Thông tin thị trường giá cả số 1/2021

03:06 PM 29/12/2020 |   Lượt xem: 4064 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Bắc Hà (Lào Cai):

Nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu

Tả Văn Chư là xã vùng 3 thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai  với 100% người dân là đồng bào dân tộc Mông sinh sống tại 7 thôn.

Trước đây bà con chỉ quen trồng ngô, lúa một vụ, năng suất thấp lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên cái nghèo, cái khó luôn đeo bám. Sau khi chuyển đổi sang trồng cây dược liệu, đời sống của bà con đã được cải thiện.

Thời gian qua, phong trào trồng, mở rộng diện tích cây dược liệu được đồng bào dân tộc ở Tả Văn Chư hưởng ứng tích cực, tự giác. Tính đến thời điểm này, toàn xã đã thu hoạch được khoảng trên 80% diện tích, đạt trữ lượng 140/170 tấn củ tươi. Đáng mừng là bà con thu hoạch đến đâu đều được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà thu mua hết với giá đã cam kết ổn định là 25.000 đồng/kg. Theo ước tính, bình quân mỗi héc-ta cây dược liệu mang về nguồn thu từ 120 - 140 triệu đồng, cao gấp 5 - 6 lần so với cấy lúa, trồng ngô. Đặc biệt, do có đơn vị thu mua tận nơi với giá ổn định nên bà con rất yên tâm, phấn khởi. Để thuận lợi cho thu hoạch, nhất là việc bảo quản, bao tiêu sản phẩm dược liệu, xã Tả Văn Chư thường xuyên phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Nhờ vậy, năng suất và diện tích cây dược liệu ngày càng tăng cao. Hiện nay, hầu hết các thôn trồng dược liệu đều thu hoạch theo hình thức “cuốn chiếu”, nghĩa là thu hoạch vận chuyển sản phẩm hết tại thôn này sẽ chuyển đến thôn khác. Bà con sau khi thu hoạch xong, chuyển sản phẩm củ tươi lên vị trí thuận lợi sẽ có xe tải của trung tâm đến tận chân ruộng để thu mua, cân đếm với giá cả ổn định, bà con không phải lo lắng về chuyện đầu ra cho sản phẩm củ tươi.

Để hỗ trợ đồng bào, thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ như cung ứng nguồn giống, hướng dẫn kỹ thuật… Toàn bộ hạt giống được lấy ở các lứa đợt 1, đợt 2, khi thời tiết nắng ráo, tiện phơi phóng nên đảm bảo chất lượng nảy mầm. Công tác quy hoạch quỹ đất phát triển dược liệu với 2 loại chính đương quy và cát cánh cũng được xã Tả Văn Chư quan tâm, chỉ đạo đi đôi với ứng dụng khoa học kỹ thuật để hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu. Thông qua tuyên truyền, vận động,  nhiều hộ dân trồng dược liệu của xã đã chú trọng bám sát khung lịch sản xuất,  chủ động huy động anh em, họ hàng đổi công nhau, “thu hoạch đến đâu làm đất ngay đến đó” để có thể thực hiện trồng sớm theo khuyến cáo của xã.

Nhờ trồng dược liệu, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tả Văn Chư đã giảm nhanh và mang tính bền vững hơn. Theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43% năm 2018, đến năm 2019 là 28% và dự kiến đến cuối năm nay chỉ còn lại khoảng 19%. Có được kết quả này là sự nỗ lực chung của toàn xã trong công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phá thế thuần nông…

Đạ Tẻh (Lâm Đồng):

Mô hình Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm của đồng bào dân tộc

Đạ Nhar là thôn đặc biệt khó khăn của xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Mô hình Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm tại đây đã được chọn là mô hình “Dân vận khéo” trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế tại địa phương.

