Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 28/8/2015

02:55 PM 29/08/2015 |   Lượt xem: 2579 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Để đầu ra lúa gạo được thuận lợi

Đến thời điểm này, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gần như đã giành thắng lợi trong vụ lúa đông xuân và hè thu - hai vụ lúa chính trong năm 2015. Sản lượng lúa trong vùng dự báo vượt mốc 25 triệu tấn. Tuy nhiên, đầu ra hạt lúa tiếp tục gặp khó khăn khi xuất khẩu gạo phải cạnh tranh khốc liệt, trong khi xuất khẩu “tiểu ngạch” sang Trung Quốc tiếp tục tiềm ẩn những rủi ro.

Sản phẩm thiếu cạnh tranh

Chuỗi giá trị ngành lúa gạo ở ĐBSCL nhìn chung còn nhiều hạn chế từ đầu vào lẫn đầu ra. Trong vùng vẫn còn thiếu các loại giống xác nhận, giống chất lượng cao. Công tác kiểm soát giống còn nhiều bất cập, giống do người dân tự sản xuất còn nhiều. Bên cạnh đó, chất lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chưa đảm bảo, dịch vụ khuyến nông hạn chế nhiều mặt, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia tổ nhóm và hợp tác xã canh tác lúa chưa được tiến hành bài bản và theo các phương pháp tiếp cận phù hợp, dẫn đến tổ nhóm và hợp tác xã thiếu bền vững. Ngoài ra kỹ thuật sấy, tạm trữ ở cấp hộ gia đình chưa tốt, công nghệ chế biến, bao bì, nhãn mác và kiểm soát kênh phân phối của các doanh nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu, tính cam kết giữa các nhà trong liên kết 4 nhà chưa chặt chẽ (nông dân và doanh nghiệp hay vi phạm hợp đồng). Trong khi với nhà bán lẻ trong nước mối liên kết này càng lỏng lẻo hơn, tình trạng trưng bày gạo lộ thiên, trộn lẫn, nâng, giảm giá tùy tiện còn rất phổ biến. Các gạo đặc sản đã có gạo “Một bụi đỏ Hồng Dân” (Bạc Liêu), “Nàng nhen Bảy Núi” (An Giang), “Gạo Nàng Thơm Chợ Đào” (Long An) với giá bán có loại cao hơn gấp rưỡi gạo thường, nhưng lại chưa có các thương hiệu chỉ dẫn địa lý để thế giới biết đến. Hệ thống giao thông ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Thông tin về thị trường hạn chế, gây ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân, khó tạo điều kiện liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Liên kết hình thành các vùng sản xuất lớn

Bà Phan Thị Diệu Hà - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương nhận định: “Để tận dụng được các lợi thế như giá thấp, có nguồn cung gạo mới từ vụ hè thu, thu đông sắp tới, doanh nghiệp phải tham gia chặt chẽ vào quá trình tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo và mô hình liên kết, cánh đồng mẫu lớn. Hơn nữa, trong bối cảnh xuất khẩu gạo cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, các doanh nghiệp cần có chiến lược xuất khẩu trên cơ sở mở rộng thị trường mới, xuất khẩu theo nhu cầu thay vì chỉ bán sản phẩm hiện có với các thị trường truyền thống”. Việc liên kết đầu tiên là liên kết giữa các nông dân với nhau để sản xuất tập trung theo cánh đồng lớn tạo điều kiện thuận lợi trong việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Việc liên kết thứ hai là liên kết giữa nông dân và nhà doanh nghiệp, qua đó sẽ đàm phán giá lúa thay vì chỉ chấp nhận giá do thương lái cung cấp. Từ đó lợi nhuận sản xuất lúa gạo có được sẽ chuyển sang cho người dân. Đối với doanh nghiệp sẽ nhận được nguồn cung cấp sản phẩm từ một đối tác thông qua tổ hợp tác thay vì từ nhiều hộ riêng lẻ. Thường xuyên ổn định về số lượng, chất lượng sản phẩm dẫn đến lợi nhuận sẽ cao hơn. Bà con nông dân tham gia những mô hình này được tổ chức liên kết lại trong mối quan hệ 4 nhà được gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn, để sản xuất theo hướng nâng cao giá trị hạt lúa, bằng cách sử dụng 1 giống hoặc 1 nhóm giống lúa có chất lượng cao để hình thành vùng nguyên liệu lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành cơ giới hóa trong sản xuất và làm giảm thất thoát sau thu hoạch. Có như vậy mới hy vọng thành công trong việc nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo, nâng cao đời sống của nông dân trồng lúa.

Trong thời gian tới để nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo, nâng cao đời sống của nông dân trồng lúa, các cấp các ngành cần tiếp tục đầu tư diện tích cánh đồng lớn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Có như vậy mới giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng hạt gạo và có thị trường tiêu thụ và cuối cùng là lợi nhuận tăng lên. Có lợi nhuận, người dân mới hăng hái tham gia sản xuất, từ đó ngành lúa gạo mới phát triển theo chuỗi giá trị và bền vững.

