Thông tin giá cả thị trường số 49/2017

08:21 PM 18/12/2017 |   Lượt xem: 4078 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Phát triển sinh kế cho đồng bào vùng Tây Bắc

Trong 15 năm qua, Chính phủ Úc thông qua Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các địa phương tăng cường nghiên cứu mang lại các tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần giảm nghèo và cải thiện thu nhập của nông dân vùng Tây Bắc.

Nâng cao sinh kế cho đồng bào

Trước đây, các nhà sản xuất rau tại Mộc Châu đã bán sản phẩm của họ thông qua các thương lái địa phương hoặc bán trực tiếp tại các chợ địa phương với giá cả bấp bênh, thu nhập không ổn định và người nông dân không được tập huấn về kỹ thuật canh tác và về thực thành nông nghiệp.

Nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu, mang lại các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, góp phần giảm nghèo và cải thiện thu nhập của nông dân Mộc Châu và Vân Hồ (tỉnh Sơn La), năm 2012 Chính phủ Úc thông qua ACIAR đã hợp tác với Bộ NN&PTNT triển khai dự án đánh giá nhu cầu thị trường rau tại Hà Nội. Trong đó tập trung vào các yêu cầu về chất lượng, số lượng, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc và đóng gói. Dựa vào những kết quả nghiên cứu thị trường, các cán bộ kỹ thuật của dự án đã hỗ trợ các nhóm nông dân xây dựng kế hoạch sản xuất và dự báo khối lượng tiêu thụ, tham gia các khóa tập huấn, thí điểm kỹ thuật sản xuất mới…

Với sự hỗ trợ của dự án, một chuỗi rau bền vững với sự lồng ghép và truyền thông chặt chẽ giữa các hợp phần của chuỗi đã được xây dựng. Kết quả, lượng rau sản xuất ra bán cho các cửa hàng tại Hà Nội, bao gồm Metro và Fivimart gia tăng nhanh chóng… Đặc biệt, ngày càng nhiều nông dân quan tâm đến việc tham gia các nhóm rau an toàn, với số lượng tăng lên từ 32 nông hộ năm 2012 lên 170 nông hộ năm 2017. Thu nhập ròng từ trồng rau trên héc-ta của các nông hộ cao hơn gấp 5 - 10 lần so với thu nhập từ trồng lúa và ngô.

Ông Lò Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - chia sẻ, trong 15 năm qua, ACAIR đã hợp tác với tỉnh Sơn La thông qua 7 chương trình, dự án cụ thể. Qua hỗ trợ đã giúp làm thay đổi thói quen sản xuất của người dân Sơn La, giúp thay đổi nhận thức của cán bộ địa phương bằng việc ban hành các cơ chế, chính sách hiệu quả. Đây là một trong số nhiều địa phương trên địa bàn Tây Bắc đã được các dự án của ACIAR thực hiện nhằm phát triển thị trường nông nghiệp, nâng cao sinh kế cho người dân nơi đây.

Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững

Chia sẻ tại Hội thảo “Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp vùng Tây Bắc”, ông Prof Andrew Cambell - Giám đốc Điều hành ACIAR - cho hay, “Ở khu vực vùng núi Tây Bắc, chúng tôi đã kết hợp với rất nhiều người Mông nhằm nâng cao chất lượng sản xuất rau bản địa, nâng cao giá trị để người nông dân có thể bán được ở các thị trường cao cấp hơn. Bên cạnh đó, trong hơn 10 năm qua, ACIAR đã có nhiều dự án lâm nghiệp với diện tích lớn khoảng 1 triệu héc-ta rừng, những cây được trồng trong khu rừng mới này rất hiệu quả và mang lại hiệu quả cao gấp 10 lần so với việc người dân khai thác gỗ tràn lan trước đây”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, các dự án của ACIAR hướng tới giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm, sử dụng tài nguyên bền vững, liên kết với thị trường, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Sau 15 năm thực hiện, nhiều mô hình canh tác nông nghiệp thân thiện, nhiều ứng dụng nghiên cứu, các chuỗi sản xuất, cung ứng… đã được thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Hậu Giang: Liên kết tiêu thụ mãng cầu xiêm

Tại tỉnh Hậu Giang, nhà vườn hợp tác trồng mãng cầu xiêm rất phấn khởi vì đạt năng suất cao lại có đầu mối tiêu thụ với giá bán ổn định.

Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt, thời gian qua, nhiều nông dân ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã chọn cây mãng cầu xiêm để trồng. Bước đầu, giống cây này cho thu nhập khá cao nhưng nông dân còn gặp khó trong khâu tiêu thụ do đến kỳ thu hoạch rộ thường bị thương lái ép giá.

Mới đây, Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ (hợp tác xã đầu tiên trồng mãng cầu được thành lập ở Hậu Giang) đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh bao tiêu sản phẩm. Thông tin này được nhiều nhà vườn phấn khởi vì đầu ra trái cây được ổn định.

Theo hợp đồng ký kết, Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh thu mua với giá 15.000 đồng/kg đối với mãng cầu loại 1, 9.000 đồng/kg đối với mãng cầu loại 2, bình quân cao hơn giá thị trường bên ngoài từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Hiện Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ có 90 thành viên tham gia trồng gần 90 héc-ta mãng cầu xiêm, trong đó có hơn 40 héc-ta đang cho trái.

Thực tế cho thấy, nhờ nông dân ở đây biết liên kết cùng nhau nên gặp nhiều thuận tiện trong khâu chăm sóc, xử lý kỹ thuật để cây đậu nhiều trái, cho năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, việc liên kết giúp hợp tác xã thu gom đủ nguồn hàng cung ứng cho công ty, trong khi các hộ trồng riêng lẻ gặp nhiều khó khăn trong khâu chăm sóc, bảo vệ cây, nhất là vào mùa mưa lũ, khô hạn. Bên cạnh đó, các hộ còn thực hiện trồng rải vụ giúp nâng cao thu nhập, khắc phục được tình trạng được mùa - mất giá. Ngoài ra, trồng rải vụ còn giúp hợp tác xã đáp ứng được nguồn hàng xuất khẩu quanh năm.

Yên Bái: Phát triển tre măng Bát Độ trên vùng núi cao

Huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đang triển khai đề án phát triển tre măng Bát Độ với sự ủng hộ tích cực của người dân. Hiện nay, trên địa bàn 7 xã, huyện đã triển khai trồng mới 58 héc-ta tre măng Bát Độ trên tổng số 200 héc-ta kế hoạch tỉnh giao.

Văn Yên từ lâu được coi là “thủ phủ” của cây quế vùng Tây Bắc, với diện tích hơn 40.000 héc-ta. Nhưng cây quế tập trung chủ yếu ở các xã bên kia sông Hồng, còn các xã nằm dọc theo đường sắt bên này sông địa phương đang triển khai trồng tre măng Bát Độ. Bởi đây là loại cây đã được người dân trồng rất thành công và mang lại thu nhập cao.

Năm 2017, huyện Văn Yên được giao trồng mới 200 héc-ta tre măng Bát Độ. Các hộ gia đình tham gia trồng mới với diện tích từ 0,5 héc-ta trở lên được hỗ trợ 3 triệu đồng/héc-ta. Từ đầu năm đến nay đã tiến hành trồng 58 héc-ta bằng măng củ do HTX Kiên Thành cung cấp giống. Tuy nhiên, do chất lượng giống chưa đảm bảo, khi trồng lại gặp thời tiết bất thuận như nắng quá lâu, trồng trên đồi nên củ măng bị thối, chết 31 héc-ta. Trước tình hình này, Ban Thường vụ Huyện ủy và lãnh đạo Phòng Nông nghiệp (UBND huyện) quyết tâm sản xuất cây giống để chủ động cung cấp cho người dân. Nếu thành công, địa phương sẽ vận động bà con các xã xung quanh cùng trồng cây tre măng Bát Độ trên diện tích sắn bỏ hoang để thành vùng, thuận lợi cho các doanh nghiệp đến thu mua và chế biến. Sản phẩm măng chế biến bao gồm: Măng khô sợi nhỏ, măng muối, măng khô...

Cây măng tre Bát Độ không chỉ mang lại giá trị hàng hóa mà còn là lâm nghiệp phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giữ nguồn nước và tạo ra môi trường sống cho người dân. Đây là loài cây mang lại lợi ích kép đang được những người nông dân vùng núi Yên Bái mở rộng phát triển.

