Thông tin giá cả thị trường số 4-5/2019

09:53 AM 25/03/2019 |   Lượt xem: 4374 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Thương mại biên giới: Động lực: Động lực “thắp sang” vùng biên

Việt Nam có đường biên giới chung với 3 nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia, trải dài trên 25 tỉnh biên giới của nước ta, cùng với đó các thỏa thuận, hiệp định thương mại biên giới với các nước láng giềng phát triển liên tục theo hướng tích cực… đã, đang tạo đòn bẩy phát triển những vùng kinh tế trọng yếu, cải thiện đời sống cư dân biên giới.

Có điều kiện đi nhiều vùng biên giới, lên với các cửa khẩu và khu kinh tế biên mậu trên cả nước… một điều dễ cảm nhận đó là bộ mặt, hạ tầng thương mại khu vực biên giới đã nhiều thay đổi tích cực với những trung tâm thương mại mọc lên, cửa khẩu với bến bãi, kho vận khang trang. Tùy thuộc vào chính sách thay đổi của mỗi bên hay hàng hóa lúc nhiều lúc ít, tuy nhiên một điều thấy rõ và có thể khẳng định, phát triển kinh tế biên mậu, thương mại biên giới đã tác động tích cực đến cư dân, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy sản xuất nông sản, giao thương, nâng cao đời sống… Thương mại biên giới đã thực sự trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội những địa bàn biên giới.

Hiện trên toàn tuyến  biên giới với các nước láng giềng đã hình thành 24 cửa khẩu quốc tế, 26 cửa khẩu chính, 86 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở; được đầu tư xây dựng 28 khu kinh tế cửa khẩu và 295 chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác về thương mại, cụ thể là Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào (năm 2015); Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc (năm 2016) và một loạt thỏa thuận hợp tác thương mại với Campuchia đã tạo nền tảng pháp lý đi kèm với những chính sách hỗ trợ thúc đẩy thương mại biên giới Việt Nam phát triển.

Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới hiện nay đạt khoảng 30 tỷ đô-la Mỹ/năm, tăng bình quân trên 20%/năm. Trong đó, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc chiếm khoảng 85%, tuyến biên giới Việt - Lào chiếm gần 5% và tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia chiếm trên 10% tổng giá trị kim ngạch.

Hiện, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc có 32 cặp cửa khẩu (7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính và 19 cửa khẩu phụ). Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung hằng năm đều tăng mạnh trên bình diện tăng trưởng nhanh kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào được ký kết tháng 6/2015 đã tạo hành lang pháp lý, tạo cơ hội tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và dịch vụ hỗ trợ thương mại tại khu vực biên giới. Trên đà phát triển chung, quan hệ thương mại Việt Nam - Campuchia cũng đã có bước tăng trưởng tích cực…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thương mại biên giới vẫn còn tồn tại một số hạn chế như hệ thống kho bãi tại một số cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là hệ thống kho lạnh, kho mát chưa được đầu tư. Việc mua bán, trao đổi một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam vẫn theo hình thức đi chợ, không có hợp đồng mua bán. Dịch vụ thanh toán còn nhiều bất cập, gây rủi ro cho doanh nghiệp.  Đây là những vấn đề mà trong thời gian tới cần tiếp tục giải quyết, tháo gỡ nhằm phát triển thương mại biên giới xứng với tiềm năng.

Quảng Ninh: Lan toả OCOP

Những ngày đầu năm mới 2019, tại Trung tâm Thương mại Big C Thăng Long (Hà Nội) đã diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Xuân 2019.

Thu hút từ sản phẩm chất lượng

Đây là lần đầu tiên Hội chợ OCOP Quảng Ninh được tổ chức tại Hà Nội với mục đích quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP Quảng Ninh vào hệ thống siêu thị, đại lý tiêu thụ và người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô… Được triển khai từ năm 2013, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã bước sang năm thứ 7 thực hiện chương trình OCOP, giới thiệu những sản phẩm thế mạnh chủ lực của địa phương đến người tiêu dùng cả nước…

Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Xuân 2019 mang đến cho người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh lân cận những sản phẩm chủ lực của Quảng Ninh như: Trứng gà Tân An, Rượu mơ Yên Tử, Rượu ba kích Yên tử, Nước mắm cái Rồng, Rau an toàn Việt Long… Với tiêu chí: Ngon, an toàn, chi phí hợp lý...

