Thông tin giá cả thị trường số 36/2019

02:23 PM 12/09/2019 |   Lượt xem: 3690 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Lâm Đồng:

Đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng

Bà con nông dân tỉnh Lâm đồng đã chuẩn bị mọi điều kiện, trong đó có việc liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, gắn tem truy xuất nguồn gốc để đảm bảo tiêu chuẩn cho sản phẩm sầu riêng xuất khẩu.

Thay đổi phương thức tổ chức sản xuất

Những năm gần đây, do giá sầu riêng tăng mạnh nên bà con nông dân tỉnh Lâm Đồng rầm rộ chuyển sang đầu tư loại cây này. So với cây công nghiệp truyền thống khác như: Cà phê, hồ tiêu, chè… sầu riêng mang lại giá trị kinh tế rất cao cho người nông dân. Ðây là nguyên nhân chính khiến bà con đổ xô vào trồng sầu riêng. Do đó, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ trở thành nhu cầu cấp thiết nhất. Tuy nhiên, xuất khẩu không phải lúc nào cũng thuận lợi và dễ dàng. Hiện nay, việc xuất khẩu trái sầu riêng qua Trung Quốc chưa được thực hiện bằng đường chính ngạch nên hầu hết các thương lái và thậm chí cả doanh nghiệp thường xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch. Bắt đầu từ năm 2019, Trung Quốc đã thắt chặt việc nhập khẩu sầu riêng qua đường tiểu ngạch nên nhiều container sầu riêng của các doanh nghiệp Việt Nam bị ứ đọng tại cửa khẩu Lào Cai.

Theo Sở Công Thương Lâm Đồng, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như quan niệm lâu nay của nhiều doanh nghiệp. Các hoạt động thương mại biên giới qua các đường mòn, lối mở, cửa khẩu phụ… sẽ ngày càng bị siết chặt và đi vào chính quy, nề nếp. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu phải sớm thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng, giao dịch xuất khẩu và cách thức, quan điểm tiếp cận thị trường theo hướng chính quy để không đánh mất thị trường Trung Quốc.

Về vấn đề này, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã và đang phối hợp với phía Trung Quốc ưu tiên triển khai các thủ tục đánh giá rủi ro dịch bệnh, mở cửa thị trường Trung Quốc đối với quả sầu riêng. Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ công việc liên quan. Các địa phương cần chủ động nắm bắt thông tin và phổ biến cho các hộ sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nông sản để biết được những yêu cầu về chất lượng hàng hóa, kiểm nghiệm kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, cửa khẩu được phép xuất khẩu hoa quả… Từ đó, từng bước chính quy hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh nông sản, góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững sang thị trường Trung Quốc.

Đảm bảo hàng đạt chuẩn để xuất khẩu

Trước mắt để khắc phục tình trạng này, một số doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đã chủ động liên kết với các hộ dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật trong trồng trọt, thu hái, bảo quản sản phẩm… để đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Đơn cử như huyện Đạ Huoai, Trung tâm Nông nghiệp Đạ Huoai đã phối hợp với công ty tư vấn để hoàn tất hồ sơ cấp giấy chứng nhận VietGAP cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, đảm bảo cấp trước thời điểm thu hoạch sầu riêng để nâng cao hiệu quả trong sản xuất sầu riêng trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng đã triển khai hướng dẫn cho các xã, thị trấn đăng ký nhu cầu hỗ trợ, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sầu riêng Đạ Huoai năm 2019. Kết quả triển khai có 224 hộ tham gia đăng ký 316,22 héc-ta sầu riêng kinh doanh, số lượng tem đăng ký là 1 triệu cái tem... Huyện Đạ Huoai cũng đã xây dựng được nhãn hiệu độc quyền “Sầu riêng Đạ Huoai”. Qua đó, khuyến khích người dân trồng và chăm sóc sầu riêng theo hướng công nghệ cao, VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc.

Sau hơn 3 năm được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”, đến nay toàn huyện Đạ Huoai có 228 hộ với diện tích 325 héc-ta sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng 2019 khoảng 5.000 tấn. Trong đó có 3.200 tấn có gắn tem truy xuất nguồn gốc điện tử và được UBND huyện cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” cho sản phẩm.

