Thông tin thị trường giá cả số 21/2021

04:01 PM 19/05/2021 |   Lượt xem: 4429 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Cam Lộ (Quảng Trị):

Đưa dược liệu thành cây trồng mũi nhọn

Cam Lộ là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển cây dược liệu của tỉnh Quảng Trị. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm thị trường, lần đầu tiên sản phẩm cao dược liệu an xoa được xuất khẩu qua thị trường Mỹ. Đây là tín hiệu tích cực đối với người trồng cây dược liệu ở Cam Lộ nói riêng và Quảng Trị nói chung.

Cao dược liệu an xoa xuất khẩu sang Mỹ

Đầu tháng 4/2021, lô hàng gần 1 tấn cao dược liệu an xoa của nông dân huyện Cam Lộ lần đầu tiên được xuất khẩu thành công sang thị trường Mỹ. Sự kiện này mở ra nhiều cơ hội cho người trồng cây dược liệu ở Cam Lộ nói riêng và Quảng Trị nói chung.

Trước đó, để sản phẩm cao dược liệu an xoa đủ điều kiện xuất khẩu qua Mỹ, Cam Lộ đã hướng dẫn người dân từ khâu sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm đến đóng gói, mẫu mã, nhãn mác.  Đặc biệt, bà con nông dân đã kết nối với Công ty Cổ phần AGRIDYNAMICS để phối hợp với đối tác tiến hành các bước phân tích thành phần dược tính, kiểm định chất lượng sản phẩm hết sức nghiêm ngặt. Theo biên bản ghi nhớ giữa huyện Cam Lộ với đối tác, hiện tại, trong 6 tháng đầu năm 2021, mỗi tháng huyện Cam Lộ sẽ xuất gần 1 tấn cao an xoa. Từ tháng thứ 7 trở đi, khi đảm bảo ổn định được nguồn nguyên liệu tại chỗ, doanh nghiệp đối tác sẽ nhập từ 2 - 3 tấn mỗi tháng với giá khoảng 1,7 tỷ đồng/tấn.

Thời gian tới, để có nguồn nguyên liệu chế biến cao an xoa, huyện Cam Lộ đã triển khai trồng thử nghiệm 3,5 héc-ta cây an xoa tại xã Cam Thành, Cam Nghĩa và Cam Hiếu. Nếu thuận lợi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất cao dược liệu ổn định để xuất khẩu theo nhu cầu của đối tác. Kế hoạch năm 2021, huyện Cam Lộ triển khai mở rộng diện tích cây an xoa nguyên liệu với quy mô 50 héc-ta và chế biến, xuất khẩu cao an xoa với sản lượng dự kiến 1 - 2 tấn/tháng. Cây dược liệu - hướng đi mũi nhọn

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Cam Lộ xác định phát triển cây dược liệu thành hướng đi mũi nhọn. Trong đó, tập trung sản xuất chuyên canh vùng nguyên liệu tập trung. Trước mắt, huyện đã phát triển được khoảng 200 héc-ta cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến cao dược liệu trên địa bàn, tạo sản phẩm đặc trưng riêng có của địa phương, xây dựng sản phẩm OCOP. Thời gian tới, Cam Lộ sẽ tập trung mở rộng vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên thị trường trong và ngoài nước. Địa phương cũng đang phấn đấu trở thành trung tâm chế biến, sản xuất cây dược liệu của tỉnh Quảng Trị.

Những năm qua, huyện đã tập trung nguồn lực khai thác tiềm năng đất đai và kinh nghiệm trong thâm canh để phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến. Đã hình thành các chuỗi giá trị sản xuất theo chương trình OCOP gắn với thương hiệu địa phương. Sản phẩm cao dược liệu chế biến, tinh dầu lạc, hồ tiêu, cao su mủ cốm… của Cam Lộ đã vươn ra thị trường lớn, vào siêu thị, đạt nhiều giải thưởng về chất lượng.

Thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế của cây dược liệu đem lại cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác trên một diện tích đất canh tác. Theo khảo sát, mỗi năm cây cà gai leo cho thu hoạch 2 - 3 lứa, năng suất khô đạt 20 - 24 tạ/héc-ta, thu nhập 160 - 200 triệu đồng/héc-ta, lãi 100 - 130 triệu đồng/héc-ta; cây chè vằng mỗi năm thu hoạch 2 - 3 lứa, năng suất đạt 90 tạ/héc-ta, doanh thu 135 triệu đồng/héc-ta; sâm Bố Chính năng suất 40 tạ/héc-ta, giá bán 50.000 đồng/kg củ tươi, sau khi trừ chi phí lãi 140 triệu đồng/héc-ta... Hiện nay, các loại cây dược liệu như chè vằng, cà gai leo, an xoa... đã có cơ sở chế biến trên địa bàn thu mua, bao tiêu sản phẩm nguyên liệu.

Trong lộ trình xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2023 - 2025, huyện Cam Lộ định hướng sẽ phát triển cây dược liệu thành hướng đi mũi nhọn, sản xuất chuyên canh vùng nguyên liệu tập trung cung cấp cho Làng nghề cao dược liệu Định Sơn và các cơ sở chế biến cao dược liệu trên địa bàn. Huyện cũng chú trọng mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây dược liệu, hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho các loại sản phẩm dược liệu.

Huyện Cam Lộ đề xuất tỉnh Quảng Trị hỗ trợ 3 tỷ đồng để mở rộng diện tích trồng cây an xoa lên 50 héc-ta nhằm phục vụ nguyên liệu chế biến dược liệu xuất khẩu.

Cao Bằng:

Người Sán Chỉ giảm nghèo từ trồng sả

Nam Cao là xã vùng ba đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Địa hình chia cắt, dân cư phân bố rải rác, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thời gian qua, nhiều hộ đồng bào Sán Chỉ nơi đây đã giảm nghèo bền vững từ trồng sả.

Đến nay, toàn xã Nam Cao có hơn 50 hộ trồng sả. Bà con tự góp vốn đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng 2 lò chưng cất tinh dầu. Năm 2019, cả xã bán ra thị trường hơn 1.000 kg tinh dầu, thu về trên 500 triệu đồng, hộ nhiều nhất đạt thu nhập trên 60 triệu đồng, các hộ khác thu nhập trung bình từ 25 - 35 triệu đồng.

Sả là loại cây dễ trồng, không kén đất, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, phù hợp với đất dốc, khô cằn. Khâu trồng, chăm sóc đơn giản, không cần phun thuốc bảo vệ thực vật, không cần bón phân, giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với trồng ngô, lúa. Từ khi trồng đến thu hoạch chỉ 3 tháng và được khai thác  từ 5 - 7 năm. Một năm cho thu hoạch 6 lứa sả, mỗi lứa cách nhau khoảng 40 - 50 ngày nên tinh dầu sả có thể xuất bán liên tục quanh năm. Trung bình một nồi chưng cất 1 tấn lá trong khoảng 4 - 6 giờ thu được 10 - 12 kg tinh dầu. Ngoài ra, lá sả sau khi đã tách tinh dầu được bà con dùng đun thay củi và dùng làm phân hữu cơ bón ngô, lúa, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất.

Mô hình trồng sả lấy tinh dầu đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, phù hợp với chủ trương của huyện trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Năm 2020, huyện Bảo Lâm đã hỗ trợ trên 400 triệu đồng cho 2 xã Nam Cao, Nam Quang mua giống sả, mỗi xã trồng thêm 20 héc-ta sả Java để lấy lá chưng cất tinh dầu. Thời gian tới, mục tiêu của huyện là đưa cây sả trở thành cây trồng mũi nhọn, hỗ trợ bà con nhân rộng mô hình, mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Đắk Nông:

Bơ tiêu thụ chậm

Hiện nay, người trồng bơ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang bước vào mùa thu hoạch. Mùa bơ năm nay, năng suất và giá đều giảm, tiêu thụ chậm đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Hiện giá bơ trên thị trường dao động khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg. Do năng suất và giá giảm mạnh nên mỗi cây bơ chỉ thu về được khoảng 1 triệu đồng, quá thấp so với thời kỳ được giá.