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh – kiêm Trưởng Ban chỉ đạo OCOP tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Hội chợ lần này sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã OCOP Quảng Ninh được trực tiếp giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản của địa phương đến người tiêu dùng Thủ đô. Tạo cơ hội cho người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. đồng thời, hội chợ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trực tiếp có cơ hội xúc tiến thương mại sản phẩm, dịch vụ.

“Trái ngọt” OCOP

Học hỏi kinh nghiệm từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) của nước bạn Nhật Bản, với cách làm sáng tạo và sự quyết tâm từ phía lãnh đạo chính quyền địa phương, đến nay, có thể khẳng định Chương trình OCOP đã được Quảng Ninh thực hiện thành công, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế vùng nông thôn...

Là mô hình lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam, lại được chọn làm tỉnh thí điểm, chưa có tiền lệ về phương pháp luận, cơ chế chính sách, mô hình hiệu quả để học tập, ngay từ đầu, Quảng Ninh đã cử những cán bộ chủ chốt dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu các chuyên đề quốc tế về phong trào OVOP tại các nước khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Phi… Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức đoàn công tác học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, Thái Lan. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét, đánh giá hiệu quả của các chương trình hỗ trợ sản xuất, các chính sách hiện hành, hiệu quả của các mô hình đã triển khai tại Việt Nam.

Đến nay sau 7 năm triển khai thực hiện,  từ chỗ có 48 sản phẩm ban đầu (năm 2014), đến hết năm 2018 đã có 322 sản phẩm tham gia OCOP, có 138 sản phẩm đạt  từ 3 - 5 sao (trong đó có 7 sản phẩm đạt 5 sao, 56 sản phẩm đạt 4 sao và 75 sản phẩm đạt 3 sao), các sản phẩm trong chương trình OCOP đều đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (trên 90% sản phẩm OCOP được dán tem truy xuất nguồn gốc), nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý và đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Tập đoàn FLC bảo hộ & phân phối xoài Cao Lãnh

Đồng Tháp là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích 9.300 héc-ta, sản lượng hàng năm đạt 90.000 tấn. Giống xoài chủ lực của tỉnh là xoài cát Chu (chiếm 70% diện tích), cát Hòa Lộc (chiếm 20% diện tích).

Áp dụng mô hình trồng xoài rải vụ

Trước đây, hầu hết các nhà vườn trồng xoài chỉ quan tâm đến vấn đề sản lượng mà bỏ qua nhu cầu thị trường. Chất lượng xoài cũng không đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu khi bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật gây khó khăn cho doanh nghiệp thu mua, chế biến trong nước. Thời gian gần đây, nhiều nhà vườn mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng các quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.  Đặc biệt, để khắc phục tình trạng không đáp ứng nhu cầu thị trường vào mùa nghịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tìm giải pháp khắc phục bằng mô hình thu hoạch xoài rải vụ. Năm 2017, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện 6 điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn và 6 mô hình canh tác xoài rải vụ theo hướng an toàn với diện tích 416 héc-ta. Điểm nhấn của mô hình trồng xoài rải vụ là giúp điều tiết sản lượng xoài cung ứng trong năm, nhằm cân bằng cán cân cung cầu, giúp nông dân trồng xoài thu được lợi nhuận cao. Theo các nhà vườn, mô hình canh tác xoài rải vụ giá bán cao hơn xoài chính vụ từ 1,5 - 2 lần, với lợi nhuận trung bình mỗi hec-ta trồng xoài cát Hòa Lộc là 120 triệu đồng và 80 triệu đồng đối với xoài cát Chu.

Hiện tại, xoài cát Chu có vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và được xuất khẩu chính ngạch sang: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,  Newzealand... Giá xoài cát Chu có thể cạnh tranh được với các loại xoài Thái Lan và Nam Mỹ trên thị trường xoài quốc tế. Xoài cát Hòa Lộc là loại xoài đặc sản cao cấp nhưng khó xuất khẩu do vỏ mỏng, chín sớm, giá quá cao, kích cỡ lớn nên rất khó cạnh tranh trên thị trường xoài quốc tế. Ngược lại, thị trường tiêu thụ nội địa lại rất mạnh, chiếm 90% sản lượng.

