Thông tin thị trường giá cả số 19/2021

03:39 PM 12/05/2021 |   Lượt xem: 4069 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Tương Dương (Nghệ An):

Cây tràm bén duyên huyện miền núi

Việc chuyển đổi diện tích đất trước đây chỉ trồng keo, sắn… kém hiệu quả sang trồng cây tràm dược liệu là hướng đi mới nhưng khá hiệu quả của bà con huyện miền núi Tương Dương. Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cũng đã hướng dẫn bà con trồng thí điểm tràm lấy tinh dầu và triển khai mô hình chưng cất tinh dầu tràm quy mô hộ gia đình tại đây.

Triển vọng từ cây trồng mới

Dự án “Thí điểm trồng cây tràm úc lấy tinh dầu và mô hình chưng cất tinh dầu tràm quy mô hộ gia đình”, được UBND tỉnh Nghệ An thực hiện với tổng số nguồn kinh phí là 1.351 triệu đồng, tại bản Tam Bông, xã Tam Quang, huyện Tương Dương. Hiện tại trên địa bàn có gần 2 héc-ta cây tràm (giống tràm trà), đến nay đã cho thu hoạch. Vào vụ ép thử nhưng giá thu mua cành và lá tươi lên đến 3 - 4 triệu đồng/tấn. Tương lai gần sẽ mở rộng diện tích lên tới trên 10 héc-ta, tiến tới thành lập hợp tác xã (HTX) sản xuất tinh dầu tràm.

Ông Lô Văn Dũng ở bản Tam Bông, xã Tam Quang chia sẻ: “Những năm trước đây, kinh tế của gia đình chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó cây trồng chính là lúa, sắn và cây keo lai lấy gỗ… Nhận thấy thị trường cây keo lai ngày càng bấp bênh, trồng nhiều năm mới thu hoạch nhưng hiệu quả kinh tế đem lại không cao nên tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng tràm theo dự án của xã”. Theo ông Dũng, muốn trồng cây tràm dược liệu phải lựa chọn loại đất phù hợp, địa thế thuận lợi. Ông Dũng cũng dự tính, trong năm thứ nhất, gia đình có 0,2 héc-ta, năm đầu tiên thu hoạch thử nghiệm,  bán được gần 16 triệu đồng. Kế tiếp, gia đình thuê đất trồng thêm 1 héc-ta nữa. Từ vụ đầu, thấy được tràm là cây dễ trồng, thời gian quay vòng và thu lợi nhanh hơn các cây trồng khác. 

Bà Kha Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết: “Trong năm nay, xã đã được Ban Dân tộc tỉnh đã hỗ trợ  một cái máy chiết xuất tinh dầu tràm. Dù là vụ ép thử đầu tiên nhưng chính quyền và nhân dân đã thấy được tiềm năng của cây tràm trên địa bàn. Sắp tới đây xã sẽ thành lập HTX và tiến hành đăng ký các thủ tục cần thiết đưa tinh dầu tràm ra thị trường”.

Khơi mở tiềm năng phát triển

Đối với những vùng đất trồng không hiệu quả, việc trồng tràm dược liệu là hướng đi đầy khả quan trên vùng đất bán sơn địa Tam Quang. Quá trình thực hiện mô hình cho thấy, cây tràm dược liệu dễ trồng, dễ chăm sóc và không ảnh hưởng đến yếu tố thời tiết. Đặc biệt, chi phí đầu tư ban đầu không nhiều nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Để hỗ trợ bà con, trong thời gian đầu, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục hỗ trợ mọi mặt. Từ khâu cung cấp cây giống để hình thành vùng nguyên liệu cho HTX. Đặc biệt tìm đầu ra cho sản phẩm tinh dầu tràm, qua đó tạo tiền đề thuận lợi cho người dân yên tâm trồng và chăm sóc. Chính quyền địa phương khuyến khích đối với những hộ đã trồng tràm dược liệu tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích, những hộ chưa trồng thì nghiên cứu, học tập để trồng loại cây này và một số loại cây khác phù hợp. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương sẽ đề xuất các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ người dân vay vốn với lãi suất thấp để có điều kiện đầu tư chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập cho gia đình. “Chủ trương của UBND xã là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa cây; trong đó, tập trung phát triển các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững và thích ứng được với biến đổi khí hậu, nhất là trong điều kiện khô hạn. Để có hướng phát triển bền vững, hiện tại, địa phương đang đưa vào trồng thử nghiệm cây trồng mới là cây tràm dược liệu. Quá trình triển khai cho thấy, cây trồng mới này sinh trưởng và phát triển tốt” - Bà Kha Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết thêm.

