Thông tin giá cả thị trường số 8/2019

02:42 PM 26/03/2019 |   Lượt xem: 4272 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Tây Nguyên căng mình chống hạn

Những tháng gần đây, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên xuất hiện nắng nóng kéo dài. Thời tiết này khiến nhiều loại cây trồng thiếu nước trầm trọng, nhất là cây cà phê đang vào vụ tưới chính.

Theo các chuyên gia, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu và tác động của sự thay đổi dòng chảy trên các hệ thống sông suối trong khu vực vì các nhà máy thủy điện, lưu lượng nước đang giảm mạnh, rất nhiều sông, suối cạn đáy khiến người trồng cà phê ở khu vực Tây Nguyên điêu đứng. Trong số đó, có nhiều nông hộ buộc phải chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.

Dù giá cà phê xuống thấp, người dân tại Lâm Đồng cũng như các tỉnh Tây Nguyên vẫn phải căng mình, chịu chi phí lớn để có được nguồn nước chống hạn cho mùa vụ sắp tới. Tại Lâm Đồng, bà con các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà… đang triển khai tưới nước cho những diện tích cà phê. Hiện cà phê của nhiều hộ dân do thiếu nước đã héo dần, nụ hoa bị khô. Chính vì vậy, người dân đang tập trung bơm nước chống hạn cho cây. Đặc biệt, trong giai đoạn này bà con phải tưới liên tục nhằm đảm bảo nước cho cây trổ bông. Nếu thiếu chúng sẽ bị hoa chanh, ảnh hưởng đến năng suất của mùa vụ sau. Nhiều hộ dân tại huyện Bảo Lâm cho biết, với 1 héc-ta thì họ phải mất khoảng 30 – 40 tiếng đồng hồ để tưới nước tùy thuộc vào độ xa hay gần nguồn nước. Nếu gần lực đẩy của máy mạnh sẽ giảm thời gian tưới và ngược lại. Không những thế, những gia đình không có trang thiết bị phải thuê máy tưới thì chi phí cao hơn nhiều. Đối với những vườn cà phê cách xa nguồn nước, bà con phải kéo đến hơn chục cuộn ống. Bên cạnh đó, chi phí nhân công, ống tưới mua dầu, mỗi héc-ta từ 5 – 10 triệu đồng cũng khiến bà con mất một khoản lớn.

Hiện tại, Di Linh và Bảo Lâm là hai huyện có diện tích cà phê lớn nhất nhì tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Di Linh có khoảng 44.000 héc-ta, Bảo Lâm có khoảng 35.000 héc-ta. Chính vì vậy, nguồn nước cần để phục vụ tưới tiêu là rất lớn. Hiện tại mới đảm bảo khoảng 80 – 85% diện tích. Tuy nhiên, nếu tình trạng nắng nóng kéo dài như hiện tại thì người trồng cà phê sẽ thiếu nước trầm trọng trong vòng 1 tháng tới. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Di Linh có gần 5.000 ao hồ nhỏ do người dân tự đào để cung cấp nước tưới. Với tình trạng hiện tại, địa phương đang tiến hành điều tiết tích nước và phân phối nguồn nước sông suối, hồ thủy lợi. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân nạo vét ao hồ và tưới nước tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn nước.

Tương tự, theo thống kê tại huyện Bảo Lâm có khoảng 6.000 ao hồ do người dân tự đào, phân bổ khắp các xã, thị trấn. Vì vậy đã đảm bảo được cho người dân tưới được khoảng 85% diện tích cà phê. Ngoài tuyên truyền người dân phân phối, tiết kiệm nước trong thời gian nắng nóng sắp tới, lãnh đạo địa phương còn vận động người dân tiến hành cắt cành, tỉa chồi cho cây cà phê. Bên cạnh đó, dùng lá để ủ bên trong gốc cà phê nhằm giữ ẩm cho cây.

