Thông tin giá cả thị trường số 40/2017

08:07 AM 17/10/2017 |   Lượt xem: 3998 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Phát triển lúa mì tại các tỉnh miền núi phía Bắc

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đa số hiện nay chỉ canh tác được một vụ lúa hoặc ngô. Từ khoảng tháng 9, tháng 10 năm trước tới tháng 4 năm sau, do mùa đông quá lạnh, không có mưa nên đất đai hầu hết phải bỏ hoang. Vì vậy, lúa mì được xác định là loại cây trồng có thể trồng được vào mùa đông để tăng hệ số sử dụng đất và thu nhập cho nông dân những vùng này. 

Bên cạnh đó, lúa mì còn có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu của việc phát triển đại gia súc ở vùng núi phía Bắc. Ví dụ như ở Mù Cang Chải - một huyện vùng cao điển hình của tỉnh Yên Bái. Đồng bào dân tộc Mông nơi đây hầu hết chỉ có thể canh tác được một vụ ngô hoặc một vụ lúa nương tại các khu vực ruộng bậc thang có nước tưới trong khoảng từ tháng 4 tới tháng 9 hàng năm. Còn lại 6 - 7 tháng mùa đông kéo dài tới đầu xuân năm sau (từ tháng 10 năm trước đến khoảng cuối tháng 4 năm sau), đất phải bỏ hoang vì thời tiết quá lạnh.

Bắt đầu từ cuối năm 2015, Ủy ban Nhân dân huyện Mù Cang Chải đã thí điểm đưa cây lúa mì vào trồng thử trên một số chân ruộng bậc thang 1 vụ lúa. Từ những kết quả bước đầu, vụ đông xuân 2016 - 2017, huyện tiếp tục mở rộng diện tích, đưa lúa mì vào trồng thử hơn 20 héc-ta tại xã: La Pán Tẩn, Púng Luông, Nậm Khắt.

Kết quả cho thấy, cây lúa mì trồng tại đây thích nghi rất tốt vào mùa đông. Hiện tại, lúa mì đã cho thu hoạch với năng suất trung bình đạt hơn 5 tấn/héc-ta. Ðến nay, toàn bộ diện tích lúa mì trồng thử nghiệm đã được một doanh nghiệp đăng ký bao tiêu toàn bộ với giá 6.000 đồng/kg. Như vậy, theo tính toán, mỗi héc-ta lúa mì trừ chi phí giống, phân bón có thể cho lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng, tương đương với một vụ lúa nương tại địa phương. 

Từ thành công của huyện Mù Cang Chải, có thể khẳng định, nhiều vùng tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc có thể phát triển tốt cây lúa mì vào mùa đông, nhất là các tỉnh biên giới như: Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai… Đây cũng là giải pháp giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tận dụng đất trống để trồng trọt, tạo nguồn nguyên liệu làm thức ăn xanh cho gia súc trong mùa đông.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cũng đưa ra một số lưu ý khi trồng lúa mì trong vụ đông. Bởi trên thực tế, trồng lúa mì khắt khe nhất là ở giai đoạn thu hoạch, trời phải khô ráo, độ ẩm không được cao để tránh bị nấm mốc. Hiện nay, quỹ đất bỏ hoang ở các tỉnh miền núi kéo dài tới 6 - 7 tháng. Vì vậy, chỉ cần xuống giống muộn một chút để thời điểm thu hoạch vào giai đoạn giữa tháng 4 hàng năm trở đi là sẽ khắc phục được nhược điểm này. Về cây giống, địa phương nên chọn những giống lúa mì có khả năng thích nghi rộng với các nước vùng nhiệt đới. Hiện nay, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới, trong đó có những giống có thể thích nghi tốt ở nhiệt độ 25 - 35oC (nhiệt độ sinh trưởng phù hợp từ 20 - 25oC). Đây là khung nhiệt độ phù hợp với mùa đông ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Tại các tỉnh ven biên giới Việt Nam, hiện Trung Quốc đã và đang tập trung phát triển rất tốt lúa mì với năng suất có thể lên tới bình quân 7 - 8 tấn/héc-ta ở các khu vực có đặc thù thời tiết, thổ nhưỡng tương đồng như các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Tuyên Quang: Nuôi trâu theo chuỗi giá trị

Chăn nuôi trâu là thế mạnh của nhiều địa phương trong tỉnh Tuyên Quang. Trong đó, tập trung nhiều ở các huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa - nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang, trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành 22 tổ hợp tác chăn nuôi trâu. Trong đó, nhiều nhất là 2 huyện: Na Hang, Lâm Bình, mỗi địa phương có 9 tổ hợp tác. Tuy nhiên, các tổ hợp tác này hoạt động chủ yếu theo hình thức tập trung các hộ cùng chăn nuôi, tìm kiếm con giống hoặc nguồn thức ăn, chưa có tổ hợp tác nào liên kết được với doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc liên kết theo chuỗi, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm dưới hình thức có hợp đồng. Ngay cả các hợp tác xã cũng  không liên kết được với doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, sản phẩm chủ yếu bán cho các thương lái trong xã, trong huyện nên giá thu mua không ổn định.

