Thông tin giá cả thị trường số 47/2018

11:00 AM 22/11/2018 |   Lượt xem: 5044 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Cam Cao Phong tiêu thụ thuận lợi

Cuối tháng 10 hàng năm là lúc cam Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình) bước vào chính vụ thu hoạch. Ngay từ đầu vụ, nông dân thị trấn Cao Phong liên tục nhận được hợp đồng cung ứng cam tới thị trường trong và ngoài tỉnh. Giá cam dù không cao, cắt tại vườn chỉ khoảng từ 20.000 - 25.000 đồng/kg nhưng khâu tiêu thụ thuận lợi.

Từ cuối tháng 9, nhiều nhà vườn ở thủ phủ cam Cao Phong đã rục rịch cắt cam lòng vàng chín sớm. Năm nay, cam Cao Phong được mùa, giá bán lẻ đầu vụ dao động trên dưới 30.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn đã tranh thủ bán khi cam còn đang được giá.

Thời điểm hiện tại đang là chính vụ cam Cao Phong thu hoạch. Lên với huyện Cao Phong đã thấy cam chất cao tại các cửa hàng ven tuyến Quốc lộ 6, nhà vườn sôi nổi cắt hái cam, người xe tấp nập đến thu mua… Theo thống kê chưa chính thức, hiện toàn huyện Cao Phong có trên 2.600 héc-ta cam, quýt các loại. Trong đó, khoảng 800 héc-ta được canh tác theo quy trình VietGAP. Bắt đầu từ tháng 11 năm nay, diện tích kinh doanh bước vào kỳ thu hoạch chính vụ. Dự kiến với năng suất bình quân đạt 25 - 30 tấn/héc-ta, tổng sản lượng cam, quýt niên vụ 2018 - 2019 sẽ đạt trên 35.000 tấn, vượt khoảng 3.000 tấn so với niên vụ trước…

Chúng tôi có mặt tại khu 2, thị trấn Cao Phong - một trong những khu dân cư có diện tích trồng cam lớn tại huyện Cao Phong. Đường vào khu 2 đã thấy rất nhiều thương lái, những người thu mua với thùng xốp, rọ mây buộc sau xe đã tìm vào các nhà vườn. Từ sáng sớm, bà con đã tất bật trong vườn hái cam, chọn lựa những quả vừa độ chín để đóng hàng cho kịp chuyến xe của thương lái tới thu mua.

Là nơi có diện tích trồng cam lớn nhất trên địa bàn, thị trấn Cao Phong được ví như “thủ phủ” của các loại cam. Với chất lượng đã được khẳng định, thương hiệu cam Cao Phong ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Đó là kết quả của sự nỗ lực, chịu khó tìm tòi, học hỏi của nông dân địa phương. Ông Nguyễn Văn Kết, chủ một vườn cam tại khu 2 Cao Phong chia sẻ: Gia đình có diện tích hơn 1 héc-ta, mặc dù mới trồng được vài năm và năm nay là năm cho thu hoạch đầu tiên, nhưng với việc tiêu thụ thuận lợi như hiện tại, dự kiến gia đình cũng thu từ cây cam từ 500 đến 700 triệu đồng.

Có thể nói, cây cam đang thực sự là cây làm giàu của người dân Cao Phong. Diện tích cây cam đang được mở rộng tại địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề đặt ra, bởi lẽ do diện tích tăng nhanh, sản lượng tăng nhưng do chất lượng không đồng đều, bà con tổ chức thu hái chưa thống nhất, vẫn bán mua theo tính chất mạnh ai nấy làm nên giá cam không ổn định. Năm nay, dù bà con vẫn có lãi nhưng giá cam không được cao, chỉ từ 20.000 – 25.000 đồng/kg thu mua tại vườn. Với mức giá này trừ chi phí bà con lãi thấp… Đây là vấn đề đặt ra với chính quyền địa phương.  Nhiều ý kiến cho rằng, huyện Cao Phong nên tập trung kiểm soát, giữ chất lượng và tìm đầu ra ổn định cho quả cam thay vì “tăng tốc” nâng diện tích trồng.