Mục tiêu của dự án là thâm canh cây tràm úc và chiết xuất tinh dầu tràm để từ đó tạo ra chuỗi giá trị, từ trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tương Dương.

Dầu tràm là một dược liệu quý có tác dụng: Trị ho, chống cảm lạnh, trúng gió, đuổi muỗi, giảm đau, khó tiêu, đầy hơi, chống nấm, kháng khuẩn, khử trùng, trị mụn, đau răng, hôi miệng và nhanh lành vết thương.

Nam Trung Bộ và Tây Nguyên:

Vụ lúa đông xuân đạt năng suất cao

Lúa đông xuân tại nhiều địa phương vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đạt năng suất cao nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó, giá lúa cũng cao hơn từ 1.000 - 1.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái, người dân có lãi khá.

Hiện nay, bà con tại các tỉnh miền Trung đang bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân. Năm nay, vụ đông xuân đạt năng suất cao, giá lúa cũng cao giúp cho người dân có lãi khá. Đạt được kết quả này là do sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN-PTNT và các địa phương. Ngay từ đầu vụ, Cục Trồng trọt đã phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch và các giải pháp chỉ đạo gieo cấy sớm hơn, bố trí thời vụ gieo sạ phù hợp và tập trung xuống giống nhanh, gọn; chủ động lịch xuống giống linh hoạt cho từng tiểu vùng tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương. Về cơ cấu giống, các địa phương trong vùng đã tập trung sử dụng giống ngắn ngày. Việc sử dụng giống ngắn và cực ngắn ngày trong tình hình khô hạn thiếu nước đã mang lại hiệu quả cao, giảm tối thiểu 2 lần tưới/vụ.

Căn cứ vào tình hình thực tế nguồn nước hiện có, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lên kế hoạch sản xuất vụ hè thu và vụ mùa 2021. Theo đó, kế hoạch diện tích lúa vụ hè thu 2021 là 180,77 nghìn héc-ta, tăng 20 nghìn héc-ta; năng suất bình quân ước đạt 61,75 tạ/héc-ta, sản lượng ước đạt 1,116 triệu tấn, tăng 132 nghìn tấn so với hè thu 2020.

Đối với vụ mùa, kế hoạch toàn vùng sản xuất 266,18 nghìn héc-ta, giảm 3,64 nghìn héc-ta; năng suất bình quân ước đạt 53,50 tạ/héc-ta, tăng 1,43 tạ/héc-ta; sản lượng ước đạt 1,424 triệu tấn, tăng 19 nghìn tấn. Để thực hiện thắng lợi các vụ sản xuất, Cục Trồng trọt đã đề ra nhiều giải pháp. Theo đó, đề nghị các địa phương rà soát cơ cấu mùa vụ và bố trí thời vụ sản xuất lúa. Vùng an toàn nguồn nước thì sản xuất tập trung canh tác đúng lịch thời vụ. Vùng có nguy cơ hạn hán, không đủ lượng nước cho cây trồng vào cuối mùa vụ cần tập trung bố trí chuyển từ cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ, hoặc bố trí lại thời vụ sản xuất phù hợp để né tránh hạn, áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế tác động của khô hạn đến sản xuất lúa. Đẩy mạnh chuyển đổi những vùng có khả năng thiếu nước vào cuối vụ sang cây trồng cạn, ngắn ngày để tiết kiệm nước tưới.

Long An:

Mè được mùa, trúng giá

Đến thời điểm này, nông dân trồng mè trên địa bàn huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, tỉnh Long An đang vào vụ thu hoạch. Bà con phấn khởi vì thời tiết thuận lợi, mè đạt năng suất cao, giá cả ổn định ở mức cao.

Dự kiến vụ mè xuân hè 2021, huyện Tân Hưng xuống giống được gần 650 héc-ta, chủ yếu là mè đen. Với giá bán trên thị trường hiện nay dao động từ 43.000 - 44.000/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư như tiền phân, thuốc, giống, công lao động,… có lãi từ 15 - 18 triệu đồng/héc-ta.

Tại huyện Vĩnh Hưng, vụ này nông dân gieo trồng được hơn 400 héc-ta mè, tập trung ở các xã Khánh Hưng, Hưng Điền A, Thái Bình Trung, Thái Trị. Đến nay, nông dân đã cho thu hoạch cơ bản dứt điểm số diện tích này. Năm nay, mè phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao hơn so với các vụ mùa trước, bình quân năng suất đạt từ 0,8 - 1,5 tấn/héc-ta. Với giá bán dao động từ 41.000 - 42.000/kg, hầu hết nông dân trồng mè ở Vĩnh Hưng thu lợi nhuận từ 15 - 25 triệu đồng/héc-ta.