Tăng cường liên kết, xúc tiến thương mại

Xác định, đầu ra cho nông sản là vấn đề bức thiết, hướng đến phát triển ngành hàng bền vững, thời gian qua, Đồng Tháp đã đẩy mạnh củng cố các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh nhằm tạo cầu nối trong việc liên kết sản xuất tiêu thụ giữa người nông dân và doanh nghiệp. Điển hình của việc liên kết, hợp tác này là sự kiện Tập đoàn FLC đã ký kết hợp tác với tỉnh Đồng Tháp về việc xây dựng, bảo hộ và phân phối thương hiệu xoài Cao Lãnh ngay trong tháng đầu tiên của năm 2019. Mục tiêu của việc ký kết này nhằm tạo dựng vị thế cho trái xoài nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế, tiến tới tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.  Đây cũng là một phần của Thỏa thuận hợp tác chiến lược phát triển thương hiệu nông nghiệp được ký kết giữa hai bên. Theo thỏa thuận, Tập đoàn FLC sẽ cùng chính quyền tỉnh xây dựng và bảo hộ thương hiệu xoài Cao Lãnh; thành lập Hiệp hội xoài; xây dựng quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường trong và ngoài nước.

Ngoài việc giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm xoài Cao Lãnh tại các sự kiện của FLC, trong các khu nghỉ dưỡng và trên các chuyến bay của Bamboo Airways, Tập đoàn FLC cũng sẽ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu riêng để phân phối toàn bộ sản lượng xoài Cao Lãnh của Đồng Tháp ra thị trường dưới nhãn hiệu của FLC. Ngoài ra, Tập đoàn FLC sẽ phối hợp với tỉnh Đồng Tháp triển khai áp dụng quy trình sản xuất xoài sạch với quy mô lớn và đồng bộ, nhằm cung cấp các sản phẩm chất lượng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Việc ký kết hợp tác giữa tỉnh Đồng Tháp với Tập đoàn FLC có  ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với một địa phương còn nhiều khó khăn trong việc bảo hộ và tạo ra giá trị gia tăng cho thương hiệu xoài.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Vụ điều 2018 – 2019: Nhiều tín hiệu khả quan

2 năm qua, người trồng điều huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước gặp nhiều khó khăn do sâu bệnh gây hại, mất mùa trên diện rộng. Khắc phục tình trạng này, cả hệ thống chính trị tỉnh, huyện cùng vào cuộc giải cứu cây điều.

Sâu bệnh gây hại, mất mùa diện rộng

Kết thúc vụ điều 2017 - 2018, trên địa bàn huyện Bù Gia Mập tiếp tục mưa nhiều, độ ẩm cao tạo điều kiện cho bọ xít muỗi và các loại nấm bệnh hại điều phát triển. Sâu đục thân cũng xuất hiện gây hại trên diện rộng làm cây điều suy kiệt, phục hồi chậm. Trước tình hình đó, các tổ công tác số 1404 và 1587 của huyện phối hợp các xã tổ chức 81 lớp tập huấn, gồm: Kỹ thuật chăm sóc vườn điều sau thu hoạch; chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh gây hại cây điều trong mùa mưa; kỹ thuật chăm sóc thời kỳ ra bông đậu trái. Bên cạnh đó, các tổ còn triển khai 2 đợt tại 98 điểm hỗ trợ nông dân về lý thuyết kết hợp thực địa hướng dẫn quy trình chăm sóc để tăng năng suất vườn điều.

Dọc các tuyến đường từ Đức Hạnh về xã Phú Văn, hàng trăm héc-ta điều già được người dân chăm sóc đã phục hồi và vươn lên mạnh mẽ. Có được kết quả này phần lớn nhờ vào sự tư vấn, hướng dẫn của các cán bộ khuyến nông địa phương. Một số hộ gia đình thấy điều bị bệnh nhiều đã định bỏ điều, chuyển sang trồng cao su. Tuy nhiên, sau khi nghe tư vấn của cán bộ khuyến nông, một số vườn đã thực hiện quy trình cải tạo,  chăm sóc phục hồi. Thật bất ngờ đến vụ này, sâu bệnh đã giảm hẳn và vườn điều đang có triển vọng tốt.

