Thông tin giá cả thị trường số 37/2019

02:22 PM 18/09/2019 |   Lượt xem: 4201 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Vĩnh Long:

Phát triển khoai lang VietGAP

Vĩnh Long là thủ phủ khoai lang vùng Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích khoảng 13.000 héc-ta. Hiện nay, nông dân Vĩnh Long chủ yếu trồng khoai lang tím Nhật để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, do chưa được xuất khẩu chính ngạch nên giá khoai giảm sâu trong nhiều tháng qua, sản xuất hầu như không có lãi.

Vào thời điểm trung tuần tháng 8/2019, giá khoai lang không GAP là 510.000 đồng/tạ. Giá này, nếu nông dân sản xuất trên đất nhà lãi từ 5 - 7 triệu đồng/công. Nếu thuê đất sản xuất chỉ hòa vốn. Riêng khoai được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP giá dao động từ 550.000 - 560.000 đồng/tạ. Chẳng những được lãi khá hơn mà các thương lái cũng tự tìm đến để mua hàng. Trước tình hình này, Vĩnh Long đã đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng cho bà con trồng khoai VietGAP để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Bởi trên thực tế, việc xuất khẩu tiểu ngạch qua đường biên mậu luôn tồn tại những rủi ro.

Vừa qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long đã triển khai mô hình sản xuất tiên tiến đạt tiêu chuẩn VietGAP trên cây khoai lang. Mô hình được thực hiện tại xã Thành Trung trên diện tích 50 héc-ta với 64 hộ nông dân tham gia. Bà con tham gia mô hình được dự án hỗ trợ đầu tư 30% vật tư nông nghiệp. Các khoản khác được hỗ trợ hẳn 100% gồm: Xây dựng điểm pha thuốc bảo vệ thực vật, mua đồ bảo hộ lao động phun xịt thuốc, tủ thuốc y tế, tập huấn, đào tạo kiểm tra viên nội bộ, phân tích mẫu đất, nước và phí chứng nhận VietGAP. Thời gian đầu triển khai mô hình, bà con còn lúng túng, nhất là trong khâu ghi nhật ký mua, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mặc đồ bảo hộ, thu gom bao bì vỏ chai… Đến nay, qua nhiều đợt tập huấn và sản xuất mọi việc đã ổn, mọi người rất đồng tình ủng hộ. Khi phun xịt có đồ bảo hộ, nơi pha thuốc và súc rửa bình rất an toàn. Hàng tháng, có xe thu gom vỏ chai không gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, xã đang tiến hành xây dựng nhà kho để đáp ứng các yêu cầu chứng nhận VietGAP.

Đặc biệt, mô hình hướng đến việc tập huấn cho nông dân nhận biết danh mục các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật là chất cấm ở thị trường Trung Quốc. Nông dân thực hiện ghi chép sổ tay, thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để đúng nơi quy định. Mặc quần áo bảo hộ bảo vệ sức khỏe bản thân. Một điểm quan trọng của mô hình là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thông qua phần mềm Agritel, thương lái có thể xem và biết được các giai đoạn sinh trưởng, người trồng, diện tích của cây khoai lang trên địa bàn. Phần mềm này có nhiều thông tin nông dân tự cập nhật bằng smartphone của mình.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long cũng cho biết, thực hiện quản lý dịch hại trên cây khoai lang và thực hiện cấp mã số vùng trồng cho khoảng 200 héc-ta trong năm nay là một điểm nhấn quan trọng. Để làm điều này, trước tiên Chi cục sẽ phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II ở TP. Hồ Chí Minh tập huấn cho bà con một số loại dịch hại và biện pháp quản lý.  Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng bà con nông dân vào hợp tác xã để sản xuất theo cùng quy trình tạo ra sản phẩm đồng nhất. Điển hình như cánh đồng mẫu lớn khoai lang là mô hình kiểu mẫu với diện tích hơn 30 héc-ta của hợp tác xã nông nghiệp Thành Đông tại xã Thành Đông (Bình Tân). Nơi đây đã ứng dụng nhiều phương pháp canh tác cải tiến sản xuất khoai lang theo quy trình GlobalGAP. Sản phẩm từ mô hình luôn đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Lợi nhuận cao hơn bên ngoài mô hình từ 1,5 - 2 lần do giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và có nhiều sản phẩm khoai đạt tiêu chuẩn loại một. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp xây dựng chuỗi giá trị trên cây khoai lang. Khâu xúc tiến đầu ra, quảng bá thương hiệu sản phẩm, chuẩn bị bao bì, bảo quản sau thu hoạch... cũng được tỉnh quan tâm