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

Thái Nguyên: Triển khai mô hình trồng cây dược liệu

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã lựa chọn được 6 hộ dân ở xã Tân Thái, huyện Đại Từ tham gia mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng phòng hộ hồ Núi Cốc. Từ nay đến cuối năm, các hộ dân này sẽ trồng 1,7 héc-ta cây dược liệu như: đinh lăng, ba kích, cà gai. Để bà con trồng cây đạt kết quả cao, tiến tới nhân rộng mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tập huấn quy trình kỹ thuật, cấp phát giống cho các hộ dân trực tiếp tham gia và 30 hộ dân trong khu vực triển khai mô hình.

Việc trồng cây dược liệu dưới tán rừng phòng hộ hồ Núi Cốc không chỉ góp phần bảo tồn các giống cây dược liệu quý, mà con nâng cao thu nhập cho các hộ trồng, bảo vệ rừng phòng hộ hồ Núi Cốc.

Cần Thơ: Lúa đông xuân được giá

Hiện nay, vụ lúa đông xuân 2017 - 2018 vào mùa gieo sạ được trên 40% diện tích trong kế hoạch sản xuất hơn 84.000 héc-ta. Trong bối cảnh, thị trường lúa gạo đang hút hàng, có giá nên lúa vừa xuống giống đã có thương lái tới đặt cọc 1 triệu đồng/héc-ta, cao gấp đôi so mức tiền cọc thông thường của các vụ lúa trước đây; đồng thời đặt giá sàn bao tiêu. Mức cao nhất là lúa Jasmine thu mua trên 6.000 đồng/kg, lúa OM5451 bao tiêu 5.800 đồng/kg, lúa IR50404 bao tiêu khoảng 5.400 - 5.500 đồng/kg.

Hiện nay thành phố Cần Thơ có vùng sản xuất lúa trên 82.000 héc-ta/vụ. Mới đây, thành phố đã thông qua kế hoạch đến năm 2020 hình thành vùng sản xuất lúa cánh đồng lớn 30.000 héc-ta với hơn 20.000 hộ nông dân tham gia và đến năm 2025 mở rộng quy mô lên 40.000 héc-ta/vụ với 37.000 hộ nông dân tham gia sản xuất.

Tiền Giang: Sầu riêng nghịch vụ giá cao

Hiện nay, sầu riêng nghịch vụ được bán với 80.000 - 120.000 đồng/kg khiến bà con nông dân rất phấn khởi. Thông thường, sầu riêng vụ nghịch bán được giá cao gấp 2 - 3 lần sầu riêng vụ thuận nên đa số bà con nông dân ở Tiền Giang thường trồng rải vụ để nâng cao thu nhập. Nếu vụ thuận từ tháng 5 - 7 âm lịch sầu riêng có giá bán từ 35.000 - 40.000 đồng/kg thì vụ nghịch từ rằm tháng 9 đến tháng giêng năm sau sẽ có giá từ 80.000 - 120.000 đồng/kg. Đây cũng chính là thế mạnh mà ngành trồng trọt tỉnh cần phát huy để tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân. Trong đó, mỗi tỉnh có thế mạnh về một loại trái cây đều nhận nhiệm vụ thực hiện rải vụ, như tỉnh Bình Thuận thì thực hiện rải vụ cho cây thanh long, Vĩnh Long rải vụ cây nhãn, Tiền Giang rải vụ sầu riêng, Bến Tre rải vụ cây dừa, Đồng Tháp rải vụ cây xoài.

Nghệ An: Thất thu cam Nghĩa Đàn

Năm nay, người trồng cam ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An lao đao vì dịch bệnh. Nhiều vườn cam chỉ bán được giá 2.000 - 3.000 đồng/kg nhưng không có người mua. Nhiều hộ nông dân trồng cam lao đao và muốn chặt hạ những diện tích cam đã gắn bó hàng chục năm nay. Nguyên nhân chủ yếu do cam bị bệnh vàng lá thối rễ và vàng lá gân xanh do con rầy tác động. Mặc dù các hộ trồng cam đã đầu tư thuốc, áp dụng theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nhưng do nhiễm quá nặng nên không cứu vãn được nhiều. Cam thu hoạch vừa xấu mã vừa còi cọc, rất khó bán.

