Thông tin giá cả thị trường số 9/2017

12:00 AM 09/05/2017 |   Lượt xem: 2706 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Thanh Hóa: Xây dựng thương hiệu “ngao Hậu Lộc”

Cách đây 5 - 7 năm, nghề nuôi ngao của Thanh Hóa đã phát triển mạnh tại huyện Hậu Lộc. Hướng tới xây dựng thương hiệu “ngao Hậu Lộc”, huyện đang triển khai thực hiện các giải pháp về quy hoạch vùng ương ngao giống tập trung, cơ sở hạ tầng đầu mối... phù hợp điều kiện ương nuôi ngao giống.

Mũi nhọn trong phát triển kinh tế

Hiện nay, diện tích nuôi ngao của vùng ven biển của huyện Hậu Lộc hơn 700 héc-ta với sản lượng bình quân 6.500 - 7.000 tấn/năm. Mặc dù còn gặp nhiều rủi ro về môi trường, khó khăn về đầu ra, giá cả có lúc bấp bênh… nhưng nghề nuôi ngao và sản xuất ngao giống vẫn được lãnh đạo huyện Hậu Lộc xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, đối tượng nuôi chủ lực và là thế mạnh phù hợp với địa phương. Đặc biệt, hướng tới xây dựng thương hiệu “ngao Hậu Lộc”, huyện đang triển khai thực hiện các giải pháp về quy hoạch vùng ương ngao giống tập trung, cơ sở hạ tầng đầu mối phù hợp điều kiện ương nuôi ngao giống. Khuyến khích các cơ sở sản xuất giống, ương nuôi thương phẩm hợp tác, liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị, chất lượng giống được cơ quan có thẩm quyền công nhận, con giống phải được kiểm dịch, quản lý nghiêm ngặt trước khi cung cấp cho người nuôi.

Huyện Hậu Lộc cũng chú trọng tuyên truyền sâu rộng về công tác quản lý giống, quản lý vùng nuôi ngao. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, lưu thông ngao giống và các vật tư phục vụ nuôi ngao. Thường xuyên quan trắc môi trường để cảnh báo kịp thời cho người nuôi. Ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ sinh học cho sản xuất ngao giống và nuôi thương phẩm. Tăng cường công tác khuyến nông, tập huấn kỹ thuật nuôi mới cho người dân. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên được đào tạo ngắn hạn về sản xuất giống và nuôi ngao thương phẩm để hướng dẫn lại cho bà con.

Thúc đẩy các mô hình hợp tác xã

Bên cạnh đó, nhằm hướng tới việc nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm nuôi trồng, huyện Hậu Lộc sẽ thúc đẩy các mô hình hợp tác xã hoặc ban, tổ quản lý vùng nuôi ngao. Điều này giúp tăng cường vai trò quản lý cộng đồng, khuyến khích thành lập hiệp hội về sản xuất ngao giống, ương và nuôi ngao thương phẩm tại địa phương để hỗ trợ nhau về kỹ thuật, dịch vụ hậu cần và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, trong năm nay, huyện sẽ trình UBND tỉnh và các cơ quan chức năng, xin cơ chế đặc thù, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy hải sản tại địa phương. Qua đó, xây dựng môi trường kinh doanh, hợp tác tin cậy giữa các hộ nuôi cá thể và các doanh nghiệp, cơ sở chế biến…

Mới đây, UBND huyện Hậu Lộc đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện năm 2017. Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo huyện và đại diện các doanh nghiệp đã thẳng thắn trao đổi, nhằm phát huy tối đa lợi thế của huyện đặc thù vùng ven biển. Đồng thời, công bố quyết định thành lập ban vận động thành lập hội doanh nghiệp trên địa bàn huyện và các chương trình hành động để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn ngày một lớn mạnh.

Huyện Hậu Lộc cũng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến ngao ngay sát tại vùng ven biển, với diện tích dự kiến 4 héc-ta, công suất chế biến bình quân 20.000 tấn/năm để đưa việc nuôi thả ngao phát triển, đi vào chiều sâu.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Gia Lai: Xã Pờ Tó mất mùa Mía

Được coi là “vựa mía” của vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai, những năm trước, mỗi khi bước vào mùa thu hoạch, xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) vui như ngày hội. Nhưng năm nay, mía mất mùa do bị bệnh trắng lá khiến nông dân lỗ vốn.