Cây mè phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, chịu hạn tốt, có thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao. Tuy nhiên, thời gian qua, nông dân trồng mè chủ yếu tự tìm thương lái để bán, giá cả không ổn định nên hiệu quả sản xuất không cao.

Để cây mè phát triển bền vững, thời gian tới, các ngành chức năng cần có giải pháp nhằm tạo sự ổn định đầu ra cho cây mè, giúp người dân mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích mè, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương.

Phú Ninh (Quảng Nam):

Dưa hấu được giá

Dưa hấu vụ xuân tại huyện Phú Ninh – thủ phủ dưa hấu của tỉnh Quảng Nam hiện đang bước vào thời điểm thu hoạch. Năm nay dưa bán được giá. Vào thời điểm đầu vụ giá mua tại ruộng là 4.500 đồng/kg , đến nay đã tăng lên 5.000 đồng/kg. Ngoài ra, năng suất dưa hấu tại địa phương cũng rất đạt, mỗi sào (500 m2) cho khoảng trên dưới 2 tấn dưa nên hầu như tất cả các chủ ruộng đều có lãi. Theo một thương lái thu mua dưa ở huyện Phú Ninh, dưa hấu ở huyện này được trồng trên đất pha cát nên chất lượng vượt trội. Vỏ dưa dày, thuận lợi cho quá trình vận chuyển, ruột dưa có màu đỏ tươi và vị ngọt thanh nên được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, dưa hấu ở đây chủ yếu xuất bán cho thương lái xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc, giá dưa cũng lên xuống rất thất thường. Do đó từ đầu vụ, huyện Phú Ninh cũng đã khuyến cáo người dân không nên xuống giống đồng loạt, tránh thu hoạch dồn dập một lần dẫn đến khó tiêu thụ.

Hà Tĩnh:

Tỏi cho thu nhập khá

Những ngày này, người dân thôn Hương Thượng (xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đang tập trung nhổ tỏi. Ở đây, hộ trồng ít thì vài thước, hộ trồng nhiều hơn 2 sào. Hầu hết những diện tích này trước đây là đất trồng lạc nhưng kém hiệu quả, nay được bà con chuyển sang trồng tỏi. Việc chuyển sang trồng tỏi hiệu quả kinh tế gấp đôi, gấp ba so với trồng lạc.

Cây tỏi ở Lộc Yên thích hợp với đất cát pha thịt. Thông thường, sau 3 vụ trồng tỏi, người dân lại chuyển sang trồng cây khác để cải tạo đất cho tơi xốp, bổ sung thêm dinh dưỡng cho đất. Khi cây tỏi rụng gần hết lá là củ tỏi đã già thu hoạch được. Tỏi được đưa về nhà phơi trong bóng mát để vỏ tỏi khô dần. Sau đó, tỏi được buộc chùm để lên dàn thoáng mát, khi nào giá cao thì người dân đem bán.

Mỗi củ tỏi được bán từ 1.000 - 3.000 đồng tùy củ to hay nhỏ. Theo tính toán của người dân, năm tỏi mất giá cũng thu về 4 - 5 triệu đồng/sào. Năm tỏi được giá mỗi sào tỏi họ thu về gần chục triệu đồng. Đất trồng tỏi sau khi thu hoạch được bà con tận dụng trồng vừng, ngô.

Đông Nam Bộ:

Giá gà công nghiệp giảm

Sau khoảng 1 tuần tăng giá, giá gà công nghiệp tại một số tỉnh phía Nam tiếp tục giảm thêm từ 3.000 đồng – 4.000 đồng/kg. Hiện giá gà công nghiệp lông trắng tại các tỉnh Đông Nam Bộ chỉ còn khoảng 18.000 - 20.000 đồng/kg. Với mức giá như hiện nay, người nuôi gà đứng trước nguy cơ lỗ nặng. Trong khi đó, giá gà ta vẫn ở mức khá cao, từ 81.000 - 84.000 đồng/kg tùy loại. Riêng gà già giá khoảng 52.000 đồng/kg; gà giống giá từ 7.000 - 10.000 đồng/con; trứng gà ở mức từ 900 - 1.200 đồng/quả. Với giá gà bán ra như hiện nay, các trang trại nuôi gà đang phải ôm lỗ bởi đầu vào cao nhưng đầu ra thấp, thu không đủ bù chi. Vì thế sang năm 2021, nhiều hộ chăn nuôi đã chọn giải pháp giảm đàn để giảm chi phí.