Với thực trạng cây cam thất thu như năm nay, bà con nông dân vô cùng lo lắng. Chính quyền địa phương cũng khuyến cáo bà con đầu tư trồng cam phải đảm bảo đúng quy trình, cải tạo đất, đào sạch gốc, trồng cây ngắn ngày 3 năm sau mới trồng cam được thì khi đó bệnh mới giảm, quy trình làm giống phải sạch, đảm bảo khoa học.

LƯU Ý - CẢNH BÁO

Khánh Hòa: Dừa giống khan hiếm

Hiện nay, người trồng dừa Khánh Hòa đang đối mặt với tình trạng thiếu dừa giống để khôi phục vườn dừa sau bão.

Thời điểm này, các vườn đã xuất bán từ trước nên không còn dừa giống. Từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch là thời gian dừa được chọn trên cây, tháng 2 mới đưa xuống vườn ươm, 3 tháng sau mới có dừa giống đạt tiêu chuẩn đưa ra trồng, tổng thời gian mất 6 tháng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 12 vừa qua, các cây dừa còn lại hầu hết đều bị xiêu vẹo, nghiêng ngả, nếu chọn dừa sẽ không đủ sức nuôi trái cho đến lúc già.

Bên cạnh đó, người dân cũng rất khó khăn trong việc gây dựng lại vườn dừa. Bởi trên thực tế, 70% vườn dừa hư hại không có giống trồng lại, buộc bà con phải tìm giống. Hiện tại, hầu hết các vườn dừa giống còn nhỏ, mới nhú đọt non chừng nửa gang tay, phải đợi một thời gian nữa mới trồng được. Giá dừa giống tại các vườn hiện nay khoảng 100.000 đồng/cây.

Mặc dù dừa giống tại các nơi không thiếu, song các vùng dừa Khánh Hòa đang sở hữu giống dừa ngon nên không thể lấy giống từ nơi khác. Dừa Vạn Thiện hay Tuần Lễ đều là những nơi sản sinh giống dừa mang đặc thù của vùng đất, trong đó dừa Vạn Thiện đã được cấp chứng nhận thương hiệu địa lý.

Sở Khoa học - Công nghệ Khánh Hòa cũng đã triển khai đề tài nghiên cứu về năng suất và chất lượng dừa tiến hành tại 4 địa phương gồm: Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa và Vạn Ninh. Đề tài bố trí theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển, chất lượng dừa, cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy trình. Hiện nay, các vườn dừa trong đề tài đều bị thiệt hại, song nặng nhất là tại Ninh Hòa và Vạn Ninh, trong đó có Vạn Thiện và thôn Tuần Lễ. Hiện nay, theo yêu cầu của sở, đề tài ghi nhận tổn thất và tiếp tục thực hiện đối với những cây còn lại, đồng thời trồng mới những cây đổ, ngã.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Đà Lạt: Hỗ trợ 200.000 bao bì nhận diện khoai tây

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lâm Đồng vừa được giao làm chủ đầu tư triển khai Đề án thí điểm nhận diện khoai tây Đà Lạt trong năm 2018.

Đề án với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước hơn 775 triệu đồng, vốn các tổ chức, cá nhân đối ứng 225 triệu đồng.

Trong đó, hỗ trợ in ấn 200.000 bao bì nhận diện khoai tây Đà Lạt (tương đương 700 tấn) trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ, chiếm 50% bao bì loại 2kg và 50% bao bì loại 5kg. Đối tượng được hỗ trợ bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân, cơ sở trực tiếp sản xuất, thu mua, kinh doanh sản phẩm khoai tây (chưa qua chế biến) được trồng tại thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng. 

Đồng thời, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lâm Đồng chủ trì phố hợp với sở, ngành liên quan tiếp tục điều tra, thống kê hiện trạng sản xuất khoai tây Đà Lạt để quảng bá, xây dựng 10.000 tờ rơi, 500 poster hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt khoai tây Đà Lạt với khoai tây từ các nguồn khác trên thị trường.