Tại Gia Lai, các nhà vườn cũng khẩn trương ủ lấy nước tưới đợt đầu cho cây cà phê. Theo nhiều người trồng cà phê lâu năm, tưới đợt đầu sau khi thu hoạch đối với cây cà phê rất quan trọng bởi đây là đợt cho hoa nhiều nhất, quyết định đến năng suất của cả vụ.  Huyện Ia Grai là một trong những địa phương của tỉnh Gia Lai thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán, gây thiếu nước tưới trầm trọng đối với các nông hộ sản xuất cà phê. Nhiều nông hộ phải tranh thủ nguồn nước còn lại của các suối, ao, hồ để kịp tưới cho cây trồng, trước khi nắng hạn khiến lượng nước dự trữ bị khô cạn. Hơn nữa, cà phê sau thu hoạch, làm cành xong, phải được tưới liên tục thì mới đảm bảo được lượng hoa, kết trái cho vụ sau. Thế nhưng, với tình hình thời tiết diễn biến thất thường như gần đây, người dân đã không còn đoán được thời điểm mưa đầu mùa. Vì vậy, mùa tưới với sẽ còn kéo dài trong những ngày tới.

Không chỉ cà phê, thời tiết khô hạn cũng khiến hàng trăm héc-ta tiêu và các cây trồng khác bị hư hại nghiêm trọng.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Gia Lai: Không tìm được đầu ra cho khoai lang Nhật

Mặc dù đã tới thời vụ thu hoạch, nhưng hơn 1.000 héc-ta khoai lang của nông dân huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai vẫn không tìm được đầu ra.

Vì quá vụ, khoai bắt đầu mọc mầm và hà thối, bà con đành tháo vốn bán cho những người buôn bán nhỏ lẻ ở các chợ với mức giá bọt bèo là 5.000 đồng/kg khoai to, 1.500 đồng/kg khoai loại nhỏ. Một số hộ thậm chí còn phải phá diện tích khoai còn lại để kịp trồng lúa.

Vụ này, toàn huyện Phú Thiện có gần 700 héc-ta khoai lang, chủ yếu trồng ở 2 xã Chư A Thai và xã Ia Sol. Trung bình với mỗi héc-ta có chi phí đầu tư 50 - 60 triệu đồng. Đối với hộ thuê đất, chi phí này có thể lên tới 80 - 90 triệu đồng/ héc-ta. Vì không tìm được đầu ra cho khoai lang mà vụ này, người dân Phú Thiện thua lỗ nặng nề.

Trên thực tế, khoai lang là cây tăng vụ, 3 tháng lại cải tạo đất. Nếu được giá thì hiệu quả kinh tế rất cao, khoảng gấp 4 lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, khó nhất là đầu ra không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Từ trước đến nay, bà con trong xã trồng khoai lang tự phát, tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, tình trạng được mùa nhưng không có đầu ra vẫn xảy ra liên tục. Hiện bà con mong muốn chính quyền địa phương có giải pháp tìm kiếm doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm trồng trọt. Nhất là có doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ khoai lang sẽ tạo điều kiện cho bà con địa phương tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập.   

Quảng Ngãi: Nguy cơ mất mùa tỏi Lý Sơn

Hàng trăm héc-ta tỏi vụ đông xuân sắp cho thu hoạch của nông dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) có nguy cơ mất mùa, giảm sản lượng bởi cạn kiệt nguồn nước tưới tiêu do nắng hạn kéo dài.

Để “cứu” những ruộng tỏi đang trong giai đoạn tạo củ, nhiều nông dân đã phải ăn ngủ trên đồng để “canh nước” cứu tỏi. Nhiều giếng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp xảy ra hiện tượng cạn kiệt hoặc bị nhiễm mặn. Năm nay, nắng hạn sớm khiến bà con như ngồi trên đống lửa. Tỏi của niên vụ trước giá bấp bênh chưa tiêu thụ hết, trong khi vụ mới sắp đến kỳ thu hoạch lại thiếu nguồn nước tưới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất.

Năm nay, nắng hạn đến sớm trong khi thời gian xuống giống sản xuất vụ tỏi đông xuân trễ hơn mọi năm nên sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân. Để hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết, địa phương khuyến cáo nông dân tiết kiệm nguồn nước tưới tiêu, nghiêm cấm việc đào, khoan giếng bừa bãi để không ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, bởi nếu cạn kiệt nguồn nước ngầm không những sẽ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của gần 6.000 hộ dân trên đảo.

