Thông tin giá cả thị trường số 41/2017

08:39 AM 25/10/2017 |   Lượt xem: 4395 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp: Doanh nghiệp là nòng cốt

Xác định con giống là khâu quan trọng trong phát triển cá tra, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và UBND tỉnh An Giang đã phối hợp tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Theo thống kê, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 108 cơ sở cho sinh sản nhân tạo cá tra và gần 1.900 hộ ương dưỡng cá giống với diện tích trên 1.500 héc-ta, tập trung tại các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ... Tuy nhiên, hiện nay, việc sản xuất giống và phát triển cá tra vẫn còn một số hạn chế. Đặc biệt, trong sản xuất giống cá tra chưa có vai trò của doanh nghiệp ở khâu đầu vào. Vì vậy, đề án đặt ra mục tiêu là phải đột phá khâu giống, tập trung xây dựng thương hiệu, thích ứng được các thị trường khắt khe nhất và truy xuất được nguồn gốc.

Đề án xác định, sản xuất giống cá tra là khâu mang tính đột phá. Doanh nghiệp là nòng cốt đóng vai trò quan trọng trong đề án. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp, các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL chủ động tạo quỹ đất bằng cách thuê lại đất của nông dân, thực hiện dồn điền đổi thửa, sau đó cho doanh nghiệp thuê có thời hạn. Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho các vùng sản xuất giống tập trung ở An Giang và Đồng Tháp. Các tỉnh còn lại sẽ vận dụng nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất giống của địa phương.

Đề án định hướng xây dựng An Giang trở thành trung tâm giống cá tra công nghệ cao cung cấp con giống chất lượng cao theo hướng liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp. Từng bước đáp ứng đủ nhu cầu con giống cá tra, góp phần tái tạo ngành cá tra theo hướng bền vững, hướng đến quản lý chặt chẽ thông qua các mối liên kết. Tăng cường các giải pháp thực hiện sản xuất cá tra hướng đến mục tiêu năm 2020 có 1.000 héc-ta tham gia chuỗi. Đạt 50% diện tích ương giống cá tra khu vực ĐBSCL. Đến năm 2025 cung cấp 70% nhu cầu giống cá tra tương đương 2,45 - 2,8 tỷ con giống cá tra cung cấp cho An Giang và khu vực ĐBSCL. Toàn bộ con giống cá tra của chuỗi sản xuất phải được doanh nghiệp bao tiêu theo giá sàn thỏa thuận từng thời điểm thu mua. Tham gia thực hiện liên kết 3 cấp ít nhất có 4 - 6 doanh nghiệp.

 Tiêu chí liên kết 3 cấp sản xuất cá tra gồm: Cấp 1: Các viện nghiên cứu, trường đại học ứng dụng công nghệ cao trong chọn lọc nguồn giống bố mẹ, hoàn thiện công nghệ sản xuất giống cá tra có chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng trưởng chuyển giao cho các đơn vị cấp 2. Cấp 2: Các cơ sở sản xuất cho sinh sản nhân tạo là trung tâm giống cấp tỉnh, các cơ sở sản xuất giống của doanh nghiệp. Cấp 3: Các cơ sở ương dưỡng từ cá bột lên cá hương giống.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, việc đề ra đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp và tập trung thực hiện trong giai đoạn này là cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề án cần phải có cơ chế chính sách cụ thể cho giống. Trong 3 giai đoạn cần tập trung nhiều vào giai đoạn thứ 2. Công đoạn từ cá tra mẹ ra cá giống đòi hỏi chất lượng rất cao. Cần phải hình thành các hệ thống chuẩn mực, quy định chặt chẽ tránh trường hợp người dân nuôi cá ở phân đoạn thứ 3 bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp cụ thể như quy hoạch các vùng nuôi, xây dựng chính sách…

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Nghệ An: Người trồng chanh thua lỗ

Mặc dù đang là thời điểm giữa vụ thu hoạch nhưng giá chanh tại Nghệ An đang giảm mạnh khiến người trồng lo lắng.

