Thông tin giá cả thị trường số 45/2017

07:46 AM 22/11/2017 |   Lượt xem: 3901 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Khẩn trương ổn định vùng nuôi thủy sản

Cơn bão số 12 đã đi qua nhưng những thiệt hại mà người nuôi thủy sản ở hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên phải gánh chịu hết sức nặng nề. Hàng nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản bị bão phá hủy. Nhiều gia đình đang gặp khó khăn để phục hồi vùng sản xuất.

Tại Phú Yên, 2 “thủ phủ” tôm hùm lớn nhất là thị xã Sông Cầu và Vũng Rô (huyện Đông Hòa) tan tác trong bão số 12. Trong đó, nặng nhất là vùng Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu. Những lồng nuôi tôm hùm đều bị cuốn trôi theo bão. Theo thống kê bước đầu của thị xã Sông Cầu, hơn 3.900 lồng với gần 900.000 con tôm hùm ở đây đã mất sạch, thiệt hại ước tính trên 175 tỷ đồng.

Tại thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, hàng chục ngư dân, chủ bè đang vớt vát số tôm hùm chết hoặc yếu bán chạy lỗ. Giá tôm hùm giờ chỉ còn 150.000 - 800.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/3 - 1/2 so với ngày thường. Với số lượng lồng bè thiệt hại, vựa tôm hùm Vạn Ninh gần như bị xóa sổ. Bà con ngư dân rất khó để phục hồi được trong thời gian tới. Trước mắt, huyện Vạn Ninh đang thống kê các trường hợp thiệt hại, đồng thời sẽ làm việc với các ngân hàng đề nghị có kế hoạch khoanh nợ, giãn nợ giúp người dân.

Sau bão, đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản cùng các ngành chức năng tỉnh Phú Yên đi khảo sát tình hình thiệt hại tại các vùng nuôi thủy sản trong tỉnh. Khó khăn lớn nhất để phục hồi vùng nuôi là nguồn vốn. Hầu hết vốn liếng của các gia đình đều đổ vào lồng bè nuôi cá, tôm, nhiều gia đình vẫn nợ vay ngân hàng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cũng đang khẩn trương thống kê thiệt hại của người nuôi tôm hùm. Đồng thời, đề nghị Trung ương hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh của Chính phủ. Đối với ngân hàng, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo giãn nợ, khoanh nợ trong một thời gian nhằm giúp người nuôi tôm hùm gượng dậy. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là các địa phương phải thống kê kịp thời, đầy đủ. Ngoài chính sách khoanh nợ, cần có các khoản vay mới lãi suất thấp để người nuôi khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, cần tổ chức cho bà con liên kết lại thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, từ đó tạo ra những vùng nuôi ứng dụng công nghệ cao hơn, tránh rủi ro như cơn bão vừa qua.

Khánh Hòa: Người trồng mía trắng tay sau bão

Hàng ngàn héc-ta mía ở huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đổ rạp, gãy ngọn, bật gốc sau khi bão 12 đi qua. Đã nhiều năm, người trồng mía Khánh Hòa mới chịu thiệt hại nặng nề đến như thế. Nhiều người thua lỗ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng. 

Là địa phương có diện tích mía lớn của tỉnh Khánh Hòa, khi cơn bão số 12 đi qua, hầu hết các cánh đồng mía ở TX. Ninh Hòa đều bị hư hại. Thống kê sơ bộ, có 7.768 héc-ta mía chịu thiệt hại do bão. Những cây lớn thường bị gãy ngọn, thân, còn  cây nhỏ thì đổ rạp, bật gốc. Nói chung, tỷ lệ diện tích thiệt hại lên đến 100%, chắc chắn năng suất mía sẽ giảm khoảng 50%. Vụ thu hoạch mía tại Ninh Hòa sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12 cho đến tháng 5 năm sau. Trong khi đó, hầu như toàn bộ những cây mía lớn, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là thu hoạch đều bị gió bẻ gãy ngang thân, ngọn đứt lìa. Đối với những cây mía chưa phát triển tối đa bị gãy đổ thì tỷ lệ chữ đường thấp, giá bán thấp. Nhưng những cây mía còn nhỏ, khoảng 6 - 7 tháng nữa mới thu hoạch giờ bị ngã như thế coi như bỏ.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Phụng Hiệp (Hậu Giang): Mãng cầu xiêm được bao tiêu

Cây mãng cầu xiêm bắt đầu “bén rễ” vùng đất Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) vào thời điểm 4 - 5 năm trước. Nhờ thổ nhưỡng, đất đai phù hợp nên chất lượng trái mãng cầu xiêm ở đây mang hương vị ngọt, chua đặc trưng riêng, được thương lái gần xa ưa chuộng.