Vụ tỏi đông xuân 2018 - 2019, nông dân Lý Sơn gieo trồng được trên 320 héc-ta. Tuy nhiên, với diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay, nông dân trên đảo sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy cơ mất mùa tỏi, giảm sản lượng đang hiện hữu.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Đồng Nai: Giá hạt tiêu tiếp tục giảm sâu

Thời điểm cuối tháng 2/2019, giá hạt tiêu đen các đại lý nông sản ở Đồng Nai mua vào chỉ dao động từ 42.000 – 43.000 đồng/kg, giảm 4.000 – 5.000 đồng/kg so với cuối tháng 1/2019. Với giá tiêu như hiện nay, đa số các nhà vườn trồng tiêu bị thua lỗ từ 30 - 40 triệu đồng/héc-ta. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, giá tiêu trong 2 - 3 tháng tới chưa có dấu hiệu tăng vì thị trường cung vượt cầu nên giá giảm mạnh. Trong gần 2 tháng đầu năm, giá hạt tiêu đen xuất khẩu chỉ khoảng 2.940 Ðô-la Mỹ/tấn.

Đồng Nai là 1 trong 4 tỉnh có diện tích tiêu lớn nhất cả nước cho nên giá tiêu giảm mạnh ảnh hưởng rất lớn đến các nhà vườn. Hiện nhiều nhà vườn đã thu hoạch xong tiêu nhưng chưa bán ra vì giá quá thấp. Theo các nhà vườn, đầu vụ thu hoạch, giá tiêu được các đại lý mua vào xấp xỉ 60.000 đồng/kg, nhưng đến cuối vụ thu hoạch lại đột ngột giảm mạnh.

Lào Cai: Trồng khoai tây thu lãi khá

Vụ đông năm 2018, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai trồng trên 110 héc-ta khoai tây, tập trung ở các xã: Dương Quỳ, Hòa Mạc, Làng Giàng. Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nên cây khoai tây ở Văn Bàn sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Hiện mỗi héc-ta khoai tây ở Văn Bàn cho thu hoạch trên 20 tấn củ, với giá bán bình quân khoảng 5.000 đồng/kg, trừ hết chi phí người dân thu về khoảng 50 triệu đồng/héc-ta. Khoai tây thu hoạch về được bán cho doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đã được ký kết từ trước.

Những năm qua, huyện Văn Bàn đã chủ động đưa cây trồng có năng suất, chất lượng tốt và phù hợp với điều kiện tự nhiên vào canh tác. Bên cạnh đó, địa phương chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, qua đó, giúp bà con yên tâm về đầu ra, sản phẩm.

Đắk Lắk: Giá điều giảm

Cây điều từng được coi là cây xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk bởi chi phí đầu tư thấp, không cần chăm sóc nhiều… Tuy nhiên, năm nay, người dân ở huyện vùng biên Ea Súp lo lắng khi điều liên tục rớt giá. Hiện những nhà vườn trồng điều ở khu vực các xã như: Cư Kbang, Cư M’lan, Ia R’vê… đang bước vào vụ thu hoạch. Theo các hộ dân trồng điều tại đây, năm nay sản lượng, giá điều giảm nhiều hơn so với năm trước. Năm 2018, điều tại huyện Ea Súp được các thương lái thu mua dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg. Đến đầu mùa điều 2019, giá điều giảm chỉ còn 28.000 - 32.000 đồng/kg. Đây là mức giá giảm mạnh kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Thời tiết năm nay thất thường, nắng nóng kéo dài, lại xuất hiện mưa trái mùa khiến điều không đậu trái, năng suất bị giảm. Mất mùa, mất giá nên nhiều hộ không có tiền thuê người nhặt điều mà tự thu hoạch với hy vọng vớt vát được chút nào hay chút đó, lấy vốn để trang trải cho vụ điều sau.