Tham gia Chi hội Nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm, đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Đạ Nhar không những đã thoát nghèo mà có thu nhập đều đặn từ 5 - 7 triệu đồng/hộ/tháng. Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Đạ Nhar với phương thức sản xuất cũ, việc tiếp cận với các nguồn vốn và khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế nên thu nhập trên một đơn vị diện tích thấp, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, cây điều gắn với người dân nơi đây từ lâu, nay giá cả bấp bênh, bị bệnh dẫn đến nhiều vụ mất trắng. Trước thực trạng đó, Hội Nông dân xã Quốc Oai đã phối hợp tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập. Đồng thời, mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề trồng dâu nuôi tằm; tổ chức cho bà con đi học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm. Sau đó, Hội Nông dân xã Quốc Oai đã chọn mô hình điểm để đầu tư phát triển nghề nuôi tằm tại thôn Đạ Nhar.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình cây dâu, con tằm, Chi hội đã vận động bà con thôn Đạ Nhar mạnh dạn chuyển đổi diện tích điều già cỗi, kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm để giảm nghèo, tăng thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số. Đến nay, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã được nhân rộng với diện tích trồng dâu hơn 11 héc-ta. Bên cạnh đó, Chi hội còn hướng dẫn, vận động đồng bào dân tộc thiểu số dần bỏ tập quán sản xuất theo lối cũ, chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo định hướng của Nhà nước. Chi hội cũng đã kết nối với Hợp tác xã tằm Quốc Oai ký kết bao tiêu sản phẩm cho hội viên. Vì vậy, các hội viên đều yên tâm sản xuất.

Bắc Kạn:

Giá quýt giảm mạnh

Mặc dù đã vào cao điểm vụ thu hoạch quýt nhưng giá quýt tại huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) đang giảm mạnh, người mua thưa thớt.

Hiện nay, loại quýt to đẹp nhất có giá 9.000 đ/kg, loại thường khoảng 5.000 đ/kg, loại quả nhỏ, còn gọi loại bi giá chỉ 2.000 đ/kg. Giá bán đổ đồng cho tư thương bình quân chỉ được 4.000 đ/kg. Với giá này, người trồng quýt không đủ chi phí chăm sóc.

Trên thực tế, giá quýt năm ngoái đã rẻ, năm nay lại khó khăn do dịch Covid-19 nên nhiều người không đầu tư, chăm sóc dẫn tới quả không được to đẹp. Quýt rẻ là vậy nhưng bán được không dễ. Những năm trước còn có xe tải tấp nập, lái buôn thu mua lên biên giới để xuất sang Trung Quốc, năm nay thì  không. Những xe hàng truyền thống từ Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội… cũng giảm.

Tỉnh Bắc Kạn có hơn 3.300 héc-ta cam, quýt, trong đó cây quýt bản địa Bắc Kạn chiếm phần lớn. Nhiều nhất ở xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông có tới 407 héc-ta quýt, tổng sản lượng năm 2020 là 5.820 tấn. Trước đây, lái buôn đến tận vườn tranh nhau mua, người trồng không phải lo nghĩ về đầu ra. Còn giờ đây, giá thì rẻ nhưng có được người đặt mua hàng là may mắn. Khi đó, chủ vườn phải hái thật nhanh, chuẩn bị sẵn hàng ở điểm tập kết rồi chờ xe tải đến bốc hàng trong lo lắng (sợ người mua không đến). Nguyên nhân khiến quýt Bắc Kạn rẻ là do quả chua, kén người ăn và không hợp khẩu vị người dưới xuôi. Việc quy hoạch vùng sản xuất chưa hợp lý, giống thoái hóa, bán tràn lan, không có kiểm soát cộng với kỹ thuật canh tác hạn chế khiến quýt Bắc Kạn càng ngày càng chua. Từ cách đây vài năm, địa phương đã khuyến cáo bà con không trồng mới loại quýt chất lượng thấp mà chuyển qua trồng các giống cây ăn quả phù hợp.

Cấp hạt giống cho 4 tỉnh miền Trung

2.340 tấn hạt giống lúa, 500 tấn hạt giống ngô và 40 tấn hạt giống rau vừa được Chính phủ quyết định xuất cấp miễn phí cho 4 tỉnh miền Trung: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Thanh Hóa bị thiệt hại do thiên tai năm 2020. Trong đó, tỉnh Quảng Trị được hỗ trợ 1.000 tấn hạt giống lúa, 80 tấn hạt giống ngô và 10 tấn hạt giống rau; tỉnh Quảng Bình được hỗ trợ 640 tấn hạt giống lúa, 120 tấn hạt giống ngô và 10 tấn hạt giống rau; tỉnh Hà Tĩnh được hỗ trợ 500 tấn hạt giống lúa, 100 tấn hạt giống ngô và 10 tấn hạt giống rau; tỉnh Thanh Hóa được hỗ trợ 200 tấn hạt giống lúa, 200 tấn hạt giống ngô và 10 tấn hạt giống rau.