Đồng hành, sát cánh cùng bà con

Điển hình của việc cán bộ sát cánh cùng bà con khôi phục vườn điều là ở xã Phú Nghĩa. Xã có trên 3.000 hộ, trong đó 36% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, trồng 4.460 héc-ta điều, tập trung ở 7/10 thôn, nhiều nhất ở các thôn Bù Cà Mau, Đắk Son 1, Bù Gia Phúc 1 và Bù Gia Phúc 2... Thời gian qua, cán bộ đã sát cánh cùng nông dân ra tận rẫy giải cứu cây điều. Trên cơ sở Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 30/7/2018 của UBND huyện Bù Gia Mập, xã Phú Nghĩa ban hành Quyết định số 101/QĐ-UBND ngày 19/8/2018 về việc thành lập Ban tổ chức thực hiện hỗ trợ nông dân chăm sóc điều niên vụ 2018 - 2019 gồm 24 thành viên. Trong đó, Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban phụ trách chung, xã thành lập 4 tổ phụ trách các thôn. Mỗi thôn chọn 1 hộ kinh tế khó khăn và thiệt hại nặng nhất triển khai làm mẫu trên diện tích 1 héc-ta về cách phòng trừ sâu bệnh và quy trình chăm sóc phục hồi cây điều. Lực lượng được huy động tham gia khoảng 40 người/điểm, gồm đại diện các ban, ngành, đoàn thể xã và thôn, đoàn viên thanh niên, dân quân thường trực xã với đầy đủ dụng cụ máy móc. Thời gian thực hiện toàn xã từ ngày 30/8/2018 đến 31/3/2019. Tại các điểm tổ chức đã thu hút đông nhân dân tới tham quan, học tập. Ngoài ra, để hỗ trợ bà con nông dân, xã đã triển khai kịp thời các nguồn kinh phí và vật tư do Nhà nước hỗ trợ nông dân. Cụ thể: 428 hộ bị dịch bệnh gây hại trên cây điều niên vụ 2016 - 2017 được hỗ trợ 960 triệu đồng; 79 hộ thuộc các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số và gia đình chính sách bị sâu bệnh gây hại điều niên vụ 2017 - 2018 được hỗ trợ 250 triệu đồng. 

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành nông nghiệp huyện Bù Gia Mập đã tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo chính quyền các xã chủ động phòng chống dịch bệnh; thành lập các tổ tư vấn về kỹ thuật nông nghiệp, công bố số điện thoại để người dân liên hệ hỗ trợ tư vấn. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chủ động phối hợp cán bộ hội nông dân và khuyến nông viên các xã trực tiếp đi khảo sát tại nhiều khu vực, đồng thời tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh đề nghị người dân tích cực đi thăm rẫy để kịp thời xử lý những phát sinh.

Thời điểm này, tình hình sâu bệnh gây hại cây điều trên địa bàn huyện Bù Gia Mập cơ bản được khống chế, hầu hết các diện tích phục hồi, phát triển tốt. Nhiều hộ đã tập trung phát cỏ, cào đốt lá, dọn vệ sinh để chuẩn bị thu hoạch. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị huyện, chủ đạo là ngành nông nghiệp, cùng sự chủ động của người dân và điều kiện thời tiết nắng ráo, người trồng điều huyện Bù Gia Mập đang tin tưởng vào một vụ mùa khả quan.

Phú Yên: Vùng miền núi phát triển chăn nuôi tập trung

Ở vùng miền núi, bò, lợn, gà là vật nuôi chủ lực trong cơ cấu ngành chăn nuôi. Hiện nay, người dân miền núi đã hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung tự cấp để mở rộng đàn theo quy mô lớn. Đồng thời, vùng này cũng đang thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp tới đầu tư vào chăn nuôi, giúp giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho bà con.

Mở rộng đàn theo quy mô lớn

Theo Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên, hơn 3 năm trở lại đây, chăn nuôi ở 3 huyện miền núi là: Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh có nhiều chuyển biến tích cực. Các hộ chăn nuôi đã quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng giống, kỹ thuật chăm sóc cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường. Trong đó, con bò vẫn là vật nuôi chủ lực ở địa phương. Đặc biệt, đối với đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sơn Hòa, bò trở thành vật nuôi thoát nghèo. Bên cạnh đó, huyện Sơn Hòa cũng quan tâm phát triển đàn heo, đưa con vật này trở thành vật nuôi chiếm số lượng lớn thứ hai ở địa phương. Nếu trước đây, bà con chỉ nuôi một hai con phục vụ nhu cầu của gia đình, thì nay người dân chăn nuôi đàn lớn với quy mô gia trại, trang trại theo quy trình công nghệ cao, đảm bảo chất lượng cũng như công tác vệ sinh môi trường.