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Đắk Lắk:

Năng suất và giá ngô thấp

Ngô là một trong những cây trồng chủ lực của bà con nông dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Vụ hè thu năm nay, toàn huyện gieo trồng được gần 4.000 héc-ta ngô nhưng do thời tiết bất lợi nên sản lượng ngô giảm mạnh so với niên vụ trước.

Theo nông dân trồng ngô ở huyện Ea Súp, sản lượng ngô năm nay chỉ đạt khoảng 70% so với cùng kỳ bởi vào thời điểm ngô phơi màu thì nắng nóng kéo dài ảnh hưởng tới quá trình thụ phấn khiến trái không to, hạt ngô không đều. Nhiều diện tích ngô do ảnh hưởng của thời tiết đã xuất hiện tình trạng ngô ra 3 trái dẫn đến sản lượng thấp. Đến thời kỳ ngô chuẩn bị thu hoạch lại có mưa kéo dài nên xuất hiện hạt ngô bị nấm mốc và mọc mầm; năng suất ngô giảm hẳn, ước chỉ đạt từ 3 - 3,5 tấn/héc-ta, giảm khoảng 1 - 1,5 tấn/héc-ta so với vụ trước. Bên cạnh đó, giá ngô đang giảm mạnh, từ mức 3.800 - 4.000 đồng/kg thời điểm đầu vụ đến nay chỉ còn 2.800 - 3.000 đồng/kg đối với ngô tươi, giảm 800 - 1.000 đồng/kg.

Năng suất thấp, giá cũng thấp khiến nhiều nông dân lo lắng. Bởi lẽ, thu hoạch về phải chấp nhận bán giá thấp vì không thể phơi khô chờ giá lên khi thời tiết đang chuyển mưa nhiều; còn nếu không thu hoạch cứ để phơi trên cây thì nấm mốc phát sinh, hạt rất dễ nảy mầm ảnh hưởng đến chất lượng ngô thương phẩm. Tính theo giá hiện nay, với 2 héc-ta ngô, một hộ gia đình chỉ có thể thu được hơn 15 triệu đồng, thấp hơn hẳn so với mọi năm. Trong khi đó, nếu trừ chi phí sản xuất chi trả cho các đại lý, cơ sở thu mua khi ứng trước giống, phân bón, thuốc trừ sâu… bà con gần như không có lãi.

Theo nhận định, giá ngô sẽ tiếp tục xuống thấp do mưa nhiều ảnh hưởng đến chất lượng trái. Bên cạnh đó, mưa lớn khiến các tuyến đường lưu thông vào các xã bị hư hỏng nặng, nên các thương lái hạ giá mua để bù vào chi phí thuê xe chở ra. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến nhu cầu sử dụng ngô làm thức ăn trong chăn nuôi giảm cũng là nguyên nhân khiến giá ngô xuống thấp.

Bình Định:

Mùa sứa sen đến sớm

Hiện nay, sứa sen xuất hiện nhiều ở vùng biển ven bờ các xã Cát Khánh, Cát Tiến (huyện Phù Cát), Nhơn Lý, Nhơn Hải (TP. Quy Nhơn) tỉnh Bình Định… Từ tờ mờ sáng, người dân địa phương đã đi khai thác sứa.

