Thông tin giá cả thị trường số 5/2018

08:25 AM 30/01/2018 |   Lượt xem: 4817 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Mùa mía “đắng”

Niên vụ mía 2017 - 2018, hầu hết các nhà máy đường vào vụ trễ gần 1 tháng so với những năm trước do ảnh hưởng của thời tiết. Giá thu mua mía nguyên liệu cũng giảm khiến người trồng mía lo lắng.

Nhà máy chậm thu mua

Trà Vinh là một trong những tỉnh trọng điểm mía khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với gần 6.000 héc-ta của hơn 5.000 hộ dân chuyên sống bằng nghề trồng mía. Hàng năm, bước vào tháng 10, người dân bắt đầu thu hoạch, tập trung cao điểm nhất vào tháng 11 đến tháng 12 là kết thúc niên vụ trồng mía. Tuy nhiên, năm nay đến thời điểm này, toàn bộ diện tích mía của tỉnh vẫn không thu hoạch được. Tình hình này khiến cây mía bị khô, năng suất, chất lượng đường giảm. Một số hộ không chờ được nhà máy thu mua, tự đốn mía mang đi tỉnh khác tiêu thụ nhưng tình hình cũng chẳng khá hơn bởi chi phí vận chuyển đường dài tăng cao, chữ đường sụt giảm…

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chậm thu mua mía cho bà con là do Công ty CP Mía đường Trà Vinh tiến hành cải tạo, nâng công suất nhà máy lên 4.000 tấn mía/ngày từ tháng 6/2017. Do quá trình thi công cải tạo, nâng cấp gặp trở ngại về thời tiết, kỹ thuật nên tiến độ hoàn thành bị chậm so với kế hoạch. Hiện nay, 2 máy phát điện mới không đạt về chỉ số an toàn kỹ thuật, vẫn còn tiếp tục sửa chữa. Như vậy, người trồng mía vẫn chịu thiệt thòi khi những ruộng mía đã qua kỳ thu hoạch đang chết khô.

Khó thu hoạch mía do thời tiết

Tại Phú Yên, niên vụ mía 2017 - 2018, các nhà máy đường vào vụ trễ gần 1 tháng so với những năm trước, giá thu mua mía nguyên liệu cũng giảm. Do thời tiết mưa, ruộng mía đầy nước, lầy lún khiến nông dân khó thu hoạch. Trong khi đó, những năm trước, cuối tháng 12 đầu tháng 1 dương lịch, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch rộ mía bán cho các nhà máy. Sau bão số 12 đến nay, mưa liên tiếp nên mía trồng ở ngoài soi, đất còn nhão phải chờ nắng ráo mới chặt mía bán cho nhà máy. Mía trồng trên vùng gò đồi cũng bị thất thu nặng khiến mía ngã đổ, mất chữ đường. Sau bão, nông dân khôi phục mía ngã bằng cách dựng, buộc ngọn mía tạo thế đứng cho cây. Tuy nhiên, nhiều vùng do mía ngã đổ sát đất, thân mía ra rễ non, nguy cơ khi thu hoạch chữ đường thấp. Nếu mấy năm trước đạt 10 chữ đường thì năm nay chỉ đạt 5 - 7 chữ đường, nông dân thất thu gần một nửa. Tại vùng mía các xã Sơn Hà, Sơn Nguyên, Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), không chỉ mía ngã trải dài mà ruộng mía vẫn còn nổi nước, lầy lún khiến bà con không thu hoạch được.

Một nguyên nhân khác khiến nông dân chưa thu hoạch là do giá thu mua mía nguyên liệu thấp. Mấy năm trước, giá mía nguyên liệu nhà máy thu mua trung bình 1 triệu đồng/tấn, năm nay giá thu mua thấp hơn gần 200.000 đồng/tấn. Trung bình một xe mía chở 20 tấn, người trồng mất 4 triệu đồng; chưa kể chữ đường thấp hơn các năm trước. Trong khi đó, năm nay mía ngã đổ, thu hoạch mía tốn nhiều công dẫn đến chi phí tăng.

Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, niên vụ mía 2017 - 2018, toàn tỉnh có 20.284 héc-ta mía bị ngã đổ, ngập úng, tập trung tại các huyện: Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân và TX Sông Cầu. Sau bão, ngành nông nghiệp vận động người dân khôi phục sản xuất. Đối với cây mía, người trồng thực hiện tiêu thoát nước nơi ngập úng, dựng lại cây, buộc giữ phần ngọn thành từng khóm 3 - 5 cây để tạo thế đứng cho cây. Đồng thời, vun cao gốc để hạn chế đổ, giảm thiểu tình trạng mía mất năng suất, chữ đường thấp...   

Mưa lớn và lũ lụt diễn ra muộn vào thời điểm tháng 11 - 12/2017 và kéo dài qua tháng 1/2018 khiến hoạt động ép mía của các nhà máy đường ở khu vực miền Trung, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên trễ hơn 1 tháng. Mưa khiến cho đường lầy lún, ruộng lún, xe ô tô không thể vận chuyển mía được, không chỉ nông dân mà nhà máy cũng gặp khó.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Đồng Tháp: Giá dưa kiệu tăng vẫn không đủ hàng bán

Thời điểm này, các cơ sở chế biến dưa kiệu trên địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đang hối hả vào mùa sản xuất nhộn nhịp nhất trong năm. Dù đã tăng sản lượng nhưng các sản phẩm dưa kiệu vẫn không đủ cung cấp trên thị trường.

Năm nay, giá củ kiệu tươi tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với năm ngoái nhưng giá thuê nhân công cũng tăng nên giá bán dưa kiệu tăng theo từ 7.000 - 10.000 đồng/hộp. Dù giá tăng nhưng sản phẩm vẫn tiêu thụ mạnh do đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng hóa chất. Hiện sản phẩm dưa kiệu muối đóng hộp do các cơ sở sản xuất không đủ cung cấp cho thị trường.

Xã Phú Hiệp hiện có một tổ thanh niên hợp tác làm dưa kiệu và trên 10 cơ sở chế biến dưa kiệu lớn nhỏ. Theo bà con, cứ 10 kg củ kiệu tươi sẽ chế biến ra 3,5 kg dưa kiệu. Trung bình mỗi ngày mỗi cơ sở làm ra từ 50 - 70 keo (bình, hộp) dưa kiệu thành phẩm với giá dao động từ 60.000 - 120.000 đồng/keo tùy loại, tăng từ 7.000 - 10.000 đồng/keo so cùng kỳ năm trước. Năm nay, một số cơ sở sản xuất đăng ký độc quyền nhãn hiệu đặc sản dưa kiệu để đảm bảo sản phẩm chất lượng cao.

Những năm qua, nông dân huyện Tam Nông đã đầu tư phát triển nghề trồng kiệu, tạo thêm việc làm và mang lại nguồn lợi kinh tế trên vùng đất nhiễm phèn. Năm nay, bà con đã gieo trồng cả ngàn héc-ta củ kiệu để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Đông Triều - Quảng Ninh: Doanh nghiệp bao tiêu khoai lang Nhật

Phong trào sản xuất cây vụ Đông luôn được xã miền núi Tràng Lương (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) quan tâm triển khai. Vụ đông năm nay, xã Tràng Lương đã mạnh dạn đưa cây khoai lang Nhật vào trồng, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân địa phương.

Khoai lang Nhật Bản là loại cây trồng mới được xã Tràng Lương phối hợp với HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp T&T (Bắc Giang) triển khai theo mô hình liên kết “4 nhà”. Ưu điểm của giống khoai này là năng suất cao, dễ trồng và được thị trường ưa chuộng. Do là loại cây trồng mới nên bà con nông dân ở đây tuân thủ nghiêm các bước hướng dẫn theo quy trình kỹ thuật từ khâu chọn đất, lên luống, tỷ lệ phân, kỹ thuật trồng và cách chăm bón cây trong từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển.