Phụng Hiệp (Hậu Giang):

Mía Giảm trữ đường do ảnh hưởng của thời tiết

Hiện nông dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đang thu hoạch mía. Giá mía bán cho thương lái mua về ép nước mía đạt từ 1.000 - 1.500 đồng/kg. Phụng Hiệp là huyện có diện tích trồng mía lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây thuộc vùng đất thấp, một phần diện tích mía thường bị ngập nước từ cuối tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Ngay sau khi nước rút, cây mía bị mất chữ đường nên chủ yếu bà con nông dân bán cho thương lái mua về ép nước. Năm nay cũng là năm mà nông dân huyện Phụng Hiệp bán mía cho thương lái mua về ép nước lớn nhất với 2.000 héc-ta, chiếm gần 1/2 diện tích mía của toàn huyện.

Hiện Hậu Giang đã quy hoạch lại vùng mía nguyên liệu với diện tích gắn đê bao. Trong đó sẽ để nông dân chủ động bán mía cho thương lái mua ép nước và cung cấp cho nhà máy.

Đồng bằng sông Cửu Long:

Giá xoài tăng cao

So với cách đây khoảng 1 - 2 tháng, trái xoài Đài Loan trồng tại nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg và đang ở mức cao kỷ lục kể từ đầu năm 2020 đến nay. Tại TP. Cần Thơ và các tỉnh như: Hậu Giang, An Giang..., xoài Đài Loan da vàng loại 1 (0,6kg/trái trở lên) có giá lên đến 50.000 - 51.000 đồng/kg, loại 2 có giá 29.000 - 30.000 đồng/kg; xoài Đài Loan da xanh loại 1 đang có giá 40.000 - 41.000 đồng/kg, loại 2 có giá khoảng 28.000 - 29.000 đồng/kg. Mức giá này đang cao hơn rất nhiều lần so với những tháng đầu năm 2020, khi ấy giá xoài có thời điểm chỉ 5.000 - 8.000 đồng/kg do đầu ra xuất khẩu gặp khó vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Giá xoài cát Hòa Lộc loại 1 được nông dân bán cho tiểu thương và các vựa thu mua trái cây cũng ở mức khá cao, từ 60.000 - 65.000 đồng/kg. Giá xoài tăng do được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua phục vụ xuất khẩu, trong khi thời điểm này nguồn cung xoài khá hạn chế. Dự báo, giá xoài có khả năng còn tăng trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tăng, nhất là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2021.

Lâm Đồng:

Giá ớt sừng tăng mạnh

Tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng và TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), ớt sừng đang trong đà tăng mạnh, gấp 4 lần so với cùng kỳ. Giá ớt sừng hiện đạt gần 70.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục trong hơn 15 năm qua. Tuy nhiên, hiện diện tích ớt đang cho thu hoạch trên địa bàn tỉnh rất ít. Theo những nhà vườn, trong những ngày tới, giá ớt có thể sẽ tiếp tục tăng do thị trường trên cả nước đều khan hiếm trong khi thời gian trồng và thu hoạch ớt sừng kéo dài  từ 4 đến 5 tháng nên nông dân khó sản xuất để bù đắp nguồn cung.

Đồng Nai:

Trồng ca cao xen điều cho lợi nhuận cao

Hiện nay, cây ca cao vẫn chủ yếu được trồng xen canh trong rẫy điều nhưng trên thực tế cây ca cao đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định hơn.