Các hộ trồng chanh Nghệ An cho biết, chanh từ khi trồng đến khi thu hoạch mất khoảng 3 năm, trong đó chi phí cải tạo đất, đầu tư về giống, phân bón khoảng gần 100 triệu đồng/héc-ta. Năng suất chanh ở Nghệ An dao động từ 8 - 10 tấn/héc-ta/vụ (không kể chanh trái vụ). Với kinh phí đầu tư ban đầu cao như vậy thì mỗi vụ bà con phải thu từ 100 - 150 triệu đồng/héc-ta trở lên mới có lãi. Tuy nhiên, vụ thu hoạch chanh chính vụ này người trồng chanh chỉ thu về 30 - 35 triệu đồng/héc-ta, chưa trừ chi phí. Những năm trước, chanh có rớt giá thì đầu vụ cũng đạt 18.000 – 20.000 đồng/kg nhưng năm nay, ngay từ đầu vụ giá chỉ 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, điều khiến các nhà vườn lo lắng là tình trạng thương lái không thu mua chanh. Nhiều vườn chanh chín vàng nhưng bà con không dám thu hoạch vì không tiêu thụ được.

Theo thống kê, tổng diện tích chanh tại Nghệ An là 1.775 héc-ta, tập trung tại các huyện: Nam Đàn, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn… Huyện Nam Đàn hiện có gần 200 héc-ta chanh, tập trung tại các xã Nam Kim, Khánh Sơn... Huyện Hưng Nguyên hiện có khoảng 200 héc-ta chanh, chủ yếu tập trung ở 2 xã Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam và rải rác ở một vài xóm của xã Hưng Trung. Vào thời điểm đầu vụ, giá chanh tại vườn dao động từ 10.000 - 16.000 đồng/kg nhưng hiện nay, chanh loại 1 cũng chỉ bán được trên dưới 4.000 đồng/kg. Tại huyện Con Cuông, giá chanh còn thê thảm hơn. Những ngày đầu tháng 10, thương lái chỉ thu mua với giá 1.000 đồng/kg khiến nhiều nông dân ở thôn Bãi Ổi, xã Chi Khê đã đồng loạt rủ nhau chặt bỏ. Cả thôn Bãi Ổi có gần 100 hộ trồng chanh với tổng diện tích 100 héc-ta. Vụ thu hoạch chanh diễn ra từ tháng 5 và hiện đang là thời kỳ cao điểm nhưng người trồng chanh quá chán nản, nhiều vườn trồng chanh ngập trong cỏ dại.

Diêm dân không có muối để bán

Ninh Thuận là địa phương có diện tích đồng muối lớn của miền Trung với gần 3.600 héc-ta. Hiện nay, mặc dù giá muối tăng nhưng bà con diêm dân không có hàng để bán.

Hiện giá muối sản xuất trên nền bạt ở mức 1.400 đồng/kg, muối trên nền đất 1.100 đồng/kg, tăng hơn 500 đồng/kg so với giá đầu vụ 2017. Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Ninh Thuận, nếu thời tiết thuận lợi, năng suất muối có thể đạt đến 50 tấn/héc-ta/tháng.

Vài tháng qua, Ninh Thuận thường xuất hiện những cơn mưa trái mùa nên sản lượng muối đạt thấp, nguồn cung giảm đã đẩy giá muối tăng mạnh. Trong khi đó, các thương lái nắm bắt tình hình đã nhanh tay thu gom muối để tích trữ, kiếm lời đậm so với những tháng đầu năm 2017.

Không chỉ Ninh Thuận, các diêm dân ở Bạc Liêu cũng đang ở trong tình trạng không có hàng để bán dù giá muối tăng rất cao. Ngay khi bắt đầu thu hoạch, toàn bộ muối ở đây đã được tư thương thu gom hết. Biết bán giá thấp hơn giá thị trường nhưng diêm dân vẫn phải bán vì cần tiền xoay xở và không có khả năng dự trữ. Trên thực tế, sản lượng muối còn trữ ở địa phương đã nằm ở kho của các chủ vựa, doanh nghiệp. Bởi phần lớn người sản xuất muối đều khó khăn, thiếu kho bãi và vốn dự trữ. Vì vậy, sau thu hoạch, hộ sản xuất thường bán luôn để lấy tiền xoay xở cuộc sống.

Như vậy, giá muối tăng chỉ chủ vựa, doanh nghiệp hưởng lợi trong khi đời sống của diêm dân vẫn hết sức khó khăn.

