Thông tin giá cả thị trường số 36/2018

10:30 AM 06/09/2018 |   Lượt xem: 4271 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Giá mật giảm, người nuôi ong gặp khó

Nhiều năm nay, nghề nuôi ong lấy mật đã phát triển nhanh chóng, tạo thêm việc làm cho bà con. Từ đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân, đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi trung du. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá mật ong giảm mạnh khiến người nuôi ong lao đao.

Tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá mật ong được thương lái thu mua dao động trong khoảng 20.000 đồng/lít khiến người nuôi ong thua lỗ nặng. Trong khi đó, vào thời điểm này năm trước giá mật ong là 35.000 - 37.000 đồng/lít.  Nguyên nhân khiến giá mật ong giảm mạnh là do giá mật ong xuất khẩu giảm, hiện chỉ còn khoảng 27 - 30 triệu đồng/tấn, bằng 50% so với thời điểm năm 2016 nên các doanh nghiệp thu mua mật ong của nông dân với giá rẻ, thậm chí ngừng mua. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 150 hộ nuôi với khoảng 6.000 đàn ong mật, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Đức, Xuyên Mộc. Đây là các địa phương có diện tích cây công nghiệp lâu năm như cao su, cà phê lớn. Mật ong chủ yếu được các thương lái từ Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh thu mua để bán cho các công ty sản xuất mật ong xuất khẩu. Một hộ nuôi ong lâu năm cho biết, mặc dù giá mật ong thường tăng, giảm thất thường nhưng chưa bao giờ ở mức thấp như hiện nay. Do vậy, nhiều nông dân không trụ được đã bỏ nghề. Đơn cử như tại huyện Châu Đức, thời gian cao điểm có khoảng 150 hộ nuôi thì bây giờ chỉ còn 60 - 70 hộ với chưa đến 2.000 đàn ong.

Theo Hội Nuôi ong Việt Nam, trong 2 năm trở lại đây, sản lượng mật ong của Việt Nam giảm từ 50 ngàn tấn/năm xuống còn 30 ngàn tấn/năm. Giá mật ong xuất khẩu cũng giảm mạnh trong 3 năm vừa qua, từ 2.000 đô-la Mỹ/tấn xuống còn 1.300 đô-la Mỹ/tấn. Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, một trong những nguyên nhân khiến giá mật ong Việt Nam xuất khẩu thấp so với các nước khác là do chất lượng mật không đồng đều. Trong đó, một trong những tiêu chí quan trọng là màu mật. Màu mật đẹp hay không do nguồn mật được khai thác từ loại hoa nào, ở vùng nào. Tuy nhiên, nhiều người nuôi ong chưa quan tâm đến vấn đề này mà vẫn di chuyển đàn ong đến các vùng lấy mật dựa theo kinh nghiệm. Để khắc phục vấn đề này, các cơ sở nuôi ong cần liên kết với nhau để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đơn cử như cơ sở Anh Tiến đã liên kết 40 hộ nông dân trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước… Các hộ này sản xuất mật ong theo một quy trình chuẩn duy nhất dưới sự giám sát của cơ sở, có ghi rõ nhật ký về thời gian cho ăn, loại thức ăn, thời gian thu hoạch. Cơ sở sẽ hỗ trợ về vốn sản xuất và cam kết thu mua sản phẩm. Do đó, nông dân không còn lo lắng về đầu ra còn cơ sở sản xuất mật ong chủ động được nguồn sản phẩm có chất lượng cao. Hiện nay, mỗi năm cơ sở xuất khẩu 500 - 700 tấn mật ong sang các thị trường như: Nhật Bản, châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, số hộ nuôi ong đáp ứng được các yêu cầu để mật đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là rất ít.

Nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của mật ong Việt Nam trên thị trường thế giới và tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng mật ong, trung tuần tháng 8/2018, Viện Chăn nuôi Quốc gia phối hợp với Hội nuôi ong Việt Nam và Công ty Syngenta đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng và thúc đẩy xuất khẩu mật ong Việt Nam”. Hội thảo đã đánh giá thực trạng ngành nuôi ong của nước ta hiện nay, bàn về chất lượng và một số giải pháp nâng cao chất lượng mật ong. Đồng thời, thảo luận về bảo tồn đa dạng sinh học trong canh tác nông nghiệp bền vững nhằm hài hòa lợi ích của người nuôi ong và nông dân canh tác các loại cây trồng nông lâm nghiệp. Qua đó, ngành nuôi ong cần có số liệu thống kê chính thức về đàn ong, số người nuôi ong, sản lượng và xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cho mật ong Việt Nam…

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Bình Thuận: Trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao

Đức Linh là huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận. Thời gian qua, mô hình trồng dâu nuôi tằm được áp dụng đã mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.