Nguyên nhân do mía bị bệnh trắng lá hồi đầu vụ, sau khi xuống giống được mấy tháng. Bệnh đã nhanh chóng lan ra hơn 70% diện tích khiến cây mía chết dần, chết mòn, số còn lại thì còi cọc. Với bệnh trắng lá, sau khi chặt xong vụ này, nông dân sẽ phải đầu tư mấy chục triệu đồng cày đất trồng giống mới.

Theo thống kê của UBND xã Pờ Tó, vụ mía này, trên địa bàn xã có hàng trăm héc-ta mía bị mắc bệnh trắng lá. Căn bệnh này đã khiến năng suất mía giảm mạnh so với các năm trước. Nhiều hộ dân đã chủ động phá bỏ toàn bộ diện tích ngay từ khi mắc bệnh nhưng cũng có nhiều hộ bị thiệt hại 50 - 70% vẫn cầm cự chăm sóc cây mía để gỡ gạc phần nào. Nhìn chung, tại các cánh đồng có mía nhiễm bệnh trắng lá, người dân đều rơi vào cảnh lỗ vốn.

Ngoài những hộ có mía bị nhiễm bệnh trắng lá, một số hộ dân còn chịu cảnh mất mùa do ảnh hưởng của thời tiết. Năm nay, trời hạn nặng, không có mưa. Tuy các hộ trồng mía đã tận dụng hết nguồn nước để tưới, tốn rất nhiều chi phí nhưng cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu nước cho cây mía. Đất khô, cây thiếu nước nên phát triển chậm, dóng mía giờ ngắn chỉ bằng nửa năm trước. Theo thông lệ, 1 héc-ta mía đáng ra phải được trên dưới 100 tấn nhưng năm nay sản lượng đã giảm gần một nửa.

Xã Pờ Tó là một trong những địa phương có diện tích mía lớn nhất huyện Ia Pa. Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp. Hiện nay, bà con đã liên kết với nhau để dồn điền đổi thửa, canh tác cây mía cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, với diễn biến xấu của vụ mía năm nay, bà con mong các ngành chức năng hỗ trợ để được vay vốn tái trồng trọt, hướng dẫn xử lý kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng mía…

Tây Ninh: Giải cứu chuối ế cho nông dân

Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tìm đầu ra, giải quyết hàng chục ngàn tấn chuối ế cho nông dân.

Hiện nay, tổng diện tích trồng chuối Nam Mỹ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 385 héc-ta với 51 hộ nông dân trồng chuối, chủ yếu ở 4 huyện: Tân Biên, Tân Châu, Trảng Bàng và Dương Minh Châu. Trong đó, diện tích có hợp đồng tiêu thụ là 180 héc-ta với Công ty Quang Huy và Việt Mã; diện tích không có hợp đồng tiêu thụ là 205 héc-ta với sản lượng khoảng trên 8.000 tấn. Đến nay, số diện tích có hợp đồng tiêu thụ vẫn được thực hiện đúng theo cam kết. Tuy nhiên, số chuối trồng tự phát gặp khó khăn do không có thương lái đến thu mua, hoặc thu mua với giá rẻ chỉ từ 1.500 - 3.000 đồng/kg.

Một số hộ trồng chuối ở huyện Tân Biên cho biết, thời gian qua, một số công ty đã trực tiếp đến địa phương ký hợp đồng trồng và bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, khi đến vụ thu hoạch, chuối chín, rụng đầy vườn, nhưng công ty đưa nhiều lý do không đến thu mua. Bên cạnh đó, thời điểm này, các địa phương lân cận cũng đang thu hoạch rộ với sản lượng rất lớn, trong khi thị trường trong nước tiêu dùng loại chuối này không nhiều.

Để giảm bớt khó khăn đối với người trồng chuối, UBND tỉnh Tây Ninh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh và Công ty Kinh doanh rau sạch Nam Trạng (xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu) tích cực làm đầu mối tìm thị trường tiêu thụ chuối cho nông dân. Các đơn vị này đã làm việc trực tiếp với các đơn vị trên địa bàn như: Sư đoàn Bộ binh 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các công ty trong khu công nghiệp... để đưa chuối vào bếp ăn tập thể. Qua thời gian đầu triển khai thu mua chuối của nông dân, công ty đã tiêu thụ được hơn 10 tấn chuối, phần nào tháo gỡ khó khăn cho người trồng.