Cây ca cao ở Đồng Nai được trồng chủ yếu ở vùng Định Quán, Trảng Bom, Thống Nhất, Tân Phú,… và đã có nhiều vườn ca cao lớn xen canh với cây điều được hình thành. Hiện nay với giá bán hơn 6.000 đồng/kg, vụ này, nguồn thu từ ca cao đã gấp đôi nguồn thu từ điều. Trong khi đó, việc bón phân, tưới nước cho ca cao đồng thời cũng là đầu tư cho điều, giảm được một phần chi phí đầu tư.

Trồng xen ca cao trong vườn điều cho lợi nhuận tăng rất nhiều so với chuyên canh cây điều. Vì vậy, Đồng Nai đã triển khai dự án cánh đồng lớn ca cao với quy mô cả ngàn héc-ta tại các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán,... Tại huyện Trảng Bom đã hình thành cánh đồng liên kết sản xuất lớn gắn với tiêu thụ nông sản giúp cho ca cao địa phương ngày càng có chỗ đứng vững chắc. Dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất đã thu hút khá đông nông dân đăng ký tham gia vì không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mà doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cũng đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn cho nông dân.

Hiện nay, chính quyền địa phương và nông dân đã phối hợp thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm liên kết thành các vùng nguyên liệu rộng lớn; vận động nông dân chuyên môn hóa trong sản xuất nông nghiệp và tuân thủ quy trình sản xuất sạch; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và kiểm soát dịch bệnh; quy hoạch cánh đồng lớn với các loại cây trồng cho năng suất cao. Thực tế cho thấy, việc xen canh cây điều và ca cao tạo ra lợi ích kép cho nông dân, đồng thời đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp. Hiện nhiều nông dân đang muốn tham gia cánh đồng lớn ca cao và dự kiến diện tích ca cao tại Đồng Nai sẽ tăng hơn nữa.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Lạng Sơn:

Nhập lậu dược liệu qua biên giới gia tăng

Những tháng cuối năm, hoạt động buôn lậu dược liệu diễn biến phức tạp. Các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đang tăng cường phối hợp để trấn áp loại tội phạm này.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, trong quý cuối cùng của năm 2020, các lực lượng chức năng tỉnh đã tăng cường đấu tranh, qua đó phát hiện, thu giữ hơn 8 tấn dược liệu nhập lậu. Các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách để nhập lậu dược liệu qua biên giới do lợi nhuận cao, trong nước khan hiếm nguồn cung. Các đối tượng buôn lậu chủ yếu thuê cư dân biên giới mang, vác dược liệu nhập lậu qua một số lối mòn thuộc khu vực các xã: Tú Mịch, Yên Khoái, Mẫu Sơn của huyện Lộc Bình. Không những xảy ra tại tuyến biên giới, hoạt động vận chuyển dược liệu nhập lậu cũng diễn biến phức tạp ở khu vực nội địa. Riêng tại Cửa khẩu Chi Ma, từ đầu tháng 10/2020 đến nay, Đồn Biên phòng Chi Ma đã phát hiện, bắt giữ hơn 20 vụ vận chuyển dược liệu trái phép qua biên giới, thu giữ hơn 2 tấn nguyên dược liệu các loại. Trước tình hình đó, Đồn Biên phòng đã  triển khai chốt chặn tất cả các đường mòn, lối tắt trên tuyến biên giới nhằm kịp thời ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng vận chuyển dược liệu nhập lậu qua địa bàn.

Để ngăn chặn mặt hàng dược liệu nhập lậu thẩm lậu vào thị trường nội địa, ngành y tế tỉnh Lạng Sơn cũng tăng cường lực lượng, tổ chức thanh tra các cơ sở kinh doanh dược liệu, các loại thuốc đông dược. Ngoài ra, ngành cũng chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như: Quản lý thị trường, công an tổ chức kiểm tra thường xuyên và đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán nguồn dược liệu tại địa bàn tỉnh. Ngoài ra, lực lượng công an cũng sẽ phối hợp tăng cường kiểm tra khâu lưu thông trên thị trường. Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm đối với các đối tượng “đầu nậu” và truy tố trách nhiệm hình sự với các đối tượng buôn lậu, vận chuyển dược liệu số lượng lớn. Đồng thời, tăng cường phối hợp với chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền để cư dân các xã biên giới không tham gia tiếp tay, mang vác các loại hàng lậu.

