Thông tin giá cả thị trường số 50/2017

08:53 AM 26/12/2017 |   Lượt xem: 6022 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Bảo hộ nhãn hiệu tập thể: Quýt vàng Bắc Sơn

Vừa qua, trên vùng đất cách mạng Bắc Sơn (Lạng Sơn) đã diễn ra lễ hội và đón nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Quýt vàng Bắc Sơn”. Đây là lần đầu tiên lễ hội được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn - đặc sản bản địa nổi tiếng…

Cây quýt vàng được trồng ở đất Bắc Sơn từ trên 100 năm trước, lúc đó chủ yếu được trồng ở vườn nhà hoặc các thung lũng. Đến cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, cây quýt bắt đầu trồng nhiều ở Bắc Sơn… Thay vì trồng để ăn, làm gia vị hoặc dùng làm dược liệu trong một số bài thuốc dân gian, quýt vàng Bắc Sơn đã được đem bán ra thị trường. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ quýt, người dân tích cực trồng, mở rộng diện tích. Tuy nhiên, do được trồng từ lâu, nhiều diện tích quýt đã bị thoái hóa và hiện nay, nhiều xã đang khôi phục.

Quýt Bắc Sơn nổi tiếng bởi màu vàng của nắng, vị ngọt của núi, hương thơm của gió rừng... Tất cả những yếu tố đó đã tạo cho quýt vàng Bắc Sơn có một hương vị đặc biệt thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng…  Hiện toàn huyện Bắc Sơn có trên 490 héc-ta quýt, trong đó diện tích cho sản phẩm trên 362 héc-ta. Cây quýt tập trung nhiều ở xã Đồng Ý, Bắc Sơn, Chiến Thắng, Tân Lập, Nhất Hòa... Thông tin từ huyện Bắc Sơn, năm 2016, sản lượng quýt trên địa bàn đạt khoảng 1.500 tấn, người trồng quýt thu về gần 40 tỷ đồng. Từ quýt, nhiều hộ thu nhập trên 200 triệu đồng/năm không còn hiếm. Năm 2017, dự kiến sản lượng quýt đạt 2.000 tấn. Với giá khoảng 25.000 đồng/kg đang được các thương lái lùng vào tận các thôn, bản để mua, dự kiến số thu sẽ cao hơn do sản lượng, giá cả ổn định…

Theo kế hoạch thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, vùng trồng quýt của huyện được quy hoạch phát triển với diện tích trên 600 héc-ta...

Để bảo tồn và phát triển giống quýt vàng, huyện Bắc Sơn đã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ Lạng Sơn thực hiện đề tài “Xây dựng thương hiệu quýt vàng Bắc Sơn”. Theo đó, bình tuyển những cây ưu tú và có biện pháp bảo vệ nguồn gen quý và tạo ra vườn giống đầu dòng phục vụ cho công tác phát triển vùng hàng hóa theo tiềm năng sẵn có của địa phương. Thông qua việc phục tráng, đã tạo ra giống quýt sạch bệnh, cung cấp cho bà con đưa vào sản xuất, giúp hàng nghìn hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Cùng với đó, nhằm giữ vững và nâng cao thương hiệu quýt vàng Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn đã xây dựng mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, nâng cao tính cạnh tranh cũng như hiệu quả kinh tế của sản phẩm, giúp bà con tiêu thụ ổn định hơn. Hiện toàn huyện có gần 200 hộ gia đình trồng và chăm sóc quýt theo VietGAP.

Ngày 24/10/2017, quýt vàng Bắc Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đây là cơ hội lớn để quýt vàng Bắc Sơn vươn xa đến với người tiêu dùng trên cả nước, nhưng đồng thời cũng đặt ra vấn đề đối với huyện Bắc Sơn trong việc nâng cao chất lượng, bảo tồn và phát triển thương hiệu quýt vàng. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền đến nhân dân trong việc giữ vững, nâng cao chất lượng, tuân thủ các quy trình, quy định trong sản xuất để bảo vệ thương hiệu.

Tại Lễ hội quýt vàng năm 2017, UBND huyện Bắc Sơn đã long trọng tổ chức lễ đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Quýt vàng Bắc Sơn” và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, văn hoá du lịch… Cùng với sự nỗ lực, nhạy bén của người dân, sự quan tâm của chính quyền đã giúp cây đặc sản quýt vàng Bắc Sơn đang dần hồi phục và  có những bước phát triển ổn định, trở thành cây xóa đói, giảm nghèo, từng bước giúp người dân vươn lên làm giàu…

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Sơn La: Doanh nghiệp bao tiêu mía cho nông dân

Hơn 8.600 hộ nông dân Sơn La đã ký hợp đồng sản xuất với Công ty cổ phần Mía đường Sơn La trong vụ sản xuất 2017 - 2018. Nhờ có sự vào cuộc thu mua mía một cách bài bản, ổn định, nhiều hộ dân ở Sơn La, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc đã tích cực trồng mía theo đúng hướng dẫn của công ty.