Mô hình trồng khoai lang Nhật có diện tích 21 héc-ta với trên 100 hộ nông dân tham gia. Các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn về phương pháp canh tác, cách chọn giống, thời vụ trồng, chuẩn bị đất trồng, cách trồng, phương pháp bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu hại và thu hoạch. Đặc biệt, đầu ra của sản phẩm được HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp T&T (Bắc Giang) cam kết thu mua toàn bộ từ rễ, trà khoai và củ khoai. Công ty cũng đã ký cam kết cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm với UBND xã Tràng Lương và các hộ nông dân. Sau khi thu hoạch, phía HTX sẽ thu mua sản phẩm từ cây khoai lang với giá thấp nhất là củ loại 1: 10.000 đồng/kg; loại 2: 5.500 đồng/kg; loại 3: 2.500 đồng/kg và dây khoai 1.000 đồng/kg. Ước tính, năng suất khoai sẽ đạt 1 - 1,2 tấn/ sào, mang lại thu nhập khoảng 8 - 10 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, bà con thu lãi khoảng 3 - 4 triệu đồng/sào.

Mặc dù mới trong giai đoạn đầu triển khai nhưng mô hình trồng khoai lang Nhật đang mở ra nhiều hy vọng cho bà con nông dân xã miền núi Tràng Lương. Qua đó, góp phần giúp bà con nông dân tăng hệ số sử dụng đất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Sản lượng trái cây tạo hình tết giảm

Dự kiến năm nay, một số tỉnh khu vực miền Nam: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tiền Giang, Đồng Nai chỉ cung cấp khoảng 6.000 trái bưởi tạo hình, giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Tương tự với đào tiên hồ lô, lượng cây không nhiều nên nguồn hàng bán ra thị trường năm nay cũng giảm một nửa. Đối với dừa hồ lô của nhà vườn tỉnh Bến Tre năm nay cũng dính mưa nhiều, dừa tuy đậu quả nhưng trái hay bị thui nên năng suất giảm 30%.

Nguyên nhân do năm nay thời tiết không thuận lợi nên khả năng đậu quả của nhiều loại cây trái không cao. Năm 2017 nhuận có 2 tháng 6 âm lịch nên bưởi ra bông gặp mưa ít đậu quả nên lượng trái để tạo hình rất khó khăn. Vì vậy, dự báo giá các loại trái cây tạo hình sẽ tăng do nhu cầu tăng trong khi cung giảm.

Giá lợn hơi xuất chuồng tăng

Hơn một tuần nay, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại 1 số tỉnh miền Bắc liên tục tăng và được thương lái thu mua với mức 42.000 đồng/kg. Tại các chợ trong nội thành, các mặt hàng thịt lợn đều tăng giá từ 20 - 30% so với thời điểm giá ở vùng đáy những tháng trước đó. Các thương lái thu mua lợn về mổ tại các trang trại cho biết, giá lợn hơi đang tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/kg nhưng nguồn hàng có chiều hướng giảm do các trang trại đang nuôi cầm chừng để găm hàng đợi giá tăng thêm và bán trong dịp tết. Thậm chí, để chuẩn bị cho nguồn hàng trong thời gian tết, thương lái phải đặt cọc tiền trước cho các chủ nuôi lợn tại các trang trại để giữ hàng.

Lý giải giá lợn hơi tăng nhanh tuần qua, các mối buôn cho biết, do nguồn cung lợn hơi trên thị trường giảm mạnh do người chăn nuôi không tái đàn. Trong khi đó, cuối năm nhu cầu sử dụng thịt lợn tăng cao.

Vú sữa tím được mùa, được giá

Những ngày này, nhà vườn ở các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ đang hối hả thu hoạch vú sữa, trong đó vú sữa tím chiếm sản lượng đáng kể.

Tại ấp 2, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, nhiều nhà vườn tỏ ra phấn khởi vì vú sữa tím vụ này trúng mùa nhưng lại có giá cao. Theo đó, vú sữa tím loại 1 có giá từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, loại 2 có giá khoảng 10.000 - 11.000 đồng/kg. Với giá ở mức khá cao, mỗi héc-ta vú sữa tím, nhà vườn có thu nhập trên dưới 200 triệu đồng. Mặc dù giá vú sữa tím thấp hơn vú sữa trắng khoảng 3.000 đồng/kg nhưng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Một thương lái thu mua trái cây cho rằng, nguyên nhân vú sữa, trong đó có vú sữa tím, đang có giá cao có thể xuất phát từ việc loại trái cây này chính thức được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trước đó, vào cuối tháng 9/2017, phía Mỹ đã có thông báo Việt Nam là nước đầu tiên chính thức được cấp phép xuất khẩu vú sữa sang thị trường nước này sau 10 năm đàm phán.