HÀNG VIỆT

Hà Tĩnh:

Khai mạc Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp

Cây cam được coi là cây làm giàu cho các hộ dân vùng miền núi Hà Tĩnh. Vì vậy, tỉnh thường xuyên tổ chức các hội chợ, triển lãm nhằm kích cầu tiêu dùng, quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương.

Năm nay, Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ tư đã thu hút sự tham gia của 100 gian hàng trưng bày cam và các sản phẩm nông nghiệp cùng với các hoạt động bổ trợ về văn hóa, du lịch, ẩm thực. Trong đó, sản phẩm chủ lực là các giống cam ngon nổi tiếng, chất lượng cao tại các vùng trồng cam lớn như: Hương Đô (Hương Khê); Đức Bồng, Đức Lĩnh (Vũ Quang); Sơn Mai, Sơn Trường (Hương Sơn); Thượng Lộc (Can Lộc)… Bên cạnh đó, còn có các sản phẩm tiêu biểu khác như: đồ gỗ mỹ nghệ, mật ong, nước mắm, cây giống, kẹo cu-đơ, giò chả, nhung hươu, hàng thuỷ hải sản...

Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh được tổ chức nhằm thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu cam và các sản phẩm nông sản của tỉnh. Đồng thời, kích cầu tiêu dùng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. Qua đó, tạo mối liên kết, kết nối chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản phẩm bền vững, đúng định hướng quy hoạch và chiến lược. Đồng thời, nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu hàng hóa; quảng bá sâu rộng về xuất xứ địa lý, thương hiệu cam và các đặc sản nông sản Hà Tĩnh. Thông qua Lễ hội, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, bảo tồn giống cây quý, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng chế biến nông sản.

Tính đến thời điểm hiện nay, Hà Tĩnh có hơn 6.000 héc-ta diện tích trồng cam với năng suất trung bình đạt 10 - 12 tấn/héc-ta, tổng sản lượng đạt gần 43.000 tấn. Đối với những vườn cam thời kỳ kinh doanh cho quả ổn định có thể đạt 200 - 500 triệu đồng/héc-ta/năm.       

Long An:

Khai trương điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP

Trung tuần tháng 12/2020, Sở Công Thương Long An phối hợp Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức khai trương điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.

Điểm bán hàng OCOP được xây dựng tại điểm dừng chân Đồng Tháp, nằm trên trục Quốc lộ N2 thuộc địa bàn ấp 1, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa. Điểm bán hàng này đi vào hoạt động sẽ giúp người dân có cơ hội tìm hiểu và sử dụng các sản phẩm nông sản có chất lượng cao, giá thành hợp lý, làm phong phú thêm các sản phẩm nông sản và bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi giới thiệu các sản phẩm nông sản của địa phương trong chương trình OCOP. Qua đó, thúc đẩy sản xuất phát triển và nâng cao thu nhập cho bà con, góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Có gần 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia trưng bày, bán sản phẩm  tiêu biểu của tỉnh: Các sản phẩm chế biến từ chanh, sâm, chao, mắm ruốc, bánh tráng trộn, lạp xưởng, nem nướng, thanh long, các sản phẩm chế biến từ thanh long…

Trước đó, Hội đồng thẩm định Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2020 đã phê duyệt và chứng nhận 4 sản phẩm nông nghiệp đạt sản phẩm cấp tỉnh hạng 4 sao. Đó là các sản phẩm: Bột dinh dưỡng Đông trùng hạ thảo, Trà ôlong Đông trùng hạ thảo cao cấp, Trà thảo mộc đông trùng hạ thảo, Đông trùng hạ thảo khô. Các sản phẩm này của công TNHH Nuôi trồng và chế biến Đông trùng hạ thảo Việt Nam – xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức. Những sản phẩm đạt các hạng sao sẽ được UBND tỉnh cấp Giấy công nhận, sử dụng logo “OCOP” và thứ hạng sao in trên bao bì sản phẩm theo quy định. Đặc biệt, sản phẩm sẽ được ưu tiên lựa chọn tham gia các chương trình hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại và được giới thiệu tới khách hàng, các nhà phân phối, đại lý trong và ngoài tỉnh.