Hiện nay, đầu ra của loại trái cây này đang rộng mở. Ngoài thương lái trong và ngoài địa phương đến thu mua, thời gian gần đây một số doanh nghiệp đã vào tận nhà nông dân để bàn chuyện hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trong đó, đầu tháng 11/2017, Công ty TNHH MTV Chế biến Nông sản Tiến Thịnh đã ký kết hợp đồng bao tiêu thu mua mãng cầu xiêm cho các xã viên của Hợp tác xã (HTX) Mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang với sản lượng bao tiêu bước đầu khoảng 250 tấn. Công ty dự kiến giá thu mua là 15.000 đồng/kg loại 1, 9.000 đồng/kg loại 2.

Theo thống kê, HTX Mãng cầu xiêm Hòa Mỹ hiện có khoảng 78 héc-ta mãng cầu xiêm với 90 hộ tham gia. Diện tích đang cho trái khoảng 41 héc-ta, tổng sản lượng hàng năm khoảng 1.200 tấn. Tuy nhiên, bước đầu chỉ có khoảng 27 hộ đồng ý bán cho công ty theo hình thức hợp đồng bao tiêu với sản lượng khoảng 250 tấn. Nguyên nhân do ảnh hưởng lũ nên sản lượng mãng cầu của HTX giảm khoảng 15%.  Mặt khác, do đây là lần hợp tác đầu tiên nên bước đầu HTX chỉ ký kết với công ty một phần sản lượng. Nếu quá trình hợp tác thuận lợi, hai bên sẽ tiếp tục ký thêm hợp đồng cung ứng mãng cầu xiêm.

Nhận thấy tiềm năng phát triển của loại cây ăn trái này, địa phương đã khuyến khích bà con canh tác theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa lớn, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp thu mua sản phẩm về mặt số lượng và chất lượng. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân thành lập hợp tác xã để sớm xây dựng thành công nhãn hiệu hàng hóa mãng cầu xiêm cho địa phương.

Nghệ An: Đầu tư 108 tỷ đồng cho bà con trồng mía

Chuẩn bị cho vụ ép mía 2017 - 2018, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An đã đầu tư hơn 108 tỷ đồng cho bà con nông dân trồng 6.000 héc-ta mía.

Hiện công ty có vùng nguyên liệu hơn 13.500 héc-ta tập trung ở các huyện: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳnh Lưu và Hoàng Mai. Do sự cạnh tranh gay gắt với các cây trồng khác, hiện tại công ty bị thiếu nguyên liệu.

Để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An đã triển khai thực hiện đề án Nâng cao chất lượng mía giai đoạn 2015 - 2020 cơ bản phấn đấu đạt trên 11 CCS (độ đường) và năng suất đạt từ 70 tấn/héc-ta trở lên. Bên cạnh đó, công ty đầu tư 400 - 500 héc-ta/vụ xây dựng các cánh đồng mẫu lớn trồng mía. Năm 2017, công ty đã tập trung đầu tư thâm canh đại trà, đưa những loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất như KK3, LK92-11, MY55-14, ROC10, ROC16…

Đặc biệt, nhằm hỗ trợ bà con, công ty đang áp dụng một số chính sách ưu đãi như: Hỗ trợ không hoàn lãi 660 triệu đồng cho 330 héc-ta đất khai hoang và đất chuyển đổi từ các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía; cho vay mua giống đại trà và trồng cánh đồng mía lớn mỗi héc-ta hỗ trợ từ 11,5 - 12 triệu đồng; cho vay để mua giống sạch bệnh, trồng cánh đồng mía lớn và hỗ trợ không hoàn lãi mua giống sạch bệnh; cho vay mua máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy cày canh tác, lắp đặt thiết bị tưới nước nhỏ giọt …

Ngoài các chính sách hỗ trợ trên, Công ty TNHH mía đường Nghệ An sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và bà con nông dân duy tu, sửa chữa đường miễn phí trên vùng nguyên liệu.