Không chỉ nông dân, giá bơ lên xuống thất thường khiến nhiều tư thương trên địa bàn tỉnh cũng lao đao. Những năm trước, trung bình mỗi ngày tư thương xuất bán khoảng 4 - 5 tấn bơ các loại sang các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan... Thế nhưng, năm nay do ảnh hưởng của Covid-19 nên các nước hạn chế nhập khẩu bơ. Vì vậy, bơ đầu mùa khó tiêu thụ, lượng bơ xuất khẩu giảm xuống còn 1/4 so với trước. Tuy nhiên, đáng lo ngại là tình trạng giá bơ tiếp tục giảm mạnh nên người dân đã thu hái khi chưa đủ độ già. Điều này làm cho chất lượng bơ không bảo đảm, ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ.

Thời gian qua, việc tiêu thụ bơ của nông dân Đắk Nông chủ yếu là bán tươi. Trong khi đó, bơ là loại quả có thời gian bảo quản ngắn, dễ bị hư hỏng. Trước diễn biến không mấy thuận lợi của thị trường, ngành chức năng đã khuyến cáo người dân cần cân nhắc khi phát triển loại cây trồng này. Trong đó, bà con nên tập trung đầu tư phát triển chất lượng cho sản phẩm bơ thay vì tiếp tục mở rộng diện tích một cách ồ ạt. Năm 2020, diện tích bơ đạt mức 4.383 héc-ta, sản lượng 18.992 tấn. Năm 2021, dự báo diện tích cây bơ trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng, đạt mức 4.535 héc-ta, sản lượng khoảng 24.945 tấn.

Phú Hòa - Phú Yên:

Bí ngô không tiêu thụ được

Bí ngô ở xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên đang vào mùa thu hoạch nhưng hàng trăm tấn chất đống vì bán không ai mua. Nhiều người chặt bí nấu cho bò. Cách đây một tháng, giá bí còn ở mức 8.000 - 10.000 đồng/kg, thương lái đến tận ruộng để thu mua, người trồng có lãi cao. Thế nhưng, hơn một tuần qua, giá bí rớt xuống chỉ còn 1.200 - 2.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không vận chuyển đi xa được. Thực tế cho thấy, bà con nông dân trồng bí tự phát, chạy theo thị trường nên đối mặt với bài toán được mùa, mất giá, được giá, mất mùa. Đặc biệt, do dịch bệnh nên thương lái không thu mua khiến sản phẩm bị tồn đọng.

Kim Bôi - Hòa Bình:

Giá bí xanh giảm

Dọc tuyến đường nội đồng tại thôn Bôi Cả, xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, bí xanh chất đống chờ tư thương đến thu mua. Những ngày đầu tháng 5, giá bí xanh sụt giảm, loại đẹp chỉ bán được giá 2.000 - 3.000 đồng/kg, 1.000 - 1.500 đồng/kg đối với bí xanh chất lượng kém hơn. Hiện nhiều diện tích đã đến kỳ thu hoạch nhưng tư thương đến thu mua cũng ít hơn so với trước đây. Trong khi đó, mọi năm, tư thương thu mua bí xanh với giá dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, nếu giảm xuống 7.000 - 8.000 đồng/kg nông dân vẫn có lãi. Theo thống kê, toàn huyện Kim Bôi có trên 400 héc-ta bí xanh. Nếu giá thành ổn định, 1 héc-ta có thể thu về trên dưới 200 triệu đồng. Từ trước đến nay, việc tiêu thụ bí xanh chủ yếu do người dân và tư thương tự thỏa thuận, không có hợp đồng, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Do đó, giá thành bí xanh lên xuống thất thường, không ổn định. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá bí xanh giảm do nguồn cung vượt cầu, nông sản gặp khó trong việc tiêu thụ, giá thành bấp bênh. Dịch Covid-19 ít nhiều tác động đến nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, tư thương thu mua bí xanh cũng gặp khó khăn do các chuỗi cung ứng cho nhà hàng, khu du lịch bị đứt gãy…

Bình Định:

