Thông tin giá cả thị trường số 7/2019

10:18 AM 25/03/2019 |   Lượt xem: 4522 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:

Thiếu nhân công thu hoạch tiêu

Được quy hoạch là vùng trồng tiêu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng bà con nông dân huyện Châu Đức đang lo lắng trước tình trạng giá nhân công thu hoạch quá cao.

Mặc dù năng suất tiêu đạt khá cao nhưng giá tiêu chỉ đạt 45.000 - 46.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp kỷ lục trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, điều khiến bà con nông dân lo lắng chính là tình trạng thiếu nhân công thu, hái tiêu. Nguyên nhân bởi nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn ra các thành phố lớn, trở thành công nhân cho công ty, xí nghiệp. Việc “người người, nhà nhà trồng tiêu” khiến lượng nhân công cần trong mùa thu hoạch tiêu tăng đột biến, không đủ lao động để cung cấp.

Trước tình trạng trên, Huyện ủy huyện Châu Đức đã có Văn bản 2385-V/HU ngày 13/2/2019 hỗ trợ nhân dân thu hoạch tiêu; trong đó, chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức lực lượng hỗ trợ, giúp các hộ thu hái tiêu. Hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã rà soát diện tích, sản lượng và lựa chọn các hộ phù hợp, giúp thu hoạch tiêu. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời bởi lượng tiêu thu hoạch giúp người dân chỉ ở mức rất nhỏ so với sản lượng tiêu của huyện Châu Đức. Vấn đề này chỉ được giải quyết khi có giải pháp đồng bộ. Trước hết, sử dụng khoa học công nghệ, áp dụng máy móc vào sản xuất, nhất là khâu thu hoạch và chế biến được chú trọng. Vấn đề lao động nông nghiệp có xu hướng giảm mạnh, huyện đã tuyên truyền, xây dựng mô hình chuyển đổi sang các loại hình nông nghiệp đem lại hiệu quả cao nhưng tốn ít nhân công lao động. Các xã, thị trấn được hỗ trợ thực hiện 39 mô hình thuộc 14 loại hình nông nghiệp; trong đó, tập trung vào mô hình tốn ít diện tích, nhân công lao động như trồng nấm, trồng dâu nuôi tằm, nuôi thỏ, nuôi gà trống thiến... để thay thế diện tích hồ tiêu bấp bênh. Hiện một số mô hình bước đầu đem lại hiệu quả tốt và thời gian tới sẽ tính đến phương án duy trì, mở rộng. Theo khảo sát, không chỉ riêng Châu Đức khan hiếm lao động khi bước vào thu hoạch tiêu, tại các địa phương có diện tích tiêu lớn như huyện Xuyên Mộc cũng trong tình trạng tương tự. Hiện giá nhân công hái tiêu tại địa bàn huyện Xuyên Mộc dao động từ 180.000 - 200.000 đồng. Mặc dù giá cao nhưng hầu hết các chủ vườn tiêu đều không tìm được nhân công. Nhiều vườn phải trải lưới hết 100% diện tích vườn tiêu để chờ tiêu chín rộ rụng xuống, sau đó người trồng gom hạt về. Đây là giải pháp tình thế nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cây tiêu, cây sẽ phải “vắt kiệt sức” nuôi trái, ảnh hưởng đến năng suất vụ sau.

Hiện diện tích tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 13.000 héc-ta; trong đó, hơn 10.000 héc-ta đang cho thu hoạch. Riêng huyện Châu Đức với diện tích 7.500 héc-ta, trong đó 6.500 héc-ta đang mùa thu hoạch nhưng hiện nay, bà con không thể thu hoạch kịp thời do thiếu nhân công và nếu có thì giá quá cao. Theo đó, người hái tiêu đòi trả giá một ngày 5 kg tiêu hoặc ăn chia 6 - 4 mới chịu hái khiến người trồng tiêu lo lắng. Bên cạnh đó, giá tiêu giảm thấp khiến người trồng tiêu thua lỗ nặng. Nguyên nhân do giá hồ tiêu thế giới giảm mạnh, lượng tiêu tồn kho trong nước và tại Bà Rịa - Vũng Tàu còn khá nhiều. Theo dự báo, giá tiêu trên địa bàn tỉnh sẽ giữ ở mức thấp trong thời gian tới.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Đồng bằng sông Cửu Long: Kích cầu tiêu thụ lúa gạo