MAU GÌ - BÁN GÌ

Giá dứa tăng mạnh

Hiện, giá dứa tại xã Bản Lầu, huyện Mương Khương - tỉnh Lào Cai đã tăng từ 3.000 đồng/kg lên 4.000 đồng/kg, đây là mức tăng cao nhất từ đầu vụ dứa đến nay. Nguyên nhân giá dứa tăng do đã vào thời điểm thu hoạch cuối vụ trong khi nhu cầu tăng.

Bản Lầu đã xây dựng được vùng dứa chuyên canh, với diện tích hơn 700 héc-ta, sản lượng trên 13.000 tấn quả. Đến hết tháng 2/2017, Bản Lầu đã tiêu thụ được 11.000 tấn dứa, hiện còn 2.000 tấn, tập trung tại các thôn km 15, Pạc Bo, Na Lốc, Cốc Phương. Với sản lượng và giá dứa hiện tại, vụ dứa đầu năm nay, xã Bản Lầu đạt doanh thu gần 40 tỷ đồng. Nhờ trồng cây dứa, người dân xã Bản Lầu đã có thu nhập đảm bảo để ổn định cuộc sống.

Tiền Giang: Vú sữa Lò Rèn mất mùa, rớt giá

Trong nhiều tuần liên tiếp, giá vú sữa Lò Rèn đã giảm xuống thấp kỷ lục. Hiện giá mua tại vườn đối với loại đặc biệt (4 trái một kg) dao động khoảng 32.000 - 35.000 đồng, thấp hơn gần 10.000 đồng so với năm trước. Tuy nhiên, số lượng trái đạt chuẩn này chỉ khoảng 10% tổng sản lượng. Giảm nhiều nhất là loại kích thước nhỏ khoảng 10 trái một kg, tuy màu sắc và độ chín cũng đồng đều nhưng giá chỉ 5.000 - 6.000 đồng, chưa bằng một nửa so với năm ngoái.

Theo một số nhà vườn tại xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, ước tính sản lượng vú sữa giảm hơn 80% nhưng không có hiện tượng thương lái tranh nhau mua. Đặc biệt, năm nay, năng suất vú sữa thấp, tỷ lệ trái nhỏ nhiều nên rất khó tiêu thụ. Theo phân tích của các chuyên gia nông nghiệp, nguồn nước nhiễm phèn đổ về ngày càng nhiều, trong khi lượng phù sa từ kênh rạch xung quanh giảm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vú sữa mất mùa. Bên cạnh đó, việc nông dân trồng cây mới trên những diện tích đất được cải tạo thay cho cây chết cũng không hiệu quả, giảm khả năng đề kháng và sinh trưởng cành lá. Thời tiết thay đổi thất thường cũng ảnh hưởng đến thời gian thu hoạch và kích thước trái. Trong khi đó, thời gian qua có nhiều cơn mưa trái mùa gần ngày thu hoạch làm vú sữa bị nứt, thối rất nhiều.

Dự kiến mùa thu hoạch năm nay sẽ kéo dài đến hết tháng tư âm lịch, tức trễ hơn 2 tháng so với những năm điều kiện thuận lợi. 

Thanh Hóa: Ớt được mùa, được giá

Hiện nay, bà con nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đang thu hoạch ớt vụ xuân 2017. Do thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên năng suất ớt đạt cao. Trong khi đó, giá ớt từ đầu vụ đến nay luôn giữ mức cao hơn năm trước khiến bà con rất phấn khởi.

Tại 2 huyện Yên Định và Hoằng Hóa, trung bình 1 héc-ta ớt cho năng suất khoảng 20 - 22 tấn/héc-ta. Với giá bán thời điểm đầu vụ lên tới 40.000 - 45.000 đồng/kg ớt tươi, 1 héc-ta cho doanh thu đạt tới 800 - 990 triệu đồng, trừ chi phí lãi từ 350 - 400 triệu đồng/héc-ta. Đến thời điểm này, mặc dù giá bán ớt tươi đã giảm, song vẫn cao hơn 5.000 - 7.000 đồng/kg so với năm ngoái.

Thấy lợi nhuận cao từ cây ớt mang lại, bà con nông dân nhiều địa phương dự kiến sẽ mở rộng thêm diện tích. Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền các địa phương, việc mở rộng diện tích sản xuất ớt đang được xem xét, nhằm tránh tình trạng cung vượt quá cầu, khiến sản phẩm bị rớt giá.