Với lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm, địa phương đang khuyến khích bà con miền núi phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm theo kỹ thuật và giống mới. Hiệu quả kinh tế được đánh giá cao gấp ba lần so với trồng các loại cây màu truyền thống, giúp người dân nơi đây có cuộc sống ngày một khấm khá hơn. Nhiều hộ gia đình qua một năm chuyển đổi đã có của ăn, của để.

Trên thực tế, trước đây, Đức Linh cũng là vùng trọng điểm trồng cây dâu, huyện từng có hợp tác xã phát triển cây dâu tằm. Tuy nhiên, sau đó việc trồng dâu không còn hiệu quả và hợp tác xã dâu tằm đã giải thể trong thập niên 1990. Gần đây, với giống dâu mới và giống tằm mới cùng với kỹ thuật nuôi hiện đại, nghề trồng dâu nuôi tằm đang có cơ hội phát triển. Giống dâu mới cho nhiều lá, giống tằm mới cũng ít bệnh, dễ nuôi cho kén chất lượng hơn so với giống truyền thống.

Với định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo lợi nhuận cho người dân trên đơn vị diện tích, vừa qua, huyện Đức Linh đã khuyến khích nông dân xã Sùng Nhơn tiên phong phát triển mô hình rồi nhân rộng ra toàn huyện. Trong đó, việc liên kết với doanh nghiệp, ổn định đầu ra cho nông dân là vấn đề then chốt. Đến nay, trên vùng đất Sùng Nhơn, huyện Đức Linh đã có 16 hộ nông dân trồng dâu tằm với khoảng 10 héc-ta. Thời gian qua, giá thu mua kén tơ ổn định từ 150.000 - 180.000 đồng/kg. Trong một năm, mỗi héc-ta dâu nuôi được khoảng 20 hộp tằm giống, thu khoảng 1 tấn kén tơ. Trừ chi phí công cán và tiền giống, nông dân thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.

Bình Thuận: Keo lá liềm bén rễ vùng ven biển

Trên tuyến tỉnh lộ Tà Dôn - Hồng Phong (tỉnh Bình Thuận) nhiều diện tích rừng trồng keo lá liềm đang lên tươi tốt, phủ xanh vùng đất hoang hóa, bạc màu ở nơi khô hạn này.

Đây là những cánh rừng keo lá liềm được công nhân Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú (huyện Hàm Thuận Bắc) trồng trên đất trống, đồi trọc trong mấy năm qua. Đến nay, loại cây này đã bám rễ vùng ven biển và trở thành những dãy rừng phòng hộ chắc chắn chắn gió, chắn cát…

Trước đó, giống mới cây keo lá liềm này được Trung tâm Giống cây trồng Bình Thuận phối hợp Viện Khoa học Lâm nghiệp tìm kiếm, chọn lọc từ những vườn giống trong nước (Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế), trồng thử nghiệm 3 héc-ta bằng những cây trội giống vô tính. Lãnh đạo Trung tâm Giống cây trồng cho biết, loại giống keo lá liềm có khả năng chịu hạn cao, sinh trưởng mạnh trên vùng đất bạc màu của tỉnh. Với thuận lợi đó, Trung tâm đã lần lượt chuyển giao hạt giống, kỹ thuật gieo ươm cây keo lá liềm cho các đơn vị đang quản lý những vùng cát di động, bán di động, khô hạn, nghèo dinh dưỡng…

Màu xanh rừng trồng đang hồi phục dần trên những vùng đất cát. Không dừng ở đó, cây keo lá liềm cũng đang được nhân rộng tới khắp các Ban Quản lý rừng phòng hộ ở Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình của tỉnh. Theo thống kê sơ bộ, diện tích cây trồng này toàn tỉnh gần 2.000 héc-ta.