MUA GÌ

Lào Cai: Cá tầm, cá hồi khan hàng, giá cao

Mùa du lịch hè năm nay, Sa Pa (Lào Cai) lâm vào tình trạng khan hiếm đặc sản cá hồi, cá tầm. Lượng khách du lịch tăng cao đột biến, nguồn cung cấp lại không đủ… khiến giá loại đặc sản này tăng cao, từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Tại cơ sở nuôi cá hồi của ông Nguyễn Văn Thịnh, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa. Đây là một trong những cơ sở lớn, hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 30 - 40 tấn cá hồi thương phẩm. Tại đây, có bảy ao nuôi, với tổng thể tích khoảng trên ba nghìn mét khối, có nguồn nước suối mát lạnh, từ trên khe núi đổ xuống. Tính trung bình, mỗi năm, ông Thịnh thả khoảng 40.000 con cá hồi, trừ chi phí cám nhập khẩu, công lao động và các chi phí khác còn thu lãi ròng hàng tỷ đồng. Năm nay, giá cá hồi tăng cao, bán tại bờ ao là 320.000 – 350.000 đồng/kg. Do các chủ nhà hàng “săn lùng” cá hồi loại to với giá rất cao, ông Thịnh đã dành riêng hai ao, với sản lượng khoảng 1,5 tấn cá để nuôi đạt trọng lượng tiêu chuẩn, xuất bán vào dịp nghỉ lễ 2/9.

Dự báo khi cáp treo Phan Xi Păng ở Sa Pa hoàn thành, đi vào hoạt động (khoảng cuối năm 2015), lượng khách du lịch đến đây sẽ còn tăng cao, nhu cầu tiêu thụ đặc sản cá hồi, cá tầm bản địa sẽ rất lớn. Người nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa đang đứng trước cơ hội nâng cao thu nhập, hiệu quả kinh tế từ nghề này.

Phú Yên: Trúng mùa cá cơm

Gần 2 tháng qua, nhiều tàu đánh của ngư dân thôn Hòa An, xã Xuân Hòa (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) cập bến, tàu nào cũng đầy ắp cá cơm săn. Trên khuôn mặt của ngư dân, ai cũng vui mừng vì các chuyến biển trúng đậm cá cơm, sau nhiều năm vắng bóng. Mỗi tàu thuyền công suất 40 mã lực trong một chuyến đánh bắt nhiều thì 3 đến 4 tấn, ít nhất cũng được 1 tấn cá cơm bán với giá bán hiện nay 20.000 đồng/kg. Cá cơm sau khi đưa lên bờ đều được các cơ sở chế biến thủ công mua để sơ chế qua 3 công đoạn: Chọn lọc, hấp và phơi. Sau đó, bán lại cho thương lái trong và ngoài tỉnh để xuất khẩu. Cá cơm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được dùng để chế biến nước mắm.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Giá nhiều loại nông sản giảm mạnh

Do đang vào thời điểm rộ mùa thu hoạch nên một số loại trái cây, rau củ, giá giảm mạnh. Cụ thể, ngoài trái thanh long giảm giá mạnh trong 2 tuần qua, chanh tươi trên thị trường giảm 10.000 - 20.000 đồng/kg so với tháng trước (hiện mức giá 1kg chanh vào khoảng 7.000 - 10.000 đồng); ổi cũng giảm từ 5.000 - 7.000 đồng/kg xuống còn 10.000 - 12.000 đồng/kg. Ngoài ra, do lượng thịt nhập khẩu giá rẻ về nhiều, nên giá bán gia cầm tại nhiều địa phương trong tỉnh giảm mạnh. Hiện giá thu mua gà thịt lông màu tại trại ở các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành đang ở mức 31.000 - 33.500 đồng/kg, giảm 9.500 - 12.000 đồng/kg và 10.000 - 12.000 đồng/kg so với cách đây hơn 1 tháng; riêng gà ta hiện được thương lái thu mua từ 62.000 - 70.000 đồng/kg, giảm từ 8.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng trước.

Bảy Núi (An Giang): Đặc sản khô nhái đắt hàng

Do đặc thù là vùng bán sơn địa, phù hợp cho loài nhái sinh sôi phát triển nên không đâu tập trung nhiều người soi nhái như Bảy Núi, cung cấp nhái tươi cho khắp nơi trong tỉnh An Giang. Vào mùa mưa (từ hạ tuần tháng 6 âm lịch), “đội quân” soi nhái ở đây có thể lên tới hàng trăm người. Khô nhái ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên có nguồn nguyên liệu khá phong phú và mặt hàng được thị trường ưa chuộng. Giá bán sỉ khô nhái tại đây hiện dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/kg. Nghề làm khô nhái đã giúp cho những người bắt nhái (đa số là người dân tộc Khmer) có việc làm thêm, tăng thu nhập trong mùa nông nhàn. Mỗi người trung bình bắt được từ 3 - 7 kg nhái mỗi đêm. Nói về sự ra đời của khô nhái, bà con địa phương lý giải: “Ăn không hết thì làm khô mắm, thói quen của cư dân từ thời khai mở vùng đất phương Nam là vậy, bây giờ khô nhái đã trở thành một đặc sản, theo chân thương lái sang tận Campuchia”.

BÁN GÌ

Thay thế dòng tôm xuất khẩu chủ lực

Theo Tổng cục Thủy sản, xuất khẩu tôm của nước ta thời gian qua đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy, để tăng tính cạnh tranh của mặt hàng tôm xuất khẩu, cơ quan quản lý cho biết sẽ chú trọng tăng sản lượng tôm sú nuôi quảng canh thay vì tôm thẻ chân trắng như hiện nay. Lý do là khi sức mua yếu, tỷ giá bất lợi, giá bán tôm thẻ chân trắng giảm xuống khá thấp. Điều này khiến Việt Nam gần như không thể cạnh tranh với các quốc gia khác, chưa kể rủi ro dịch bệnh. Trong khi tôm sú được nuôi với mô hình quảng canh cải tiến, chi phí sản xuất thấp, các doanh nghiệp sẽ tận dụng được lợi thế về giá bán. Về lâu dài, ngành thủy sản sẽ đẩy mạnh tôm lúa và tôm rừng bởi diện tích có thể mở rộng, nâng cao được năng suất, giá thành thấp. Đây cũng là cơ sở để dần thay đổi thói quen canh tác, nuôi trồng cho các hộ nuôi trồng hiện nay.

