Thông tin giá cả thị trường số 48/2017

02:54 PM 11/12/2017 |   Lượt xem: 3882 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Bắc Kạn: Tìm lối mở cho thị trường nông sản

Vừa qua, tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn năm 2017. Đây là dịp để địa phương quảng bá tiềm năng, thế mạnh về các sản phẩm nông sản đặc trưng; thúc đẩy, mở rộng thị trường tiêu thụ; thu hút doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư sản xuất nông sản an toàn.

Tiềm năng chờ kết nối

Là tỉnh miền núi nhưng nằm ở trung tâm vùng Việt Bắc, Bắc Kạn có lợi thế về các sản phẩm nông, lâm nghiệp, nổi bật là các sản phẩm nông sản có thương hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý. Các sản phẩm nông sản thế mạnh của Bắc Kạn có thể kể đến là: Gạo nếp thơm đã được cấp nhãn hiệu tập thể “Khẩu nua lếch Ngân Sơn”; gạo bao thai Chợ Đồn được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể; miến dong; quả hồng không hạt đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý; gừng; bí xanh thơm; đặc biệt là cam, quýt sản lượng lớn đạt khoảng 16.000 tấn năm 2017…

Để các sản vật này đến nhiều hơn với người tiêu dùng, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ cho DN tham gia trực tiếp các hội chợ, triển lãm ở trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm, quảng bá, xây dựng thương hiệu. Đến nay, nhiều sản phẩm nông sản của Bắc Kạn đã tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở một số thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh...

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế thì các sản phẩm nông sản của Bắc Kạn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Phần lớn các sản phẩm vẫn chưa trở thành hàng hóa, một số sản phẩm có sản lượng lớn như cam, quýt, hồng không hạt… chủ yếu xuất bán sản phẩm thô, chưa qua chế biến, thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Sản phẩm nông sản sau khi được người dân sản xuất đa phần do các doanh nghiệp nhỏ, tiểu thương trong tỉnh thu mua để chế biến hoặc đem đi bán trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Xây dựng mối liên kết trong tiêu thụ

Theo ông Vũ Đức Chính - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn, công tác tiêu thụ nông sản của Bắc Kạn hiện nay chủ yếu vẫn do DN nhỏ, tiểu thương thu mua với quy mô nhỏ, lẻ để chế biến hoặc bán ra thị trường tỉnh bạn, chưa hình thành được mối liên kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Hơn thế, do đầu ra cho sản phẩm còn gặp khó khăn nên người nông dân cũng chưa dám mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng.

Định hướng phát triển nông nghiệp Bắc Kạn đặt ra là chuyển dịch theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, cung cấp sản phẩm nông sản có chất lượng cho thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu; giá trị sản xuất ngành trồng trọt giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt từ 2,7 - 3,2%/năm…

Để đạt được mục tiêu, lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Kạn cho rằng, vấn đề đặt ra đối với hàng hóa nông sản của Bắc Kạn hiện nay là đảm bảo năng suất, chất lượng, quy cách, tiêu chuẩn sản phẩm; đồng thời chú trọng tới công tác tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Theo đó, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích thiết thực nhằm xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà “sản xuất - DN - nhà nước - nhà khoa học” trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tạo sự gắn kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ nghiên cứu - ứng dụng - sản xuất - phân phối tới tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần lựa chọn, mời và hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có thế mạnh của địa phương tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối cung cầu, tìm kiếm đối tác, cơ hội kinh doanh…

Nhấn mạnh tại Hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn năm 2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cũng khẳng định: Bắc Kạn cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các thương nhân, tổ chức, DN, các hiệp hội, siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ đầu mối trên cả nước đến với Bắc Kạn, tiếp cận, kết nối và tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.

Kết thúc hội nghị, đã có 20 nhà sản xuất tại địa phương và DN, đơn vị kinh doanh trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng, thỏa thuận hợp tác quảng bá, tiêu thụ nông sản của tỉnh Bắc Kạn.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Nghệ An: Hàn Quốc hỗ trợ nông dân Nam Đàn trồng lạc thu đông

Vụ thu đông 2017 này, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đưa vào gieo trồng 10 héc-ta lạc giống siêu nguyên chủng TK10 tại xã Nam Lộc bố trí trên diện tích cánh đồng mẫu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đây là dự án phát triển nông thôn mới thông qua thiết lập hệ thống sản xuất và phân phối hạt giống cho cây lạc do Trung tâm KOPIA tài trợ nhằm giúp người dân hình thành các mô hình làng mẫu nông thôn mới theo mô hình làng mẫu nông thôn mới của Hàn Quốc. Trong đó, xóm 1, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn được chọn là 1 trong 3 điểm của tỉnh Nghệ An thực hiện dự án. Dự án đã thu hút 56 hộ dân tham gia với diện tích 10 héc-ta bằng giống lạc TK10 được Viện Khoa Học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ sản xuất siêu nguyên chủng.

