Thông tin giá cả thị trường số 47/2017

02:02 PM 06/12/2017 |   Lượt xem: 3461 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Hà Giang: Ứng dụng công nghệ phát triển sản phẩm địa phương

Trong chuỗi các sự kiện nhân Hội nghị xúc tiến đầu tư 2017, tỉnh Hà Giang đã tổ chức Không gian văn hóa - du lịch gắn với trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham quan các gian hàng, động viên người dân, doanh nghiệp và trải nghiệm ứng dụng mua bán và truy suất nguồn gốc các sản phẩm nông sản, được cài đặt trên điện thoại thông minh.

Các sản phẩm đặc sắc nhất của mỗi địa phương trên địa bàn Hà Giang đã được giới thiệu như mật ong bạc hà, chè Shan Tuyết, bánh kẹo làm từ tam giác mạch, dược liệu, cam sành, đa dạng các sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc, dược liệu… Sau khi nghe giới thiệu về từng sản phẩm đặc trưng của Hà Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tỉnh có nhiều sản phẩm có lợi thế so sánh, có thể phát triển sản xuất hàng hóa. Thủ tướng ấn tượng về sự đổi mới sản phẩm, từ mẫu mã, bao bì đến chất lượng và mong muốn Hà Giang phát huy thế mạnh, đưa sản phẩm đặc trưng này đến với thị trường trong và ngoài nước. Tại khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Đoàn thanh niên, Thủ tướng đã trải nghiệm ứng dụng mua bán và truy suất nguồn gốc các sản phẩm nông sản được cài đặt trên điện thoại thông minh. Với công nghệ sử dụng mã QR code do Sở Công Thương cấp và kiểm định chất lượng để mã hoá dữ liệu, xử lý dữ liệu, hệ thống sẽ giúp người dân, nhà cung cấp sản phẩm quảng bá sản phẩm của mình và thực hiện giao dịch mua bán với khách hàng trên hệ thống. Đây là phần mềm do Đoàn thanh niên tỉnh nghiên cứu và ứng dụng.

Không gian trưng bày văn hóa, du lịch và giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang, các địa phương trong tỉnh đã giới thiệu tới du khách nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của cộng đồng 19 dân tộc. Cùng với đó là những sản phẩm du lịch; sản phẩm đặc sản mang tính vùng miền riêng có của Hà Giang.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các cơ sở sản xuất tại Hà Giang bên cạnh việc coi trọng về chất lượng cần không ngừng cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, qua đó tăng cường tính hấp dẫn người tiêu dùng, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Bà Rịa - Vũng Tàu: Cà phê được mùa, mất giá

Thời điểm này, các vườn cà phê trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang bước vào vụ thu hoạch.

Theo các nhà vườn, sản lượng cà phê năm nay tăng gần gấp đôi so với năm 2016. Tuy nhiên, niềm vui của người trồng cà phê không trọn vẹn, khi từ đầu tháng 11 đến nay, giá cà phê liên tục giảm, hiện chỉ còn 37.000 - 38.000 đồng/kg. Trong khi đó, thời điểm cuối tháng 10, khi cà phê bắt đầu chín bói, giá bán được thương lái thu mua tại vườn khá cao, khoảng 44.000 - 45.000 đồng/kg. Ngoài ra, giá thuê nhân công hái cà phê tăng, giá các loại vật tư nông nghiệp, phân bón tăng nhẹ cũng khiến chi phí đầu vào tăng. Do vậy, với giá cà phê hiện nay, người trồng không có lãi.

Theo đánh giá của các nhà vườn, vụ cà phê năm nay thuận lợi, năng suất tăng nhưng giá lại xuống thấp. Diện tích trồng cà phê trong vùng cũng giảm nhiều do mất mùa, mất giá liên tục. Nguyên nhân giá cà phê giảm là do hiện nay trong nước và thế giới đang bước vào vụ thu hoạch rộ. Bên cạnh đó, năm nay, các vùng trồng cà phê trọng điểm trong nước đều đạt năng suất cao, dẫn đến dư nguồn cung, giá giảm là điều khó tránh khỏi. Dự báo đến tháng 2/2018, khi hết vụ thu hoạch, giá cà phê mới có khả năng tăng trở lại.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm nay, diện tích trồng cà phê trên toàn tỉnh khoảng 5.467 héc-ta, giảm gần 162 héc-ta so với năm 2016. Mặc dù diện tích trồng cà phê giảm nhưng sản lượng vẫn tăng hơn 300 tấn so với vụ trước, đạt khoảng 9.900 tấn. Điều đáng luu ý là bệnh rệp sáp đã giảm đáng kể. Đây là một trong những sâu bệnh thường xuất hiện trên cây cà phê, nhất là những cây già cỗi, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của hạt cà phê. Để hạn chế lây lan dịch bệnh, ngành nông nghiệp đã tăng cường khuyến cáo bà con nông dân trồng cà phê các biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó, diện tích cà phê bị nhiễm bệnh này trong vụ 2017 giảm đáng kể, giúp tăng năng suất. Ngành nông nghiệp cũng tích cực hướng dẫn, khuyến khích nông dân trồng cà phê theo hướng “sạch” để tăng giá trị sản phẩm.