Dự báo về tình hình nửa cuối năm, cơ quan quản lý cho biết, lượng tôm xuất khẩu sẽ khả quan hơn so với đầu năm vì mùa thu hoạch tôm ở Ấn Độ đã kết thúc, trong khi các nước nhập khẩu đã vào mùa tiêu dùng. Đồng thời, lợi ích từ các FTA Việt Nam đã ký sẽ giúp mặt hàng tôm xuất khẩu có lợi thế về thuế suất.

Quảng Nam: Dưa gang được mùa

Dưa gang được mùa cộng với giá bán cao nên nhiều hộ dân tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam rất phấn khởi. Vào thời điểm này năm ngoái, giá dưa khoảng 2.000 - 2.500 đồng/kg nhưng năm nay tăng lên gấp đôi. Giá dưa lên xuống thất thường không lường trước được. Thông thường, giá dưa gang cao nhất vào thời điểm tháng 10, 11 âm lịch vì đây là vụ dưa trái mùa. Vào những tháng đó, người trồng dưa phải sử dụng màn phủ nông nghiệp để bảo vệ cây khỏi chịu ảnh hưởng của thời tiết, tuy năng suất không cao nhưng bù lại giá dưa đạt 10.000 – 15.000 đồng/kg, có khi lên đến 19.000 – 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cũng giống như các mặt hàng nông sản khác, trồng dưa rất bấp bênh. Người trồng dưa ngoài việc “trông trời, trông đất” còn phải “trông người trồng” bởi “hễ vụ mô mà nhiều người trồng thì giá dưa tụt xuống rất thấp”. Thậm chí, nhiều vụ giá dưa thấp, thương lái không thu mua khiến bà con chỉ còn cách đem về cho trâu, bò ăn. Nhiều hộ không thu hoạch, để dưa chín tại đồng rồi lấy hạt giống hoặc bán cho những người mua hạt dưa về cho chim ăn với giá 80.000 – 100.000 đồng/lon, vớt vát được đồng nào hay đồng ấy.

Tiền Giang: Dứa cuối vụ tăng giá mạnh

Những ngày gần đây, giá dứa (khóm) tại Tiền Giang tăng mạnh trên 8.000 đồng/kg, gấp hai lần so với tháng trước và tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm trước. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay, nên nông dân trồng dứa rất phấn khởi bởi thu được lãi cao. Nguyên nhân khiến giá dứa trên địa bàn tỉnh “sốt giá” là do đang ở thời điểm cuối vụ, lượng dứa thu hoạch không còn nhiều nên sản lượng cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong nước cũng như phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu gặp hạn chế. Dự báo, giá dứa sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong khoảng tháng nữa cho đến khi bắt đầu vào mùa chính vụ. Với mức giá này, hạch toán cho thấy dứa năng suất đạt trên 25 tấn/héc-ta, mỗi héc-ta đạt giá trị sản xuất 150 triệu đồng; trong đó mức lãi đạt 50 - 60%.

Dứa là cây trồng chủ lực mang lại nguồn lợi lớn cho nông dân vùng đất mới của huyện Tân Phước. Loại cây trồng này thích hợp với thổ nhưỡng Đồng Tháp Mười, năng suất và sản lượng cao, được ưa chuộng trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá cá tra giảm mạnh


Hiện nay, cá tra cỡ 800 - 900 gam/con giảm giá mạnh, còn 20.000 - 21.000 đồng/kg, mức ngang bằng giá thành sản xuất và thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Theo các nhà máy thu mua chế biến cá tra xuất khẩu tại Cần Thơ, do một số thị trường nhập khẩu cá lớn đang chững lại, giảm giá nên ảnh hưởng đến cá tra nguyên liệu trong nước. Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL hiện chủ yếu do các doanh nghiệp xây dựng vùng nuôi chiếm 88%, số còn lại là các hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ. Thực tế cho thấy, sản xuất và tiêu thụ cá tra chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực, giá cả chưa ổn định dẫn đến nghề nuôi truyền thống của một số tỉnh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để chuẩn bị nguyên liệu xuất khẩu cho dịp lễ cuối năm, diện tích thả nuôi đang có xu hướng chuyển biến tích cực hơn.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Khai thác cây dược liệu bán cho thương lái nước ngoài: Lợi bất cập hại thương lái thu mua dược liệu giá rẻ mạt

Theo một con số thống kê của Bộ Y tế được đưa ra trong “Hội thảo phát triển dược liệu theo tiêu chuẩn WHO”, mỗi năm nước ta đã tiêu thụ từ 50.000 - 70.000 tấn dược liệu, trong đó 90% là nhập khẩu. Nguồn nhập khẩu chủ yếu là từ Trung Quốc, bằng cả đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Điều đáng nói là gần 90% nguồn dược liệu ở Việt Nam phải nhập từ Trung Quốc nhưng lâu nay, các thương lái nước này lại đổ xô đến nhiều vùng rừng núi nước ta thu gom thảo dược đem về nước. Sau khi đã sơ chế, phân loại, nguồn dược liệu đó lại được xuất ngược về Việt Nam bán với giá gấp hàng chục lần.