Tại huyện Đồng Xuân, thời gian qua, bà con đã quan tâm tới chất lượng giống và kỹ thuật nuôi. Trong đó, bò được phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Mỗi năm cho ra đời trên 2.100 con bê lai khỏe mạnh, đạt trọng lượng lớn, giúp tăng tỷ lệ bò lai trong tổng đàn lên 72%. Nhiều kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến cũng được bà con áp dụng như nuôi heo chuồng lạnh, nuôi gà tập trung trên đệm lót sinh học… Nhờ vậy, các hộ gia đình nhân được đàn lớn, chất lượng cũng bảo đảm, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp thu mua.

Ở huyện Sông Hinh, bên cạnh việc tăng số lượng đàn, phương thức chăn nuôi cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Sông Hinh đang giảm dần hình thức chăn nuôi phân tán trong khu dân cư, hướng tới xây dựng khu chăn nuôi tập trung gắn với quy hoạch khu giết mổ. Đồng thời, chăn nuôi theo quy trình công nghệ cao bằng cách khuyến khích các công ty, doanh nghiệp bỏ vốn triển khai các dự án chăn nuôi quy mô lớn, vừa tạo công ăn việc làm cho lao động trên địa bàn vừa đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.

Thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư

Thời gian qua, 3 huyện miền núi này cũng đang thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp tới đầu tư vào chăn nuôi, giúp giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho bà con. Theo thống kê sơ bộ, hầu hết các trang trại heo lớn ở Phú Yên đều có quy mô từ 500 - 1.000 con. Các trang trại này nuôi gia công cho Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam. Heo đủ trọng lượng, công ty sẽ thu mua 100% nên người nuôi không lo đầu ra. Nhờ vậy, bà con tích cực bỏ vốn xây dựng chuồng trại với máy móc hiện đại và lịch cho ăn, lịch tiêm phòng đầy đủ.

Với con bò, tháng 1/2018, Tập đoàn TH đã động thổ Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao ở Phú Yên. Với quy mô đàn bò sữa 20.000 con, dự án mang đến sự hợp tác mới với người nông dân. Đây là dự án bò sữa thứ 3 của Tập đoàn TH với mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.151 tỷ đồng. Giai đoạn này sẽ xây dựng vùng nguyên liệu, trang trại nuôi 5.000 bò sữa, sản lượng sữa tươi khoảng 72 tấn/ngày. Dự kiến giai đoạn 2, Tập đoàn TH sẽ phát triển đàn bò sữa lên 20.000 con, tổng mức đầu tư là 4.570 tỷ đồng. Trang trại nằm trong khu vực cao nguyên Vân Hòa với chất đất bazan và khí hậu phù hợp với chăn nuôi bò sữa. Ngoài diện tích đất trang trại, Tập đoàn TH có kế hoạch liên kết với người dân địa phương xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn cho bò sữa (ngô, cỏ) là 377 héc-ta, thay thế đất rừng cao su kém hiệu quả. Dự án dự kiến tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng ngàn lao động trong vùng.

Tập đoàn TH cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến sữa TH ở khu vực xã An Mỹ, huyện Tuy An. Nhà máy có khoảng cách khá gần khu vực trang trại bò sữa, đường sá thuận lợi trong vận chuyển sản phẩm, tiêu thụ.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Kiểm soát chặt hàng hoá dịp tết

Thông thường vào những ngày cận tết, các cửa hàng, phiên chợ quê bày bán thêm nhiều hàng hóa. Trong những mặt hàng tết, bà con không khỏi lo ngại trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng được trà trộn. Các lực lượng chức năng phải đẩy mạnh kiểm tra, giám sát...

Tại các bản làng ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa ở miền Nam, tình trạng nhiều doanh nghiệp mang hàng hóa thiết yếu như: Thực phẩm chế biến, bánh kẹo, nước giải khát, bột ngọt, chất tẩy rửa, nước chấm… chất lượng kém, thậm chí là hàng giả phục vụ bà con. Điều này gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế và sức khỏe cho người dân.