Cao Phong đang bước vào chính vụ cam, chính quyền và người đân Cao Phong đang gấp rút chuẩn bị cho Lễ hội Cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình sẽ diễn ra tại Cao Phong thời điểm cuối tháng 11, đầu tháng 12. Đây là dịp để Cao Phong nói riêng và các địa phương của Hoà Bình nói chung giới thiệu các loại cam, quýt chủ lực đến du khách, để hương cam thơm ngát gần xa…

MUA GÌ-BÁN GÌ

Đồng bằng sông Cửu Long: Bà con thu hoạch mía chạy lũ

Hiện nay, nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đang thu hoạch mía chạy lũ. Giá mía được thương lái thu mua chỉ khoảng 500 - 650 đồng/kg (tùy giống và chữ đường), trong khi chi phí sản xuất là 715 đồng/kg. Tính bình quân, thu hoạch mía chạy lũ bà con lỗ khoảng 15 - 20 triệu đồng/héc-ta.

Năm nay, do nước lũ về sớm và dâng cao khiến hàng ngàn héc-ta mía bị ngập sâu, kéo dài, ảnh hưởng chất lượng mía, thiệt hại nhiều. Hiện các ngành chức năng huyện Phụng Hiệp và các xã đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía trong dân từ 20 - 30 héc-ta/ngày. Phấn đấu đến cuối tháng 12/2018 sẽ thu hoạch dứt điểm toàn bộ 7.500 héc-ta mía của niên vụ này.

Do sản xuất mía không hiệu quả và ngày càng khó khăn về đầu ra, tỉnh Hậu Giang dự kiến sẽ giảm từ 10.600 héc-ta mía như hiện nay xuống còn khoảng 6.000 héc-ta vụ mía 2019 - 2020. Trong đó, những nơi ngoài đê bao, dễ bị ngập, hoặc nơi sản xuất mía kém hiệu quả… được khuyến cáo chuyển sang trồng những cây con khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Bưởi da xanh giảm giá mạnh

Tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá bưởi da xanh giảm mạnh. Hiện thương lái đến tận vườn thu mua bưởi loại 1 (mã đẹp, trọng lượng từ 1,4 - 1,8 kg/quả) với giá 32.000 - 35.000 đồng/kg, loại 2 giá từ 20.000 - 23.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với 2 tháng trước. Mặc dù bưởi da xanh chưa vào mùa rộ nhưng giá giảm mạnh làm thất thu 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc cao hơn so với các năm. Đặc biệt, năm nay bưởi loại 1 rất ít, chủ yếu là loại 2, 3, 4 do ảnh hưởng thời tiết làm giảm năng suất, chất lượng quả.

Trên thực tế, bưởi da xanh nhiều năm qua luôn giữ giá ổn định từ 60.000 đồng/kg trở lên. Chỉ riêng năm nay bưởi gia xanh giảm gần bằng giá thành đầu tư khiến bà con trồng bưởi lo lắng.

Quảng Ngãi: Bí đỏ giảm giá, nông dân lo lắng

Vụ thu hoạch bí đỏ đã bắt đầu hơn 1 tháng nay, nhưng người dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vẫn không bán được hàng cho thương lái, bán chợ cũng không được khiến bí đỏ chất đống trong nhà. Hiện giá bí đỏ bán tại vườn chỉ còn 5.000 đồng/kg nhưng thương lái không thu mua khiến người trồng bí đỏ lo lắng. Trong khi đó, mọi năm giá bí đỏ vẫn đạt trên dưới 10.000 đồng/kg và tiêu thụ khá tốt.

Hầu hết diện tích bí đỏ được người dân trồng trên đất núi. Do đó, việc đi lại, chăm sóc gặp rất nhiều khó khăn, chi phí đầu tư cao. Hiện các cơ quan chức năng ở địa phương đang tìm cách kêu gọi liên kết, tiêu thụ lượng bí đỏ tồn đọng cho bà con.

Bình Thuận: Giá thanh long có xu hướng tăng

Hiện giá bán thanh long đã tăng hơn so với cách đây 1 tháng nhưng nhà vườn không có hàng để bán. Thời điểm này, giá bán thanh long loại 1 to, đẹp khoảng 15.000 đồng/kg tại vườn, trong khi loại 3 khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg. Thương lái đang tăng cường thu mua thanh long nhưng thị trường lại có xu hướng khan hiếm hàng vì chính vụ đã qua, chủ yếu là hàng chong đèn.