Tham gia dự án, bà con được cán bộ Viện Khoa Học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ trực tiếp hướng dẫn công nghệ sản xuất lạc giống, hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Qua thực tế, sản xuất trong điều kiện khí hậu bất thường, đặc biệt là chịu ảnh hưởng liên tiếp của nhiều cơn bão và mưa lớn kéo dài nhưng nhờ bố trí ở khu vực đất cao, dốc, đất cát pha thoát nước tốt; áp dụng quy trình sản xuất đúng hướng dẫn nên cây lạc phát triển tốt. Mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng, hỗ trợ bà con trong 2 năm tiếp theo.

Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng lạc TK10 là cơ sở giúp địa phương tận dụng tối đa diện tích vùng bãi để tiếp tục mở rộng diện tích, đưa cây lạc trở thành cây hàng hoá cho giá trị kinh tế cao.

Bến Tre: Nhu cầu rau sâm biển tăng

Vốn bị bỏ hoang ven những cánh rừng ngập mặn ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, thời gian gần đây, loài rau sâm biển được người dân tìm mua nhiều. Thậm chí đã có doanh nghiệp thuê đất trồng chuyên canh loại rau này.

Rau sâm biển còn gọi là hải cúc hoặc xà lách biển. Trước đây, người dân địa phương rất ít ăn rau sâm biển nhưng từ giữa năm ngoái, rau sâm biển nổi lên như một loại đặc sản, có mặt ở hầu hết các quán ăn lớn nhỏ tại địa phương. Rau sâm biển ăn sống có vị nồng cay nhẹ, phảng phất hương thuốc nam, thường ăn kẹp với cá nướng. Ngoài ra, có thể luộc hoặc nấu canh cũng rất ngon nên được nhiều người ưa chuộng. Theo đó, giá rau tại vườn cũng tăng cao, từ 25.000 đồng/kg trở lên. Đặc biệt, nhiều người còn tìm mua củ (rễ) sâm biển với giá 125.000 - 135.000 đồng/kg về phơi khô nấu nước uống.

Trước nhu cầu của thị trường, phong trào phá bỏ sắn, dưa hấu trồng sâm biển đã diễn ra khá rầm rộ tại 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải. Hầu như hộ nào có đất đều trồng rau sâm biển. Rau sâm biển dễ trồng, cây lớn nhanh, mau cho thu hoạch. Không ít gia đình thu nhập lên đến cả triệu đồng mỗi ngày. Thậm chí, gần đây còn có doanh nghiệp đến địa phương thuê gần 3 héc-ta đất với giá 100 triệu đồng/héc-ta/năm để trồng rau sâm biển. Doanh nghiệp này cũng đang nghiên cứu thành phần của sâm biển và đã có kết quả bước đầu. Dự kiến, trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ áp dụng công nghệ hiện đại chiết xuất thành phần của sâm biển để bán sản phẩm ra thị trường và tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

Đồng Tháp: Người dân trúng mùa tép đồng

Một số người dân đặt dớn hoặc lọp tép trên địa bàn xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết, những ngày qua họ trúng mùa tép đồng nên có thêm nguồn thu nhập khá. Với giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, nhiều hộ thu nhập hàng trăm ngàn đồng/ngày. Đặc biệt, năm nay tép trên đồng ruộng khá nhiều là nhờ xả lũ. Người dân rất phấn khởi vì chủ trương xả lũ không những góp phần vệ sinh đồng ruộng mà còn tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Bình Thuận: Thanh long trái vụ giá giảm

Thanh long Bình Thuận trồng trái vụ hiện được thương lái thu mua với giá 6.000 - 8.000 đồng/kg, loại đẹp nhất đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cũng chỉ còn 10.000 đồng/kg. Mức giá này đã giảm 2 - 3 lần so với cách đây hơn 2 tháng.

Theo tính toán của người dân địa phương, thanh long trái vụ phải có giá khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg thì người dân mới có lãi. Trong khi đó, trồng thanh long trái vụ, chi phí đầu tư rất lớn. Với giá thanh long như hiện tại, người dân đang bị thua lỗ nặng.

Bình Thuận hiện đang là địa phương có diện tích trồng cây thanh long lớn nhất cả nước với trên 27.000 héc-ta, sản lượng hàng năm trên 500 ngàn tấn. Hiện tại, phần lớn sản lượng loại trái cây này được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Theo một số thương lái, nguyên nhân giá thanh long giảm mạnh là do thời tiết hiện tại của Trung Quốc đang rất lạnh, tuyết rơi nhiều nên việc vận chuyển, tiêu thụ loại trái cây này đang gặp khó khăn.