Sông Cầu (Phú Yên): Ruốc bội thu, ngư dân phấn khởi

Hiện nay, ngư dân ở TX. Sông Cầu, tỉnh Phú Yên trúng đậm ruốc. Tại Cảng cá Dân Phước, bình quân mỗi ngày có khoảng 70 - 90 tàu cập cảng để bốc dỡ ruốc với sản lượng từ 500 - 800kg ruốc/tàu, cá biệt có tàu sản lượng đạt 1,5 - 2 tấn ruốc tươi. Mỗi ngày có hàng chục xe đông lạnh chở khoảng 60 - 80 tấn ruốc tươi đi các tỉnh miền Bắc để tiêu thụ.

Giá ruốc đẹp hiện bán khoảng 20.000 đồng/kg, ruốc xấu từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi tàu khai thác ruốc có thể thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi ngày. Theo ngư dân, năm nay, ruốc xuất hiện sớm và dày, cách bờ khoảng 5 - 7 hải lý. Mặc dù con ruốc rất nhỏ nhưng lại đi theo đàn dày đặc nên ngư dân cũng dễ phát hiện. Những chuyến biển đầu năm nay, ngư dân không chỉ trúng ruốc mà nhiều loại hải sản khai thác khác cũng trúng mùa nên rất phấn khởi.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình:

Trồng đót giúp bà con Vân Kiều tăng thu nhập

Những năm qua, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều mô hình trồng trọt thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc Vân Kiều. Trong đó, mô hình trồng cây đót được đánh giá cao.

Cây đót là cây dại mọc nhiều ở ngoài tự nhiên. Đến mùa đót trổ bông, bà con thường vào rừng tìm đót mang về bán cho các thương lái. Tuy nhiên, việc khai thác quá nhiều khiến cây đót ngày càng ít dần. Nhằm chủ động vùng nguyên liệu cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn 4 xã biên giới của Minh Hóa là: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn và Thượng Hóa có thêm thu nhập từ cây đót, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng mô hình trồng cây đót. Các thành viên tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Bình quân mỗi thành viên trồng 1.200 đến 1.500 gốc đót trên diện tích khoảng 1 héc-ta. Trung bình mỗi vụ, mỗi hộ gia đình Vân Kiều thu lãi hơn 17 triệu đồng. 

Cây đót là loại có khả năng chịu hạn, chịu mưa tốt, sinh trưởng nhanh và phát triển tốt trên đất nghèo dinh dưỡng. 4 xã biên giới của Minh Hóa đều là những xã có diện tích đất rừng lớn, rất thích hợp để triển khai mô hình.

Mô hình trồng cây đót thành công đã góp phần phát huy và nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai. Đến nay, đồng bào Vân Kiều nơi đây vẫn tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình này nhằm mang lại thu nhập, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, thời gian tới cần phổ biến và nhân rộng mô hình, tạo được hướng mới trong việc phát triển sản xuất, trồng trọt, giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Lai Châu: Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chống buôn lậu

Trong năm 2018, các lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại tại Lai Châu đã kiểm tra, xử lý 1.485 vụ vi phạm… Đây con số thể hiện sự cố gắng nỗ lực của các ngành, thành viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Lai Châu (389/ĐP).

Thông tin từ BCĐ 389 tỉnh Lai Châu, qua kiểm tra xử lý cho thấy hàng hóa vi phạm tập trung nhiều vào những nhóm mặt hàng có lợi nhuận, thuế suất cao như thực phẩm tươi sống, ma túy, pháo nổ, gỗ, lâm sản, khoáng sản, quần áo, dày dép, đồ gia dụng, hàng điện tử...

Bằng việc đánh giá tình hình, phân tích các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm, năm 2018, các ngành chức năng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Về buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu, các lượng chức năng đã thực hiện nhiều chuyên án, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm ma túy lớn trong năm 2018.  Về gian lận thương mại và gian lận thuế, các hành vi vi phạm có xu hướng tăng so với năm trước, chủ yếu là không niêm yết giá bán hàng theo quy định, vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, không có giấy đăng ký kinh doanh.