Theo Quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Tuyên Quang, đến năm 2020, toàn tỉnh có 122.696 con trâu. Mục tiêu của tỉnh là thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào các chuỗi liên kết trâu. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có Hợp tác xã công nghệ cao Tiến Thành, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) tham gia vào chuỗi liên kết này với mục tiêu xây dựng chuỗi trâu an toàn vệ sinh thực phẩm quy mô 2.000 con, trong đó chủ yếu là nuôi nhốt vỗ béo và liên kết với doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm. Ðơn vị đã liên kết với 10 hợp tác xã tại các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa và thành phố Tuyên Quang để liên kết chăn nuôi. Giữa tháng 9, Hợp tác xã đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đưa đại diện 10 hợp tác xã tham quan mô hình nuôi trâu nhốt chuồng tại Thanh Hà (Hải Dương). Đây là các hợp tác xã liên kết với Hợp tác xã công nghệ cao Tiến Thành trong thực hiện mô hình nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo trên địa bàn tỉnh. Tại đây, đại diện các hợp tác xã được học tập cách thức xây dựng chuồng trại, phối trộn thức ăn, phòng tránh dịch bệnh...

Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi đang được tỉnh Tuyên Quang ưu tiên lựa chọn đầu tư. Sau chuỗi liên kết trâu, tỉnh tiếp tục thu hút các hợp tác xã tham gia vào chuỗi sản phẩm nông sản có lợi thế của tỉnh như gà, cá, lạc...

Hậu Giang: Giá mía đầu vụ thấp

Mặc dù đã vào vụ thu hoạch mía nhưng người trồng mía ở Hậu Giang không mấy vui bởi giá bán và năng suất mía đều giảm so với hai vụ trước.

Trong khi giá mía giảm thì giá thuê nhân công thu hoạch lại có xu hướng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể: Đầu vụ năm ngoái, giá mía bán được 900 - 1.000 đồng/kg, giá thuê nhân công thu hoạch từ 130.000 - 135.000 đồng/tấn, nhưng năm nay giá mía chỉ bán được ở mức 800 - 850 đồng/kg, nhưng giá thuê nhân công thu hoạch lại lên đến 150.000 đồng/tấn, tăng hơn 15.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Thời điểm hiện tại nước lũ đang về, nhiều diện tích mía ngoài đê bao đã bị ngập, do đó giá thuê nhân công thu hoạch sẽ còn tiếp tục tăng. Với mức giá này, nông dân thu hoạch mía đầu vụ sẽ không có lãi nhiều. Trong khi đó, năng suất mía cũng giảm do thời tiết năm nay không thuận lợi, sâu bệnh xuất hiện tương đối nhiều. Nếu so sánh với thời điểm năm ngoái, giá mía 11.000 đồng/kg còn năm nay nếu bán với giá 850 đồng/kg mía, chắc chắn bà con không có lãi. Theo tính toán với chi phí sản xuất tăng, năng suất giảm như năm nay, giá thành không dưới 750 đồng/kg mía.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, hiện nước lũ đang về, nhưng đáng lo ngại là khoảng 2.000 héc-ta mía của huyện nằm ngoài vùng bờ bao ngăn lũ có thể bị ảnh hưởng. Do đó, ngành nông nghiệp huyện đang phối hợp cùng các nhà máy đường tập trung thu hoạch mía cho bà con nằm ngoài vùng đê bao trước, trong đó ưu tiên thu hoạch giống mía chín sớm ROC 16. Nhưng với 3 nhà máy đường trên địa bàn tỉnh đi vào sản xuất ổn định và tăng dần công suất ép lên, tin rằng không khí thu hoạch mía sẽ nhộn nhịp, sôi động hơn trong những ngày tới.