Bình Phước: Nguy cơ mất mùa điều

Bình Phước là địa phương có diện tích trồng điều chiếm 43% diện tích và 54% sản lượng điều của cả nước.

Sau đợt sâu bệnh ồ ạt tấn công các vườn điều vào giữa năm 2017, người nông dân trồng điều ở Bình Phước tiếp tục đứng trước một mùa vụ khó khăn. Mưa nắng thất thường nên sâu bệnh phát triển, cây điều chỉ bung đọt lác đác rồi khô héo, gãy rụng, có nguy cơ mất trắng. Nhiều hộ đang nỗ lực tìm giải pháp cứu vườn điều.

Năm 2017, các cơn mưa lớn trái mùa, kéo dài đã gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây điều. Chu kỳ đọt trên cây điều đợt 1 chậm hơn so với mọi năm từ 2 - 3 tháng. Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các vườn điều đang bước vào giai đoạn già lá để chuẩn bị cho đợt bung đọt phát hoa đầu tiên của niên vụ 2017 - 2018, nhưng thực tế tại vườn điều chỉ ra lá non, hoặc sau khi bung đọt thì khô héo, gãy rụng. Có nghĩa là sẽ không có thời kỳ trổ bông. Nếu không được “giải cứu” kịp thời, nguy cơ mất mùa rất cao. Hiện các hộ gia đình đang tìm mọi cách để cứu vụ điều này.

Trước tình trạng này, Trung tâm Khuyến nông và Khuyến ngư tỉnh Bình Phước đã khẩn trương hướng dẫn người dân xử lý sâu bệnh tấn công. Sau đó, tiến hành bón phân và chăm sóc đọt, đang trong giai đoạn hồi phục. Trong tháng 10, lực lượng của trung tâm ra quân ráo riết hỗ trợ nông dân quản lý sâu bệnh, tuyên truyền tác hại của sâu bệnh và cách phục hồi, thì số vườn điều phục hồi tốt chiếm 70%.

Để hỗ trợ bà con, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, gia đình chính sách bị mất mùa điều năm 2017 với mức 2 triệu đồng/héc-ta để mua phân bón, thuốc trừ sâu. Với tổng diện tích 21.962 héc-ta, dự kiến tổng số tiền là hơn 43,92 tỷ đồng. Các huyện, thị trong tỉnh hỗ trợ thêm khoảng 5 tỷ đồng.

Trước viễn cảnh mất mùa vụ điều 2018, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng vừa đồng ý hỗ trợ tỉnh 1,7 tỷ đồng để tổ chức các lớp tập huấn phòng trừ sâu bệnh, nhân rộng các mô hình chăm sóc, thâm canh vườn điều…

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

Kiên Giang: Trồng ớt ven đê biển cho thu nhập cao

Vài năm trở lại đây, nông dân sinh sống vùng ven đê biển 2 xã Bình Giang, Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang tận dụng đất vùng ven đê biển trồng ớt. Trung bình 1.000 m² trồng ớt cho thu nhập 16 - 18 triệu đồng/năm. Thậm chí, có những thời điểm ớt hút hàng, thương lái đến mua tại ruộng với giá trên 70.000 đồng/kg. Với mức giá này, bà con nông dân có thu nhập rất ổn định.

Vì vậy, địa phương đã đề xuất nhân rộng mô hình để người dân có thêm thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Không chỉ trồng ớt có thu nhập khá, người dân nơi đây còn tích cực trồng cây rừng để giữ đất, giữ đê biển bị sạt lở.