Bằng những giải pháp cụ thể, sản phẩm sầu riêng Lâm Đồng ngày càng hoàn thiện về chất lượng thông qua việc sản xuất sầu riêng công nghệ cao, xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng sầu riêng VietGAP có tem truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu bằng con đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Yên Bái:

Mù Cang Chải mất mùa sơn tra

Hiện toàn huyện Mù Cang Chải có khoảng 4.500 héc-ta sơn tra, bình quân cho sản lượng 4.500 đến 5.000 tấn quả tươi. Năm nay sơn tra mất mùa, ước sản lượng giảm chỉ còn 20 - 25% so với năm ngoái.

Tại xã Lao Chải có trên 600 héc-ta cây sơn tra, nhưng đa phần cho quả rất ít, ước chỉ được gần 300 tấn. Mất mùa nhưng bù lại sơn tra năm nay lại được giá, bình quân từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, thậm chí quả to còn được 17.000 đồng/kg. Không riêng gì Lao Chải, các đồi sơn tra ở Nậm Khắt, Nậm Có, La Pán Tẩn, Chế Tạo… cũng rơi vào cảnh mất mùa tương tự.

Theo các hộ trồng sơn tra lâu năm, sơn tra mất mùa do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do tác động của biến đổi khí hậu, khô hanh kéo dài đúng vào thời kỳ phát triển của cây nên ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Bên cạnh đó, do tập quán canh tác của người dân chủ yếu mang yếu tố tự nhiên, không quan tâm đầu tư, chăm sóc, bón phân cho cây sau kỳ thu hoạch. Một số người dân lại nói rằng, nhiều năm nay, sơn tra thường rơi vào cảnh năm được, năm mất, nguyên nhân có thể do thời tiết và chu kỳ sinh trưởng của cây theo kiểu năm trước được mùa thì năm sau mất mùa.

Đối với huyện vùng cao Mù Cang Chải, sơn tra là cây trồng bản địa mang lại nguồn lợi kinh tế chủ yếu cho người dân với hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Để khai thác hiệu quả kinh tế của loại cây này, tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều giải pháp như quy hoạch vùng phát triển, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, chế biến sâu, đăng ký nhãn hiệu “Sơn tra Mù Cang Chải”… Tuy nhiên, với tình trạng năm được, năm mất như hiện nay thì rõ ràng nguồn lợi sơn tra chưa được duy trì để phát triển bền vững. Vì vậy, huyện Mù Cang Chải đang xác định hướng đi rõ ràng để ổn định và nâng cao giá trị cây sơn tra.

Đồng Tháp: Xoài rải vụ giá cao

Tỉnh Đồng Tháp có 9.648 héc-ta xoài, chiếm 18% diện tích xoài cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng 127.000 tấn/năm, đưa tổng giá trị sản xuất ngành hàng xoài cả năm ước đạt 1.500 tỷ đồng.

Đặc biệt Đồng Tháp trồng xoài rải vụ với diện tích hơn 6.300 héc-ta. Xoài rải vụ bán được giá cao hơn 10.000 đồng/kg so với xoài chính vụ. Việc trồng xoài rải vụ đã khắc phục được tình trạng rớt giá do sản lượng tập trung vào một thời điểm, giúp nhà vườn thu nhập cao hơn. Bình quân xoài chính vụ như xoài Cát Chu vào tháng 4 và 5/2019 bán với giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, trong khi đó xoài rải vụ ở những tháng khác bán với giá từ 20.000 - 27.000 đồng/kg. Với giá cao hơn xoài thường từ hơn 10.000 đồng/kg, lãi từ xoài rải vụ lên tới 200 - 220 triệu đồng/héc-ta, trong khi đó xoài chính vụ lãi từ 150 - 160 triệu đồng/héc-ta. Việc áp dụng theo quy trình sản xuất xoài rải vụ an toàn giúp điều tiết sản lượng xoài cung ứng trong năm nhằm cân bằng cán cân cung cầu, giúp nông dân trồng xoài thu được lợi nhuận cao hơn xoài chính vụ từ 1,5 - 2 lần.

Xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp. Giống xoài chủ lực của tỉnh Đồng Tháp là xoài cát Chu chiếm 70% diện tích, Cát Hòa Lộc chiếm 20% diện tích. Đồng Tháp xây dựng được 6 điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ đủ điều kiện an toàn ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh với tổng diện tích hơn 416 héc-ta. Đồng Tháp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Xoài cát Chu Cao Lãnh và Xoài Cao Lãnh” với 301 héc-ta được cấp mã vùng trồng xoài. Thời gian tới, Đồng Tháp tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành hàng xoài, hướng dẫn, tập huấn nhà vườn trồng xoài rải vụ, đảm bảo đủ tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng để tham gia xuất khẩu. Đến nay, trái xoài của Đồng Tháp đã thâm nhập được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và mới đây đã được xuất sang thị trường Mỹ.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Đồng Nai: Giá heo tăng