Bình Thuận: Xoài nghịch vụ giá cao

Nông dân trồng xoài ở xã Sông Bình, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đang thu hoạch vụ xoài nghịch vụ trong niềm phấn khởi vì giá bán cao, thu lãi khá. Với giá thương lái thu mua tại vườn trung bình 30.000 đồng/kg, ở vụ xoài nghịch này hầu hết các nhà vườn đều thu lãi khá. Đặc biệt, nhờ thời điểm kích thích ra hoa thời tiết thuận lợi, nguồn nước ổn định nên năng suất xoài đạt cao.

Toàn xã Sông Bình hiện đã có 300 héc-ta cây ăn trái, riêng cây xoài có tới 200 héc-ta. Đây là vùng trái cây nằm trong  quy hoạch của địa phương nên chất lượng ổn định, năng suất cao. Thời gian gần đây, bà con nông dân đã chú trọng khâu xử lý trái nghịch vụ tạo thu nhập ổn định hơn so với các loại cây trồng trước đây.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Bắc Hà - Lào Cai: Trồng quế cho thu nhập ổn định

Theo thống kê của huyện Bắc Hà, năm 2017 doanh thu từ thu hoạch hạt quế, lá quế, tinh dầu quế và các sản phẩm phụ khác đạt trên 74 tỷ đồng.  Nhờ cây quế, đời sống của đồng bào Dao đỏ đã đầy đủ, sung túc hơn.

Năm 2017,  nông dân các xã trên địa bàn huyện Bắc Hà đã trồng mới 1.161 héc-ta quế, nâng tổng diện tích quế toàn huyện lên 7.000 héc-ta. Trong đó, diện tích đến thời kỳ thu hoạch 3.000 héc-ta, diện tích quế tập trung ở các xã khu vực hạ huyện, trong đó xã Nậm Đét có diện tích lớn nhất với trên 1.500 héc-ta, xã Nậm lúc gần 1.000 héc-ta, Cốc Lầu trên 800 héc-ta... Kết thúc năm 2017, doanh thu từ thu hoạch hạt quế, lá quế, tinh dầu quế và các sản phẩm phụ khác đạt trên 74 tỷ đồng. Cũng như năm trước, năm 2017, việc tiêu thụ quế thuận lợi nên giá thành ổn định, giá sản phẩm chính là vỏ quế khô trung bình  từ 39.000 - 41.000 đồng/kg.

Đặc biệt, các xã khu vực hạ huyện Bắc Hà đã phát triển mô hình hợp tác xã quế, tổ hợp tác tại địa phương. Ủy ban Nhân dân xã Nậm Đét  đã liên kết với Công ty cổ phần Techvina thực hiện dự án trồng quế hữu cơ. Cách làm mới này đã và đang mở ra cơ hội mới, chắp cánh cho thương hiệu quế hữu cơ Nậm Đét nói riêng và quế Bắc Hà phát triển. Đồng thời, góp phần phát triển vùng chuyên canh quế theo hướng bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao, xóa nghèo, làm giàu cho bà con nông dân Bắc Hà.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (BCĐ 389) đã ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Theo đó, BCĐ 389 cùng các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, nhất là tại các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không; các đường mòn, lối mở, khu vực cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, cảng hàng không nội địa…

Cụ thể, lực lượng công an, quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành theo chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý phối hợp kiểm soát chặt chẽ thị trường nội địa, tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng…

Lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng tập trung phối hợp kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, gian lận thương mại tại địa bàn cửa khẩu, đường mòn, lối mở, kênh, sông, khu vực biên giới; có biện pháp rà soát, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh qua tuyến hàng không, cửa khẩu đường bộ, đường biển để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm.

Lực lượng cảnh sát biển chủ trì, phối hợp với lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng và các cấp chính quyền địa phương trong việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu, khoáng sản trên các vùng biển, trọng điểm là vùng biển Đông Bắc và vùng biển Tây Nam.

Riêng đối với lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán hàng, đầu cơ găm hàng, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng… trên thị trường nội địa. Đặc biệt lưu ý đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm kém chất lượng, hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm...