Quảng Ngãi: Nông dân trồng hành tím thiệt hại tiền tỷ

Cơn bão 12 kéo theo mưa lớn kéo dài đã gây ngập úng nhiều cánh đồng trồng hành tím ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn và huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Mưa lớn kéo dài gây ngập úng, hư hỏng gần 400 héc-ta hành tím khiến bà con nông dân thiệt hại hàng tỷ đồng.

Những ngày qua, nhiều hộ dân đổ xô ra đồng tranh thủ thu hoạch hành non hy vọng vớt vát những gì còn sót lại sau mưa bão. Nếu như vụ trước, hành tím đạt giá 52.000 đồng/kg thì giờ chỉ còn 5.000 - 10.000 đồng/kg nhưng không ai mua.

Thống kê của xã Bình Hải cho thấy, xã có khoảng 50 héc-ta hành tím bị ngập úng gây thiệt hại nặng. Trong số này, 20 héc-ta mới xuống giống thì bị mất trắng, ước tính thiệt hại ban đầu hơn 1 tỷ đồng khiến cuộc sống của nông dân lâm cảnh khốn khó.

Tại huyện đảo Lý Sơn, mưa lớn kéo dài cũng gây ngập úng, hư hại nặng 330 héc-ta hành tím khiến cuộc sống 500 hộ dân khó khăn. Từ lâu, hành tím trồng ở các vùng ven biển và huyện đảo Lý Sơn được thương lái khắp nơi trong cả nước ưu chuộng, tiêu thụ mạnh.

Hậu Giang: Xoài cát Hòa Lộc được mùa

Hiện nay, xoài cát Hòa Lộc nghịch vụ trồng ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đang được mùa, được giá. Các nhà vườn hối hả thu hoạch trong niềm vui vì có nguồn lợi nhuận cao. Theo các nhà vườn, xoài nghịch vụ thường có giá cao gần gấp đôi so với mùa thuận, dao động từ 35.000 - 50.000 đồng/kg nên hiện đa phần nông dân nơi đây đều xử lý cho xoài ra trái nghịch. Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên hầu hết nhà vườn nơi đây đều trúng mùa xoài nghịch vụ. Đặc biệt, bà con nông dân đã tự liên kết lại thành nhóm để hỗ trợ lẫn nhau từ lúc xử lý xoài ra bông đến khâu thu hoạch, nhất là chia sẻ kinh nghiệm trong giai đoạn trước trổ bông đến bao trái.

Đồng Tháp: Giá lúa tăng

Nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang hoàn tất thu hoạch lúa thu đông và khẩn trương cải tạo đất, chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân. Hiện giá lúa tăng thêm từ 100 - 200 đồng/kg so với thời điểm cách đây 2 tuần. Theo nhiều nông dân, lúa tươi tại ruộng giống IR 50404 có giá 5.000 đồng/kg; OM 6976 giá 5.300 - 5.400 đồng/kg; OM 4900 giá 5.400 đồng/kg; Jasmine giá 5.600 đồng/kg; Nàng hoa 9 giá 5.700 - 5.800 đồng/kg; Đài thơm 8 giá 5.400 - 5.500 đồng/kg.

Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi thời tiết mưa bão kéo dài, năng suất lúa giảm so với vụ thu đông năm trước nhưng người trồng vẫn có lợi nhuận. Hy vọng, giá lúa sẽ tiếp tục khởi sắc để người trồng lúa có khoản thu nhập khá trong vụ thu đông này.

LƯU Ý - CẢNH BÁO

Tuyên Quang: Tự phát trồng dong riềng, nông dân điêu đứng

Những ngày này, bà con xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đang bắt đầu vào mùa thu hoạch dong riềng. Nếu như năm ngoái, người trồng dong riềng phấn khởi vì được giá thì năm nay giá đầu vụ giảm khiến bà con điêu đứng.

Năm ngoái, giá dong riềng nguyên liệu lên đến 2.000 đồng/kg nên nhiều gia đình đã đầu tư trồng dong riềng trở lại. Tuy nhiên, hiện nay, mới vào đầu vụ thương lái chỉ trả có 1.000 đồng/kg. Trong khi đó, vụ này, mưa nhiều chỉ tốt cây, củ không nhiều, với giá như hiện nay trừ tiền giống, chăm sóc, phân bón, thu hoạch dong riềng không còn lãi. Giá dong riềng nguyên liệu giảm kéo theo giá tinh bột dong cũng giảm. Hiện tại, giá tinh bột dong chỉ từ 11.000 - 12.000 đồng/kg, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế cho thấy, năm ngoái, giá dong riềng nguyên liệu, tinh bột tăng cao nên bà con đua nhau trồng dong riềng trở lại. Theo thống kê sơ bộ, diện tích dong riềng tại tỉnh Tuyên Quang tăng đột biến, đạt mức trên 1.000 héc-ta, trong đó nhiều nhất là huyện Yên Sơn với trên 800 héc-ta, sản lượng ước đạt khoảng trên 56.000 tấn, tập trung tại các xã: Phúc Ninh, Xuân Vân, Lực Hành...