Từ giữa tháng 7 âm lịch đến nay, sứa sen (loại sứa biển có màu xanh dương, thân tròn như búp sen) xuất hiện nhiều tại các vùng biển ven bờ từ xã Nhơn Hải đến xã Cát Khánh. Người dân tại các địa phương trên sử dụng sõng chèo, xuồng máy, thúng chai, phao, vợt, đèn đội đầu để ra biển bắt sứa. Việc khai thác tùy thuộc thời điểm sứa xuất hiện, có thể từ giữa đêm cho đến rạng sáng, hoặc từ lúc 10 giờ sáng cho đến đầu giờ chiều mỗi ngày.

3 năm gần đây, sứa xuất hiện nhiều và đều trở lại như ngày xưa. Đặc biệt, sứa xuất hiện gần bờ nên rất dễ bắt, nhà nào dùng thuyền máy khai thác thì sản lượng cao hơn. Bên cạnh dùng thúng chai, sõng chèo để vớt sứa, nhiều ngư dân sử dụng xuồng máy có gắn đầu hơi (thiết bị lặn có ô-xy) để lặn bắt sứa ở những tầng nước sâu.

Mùa sứa rất ngắn nên bà con thường tranh thủ thu hoạch để tăng thu nhập bởi sứa vào đến bờ là có người mua ngay. Nhiều hộ có điều kiện đem sứa về thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát) để bán cho được giá, tuy nhiên hầu hết ngư dân bán ngay tại bờ. Sau khi sơ chế, sứa được chuyển đến các chợ trong tỉnh, sang các tỉnh lân cận và lên Tây Nguyên. Sứa tươi hiện có giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, còn sứa muối thì 50.000 - 60.000 đồng/kg.

Sứa xuất hiện phụ thuộc rất nhiều vào con nước. Năm nay, lượng sứa ở địa phương ít hơn năm ngoái nên cũng ít người đi vớt, chủ yếu vớt về để ăn, số ít đem bán. Riêng ở xã Nhơn Hải có sứa liên tục từ giữa tháng 7 âm lịch đến nay. Sứa có sớm hơn mọi năm cả tháng trời, lại nhiều nên bà con phấn khởi vì có thu nhập cao. Đầu mùa, sứa thành phẩm có giá 90.000 đồng/kg, giờ giảm còn 60.000 đồng/kg, bà con vẫn thu hoạch khá. Một số hộ có điều kiện đã muối sứa để ăn dần. Sứa muối thì tỷ lệ hao hụt nhiều hơn nhưng thịt săn chắc, ăn ngon hơn.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Quảng Nam - Kon Tum:

Hạt sâm Ngọc Linh bán chạy

Tại Quảng Nam và Kon Tum cứ đến cuối tháng 8, đầu tháng 9, thương lái bắt đầu đến các cơ sở trồng sâm Ngọc Linh để mua hạt về ươm giống và bán lại cho người dân có nhu cầu. Mỗi hạt sâm Ngọc Linh được rao bán với giá 50.000 - 150.000 đồng, một bịch 20 hạt giá 3 triệu đồng. Hiện nay, tuy đã vào mùa ra hạt nhưng lượng hàng khá khan hiếm.

Theo Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum, từ tháng 9 người trồng sâm Ngọc Linh đã bắt đầu thu hoạch hạt để bán hoặc làm giống. Bản thân công ty cũng đang thu gom để ươm giống mở rộng diện tích. Tuy nhiên, tại Kon Tum, vườn sâm có tuổi đời trên 4 năm chưa nhiều, chỉ có khoảng 3 - 4 vườn nên tỷ lệ thu hoạch hạt không nhiều, phải đặt hàng trước. Giá hạt sâm Ngọc Linh công ty thu mua thường dao động quanh mức 90.000 - 110.000 đồng/hạt. Vì giá hạt giống cao nên nhiều cơ sở lợi dụng trộn hạt tam thất hoặc hạt các loại cây có hình dáng giống sâm Ngọc Linh để lừa dối người tiêu dùng.