Hòa Bình: Giá cam Cao Phong giảm mạnh

Tại thủ phủ cam Cao Phong, các chủ vườn cho biết giá cam đang giảm mạnh do người dân ồ ạt trồng, cam lại được mùa khiến cung vượt cầu. Mặc dù số lượng thương lái đến tận vườn cắt không giảm, nhưng giá cam hạ khiến người trồng lo lắng bởi từ trước đến nay giá cam cao Phong luôn duy trì ổn định ở mức 40.000 - 50.000 đồng/kg. Nếu cuối năm ngoái, giá cam lòng vàng cắt tại vườn có giá 28.000 - 30.000 đồng/kg thì hiện nay chỉ còn 20.000 đồng/kg. Giá cam bán lẻ trên thị trường khoảng 30.000 đồng/kg, thấp hơn so với mức 40.000 - 50.000 đồng/kg của năm ngoái.

Mặc dù trải qua trận lũ lịch sử nhưng vụ cam năm nay vẫn được mùa và có chất lượng ổn định. Theo đó, giống cam lòng vàng cho thu hoạch sớm nhất trong các giống cam trồng ở Cao Phong. Đây cũng là giống cam ngon đã tạo nên thương hiệu cam Cao Phong nổi tiếng.

An Giang: Vào vụ làm mắm cá đồng

Dọc theo tuyến kênh Vĩnh Tế, khu vực phường Núi Sam và xã Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang), nhiều hộ dân đang chộn rộn làm mắm. Bà con cho biết, cuối mùa nước nổi năm nay, cá đồng được khai thác với sản lượng nhiều hơn năm ngoái. Do cá khai thác được nhiều nên giá giảm. Đặc biệt, cá linh dính lưới, đú nhiều nên giá chỉ còn 10.000 đồng/kg, cá chốt 12.000 đồng/kg, cá sặc 14.000 đồng/kg. Riêng cá tạp khai thác với sản lượng lớn, giá bán từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Một thương lái chuyên thu mua cá đồng ở phường Núi Sam cho biết, những ngày nước rút, vựa cá của ông thu mua từ 1 - 2 tấn cá tạp/ngày để giao cho những hộ chăn nuôi cá lóc, cá tra và cá nàng hai.

LƯU Ý - CẢNH BÁO

Tây Nguyên: Cà phê bung hoa sớm

Thời điểm hiện tại, bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ cà phê niên vụ 2017 - 2018. Tuy nhiên, điều nông dân nơi đây “đau đầu” không phải vì năng suất, giá cả mà chính là do cà phê bung hoa sớm.

Nguyên nhân được xác định là do bước vào vụ thu hoạch, diễn biến thời tiết tại Tây Nguyên xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài, đến giữa tháng 11 thì xuất hiện mưa rải rác tạo thuận lợi cho cây cà phê đồng loạt bung hoa. Thông thường, sau khi kết thúc thu hoạch, vườn cà phê phải trải qua khoảng 1 tháng mùa nắng nữa để dưỡng chất dồn lên những búp hoa, khi đó gặp nước hoa cà phê mới nở đều và cho trái chín đúng mùa vụ. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi, mưa trái mùa xuất hiện nên hiện nay, khi cà phê đang trong giai đoạn thu hoạch đã ra hoa.

Các chuyên gia nông nghiệp cho biết, trong điều kiện tự nhiên ở Tây Nguyên, tưới nước là biện pháp kỹ thuật có tính quyết định đến thời điểm ra hoa, cho năng suất mỗi niên vụ cà phê. Việc hoa cà phê nở sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng cà phê niên vụ tới. Hiện nay, ở Tây Nguyên chưa dứt hẳn mưa nên việc cây cà phê ra hoa sớm sẽ dễ gặp thời tiết bất lợi, làm thối hoa, không đậu quả. Còn nếu thời tiết thuận lợi hơn, hoa cà phê đã đậu được quả nhưng do chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết như thời gian nghỉ của cây, phân bón… nên cây không đủ sức, dẫn đến chất lượng quả cũng như năng suất cà phê vụ tới sẽ không cao.