Năm nay, diện tích mía nguyên liệu của tỉnh Sơn La tiếp tục được mở rộng đến một số xã của huyện Bắc Yên, Mường La, Thuận Châu, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu lên gần 8.000 héc-ta, tăng 1.700 héc-ta so với niên vụ trước.

Để phát triển vùng nguyên liệu ổn định, bền vững, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đã thực hiện các giải pháp liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người nông dân trồng mía. Công ty cũng đã triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ như: Cung ứng trả chậm giống mía, phân bón, hỗ trợ làm đất trồng mía, lựa chọn những giống mía phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, kháng sâu bệnh tốt, đạt năng suất cao để đưa vào vùng nguyên liệu. Đồng thời, phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, đưa cơ giới hóa vào làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch. Trung bình mỗi năm, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La dành 30 tỷ đồng cho các hộ dân có ký cam kết trồng mía nguyên liệu vay để đầu tư phục vụ sản xuất. Trong vụ mía 2017 - 2018, công ty cũng đã có những chi tiết về kế hoạch thu hoạch, vận chuyển và thanh toán tiền mía cho bà con.

Bình Phước: Giá quýt đường giảm

Các vườn quýt đường ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đang vào vụ thu hoạch chính nhưng người trồng không vui vì nhiều lý do: Giá giảm liên tục, sâu bệnh hoành hành, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao…

Hiện thương lái đến thu mua quýt đường tại vườn với giá chỉ từ 8.000 - 10.000 đồng/kg.  Giá thu mua quá thấp khiến một số hộ không thu hoạch, giữ lại trái trên cây chờ được giá mới thu hoạch. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế vì loại quýt này chậm thu hoạch chỉ 5 - 10 ngày thì rụng. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho 1 héc-ta quýt dao động từ 60 - 80 triệu đồng. Với giá bán hiện nay, nhiều nông dân bị thua lỗ, đặc biệt là những vườn quýt mới cho trái năm đầu tiên.

Theo nhận định của các thương lái, giá quýt đường năm nay khó tăng bởi nhiều nơi đang vào cao điểm vụ thu hoạch, trúng mùa, sản lượng lớn, trong khi sức mua, tiêu thụ tại các chợ giảm. Từ đó dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Mặt khác, quýt đường ở Bình Phước đang gặp sự cạnh tranh của quýt từ miền Tây, tỉnh Đồng Nai. Thời gian gần đây, cây quýt đường liên tục bị nhiễm bệnh rồi chết, nay lại mất giá khiến nông dân gặp không ít khó khăn. Nhiều hộ trồng quýt do thu không đủ chi phí đã không tiếp tục đầu tư, chăm sóc nữa. Vì vậy, nhiều vườn quýt bị nhiễm bệnh, thối rễ, chết khô, có vườn đã chặt hạ để thay thế cây trồng khác.

Những năm trước, quýt đường là loại cây mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân, được nhiều hộ chọn là cây trồng bền vững. Vấn đề hiện nay là cần quy hoạch lại diện tích hợp lý, áp dụng đồng bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm quýt đường để giúp nông dân tiếp tục trồng và phát triển cây quýt bền vững.

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

Khánh Hòa: Ngư dân trúng đậm cá nục

Những ngày qua, hầu hết các tàu cá cập cảng Vĩnh Lương, TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đều đạt sản lượng cao, trong đó có nhiều tàu trúng đậm cá nục. Hiện tại, giá cá nục bán ra tại cảng từ 17.000 đến hơn 20.000 đồng/kg tùy theo loại. Các tiểu thương cho biết, cá nục rất dễ tiêu thụ vì ngoài chế biến các món ăn, còn được các cơ sở mua về để làm nước mắm. Các hoạt động gánh cá, hấp cá, ướp cá và mua bán cá diễn ra sôi động, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Tiền Giang: Thu nhập cao từ trồng mít Thái ở vùng ngập lũ

Thời gian qua, giá mít Thái siêu sớm trên thị trường luôn giữ ở mức cao khiến nông dân vùng ngập lũ ở Tiền Giang hết sức phấn khởi. Tại xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước, thương lái đến tận vườn thu mua mít Thái siêu sớm với giá từ 35.000 -  40.000 đồng/kg, tùy chất lượng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Tại huyện Cai Lậy, nông dân thu hoạch mít Thái rải vụ quanh năm nhưng cao điểm vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch. Mặc dù thu hoạch quanh năm nhưng thương lái vẫn đến tận vườn thu mua với giá cao.