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

Bình Định: Tăng thu mua mì nguyên liệu

Nhằm giải quyết hết lượng mì nguyên liệu của nông dân trong tỉnh Bình Định trước khi mùa mưa lũ đến, hiện nay, Công ty CP Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định (BDSTAR) đã tăng công suất thu mua lên gấp đôi, từ 150 tấn/ngày lên 300 tấn/ngày tại các vùng trọng điểm như: Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Hoài Ân…

Năm nay, giá mì nguyên liệu được BDSTAR thu mua cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 30%. Cụ thể: mì có hàm lượng tinh bột đạt 30% giá 1,7 triệu đồng/tấn; mì 25% độ bột - 1,45 triệu đồng/tấn; mì 20% độ bột - 1,2 triệu đồng/tấn.

Dự kiến từ nay đến cuối năm, BDSTAR sẽ thu mua khoảng 40.000 tấn nguyên liệu.

Lâm Đồng: Giá kén tằm phá kỷ lục

Tại địa bàn huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, giá kén tằm hiện đang phá vỡ mọi kỷ lục kể từ 3 năm trở lại đây với mức 192.000 đồng/kg. Từ năm 2015 trở lại đây, giá kén bình quân ở mức 120.000 - 150.000 đồng/kg còn hiện nay giá kén được thu mua ở mức trên 190.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do nhà máy ươm tơ công suất lớn vừa đi vào hoạt động tại xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà khiến nhu cầu tiêu thụ kén tằm tăng đột biến, đẩy giá tăng cao do nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Giá kén tằm tại khu vực kinh tế mới Hà Nội, Lâm Hà tăng cao kéo theo giá kén chung trên địa bàn Lâm Đồng cũng tăng theo với mức 180.000 - 190.000 đồng/kg tùy loại. Giá kén cao khiến thu nhập của nông dân trồng dâu nuôi tằm tăng, diện tích dâu tằm ngày càng mở rộng. Dự báo, giá kén tằm có thể lên tới 200.000 đồng/kg và giữ mức kỷ lục này cho tới khi diện tích trồng dâu nuôi tằm tăng, đáp ứng kịp nhu cầu sản xuất của các nhà máy ươm tơ.

Phú Yên: Tôm hùm tăng giá mạnh

Thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10, giá tôm hùm thương phẩm đã tăng từ 200.000 đến 300.000 đồng/kg nhưng người nuôi tôm hùm ở tỉnh Phú Yên không có hàng để bán. Hiện nay, giá tôm hùm bông lên đến 1,9 triệu đồng/kg, tăng 300.000 đồng/kg so với đầu năm; tôm hùm xanh trên 800.000 đồng/kg, tăng 200.000 đồng/kg.

Nguyên nhân giá tôm hùm tăng mạnh là do trong năm nay trên địa bàn tỉnh xảy ra hai đợt dịch bệnh trên tôm hùm. Nặng nhất là đợt dịch bệnh vào cuối tháng 5 vừa qua do môi trường nuôi bị ô nhiễm rất nghiêm trọng làm cho tôm hùm chết hàng loạt. Vùng nuôi tôm hùm lớn nhất tỉnh là thị xã Sông Cầu với số lượng tôm hùm chết giá trị lên đến 700 tỷ đồng.

Lào Cai: Giá chuối giảm, khó tiêu thụ

Xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai hiện có hơn 600 héc-ta chuối tập trung ở 7 thôn: Đồi Gianh, Pạc Bo, Na Lốc 1, 2, 3, 4 và Cốc Phương, với sản lượng hằng năm khoảng 13.000 tấn, tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Trung Quốc. Vụ chuối năm nay, giá giảm mạnh nên bà con nông dân không muốn thu hoạch. Hiện giá chuối chỉ còn khoảng 1.300 đồng/kg khiến các hộ dân đứng ngồi không yên bởi tiền thu về không đủ thuê nhân công thu hoạch.

Trước tình trạng này, chính quyền địa phương đã phối hợp với ngành chức năng của huyện Mường Khương kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ và tạo điều kiện thuận lợi để bà con tìm hướng xuất khẩu.

Không thể phủ nhận, nhiều hộ đồng bào dân tộc ở Mường Khương đã thoát nghèo nhờ cây chuối nhưng tình trạng giá cả lên xuống bếp bênh tùy theo từng mùa vụ luôn đặt người nông dân vào tình trạng “đánh cược” với thị trường.