Tại các huyện miền núi Nghệ An, vài ba năm trở lại đây bà con liên tục vào rừng tìm các loại cây dược liệu như cu li, cây ba gạc, cây huyết đằng, củ ba mươi... bán cho các thương lái ở địa phương để xuất sang Trung Quốc. Tại xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, các loại cây dược liệu này được thương lái thu mua, đem phơi la liệt ven đường và các bãi đất trống. Bà con cho biết, hiện các thương lái thu mua cây dược liệu khô từ người dân khai thác trong rừng với giá chỉ 1.500 - 30.000 đồng/kg, mức giá quá rẻ so với các loại thuốc đông y mà các doanh nghiệp Trung Quốc bán tại thị trường nước ta.

Nhiều địa phương khác ở các tỉnh miền núi như Thanh Hóa, Điện Biên, Kon Tum, Lâm Đồng... cũng xảy ra tình trạng bà con tận diệt các loại cây dược liệu quý để bán cho thương lái Trung Quốc với giá rất rẻ. Họ mua tất tần tật, từ cây máu chó, củ ráy, hoàng đằng, khúc khắc, cu li, rễ na nừng, nấm lim, thậm chí cả đến cây mắc nhám (cơm nguội)… với giá rẻ nhưng sau khi đem về nước chế biến rồi xuất ngược vào Việt Nam với giá rất cao, thu nhiều lợi nhuận. Trong khi đó, bà con lại sính dùng thuốc đông y với khái niệm “thuốc Bắc” được nhập chủ yếu của Trung Quốc. Chất lượng của những dược liệu này không được cam kết, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sử dụng vì chúng ta không trực tiếp kiểm tra, giám sát quá trình khai thác, sơ, chế biến của họ.

Phải đưa dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa

Trước thực trạng này, đại diện một số cơ quan quản lý thừa nhận, cây dược liệu chưa được quan tâm đúng mức, doanh nghiệp dược cũng chưa quan tâm phát triển lĩnh vực đông dược. Đặc biệt, đối với các huyện miền núi như Nghệ An thì việc phát triển dược liệu gắn với công nghiệp dược là một hướng đi đúng giúp bà con xóa đói, giảm nghèo bền vững. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu chung của quy hoạch này là phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới trang thiết bị trong nghiên cứu chọn tạo giống, trồng trọt, chế biến, chiết xuất, chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới.

Mục tiêu tiếp theo là quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế; chú trọng bảo hộ, bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý, có giá trị; giữ gìn, phát huy và tăng cường bảo hộ vốn tri thức truyền thống về sử dụng cây thuốc của cộng đồng các dân tộc. Cụ thể hóa các mục tiêu trên, quyết định này đặt ra việc quy hoạch các vùng rừng, các vùng có dược liệu tự nhiên ở 8 vùng dược liệu trọng điểm bao gồm Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Bên cạnh đó là triển khai xây dựng 5 vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia đại diện cho các vùng sinh thái, là nơi tập trung, bảo tồn và trồng mới nhiều loài cây thuốc được thu thập ở các địa phương khác nhau, đại diện cho vùng khí hậu đặc trưng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu. Phấn đấu đến năm 2020 bảo tồn được 50% và năm 2030 là 70% tổng số loài dược liệu của Việt Nam.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Cái Nước (Cà Mau): Nâng cao hiệu quả tôm nuôi công nghiệp

Từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp ở Cái Nước được thả nuôi giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2014. Hiện toàn huyện có 1.600 héc-ta nuôi tôm công nghiệp.

Nhưng đến thời điểm này, nông dân chỉ thả nuôi được gần 700 héc-ta, chiếm khoảng 50% diện tích. Trước đây, giá tôm nguyên liệu trên thị trường khá cao, thả nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ trên 100 con/01 mét vuông, sau 2 tháng nuôi tôm đạt trọng lượng 100 con/kg, bán với giá 100.000 đồng là người nuôi đã có lãi, còn hiện nay loại tôm này chỉ dao động trên dưới 80.000 đồng/kg nên nhiều hộ không dám mạnh dạn đầu tư thả nuôi. Bất lợi lớn nhất đối với việc nuôi mật độ cao là làm cho chi phí sản xuất tăng lên rất nhiều. Người nuôi tôm phải bỏ ra khoản tiền khá lớn để đầu tư mua các loại hoá chất xử lý nguồn nước. Song, đầm tôm luôn tiềm ẩn dịch bệnh. Khi tôm bị bệnh chết, nhiều hộ không còn khả năng tái đầu tư, thậm chí phải treo đầm.

Tuy nhiên, cũng ở Cái Nước có những hộ vẫn trụ vững với nghề nuôi tôm công nghiệp nhờ việc duy trì thả tôm nuôi ở mật độ khá thưa, trung bình khoảng 4 con/01 mét vuông đối với tôm sú và 20 con đối với tôm thẻ chân trắng, mỗi năm chỉ nuôi 2 vụ. Thả tôm nuôi mật độ thưa, ngoài việc giảm được chi phí thức ăn, hoá chất, môi trường nước trong đầm nuôi cũng ít biến động, giúp tôm nuôi phát triển nhanh, đạt đầu con, ít xảy ra dịch bệnh và có điều kiện kéo dài thời gian nuôi để bán tôm trọng lượng lớn với giá cao. Chính vì vậy, cách nuôi này phần lớn cho lãi cao, rủi lắm mới hòa. Để duy trì loại hình tôm nuôi công nghiệp, bà con các vùng nuôi tôm nên tham khảo thêm cách thả tôm nuôi mật độ thưa như ở Cái Nước nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nghề nuôi hải sâm trắng: Tiềm năng xóa đói, giảm nghèo

Hải sâm trắng là loài có giá trị kinh tế và được nuôi ở nhiều nước trên thế giới có điều kiện khí hậu tương tự Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan.