Theo nhận định của nhiều nông dân, nhờ thị trường tiêu thụ mạnh nên năm nay, mít Thái siêu sớm có giá cao, giúp bà con nông dân địa bàn canh tác khó khăn như vùng Đồng Tháp Mười, vùng ngập lũ phía tây của tỉnh Tiền Giang có thêm thu nhập.

Hiện nay, Tiền Giang có trên 1.000 héc-ta mít Thái siêu sớm, tập trung tại các huyện vùng ngập lũ phía tây như: Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy, Tân Phước… Năng suất khoảng 40 tấn quả/héc-ta và sản lượng hàng năm khoảng 40.000 tấn quả.

Hậu Giang: Bưởi hồ lô mất mùa, sản lượng giảm

Tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, hầu hết diện tích trồng bưởi tạo hình phục vụ tết năm nay mất mùa, năng suất giảm do ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều. Mặc dù các chủ vườn đều tăng diện tích lên gấp 2-3 lần năm ngoái nhưng sản lượng lại giảm khoảng 25 - 30%.

Hiện đã có một số công ty ở đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh xuống tận vườn xem tạo hình và bao tiêu sản phẩm. Giá bán một quả bưởi hình hồ lô có chữ nổi dao động từ 150.000 - 600.000 đồng/trái tùy loại, tăng khoảng 10% so với năm trước. Bưởi loại vừa có dáng hồ lô và có chữ “Tài - Lộc” hoặc “Phúc - Lộc - Thọ” giá 500.000 đồng/trái.

Toàn huyện Châu Thành có khoảng 1.300 héc-ta bưởi. Diện tích trồng bưởi tạo hình phục vụ bán tết năm nay mất năng suất do ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều, sản lượng giảm mạnh khoảng 25 - 30% so với năm ngoái.

Kiên Giang: Giá mía, khóm giảm sâu

Nhiều hộ nông dân trồng mía, khóm ở huyện Gò Quao và U Minh Thượng, tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện giá đầu ra của các mặt hàng này đều giảm, trong đó có loại giảm khá sâu so với năm ngoái. Cụ thể, giá mía giống ROC 16 bán tại rẫy 700 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg so với niên vụ trước. Giá khóm loại I (từ 1 kg/trái trở lên) từ 4.000 - 4.500 đồng/trái, giảm gần 3.000 đồng/trái so với lúc được giá.

Huyện Gò Quao là vùng sản xuất nguyên liệu mía và khóm của tỉnh Kiên Giang, với diện tích hàng ngàn héc-ta. Vụ mía năm nay nông dân kém vui không chỉ vì bán giá thấp mà còn bị giảm năng suất. Nhiều hộ bị giảm hơn 10 tấn mía cây/héc-ta, nông dân không có lãi. Hiện huyện đã làm việc với nhà máy bao tiêu mía nguyên liệu tìm giải pháp hỗ trợ nông dân. Còn về cây khóm cũng đang phối hợp với doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định, hy vọng sắp tới sẽ nâng giá thu mua ở mức trên 5.000 đồng/trái.

LƯU Ý - CẢNH BÁO

Bình Phước: Hỗ trợ bà con khôi phục vườn điều

Trước tình hình dịch bệnh tàn phá vườn điều tại nhiều huyện trên địa bàn, tỉnh Bình Phước đã quyết định hỗ trợ mỗi héc-ta điều bị ảnh hưởng 2 triệu đồng để khôi phục.

Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung lực lượng xuống địa bàn hỗ trợ nông dân khôi phục vườn điều bị dịch bệnh tàn phá. Cụ thể, diện tích điều bị hư hại do bọ xít tấn công và bị dịch bệnh khô cành, vàng lá sẽ được hỗ trợ về mặt kỹ thuật chăm sóc, phân bón và thuốc trừ sâu bình quân 2 triệu đồng/héc-ta. Đến nay, sau quá trình hỗ trợ đã có hơn 80% diện tích điều hồi sinh trở lại. Trong đó, nhiều vườn điều bắt đầu ra hoa vụ mới và dự kiến cho thu nhập vào đầu năm sau 2018. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện chiến dịch vận động nông dân chăm sóc chồi non, hoa, trái khi vào mùa để kịp thời phát hiện bọ xít muỗi, bệnh thán thư… Từ đó có phương án xử lý thuốc bảo vệ thực vật kịp thời, giảm rủi ro cho nhà nông, đồng thời giảm thiệt hại về năng suất như vụ mùa vừa qua.