Giá mít Thái giảm sâu

Tuần qua, tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, giá mít Thái tiếp tục giảm, chỉ còn khoảng 3.000 - 13.000 đồng/kg. Giá thấp, lượng mít ở các vườn đang rất nhiều nên thương lái cũng kén chọn trong khâu lựa mít. Trong khi đó, tính công chăm sóc, thuê nhân công, điện tưới tiêu, cây giống,… chi phí ở mức 15.000 – 17.000 đồng/kg. Do đó, với giá mít Thái như hiện nay người trồng mít đang thua lỗ từ 5.000 – 10.000 đồng/kg.

Nguyên nhân mít Thái mất giá là do những năm trở lại đây, giá mít Thái luôn ở mức cao, ổn định, nên nhiều người chuyển đổi các cây trồng khác sang trồng mít Thái. Diện tích trồng mít Thái tăng, sản lượng mít bán ra mỗi vụ cũng vì thế tăng lên dẫn đến dội chợ, ùn ứ, mất giá. Ngoài ra năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu không ổn định, hàng mít chủ yếu bán nội địa nên giá đang thấp.

Lạng Sơn:

Nâng cao chất lượng thạch đen xuất khẩu

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tràng Định tổ chức triển khai chương trình tập huấn nhằm nâng cao chất lượng thạch đen phục vụ xuất khẩu cho các học viên.

Học viên tham gia tập huấn là đại diện các đoàn thể ở cơ sở, khuyến nông viên, tổ hợp tác, hợp tác xã và nông dân chủ chốt trong phong trào sản xuất thạch đen. Các học viên đã được truyền đạt, chia sẻ một số nội dung cơ bản, như: Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thạch đen; một số biểu mẫu ghi chép nhật ký sản xuất; nội dung Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam với Tổng cục Hải quan Trung Quốc; tiêu chuẩn cơ sở hướng dẫn cho việc thiết lập và giám sát vùng trồng; tiêu chuẩn cơ sở hướng dẫn cho việc thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói đã được Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) ban hành. Ngoài ra, các học viên còn được hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong phát hiện, nhận biết và cách xử lý một số loài sâu, bệnh trong quá trình thâm canh cây thạch đen trên đồng ruộng. Thông qua tập huấn, học viên trở thành những hạt nhân nòng cốt trong việc tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân tại các vùng sản xuất cây thạch đen áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện tốt các quy định, quy chuẩn, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thạch đen phục vụ xuất khẩu.

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục triển khai tập huấn nâng cao chất lượng thạch đen phục vụ xuất khẩu tại 3 huyện: Tràng Định, Văn Lãng và Bình Gia. Đây đều là những địa phương sản xuất thạch đen với sản lượng lớn để xuất khẩu.

Thạch đen là loại cây có tiềm năng phát triển ở miền núi phía Bắc. Nếu xuất khẩu được sẽ tăng hướng tiêu thụ tạo được sinh kế cho người dân; khai thác tiềm năng lợi thế đất đai thổ nhưỡng, khí hậu của vùng miền núi phía Bắc.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Lạc Sơn (Hòa Bình):

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát ở chợ phiên

Lạc Sơn là một huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình, nhiều xã trong huyện nằm xa trung tâm. Vì vậy, hoạt động kinh doanh diễn ra ở quy mô nhỏ lẻ, tập trung vào các buổi chợ phiên. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trà trộn, “núp bóng” dưới các thương hiệu có uy tín.

Chính vì vậy, thời gian qua, Đội Quản lý thị trường số 5 - Cục Quản lý thị trường Hòa Bình đã tăng cường phối hợp với Công an huyện Lạc Sơn tập trung kiểm tra tại các chợ ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Đồng thời, các lực lượng chức năng kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trên địa bàn về tác hại của hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vi phạm quy định về phòng chống dịch COVID-19 và các hành vi gian lận thương mại khác. Riêng trong quý I năm 2021, Đội Quản lý thị trường số 5 đã phối hợp với Công an huyện Lạc Sơn kiểm tra các cơ sở kinh doanh tại các chợ trên địa bàn, xử lý 9 vụ, phạt tiền trên 16 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa, vi phạm về niêm yết giá và kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng.

Trước đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình cũng đã phát động một số đợt cao điểm kiểm tra đối với các mặt hàng thực phẩm đóng gói sẵn, thuốc bảo vệ thực vật… tại các chợ phiên trên địa bàn tỉnh. Thông qua công tác kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, không để thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu lưu thông vào địa bàn; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Đồng thời, tuyên truyền chính sách, pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. 

