, nhu cầu tái canh cà phê trên địa bàn huyện Đức Cơ rất cao. Hiện nay, huyện đã triển khai chương trình hỗ trợ tái canh cà phê nhằm giúp người dân có điều kiện phá bỏ diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp. Trong năm 2017, toàn huyện sẽ tái canh khoảng 200 héc-ta. Những hộ đăng ký tái canh sẽ được hỗ trợ vốn vay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tự mua hạt giống về ươm cấp phát cho người dân, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn và tập huấn, chuyển giao quy trình tái canh cho người dân… góp phần nâng cao chất lượng, năng suất cà phê trên địa bàn trong thời gian tới.

Ninh Thuận: Sản lượng hành tím giảm

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua khiến hàng trăm héc-ta hành tím ở Ninh Hải (Ninh Thuận) bị thiệt hại nghiêm trọng, sản lượng giảm một nửa so với các vụ trước.Các hộ trồng hành tím tại huyện Ninh Hải cho biết, diện tích hành tím đang chuẩn bị cho thu hoạch thì gặp mưa lớn kéo dài khiến củ hành bị thối. Vì vậy, sản lượng hành giảm hơn so với các vụ trước. Nhiều hộ trồng hành hiện đang đứng ngồi không yên bởi năng suất, giá thành giảm, nông dân lâm vào cảnh trắng tay. Vụ hành năm trước, sản lượng hành đạt 2 tấn/sào, giá xuất bán bình quân 20.000 – 25.000

đồng/kg. Năm nay, thời tiết mưa bất thường kéo dài khiến diện tích hành tím bị ngập úng hết. Mặc dù một số hộ gia đình đã thuê nhân công để thu hoạch hành ngay sau khi nước rút, nhưng ước tính sản lượng chỉ còn khoảng một nửa. Nhiều hộ diện tích hành bị ngập nặng nề. Toàn bộ củ, lá hành bị thối không ai mua nên phải nhổ lên vứt bỏ. Hiện nay, nhiều hộ gia đình đã vay tiền ngân hàng, người thân… để trồng hành đều lâm vào tình cảnh thất thu, không có tiền để trả nợ. Trong khi đó, thương lái cũng từ chối không thu mua do hành xấu, củ nhỏ.

Theo Ủy ban nhân dân xã Nhơn Hải, qua thống kê sơ bộ đã có 120 héc-ta diện tích hành tím bị thiệt hại tỷ lệ 100% và 30 héc-ta bị thiệt hại từ 50 – 70%. Diện tích bị ngập tập trung tại khu vực thôn Mỹ Tường 1, Mỹ Tường 2 và Khánh Phước.
 

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Xoài cát Hòa Lộc mất mùa

Dự báo nguồn xoài cát Hòa Lộc phục vụ thị trường tết năm nay sẽ không dồi dào như các năm trước do các nhà vườn ở nhiều địa phương vùng Ðồng bằng sông Cửu Long bị mất mùa.

Nguyên nhân do xoài vừa được xử lý ra hoa gặp phải mưa dầm kéo dài khiến trái non bị rụng hoặc không thể đậu trái. Tại tỉnh Hậu Giang, thiệt hại do vụ xoài tết không đậu trái ước lên đến hàng chục tỷ đồng. Các nhà vườn trồng xoài ở đây cho biết, xoài cát Hòa Lộc là loại cây rất khó đậu trái khi gặp thời tiết bất lợi, nhất là gặp mưa dầm. Trong khi đó vào đầu tháng 9 âm lịch, khi bà con vừa xử lý cho xoài ra bông thì mưa liên tục ập đến khiến cho bông thay vì đậu trái thì nay chỉ trơ ra toàn là cọng.

Với những đợt mưa dầm và kéo dài trong thời gian qua, không chỉ những nhà vườn có ít năm kinh nghiệm với cây xoài cát Hòa Lộc mà ngay cả những nhà vườn có thâm niên gắn bó cùng với loại cây ăn trái đặc sản này hàng chục năm trời cũng phải chịu thua. Chẳng những mất mùa xoài, các nhà vườn ở đây còn mất công sức, chi phí mua phân, thuốc xử lý, chăm sóc cho cây trong suốt thời gian qua.

Xoài cát Hòa Lộc là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Hậu Giang, được trồng tập trung nhiều tại huyện Châu Thành A. Hiện toàn huyện có hơn 820 héc-ta xoài trồng tập trung nhiều tại thị trấn Bảy Ngàn, thị trấn Một Ngàn và xã Tân Hòa. Những năm gần đây, nắm bắt nhu cầu thị trường và để bán được giá cao, các nhà vườn trồng xoài cát Hòa Lộc ở đây chủ yếu xử lý cho cây ra hoa, đậu trái, để có sản phẩm bán đúng vào dịp Noel và dịp tết. Tuy nhiên, năm nay có hơn 300 héc-ta xoài được bà con trong huyện xử lý để thu hoạch trái vào đúng dịp tết. Nhưng do mưa kéo dài đã khiến tỷ lệ đậu trái chỉ đạt từ 50% trở xuống, nhiều vườn thiệt hại trắng. Theo tính toán sơ bộ, năm nay, nếu tính bình quân mức độ thiệt hại khoảng 50% năng suất do mưa dầm, vụ xoài bán trong tết sắp tới các nhà vườn sẽ chịu thiệt hại khoảng 750 tấn xoài.