Hải sâm là loài thủy sản thích ứng được với những vùng nước ô nhiễm. Vì vậy rất thích hợp để thay thế cho một số loại thủy sản khác như tu hài, hàu... không thể thích nghi với điều kiện môi trường nuôi bị xuống cấp.

Hải sâm trắng được nuôi lồng trên bãi có nền đáy cát bùn, ở vị trí 0 - 0,3 mét nước ròng và có địa hình tương đối bằng phẳng. Bãi nuôi được chuẩn bị khá đơn giản và bằng những vật liệu rẻ tiền như lưới, cọc, cước, nylon,… nên chi phí đầu tư cơ bản không nhiều. Thức ăn cho chúng là mùn bã hữu cơ, rong, tảo có sẵn trong môi trường nước, vì vậy nuôi thương phẩm hải sâm trắng không tốn chi phí thức ăn. Tuy nhiên, chúng vẫn có tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Từ cỡ giống 20 g/con sau 8 tháng nuôi đạt kích cỡ thương phẩm 5 - 7 con/kg, sau 18 tháng nuôi có thể đạt kích cỡ 500 - 700 g/con. Giá trị của hải sâm trắng khá cao, tùy thuộc vào kích cỡ thương phẩm, giá hải sâm trắng nguyên con là 140.000 - 190.000 đồng/kg (loại 5 - 7 con/kg), hải sâm trắng sơ chế có giá 220.000 - 250.000 đồng/kg, hải sâm trắng khô giá 1.500.000 - 2.500.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hải sâm trắng là thức ăn ưa thích của một số loại giáp xác nên trong quá trình nuôi đòi hỏi công tác chăm sóc quản lý phải cẩn thận, tỉ mỉ.

Hiện Việt Nam có Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã chủ động cung cấp nguồn giống hải sâm trắng để phục vụ nuôi thương phẩm với giá khoảng 3.000 - 4.000 đồng/con. Tuy nhiên, số lượng chưa đủ phục vụ nhu cầu nuôi thương phẩm, người nuôi vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nguồn giống di nhập từ Trung Quốc.

Với chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao, nên việc phát triển nghề nuôi hải sâm trắng có thể góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở một số địa phương.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Bình Định: Người nuôi heo gặp khó vì giá giảm mạnh

Huyện Hoài Ân (Bình Định), nơi được mệnh danh là vựa heo lớn của miền Trung về cả số lượng và chất lượng heo. Nhưng từ đầu năm đến nay, giá heo giảm mạnh khiến các hộ chăn nuôi heo rất lo lắng, nhiều hộ dân nuôi phải cầm chừng đợi giá heo tăng trở lại.

Người nuôi heo ở Hoài Ân chủ yếu là gây heo nái rồi để heo con ra bao nhiêu thì nuôi bấy nhiêu. Nếu tính chi li từng khoản, từ tiền mua heo giống đến công nuôi, thuốc men, điện nước, tính ra nuôi heo lỗ vốn thì chẳng ai dám nuôi. Trước đây heo được giá, mỗi khi xuất heo thì lái buôn tranh nhau mua, giờ gọi thì họ hẹn lần. Mà chậm bán ngày nào heo tăng ký thêm thì giá giảm xuống do heo tạo mỡ nhiều. Bà con chăn nuôi cho biết, nếu như thời điểm năm ngoái giá heo đạt ngưỡng từ 42.000 đồng đến 45.000 đồng/kg hơi thì hiện nay, heo đẹp, nạc nhiều mới bán được giá từ 36.000 đến 37.000 đồng/kg, heo mỡ chỉ có giá 34.000 - 35.000 đồng/kg. Với giá này, tính toán của người nuôi heo thì mỗi một con heo từ khi nuôi đến khi xuất bán phải chịu lỗ 300.000 đồng/con. Nuôi heo giống từ khi đẻ đến khi bán phải mất khoảng 5 tháng. Heo từ khi đẻ đến lúc bán, mỗi con ăn hết 7 bao cám các loại. Tính ra mỗi con heo ăn hết trên 2,2 triệu đồng tiền cám. Khi heo xuất chuồng đạt 70 kg, nếu với giá hiện nay 36.000 đồng/kg sẽ thu được khoảng 2,5 triệu đồng, trừ tiền heo giống 600.000 đồng/con, thì lỗ ít nhất 300.000 đồng/con. Dù giá heo giảm nhưng so với cùng kỳ năm ngoái đàn heo của huyện chỉ có 200.000 con, nhưng con số hiện tại tăng đến 220.000 con. Lý do, chất lượng heo ở đây ngon, được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng nên lượng heo xuất bán mỗi ngày vẫn tương đối ổn định. Hiện nay, mỗi ngày lượng heo xuất bán cũng đạt 9 - 10 xe, từ 700 đến 900 con heo đi tiêu thụ nhiều tỉnh thành trong cả nước. Người nuôi heo ở huyện Hoài Ân bấm bụng chịu lỗ, chờ giá heo tăng trở lại.