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá mật ong nuôi thấp

Hiện nay, tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như: Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang… mật ong nuôi được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thu mua với giá khoảng 60.000 đồng/kg trở lại. Trong khi đó, giá bán nhiều loại mật ong rừng và mật ong khai thác tự nhiên trên thị trường khá cao. Theo nhiều nông dân, với giá bán buôn khá thấp, người nuôi ong lấy mật ngày càng lãi ít bởi gần đây sản lượng mật thu được có xu hướng giảm mạnh, đàn ong lại thường xuyên bị hao hụt do ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu. Nhiều nông dân nuôi ong phải liên tục di chuyển ong đến những nơi có diện tích rừng cây và vườn cây trái đang ra hoa để dễ lấy mật, khiến chi phí nuôi ong tăng cao. Để trụ với nghề, nhiều người nuôi ong lấy mật phải mang bán lẻ để được giá cao hơn, đạt trên dưới 120.000 đồng/lít.

Nhà vườn bội thu mít Thái siêu sớm

Thời điểm này, giá mít Thái siêu sớm tiếp tục tăng cao khiến nhà vườn trồng giống mít này ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng vô cùng phấn khởi. Hiện mít Thái được các thương lái vào tận vườn thu mua với giá từ 40.000 - 45.000 đồng/kg tùy kích cỡ và chất lượng, tăng hơn 25.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 2 tháng và tăng gấp mấy lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với cây mít Thái siêu sớm được 3 - 4 năm tuổi có thể cho năng suất khoảng 3 tấn/công. Với giá bán cao như hiện nay, trừ hết chi phí và công chăm sóc, nhà vườn thu nhập khoảng 50 triệu đồng/công, cao gấp 3 lần so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.

Tỉnh Hậu Giang hiện có khoảng 800 héc-ta mít Thái siêu sớm, tập trung nhiều ở huyện Châu Thành và Phụng Hiệp. Hàng năm, nếu giá mít đạt từ 12.000 – 15.000 đồng/kg, nông dân đã có lãi. Vụ này, giá mít được 40.000 – 45.000 đồng/kg thì nông dân lãi rất cao bởi cây mít dễ trồng, dễ làm đất và ít tốn kém phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Cần Thơ: Doanh nghiệp tăng thu mua tôm sú, cá tra 

Từ tháng 9/2017 đến nay, cá tra và tôm nguyên liệu có xu hướng tăng giá mạnh. Cá tra nguyên liệu bán về các nhà máy dao động từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng cá và phương thức thanh toán, tăng 2.000 - 2.500 đồng/kg so với tháng trước đó. Tôm sú loại 20 con/kg giá 260.000 - 270.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 225.000 - 235.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so tháng trước.

Tôm sú, cá tra tăng giá do doanh nghiệp đang tăng mức thu mua, chế biến xuất khẩu trong khi nguồn cung hạn chế. Hiện thị trường thủy sản ở các nước đang hút hàng để chuẩn bị cho các dịp lễ hội và năm mới. Vì vậy, dự báo giá các mặt hàng thủy sản xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng.

Bình Phước: Nhãn muộn tăng giá

Khoảng 2 - 3 tuần trở lại đây, giá nhãn chín muộn ở Bình Phước đã tăng trở lại.  Động thái này khiến người trồng nhãn vui mừng bởi mùa nhãn này hầu hết các vườn nhãn đều giảm sản lượng. Hiện giá nhãn đã tăng lên 12.000 - 14.000 đồng/kg, giúp người thu hoạch vụ nhãn muộn có thêm phần thu nhập để đầu tư cho vụ sau. Trước đó, vào thời điểm đầu tháng 9, giá nhãn sớm ở Bình Phước giảm xuống chỉ còn 8.000 đồng/kg.

Lý giải cho việc giá nhãn đột nhiên tăng trở lại, nhiều nông dân cho biết, tháng 10 là chính vụ, nhưng năm nay nhiều nông dân chọn ra bông nhãn sớm. Nhãn chính vụ ít hơn. Mặt khác thời điểm này, trái cây Nam bộ đã bắt đầu giảm, vì thế trái nhãn được thị trường ưa chuộng trở lại.

LƯU Ý - CẢNH BÁO

Tuy An - Phú Yên: Khuyến cáo không thả tôm nuôi vụ 3

UBND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đang triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, phòng chống dịch bệnh trên diện tích thả nuôi thủy sản trong mùa mưa bão 2017.