Nghệ An: Hành tăm rớt giá

Nông dân huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đang thu hoạch hành tăm vụ đông xuân. Tuy nhiên, năm nay, cây trồng này bị rớt giá một nửa so với năm ngoái vì người dân đổ xô trồng. Theo thống kê sơ bộ, diện tích gieo trồng hành tăm của các xã ở Nghi Lộc vụ này đạt khoảng 180 héc-ta, tăng 40 héc-ta so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Nghi Lâm, Nghi Thuận, Nghi Văn, Nghi Kiều là những địa phương có diện tích hành tăm lớn nhất trong huyện Nghi Lộc và cũng là địa phương trồng hành tăm lớn nhất tỉnh.

Do nhiều địa phương mở rộng hành tăm nên giá thu mua tại các địa phương đã giảm xuống. Nếu như năm trước, thời điểm đắt nhất, giá hành tăm bán trên thị trường là 50.000 – 60.000 đồng/kg, rẻ nhất cũng là 30.000 đồng/kg còn hiện nay giá hành chỉ đạt từ 17.000 - 20.000 đồng/kg. Với giá bán này, 1 sào hành tăm thu nhập xấp xỉ 10 triệu đồng, mỗi héc-ta hành tăm cho thu nhập xấp xỉ 200 triệu đồng (giảm gần 50% so với năm 2015).

Hành tăm là loại cây được đánh giá dễ trồng, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt. Mùa vụ bắt đầu từ tháng 8 dương lịch hàng năm, bà con nông dân bắt đầu gieo trỉa và thu hoạch vào tháng 3 năm sau.

Hiện tại, huyện Nghi Lộc đang chỉ đạo bà con nông dân vừa thu hoạch hành tăm vừa chăm sóc bón thúc cho cây ngô xen nhằm tăng hiệu quả cây trồng trên cùng đơn vị diện tích.  

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Khánh Hòa : Mỳ giá thấp, không người mua

Giá mỳ (sắn) trên địa bàn huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa đang ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Điều đáng nói là dù giá bán thấp nhưng vẫn không có người thu mua.

Ngày này năm trước, những cánh đồng mỳ cao sản ở thôn Kinh tế mới, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh luôn nhộn nhịp không khí thu hoạch. Còn nay, không khí hoàn toàn trái ngược. Vắng vẻ, không có người mua nên nông dân trồng mỳ cũng không muốn thu hoạch. Nguyên nhân do mỳ thu mua tại ruộng đã liên tục giảm giá. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, giá mỳ cao sản đã giảm sâu, từ 1.200 đồng/kg xuống còn 900 đồng/kg và hiện chỉ còn ở mức 800 đồng/kg, giảm 35% so với giá bán hồi cuối năm ngoái.

Giá bán thấp cũng đồng nghĩa với việc nông dân thua lỗ do đã đầu tư chi phí và công sức lao động. Theo tính toán của người dân, vụ mỳ này tiền đầu tư cây giống, phân thuốc và công chăm sóc là 15 triệu đồng/héc-ta. Cộng với tiền thuê đất và thuê nhân công nhổ mỳ, tổng chi phí từ lúc trồng đến khi thu hoạch ước tính trên 28 triệu đồng/héc-ta. Trong khi đó, sản lượng thu hoạch 1 héc-ta đạt khoảng 25 tấn, bà con chỉ bán được 20 triệu đồng. Bình quân 1 héc-ta lỗ 8 triệu đồng. Nhiều hộ đến thời điểm này đã kiệt quệ, không có tiền trả nhân công nên cứ để mỳ trên ruộng, không thu hoạch. Đáng lo ngại hơn cả là tình trạng một số hộ phải vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng mỳ. Số khác thì mua chịu tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đợi đến kỳ thu hoạch mới thanh toán. Mỳ không bán được, người dân như ngồi trên đống lửa bởi lãi mẹ đẻ lãi con, nợ nần ngày càng thêm chồng chất.

Hiện nay, mặc dù các hộ dân đều chấp nhận lỗ vốn để bán mỳ lấy vốn đầu tư gieo trồng vụ mới nhưng không có người mua.                                                                              

Hình thành vùng chuyên canh cây nha đam

Hiện nay, vùng đất cát ven biển ở hai phường Mỹ Bình và Văn Hải, TP. Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã trở thành vùng chuyên canh trồng cây nha đam. Nha đam cũng trở thành cây chủ lực, vươn lên làm giàu của người dân vùng đất cát ven biển.