Trước đó, giá thanh long ở Bình Thuận giảm mạnh, chỉ khoảng 2.000 đồng/kg loại 1 nhưng khó bán. Bà con trồng thanh long đứng ngồi không yên vì chi phí trồng và chăm sóc thanh long khá tốn kém. Không ít nhà vườn thấy giá giảm thấp quá đã đem cho gia súc ăn và đổ bỏ. Nguyên nhân do số lượng thanh long chong đèn và chính vụ thu hoạch cùng lúc dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

CƠ HỘI-GIAO THƯƠNG

Vĩnh Long: Nông dân lo lắng vì khoai lang rớt giá

Vĩnh Long là địa phương sản xuất khoai lang xuất khẩu lớn nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vụ này, khoai lang rớt giá gây khó khăn lớn cho bà con nông dân. Nhiều hộ dân đang tính tới việc chuyển đổi cây trồng khác có thu nhập cao hơn.

Vào thời điểm này, mặc dù đã đến ngày thu hoạch khoai lang nhưng rất nhiều vườn khoai của bà con nông dân ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long không thu hoạch để chờ giá tăng. Nếu thu hoạch ngay, không bán được, khoai sẽ lên mộng. Nguyên nhân là vì hiện nay giá khoai xuống rất thấp chỉ đạt khoảng 200.000 đồng/tạ, thấp hơn giá sản xuất. Với giá khoai như hiện nay, nhiều hộ gia đình sẽ không có tiền để trả tiền mướn đất trồng khoai.

Giá khoai lang Vĩnh Long có những năm lên tới 1,2 triệu đồng/tạ nhưng năm nay chỉ còn khoảng 200.000 đồng/tạ, thấp nhất từ trước đến nay. Sản phẩm không có đầu ra không chỉ nông dân bị thiệt hại mà các doanh nghiệp thu mua khoai xuất khẩu ở Vĩnh Long cũng bị ảnh hưởng. Dọc theo tuyến đường từ thị xã Bình Minh đi huyện Bình Tân, nhiều kho hàng của các cơ sở thu mua khoai chất đầy kho nhưng không xuất khẩu được.

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có khoảng 13.500 héc-ta trồng khoai lang với sản lượng đạt từ 300.000 - 400.000 tấn/năm. Trước tình trạng khoai lang rớt giá, tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa mặt hàng nông sản này vào danh mục xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, hạn chế tình trạng buôn bán qua tiểu ngạch thiếu ổn định, dẫn đến điệp khúc được mùa, mất giá.

Bên cạnh đó, địa phương cũng vận động, tuyên truyền bà con nông dân nên rải vụ và xen canh. Đặc biệt, bà con không nên tập trung vào cây khoai mà mở rộng sang các loại cây trồng khác để tránh trường hợp được mùa, mất giá như hiện nay.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cam Vinh

Vụ cam năm nay đã có 10 đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An đăng ký in tem điện tử truy xuất nguồn gốc cam Vinh với số lượng hơn 1 triệu chiếc tem, tăng gấp đôi so với năm trước.

Tuy nhiên, năm nay Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An không có chính sách hỗ trợ in tem nên Hội cam Vinh đã chủ động tổ chức cho các đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh cam đăng ký in, dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cam Vinh. Đồng thời, giao cho các đơn vị sản xuất cam tuyển chọn những vườn cam đảm bảo đủ các điều kiện: Nằm trong chỉ dẫn địa lý cam Vinh, đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất theo quy trình VietGAP.

Với động thái này, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều địa chỉ tin cậy, truy xuất nguồn gốc rõ ràng khi mua sản phẩm cam Vinh.

Thời gian tới, Sở Khoa học - Công nghệ Nghệ An sẽ điều tra, khảo sát và đánh giá nhằm xác định vùng đăng ký bổ sung vào danh mục giống cam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Vinh” và vùng cần mở rộng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cam Vinh.        