Tại một hội thảo về trồng rừng tổ chức tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong, các đơn vị tiên phong thực hiện trồng cây keo lá liềm đều cho rằng, loại cây này đang sinh trưởng, phát triển tốt, đạt kết quả khả quan, phù hợp nhiều vùng đất khô hạn, nghèo chất dinh dưỡng ở Bình Thuận. Các Ban Quản lý rừng phòng hộ ở khu Lê (Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc) trồng đến năm thứ ba, thứ tư cây vẫn lên xanh tươi. Riêng ở những vùng đất cát ven biển (Tuy Phong), cây keo lá liềm trồng sống trên 80%, tỷ lệ này khá cao so với các loại cây lâm nghiệp khác trồng ở vùng đất này.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Cà Mau: Tất bật mùa câu mực

Sau những ngày biển động, trên vùng biển Tây Nam của tỉnh Cà Mau, những ngư dân câu mực tại Kênh Hòn, Đá Bạc, Ba Tĩnh, Lung Ranh, Khánh Hội... lại tất bật vào mùa câu mực. Mỗi tối, có hàng trăm phương tiện ra khơi câu mực. Dụng cụ câu mực đêm khá đơn giản gồm: Bóng đèn, bình ắc quy, vợt, cần câu, dây, mồi là con tôm giả đầy màu sắc làm bằng chì hoặc nhựa phản quang. Từ lâu, ngư dân ven biển Tây Nam Cà Mau được nhiều người biết đến là nơi có ghe tàu hành nghề câu mực hùng hậu nhất tỉnh; sản lượng khai thác mực hàng năm lên đến vài chục tấn.

Nghề câu mực không chỉ giúp người dân ven biển Tây Nam Cà Mau có được cuộc sống khấm khá hơn, mà còn giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho gia đình và đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Giá thịt lợn (heo) giảm

Tại các tỉnh phía Bắc, giá thịt lợn hơi trung bình hiện chỉ còn từ 49.000 - 52.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 8. Tại các tỉnh miền Trung và Nam bộ, giá cũng quanh mức 50.000 - 51.000 đồng/kg. Tình hình này đúng như dự báo của những người trong ngành vì hai lý do: Thứ nhất, giá heo hơi đã tăng quá nhanh trong một thời gian tương đối ngắn và tăng cao hơn đáng kể so với nhiều nước trong khu vực. Điều này đẩy giá thịt heo đến tay người tiêu dùng tăng cao hơn so với các loại thịt khác khiến họ có xu hướng lựa chọn các sản phẩm thay thế. Thứ hai, tháng 7 âm lịch là mùa Vu lan, một bộ phận người dân chuyển sang ăn chay khiến tiêu dùng thịt heo giảm.

Hiện nay, Trung Quốc đang bùng phát dịch “sốt heo châu Phi (ASF)”, nhiều nhà máy giết mổ heo lớn đã phải đóng cửa. Vì vậy, một số cơ sở chăn nuôi ở Việt Nam có tâm lý tái đàn để đón đầu cơn khủng hoảng thiếu hụt nguồn cung ở Trung Quốc trong thời gian tới. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, Trung Quốc chưa cấp phép cho nhập khẩu thịt heo từ Việt Nam và thời gian qua cũng đóng cửa biên giới để bảo hộ ngành chăn nuôi trong nước.

Khánh Hòa: Giá rong mơ giảm mạnh

Vụ thu hoạch này, rong mơ được mùa nhưng giá bị thương lái ép xuống chỉ bằng một nửa so với mọi năm. Hàng nghìn ngư dân ở Khánh Hòa sống bằng nghề vớt rong mơ đang lấy công làm lời. Tuy được mùa rong mơ, nhưng giá lại hạ gần một nửa nên khi trừ chi phí lãi không còn là bao. Hiện 1 kg rong khô chỉ có giá 5.000 đồng, còn rong tươi rất rẻ trên dưới 600 đồng/kg. Phải mất từ 6 - 7 kg rong mơ tươi mới được 1 kg rong khô.

Muốn vớt được nhiều rong, ngư dân phải đi từ 1 giờ sáng, sau khoảng 1 đến 2 tiếng đi thuyền mới đến bãi rong mơ. Sau khi vào bờ rong mơ được đưa lên xe tải chở đến các bãi phơi khô trước khi bán cho thương lái. Toàn bộ các xe chở rong mơ khô đều xuất qua biên giới sang Trung Quốc, không tiêu thụ nội địa.