LƯU Ý - CẢNH BÁO

Đông Nam bộ: Cao su thanh lý tăng giá

Trong tháng 9, nhiều người dân vùng Đông Nam bộ ồ ạt chặt cây cao su bán cho thương lái vì chủ trương đóng cửa rừng của Chính phủ khiến nguồn cung trên thị trường hạn hẹp. Tại tỉnh Bình Phước, “thủ phủ” cao su của cả nước, những năm trước, giá cây cao su thanh lý ở mức 600.000 - 700.000 đồng/cây, còn hiện nay trung bình 1 triệu đồng/cây, cá biệt có những vườn cao su già thân cây to có giá lên đến hơn 1,5 triệu đồng/cây. Đây là mức giá tăng đột biến và chưa từng có đối với cây cao su thanh lý từ trước đến nay. Với mức giá này, chỉ cần có 1 héc-ta cao su thanh lý (trung bình 1 héc-ta khoảng 500 cây), nhà vườn có thể thu về 600 - 700 triệu đồng.

Theo ông Trần Văn Lộc - Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, do giá cây cao su thanh lý tăng đột biến đã khiến nhiều nhà vườn có cao su già cỗi đổ xô thanh lý cây để được giá trong thời điểm này. Đây thực sự là điểm đột phá giữa lúc thị trường cao su chưa ổn định trở lại. Đồng thời khiến những nhà vườn gắn bó với cây cao su trên địa bàn tỉnh có thêm điểm tựa với loại cây trồng chủ lực này. Bên cạnh đó, việc tăng giá cây cao su thanh lý cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy thị trường cao su sôi động trở lại và mang lại những tác động tích cực hơn đối với giá mủ cao su.

Được biết, tại khu vực Đông Nam bộ, hiện diện tích cao su đang thời kỳ kinh doanh đạt khoảng 540.000 héc-ta. Trong đó, đứng đầu là tỉnh Bình Phước với 230.000 héc-ta, Bình Dương 133.000 héc-ta, Tây Ninh 98.000 héc-ta, Đồng Nai gần 50.000 héc-ta, Bà Rịa - Vũng Tàu 25.000 héc-ta.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Quảng Trị: Tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật

Trước diễn biến phức tạp của việc buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Quảng Trị đã đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh ra chỉ thị toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường công tác quản lý thuốc BTVT nhằm hướng đến nền nông nghiệp sạch.

Qua kiểm tra sơ bộ của các ngành chức năng tỉnh Quảng Trị, ngoài 80 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV vẫn còn hơn 100 điểm buôn bán thuốc chui, không đảm bảo các điều kiện về kho quầy, bảo hộ lao động, trình độ chuyên môn về thuốc BVTV của người đứng bán.

Đa số các trường hợp sai phạm là tình trạng thuốc BVTV bán sai quy định, bán kèm với các loại hàng hóa vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm và hàng tạp hóa khác tại các chợ và hộ gia đình. Nhiều cửa hàng tạp hóa ở một số chợ nhỏ, thuốc BVTV được chủ quán để ở một góc, không xa lắm là các mặt hàng thực phẩm khác như: bánh kẹo, nước ngọt… Một số người công khai bán chui thuốc BVTV từng bị cơ quan chức năng nhắc nhở và xử phạt nên rút kinh nghiệm, cất giấu kỹ. Khi nào khách đến hỏi mua mới đem ra bán. Thậm chí, để an toàn hơn nữa, một số người đem thuốc về nhà riêng để bán.

Ngoài ra, tình trạng người sử dụng thuốc BVTV lạm dụng, pha chế không đúng cách, vứt bao bì không đúng nơi quy định… cũng chưa được quản lý chặt chẽ. Điều này vô hình chung gây hậu quả xấu đến sản xuất, môi trường và sức khỏe cộng đồng. Bởi trên thực tế, nếu người bán thuốc BVTV không có nghiệp vụ chuyên môn sẽ bán không đúng loại thuốc, không đúng bệnh, không đúng liều lượng dẫn đến tốn kém, hiệu quả thấp, ô nhiễm môi trường và còn gây hiện tượng kháng thuốc của cây trồng.

Trước diễn biến phức tạp của việc buôn bán thuốc BVTV, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đã phải đề xuất UBND tỉnh ra chỉ thị toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường công tác quản lý thuốc BTVT nhằm hướng đến nền nông nghiệp sạch. Tuy nhiên, điều đáng báo động là tình trạng thuốc BVTV giả và những hệ lụy đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng bà con dường như không quan tâm.

HÀNG VIỆT

Hà Giang: Tích cực xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam

Từ một điểm bán thí điểm đầu tiên được xây dựng để phân phối đặc sản Hà Giang ra thị trường, đến nay, Sở Công Thương Hà Giang đã xây dựng được 3 Điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh, góp phần phân phối hàng hóa Việt chính hãng đến với người dân. Điểm bán hàng Việt Nam thứ 4 đang được tích cực xây dựng tại huyện Yên Minh ngay trong năm nay nhằm nhân rộng hơn hiệu quả của các điểm bán này.