Lâm Đồng:

Giá kén tằm giảm mạnh

Hiện nay, giá kén tằm dao động ở mức từ 100.000 - 115.000 đồng/kg, thấp hơn từ 20.000 - 30.000 đồng/kg so với hơn 1 tháng trước. Mức giá này được cho là thấp nhất trong hơn 2 năm qua. Vào thời điểm này năm ngoái, giá kén đạt từ 150.000 - 165.000 đồng/kg, cao nhất có thời điểm lên tới 220.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo nhiều người dân nuôi tằm, mức giá này không dưới giá thành sản xuất nên tính toán tiền trồng dâu, mua trứng giống, chăm tằm… thì trừ các chi phí bà con vẫn có lãi.

Nguyên nhân giá kén xuống thấp một phần là do 2 tháng nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng mưa gió nhiều nên chất lượng kén tằm giảm sút. Ngoài ra, nguồn thu mua từ các thị trường, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc (theo đường tiểu ngạch) bắt đầu giảm, không còn sôi động như thời điểm trước và sau tết năm 2019.

Đồng Tháp:

Giá cá đồng giảm nhẹ

Dù nước lũ về trễ hơn năm trước 1 tháng, nhưng sau khi tràn đồng, hàng trăm hộ dân tại các huyện đầu nguồn bắt đầu mưu sinh thu về những mẻ cá đầu tiên. Tuy nhiên, do năm nay nước về trễ và thấp hơn so với mọi năm nên lượng cá trong tự nhiên không nhiều. Tại các chợ đầu nguồn của huyện Hồng Ngự, việc mua bán diễn ra cũng nhộn nhịp hơn, lượng cá đồng về chợ tăng gấp đôi so với những ngày trước nên giá cá đồng giảm nhẹ.

Khai thác thủy sản mùa cá và những phiên chợ cá đồng nhóm họp được xem là nét đặc trưng ở các vùng quê ở miền Tây sông nước. Mùa này, tại các chợ biên giới huyện Hồng Ngự dành hẳn một khu để chuyên mua bán cá đồng vừa được đánh bắt. Tuy nhiên, do nước về trễ nên các hoạt động buôn bán chưa được sôi nổi như mọi năm.

Thừa Thiên Huế:

Bà con thu hoạch sắn sau mưa lũ

Mưa lũ những ngày qua đã khiến một phần diện tích sắn bị ngập úng, sắn đã bắt đầu xuống lá và có chiều hướng thối củ. Vì vậy, hiện nay, bà con phải tranh thủ huy động người nhà và thuê người để tiến hành nhổ sắn bán cho thương lái thu mua để nhập cho Nhà máy Tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế. Thậm chí, một số diện tích sắn được người mua thu gom từ khâu thu hoạch để nhập cho nhà máy tinh bột sắn. Hiện các thương lái đã đến trực tiếp các cánh đồng sắn để thu mua cho nông dân với giá từ 1.200 - 1.500 đồng/kg. Vụ sắn năm nay, toàn huyện Phong Điền đưa vào gieo trồng 1.204 héc-ta. Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo, thời vụ thu hoạch sắn trùng với mùa mưa lũ nên người dân cần theo dõi diễn biến của thời tiết để có những phương án thu hoạch diện tích sắn hợp lý. Để hạn chế thiệt hại do ngập úng, người trồng sắn nên đẩy nhanh tiến độ thu hoạch đối với nhưng diện tích đã “đúng” tuổi.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Lào Cai:

Thiệt hại từ thu hoạch thảo quả non

Cây thảo quả gắn bó với đồng bào các dân tộc vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai hàng chục năm qua.

Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng mất trộm thảo quả ở khu vực giáp ranh khiến người dân ở một số thôn, bản phải thu hoạch thảo quả non, gây nhiều thiệt hại.