Nhằm chủ động bảo vệ diện tích thả nuôi thủy sản, giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra xuống mức thấp nhất, huyện Tuy An đã yêu cầu các xã có diện tích thả nuôi tôm nước lợ, nuôi cá hồng, tôm hùm và nuôi cá nước ngọt cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn hộ nuôi thực hiện các biện pháp gia cố bờ bao, duy trì mực nước đảm bảo trong khu vực thả nuôi thủy sản. Các xã cần phòng tránh và xử lý hiệu quả một số tác nhân gây ảnh hưởng môi trường, làm ảnh hưởng đến thủy sản nuôi. Sử dụng các loại thức ăn có các thành phần giúp đối tượng thả nuôi tăng sức đề kháng, tránh bị sốc bởi thời tiết thay đổi đột ngột. Các vùng nuôi chú trọng chằng, néo lồng, bè chắc chắn hoặc di dời lồng bè vào nơi an toàn khi xảy ra mưa lũ. Đồng thời, khuyến cáo ngư dân không thả nuôi tôm vụ 3, bởi đây là vụ nuôi gặp nhiều bất lợi do điều kiện thời tiết gây ra. Bà con cũng nên thu hoạch sớm các đối tượng thủy sản đã đến kỳ thu hoạch nhằm tránh tình trạng bị nước lớn cuốn trôi.

Trong quá trình nuôi, bà con cần kiểm tra các thông số môi trường định kỳ nhằm giúp cho tôm nuôi tránh bị stress. Đặc biệt, người nuôi tôm nên thả tôm với mật độ vừa phải, bổ sung khoáng vi lượng, vitamin và xử lý vi sinh định kỳ nhưng rút ngắn thời gian giữa hai lần xử lý nhằm làm sạch đáy ao, tăng sức đề kháng cho tôm.

Đến thời điểm hiện nay, huyện Tuy An còn khoảng 30 héc-ta diện tích tôm nuôi, 1.350 lồng tôm hùm, 1.165 lồng nuôi cá nước ngọt và cá nước lợ.        

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Bình Thuận: Tiêu hủy tôm giống hết hạn sử dụng

Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận đã tổ chức kiểm tra các cơ sở có nhập khẩu tôm bố mẹ nhằm đảm bảo chất lượng tôm bố mẹ đưa vào sản xuất sau khi được Cơ quan Thú y vùng VI kiểm dịch nhập khẩu, định kỳ hàng tháng.

Theo đó, 9 tháng năm 2017 các cơ sở đã nhập 47.485 con/76 lô tôm thẻ và đã tiêu hủy 25.084 con/38 lô hết thời gian sử dụng. Đồng thời, Chi cục Thủy sản tiếp tục triển khai giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất tôm bố mẹ thẻ chân trắng của Công ty Cổ phần Thủy sản Việt Úc. Công ty đã xuất 11 lô tôm bố mẹ với số lượng 7.090 con sang khu II – Công ty Việt Úc Bình Thuận để sản xuất tôm giống. Ngoài ra, còn xuất đi Công ty Việt Úc Bình Định 1 lô/700 con và Công ty Việt Úc Bạc Liêu 1 lô/700 con.

Qua đợt kiểm tra này, Chi cục Thủy sản đã tiến hành kiểm tra chất lượng giống thủy sản tại 11 doanh nghiệp (24 cơ sở sản xuất). Qua kiểm tra, các doanh nghiệp đều đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở đã công bố. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra đã nhắc nhở các doanh nghiệp lưu ý in đầy đủ thông tin trên bao bì như công bố và những thông tin bắt buộc.

Trong những năm gần đây, chất lượng con giống trong ngành thủy sản là một trong những yếu tố quan trọng đã được cơ quan quản lý các cấp quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, nhiều tồn tại, bất cập vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đó là: Việc kiểm soát chất lượng tôm giống chưa tốt, một số quy định của pháp luật còn bất cập; chế tài xử lý chưa đủ mạnh; chưa làm chủ được trong sản xuất, chọn tạo tôm bố mẹ, còn nhiều hiện tượng sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, thu gom tôm giống không rõ xuất xứ, giả thương hiệu bán ra thị trường...

HÀNG VIỆT

Bưởi da xanh Hoài Ân: Xây dựng đề án phát triển thương hiệu

Phong trào trồng bưởi da xanh trên địa bàn huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định phát triển mạnh từ năm 2015. Để việc trồng bưởi da xanh phát triển bền vững, huyện đang xây dựng đề án Phát triển thương hiệu bưởi da xanh Hoài Ân.