Hiện nay, vụ đông xuân đã vào thời điểm thu hoạch nhưng do ít hợp đồng từ các thị trường lớn nên thị trường lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất trầm lắng.

Trước tình hình này, Tổng công ty Lương thực miền Bắc đã chỉ đạo 12 đơn vị thành viên và các chi nhánh trực thuộc tổng công ty thu xếp tài chính, bố trí lực lượng tập trung thu mua lúa gạo tại 20 nhà máy trên địa bàn nhiều tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm kích cầu thị trường và hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo cho bà con nông dân.

Tổng sản lượng gạo theo kế hoạch thu mua của tổng công ty trong quý 1/2019 là 300.000 tấn. Các nhà máy hiện đang tiến hành thu mua hết công suất và đã thu mua được 150.000 tấn. Như vậy từ nay đến hết tháng 3, tổng công ty dự kiến sẽ thu mua thêm 150.000 tấn gạo nữa.

Những tháng đầu năm 2019, thị trường gạo xuất khẩu đang gặp khó khăn. Do vậy, song song với việc tổ chức thu mua, tổng công ty đang tập trung chỉ đạo mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng xuất khẩu mới cũng như nhu cầu mua gạo nội địa số lượng lớn ở phía Bắc, góp phần tăng cường tiêu thụ lúa gạo cho bà con nông dân.

Hiện giá lúa ướt tại ruộng từ 4.400 - 5.200 đồng/kg (tùy chủng và chất lượng, giảm từ 800 - 1.000 đồng/kg so với vụ đông xuân 2017 - 2018). Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu doanh nghiệp Việt Nam chào bán bình quân thấp hơn từ 70 - 90 đô-la Mỹ/tấn so với cùng kỳ năm 2018 (tùy chủng loại và chất lượng).

Tiền Giang: Đưa xoài cát Hoà Lộc phục vụ trên các chuyến bay

Xoài cát Hòa Lộc là loại quả đặc sản nổi tiếng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Để phát triển xoài cát Hòa Lộc trở thành một sản phẩm đặc sản mang nét văn hóa riêng của tỉnh Tiền Giang phục vụ du lịch trong và ngoài nước, tỉnh Tiền Giang đã liên kết với Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đưa các sản phẩm trái cây đặc sản của Tiền Giang, trong đó có xoài cát Hòa Lộc và bưởi da xanh lên phục vụ trên các chuyến bay của Vietnam Airline. Đây là một kênh quảng bá hiệu quả cho sản phẩm trái cây đặc sản của tỉnh Tiền Giang đến khách hàng trong nước và quốc tế, góp phần hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ các sản phẩm trái cây đặc sản của tỉnh. Theo đó, ngay từ đầu tháng 2/2019, Vietnam Airline đã chính thức phục vụ hành khách hạng thương gia đặc sản bưởi da xanh và xoài cát Hòa Lộc của Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường trên các chuyến bay từ Việt Nam đi quốc tế và đường bay giữa Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh. Để đảm bảo hương vị tươi ngon của các loại trái cây phục vụ trên các chuyến bay, Vietnam Airlines áp dụng quy trình lựa chọn, kiểm định và giám sát nghiêm ngặt từ công tác thu hoạch tại những vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP cho đến khâu bảo quản trái cây tại kho mát, ngâm khử trùng và giữ lạnh trước khi đưa lên máy bay. Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Bốn mùa cây trái - Bốn mùa yêu thương” của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam với mục đích quảng bá trái cây đặc sản trên các chuyến bay và tạo đầu ra cho các vùng trồng đặc sản truyền thống của Việt Nam.