Theo kế hoạch, năm 2018 Lâm Đồng sẽ điều tra tình hình sản xuất, tiêu dùng khoai tây, thống kê diện tích, năng suất, sản lượng, giống khoai tây, số hộ, cơ sở đang trồng, kinh doanh khoai tây Đà Lạt để làm cơ sở xây dựng tờ rơi. Nội dung của tờ rơi này là cung cấp thông tin, quảng bá sản phẩm, xây dựng quy định sử dụng bao bì, hướng dẫn cách phân biệt khoai tây Đà Lạt với khoai tây có nguồn từ những nơi khác trên thị trường.

HÀNG VIỆT

Gia Lai: Xây dựng cánh đồng lớn thương hiệu gạo Ba Chăm

Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Gia Lai đã chấp thuận chủ trương xây dựng dự án cánh đồng lớn của Công ty TNHH Ba Chăm Gia Lai.

Theo đó, Cty TNHH Ba Chăm Gia Lai được chấp thuận triển khai xây dựng dự án cánh đồng lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây lúa Ba Chăm trên địa bàn xã Đắk Trôi, huyện Mang Yang.

Giống lúa Ba Chăm chỉ có ở xã Đắk Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Đến thời điểm hiện nay bây giờ, giống lúa này vẫn được bà con dân tộc Ba Na canh tác theo phương thức truyền thống (chọc trỉa). Cây lúa từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch hết thời gian 8 tháng, hoàn toàn không bón bất kỳ một loại phân bón nào. Chính vì vậy nên dù năng suất thấp, nhưng chất lượng gạo Ba Chăm là hoàn toàn sạch, hàm lượng dinh dưỡng cao, rất phù hợp cho người già và trẻ em khi sử dụng.

Việc triển khai cánh đồng lớn cho cây lúa Ba Chăm, ngoài nâng cao năng suất, chất lượng của hạt lúa, còn có tác dụng đưa thương hiệu đến với đông đảo người tiêu dùng. Đặc biệt, cánh đồng lớn còn giúp bà con dân tộc Ba Na nơi đây ổn định sản xuất,  đảm bảo đầu ra không bị ép giá, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Công ty TNHH Ba Chăm Gia Lai sẽ triển khai dự án cánh đồng lớn này trong vòng 5 năm, mỗi năm khoảng 100 héc-ta.

Nghệ An: Mực khô Quỳnh Lưu được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể

Xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã tổ chức Lễ công bố Quyết định cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Mực khô Quỳnh Lưu”.

Theo đó, nhãn hiệu “Mực khô Quỳnh Lưu” được cấp cho Hội Sản xuất và Kinh doanh mực khô huyện Quỳnh Lưu với tổng số 28 hội viên ở xã: Quỳnh Long, An Hòa, Quỳnh Nghĩa, Sơn Hải.

Việc cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập đã tạo cơ sở pháp lý giúp phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mực khô Quỳnh Lưu một cách bền vững; phát triển sản phẩm cả về chất lượng và giá trị, góp phần đưa “Mực khô Quỳnh Lưu” thành thương hiệu mạnh ở thị trường trong nước và nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế biển.

Mực khô Quỳnh Lưu đã trở nên nổi tiếng nhờ nguồn gốc từ vùng biển Quỳnh Lưu thuộc Vịnh Bắc bộ lại được ngư dân chế biến trên biển. Trong điều kiện tự nhiên về nắng gió, không khí trong lành của biển tạo nên một hương vị đặc biệt với chất lượng thơm ngon, thịt dai và vị ngọt đậm rất riêng. Vì vậy, mực khô Quỳnh Lưu là sản phẩm truyền thống, đặc biệt được ưa chuộng và có giá cao hơn các sản phẩm mực khô của vùng biển khác. Tuy nhiên, do chưa xây dựng được nhãn hiệu độc quyền nên sản phẩm thường xuyên bị làm giả, làm nhái.

Để khắc phục tình trạng này, UBND huyện Quỳnh Lưu đã giao cho Trạm Khuyến nông huyện Quỳnh Lưu thực hiện Dự án xây dựng, quản lý nhãn hiệu tập thể “Mực khô Quỳnh Lưu” với mong muốn đưa sản phẩm trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường, đồng thời phát triển thị phần tiêu thụ.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)