Sông Mã - Sơn La: Nhãn được mùa, được giá

Đến Sông Mã những ngày này ta thấy từng đoàn xe tấp nập của thương lái khắp nơi nối đuôi nhau vào trung tâm huyện thu mua nhãn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Sơn La cho biết, hiện Sông Mã có hơn 4.286 héc-ta nhãn ghép chín muộn. Giống nhãn này được đánh giá là giống nhãn chất lượng cao, quả to, cùi dày, ngọt và có giá bán cao hơn giống nhãn truyền thống trước đây. Vùng diện tích nhãn lớn tập trung chủ yếu ở các xã dọc Sông Mã như: Chiềng Khương, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Chiềng Sơ, Nà Nghịu, Mường Hung, Mường Lầm...

Nhãn ghép chín muộn ở huyện biên giới Sông Mã trong những năm qua đã mang lại rất nhiều thay đổi cho đời sống của bà con các dân tộc của huyện. Năm nay nhãn được đánh giá là được mùa, được giá. Nhãn thu mua tại vườn thời điểm đầu mùa đã đạt từ 25.000 - 30.000 đồng/kg quả tươi. Nếu vào chính vụ giá vẫn giữ từ 18.000 - 20.000 đồng/1 kg thì bà con trồng nhãn sẽ có lãi.

Trên thực tế, nhãn Sông Mã đã bán tại các thị trường tiêu thụ lớn phía Bắc, song ít người tiêu dùng biết đó là nhãn của Sông Mã. Bởi các thương lái thu mua nhãn đã đưa ra thị trường nhãn Sông Mã nhưng dưới mác của các vùng nhãn lớn miền Bắc. Thậm chí, nhiều thương lái còn bắt tay nhau để khống chế giá nên việc tiêu thụ nhãn gặp rất nhiều rủi ro. Thêm nữa, tuy loại cây này đã được huyện và tỉnh có quy hoạch cụ thể nhưng vẫn không tránh khỏi việc bà con thấy một vài mùa được giá thì bảo nhau trồng dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu.

Thiết nghĩ, để ổn định đầu ra cho sản vật này, các cơ quan chức năng tại địa phương cần khẩn trương xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu cho nhãn Sông Mã nói riêng và nhãn Sơn La nói chung để bà còn khỏi phập phồng lo lắng mỗi mùa nhãn đến.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Buôn bán thuốc lá lậu nhỏ lẻ sẽ bị phạt tù

Theo pháp luật hiện hành, nếu người nào buôn bán thuốc lá nhập lậu dù chỉ một gói và tái phạm nhiều lần sẽ bị xử lý hình sự. Tại khu vực miền Nam, hàng nghìn chủ tiệm tạp hóa đa số đều bày bán thuốc lá nhập lậu, hành vi này là phạm luật nghiêm trọng và đã có người bị khởi tố hình sự nhưng thực tế có mấy ai biết được quy định này?

Bị khởi tố vì bán thuốc lá lậu


Lần đầu tiên ở Long An, một chủ tiệm tạp hóa bị khởi tố hình sự về với tội danh “tàng trữ hàng cấm” là thuốc lá nhập lậu. Bị can là bà Mai Thị Minh Thư, ngụ ấp An Hòa, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã bị khởi tố hình sự về tội “tàng trữ hàng cấm”, theo quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ Luật hình sự. Theo xét xử sơ thẩm hình sự, bà Mai Thị Minh Thư bị phạt 15 triệu đồng. Trước đó, cảnh sát điều tra Công an quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ cũng đã khởi tố bị can đối với Trương Thành Phụng (ngụ phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều) về hành vi buôn bán thuốc lá lậu. UBND quận Ninh Kiều đã xử phạt ông Trương Thành Phụng 35 triệu đồng về hành vi kinh doanh thuốc lá lậu. Theo thẩm phán Trần Thị Kim Thảnh, người bán thuốc lá lẻ nếu bị phát hiện dù chỉ một gói nhập lậu cũng bị xử lý hành chính. Trong thời gian chưa được xóa tiền sự, chỉ cần bị phát hiện có vi phạm, dù chỉ một gói cũng sẽ bị xử lý hình sự.

Sẽ còn nhiều chủ tiệm tạp hóa bị khởi tố


Theo quy định tại Điều 155 của Bộ Luật hình sự quy định, hành vi buôn bán tàng trữ thuốc lá lậu (sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng cấm) mức phạt về tội danh này là từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Theo quy định này, sẽ có nhiều chủ tiệm tạp hóa sẽ bị khởi tố hình sự do buôn bán thuốc lá nhập lậu nhỏ lẻ rất phổ biến tại khu vực phía Nam. Chẳng hạn, tại hai huyện Đức Hòa và Đức Huệ của tỉnh Long An là hai huyện có đường biên giới giáp với Campuchia. Đây là “điểm nóng” nhất nước về buôn lậu thuốc lá và cũng là nơi buôn bán thuốc lậu phổ biến. Ông Nguyễn Văn Sang - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Chi cục QLTT tỉnh Long An) - cho biết, từ đầu năm đến nay lực lượng QLTT số 1 đã bắt giữ hơn 150.000 gói thuốc lá nhập lậu nhãn hiệu Jet và Hero. Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng địa bàn huyện Đức Hòa các cơ quan chức năng đã xử lý hình sự 9 vụ buôn bán thuốc lá lẻ nhập lậu, thu giữ 180 gói thuốc lá.