10 đơn vị đăng ký in, dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh đợt này bao gồm:

Công ty Nông công nghiệp 3/2

Công ty TNHH MTV Sông Con

Công ty Nông nghiệp CNC Phủ Quỳ

Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành

 HTX nông nghiệp cây ăn quả 1/5

HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ cây ăn quả Xuân Hợp

HTX sản xuất kinh doanh cam Phùng Huyền

HTX dịch vụ tổng hợp Tấn Thanh

Công ty TNHH nông nghiệp CNC Phương Thảo

Công ty CP trang trại nông sản Phủ Quỳ

HÀNG VIỆT 

Quảng Bình: Xây dựng thương hiệu cam mật Lệ Thủy

Điều kiện thổ nhưỡng của vùng đất đồi Lệ Thủy rất thích hợp để trồng cam, trong đó có cam mật. Cam mật là loại cây dễ trồng, nhanh sống và ít tốn công chăm sóc, dễ nhân giống bằng cách chiết cành. Đặc biệt, đây là loại cây đem lại lợi nhuận cao, giá ổn định, có thể giúp nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Năm 2015, một số hộ gia đình ở thôn Xuân Lai, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 250 cây giống cam mật, phân bón và kỹ thuật canh tác theo Dự án khôi phục giống cam mật của tỉnh Quảng Bình để trồng thí điểm. Ưu điểm của giống cam mật này là trái to, mọng nước, vỏ mỏng, dễ tách, ruột vàng và có mùi thơm, vị ngọt đặc trưng nên rất được thị trường ưa chuộng, đầu ra ổn định. Với giá bán từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, bà con trồng cam đã có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu. Trong đó, một số hộ gia đình đã tiên phong đưa giống cam mật vào trồng trên đất vườn đồi. Sau hơn 3 năm, cây đã cho những quả đầu tiên, chất lượng quả tốt. Từ đó, các hộ tiếp tục đầu tư mở rộng vườn cam mật. Đến nay, hộ nhiều có trên 100 cây, hộ ít cũng chăm sóc khoảng 30 - 40 chục cây. Tuy nhiên, để mô hình này đem lại hiệu quả bền vững, các hộ gia đình nơi đây đều mong muốn được tiếp cận khoa học kỹ thuật, tìm nguồn cây giống chất lượng cũng như thị trường tiêu thụ ổn định.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lệ Thủy có khá nhiều hộ nông dân trồng cam theo kiểu “vườn mẫu”. Giống cam được bà con chọn trồng là cam chanh Vũ Quang, Hà Tĩnh và giống cam mật. Riêng tại xã Mai Thủy đã có trên 10 hộ trồng giống cam mật giá trị này. Nhằm hỗ trợ bà con nông dân, UBND xã Mai Thủy, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu thủ tục, xây dựng hồ sơ để đề nghị công nhận thương hiệu cam mật Lệ Thủy. Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân huyện Lệ Thủy sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ để bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng cam mật, tiến tới có thể thành lập các tổ hợp tác. Qua đó, phát huy hơn nữa hiệu quả, tạo chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm và xây dựng thành công thương hiệu cam mật của huyện.

Thực tế cho thấy, với mức thu nhập và hiệu quả cao hơn so với những loại cây trồng khác, cây cam mật bản địa hiện đang trở thành loại cây mới trong xu hướng phát triển kinh tế ở xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy. Đây cũng là cây trồng giúp bà con nông dân vùng đất đồi vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Vì vậy, việc xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận thương hiệu cam mật Lệ Thủy là việc cần làm ngay để hỗ trợ bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng cam mật. Đây cũng là một việc làm kịp thời và ý nghĩa, mở ra hướng đi mới cho sản phẩm nông nghiệp của huyện Lệ Thủy. Đồng thời, tạo dựng được thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như tăng giá trị cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm cam mật Lệ Thủy.

Bình Dương: Trao chứng nhận VietGAP cho sản phẩm bạc hà và bí đỏ hạt đậu

Phòng Kinh tế thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững đã tổ chức hội thảo và trao giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm bạc hà và bí đỏ hạt đậu xã Thạnh Hội. Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo về Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất cây bạc hà và bí đỏ hạt đậu đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thạnh Hội”.

Với tinh thần tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật của các hộ tham gia mô hình, cộng thêm hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững, đơn vị đánh giá độc lập đã xuống thực địa để đánh giá quá trình sản xuất VietGAP bạc hà và bí đỏ hạt đậu của các hộ dân tham gia dự án. Công ty Cổ phần và Giám định khử trùng FCC (TP. Hồ Chí Minh) cũng đã cấp giấy chứng nhận sản phẩm bạc hà và bí đỏ hạt đậu đạt tiêu chuẩn VietGAP cho tổ hợp tác thuộc dự án. Phòng Kinh tế thị xã Tân Uyên đã trao giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm bạc hà và bí đỏ hạt đậu cho Tổ hợp tác xã Thạnh Hội.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)