Đặc biệt, sản phẩm bẹ nha đam được các nhà máy chế biến nước giải khát đến tận chân ruộng ký hợp đồng bao tiêu. Tùy theo mùa vụ, bẹ nha đam có giá dao động từ 1.000 - 4.000 đồng/kg. Đặc biệt, vào những thời điểm nắng nóng, thương lái thu mua nhiều nên dân không đủ hàng bán. Thời gian gần đây, nha đam dùng làm nguyên liệu chế biến nước giải khát, sữa chua, thực phẩm chức năng… được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, cây nha đam có nơi tiêu thụ, giá cả ổn định. Một thương lái cho biết, bình quân mỗi ngày, anh thu mua hơn 15 tấn bẹ nha đam, cung cấp cho các nhà máy sản xuất nước giải khát ở TP. Hồ Chí Minh. Có thời điểm hút hàng, giá nha đam lên đến 4.000 đồng/kg, nhiều chủ vườn nha đam đã làm giàu từ cây trồng này.

Nha đam là cây trồng cho thu hoạch lâu năm, đầu tư ít nhưng hiệu quả kinh tế cao. Sau thời gian trồng khoảng 6 tháng, nha đam bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên, sau đó cứ mỗi tháng thu hoạch một lần. Bình quân một héc-ta nha đam cho thu hoạch 30 - 35 tấn bẹ tươi/năm. Với giá từ 800 - 1.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm người trồng nha đam có lãi khoảng 120 triệu đồng/héc-ta. Nhận thấy cây nha đam mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với vùng đất cát và nắng, bà con nông dân ngày càng mở rộng diện tích trồng.

Trước đây, nha đam là cây trồng xóa đói, giảm nghèo của người dân vùng ven biển nhưng đến nay, nó đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân vươn lên làm giàu. Hiện Ninh Thuận đã hình thành vùng chuyên canh trồng cây nha đam với khoảng 140 héc-ta tập trung ở khu vực đất cát pha.

HÀNG VIỆT

Hàng Việt lên biên giới

Tỉnh Hà Giang đã triển khai Chương trình Ưu tiên đưa hàng tiêu dùng Việt Nam về vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới giai đoạn 2016 - 2020, nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chương trình cũng đảm bảo an ninh, quốc phòng tuyến biên giới; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại, phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh hệ thống phân phối đến địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và tạo điều kiện đưa các loại hàng hóa thiết yếu và hàng Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng là đồng bào các dân tộc thiểu số…

Mục tiêu của Chương trình phấn đấu đến năm 2020 đạt mức tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 12.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu đạt 880 triệu đô-la Mỹ vào năm 2020. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó ngành thương mại – dịch vụ chiếm tỷ lệ 39% vào năm 2020 (tăng 2,4% so với năm 2015). Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm có tiềm năng của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng thương hiệu cho 26 sản phẩm và 3 nhóm sản phẩm (gồm chỉ dẫn địa lý cho 4 sản phẩm, nhãn hiệu chứng nhận cho 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm, nhãn hiệu tập thể cho 18 sản phẩm/nhóm sản phẩm đối với các sản phẩm chủ yếu của tỉnh như cam, chè, thịt bò, dược liệu…

Bên cạnh đó, đưa số lượng thương nhân tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ tại khu vực nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa mỗi năm tăng trung bình từ 8% trở lên trong giai đoạn 2016 – 2020. Đảm bảo trên 90% số lượng cán bộ quản lý thương mại, dịch vụ được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ trong phát triển thương mại, dịch vụ khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra, Chương trình còn góp phần đẩy mạnh xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo chuỗi, đảm bảo cung cấp cân đối nhu cầu về các loại hàng hóa thiết yếu, dịch vụ trên thị trường khu vực nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn của tỉnh. Bên cạnh đó, Chương trình Ưu tiên đưa hàng tiêu dùng Việt Nam về vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới giai đoạn 2016 – 2020 của Hà Giang còn góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Quá trình triển khai, Chương trình Ưu tiên đưa hàng tiêu dùng Việt Nam về vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới giai đoạn 2016 - 2020 của Hà Giang sẽ được triển khai lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án có liên quan trên địa bàn của tỉnh. Nhờ đó sẽ phát huy tối đa nguồn lực và các nguồn tài chính tống hợp để nâng cao hiệu quả của chương trình.

 

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)