Tại địa bàn huyện Đức Hòa, khảo sát của phóng viên cho thấy, mặc dù các cơ quan chức năng tại địa bàn này khá quyết liệt trong công tác kiểm tra, xử lý hành vi buôn bán thuốc lá nhập lậu nhỏ lẻ song tình trạng bày bán thuốc lá lậu công khai vẫn diễn ra khá phổ biến.

Trong 7 tháng đầu năm 2015, Ban Chỉ đạo 389 (chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả) tỉnh Long An đã xử lý 1.251 vụ buôn lậu, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu. Tịch thu hơn 1,4 triệu gói thuốc lá các loại, tạm giữ 22 xe ô tô, 567 chiếc xe gắn máy, 6 xuồng máy, trong đó công an đã khởi tố 3 vụ án với 4 bị can. Ông Võ Thiện Ngộ - Chi cục trưởng QLTT tỉnh Long An - cho biết, mặc dù các cơ quan chức năng tại Long An đã kiểm tra để xử lý thuốc lá lậu nhưng tình hình buôn bán, tàng trữ vẫn còn rất phức tạp, đặc biệt là khu vực giáp biên giới Campuchia. Đối với hành vi buôn bán thuốc lá lậu nhỏ lẻ, ngoài nhắc nhở người kinh doanh buôn bán thuốc lá lậu là kinh doanh hàng cấm, các cơ quan chức năng cũng sẽ tiếp tục kiểm tra những người buôn bán nhỏ lẻ, đai vác thuốc lá lậu thuê và xử lý mạnh tay người vi phạm.

BÀ CON CẦN BIẾT

Hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trồng mắc ca: Điều kiện gây trồng

Về khí hậu: Tốt nhất nên trồng tại những nơi ít bị gió phơn (gió Lào), sương muối, mưa phùn. Nhiệt độ bình quân 15 - 35 độ C, thích hợp nhất 20 - 25 độ C; lượng mưa bình quân năm khoảng 1.600 - 2.500 mm; độ cao so với mặt nước biển là 10 - 1.200m.

Về đất đai và địa hình: Chỉ nên trồng mắc ca ở những nơi đất tốt, thích hợp nhất ở nơi có độ dày tầng đất lớn hơn 50 cm, thành phần cơ giới nhẹ, khả năng thoát nước tốt, giàu hữu cơ, độ pH (KCl) = 4 - 6,5; không trồng cây mắc ca trên đất cát, đất ngập úng, đất chua phèn. Địa hình tương đối bằng phẳng, độ dốc dưới 200.

Tiêu chuẩn cây ghép đem trồng

Cây ghép có thời gian sau ghép đạt trên 6 tháng; chiều cao chồi ghép đã hóa gỗ từ 20cm trở lên (chiều cao cây ghép trên 50cm); đường kính cổ rễ từ 1,0 - 1,5cm. Cây sinh trưởng tốt, không sâu bệnh, lá xanh, phiến lá phát triển bình thường.

Kỹ thuật trồng

- Phương thức, mật độ và thời vụ trồng

Cây mắc ca có thể trồng theo 2 phương thức trồng thuần loại hoặc trồng xen với cà phê, chè, hồ tiêu:

- Trồng thuần loại với mật độ từ 205 cây/héc-ta (cự ly 7 x 7m) đến 278 cây/héc-ta (cự ly 6 x 6m).

- Trồng xen trên các rãnh luống cà phê mật độ 124 cây/héc-ta (cự ly 9 x 9m), 138 cây/héc-ta (cự ly 12 x 6m), hồ tiêu mật độ 124 cây/héc-ta (cự ly 9 x 9m), chè mật độ 111 cây/héc-ta (cự ly 15 x 6m).

Thời vụ trồng tốt nhất là mùa xuân đối với các tỉnh phía Bắc, đối với các tỉnh phía Nam trồng vào đầu mùa mưa.
- Xử lý thực bì, làm đất, đào và lấp hố

Phát dọn toàn diện để giảm cỏ dại, sâu bệnh và tránh cạnh tranh dinh dưỡng. Cuốc lật đất hoặc xới đất, rãy cỏ cục bộ 1,5 - 2m2 xung quanh vị trí đào hố, nhặt sạch rễ cây lớn (trên 2 cm), đối với những nơi đất dốc (dưới 20 độ) nên làm bậc thang theo đường đồng mức có mặt bằng rộng từ 2 - 4m.

Đào hố kích thước 80 x 80 x 60cm, hố được đào trước khi trồng ít nhất 1 - 1,5 tháng để phơi ải; khi đào chú ý để lớp đất trên mặt riêng để trộn với phân lót khi lấp hố.

Bón lót và lấp hố trước khi trồng ít nhất 1,5 tháng; mỗi hố bón 50kg phân chuồng hoai hoặc phân vi sinh (liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bì), 500g NPK và 300g vôi bột được trộn đều với đất mặt; lấp hố bằng đất mặt xung quanh, tạo hình mai rùa cao hơn mặt đất tự nhiên 2 - 3cm.

- Kỹ thuật trồng

Trên mỗi đơn vị diện tích trồng từ 4 - 5 dòng mắc ca (không trồng đơn dòng); bố trí trồng từng dòng theo hàng xen kẽ nhau để giúp tăng tỷ lệ đậu quả, tăng tính chống chịu sâu bệnh hại, giảm rủi ro mất mùa, đặc biệt là tăng tỷ lệ nhân cấp 1 của hạt theo chuẩn quốc tế.