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

Đồng Tháp: Giá dưa hấu tăng

Hiện nông dân trồng dưa hấu tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp phấn khởi vì giá dưa hấu đang giữ mức cao. Giá dưa hấu dài loại 1 được thu mua ở mức 8.000 - 9.000 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với tháng trước.

Theo nhiều hộ trồng dưa hấu, những tháng đầu năm, dưa hấu giảm giá khiến nông dân gặp khó khăn. Thời gian gần đây, giá dưa hấu đột nhiên tăng trở lại. Nguyên nhân khiến giá dưa tăng trở lại là do nhiều diện tích đã thu hoạch xong trong vụ thu đông. Hiện chỉ còn một số ít diện tích gieo trồng muộn đang cho thu hoạch trong khi nhu cầu tăng nhằm đáp ứng cầu của thị trường các tỉnh miền Đông và phía Bắc.

Bình Phước: Giá cà phê giảm

Hiện nay, tỉnh Bình Phước đang cao điểm mùa thu hoạch cà phê với sản lượng tăng gần gấp đôi nhưng giá giảm từng ngày. Những ngày đầu tháng 11, khi bà con rục rịch thu hoạch trái cà phê chín bói, giá đang ở mức 45.000 đồng/kg (cà phê nhân) được thương lái săn lùng thu mua. Với giá này, mỗi héc-ta cà phê thu về bà con có lãi khoảng 50 triệu đồng/héc-ta. Tuy nhiên, đến trung tuần tháng 11, các vườn cà phê trên địa bàn huyện Đồng Phú bắt đầu thu hoạch rộ, bất ngờ giá thu mua giảm gần 8.000 đồng/kg, hiện chỉ còn xấp xỉ 37.000 đồng/kg.

Giá cà phê giảm không những ảnh hưởng tới nông dân mà còn cả với những thương lái đi thu mua cà phê. Ngoài ra, thương lái còn phải chịu khoản ứng trước cho người dân để đầu tư trước đó chưa kể giá cà phê giảm cũng ảnh hưởng đến thu hồi vốn. Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm nhân công thu hoạch cũng là một trở ngại với bà con khi sản lượng cà phê tăng và đã vào chính vụ thu hoạch. Dù giá nhân công đã cao hơn so với năm ngoái nhưng nhiều gia đình vẫn không tìm được người thu hái.

Bình Định: Tăng cường thu mua mì nguyên liệu cho nông dân vùng lũ

Trước tình hình bão số 12 gây thiệt hại đến các vùng nguyên liệu lúa mì, từ đầu tháng 11 đến nay, Công ty CP Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định đã tập trung thu mua hết lượng mì nguyên liệu của nông dân. Thời điểm này, mỗi ngày công ty cân nhập bãi nguyên liệu từ 350 - 400 tấn củ mì của bà con nông dân tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân… Số lượng này đã tăng gấp đôi so với thời điểm bình thường. Bên cạnh đó, công ty còn nâng giá thu mua mì nguyên liệu từ 1.500 đồng/kg đầu vụ lên mức 1.800 đồng/kg (đối với mì có hàm lượng tinh bột đạt 30%). Nhờ vậy đã góp phần giảm đáng kể lượng mì tồn đọng do nông dân tập trung thu hoạch chạy lũ tại các địa phương trong tỉnh.

An Giang: Giá cá tra nguyên liệu tăng cao

Giá cá tra nguyên liệu trên địa bàn tỉnh An Giang tăng cao so với thời điểm đầu năm nên nhiều nông dân và doanh nghiệp đang tiếp tục chuẩn bị ao, hồ để thả giống cá tra cho vụ năm 2017 - 2018, phục vụ chế biến xuất khẩu cá tra năm 2018.

Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đang mua vào từ 27.000 - 27.700 đồng/kg, tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi thả cá giống có lãi khá cao. Vì vậy, các vựa cá đều đẩy mạnh thu hoạch nhằm phục vụ thị trường xuất khẩu.

Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang cho biết, từ nay đến cuối năm Chi cục sẽ hỗ trợ thúc đẩy hoạt động chuỗi liên kết tiêu thụ giống cá tra 3 cấp. Hỗ trợ, kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất, tiêu thụ, đảm bảo chất lượng con giống có thể truy xuất nguồn gốc. Tập huấn nâng cao tay nghề và nhận thức của các hội viên tham gia chuỗi liên kết, tăng số lượng con giống giao dịch trong chuỗi từ nay đến cuối năm lên từ 30 - 40 triệu con giống cá tra.

LƯU Ý - CẢNH BÁO

Cao Phong (hòa bình): Mía ngọt mà hóa đắng

Mùa hè năm 2016, do nhiệt độ các tỉnh miền Bắc tăng cao hơn các năm nên nhu cầu giải khát của người dân khá lớn, nhờ đó, mía trắng dùng để chế biến nước mía được tiêu thụ nhiều với giá cao. Năm 2016 cũng là năm mía trắng lên cơn “sốt” ở Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) vì giá mía có lúc lên tới 7.000 đồng/cây, thậm chí thương lái còn đặt tiền từ trước để mua được mía. Mía trắng ở Cao Phong cây to, gióng dài, không bị nứt, ngọt lịm, nhiều nước… nên rất thích hợp để sử dụng chế biến nước mía. Không chỉ có thương lái Hà Nội, mà thương lái từ Thanh Hóa, Hà Nội cũng đánh cả ô tô về Cao Phong để mua mía trắng. Mía trắng được giá trong khi giá mía tím trước đó giảm thấp, nên năm 2016 nhiều hộ trồng mía ở xã Yên Lập, Yên Thượng, Nam Phong (huyện Cao Phong) đã thay mía tím bằng mía trắng và có thu nhập cả trăm triệu đồng từ bán mía trắng.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của vụ mía năm 2016, sang vụ mía 2017, nhiều hộ trồng mía trắng ở Cao Phong như đứng trên đống lửa vì mía đến ngày thu hoạch mà không có ai hỏi mua. Nguyên nhân là do mùa hè năm 2017 thời tiết không quá nóng, lại mưa nhiều nên nhu cầu tiêu thụ nước mía giảm mạnh. Mía trắng theo đó cũng rớt giá thảm hại, chỉ còn khoảng 2.000 - 3.000 đồng/cây; thậm chí có thời điểm không có người hỏi mua.

Chỉ tay ra những vườn mía bạt ngàn lá khô um tùm, ông Bùi Văn Hùng - Chủ tịch xã Bắc Phong, huyện Cao Phong cho hay: Chỉ riêng xã Bắc Phong đã có khoảng hơn 100 héc-ta trồng mía trắng. Trong đó, xóm Má có diện tích mía trắng lớn nhất, khoảng 30 héc-ta. Năm 2016, thấy mía trắng được giá nên năm 2017 bà con tiếp tục mở rộng diện tích trồng, không ngờ giá mía trắng lại xuống dốc không phanh.

Câu chuyện cây mía trắng “ngọt mà hóa đắng” ở Hòa Bình cho thấy, diễn biến khí hậu với những thay đổi thất thường của thời tiết đang đặt người làm nông nghiệp trước nhiều thách thức. Tính toán sao để sản phẩm nông nghiệp có đầu ra ổn định, xem ra vẫn là một bài toán khó!

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Quảng Ninh: Tăng cường chống buôn lậu, hàng giả những tháng cuối năm

Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 6/11/2017 về việc tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh những tháng cuối năm 2017 và thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo 389 cấp tỉnh, cấp huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo ngăn chặn có hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Giữ ổn định thị trường nội địa trong những tháng cuối năm 2017 và thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Quản lý tốt các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tình trạng bày bán công khai nhiều chủng loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn, phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, hai bên cánh gà cửa khẩu, khu vực biên giới, các khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ, trung tâm thương mại, các tuyến, địa bàn trọng điểm... nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp tết như: Pháo nổ, thuốc lá điếu, rượu ngoại, đồ chơi trẻ em, bánh kẹo, hoa quả, thực phẩm, gia súc, gia cầm; tăng cường kiểm tra, kiểm dịch, đảm bảo chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.

HÀNG VIỆT

Tuyên Quang: Tạo dựng niềm tin hàng Việt

Không được xây dựng tại các khu vực trung tâm, các Điểm bán hàng Việt Nam tại Tuyên Quang luôn được ưu tiên xây dựng tại các khu vực vùng sâu, vùng xa - nơi nhu cầu hàng hóa của bà con rất lớn. Đến nay, các điểm bán hàng này đều có lượng khách hàng ổn định, doanh thu khá.