Diện tích, sản lượng tăng cao trong khi thị trường tiêu thụ nhỏ hẹp đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa. Đặc biệt, tinh bột dong riềng chỉ có thể làm miến, chứ không làm bánh kẹo như tinh bột sắn. Ngoài ra, sản xuất dong riềng không gắn liền với công nghiệp chế biến. Hiện tại ở Yên Sơn chỉ có Hợp tác xã sản xuất miến dong Hợp Thành (xã Lực Hành) là chế biến thành phẩm từ dong riềng, còn lại hầu hết là các cơ sở chế biến thô bán cho thương lái. Công suất chế biến của hợp tác xã chỉ đạt 80 đến 90 tấn/ngày. Quy mô sản xuất nhỏ nên hợp tác xã chỉ đủ sức thu mua hết diện tích đã ký hợp đồng liên kết sản xuất với các tổ hợp tác và một số hộ dân.

Đây chính là hệ lụy của tình trạng tự phát mở rộng diện tích trồng trọt bỏ qua những khuyến cáo của địa phương. Bản thân người dân cũng biết, hiện đầu ra của sản phẩm chưa ổn định nhưng vẫn cố mở rộng diện tích trồng do giá dong riềng tăng cao.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Mượn danh thương hiệu để bán hàng giá cao

Lợi dụng uy tín của các sản phẩm nông sản đã được xây dựng thương hiệu, cấp chỉ dẫn địa lý… nhiều người bán hàng ngang nhiên mượn tên tuổi của các sản phẩm này để quảng bá và bán hàng với giá cao hơn.

Nhờ được cấp chỉ dẫn địa lý, đồng thời áp dụng quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGap và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên cam Cao Phong (Hòa Bình) ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Chính vì sự nổi tiếng này, mà giờ đây, ở rất nhiều cửa hàng, chủ hàng đều giới thiệu với khách là cam Cao Phong. Trong khi thực tế, đây có thể cùng là giống cam V2, cam lòng vàng nhưng được trồng ở những địa phương khác nhau như: Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Giang…

Trường hợp tương tự cũng thường xuyên xảy ra với các loại như: Bưởi Diễn, cam Hà Giang, táo mèo Mù Cang Chải, nho Ninh Thuận, vải Lục Ngạn - những loại nông sản đã mất một hành trình dài để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Bà Trần Thị Tám, xóm Hải Phong, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình bức xúc: Chúng tôi phải đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc để có được những vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGap. Nay ngoài thị trường, nhiều loại cam trồng ở nơi khác không đạt chất lượng thơm ngon như cam Cao Phong nhưng ngang nhiên quảng cáo là cam Cao Phong, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín mà chúng tôi đã gây dựng.

Thực tế, các loại nông sản trên có thể đúng là cùng một giống. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên, đất đai khí hậu và quy trình chăm sóc khác nhau có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của các loại nông sản. Những nông sản có đầu tư cho quy trình trồng và chăm sóc, chất lượng thường thơm ngon hơn hẳn. Đây là lý do tại sao, cùng là những sản phẩm được gọi tên giống nhau, nhưng chất lượng lại có nhiều khác biệt…

Để tiến tới sản xuất bền vững, hướng tới xuất khẩu với các loại nông sản chất lượng cao và ổn định… rất cần một cách làm căn cơ, bài bản cho các vùng nông sản, không chỉ trong sản xuất mà trong cả quá trình tiêu thụ. Có như vậy, người bỏ công sức đầu tư mới nhận được kết quả xứng đáng, thị trường mới bớt đi hiện tượng buôn bán lập lờ, đánh lận con đen.

HÀNG VIỆT

Xây dựng thương hiệu quýt Mường Khương

UBND huyện Mường Khương (Lào Cai) đã tổ chức Lễ hội quýt, đồng thời đón nhận nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm quýt Mường Khương. Việc được đón nhận nhãn hiệu tập thể được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hơn nữa giá trị cho loại trái cây này.