Lâm Đồng: Bắp sú tăng giá

Từ đầu tháng 8 đến nay, rau bắp sú (bắp cải) thị trường tiêu thụ mạnh, nhiều hộ nông dân ở Lâm Đồng được mùa, trúng giá bán. Nếu trước tháng 8, thương lái mua tại vườn với giá chỉ 1.000 đồng/cây thì nay đã lên đến 4.000 đồng/cây nên nhiều hộ nông dân trong huyện bán 1 sào bắp sú thu về trên 20 triệu đồng. Tiêu thụ bắp sú cũng thuận lợi khiến bà con nông dân phấn khởi. Trước đó, giá bắp sú giảm mạnh do thị trường trong nước tiêu thụ chậm, sản phẩm cũng không xuất khẩu được sang các nước trong khu vực. Thậm chí, có thời điểm, hàng ngàn hộ nông dân ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng bị thua lỗ vụ bắp sú lên đến vài chục triệu đồng.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Hậu Giang: Tìm giải pháp thu mua mía cho nông dân

Chỉ trong 2 tháng, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức 2 cuộc họp cùng Hiệp hội mía đường Việt Nam và các nhà máy đường ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tìm ra giải pháp tiêu thụ mía cho bà con nông dân. Tuy nhiên, khó khăn này vẫn chưa được tháo gỡ khi toàn tỉnh vẫn còn hơn 5.000 héc-ta mía chưa được bao tiêu.

Vụ mía này, toàn tỉnh Hậu Giang xuống giống gần 10.600 héc-ta mía, giảm hơn 150 héc-ta so với niên vụ trước đó. Sản lượng mía thu hoạch ước đạt hơn 1 triệu tấn. Dù diện tích xuống giống giảm, nhưng tính đến nay, chỉ có gần 5.600 héc-ta mía, tương đương hơn 50% diện tích mía của nông dân Hậu Giang được bao tiêu, trong khi mọi năm vào thời điểm này toàn bộ 100% diện tích mía đã được bao tiêu. Như vậy, nếu không được thu mua kịp thời, khoảng 50% diện tích mía của nông dân Hậu Giang có nguy cơ phải bỏ hoang.

Không chỉ giảm về diện tích bao tiêu mà giá thu mua mía cũng giảm. Hiện giá thu mua chỉ còn 800 đồng/kg đối với loại mía đạt 10 chữ đường (CCS), thu tại cầu cảng nhà máy, giảm 100 đồng/kg so với niên vụ trước. Với mức giá này, bà con nông dân không thể có lãi.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị, các địa phương tập trung tuyên truyền cho bà con nông dân về những khó khăn của ngành mía đường, động viên bà con khi vào vụ thu hoạch. Các ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục tăng cường quản lý thị trường đối với đường nhập lậu trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh sẽ làm việc với các ngân hàng để tìm giải pháp tháo gỡ một số khó khăn về vốn cho các nhà máy đường trong tỉnh, nhằm tạo điều kiện để các  nhà máy đường ký hợp đồng thu mua hơn 5.000 héc-ta mía còn lại trong dân.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Khoai tây Trung Quốc giả khoai Đà Lạt

Thời gian qua, việc một số người sử dụng đất đỏ để phù phép, biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu nông sản của địa phương.

Cụ thể, thời điểm cuối tháng 8/2018, tại Chợ Nông sản Đà Lạt (P11, TP. Đà Lạt), Đội Cảnh sát kinh tế (Công an TP. Đà Lạt) đã bắt quả tang vụ trộn đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc để làm giả thành khoai tây Đà Lạt rồi tung ra thị trường, bán cho người tiêu dùng với giá cao. Qua kiểm tra đột xuất tại quầy số 19, Chợ Nông sản Đà Lạt (P11, TP. Đà Lạt) do bà Đoàn Thị Chè làm chủ, lực lượng chức năng phát hiện một nhóm lao động đang thực hiện hành vi sử dụng một máy rửa cà rốt (do Trung Quốc sản xuất) để rửa và nhuộm đất đỏ cho khoai tây Trung Quốc. Làm việc với cơ quan chức năng, bà Chè trình bày: Sau khi rửa và trộn đất đỏ Đà Lạt cho số khoai tây Trung Quốc do bà mua lại của một người nhập về chợ nông sản, số khoai này sẽ được đóng bao và dán tem vào bao (tem do Ban Quản lý chợ nông sản phát hành), trọng lượng từng bao tùy theo yêu cầu của khách hàng. Việc rửa và trộn đất đỏ cho khoai tây là do yêu cầu của khách hàng để dễ tiêu thụ.