Xã Ân Thạnh, Ân Tường Tây, Ân Tín, Ân Nghĩa, Bok Tới hay thị trấn Tăng Bạt Hổ là những địa phương có diện tích trồng bưởi da xanh lớn của huyện Hoài Ân. Thời gian qua, bưởi da xanh trên địa bàn huyện luôn trong tình trạng hút hàng, giá tăng mạnh và nhà vườn thu được lợi nhuận cao. Qua thống kê, toàn huyện hiện có gần 200 héc-ta đất trồng bưởi da xanh với khoảng 500 hộ tham gia. Đáng mừng, thương lái hiện đến tận vườn thu mua bưởi với giá dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 5.000 đồng/kg.

Để việc trồng bưởi da xanh phát triển bền vững, ngoài việc hỗ trợ về con giống, kinh phí đóng giếng phục vụ cho việc tưới tiêu, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xây dựng đề án phát triển thương hiệu bưởi da xanh Hoài Ân trong thời gian tới. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trạm Khuyến nông huyện lập dự án Hỗ trợ phát triển cây bưởi da xanh, bơ sáp và cây chè trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, huyện sẽ tạo mọi điều kiện ban đầu cho bà con nông dân về giống (hỗ trợ 100%), phân bón, nước tưới (hỗ trợ 50% chi phí khoan giếng), kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái sản phẩm. Huyện cũng sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến nông xã chuyên sâu về cây ăn trái để trực tiếp hướng dẫn cho bà con.

Từ cải tạo vườn tạp là chính, đến nay rất nhiều hộ nông dân ở Hoài Ân đã mạnh dạn đầu tư thâm canh các loại cây ăn trái, đặc biệt là bưởi da xanh. Đây cũng là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con tăng thu nhập.   

Xây dựng thương hiệu mật ong rừng Sơn Động (Bắc Giang): Cần cơ chế hỗ trợ

Mật ong rừng là sản phẩm gắn liền với du lịch của huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Mặc dù là sản phẩm đặc sản của huyện nhưng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ còn khiêm tốn, chưa phát huy hết tiềm năng.

Nắm bắt được lợi thế khi hơn 80% diện tích tự nhiên của huyện là rừng, đặc biệt có khu bảo tồn Tây Yên Tử với hơn 800 loài cây, cỏ khác nhau, nhiều hộ gia đình đã lựa chọn nghề nuôi ong là hướng phát triển kinh tế trọng tâm. Nhiều hộ dân ở các xã: Tuấn Đạo, An Lạc, Thanh Luận, Giáo Liêm, Cẩm Đàn, Yên Định, An Lập... có thu nhập ổn định từ nghề nuôi ong. Hiện nay, toàn huyện có hơn 16.000 hộ nuôi ong, sản lượng đạt 130 -140 tấn mật/năm.

Để sản phẩm vươn xa, năm 2015, UBND huyện có hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Mật ong rừng Sơn Động” đối với sản phẩm của Hợp tác xã Ong mật hữu cơ Sơn Động. Mặc dù được công nhận nhãn hiệu tập thể song đến nay, HTX chưa công bố được hợp quy, không có vốn đầu tư hệ thống nhà xưởng. Vì thế, việc đưa sản phẩm mật ong ra thị trường còn gặp khó khăn. Hiện sản phẩm vẫn chủ yếu do các hộ gia đình tự tiêu thụ, thương nhân mua khi có nhu cầu.

Để phát huy thế mạnh loại đặc sản này, HTX mong muốn được sự quan tâm, đầu tư của UBND huyện, nhất là hỗ trợ đầu tư nhà xưởng, thiết bị đóng chai. Cơ quan chuyên môn huyện quan tâm quảng bá các sản phẩm từ ong, tạo thuận lợi mở rộng thị trường, giúp đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân. Bởi trên thực tế, việc phát triển nghề nuôi ong trên địa bàn huyện còn thiếu tính bền vững, chủ yếu do bà con tự nhân giống, chất lượng chưa ổn định.

Hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Động đã tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ để đưa sản phẩm ra thị trường. Về lâu dài, bản thân các hộ nuôi ong cũng cần chủ động học hỏi, từng bước chuyển đổi hình thức nuôi ong theo hướng công nghệ cao, an toàn thực phẩm nhằm hướng tới xây dựng và bảo vệ tốt thương hiệu mật ong rừng Sơn Động.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)