Ông Đinh Văn Hào, ngụ tại Khu dân cư Chàng Riệc, ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh  cho biết: “Đồng bào ở đây cuộc sống còn nhiều khó khăn nên không đủ điều kiện để mua sắm nhiều hóa có chất lượng. Đã vậy khi mua được hàng, phần nhiều là hàng giá rẻ mang về xài lại đụng phải hàng kém chất lượng”. Tỉnh Tây Ninh có nhiều bản làng bà con dân tộc thiểu số sống  tập trung ở vùng núi, khu vực giáp với biên giới Campuchia. Hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cung cấp cho đồng bào phần lớn do người dân, doanh nghiệp mang đến, một phần do ngành công thương cung ứng qua các chương trình hàng bình ổn giá; đưa hàng về nông thôn, miền núi; chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tuy nhiên, dù các cơ quan chức năng đã cố gắng kiểm soát thị trường nhưng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ bà con đồng bào kém chất lượng, hàng giả vẫn chưa kiểm soát được. Đơn cử, hai huyện Gò Dầu và Bến Cầu tỉnh Tây Ninh, trong năm 2018, Cục Quản lý thị trường Tây Ninh đã xử lý 123 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng lậu, hàng kém chất lượng, công dụng và hàng giả. Trong đợt kiểm tra chất lượng hàng tết vừa được thực hiện, Cục Quản lý thị trường Tây Ninh đã tạm giữ nhiều loại bánh kẹo, mứt, bột ngọt, nước giải khát không ghi nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó có hơn 50 kg bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto, 956 gói cà phê bột nhãn hiệu Bảo Lộc, hơn 200 gói mì ăn liền.

Ông Châu Thanh Long - Quyền Cục Quản lý thị trường Tây Ninh cho biết, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng,  hàng giả, vi phạm kiểu dáng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong dịp cao điểm Tết Kỷ Hợi, lực lượng quản lý thị trường tập trung kiểm soát thị trường, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Tỉnh Long An là địa bàn có nhiều mặt hàng nhập lậu từ Campuchia về, đây cũng là địa phương có nhiều loại hàng giả, hàng nhái bày bán, nhất là khu vực nông thôn, khu vực có đông bà con dân tộc sinh sống.

Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết, năm 2018, lực lượng của Ban Chỉ đạo 389 (chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại) của tỉnh Long An đã xử lý 2.728 vụ vi phạm, thu giữ 54.475 kg đường cát, 1.825 thùng nước giải khát. 75,3 kg bột ngọt giả nhãn hiệu, 878 bao phân bón giả. “Trong dịp tết này, các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thực phẩm chế biến, thuốc chữa bệnh nhằm bảo vệ người tiêu dùng, nhất là những khu vực người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn”, ông Đức nói thêm.

Các loại hàng hóa thiết yếu kém chất lượng, hàng giả tràn về các bản làng, nhất là khu vực miền núi, nông thôn hẻo lánh là thực trạng tồn tại lâu nay và thường gia tăng vào dịp tết. Trong câu chuyện này, người kinh doanh xem chừng “vô can” còn hiểm họa thì người tiêu dùng trực tiếp gánh chịu.

Tại các tỉnh như Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... bà con dân tộc, người nghèo hàng ngày đang phải đối mặt với tình trạng hàng hóa kém chất lượng, hàng giả hiệu bày bán tràn lan và điều kiện để chọn lựa là không nhiều. “Ngoài tăng cường kiểm tra, giám sát hàng gian, hàng giả ở khu vực nông thôn, miền núi của các cơ quan chức năng, người dân cũng cần thận trọng trong khâu tiêu dùng, không nên mua sắm các mặt hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng kém dù là giá rẻ” - Bà Bùi Thị Dung - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa  – Vũng Tàu chia sẻ.

HÀNG VIỆT

Xuân về theo phiên chợ hàng Việt

Với những người dân khu vực miền núi khó khăn, vào những ngày cuối đông, khi những chuyến hàng Việt về miền núi được bắt đầu bằng tiếng loa phát thanh vang khắp những cung đường, những quầy hàng thơm mùi đồ mới, mùa xuân đã về trong niềm háo hức và tiếng nói cười của những đứa trẻ vùng cao…

Đã được tham gia không ít những chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi nhưng có lẽ, những chuyến đi vào cuối năm luôn mang những cảm giác náo nức khó tả. Ấy là khi đất trời chớm vào xuân, khi những bộn bề thường lệ tạm thời được gác lại để chuẩn bị cho ngày tết đủ đầy, đoàn viên và ấm áp.

Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ, không phải ngẫu nhiên, những chuyến hàng tết, phiên chợ hàng Việt về nông thôn – đặc sản riêng của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thường được tổ chức vào những ngày cuối năm. Bởi lẽ, càng vào dịp cuối năm, nhu cầu hàng hóa có chất lượng với giá cả phải chăng của người dân càng lớn. Với bà con khu vực miền núi, vùng còn kém phát triển, những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn không những là dịp để cung ứng hàng tết mà còn là một sự kiện giải trí được người dân ngóng chờ.

Những ngày cuối năm, tôi may mắn được trải nghiệm trọn vẹn cảm giác háo hức rộn ràng của một phiên chợ tết vùng cao khi theo chân những cán bộ Sở Công Thương Bắc Kạn đưa hàng Việt về nông thôn huyện Ngân Sơn. Chị Nguyễn Thị Vàng – cán bộ Sở Công Thương, người đã có nhiều năm gắn bó với các phiên chợ hàng Việt về nông thôn cho biết, xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn là xã có địa bàn rộng, gồm 17 thôn, bản đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, địa hình hiểm trở, bị chia cắt bởi đèo cao, vực sâu. Việc tổ chức phiên chợ hàng Việt tại địa phương này sẽ tạo điều kiện cho bà con trong xã và vùng lân cận có điều kiện mua sắm; giao lưu văn hóa trong khu vực.

Hiểu được nhu cầu của bà con, phiên chợ chủ yếu mang đến các sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân như: Chăn, ga, gối đệm, quần áo, đồ may mặc, giày dép, đồ nhựa, đồ dùng sinh hoạt gia đình... Sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân trên địa bàn.

Dù đã tổ chức nhiều năm nhưng đến nay, các phiên chợ về miền núi Bắc Kạn vẫn là sự kiện thu hút rất đông bà con đến thăm quan, mua sắm. “Hiểu được điều đó, bên cạnh các tiết mục văn nghệ để thu hút người dân, chúng tôi luôn vận động doanh nghiệp dành các suất học bổng cho học sinh nơi tổ chức phiên chợ” – chị Vàng chia sẻ.

Từ những phiên chợ đầu tiên với nhiều háo hức, đến nay, các phiên chợ tết đã trở thành sự kiện quen thuộc với người dân mỗi dịp cuối năm. Chị Vàng cho hay, những năm đầu tổ chức, người dân thường đến thăm quan phiên chợ nhiều hơn là mua, thì đến nay, người dân chủ động chuẩn bị tiền để dành đến phiên chợ mua sắm. Nếu như những năm trước, người dân còn mang chục trứng, mớ rau đến phiên chợ để đổi lấy hàng hóa thì đến nay, bà con đã thu hoạch sớm nông sản để dành tiền đến phiên chợ mua sắm. Nhờ đó, doanh thu của các doanh nghiệp sau mỗi phiên chợ ngày một tăng lên, có phiên chợ đạt đến hàng tỷ đồng.

Là khách quen trong các phiên chợ tết, bà Hứa Thị Gia (xã Thuần Mang) chia sẻ, bình thường, hàng hóa thiết yếu vẫn được bán tại các cửa hàng nhỏ gần nhà, nhưng muốn mua quần áo, chăn màn, đồ gia dụng… bà thường phải đi khá xa xuống chợ huyện, hàng hóa cũng không được kiểm soát chất lượng. Do đó, những phiên chợ ăm ắp đầy hàng mới, nguồn gốc được kiểm soát kỹ càng luôn là sự kiện được chờ đón. Lỉnh kỉnh trên tay là dầu ăn, nước mắm, quần áo mới và một chiếc chăn bông, bà cười tươi nói: “Ở nhà, tôi đã rửa lá, ngâm gạo, đụng lợn gói bánh chưng. Đây là quần áo mới cho con, chăn mới cho cả nhà và đồ dùng mới. Thế này là đủ cho tết rồi!”.

Chỉ thế thôi là đã thấy cái tết đủ đầy và ấm áp đang đến thật gần!

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)