Do vậy theo các chuyên gia nông nghiệp, cách tốt nhất là bà con nông dân nên hái bỏ bông hoa cà phê nở sớm. Khi thu hoạch quả xong thì cho cây nghỉ một thời gian rồi tưới nước để kích thích cho hoa ra đồng loạt nhằm nâng cao chất lượng và năng suất cà phê.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Chấm điểm bộ, ngành, địa phương trong chống buôn lậu, hàng giả

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã ban hành tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Việc đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dựa trên các tiêu chí như: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, công tác năm của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện chỉ đạo về các vụ việc bắt giữ, điều tra, xử lý vi phạm... Với mỗi tiêu chí đều có thang điểm chuẩn, điểm trừ. Tổng điểm chuẩn của các tiêu chí là 100.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xếp loại các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo 4 mức: Loại A (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ) đạt từ 91 - 100 điểm; loại B (hoàn thành tốt nhiệm vụ); đạt từ 71 - 90 điểm; loại C (hoàn thành nhiệm vụ) đạt từ 51 - 70 điểm; loại D (không hoàn thành nhiệm vụ) đạt dưới 50 điểm.

Thời gian đánh giá kết quả công tác để chấm điểm từ ngày 16 tháng 11 của năm trước đến ngày 15 tháng 11 của năm báo cáo.

HÀNG VIỆT

Đắk Lắk: Hương cà phê Buôn Ma Thuột bay xa

Hiện nay, cà phê nhân Robusta của tỉnh Đắk Lắk mang chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Điều này không những nâng cao giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp mà còn quảng bá sản phẩm cà phê nhân của tỉnh đến với nhiều nước trên thế giới.

Tăng cường quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý

Theo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, trên địa bàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp đã được Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” đối với sản phẩm cà phê nhân Robusta với tổng diện tích hơn 15.612 héc-ta, sản lượng đăng ký 48.690 tấn/năm.

Thời gian qua, Hiệp hội thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý thông qua hệ thống quản lý nội bộ, hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại sản phẩm có chỉ dẫn địa lý. Theo đó, qua kiểm tra nội bộ cho thấy, hầu hết các đơn vị đã tổ chức sản xuất, kinh doanh theo đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê theo đúng quy định của sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý. Cụ thể, về chăm sóc, các công đoạn cắt tỉa, vệ sinh vườn cây, sử dụng phân bón, nước tưới và thuốc bảo vệ thực vật được nông dân thực hiện đúng kỹ thuật và ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký nông hộ. Các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đều trong doanh mục cho phép, hạn chế dùng phân bón hóa học. Ở công đoạn thu hoạch, hầu hết sản lượng cà phê thu hoạch đạt tỷ lệ chín 80 - 85% và được sấy khô hoặc phơi trên sân xi măng; riêng các doanh nghiệp chế biến ướt, tỷ lệ quả chín khi thu hái đạt tối thiểu 90%. Theo phân hạng chất lượng, tất cả sản lượng cà phê qua chế biến đều bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và chất lượng của sản phẩm có chỉ dẫn địa lý: Hạt có màu, mùi đặc trưng của cà phê nhân Robusta, tỷ lệ hạt đạt trên sàn 13, 16, 18 đạt 90%, độ ẩm dưới 12,5%.

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường hệ thống nhận diện thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” trên sản phẩm cà phê rang xay, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã ban hành 2 bộ công cụ quản lý “Tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm cà phê rang xay Buôn Ma Thuột” và “Quy chế sử dụng logo chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê rang xay”. Hiện có 15 doanh nghiệp, hợp tác xã được sử dụng logo chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột cho sản phẩm rang xay với 16 dòng sản phẩm. Riêng trong năm 2017, sản lượng cà phê rang xay có chỉ dẫn địa lý đạt 14,5 tấn, trong đó, sản lượng đã được thương mại hơn 7 tấn.

Đối với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài, địa phương đã nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu này tại 17 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đến nay, 12 quốc gia đã đồng ý bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ hàng hóa, nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu tập thể, gồm: Canada, Đức, Ba Lan, Bỉ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Lúc-xăm-bua, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và Nga là tên gọi xuất xứ hàng hóa. Riêng tại lãnh thổ Liên minh châu Âu, theo cam kết tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ đầu năm 2018, “Buôn Ma Thuột Coffee” được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý. Hiện Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) hỗ trợ địa phương hoàn thiện hồ sơ đăng ký và vận hành trong thực tế theo những quy định của EU.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn tham gia các hội chợ, triển lãm ở nước ngoài để quảng bá sản phẩm cà phê có chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

Vùng địa danh cà phê có tổng diện tích 107.500 héc-ta tại các huyện: Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Búk, Krông Pắk, Krông Năng và Buôn Ma Thuột. Cà phê nhân mang chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột là cà phê vối Robusta được sản xuất theo quy trình sản xuất bền vững, thực hành nông nghiệp tốt hoặc sản xuất có chứng nhận…

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)