Tiền Giang hiện có khoảng 1.500 héc-ta xoài cát Hòa Lộc. Sản phẩm xoài cát Hòa Lộc đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Hậu Giang: Thị trường cây giống tăng giá

Hiện nay, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đang phát động phong trào chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Thời điểm này cũng là thời điểm nông dân xuống giống nên giá các loại cây giống đồng loạt tăng. Theo ghi nhận tại các cơ sở bán cây giống trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, bình quân mỗi loại cây giống đều tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/cây tùy loại so với thời điểm trước tết. Trong đó, hai loại cây trồng là mít Thái và chanh không hạt tăng mạnh nhất. Cụ thể, mít Thái hiện có giá từ 15.000 - 17.000 đồng/cây, tăng 3.000 đồng/cây; chanh không hạt 12.000 đồng/cây, tăng 2.000 đồng/cây. Mặc dù giá tăng nhưng các cơ sở bán cây giống rất đắt hàng. Bình quân mỗi ngày một cơ sở bán khoảng 1.000 cây giống các loại, tăng hơn 40% so với thời điểm trước.

Bình Thuận: Giá thanh long cao

Sau tết, giá thanh long vẫn tiếp tục giữ ở mức ổn định. Thời điểm hiện tại, giá bán thanh long ở Bình Thuận dao động 15.000 -16.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ các chi phí, người dân có lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng/héc-ta.

Theo một số thương lái, sở dĩ giá thanh long sau tết vẫn ổn định là do phía thị trường Trung Quốc đang cần một lượng hàng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Bình Thuận được xem là “thủ phủ” thanh long của cả nước với diện tích gần 30.000 héc-ta, sản lượng đạt hơn 500.000 tấn/năm. Trong đó, hơn 80% sản lượng được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Cá bông lau được giá

Cá bông lau (loại cá da trơn cùng họ cá tra nhưng sống ngoài tự nhiên, thịt thơm ngon) xuất hiện nhiều ở sông Hậu và sông Tiền từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ. Do thời tiết thuận lợi lại vào vụ thu hoạch nên bà con các địa phương này đang tập trung đánh bắt cá bông lau bán cho thương lái và các quán ăn tại địa phương. Với giá từ 300.000 - 350.000 đồng/kg (loại 5kg trở xuống), 390.000 - 450.000 đồng/kg (loại 5kg trở lên), nhiều hộ gia đình đã có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Thông thường, cá bông lau xuất hiện từ tháng 12 và kéo dài sang tháng 3 - 4 năm sau. Hiện đang vào cao điểm, nếu người nào bắt được cá bông lau trên 5kg xem như có tiền triệu trong tay. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, lượng cá bông lau tự nhiên giảm khá nhiều nên giá cá luôn ở mức cao.

Bến Tre: Nhà vườn thu lãi khá từ sầu riêng trái vụ

Hiện các nhà vườn ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đang thu hoạch  sầu riêng trái vụ. Giá sầu riêng bán cho thương lái tại vườn từ 60.000 -  70.000/kg. Thậm chí, một số vựa chuyên cung cấp cho sầu riêng các thương lái xuất sang thị trường Trung Quốc đã thu mua 85.000 đồng/kg loại 1. Vào thời điểm này, chỉ có nhà vườn ở Bến Tre và một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long mới có sầu riêng cho trái thu hoạch vụ nghịch. Những năm gần đây, nhà vườn trồng sầu riêng đã quan tâm đến việc xử lý cho cây ra trái vụ nghịch nhằm tăng thu nhập. Ở Tân Phú, hơn 50% diện tích đất trồng sầu riêng được xử lý cho trái vụ nghịch thu hoạch đến tháng 4/2019 mới kết thúc. Sau đó bước vào vụ thuận. Nhà vườn thu hoạch trái vụ thường bán được giá cao còn vụ thuận giá nằm ở mức trung bình chỉ 40.000 đồng/kg.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Bà con không nên trồng giống sầu riêng lạ

Trung tuần tháng 1/2019, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước đã cảnh báo bà con nông dân trên địa bàn tỉnh không trồng giống sầu riêng Musang King do chưa có cơ quan thẩm quyền cấp phép.