Yên Bái: Hội thảo giống ngô nếp tím lai Fancy 111

Trạm khuyến nông thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã phối hợp với Công ty Advanta Việt Nam tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả giống ngô nếp tím lai Fancy 111.

Vụ đông xuân 2016 - 2017, nhằm đánh giá lại hiệu quả của giống ngô nếp tím Fancy 111, Trạm khuyến nông thị xã Nghĩa Lộ đã phối hợp với Công ty Advanta Việt Nam tổ chức xây dựng mô hình trình diễn giống ngô nếp tím lai Fancy 111, với diện tích trên 200 mét vuông tại thôn Sang Hán, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ.

Qua theo dõi, đánh giá cho thấy, giống ngô nếp lai Fancy 111 có nhiều đặc tính nổi trội như: Cây ngô sinh trưởng mạnh, chống chịu sâu bệnh rất tốt, thích hợp trên nhiều loại đất, chịu hạn và chịu lạnh tốt; trồng được cả 4 vụ/năm; độ đồng đều bắp cao, tỷ lệ bắp loại 1 chiếm trên 90%. Đặc biệt, giống ngô nếp lai Fancy 111 hạt bắp có màu tím được quy định bởi sắc tố Anthocyanin. Đây là một loại hợp chất hữu cơ tự nhiên, rất có lợi cho sức khỏe con người.

Với những hiệu quả mà cây ngô nếp tím mang lại, hy vọng Nghĩa Lộ sẽ thực hiện có hiệu quả đề án chuyển đổi 30 héc-ta đất lúa sang trồng cây rau màu chuyên canh cho thu nhập cao. Đồng thời, góp phần thay đổi tâm lý, tập quán, thói quen sản xuất lạc hậu của người dân bằng việc áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật mới, đưa giống mới cho năng suất cao hơn vào sản xuất.

Ngô nếp tím Fancy 111 được trồng tại thị xã Nghĩa Lộ từ vụ đông năm 2012 với diện tích 5 héc-ta. Qua 3 vụ trồng, theo hạch toán kinh tế của người dân thị xã cứ 1.000 mét vuông ngô nếp tím/vụ trồng, người dân thu được 3.000 bắp, bán với giá 2.000 - 2. 500 đồng/bắp, cho thu nhập từ 6 – 10 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng ngô nếp thường.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Thanh tra đột xuất các mặt hàng có nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Thông thường, dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thực phẩm sẽ tăng cao. Ðặc biệt, năm nay do yếu tố bất lợi của thời tiết dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong chăn nuôi, trồng trọt và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm.

Trước tình hình này, để tăng cường phòng chống dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp này. Chỉ thị lưu ý các địa phương trên cả nước tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thuỷ sản có nguy cơ cao, tiêu thụ nhiều trong dịp tết như thịt, giò chả, thuỷ sản, rau, quả… để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các đơn vị chức năng sẽ công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để người dân được biết và tránh sử dụng. Các đơn vị, cơ sở cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các tố chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ các quy định đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận an toàn thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm an toàn, địa chỉ bán sản phẩm an toàn để người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn.

Về công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, Bộ cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ ngăn chặn lây lan dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển động vật, sản phẩm động vật bất hợp pháp qua biên giới. Đảm bảo chủ động kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và không để xảy ra bùng phát dịch trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật cần tăng cường kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thanh tra Bộ tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) tổ chức trinh sát, điều tra, thu thập thông tin, phát hiện đường dây, hành vi sản xuất, buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không đúng với quy định, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón khác giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Hỗ trợ công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 306/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số19/2015/TT-BTC ngày 03/2/2015 hướng dẫn về cơ chế huy động, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả. Theo đó, mức kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng kinh phí từ Quỹ là 4.000 đồng/bao 20 điếu, không phân biệt theo giá trị thuốc lá (cao cấp hay thấp cấp). Hỗ trợ thêm 500 đồng/bao 20 điếu cho chi phí tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá giả, khuyến khích sử dụng các biện pháp tiêu hủy không ảnh hưởng đến môi trường và phù hợp với điều kiện của từng địa phương tiêu hủy. Trong mức hỗ trợ 4.000 đồng/bao 20 điếu cho các đối tượng thụ hưởng kinh phí từ Quỹ, trích 200 đồng/bao 20 điếu (5%) hỗ trợ cho Ban chỉ đạo 389 quốc gia, 280 đồng/bao 20 điếu (7%) hỗ trợ cho Ban chỉ đạo 389 địa phương nơi có thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá giả bị bắt giữ, tiêu hủy và 200 đồng/bao 20 điếu (5%) hỗ trợ cho Ban điều hành Quỹ của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam. Số tiền hỗ trợ còn lại dùng để hỗ trợ cho lực lượng trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, kinh doanh thuốc lá giả. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017.