Giá heo trên cả nước đang tăng dần. Nguyên nhân là do nguồn cung thịt heo giảm mạnh vì dịch bệnh. Tại “thủ phủ” chăn nuôi heo Đồng Nai, vào thời điểm này nguồn cung ứng vẫn được bảo đảm. Tuy nhiên, nếu bệnh dịch tả heo châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp thì nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Canh Tý 2020 sẽ khó khăn. Mặc dù tổng đàn heo của hộ chăn nuôi gia đình tại tỉnh Đồng Nai đã giảm 70% so với trước đây, nhưng nhiều hộ vẫn chưa có ý định tăng đàn, bởi tăng đàn thời điểm này là rất mạo hiểm.

Ban Phòng chống dịch bệnh của tỉnh Đồng Nai cũng khuyến cáo người chăn nuôi không vội vã tái đàn khi chưa an toàn. Bởi công tác xử lý sát trùng tiêu độc, khoanh vùng dập dịch gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong mùa mưa. Chỉ những nông hộ, trang trại nào thực hiện được biện pháp an toàn sinh học thì mới tái đàn.

Lạng Sơn: Na bở bán chạy

Giống na bở ở huyện biên giới phía Bắc được trồng trên núi đá đang vào mùa thu hoạch với giá khoảng 120.000 đồng/kg. Điều đáng mừng là na bở thu hoạch đến đâu thương lái bao tiêu mua hết đến đó. Thông thường, na bở chín chậm hơn na dai khoảng 10 ngày. Theo người dân địa phương, trước đây giao thông chưa thuận tiện, việc vận chuyển na bở đường xa bị hạn chế vì na dễ vỡ nát, nên họ chặt bỏ nhiều diện tích na bở để trồng na dai. Na dai có thể khai thác sớm, để được lâu, vận chuyển không bị dập. Tuy nhiên, gần đây tàu xe thuận lợi hơn, na bở lại được giá nên bà con quay lại trồng na bở. Nhất là những năm gần đây, na bở được người tiêu dùng ưa chuộng, thu hoạch không đủ phục vụ thị trường. Hiện giá na bở từ 100.000 - 120.000 đồng/kg.

Trung bình mỗi năm, huyện Chi Lăng thu hoạch hơn 400 tấn na bở, một phần được tiêu thụ tại chợ na Đồng Bành (nằm cạnh quốc lộ 1A), phần còn lại thương lái thu mua chuyển đi thị trường TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng...

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá chanh giảm mạnh

Cách đây một tháng, giá chanh ở Đồng bằng sông Cửu Long dao động 20.000 - 30.000 đồng/kg thì nay còn 5.000 - 15.000 đồng/kg. Riêng với hàng loại 2, 3 giá chỉ còn ở mức 4.000 - 5.000 đồng/kg. Với những vườn chanh hơn 1 héc-ta nếu giá bán như cũ, nhà vườn có thể lãi 30 - 40 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá như hiện nay, hầu hết các vườn chanh thu hoạch muộn đều lỗ.

Theo người trồng chanh ở Long An, Hậu Giang, Cần Thơ..., nguyên nhân khiến giá chanh thấp là do nhu cầu tiêu thụ của thị trường giảm, trong khi cung đang vượt cầu. Mặt khác, mưa bão kéo dài khiến cho sức tiêu thụ giảm theo. Trên thực tế, giá chanh thường biến động thất thường theo thời vụ. Từ đầu năm đến giữa tháng 6 giá luôn ở mức cao, song, cứ đến mùa mưa là chanh mất giá do nguồn cung tăng mà nhu cầu hạn chế. Do đó, tại Cần Thơ, trung tâm khuyến nông cũng khuyến cáo người dân nên giảm canh tác vào những thời điểm nhu cầu tiêu thụ ít.