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề nghị các cơ quan mở đợt kiểm tra, thanh tra đối với các hộ sản xuất, kinh doanh giống sầu riêng. Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh xây dựng kế hoạch trồng thử nghiệm một số mô hình trên địa bàn để đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, khả năng thích nghi của giống Musang King trên địa bàn tỉnh Bình Phước; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh tuyên truyền về những giống sầu riêng được phép sản xuất tại Việt Nam, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa bàn của tỉnh; khuyến cáo không trồng giống sầu riêng Musang King.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có hơn 1.600 héc-ta diện tích sầu riềng. Thời gian qua, do giá sầu riêng tương đối ổn định, thậm chí có thời điểm tăng cao nên nhiều hộ dân ồ ạt chặt bỏ các loại cây trồng để chuyển đổi sang trồng sầu riêng với hy vọng đổi đời. Chính điều này dẫn đến tình trạng giá cây giống sầu riêng tăng cao, khó kiểm soát về chất lượng.

Giống sầu riêng Musang King xuất xứ từ Malaysia là một loại giống có năng suất, chất lượng cao được thị trường Trung Quốc và Singapore ưa chuộng, có giá bán từ 200.000 đến 500.000 đồng/bầu giống. Tuy nhiên, loại giống này đến nay vẫn chưa có đơn vị đăng ký nhập khẩu về để làm khảo nghiệm, thử nghiệm tại Bình Phước Vì vậy, để đảm bảo an toàn, bà con nên lựa chọn những cơ sở uy tín, giống cây có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để mua. Đồng thời, khi mua giống, bà con phải yêu cầu cơ sở bán giống xuất hóa đơn để lấy đó làm cơ sở nếu xảy ra vấn đề về chất lượng.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Phạt buôn bán hàng hoá vi phạm về mã số mã vạch

Hành vi buôn bán hàng hóa vi phạm quy định về mã số mã vạch sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 15 triệu đồng, tùy giá trị hàng vi phạm.

Theo Nghị định 119 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng. Cụ thể, mức phạt tiền đối với vi phạm quy định về sử dụng mã số mã vạch như sau:

Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện đóng phí duy trì sử dụng mã số mã vạch đúng quy định; không làm thủ tục gia hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch hết hiệu lực; không đăng ký lại với cơ quan có thẩm quyền khi có sự thay đổi về tên gọi, địa chỉ giao dịch trên giấy phép kinh doanh.

Phạt tiền từ 6 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng mã số mã vạch có đầu mã Quốc gia Việt Nam (893) mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp quyền sử dụng mã số mã vạch; sử dụng mã số mã vạch đã bị thu hồi; bán, chuyển nhượng mã số mã vạch đã được cấp.

Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng mã số mã vạch nước ngoài để in trên sản phẩm, hàng hóa sản xuất, gia công, bao gói, sang chiết tại Việt Nam mà chưa được cơ quan nước ngoài có thẩm quyền hoặc tổ chức sở hữu mã số mã vạch đó cho phép bằng văn bản; sử dụng các dấu hiệu gây nhầm lẫn với mã số mã vạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và Tổ chức mã số mã vạch quốc tế.

Phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp hoặc sử dụng nguồn dữ liệu về mã số mã vạch không đúng với nguồn dữ liệu mã số mã vạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và Tổ chức mã số mã vạch quốc tế…

Mức phạt tiền đối với hành vi buôn bán hàng hóa vi phạm quy định về mã số mã vạch từ 500.000 đồng đến 15 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm.