HÀNG VIỆT

Lai Châu: Xây dựng thương hiệu gạo séng cù

Phù hợp thổ nhưỡng, hương vị thơm ngon, séng cù hiện là một trong những loại gạo mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Ðể nâng tầm giá trị, phát triển sản phẩm một cách bền vững, huyện Than Uyên hiện đang phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa và nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này.

Giá trị kinh tế cao

Séng cù là giống lúa tẻ thơm có chất lượng, giá trị kinh tế cao hơn so với nhiều giống lúa khác. Ở Lai Châu, gạo séng cù được trồng nhiều ở các xã: Hua Nà, Mường Cang, Mường Than, Phúc Than (huyện Than Uyên). Hạt gạo có đặc trưng riêng là gạo trắng trong, căng tròn, hương vị đậm đà, hàm lượng dinh dưỡng cao. Từ khi được gieo trồng, séng cù đã nhanh chóng trở thành đặc sản của địa phương và được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Khi đời sống ngày càng phát triển, xu hướng sử dụng các sản phẩm có chất lượng cao sẽ ngày càng lớn, việc sản xuất gạo đặc sản chất lượng cao là điều tất yếu. Chất lượng cao, lợi ích lớn sẽ là tiền đề để huyện Than Uyên có chiến lược mở rộng diện tích trồng lúa séng cù, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân. Đồng thời gìn giữ và phát triển một giống gạo quý.

Theo lời của những người trồng lúa lâu năm, gạo séng cù ở Than Uyên ngon bởi đồng đất nơi đây màu mỡ và khí hậu trong lành. Khoảng 10 năm về trước bà con dân tộc ở huyện Than Uyên đã gieo trồng giống lúa séng cù nhưng chủ yếu trồng để ăn hay làm bánh vào những dịp tết nên cả huyện chỉ có 15 héc-ta, năng suất trung bình đạt 38 – 40 tạ/héc-ta. Sau vài vụ gieo cấy, nhận thấy giống lúa này phù hợp với đồng đất của Lai Châu, chất lượng gạo ngon hơn hẳn các loại khác, người dân đã mở rộng diện tích gieo cấy lúa séng cù để bán ra thị trường. Giá trị hạt gạo séng cù mang lại cho người nông dân là rất lớn bởi giá bán vượt trội hơn hẳn. Cụ thể, hiện nay giá lúa séng cù có giá 14.000 – 15.000 đồng/kg, gạo từ 22.000 – 25.000 đồng/kg (trong khi đó giá lúa thuần chỉ có 9.000 đồng/kg, gạo 13.000 – 14.000 đồng/kg).

Với giá trị vượt trội như vậy, huyện Than Uyên đã có chủ trương xây dựng gạo séng cù trở thành sản phẩm hàng hóa, hướng tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Tuy nhiên, do hiện nay, quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất lúa séng cù hiện chủ yếu vẫn theo thói quen, tự phát và thiếu định hướng, quy mô còn nhỏ lẻ, chất lượng gạo chưa đồng đều nên việc xây dựng gạo séng cù trở thành sản phẩm hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn.

Nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm

Để xây dựng thành công thương hiệu cho sản phẩm, mới đây, huyện Than Uyên đã triển khai Dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển và tạo dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo séng cù Than Uyên”. Vụ mùa năm 2016, huyện Than Uyên đã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng tổ chức quy hoạch vùng sản xuất mô hình lúa hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu chế biến gạo séng cù Than Uyên với quy mô 21 héc-ta ở xã Hua Nà với 176 hộ tham gia. Các hộ được hỗ trợ 100% giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Để mô hình đạt năng suất và chất lượng cao, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Than Uyên phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật; phối hợp với UBND xã Hua Nà chỉ đạo nông dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.

Sau thời gian triển khai dự án, đánh giá của các hộ gia đình cho thấy, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào gieo trồng giống lúa séng cù giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, kiểm soát được sâu bệnh gây hại và năng suất cao hơn. Cách làm này cũng chứng minh là mang lại hiệu quả lớn khi sản lượng thu hoạch cao hơn hẳn cách làm truyền thống.

Tiếp tục nỗ lực xây dựng thương hiệu gạo séng cù Than Uyên, thời gian tới, UBND huyện Than Uyên sẽ sớm xây dựng logo, quy chế quản lý thương hiệu. Đồng thời tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng đánh giá, phân tích, bổ sung kỹ thuật trồng chăm sóc lúa séng cù và chuyển giao đến nông dân; đẩy mạnh tuyên truyền và vận động nhân dân mở rộng diện tích, góp phần phát triển thương hiệu gạo séng cù huyện Than Uyên.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)