Xây dựng thành công 5 Điểm bán hàng Việt Nam

Theo Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang, thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020, Sở Công Thương Tuyên Quang đã xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Tính đến thời điểm này, đã có 5 Điểm bán hàng Việt Nam được xây dựng thành công tại các huyện: Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang và Lâm Bình.

Nhằm quảng bá cho các điểm bán này, thời gian qua, nhiều hoạt động đã được triển khai như: Tổ chức hội nghị để phổ biến về mô hình Điểm bán hàng Việt Nam; kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp sản xuất và chủ điểm bán; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng… Mỗi điểm bán cũng được hỗ trợ kinh phí để dựng biển, đầu tư kệ bán để bày hàng. Sở Công Thương Tuyên Quang cho biết, đến nay, điểm đáng mừng là hầu hết các điểm bán hàng đều có lượng khách hàng ổn định, doanh thu tương đối tốt.

Đơn cử, cách TP. Tuyên Quang khoảng 120 km, Điểm bán hàng Việt Nam đặt tại cửa hàng kinh doanh do ông Nguyễn Hữu Vĩnh (thị trấn Na Hang) làm chủ là nơi tập trung đông dân cư, có lượng khách thường xuyên, liên tục. Trước khi trở thành điểm bán hàng Việt cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Sau khi được Sở Công Thương gắn biển Điểm bán hàng Việt Nam, cửa hàng được hỗ trợ biển hiệu, giá để hàng, hướng dẫn cách bày biện hàng hóa sao cho bắt mắt… 100%  hàng hóa được bày bán tại cửa hàng là hàng trong nước sản xuất với mẫu mã đa dạng, nguồn gốc rõ ràng, có dán tem, nhãn, mác theo quy định. Sau khi đi vào hoạt động từ năm 2016 đến nay, lượng khách hàng đến với cửa hàng tương đối ổn định, doanh thu tăng khoảng 10% so với thời điểm chưa dựng điểm bán. 

Khai trương từ tháng 8/2016, hộ kinh doanh do bà Nguyễn Thị Xuân (thị trấn Vĩnh Lộc – huyện Chiêm Hóa) đang kinh doanh khoảng 85 mặt hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Số mặt hàng này đã tăng lên từ con số 79 mặt hàng thời điểm chưa gắn biển Điểm bán hàng Việt Nam. Nguyên nhân là bởi bà con khu vực thị trấn có nhu cầu lớn về hàng hóa Việt chính hãng. Tính đến nay, lượng mua sắm của cửa hàng đã tăng từ 1,5 - 2 lần so với trước khi lập điểm bán.

Thúc đẩy kết nối cung cầu

Mặc dù đã đạt được một số thành công nhưng các Điểm bán hàng Việt Nam còn gặp khó khăn trong nguồn cung hàng hóa. Cụ thể, do nằm ở các khu vực nông thôn, miền núi, địa hình khó khăn, doanh nghiệp (DN) sản xuất không hào hứng đưa hàng hóa vào khu vực này.

Tháo gỡ khó khăn cho các Điểm bán hàng Việt Nam, Sở Công Thương Tuyên Quang đã tích cực tổ chức các chương trình kết nối cung cầu như tổ chức các hội chợ thương mại, triển lãm thương mại với chủ đề Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn để kết nối DN sản xuất và DN phân phối... Đồng thời, khuyến khích các DN, hộ kinh doanh gắn kết với các nhà sản xuất hình thành điểm bán hàng nông sản là thế mạnh của tỉnh với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Điểm bán hàng kết hợp kiểu này không những giúp người tiêu dùng được mua các sản phẩm nông sản chính hãng mà còn giúp tiêu thụ nông sản cho người nông dân.

Sở Công Thương cũng khuyến khích các DN không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành để phù hợp với thu nhập của bà con khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện giúp DN mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm và giúp bà con được mua hàng chính hãng với giá phải chăng.

Việc xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam tại các địa điểm vùng sâu, xa trung tâm đã giúp Tuyên Quang củng cố và mở rộng các kênh phân phối hàng hóa, thúc đẩy chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; nâng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của địa phương…

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)