Giá lươn tăng cao

Do nguồn cung hạn chế và nhu cầu tiêu thụ ở mức cao, giá lươn thịt tại nhiều địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện ở mức cao hơn từ 40.000 - 50.000 đồng/kg so cùng kỳ các năm trước. Tại Cần Thơ và nhiều tỉnh lân cận như: Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang... lươn thịt loại 1 (khoảng 4-5con/kg) được nhiều nông dân bán buôn cho thương lái và các vựa thu mua thủy sản từ 200.000 - 220.000 đồng/kg; lươn bán lẻ tại nhiều chợ ở mức 240.000 - 250.000 đồng/kg. Năm nay, lươn thịt khá hút hàng và giá tăng cao do được nhiều thương lái thu mua để tiêu thụ tại các thành phố lớn trong nước và xuất khẩu, nhất là xuất sang thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, số lượng lươn đánh bắt trong tự nhiên ngày càng hạn chế; lươn nuôi cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường vì khó sản xuất con giống nhân tạo. Thời gian qua, nhiều tiểu thương thu mua lươn xuất khẩu phải thu gom lươn tại nhiều nơi và trong nhiều ngày mới đủ một chuyến xe chở đi xuất khẩu.

Với giá lươn thịt ở mức cao như hiện nay, người nuôi lươn có thể đạt mức lời trên 120.000 đồng/kg lươn thương phẩm sau 8 - 10 tháng nuôi.       

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Sóc Trăng: Chuyển đổi đất trồng mía được hỗ trợ

Do trồng mía ngày càng bấp bênh, thời gian qua, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng đã khuyến khích nông dân chuyển đổi đất mía sang cây trồng, vật nuôi khác và được hỗ trợ giống ban đầu.

Cù Lao Dung là vùng chuyên canh cây mía lớn nhất, nhì ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2013, diện tích trồng mía của huyện đỉnh điểm lên đến hơn 8.000 héc-ta nhưng đến năm 2019 chỉ còn khoảng 5.000 héc-ta. Nguyên nhân là nhiều năm gần đây giá mía bấp bênh, người trồng thua lỗ nặng nên không mặn mà với cây mía.

Hiện nay, ngành nông nghiệp huyện đang khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi khác thay thế cây mía và được hỗ trợ giống ban đầu. Cụ thể, từ đất mía chuyển sang trồng cây ăn trái như dừa lấy nước, nhãn Ido, xoài, bưởi da xanh… sẽ được Nhà nước hỗ trợ cây giống ban đầu từ 20 - 50% (tùy loại giống), còn chuyển đổi trồng rau màu được hỗ trợ 70% về cây giống và nuôi trồng thủy sản (đặc biệt cá bông lau) được hỗ trợ 70% con giống.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện Cù Lao Dung nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển sang cây trồng chủ lực và thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay mà vẫn đảm bảo thu nhập cho người dân. Theo kế hoạch, đến năm 2020, huyện giảm đất trồng mía còn khoảng 1.500 - 2.000 héc-ta, phục vụ chủ yếu bán mía lấy nước.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Cục Quản lý thị trường - Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh:

Phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Đầu tháng 9, Cục Quản lý thị trường và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh tổ chức lễ ký kết quy chế phối hợp trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh diễn biến khá phức tạp. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh các cơ quan chức năng, nhất là trên các tuyến giao thông trọng yếu. Vì vậy, việc ký kết quy chế phối hợp giữa các lực lượng là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Theo đó, hai đơn vị tiếp tục tăng cường phối hợp trong công tác tham mưu, chỉ đạo các nội dung lớn như: Công tác trao đổi thông tin, tài liệu; công tác nghiệp vụ, công tác điều tra, xử lý vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đặc biệt ở vùng biên giới…

Cùng với đó, hai đơn vị thống nhất định kỳ 6 tháng tổ chức giao ban một lần để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện quy chế phối hợp, trao đổi kinh nghiệm, đề ra các biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Qua đó nhằm tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung đã được ký kết; thường xuyên trao đổi thông tin, bám nắm địa bàn, nhất là tại khu vực biên giới, các tuyến giao thông lớn để có những điều chỉnh kịp thời để sự hợp tác giữa các lực lượng ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả.

HÀNG VIỆT

Phát triển sản phẩm đặc thù táo Ninh Thuận

Ninh Thuận là vùng đất khô hạn, nhưng có một số cây trồng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, cho ra những sản phẩm thế mạnh, đặc thù của địa phương như nho, táo, hành, tỏi… Trong đó, táo là một trong 12 sản phẩm đặc thù có giá trị kinh tế cao, thích hợp với điều kiện khí hậu khô nóng.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật

Táo Ninh Thuận đã được bảo hộ Nhãn hiệu tập thể, có thương hiệu mạnh trên thị trường. Hiện nay, diện tích cây táo tại Ninh Thuận đạt khoảng 1.000 héc-ta, sản lượng hơn 30.000 tấn/vụ. Cũng như nho, các vườn táo được trồng trên những vùng đất nghèo, độ chua của phèn cao nhưng cũng đầy độ ngọt của kali. Đặc biệt, sản phẩm táo trồng trong nhà lưới đang được các thương lái ưu tiên thu mua với giá cao. Trước tình trạng các loại côn trùng phá hoại cây trồng có dấu hiệu gia tăng, thời gian gần đây, một số hộ trồng táo ở tỉnh Ninh Thuận bắt đầu áp dụng phương pháp trùm lưới cho giàn táo. Phương pháp mới này vừa giúp phòng ngừa các đối tượng dịch hại nguy hiểm vừa giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Nếu giá bán trung bình 6.000 - 8.000 đồng/kg, người trồng táo có thu nhập 350 - 400 triệu đồng/héc-ta/năm. Cá biệt có những hộ đầu tư thâm canh tốt, thu hoạch gặp thời điểm giá táo 10.000 đồng/kg, cho thu nhập 600 triệu đồng/héc-ta.

Thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, các huyện có nghề trồng táo phát triển như: Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn tập trung đầu tư thâm canh, ứng dụng kỹ thuật IPM, sử dụng giống có năng suất và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người tiêu dùng. Đặc biệt, các hộ trồng táo đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, tham gia vào Hiệp hội Nho và Táo Ninh Thuận, hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sản xuất theo chuỗi giá trị

Hướng đến phát triển nghề trồng táo bền vững, những năm qua Ninh Thuận đã chú trọng chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất, thường xuyên mở các lớp tập huấn về sản xuất táo an toàn, hỗ trợ nhân rộng mô hình dùng lưới trùm vườn táo ngăn ngừa dịch hại đã tạo đột phá mới về tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Hầu hết các hộ trồng táo ở huyện Ninh Phước – huyện có diện tích táo lớn nhất Ninh Thuận đã áp dụng mô hình dùng lưới trùm vườn với chi phí đầu tư không cao (từ 12 đến 24 triệu đồng/sào), kỹ thuật đơn giản. Khi vườn táo ở giai đoạn ra hoa, hộ trồng sử dụng loại lưới mắt nhỏ bao trùm toàn bộ vườn táo. Với hình thức này, việc thụ phấn và kết trái đạt tỷ lệ cao do tránh được các loại côn trùng phá hoại, nhất là ruồi vàng khi táo đậu trái. Mô hình đưa lại lợi nhuận cao gấp 2 - 3 lần so với canh tác theo phương thức trồng truyền thống. Nghề trồng táo đang không ngừng phát triển, sản xuất theo chuỗi giá trị. Nếu như trước đây, sản phẩm táo được bán chủ yếu dưới dạng quả tươi, thì hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư các cơ sở chế biến và bảo quản hiện đại. Tiêu biểu như Công ty TNHH SX TM&DV nông sản Thái Thuận, Doanh nghiệp Tư nhân SX - TM & DV Ba Mọi mỗi năm sản xuất hàng chục tấn táo sấy khô, mứt táo cung cấp cho thị trường trên cả nước. Các cơ sở chế biến táo chấp hành quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, tích cực hoàn thiện hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ để hướng tới việc tham gia vào sử dụng và khai thác nhãn hiệu tập thể.

Nhờ có sự hỗ trợ của ngành chức năng trong việc xây dựng thương hiệu, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm Táo Ninh Thuận được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh, thành phố trong cả nước với các hình thức bán tại chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích, siêu thị. Những cơ sở danh tiếng có xu thế hướng tới các thị trường lớn, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Đối với những cơ sở vừa và nhỏ đều có điểm phân phối nằm dọc quốc lộ 1A, thuận tiện cho việc mua bán. Từ việc chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ và nâng cao chất lượng sản phẩm, mặt hàng táo có đầu ra ổn định, giúp các nông hộ nâng cao cuộc sống.

Với quyết tâm nâng tầm thương hiệu sản phẩm đặc thù táo Ninh Thuận, hình thành chuỗi giá trị gia tăng, Ninh Thuận đã xây dựng quy hoạch vùng trồng táo theo hướng bền vững, mở rộng quy mô sản xuất gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2020 diện tích cây táo đạt 1.200 héc-ta, sản lượng đạt 54.000 tấn/năm. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng diện tích sản xuất táo theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Đẩy mạnh liên kết “4 nhà” để thực hiện tốt từ khâu sản xuất, đăng ký thương hiệu, cho đến tìm kiếm đầu ra sản phẩm. Tập trung kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, để chuyển dần từ sản xuất táo tươi sang chế biến táo khô… đáp ứng nhu cầu thị trường.