HÀNG VIỆT 

Miến dong Phia Đén đặc trưng miền sơn cước

Về huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng những ngày giáp tết sẽ thấy đâu đâu cũng là những giàn phơi miến, óng ả như những sợi tơ trời. Miến dong Phia Đén được làm từ củ dong với màu đen đặc trưng đã giúp đồng bào dân tộc Tày, Nùng nơi đây đổi đời.

Nghề làm miến dong ở xóm Phia Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng nổi tiếng khắp miền sơn cước vào những năm 90 của thế kỷ trước. Do có lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ưu đãi, giống cây dong riềng trồng ở đây phát triển rất tốt, chất lượng hơn hẳn các nơi khác. Tận dụng chất bột trong, dai, thơm, ngọt của loại củ này, bà con Tày, Nùng ở Phia Đén đã phát triển thành nghề làm miến dong đặc sản cung cấp cho thị trường.

Dù ở mùa nào trong năm, khắp trong nhà, ngoài sân, đâu đâu cũng có những phên miến được phơi thành từng hàng. Mặc dù dong riềng được trồng quanh năm, nhưng vụ thu hoạch chính lại từ tháng Giêng đến tháng Ba (âm lịch) và được thu hoạch nhiều nhất từ tháng Chín đến tháng Giêng năm sau. Đến mùa thu hoạch, cả xóm ai nấy đều bận rộn, tất bật ở trên nương đồi từ sáng đến tối để nhổ, đóng bao và chở củ dong riềng về xưởng sơ chế rồi chế biến thành tinh bột.

Người dân Phia Đén đã dùng sự khéo léo, chăm chỉ và kinh nghiệm của mình tạo nên một thương hiệu miến dong đặc trưng của miền sơn cước. Sợi miến bóng đẹp, dai và có hương thơm đặc trưng của bột dong chứ không có bất kỳ một phụ gia thực phẩm nào. Điểm dễ nhận thấy của miến dong Phia Đén là sợi miến màu hơi đen nhưng rất trong, nhìn rõ được những hạt bọt li ti trong quá trình quấy bột có không khí đi vào. Sợi miến hơi sần sần, hơi to chứ không nhỏ tý xíu, trắng và mịn như những loại miến thông thường. Để có được những đặc trưng này, người thợ làm miến phải chau chuốt, tỷ mẩn đến từng công đoạn. Trước hết là khâu chọn nguyên liệu: Ban đầu phải chọn loại dong củ to, đều và già. Sau đó, củ dong được cắt rễ, rửa sạch mới cho vào máy nghiền nát rồi lọc bỏ bã chỉ lấy tinh bột. Khâu này rất quan trọng vì phải lọc nhiều lần đến khi bột trắng tinh khiết mới đạt tiêu chuẩn sạch và đảm bảo chất lượng. Khâu quan trọng tiếp theo là pha chế: Thông thường, bột dong được đổ vào trong nước có tỷ lệ là 90% nước sôi, còn lại là nước lã, sau đó mới đem bột vào khoắng cho đến khi chín rồi cho vào khuôn ép thành sợi miến, cuối cùng là dàn miến ra phên rồi đem phơi khô. Bên cạnh việc chọn nguyên liệu cũng như kỹ thuật chế biến thì hình thức, chất lượng của sợi miến dong còn phụ thuộc vào thời tiết. Nếu phơi vào ngày nắng đều, sợi miến sẽ bóng đẹp, dai và thơm hơn nhiều.

Trước đây, hầu hết quy trình chế biến này đều được bà con làm thủ công nên năng suất không cao, trung bình mỗi ngày chỉ làm được khoảng 10 -15 kg miến. Vài năm trở lại đây, nhiều gia đình đã đầu tư thiết bị máy móc để làm bột, chế biến miến dong theo công nghệ hiện đại nên công suất tăng lên hơn 100kg miến/ngày.

Nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc ở xóm Phia Đén đã vươn lên làm giàu từ nghề trồng và chế biến miến dong. Một số hộ đã mở rộng diện tích gieo trồng cây dong riềng, tập trung chăm bón để cây phát triển tốt. Đồng thời, vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nguyên Bình để đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến miến dong từ khâu xay bột đến khâu đóng gói sản phẩm. Với mỗi gói sản phẩm đều được ghi tên thương hiệu “Miến dong Phia Đén”.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)