Trong năm 2019, các ngành thành viên BCĐ 389/ĐP sẽ tiếp tục tăng cường công tác dự báo, nắm tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu để tổ chức tốt sự phối hợp giữa các sở, ngành thành viên với các huyện, thành phố trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện tốt công tác quản lý thị trường giá cả, kịp thời đề xuất xử lý những vấn đề gây bất ổn thị trường, đảm bảo cung, cầu các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

HÀNG VIỆT

Quảng Ngãi: Đầu tư 290 tỷ đồng thực hiện Đề án OCOP

Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Quảng Ngãi là tỉnh có thế mạnh và tiềm năng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong sản xuất đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung tạo ra các sản phẩm có giá trị như: Hành tỏi Lý Sơn; Quế Trà Bồng. Các vùng sản xuất tập trung bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, đã gắn được sản xuất với thị trường tiêu thụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện tốt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm sẽ góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Theo đó, trong giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh sẽ triển khai thực hiện các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh gồm: Hành, tỏi Lý Sơn (các sản phẩm từ tỏi như: tinh dầu tỏi, tỏi đen, rượu tỏi…) gắn với du lịch cộng đồng. Đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây Quế Trà Bồng, các sản phẩm từ quế như: Thủ công mỹ nghệ, tinh dầu, nhang, dược liệu. Làng văn hóa du lịch Sa Huỳnh gắn với các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Làng văn hóa du lịch kết hợp với bảo tồn nghề truyền thống Thổ cẩm làng Teng. Bảo tồn và phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ Gốm Mỹ Thiện. Các dự án thanh niên khởi nghiệp với chương trình OCOP.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 của Đề án là hoàn thiện, tiêu chuẩn hóa khoảng 66 sản phẩm, dịch vụ nông thôn hiện có; phát triển mới 4 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn sản phẩm; chứng nhận khoảng từ 20 - 25 sản phẩm đạt hạng từ 3 - 5 sao và có ít nhất 3 sản phẩm đạt hạng 5 sao cấp tỉnh; phát triển 1 - 2 điểm văn hóa du lịch đạt tiêu chuẩn; củng cố khoảng 100 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ du lịch nông thôn hiện có.

Trong giai đoạn 2021 – 2030, Đề án đề ra mục tiêu hoàn thiện, tiêu chuẩn hóa khoảng 100 sản phẩm, dịch vụ nông thôn hiện có và phát triển mới 7 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP; phát triển các tổ chức kinh tế: phát triển mới ít nhất 14 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; đảm bảo cho chu trình OCOP được vận hành một cách tự động, tự giác trở thành một phong trào thi đua khởi nghiệp mạnh mẽ; có đội ngũ cán bộ, chuyên gia được chuyên nghiệp hóa, hoạt động hiệu quả.

Về phạm vi, Đề án triển khai thực hiện tại 184 xã, phường, thị trấn. Đề án phát triển sản phẩm, dịch vụ tập trung phát triển 66 sản phẩm hiện có dự kiến lựa chọn hoàn thiện, nâng cấp trong chương trình OCOP của tỉnh theo 6 nhóm, gồm: Thực phẩm (40 sản phẩm); đồ uống (4 sản phẩm); thảo dược (4 sản phẩm); vải - may mặc (1 sản phẩm); lưu niệm - nội thất - trang trí (11 sản phẩm); dịch vụ du lịch nông thôn (6 sản phẩm).

Ngoài ra còn có 4 sản phẩm mới cũng sẽ tham gia chương trình OCOP 2018 - 2020 gồm: Măng tây Linh Đan Mộ Đức, Mật ong rừng Ba Tơ, Gừng gió Tây Trà, du lịch sinh thái Bãi Dừa Nghĩa Hòa.

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình khoảng 290 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách nhà nước gần 90 tỷ đồng; vốn ngoài ngân sách trên 200 tỷ đồng.

Trước đó, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ban hành Kế hoạch xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020. Mục tiêu chung của kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức và các cơ quan hành chính nhà nước trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý. Nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần phát triển bền vững các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ thông qua việc hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, trong đó ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm, hàng hoá chủ lực, đặc trưng của tỉnh Quảng Ngãi.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)