Hiện nay đang là thời điểm thảo quả tích tụ dưỡng chất nên năng suất và chất lượng chưa ở mức cao nhất nhưng một số hộ gia đình buộc phải thu hoạch, bởi để thêm thời gian thì sợ bị mất trộm. 

Huyện Bát Xát hiện có khoảng 4.500 héc-ta thảo quả, trong đó diện tích cây thảo quả ở khu vực giáp ranh giữa các xã trong và ngoài huyện ước tính hàng trăm héc-ta. Như vậy, nếu người dân đều thu hoạch non ở tất cả các diện tích giáp ranh này thì sản lượng quả thảo quả sụt giảm và thiệt hại về kinh tế là rất lớn. Được biết, nếu thu hoạch đúng thời điểm thì cứ 5 - 6 kg thảo quả tươi đem sấy sẽ được 1 kg thảo quả khô. Nếu thu hoạch non thì 10 kg thảo quả tươi đem sấy mới thu được 1 kg thảo quả khô.

Không chỉ thiệt hại về năng suất, chất lượng mà việc thu hoạch thảo quả non còn ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của những khu rừng già bởi khi sấy thảo quả non, người dân phải sử dụng một lượng lớn củi lấy từ rừng. Thông thường để sấy được 1 kg thảo quả khô từ quả thảo quả đã đủ độ chín cần 50 - 70 kg củi. Như vậy để sấy được 1 kg thảo quả khô từ 10 kg thảo quả non thì lượng củi sẽ phải tăng gần gấp đôi.

Mặc dù chính quyền địa phương, trưởng các thôn, bản đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con thu hoạch thảo quả đúng thời gian quy định để đảm bảo năng suất, chất lượng và sự phát triển bền vững của cây nhưng nhiều hộ đồng bào vẫn thu hoạch thảo quả non. Để bà con yên tâm, thời gian tới, các địa phương cần tăng cường tuần tra ở các khu vực giáp ranh, kịp thời phát hiện những trường hợp thu hái trộm thảo quả non để xử lý nghiêm theo quy định.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Đắk Lắk:

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm sầu riêng

Huyện Krông Pắc được xem là “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk với diện tích gần 2.000 héc-ta. Để tạo thương hiệu vùng miền cho sầu riêng, huyện đang tiến hành triển khai quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Huyện sẽ hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn người dân thực việc truy xuất nguồn gốc sầu riêng bằng việc gắn chíp điện tử truy xuất nguồn gốc. Loại chíp này gắn chặt trên từng thân cây sầu riêng, có tuổi thọ lên tới 5 năm. Mỗi con chíp có ký hiệu cụ thể về tên hộ trồng, mã số cây, độ tuổi... và đã gắn vào cây nào rồi thì không thể gỡ ra nên rất khó làm giả, làm nhái, mạo danh sản phẩm. Chưa kể mã tem dán lên quả sầu riêng khi thu hoạch cũng được làm riêng cho từng con chíp cụ thể. Vì vậy, khi sản phẩm xuất ra thị trường, đơn vị thu mua, người tiêu dùng... dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ vùng miền của từng quả sầu riêng bằng điện thoại thông minh có cài phần mềm soi mã vạch.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pắc cho biết, từ tháng 3/2019 Phòng đã phối hợp UBND các xã, thị trấn và Công ty TNHH Thương mại Truyền thông Kenit để xây dựng và thực hiện kế hoạch thiết lập cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sầu riêng. Hiện có 310 hộ dân ở 2 xã Ea Yông và xã Ea Kênh đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc cho gần 27.000 cây sầu riêng, tương đương hơn 387 héc-ta. Tháng 6 vừa qua, Phòng cũng đã mở thêm 2 lớp tập huấn VietGAP trên cây sầu riêng cho hơn 230 hộ dân. Việc triển khai truy xuất nguồn gốc sầu riêng bước đầu được người dân đồng tình ủng hộ. Bởi đây là xu hướng mới giúp nhà nông đi đúng theo chương trình mục tiêu quốc gia về chuỗi liên kết, bảo vệ và phát triển sản phẩm đặc thù của địa phương.