HÀNG VIỆT

Lào Cai:

Xây dựng thương hiệu bưởi Múc

Bưởi Múc là loại bưởi đặc sản nổi tiếng của xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Để hỗ trợ các hộ trồng bưởi Múc, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đầu tư 1 tỷ đồng cho dự án “Trồng và chăm sóc bưởi Múc”.

Thôn Múc - xã Thái Niên được biết đến là cái nôi của đặc sản bưởi Múc. Giống bưởi này có vỏ mỏng, mọng nước, ngọt dịu. Tháng 10/2019, dự án “Trồng và chăm sóc bưởi Múc” tại xã Thái Niên được Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phê duyệt cho vay với tổng số tiền là 1 tỷ đồng cho 11 hộ vay, trung bình mỗi hộ được vay từ 50 - 100 triệu đồng/hộ, thời gian vay 3 năm. Có vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, các hộ đã trồng mới 3 héc-ta, cải tạo 8,6 héc-ta vườn bưởi cũ để đầu tư chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện vườn bưởi Múc của các hộ vay vốn được cải tạo, chăm sóc, phát triển tốt, cho thu hoạch giá trị cao hơn nhiều so với trước.

Đặc biệt, vụ bưởi năm 2020, xã Thái Niên đã tiến hành dán nhãn cho quả bưởi đặc sản. Những quả bưởi được dán nhãn phải là bưởi đạt kích thước, đủ trọng lượng, mẫu mã đẹp, được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, đủ độ ngon, ngọt. Đồng thời, chú trọng công tác tập huấn khoa học kỹ thuật cho người trồng. Đặc biệt, để phát triển thương hiệu bưởi Múc, có đầu ra tiêu thụ thuận lợi, Hội Nông dân xã đã vận động các hộ trồng bưởi liên kết sản xuất, tham gia vào hợp tác xã (HTX), Tổ hội nông dân nghề nghiệp.

Hiện nay, HTX Bưởi Múc đang hoạt động rất hiệu quả. Các thành viên trong HTX thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi, thống nhất giá bán; đến mùa thu hoạch cùng nhau bán với mức giá cố định. Do vậy, bưởi Múc thường chín đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không có tình trạng để tư thương ép giá.

Đặc sản bưởi Múc cũng là một trong những loại nông sản nổi bật của ngành nông nghiệp huyện Bảo Thắng, được đánh giá đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trên mỗi quả bưởi Múc mà HTX đưa ra thị trường đều gắn 3 loại nhãn, gồm: Nhãn hiệu bưởi Múc, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tem sản phẩm OCOP 3 sao.

Quảng Trị:

Phấn đấu có ít nhất 25 sản phẩm OCOP

Năm nay, Quảng Trị đặt mục tiêu có ít nhất 25 sản phẩm OCOP. Đây là những sản phẩm,  dịch vụ tiêu biểu thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của người tiêu dùng.

Theo đó, chương trình đặt mục tiêu hoàn thiện/nâng cấp và tiêu chuẩn hóa, công nhận ít nhất 23 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh; lựa chọn từ 1 - 2 ý tưởng sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa để xây dựng sản phẩm OCOP. Lựa chọn từ 2 -  4 sản phẩm có thế mạnh, đặc trưng của địa phương để xây dựng sản phẩm 5 sao cho giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp. Phấn đấu có tối thiểu 15 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, HTX) tham gia Chương trình OCOP; có 4 - 6 HTX nông nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, chương trình cũng ưu tiên kinh phí để đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh và tham gia triển khai thực hiện Chương trình OCOP cho 200 cán bộ quản lý nhà nước (cấp tỉnh, huyện, xã) và 100% chủ doanh nghiệp, HTX, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình.

Tăng cường công tác tuyên truyền để 100% chủ thể sản phẩm OCOP nắm được thông tin, trên 70% chủ thể sản phẩm OCOP được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP trong nước và quốc tế (nếu có); 50 - 70 % sản phẩm OCOP giai đoạn 2019 - 2020 tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại được đàm phán, ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Trên cơ sở 6 nhóm sản phẩm của chương trình sẽ lựa chọn các sản phẩm OCOP chủ lực, đặc sản, đặc trưng dựa theo các tiêu chí như: Có tính độc đáo của địa phương, có khả năng trở thành sản phẩm hàng hóa mang đặc trưng riêng của Quảng Trị; sản phẩm có quy mô sản xuất lớn, có tiềm năng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu. Năm 2021 có 66 ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP.