Thông tin thị trường giá cả số 11/2021

04:00 PM 10/03/2021 |   Lượt xem: 3680 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Quảng Trị:

Tái canh cà phê gặp khó

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện tái canh cây cà phê theo hướng bền vững.

Tái canh chỉ đạt 61% so với mục tiêu đề ra

Đặc biệt, sau 3 năm thực hiện đề án tái canh cây cà phê bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế và khẳng định đây là hướng đi đúng để nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê trên địa bàn. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2020, diện tích trồng mới và tái canh cây cà phê ở Quảng Trị đạt 490 héc-ta/800 héc-ta, chỉ đạt 61% so với mục tiêu đề ra, hơn 53% diện tích cà phê già cỗi, thoái hóa. Bên cạnh những kết quả tích cực, bước đầu triển khai đề án tái canh cây cà phê cũng bộc lộ bất cập như một số vườn chưa đảm bảo tiêu chuẩn, kỹ thuật, chưa tuân thủ quy trình tái canh dẫn đến tỷ lệ chết cao. Việc thực hiện đề án trong thời điểm thị trường biến động, giá cà phê giảm sâu, trong khi chi phí đầu tư tái canh cần nguồn vốn tương đối lớn đã làm ảnh hưởng đến tiến độ, quy mô và mức độ áp dụng quy trình kỹ thuật thực hiện tái canh. Thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, trong khi việc trồng cà phê ở Quảng Trị đang chủ yếu dựa vào thiên nhiên, sử dụng nước trời (chưa có hệ thống tưới) đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cà phê…

 Để thực hiện đề án tái canh cây cà phê, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy chương trình tái canh trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch của đề án, từ năm 2017 - 2025 thực hiện tái canh 1.910 héc-ta cà phê. Diện tích này tập trung vào 9 xã trồng cà phê chủ lực trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và tuyển chọn, có 2 giống cà phê chè THA1 và TN9 đáp ứng điều kiện sản xuất và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống chính thức, làm cơ sở bổ sung vào cơ cấu giống sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Từ các chương trình, dự án, người dân tham gia thực hiện đề án đã được tập huấn 11 lớp về kỹ thuật tái canh cây cà phê, 5 lớp kỹ thuật trồng xen cà phê với cây lạc, bơ, hồ tiêu, canh tác cà phê hữu cơ sinh thái… Để thực hiện đề án tái canh cà phê, nhà nước và các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ hơn 9,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tạo điều kiện để người dân vay vốn với tổng dư nợ cho vay ngành cà phê theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP đến hết năm 2020 là hơn 102,77 tỷ đồng.

Tiếp tục quy hoạch các vùng canh tác

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian tới, Quảng Trị vẫn quyết tâm duy trì ổn định diện tích cà phê đạt 4.500 - 5.000 héc-ta và hàng năm diện tích trồng mới, tái canh đạt 150 – 200 héc-ta.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Trị tiếp tục tập trung các nguồn lực phát triển, quy hoạch các vùng canh tác theo hướng hữu cơ, sinh thái, đáp ứng nhu cầu thưởng thức cà phê chất lượng cao kết hợp mô hình du lịch sinh thái cộng đồng. Tăng cường công tác quản lý nguồn giống phục vụ tái canh, tiếp tục phối hợp với các đơn vị (Viện Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, các trung tâm nghiên cứu…) thử nghiệm, lựa chọn bộ giống mới, chất lượng cao phù hợp điều kiện sinh thái của địa phương. Ban hành các chính sách phát triển bền vững cũng như mang lại thu nhập cao cho người sản xuất cà phê, chú trọng quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho cà phê Quảng Trị, khôi phục thương hiệu cà phê Khe Sanh… Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao tư duy, nhận thức về sản xuất, thu hái cà phê chất lượng cao cho người dân; quy hoạch các vùng trồng cà phê phù hợp (độ cao, độ che bóng, chất đất…) nhằm đầu tư xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, tiến tới chứng nhận các tiêu chuẩn hữu cơ, 4C, Rainforest… đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Ưu tiên tổ chức sản xuất, tái canh những vùng tập trung, trọng điểm của mỗi xã, làm cơ sở xây dựng vùng chuyên canh sản xuất cà phê chất lượng cao.

Gia Lai:

Giá dưa hấu tăng nhanh

Tuần qua, tại huyện Ia Pa và Krông Pa (Gia Lai), bà con trồng dưa hấu phấn khởi vì  giá dưa đã tăng trở lại. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi, triển khai những biện pháp nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Ngay sau khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, chính quyền thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa đã tạo điều kiện thuận lợi cho các xe chở nông sản đi vào địa phương thu mua nông sản cho bà con với điều kiện tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Nhờ vậy, giá một số mặt hàng nông sản đã tăng dần, nhất là mặt hàng dưa hấu. Với giá dưa hiện tại khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người trồng lãi khoảng 70 triệu đồng/héc-ta. Giá dưa hấu tăng không chỉ khiến nông dân vui mừng mà các thương lái cũng phấn khởi. Đối với các thương lái, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa hiện cũng khá thuận lợi. Tuy nhiên, song song với hoạt động sản xuất, kinh doanh, chính quyền địa phương luôn thực hiện nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thực tế, dưa hấu ở Krông Pa xuống giống trễ hơn so với tại huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa nên diện tích đã thu hoạch không nhiều. Hiện dưa hấu đã vào cao điểm thu hoạch. Khi các địa phương đã thu hoạch gần xong, cộng với thông tin cửa khẩu thông quan, giá dưa hấu tại ruộng tăng khiến bà con rất phấn khởi.

Năm nay, dù tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, song thực hiện chủ trương của huyện, của tỉnh về việc tạo điều kiện cho người dân lưu thông hàng hóa nên tại địa phương không xảy ra tình trạng tồn đọng, hư hỏng hàng hóa, nhất là hàng nông sản. Thời điểm giá dưa thấp, nông dân cũng chưa thu hoạch nhiều, đến khi giá dưa tăng lên 5.000 - 6.000 đồng/kg thì nông dân mới thu hoạch rộ. Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại nhiều nông dân đang thu hoạch dưa hấu bán với giá 8.000 - 10.000 đồng/kg. Không riêng gì mặt hàng dưa hấu mà hầu hết các hàng hóa nông sản tại Ia Pa lưu thông rất thuận lợi, người dân lẫn thương lái đều phấn khởi.

Đắk Nông:

Sản lượng tiêu giảm

Hiện nay, hầu hết các vườn tiêu lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều vào vụ thu hoạch. Theo đánh giá chung, sản lượng tiêu vụ này đạt thấp, giá càng gần vụ thu hoạch càng giảm khiến nông dân khó chồng khó.

Không chỉ giá giảm, mà hồ tiêu của nông dân Đắk Nông năm nay cũng mất mùa, năng suất tiêu đồng loạt giảm mạnh. Tại huyện Đắk G’Long, sản lượng trung bình giảm từ 15 - 20% so với các năm trước. Tại huyện Đắk Song, sản lượng hồ tiêu cũng giảm từ 40 - 50%. Toàn huyện hiện có trên 14.100 héc-ta hồ tiêu. Năm nay, do diễn biến thời tiết bất lợi khiến sản lượng trung bình toàn huyện giảm trên dưới 20%, chỉ có một số vùng nhỏ năng suất ổn định.

Tại Đắk R’Lấp tình trạng cũng tương tự, hơn 4.600 héc-ta tiêu tại đây cũng giảm sản lượng từ 20 - 40%. Theo thống kê sơ bộ, 1 héc-ta tiêu chỉ thu được chừng 1,2 tấn. Đây là con số thấp nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, giá nhân công, phân bón... đều tăng cao nên nông dân trồng tiêu năm nay nhiều khả năng thu không bù được chi. Các hộ vay tiền để đầu tư chắc chắn sẽ lỗ nặng.

Nguyên nhân chính khiến sản lượng tiêu giảm là do thời tiết. Khoảng cuối tháng 3/2020, khi cây tiêu đang ra gié, cựa thì gặp mưa. Sau đó trời lại nắng gắt khoảng 20 ngày. Diễn biến thời tiết thất thường này khiến cây tiêu khó đậu quả, gié tiêu bị răng cưa. Bên cạnh đó, năng suất cây tiêu giảm còn có nguyên nhân chủ quan. Đó là những năm gần đây, giá tiêu liên tục giảm mạnh đã khiến nông dân hạn chế đầu tư nên nhiều vườn tiêu thiếu dinh dưỡng dẫn đến mắc bệnh. Với năng suất thấp như năm nay, nếu bán ở thời điểm hiện tại mỗi héc-ta tiêu cho thu về từ 60 - 90 triệu đồng. Trong khi đó, chỉ tính riêng tiền đầu tư vật tư, phân bón, nước tưới... mỗi héc-ta tiêu đã tốn trên dưới 50 triệu đồng. Thêm công thu hái và các khoản khác nông dân gần như không còn lãi. Thậm chí một số gia đình phải bù lỗ. Trong khi đó, do những năm trước tình trạng tiêu chết hàng loạt cộng với giá cả giảm mạnh khiến nhiều nông dân trồng tiêu không có vốn. Để khôi phục vườn tiêu, hầu hết người dân phải vay mượn để đầu tư.

Lào Cai:

Phát cây giống tam thất nam cho đồng bào vùng cao

Từ sự tài trợ tổ chức Great (Australia), Hợp tác xã Cồ Dề Chải, huyện Bắc Hà và Công ty VietRap đã phát miễn phí 17 tấn cây giống tam thất nam và cây địa liền cho bà con nông dân đã đăng ký trồng. Số cây giống tam thất nam này sẽ được trồng trên diện tích khoảng 30 héc-ta trên toàn huyện Bắc Hà. Cây tam thất nam có thể cho thu hoạch chỉ sau 12 tháng. Toàn bộ sản lượng tam thất nam do bà con nhận giống và đem về trồng được bao tiêu đầu ra 100%. Cây tam thất nam và cây địa liền phù hợp với nhiều loại thổ nhưỡng, có thể trồng dưới tán rừng, tán mận, lê và trong vườn nhà. Việc trồng những loại cây dược liệu này góp phần giúp bà con ở Bắc Hà xóa nghèo, ổn định đời sống. Trước đó, bà con được tìm hiểu về bình đẳng giới và tập huấn về cách trồng, chăm sóc, đặc biệt là được hướng dẫn kỹ thuật đầu bờ để có thể trồng tam thất nam và cây địa liền ngay sau khi nhận cây giống.

Sóc Trăng:

Lúa thơm đặc sản trúng mùa

Hiện nay, các giống lúa đặc sản và lúa thơm nhẹ được doanh nghiệp, thương lái tiêu thụ mạnh với giá cao để chế biến hàng bán gạo chợ nội địa và xuất khẩu. Cụ thể: Lúa ST24, ST25 giá bán 7.500 - 7.700 đồng/kg, các giống lúa thơm nhẹ như OM4900, RVT, Đài Thơm 8… giá bán từ 6.800 - 7.200 đồng/kg. So với vụ Đông xuân 2019 - 2020, giá lúa bình quân hiện cao hơn 1.000 - 2.500 đồng/kg. Hiện nay, vụ lúa Đông Xuân 2020 - 2021 ở các tỉnh ĐBSCL bắt đầu vào mùa thu hoạch rộ. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng có trên 173.000 héc-ta, diện tích lúa đặc sản, lúa thơm chiếm trên 60 - 65%. Đến nay, diện tích lúa thu hoạch trên 52.000 héc-ta. Năng suất bình quân lúa thơm 5,5 - 6 tấn/héc-ta, lúa cao sản đạt trên 6,5 - 7 tấn/héc-ta.  

Nghệ An:

Khoai tây được mùa, giá ổn định

Trên địa bàn huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nông dân đang bước vào thu hoạch đại trà khoai tây. Năm nay, khoai tây được mùa, giá cả ổn định nên người dân thu nhập khá. Vụ đông năm 2020, huyện Diễn Châu trồng khoảng 200 héc-ta khoai tây. Để tránh việc thu hoạch khoai tây một cách ồ ạt, dẫn đến bị mất giá, bà con chủ yếu trồng 2 loại khoai tây, gồm loại thu hoạch trong tết để phục vụ cho nhu cầu chế biến thực phẩm tại các chợ và loại thu hoạch sau tết để bán cho các cơ sở sản xuất thực phẩm đóng gói. Loại thu hoạch sau tết được đơn vị bao tiêu cam kết đảm bảo đầu ra nên việc sản xuất, tiêu thụ thuận lợi. Khoai tây sau khi thu hoạch xong đã được đơn vị bao tiêu đem xe về thu mua tận chân ruộng. Khoai tây là cây trồng gối vụ, được nhiều địa phương chọn lựa để trồng vào vụ đông nhưng thu hoạch rải đều từ vụ đông sang vụ xuân. Mùa thu hoạch này, khoai tây đạt năng suất cao, từ 20 - 24 tấn/héc-ta, khoảng 1,2 tấn/sào. Với giá khoai tây ở mức ổn định, từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, tính bình quân, mỗi sào đem lại giá trị từ 7 - 9 triệu đồng. So với các loại rau màu khác thì khoai tây cho thu nhập cao hơn.

Giá khóm (dứa) tăng mạnh

Nông dân vùng trồng khóm (dứa) chuyên canh tại Long An, Tiền Giang phấn khởi vì giá bán khóm tăng mạnh. Tính ra cứ bán 1kg khóm, nông dân thu lãi từ 3.000 - 5.000 đồng. Cụ thể: Khóm loại 1 có giá khoảng 10.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm 2020. Tính trung bình, năng suất trồng khóm trong vùng đạt 25 - 30 tấn/héc-ta. Sau khi trừ chi phí, người dân có lãi khoảng 100 triệu đồng/héc-ta nên ai cũng phấn khởi. Nguyên nhân khiến giá bán khóm bất ngờ tăng cao là do sức mua tăng trong khi sản lượng cung ứng cho thị trường không còn nhiều. Nhiều diện tích khóm bị già cỗi nên nông dân đã phải phá bỏ diện tích khóm cũ, trồng mới nên năng suất thu hoạch giảm. Để nâng cao chất lượng, thời gian qua một số nông dân đã trồng khóm theo chuẩn VietGAP.   

Thanh Hóa:

Trồng cây gai xanh giúp nâng cao thu nhập

Những năm gần đây, người dân huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đã tìm được hướng đi mới trong phát triển kinh tế qua mô hình trồng cây gai xanh. Hiệu quả từ mô hình này đã giúp cho bà con vùng cao nâng cao thu nhập.

Để giúp người dân nâng cao thu nhập, trong giai đoạn 2016 - 2021 huyện Cẩm Thủy phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại An Phước thực hiện mô hình trồng cây gai xanh và xây dựng nhà máy trên địa bàn xã Cẩm Tú để phát triển vùng nguyên liệu. Công ty đã có chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển cây gai xanh và thu mua vỏ khô, tạo thuận lợi cho người trồng gai chủ động khâu thu hoạch và sơ chế. Hiện cây gai xanh cho hiệu quả kinh tế cao so với một số cây trồng khác, vỏ cây gai được dùng làm nguyên liệu sản xuất vải, lá cây thể làm bánh gai, thân có thể làm nấm, mộc nhỉ, phân vi sinh.

Tính đến nay, huyện Cẩm Thủy đã trồng được 72 héc-ta diện tích cây gai xanh, sản lượng vỏ tươi đạt 3.230 tấn. Trung bình  giá thu mua vỏ khô loại 1 là 47.000 đồng/kg và giá thu mua vỏ khô loại 2 là 42.000 đồng/kg, loại 3 là 35.000 đồng/kg. Bình quân một năm thu hoạch 4 - 5 lứa với năng suất một lứa từ 20 - 25 tấn/héc-ta và cho thu nhập bình quân trồng gai xanh là từ 50 - 80 triệu đồng/héc-ta/năm. Việc ký kết hợp đồng kinh tế giữa công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác xã thu mua, chế biến gai với tổ chức, cá nhân sản xuất gai nguyên liệu được tiến hành ngay từ đầu vụ. Riêng năm nay, toàn huyện đã đăng ký mới được gần 150 héc-ta cây gai xanh trồng trong vụ xuân năm 2021. Huyện cũng phấn đấu trong năm nay đạt diện tích 300 héc-ta trở lên, số hộ đăng ký mới khoảng 100 hộ. Thời gian tới, huyện Cẩm Thủy sẽ tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh làm nguyên liệu cho Nhà máy sản xuất sợi dệt đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đối với giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đạt 1.200 héc-ta trở lên; trong đó phấn đấu năm 2021 phải đạt từ 300 héc-ta cây gai xanh trở lên ở tất cả các xã, thị trấn.

Hiện tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch diện tích trồng cây gai xanh cho nhà máy An Phước với tổng diện giai đoạn 1 là 3.000 héc-ta thuộc 14 huyện gồm Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước…

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Dán tem chống đường lậu

Sau ngành phân bón, ngành mía đường sẽ dùng tem truy xuất nguồn gốc để chống hàng giả, gian lận thương mại.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã thông qua kế hoạch triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc, chống gian lận thương mại với các sản phẩm đường nhập lậu. Theo kế hoạch này, quy mô hệ thống tham gia truy xuất nguồn gốc, chống hàng lậu, hàng giả… sẽ gồm 30 nhà máy đường với bình quân mỗi nhà máy khoảng 20 sản phẩm, 100 đơn vị phân phối sản phẩm đường thuộc hệ thống thương mại cấp 1 và 500 đơn vị phân phối sản phẩm đường thuộc hệ thống thương mại cấp 2. Ngoài ra, sẽ có khoảng 1.000 đơn vị sang chiết, đóng gói sản phẩm cùng tham gia.

VSSA sẽ tổ chức chào giá cạnh tranh để lựa chọn đơn vị có năng lực cung ứng và thiết lập hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc, chống gian lận thương mại đường nhập lậu đạt các yêu cầu đặt ra. Sau khi lựa chọn được đơn vị in ấn tem chống giả theo các yêu cầu của hệ thống nêu trên, doanh nghiệp sẽ tự làm việc với bên in ấn để đặt hàng số lượng, chủng loại tem chống giả theo nhu cầu của mình. Quy cách thiết kế tem chống hàng nhập lậu cho sản phẩm đường sẽ là tem truy xuất hai lớp có xác thực QR. Tem được in với chất liệu giấy decal vỡ, cán bóng chống thấm nước, tem được in với ba thông số biến đổi là hai mã QR và số seri, phủ cào 1/2 QR, kích thước 2cm x 3,5cm.

Các doanh nghiệp hội viên VSSA, kể cả doanh nghiệp đã có hệ thống truy xuất nguồn gốc riêng và đang tự in tem, cùng cung cấp thông tin để thiết lập hệ thống dữ liệu chung, thống nhất quản lý theo một hệ thống của VSSA. Các thông tin của doanh nghiệp cũng sẽ được hệ thống bảo mật.

HÀNG VIỆT

Chuối hột mồ côi - “biệt dược” của đồng bào Raglai

Tại tỉnh Ninh Thuận, giống chuối mồ côi (còn gọi là chuối cô đơn) được trồng chủ yếu tại khu vực xã Phước Bình, huyện miền núi Bác Ái.  Đây là giống chuối quý với nhiều công dụng chữa bệnh, được mệnh danh là “biệt dược” của đồng bào Raglai. Đặc biệt, vừa qua, giống chuối quý hiếm có tiềm năng về dược liệu này đã được tỉnh Ninh Thuận lựa chọn đưa vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Từ đặc sản của núi rừng…

Chuối mồ côi chủ yếu mọc tự nhiên trên núi cao và một phần được người dân trồng trên các sườn rẫy. Khác với giống chuối thường, giống chuối mồ côi có đặc điểm chỉ tái sinh bằng hạt. Từ khi hạt chuối mồ côi nảy mầm đến trổ buồng chỉ duy nhất có một thân cây già rồi chết. Các bộ phận trên cây chuối mồ côi có tác dụng chữa một số bệnh như: Sỏi thận, đau lưng, nhức mỏi xương khớp, bệnh dạ dày, kích thích tiêu hóa, lợi tiểu, giải nhiệt, trị kém ăn, mất ngủ, táo bón, cảm sốt và một số bệnh trẻ em. Tùy vào bệnh cụ thể, bà con sắc lấy từng vị khác nhau trên cây chuối mồ côi để chữa trị. Đặc biệt, đồng bào Raglai thu hoạch hạt chuối mồ côi phơi khô rồi đưa lên bếp sao vàng, sau đó cho vào bình ngâm với rượu gạo, uống sau mỗi bữa ăn để trị các chứng đau lưng, nhức mỏi xương khớp rất hiệu nghiệm.

Nhận thấy giá trị y học và hiệu quả kinh tế của cây chuối mồ côi, nhiều cơ sở, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh liên kết trồng, thu mua sản phẩm từ người dân. Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông sản chất lượng an toàn thực phẩm Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) cho biết, bình quân mỗi năm hợp tác xã thu mua từ xã viên và xuất bán từ 1,5 – 2 tấn chuối hột mồ côi đã phơi khô. Hiện nay, trên thị trường chuối mồ côi Phước Bình được bán cả ở dạng hạt khô, quả tươi, quả ép khô. Giá hạt chuối mồ côi Phước Bình dao động vào khoảng 130.000 – 300.000 đồng/kg. Hạt chuối mồ côi được đánh giá có dược tính cao hơn chuối hột thông thường. Chính vì thế giống chuối mồ côi này đang được đánh giá có tiềm năng kinh tế cao để phát triển. Hợp tác xã hiện đang đầu tư liên kết với các hộ dân mở rộng thêm diện tích trồng chuối mồ côi.

… đến tiềm năng phát triển thành sản phẩm 5 sao

Năm 2020, chuối hột mồ côi Phước Bình đã được Chương trình Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh đánh giá đạt chuẩn 3 sao và có tiềm năng lớn để phát triển thành sản phẩm đạt chuẩn 5 sao. Sản phẩm chuối hột mồ côi cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Chuối hột mồ côi Phước Bình”. Đây là cơ sở để tỉnh phát triển thương hiệu, uy tín của sản phẩm chuối mồ côi Phước Bình trên thị trường. Ninh Thuận đã và đang triển khai dán nhãn hiệu chứng nhận, dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đưa các sản phẩm chuối hột mồ côi Phước Bình vào các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thành phố, điểm du lịch để phục vụ người tiêu dùng, du khách. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường các hoạt động quảng bá, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.

Xác định đây là cây trồng góp phần tăng thu nhập cho bà con, Ninh Thuận đang khuyến khích mở rộng thêm diện tích trồng chuối mồ côi. Dự kiến đến năm 2025, Ninh Thuận sẽ phát triển diện tích chuối mồ côi lên khoảng 100 héc-ta. Để thực hiện mục tiêu, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết trồng chuối theo chuỗi giá trị với các hợp tác xã, doanh nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn, chuyển giao cho các hộ dân, hợp tác xã các kỹ thuật trồng, thu hái, chế biến chuối mồ côi ở dạng quả tươi, quả ép khô, hạt khô, rượu chuối hột đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.