Cây quýt giúp xóa đói, giảm nghèo

Bà con Mường Khương thường gọi cây quýt tại địa phương là cây tài lộc vì những giá trị kinh tế to lớn mà nó mang lại cho vùng đất cằn cỗi này trong nhiều năm qua. Hiệu quả kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn, cung không đủ cầu, cây quýt thực sự trở thành cây xóa đói, giảm nghèo mới và bền vững của huyện Mường Khương, đem lại nguồn thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng cho địa phương.

Không phải tự nhiên trái quýt Mường Khương lại cho giá trị lớn đến như vậy. Trái quýt Mường Khương được trồng trên vùng đất ở độ cao trung bình gần một nghìn mét (so với mực nước biển), quả to, vỏ dày, có hương thơm đặc trưng.  Giống quýt được trồng ở Mường Khương có nguồn gốc từ việc giao lưu, trao đổi hàng hóa của bà con địa phương từ bên kia biên giới. Khác với giống ban đầu, nhờ việc chăm sóc và khí hậu thích hợp, nên quả quýt Mường Khương giờ đây to, chắc, nhiều nước và có vị ngọt nhẹ. Trái quýt Mường Khương bao gồm các giống quýt: bột, quýt sen và quýt đường, có thời vụ chín rải đều từ tháng 8 (âm lịch) đến tháng Giêng. Đặc biệt, quýt Mường Khương được người dân chăm sóc, thu hái và bảo quản tự nhiên, không dùng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất, bảo đảm sạch, an toàn cao.

Được sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực lao động của người dân, Mường Khương đã hình hành vùng quýt hàng hóa, tập trung ở các xã, thôn bản biên giới, trên vùng đất đá có độ dốc cao, thiếu nước tưới. Với gần 400 héc-ta (có 100 héc-ta đang cho thu hoạch), sản lượng quýt hàng năm cho thu hoạch của Mường Khương đạt trên 1.000 tấn, giá trị đạt trên 20 tỷ đồng/vụ. Thậm chí, có nhiều thời điểm trái quýt làm ra không đủ để cung ứng cho thị trường. Trái quýt đã trở thành “mũi nhọn” xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu của đồng bào các dân tộc thiểu số, như: Tu, Dí, Pa Dí, Phù Lá, Nùng.

“Đặt tên” cho quýt Mường Khương

Do có giá trị cao nên tình trạng nhái, giả trái quýt Mường Khương đang diễn ra khá nhiều. Để xây dựng thương hiệu cho quýt Mường Khương, từ đó nâng cao giá trị và tránh nhầm lẫn với các loại quýt khác, nhiều năm gần đây, huyện Mường Khương đã nỗ lực xin chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho loại trái cây này. Ngoài việc trồng tập trung trên diện tích 400 héc-ta, huyện Mường Khương còn hướng dẫn bà con trồng cây theo hướng sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất. Từ diện tích 400 héc-ta hiện nay, Mường Khương đang phấn đấu phát triển lên 500 héc-ta quýt vào năm 2020, trong đó, sẽ lựa chọn khoảng 10 héc-ta trồng tập trung tại thị trấn Mường Khương để xây dựng mô hình sản xuất quýt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, việc phát triển quy mô vùng trồng quýt sẽ được gắn với bảo quản và tiêu thụ quýt sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị hàng hóa.

Cùng với việc quy hoạch vùng trồng và áp dụng công nghệ sạch, huyện Mường Khương còn đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm này. Hàng năm, Lễ hội quýt Mường Khương được tổ chức vào tháng 11 – đúng vào dịp quýt chín rộ đã thu hút rất nhiều du khách, giúp quảng bá hữu hiệu sản phẩm. Song song với đó, huyện Mường Khương còn gửi hồ sơ đến Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) để xin chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Sau một thời gian nỗ lực, giữa tháng 11 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ Lào Cai đã thay mặt Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho quýt Mường Khương. Việc được cấp chứng nhận nhãn hiệu mang một ý nghĩa lớn, được kỳ vọng sẽ góp phần tạo chuỗi giá trị cho sản xuất bền vững, phát triển ổn định vùng quýt hàng hóa và kết hợp thúc đẩy phát triển cho du lịch địa phương. Đồng thời, tạo ra sức đẩy và niềm tin, động viên trong nhân dân ra sức thi đua lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương.

Cùng với tương ớt Mường Khương và gạo Séng Cù, quýt Mường Khương là đặc sản thứ 3 của huyện Mường Khương được công nhận nhãn hiệu gắn với địa danh.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)