HÀNG VIỆT

Lúa Nàng Thơm chợ Đào

Lúa Nàng thơm Chợ Đào là đặc sản của huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Đây là giống lúa mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ, nông dân chủ yếu thu hoạch, bán vào dịp tết cổ truyền của dân tộc.

Từ mô hình “Nâng cao chất lượng gạo Nàng Thơm”

Huyện Cần Đước nằm ở phía đông Nam vùng hạ tỉnh Long An, thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đây cũng là một huyện ven biển, được bao bọc bởi sông Vàm Cỏ. Phù hợp với khí hậu và thổ dưỡng nơi đây, giống lúa Nàng thơm Chợ Đào vì thế mà cũng trở nên nức tiếng gần xa.

Tại xã Mỹ Lệ, huyện Cần Ðước hiện có gần 400 héc-ta lúa Nàng thơm, tập trung ở các ấp: Cầu Chùa, Mỹ Tây, Rạch Đào, Vạn Phước. Đặc biệt, mô hình Nâng cao chất lượng gạo Nàng thơm Chợ Đào với diện tích 100 héc-ta được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Mỹ Lệ liên kết với doanh nghiệp Bảy Sánh tại địa phương bao tiêu sản phẩm với giá từ 9.500 - 10.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân sẽ có lợi nhuận trung bình từ 30 - 35 triệu đồng/héc-ta. Bà con nông dân khi tham gia mô hình được hợp tác xã và doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm đầu ra nên rất an tâm sản xuất. Đáng mừng, năm nay, do thời tiết thuận lợi nên diện tích lúa Nàng thơm Chợ Đào đạt năng suất và chất lượng cao hơn những năm trước. Tuy nhiên, cũng giống như trồng những giống lúa khác, cái khó duy nhất đối với nông dân xã Mỹ Lệ là thiếu nguồn nước sản xuất. Nhiều năm qua, do không chủ động được nguồn nước nên bà con không có lịch thời vụ rõ ràng, gieo sạ không đồng loạt, một số diện tích lúa Nàng thơm Chợ Đào không kịp thu hoạch trong dịp tết. Nếu thu hoạch sau tết, giá lúa sẽ giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của nông dân.

… đến  mô hình cánh đồng lớn

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc trồng và tiêu thụ nhưng nông dân xã Mỹ Lệ vẫn quyết tâm gắn bó với lúa Nàng thơm Chợ Đào. Đây là thương hiệu từ bao đời nay và cũng là giống lúa phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Bên cạnh đó, dù năng suất thấp hơn so với các giống lúa khác nhưng giá bán của lúa Nàng thơm Chợ Đào vẫn luôn ở mức cao hơn. Thời gian qua, tại xã Mỹ Lệ, mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa Nàng thơm Chợ Đào theo hướng liên kết 4 nhà được đông đảo nông dân hưởng ứng và tham gia. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp các ngành chức năng mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Hiện hầu hết diện tích lúa đang trong giai đoạn chín, chuẩn bị thu hoạch, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân, thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động nông dân hiến đất, đắp đê bao xung quanh toàn bộ diện tích lúa Nàng thơm Chợ Đào của xã. Quy hoạch vùng trồng lúa, đầu tư hệ thống kênh, mương nội đồng, chuyển giao kỹ thuật, liên kết bao tiêu sản phẩm. Thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Tạo điều kiện để khôi phục chất lượng và thương hiệu lúa Nàng thơm Chợ Đào, hướng đến xây dựng vùng lúa Nàng thơm Chợ Đào đặc sản.

Chợ Đào chỉ là ngôi chợ nhỏ nằm cạnh con kênh đào nối với kênh Xóm Bồ thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước nhưng đã nổi tiếng trong và ngoài nước bởi gạo Nàng thơm. Lúa Nàng thơm có thể trồng được ở nhiều nơi, nhưng không ở đâu có hương vị thơm, dẻo, ngọt, ngon bằng trồng ở cánh đồng xung quanh Chợ Đào.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)