HÀNG VIỆT

Tuyên Quang:

Tập trung xây dựng nhãn hiệu sản phẩm

Thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu đến năm 2020, mỗi huyện, thành phố sẽ xây dựng được 1 sản phẩm chủ lực có quy mô cấp huyện. Mỗi xã có 1 sản phẩm đạt quy mô hàng hóa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất nông nghiệp an toàn, thực hành nông nghiệp tốt hoặc các quy chuẩn an toàn khác.

Tuyên Quang xác định, xây dựng thương hiệu cho nông sản là một trong những hướng đi trọng tâm để phát triển nông nghiệp bền vững. Nông sản có thương hiệu giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung.

Đến nay, Tuyên Quang đã triển khai thực hiện hỗ trợ tiêu chuẩn hóa 74 sản phẩm. Đặc biệt, tập trung vào giúp đỡ các tổ chức, cá nhân xây dựng nhãn hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì, máy móc, trang thiết bị. Tổng nguồn kinh phí thực hiện đến năm 2020 là hơn 52,2 tỷ đồng. Riêng trong năm 2019, tỉnh đã giải ngân 800 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho 8 sản phẩm với mức hỗ trợ 100 triệu đồng mỗi sản phẩm. Đó là các sản phẩm: Thảo mộc Lâm Bình (huyện Lâm Bình); bún khô Đà Vị (huyện Na Hang); lạc Chiêm Hóa; gạo Minh Hương (huyện Hàm Yên); na dai đặc sản Lực Hành (huyện Yên Sơn); gà sạch Minh Tâm (huyện Sơn Dương) và gà đỏ Đồng Dầy, cá đặc sản Tràng Đà (TP. Tuyên Quang).

Tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa cho 10 hợp tác xã với mức hỗ trợ 500 triệu đồng. Hỗ trợ 9 hợp tác xã tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) với tổng kinh phí thực hiện là 180 triệu đồng.

Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện các nội dung hỗ trợ theo Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh. Đến nay, có 4 hợp tác xã được hỗ trợ vay vốn để đầu tư vào sản xuất hàng hóa với tổng số vốn được vay là 2,767 tỷ đồng…

Các ngành chức năng của Tuyên Quang cũng tích cực đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi hàng hóa với quy mô phù hợp. Đến nay, toàn tỉnh có 808,3 héc-ta chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững Rainforest; 311,7 héc-ta cam đủ tiêu chuẩn VietGAP. Trong chăn nuôi, nhiều cơ sở đã áp dụng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Hiện tỉnh có 1 trang trại chăn nuôi bò sữa được chứng nhận đạt chuẩn quốc tế GlobalGAP, 3 cơ sở chăn nuôi lợn tiêu chuẩn VietGAP, 22 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm... Nhiều mặt hàng nông sản của địa phương đã có chỗ đứng trên thị trường. Toàn tỉnh hiện có 42 sản phẩm được cấp nhãn hiệu hàng hóa; 35 cơ sở có sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc, thuộc các nhóm sản phẩm cam sành, bưởi, chè, thịt trâu, thịt lợn, rau, dưa lê của các hợp tác xã, trang trại trên địa bàn tỉnh.

Nhiều sản phẩm nông sản của địa phương cũng đã khẳng định được thương hiệu như: Bưởi Xuân Vân đứng top 10 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2018; cam sành Hàm Yên được công nhận là 1 trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam, lọt top 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng; chè Bát Tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017… Hiện nay, Tuyên Quang đang hoàn thiện hồ sơ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành Hàm Yên.

Xác định phát triển nông sản tốt gắn liền với xây dựng được thương hiệu, uy tín là kim chỉ nam cho sự phát triển, giúp bà con gia tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình, thời gian tới, Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)