Tuy nhiên, việc làm trên đã làm thay đổi mẫu mã của sản phẩm nên cơ quan chức năng xác định là gian lận thương mại. Hiện Công an TP. Đà Lạt đã tiến hành lập biên tạm giữ một máy rửa cà rốt, một máy nổ và một tấn khoai tây Trung Quốc nhuộm đất đỏ Đà Lạt để chờ xử lý.

HÀNG VIỆT 

Xây dựng nhãn hiệu tập thể “Mãng cầu Hậu Giang”

Tuy không phải là cây trồng chủ lực nhưng mãng cầu xiêm lại bén duyên tại những vùng đất phèn, mặn của tỉnh Hậu Giang. Để hỗ trợ bà con nông dân, tỉnh đã triển khai dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Mãng cầu Hậu Giang”.

Mục tiêu của dự án nhằm giúp cho việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu mãng cầu Hậu Giang có hiệu quả. Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, dự án còn giúp nâng cao giá trị kinh tế và quảng bá, giới thiệu sản phẩm mãng cầu ra thị trường. Dự án cũng hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho nông dân trồng mãng cầu xiêm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Mãng cầu Hậu Giang” dùng chung cho sản phẩm mãng cầu của tỉnh Hậu Giang. Bên cạnh 5 nội dung chung, dự án còn xây dựng bộ quy chế sử dụng chung đối với thành viên hợp tác xã (HTX) và nông dân muốn tham gia sử dụng nhãn hiệu mãng cầu Hậu Giang. Tháng 5/2018, dự án đã đưa ra được 6 mẫu hình ảnh về nhãn hiệu của mãng cầu Hậu Giang và trưng cầu ý kiến của bà con thành viên HTX để thống nhất chọn hình ảnh biểu tượng cho nhãn dán. Đồng thời, thiết kế hệ thống nhận diện nhãn hiệu trực tiếp cho 2 đơn vị thụ hưởng là 2 HTX trồng mãng cầu trong tỉnh. Thiết kế tem dán, tem treo, nhãn dán trên bao bì, tờ rơi, poster, biển báo ngoài trời, bảng quảng cáo lớn, túi lưới, túi nylon, bao xốp, thùng đựng sản phẩm. Sau khi dùng chung, bà con nông dân yên tâm hơn vì sảm phẩm đã được bảo hộ, được quảng bá rộng rãi, người tiêu dùng thì an tâm hơn bởi biết được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của sản phẩm.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang, thành viên cùng sử dụng nhãn hiệu tập thể sẽ nhận được rất nhiều lợi ích vì không phải tốn số tiền lớn cho một nhãn hiệu, mà chỉ cần một khoản nhỏ chi phí đăng ký và quảng bá nhưng lại có nhãn hiệu để nhiều người cùng sử dụng, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm của vùng. Ngoài ra, thành viên còn được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, được tập huấn và hỗ trợ thường xuyên về kỹ năng canh tác, được chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm sản xuất với nhau, được hỗ trợ cách phòng, chống dịch bệnh cho sản phẩm… Bên cạnh đó, thành viên thực hành được quy trình canh tác nông nghiệp sạch, đáp ứng được đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng. Hơn nữa, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nên mẫu mã, việc in ấn bao bì, mẫu nhãn hiệu cho sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ, không bị xâm phạm bản quyền.

Việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể mãng cầu Hậu Giang trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết và phù hợp với nhu cầu thị trường. Đây là tiền đề để địa phương phát triển thêm một loại cây trồng chủ lực, đồng thời giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Đặc biệt, thời gian gần đây, một số HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã liên kết, ký kết hợp đồng với các công ty nông sản nhằm bao tiêu sản phẩm. Việc liên kết giúp hợp tác xã thu gom đủ nguồn hàng cung ứng cho công ty, trong khi các hộ trồng riêng lẻ gặp nhiều khó khăn trong khâu chăm sóc, bảo vệ cây, nhất là vào mùa mưa lũ, khô hạn. Bên cạnh đó, các hộ còn thực hiện trồng rải vụ giúp nâng cao thu nhập, khắc phục được tình trạng được mùa - mất giá. Ngoài ra, trồng rải vụ còn giúp hợp tác xã đáp ứng được nguồn hàng xuất khẩu quanh năm.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)