Dùng cuốc tạo một lỗ sâu khoảng 40cm ở giữa hố đã lấp, đủ rộng để đặt vừa bầu cây.

Rạch bỏ vỏ bầu nylon ra khỏi bầu đất; đặt bầu ngay ngắn trong lòng hố, chỉnh cho cây đứng thẳng; lấp đất và nén chặt; vun đất xung quanh gốc cây 40cm thành hình mai rùa, cao hơn mặt đất khoảng 5cm để dễ dàng thoát nước khi mưa; lưu ý các thao tác thực hiện nhẹ nhàng để tránh làm vỡ bầu đất của cây.

Dùng 3 cọc dài 60 - 80cm cắm thành hình tam giác xung quanh, cách gốc cây 40 - 50 cm, buộc chụm phần trên ngọn cọc lại tương ứng với 2/3 chiều cao của cây và buộc vào thân cây để cố định, bảo vệ cây khỏi bị gió làm nghiêng.
Tủ rơm rạ, cỏ hoặc bổi thành lớp dày 4 - 5 cm rộng 1 m xung quanh gốc cây để giữ độ ẩm và ngăn cỏ dại.

HÀNG VIỆT

Hàng Việt “bám rễ” trên quê hương cách mạng

70 năm trước, những vùng quê núi đồi heo hút vùng Tuyên Quang, Thái Nguyên là “chiếc nôi” của cách mạng – nơi che chở, nuôi dưỡng nhiều thế hệ chiến sỹ, góp phần lớn cho thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngày nay, những miền đất ấy cũng chính là những vùng trọng tâm phát triển kinh tế, thương mại của nước ta nói chung và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) nói riêng. “Dấu ấn” hàng Việt trên những vùng đất này đã và đang ngày càng hiện diện rõ nét.

Đa dạng các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn


Theo Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên, trong 6 năm qua, tỉnh đã tổ chức được 26 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh, thu hút được 500 đợt doanh nghiệp (DN) tham gia. Cũng trong 6 năm qua, DN đã nỗ lực tìm hiểu về nhu cầu tiêu dùng của bà con, từ đó lựa chọn những mặt hàng có chất lượng và giá cả phù hợp tham gia phiên chợ. Nhờ đó, những phiên chợ đã nhận được sự quan tâm của người dân với hàng nghìn lượt người đến thăm quan, mua sắm. Người dân cũng được tiếp cận với hàng Việt có chất lượng đảm bảo.

Riêng tại Tuyên Quang, từ năm 2012 đến nay, thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia, Sở Công Thương Tuyên Quang đã tổ chức 15 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và 3 phiên chợ miền núi tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng số gần 500 gian hàng, thu hút hơn 200 lượt DN tham gia.

Bà Lê Thanh Thủy – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại – Sở Công Thương Thái Nguyên nhận định, do nhu cầu của người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn trên địa bàn tỉnh có nhu cầu rất lớn về hàng hóa Việt có chất lượng nên chương trình đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động trọng tâm của CVĐ khi được triển khai trên địa bàn Thái Nguyên. “Điểm sáng” là khi tham gia các phiên chợ, DN đã có sự chuẩn bị chu đáo về chất lượng, số lượng hàng hóa cũng như công tác quảng bá. Xác định phục vụ chủ yếu cho bà con nông dân nên giá cả các sản phẩm này tương đối thấp, phù hợp với thu nhập của bà con.

Những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn cũng ngày càng được lòng người dân Tuyên Quang. Doanh thu hàng Việt cũng không ngừng tăng thông qua các phiên chợ hàng Việt về nông thôn hay các hội chợ, triển lãm hàng Việt Nam và đạt hàng trăm triệu đồng sau 3 năm chương trình được triển khai.

Xây dựng những điểm bán hàng trực tiếp

Nhằm giúp người dân được sử dụng hàng Việt có chất lượng mà không phải đi xa hoặc chờ đến các phiên hàng Việt, ngành Công Thương Tuyên Quang đã triển khai hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.

Từ những mô hình thí điểm đó, Công ty CP Thương mại tỉnh Tuyên Quang những năm qua đã đầu tư trên 8,4 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất của mạng lưới bán hàng, trong đó khu vực nông thôn trên 7,2 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng duy trì liên tục 138 điểm bán lẻ, đảm bảo hàng hóa của công ty có mặt trên 97% số xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Từ cuối năm 2009 đến nay, doanh thu bán hàng của đơn vị đạt trên 514 tỷ đồng, có thị phần lớn và là địa chỉ đáng tin cậy bán các mặt hàng mang thương hiệu Việt trên địa bàn tỉnh.

Để nỗ lực đưa hàng Việt bám rễ tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, năm 2013 UBND tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 124 chợ, 10 Trung tâm thương mại - dịch vụ, 24 siêu thị hạng 3 và hạng 2. Nếu đạt được mục tiêu này, người dân sẽ có cơ hội được sử dụng hàng Việt với nhiều ưu đãi hơn nữa.

Box: Trong thời chiến, người dân những vùng đất cách mạng đã nhường cơm sẻ áo, khẳng định vai trò là cái nôi kháng chiến, góp phần quan trọng cho chiến thắng của ta. Thời bình, những nỗ lực ấy đang được đền đáp trở lại khi những chuyến hàng Việt đang được ưu tiên và nỗ lực đưa đến nơi đây, góp phần giúp đời sống người dân bớt gian khó.

Nam Sơn (Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)