“Cầu nối” hàng Việt đến với bà con

Từ năm 2015 đến nay, hưởng ứng Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”,Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Công Thương - Sở Công Thương Hà Giang đã triển khai xây dựng 3 mô hình thí điểm bán hàng Việt Nam trong chương trình “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, trong đó có 2 điểm tại thành phố Hà Giang và 1 điểm tại huyện Đồng Văn.

Điểm bán hàng Việt Nam tại Hà Giang có những đặc điểm riêng mà ít địa phương nào có được. Đơn cử, phát huy thế mạnh các loại đặc sản địa phương, Điểm bán hàng Việt Nam đầu tiên xây dựng tại Cửa hàng bán buôn bán lẻ Hồng Hải (tổ 16, phường Trần Phú, TP. Hà Giang) chính là nơi phân phối các loại đặc sản địa phương của Hà Giang như: gạo, mật ong bạc hà, bánh tam giác mạch... Ngoài các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, cửa hàng còn buôn bán nhiều mặt hàng của các tỉnh lân cận, như: Cao Bằng, Vĩnh Phúc. Hiệu quả của điểm bán hàng này đã được chứng minh khi doanh số bán các mặt hàng như rượu, đồ khô, mật ong… thường xuyên tăng trưởng gấp rưỡi, gấp đôi so với thời gian trước khi xây dựng điểm bán. Điểm bán hàng Việt Nam này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ khi đã trở thành điểm phát luồng hàng hóa đặc sản địa phương đi cả nước.

Các Điểm bán hàng Việt Nam còn lại được đặt tại Cửa hàng Dũng Dung, (tổ 3, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn) và Hộ kinh doanh Trương Thúy Lan (số 172, đường Trần Hưng Đạo, tổ 5, phường Nguyễn Trãi, TP. Hà Giang) là nơi phân phối các sản phẩm hàng tiêu dùng, hàng hóa thiết yếu, hàng đặc sản. Theo Sở Công Thương Hà Giang, từ khi đưa vào sử dụng, các điểm bán hàng Việt Nam đã khắc phục những hạn chế của cửa hàng lẻ trước đây về nguồn gốc sản phẩm. Cụ thể, khi mua hàng tại các điểm bán tại chợ, cửa hàng lẻ, người dân khó phân biệt được hàng Việt và hàng nhái, hàng giả, hàng trôi nổi trên thị trường. Nhưng riêng với các điểm bán hàng Việt Nam, do được Sở Công Thương tỉnh bảo lãnh và lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp sản phẩm có cam kết với chủ cửa hàng về nguồn gốc sản phẩm, nên hàng hóa ở đây được chứng nhận là hàng Việt chính hãng. Hàng hóa cũng được niêm yết giá rõ ràng, giúp người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa.

Tiếp tục xây dựng nhiều Điểm bán hàng Việt Nam

Từ thành công bước đầu của các điểm bán hàng Việt, thời gian tới, Trung tâm dự kiến sẽ triển khai thí điểm thêm 3 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại các huyện Yên Minh, Hoàng Su Phì và Bắc Quang, tập trung vào các sản phẩm đặc sản của địa phương. Trong đó, riêng Điểm bán hàng Việt Nam tại huyện Yên Minh sẽ được hoàn thành ngay trong năm 2017.

Các điểm bán được lựa chọn phải đáp ứng có diện tích tối thiểu là 60m2, nằm ở khu vực trung tâm, thuận lợi giao thương buôn bán. Các mặt hàng được bày bán tại điểm bán hàng Việt Nam phải có các sản phẩm nông sản trong tỉnh, các sản phẩm nông sản của các tỉnh lân cận và hàng tiêu dùng. Việc xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam không chỉ là điểm tiêu thụ mà còn tạo cơ hội, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản của địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Từ đó, thúc đẩy sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và giải quyết được việc làm cho người lao động ở địa phương. Đồng thời, giúp quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các mặt hàng sản phẩm đặc trưng của Hà Giang, mang hàng hóa có chất lượng của các doanh nghiệp trong nước đến với Hà Giang.

Theo Sở Công Thương Hà Giang, việc xây dựng các điểm bán hàng Việt cố định sẽ giúp cho các mặt hàng nông sản đặc trưng của tỉnh được quảng bá, giới thiệu đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Mục tiêu đến năm 2020, mỗi huyện, thành phố sẽ có ít nhất 2 Điểm bán hàng Việt Nam.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)