Với hơn 134.350 héc-ta điều, vượt hơn 223 héc-ta so với quy hoạch, Bình Phước là địa phương trồng điều lớn nhất cả nước. Cây điều được xem là cây xóa đói, giảm nghèo cho bà con, trong đó phần lớn là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, vụ mùa năm 2017, thời tiết thay đổi bất thường làm xuất hiện các loài sâu bệnh như cháy lá khô cành, bọ xít, thán thư tàn phá các vườn điều. Điều này đã khiến vườn điều giảm gần 50% năng suất, gây thiệt hại nặng về kinh tế đối với các hộ nông dân.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Kon Tum: Tiêu hủy phân bón giả

Sở Công thương Kon Tum đã tiến hành tiêu huỷ 28,87 tấn phân bón hữu cơ giả. Đây là sản phẩm của doanh nghiệp tư nhân sản xuất và thương mại Lợi Nông ở thành phố Kon Tum. Trước đó, UBND tỉnh Kon Tum đã xử phạt hành chính 275 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, gia công phân bón của công ty này  khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép; sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng.

Phương pháp tiêu huỷ là rạch bao, rồi đào hố chôn lấp toàn bộ lượng phân bón giả, vỏ bao bì dùng xăng để đốt tại bãi rác của Công ty CP Môi trường đô thị Kon Tum. Toàn bộ kinh phí tiêu huỷ do doanh nghiệp chịu.

Để quản lý mặt hàng phân bón, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP.  Nghị định 108 được đánh giá là văn bản chặt chẽ, toàn diện quy định quản lý Nhà nước về phân bón, bao gồm: Công nhận, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu, quản lý chất lượng, ghi nhãn, quảng cáo, hội thảo và sử dụng phân bón ở Việt Nam. Thống nhất một đầu mối quản lý phân bón là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để quản lý chặt chẽ, giảm tối đa việc sản xuất, tiêu thụ phân bón giả, phân bón kém chất lượng... Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đúng quy định của pháp luật.

HÀNG VIỆT

Tôm nõn Diễn Châu

UBND huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã tổ chức Hội thảo Khoa học và Công bố nhãn hiệu tập thể “Tôm nõn Diễn Châu”. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu thời điểm tôm nõn Diễn Châu khẳng định chất lượng, vươn xa trên thị trường.

Sản xuất tôm nõn là nghề truyền thống gắn với cuộc sống của người dân vùng biển Diễn Châu. Nghề này đã và đang giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi và góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ con tôm.

Toàn huyện Diễn Châu hiện có 99 hộ chuyên sản xuất tôm nõn theo phương pháp thủ công truyền thống, tập trung ở 2 xã Diễn Bích và Diễn Ngọc. Hàng năm, toàn huyện sản xuất 30 - 40 tấn tôm nõn, đem lại doanh thu khoảng 230 tỷ đồng. Tôm nõn Diễn Châu được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chính chất lượng, giá trị dinh dưỡng, màu sắc, mùi vị của sản phẩm. Đây là sản phẩm được chế biến ngay từ những con tôm tươi ở biển về trong ngày, vị đậm ngọt, rất thơm ngon. Sản phẩm tôm nõn sau khi hoàn thành hết các công đoạn có màu đỏ tươi, cứng chắc, mùi vị thơm ngon. Tôm nõn chủ yếu được biết đến là món quà của những người con Diễn Châu đi xa nhưng vẫn chỉ tiêu thụ ở các thị trường nội tỉnh. Phần đông người tiêu dùng vẫn e ngại do sản phẩm chưa có thương hiệu, uy tín trên thị trường.

Nhằm tạo đầu ra ổn định cho nghề khai thác tôm của địa phương, năm 2016, Hội Sản xuất và kinh doanh tôm nõn Diễn Châu đã được thành lập với 30 thành viên; các cơ sở sau khi sản xuất sẽ có người đứng ra thu mua đóng gói và tiêu thụ. Nhiều hộ chế biến cũng đã đầu tư máy hút chân không để bảo quản tôm nõn được lâu hơn. Các hộ chế biến tôm nõn đều cam kết không sử dụng hóa chất bảo quản. Tuy nhiên, vì chưa có nhãn mác, bao bì phù hợp nên sản phẩm vẫn khó cạnh tranh trên thị trường.

Chính vì vậy, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể “Tôm nõn Diễn Châu” luôn được các hộ làm nghề cùng các cấp chính quyền nỗ lực đầu tư, hoàn thiện. Tháng 10/2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu tập thể “Tôm nõn Diễn Châu”. Các hội viên tham gia sản xuất mang nhãn hiệu tập thể “Tôm nõn Diễn Châu” được nâng cao nhận thức về pháp luật như: Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại, Pháp lệnh về vệ sinh ATTP, Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời, được tập huấn những kiến thức kỹ thuật sản xuất tôm nõn đảm bảo chất lượng cao hơn để sản phẩm vươn xa hơn thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. 

Tại Hội thảo Khoa học và Công bố nhãn hiệu tập thể “Tôm nõn Diễn Châu” diễn ra ngày 18/12/2017, sau khi công bố nhãn hiệu, các đại biểu cùng thảo luận các giải pháp quảng bá, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của Diễn Châu. Điều này không chỉ tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân vùng biển mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn thương hiệu, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của  địa phương.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)