Giá hành củ giảm sâu

Hành từng là cây làm giàu của nông dân nhiều địa phương ở tỉnh Bình Định nhưng hiện nay, cả hành tím lẫn hành hương đều giảm giá khiến nông dân khốn đốn. Những ngày này, nông dân ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát - địa phương được ví là “thủ phủ” của cây hành ở tỉnh Bình Định đang như ngồi trên đống lửa bởi hành củ giảm giá mạnh. Theo người trồng hành ở đây, hiện giá củ hành tím, hành hương dao động chỉ 5.000 - 7.000 đồng/kg nhưng vẫn không tiêu thụ được. Vào thời điểm này năm trước, hành củ loại tốt được phơi khô có giá đến 40.000 - 50.000 đồng/kg thì năm nay lúc cao giá nhất cũng chỉ 20.000 - 25.000 đồng/kg, thậm chí dưới 10.000 đồng/kg. Đã vậy, khi mua thương lái lựa rất kỹ, hành xấu dù giá có rẻ đến mấy thương lái cũng không thu mua. Trong vụ đông xuân 2020 – 2021, nông dân Phù Mỹ sản xuất 144 héc-ta hành hương để lấy củ khô. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, thêm vào đó trình độ thâm canh của nông dân được nâng cao nên năng suất hành năm nay đạt đến 105 tạ/héc-ta, tăng hơn vụ đông xuân năm trước 25 tạ/héc-ta.

Ớt rớt giá

Tại các vựa ớt huyện Phù Mỹ và một số huyện trung du, miền núi Bình Định, người dân đang trong giai đoạn thu hoạch ớt. Năm nay, điều kiện thời tiết thuận lợi nên ớt cho quả sai hơn mọi năm, người dân thu hoạch cùng một lúc nên giá cả giảm sâu. Tại huyện Phù Mỹ, các thương lái đang thu mua ớt với giá chỉ còn 3.000 - 5.000 đồng/kg đối với ớt chỉ thiên (giá đầu mùa 15.000 đồng/kg), thậm chí nhiều vựa ớt không tìm được thương lái để bán. Nhiều hộ có diện tích ớt nhiều đành bỏ ớt chín rụng ngoài đồng vì không đủ tiền để thuê nhân công hái. Theo số liệu chưa chính thức, diện tích trồng ớt toàn huyện Phù Mỹ năm nay khoảng 1.262 héc-ta (tăng 30 héc-ta so với năm ngoái). Năm nay, ớt đạt năng suất rất cao, từ 1 - 1,5 tấn/sào (500m2).

Tuyên Quang:

Cảnh báo tình trạng cây chuối tây phát triển “nóng”

Thời gian qua, chuối tây được đánh giá là cây trồng mang hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân Tuyên Quang. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô diện tích và phát triển loại cây trồng này cần được cân nhắc.

Những năm gần đây, chuối tây đã trở thành cây trồng có giá trị kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt chuối tây là cây trồng có tiềm năng xuất khẩu. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích một cách ồ ạt khiến cây chuối tây gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ cũng như phát sinh dịch bệnh nếu không kiểm soát tốt. Người trồng chuối luôn phải đối mặt với tình trạng giá cả bấp bênh. Thậm chí có thời điểm, chuối giảm giá mạnh chỉ còn chưa đầy 2.000 đồng/kg. Nếu không thực hiện tốt việc kết nối tiêu thụ, dự báo trong vụ tới, người dân sẽ phá bỏ nhiều diện tích đất trồng chuối tây để chuyển đổi sang cây trồng khác.

Một thực tế dễ nhận thấy, đó là thị trường tiêu thụ chính của sản phẩm chuối quả của tỉnh Tuyên Quang và các địa phương khác trong cả nước là chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Bởi thế khi thị trường Trung Quốc đóng băng, người trồng chuối gặp không ít khó khăn. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang, từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, thị trường tiêu thụ khó khăn, sản phẩm chuối quả tiêu thụ chậm, giá bán giảm. Do vậy, nhiều vườn đã bỏ không chăm sóc, không thu hoạch cùng với đó một số diện tích chuối trồng nhiều năm nên đã già cỗi.

Để cây chuối tây phát triển ổn định, bền vững theo đúng quy hoạch, kế hoạch và định hướng phát triển, thời gian tới, Tuyên Quang sẽ tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc chuối theo đúng kỹ thuật. Các địa phương cần chủ động đưa cây chuối vào kế hoạch sản xuất của địa phương; thành lập các tổ nhóm, hợp tác xã liên kết trồng, tiêu thụ chuối. Cùng với đó, các địa phương cần xây dựng mô hình sản xuất, thâm canh gắn với cấp mã số vùng trồng, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, truy xuất nguồn gốc để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

An Giang:

Bắt giữ hơn 2.400 bao thuốc lá ngoại nhập lậu

Đầu tháng 5/2021, lực lượng liên ngành chống buôn lậu trên tuyến biên giới tỉnh An Giang thuộc tổ Châu Đốc đã phát hiện và bắt giữ  số lượng lớn thuốc lá ngoại do các đối tượng đai vác bỏ lại khi phát hiện lực lượng chức năng  tại khu vực cánh đồng, thuộc khóm Vĩnh Chánh 3, phường Vĩnh Ngươn, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Các đối tượng đã bỏ lại tang vật và chạy thoát thân. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ trong các bọc đen gồm 2.430 bao thuốc lá ngoại nhiều nhãn hiệu. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ tang vật tiếp tục xác minh làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.

Hà Giang:

Phát hiện thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng

Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Cục QLTT Hà Giang đã phát hiện gần 4.000 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật đã hết hạn sử dụng tại một cơ sở kinh doanh. Các sản phẩm hết hạn sử dụng gồm: Thuốc trừ cỏ, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ sâu. Đội đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc chủ cơ sở trả lại nơi sản xuất hoặc nhà phân phối để thực hiện xử lý theo quy định.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 9 cũng đã tổ chức tiêu hủy hơn 1,6 tấn lúa giống không hóa đơn chứng từ. Đây là giống lúa do Trung Quốc sản xuất, không có giấy tờ nhập khẩu, chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang đã lập biên bản, tịch thu số hàng trên, đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính và thành lập Hội đồng tiêu hủy tang vật vi phạm.

HÀNG VIỆT

Kon Tum:

Liên tiếp khai trương các cửa hàng OCOP

Xác định OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền có lợi thế so sánh, có giá trị kinh tế thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, thời gian qua Kon Tum luôn chú trọng việc phát triển các cửa hàng, trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP.

Đầu tháng 5/2021, huyện Đắk Hà đã tổ chức khai trương Trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp sạch tại thôn 5, xã Hà Mòn. Trung tâm được xây dựng trên cơ sở cải tạo, nâng cấp trụ sở Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Đắk Hà cũ nằm trên Quốc lộ 14. Bên cạnh các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, Trung tâm có khuôn viên bán cà phê Đắk Hà cho khách tới tham quan và thưởng thức đặc sản địa phương. Tại Trung tâm đã giới thiệu, quảng bá 143 sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong và ngoài tỉnh. Trong đó có 48 sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3 đến 4 sao và các sản phẩm nông nghiệp sạch, dược liệu của các chủ thể trên địa bàn tỉnh sản xuất như: Rượu sâm Ngọc Linh, Sâm dây Ngọc Linh, Yến sào Kon Tum, Cà phê Đắk Hà, gạo thơm Đắk La… Trung tâm đi vào hoạt động góp phần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đối với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, tạo điều kiện cho các đơn vị, chủ thể sản xuất trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP. Đồng thời, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ sản xuất, tìm kiếm hợp đồng, hợp tác liên doanh và phát triển thị trường.

Cuối tháng 4/2021, tại Resort Đắk Ke Măng Đen (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông), Công ty CP Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Khánh Dương Măng Đen phối hợp với Công ty TNHH Yến Sào Kon Tum tổ chức Lễ khai trương Cửa hàng bán, giới thiệu các sản phẩm OCOP và đặc sản Tây Nguyên. Cửa hàng nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP tới người dân và du khách khi đến nghỉ dưỡng tại Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen. Đồng thời, thực hiện kế hoạch mỗi huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh xây dựng 1 điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP trong năm 2021. Các chủ thể tham gia chương trình OCOP đã chủ động kết nối, phối hợp với Công ty CP Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Khánh Dương Măng Đen xây dựng Cửa hàng bán, giới thiệu các sản phẩm OCOP và đặc sản Tây Nguyên. Cửa hàng có tổng diện tích sàn hơn 100m2, trưng bày 108 sản phẩm OCOP (đạt hạng 3 sao, 4 sao) và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của 69 chủ thể, doanh nghiệp. Với việc khai trương cửa hàng bán, giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản Tây Nguyên đầu tiên tại Măng Đen, các sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ có thêm cơ hội được nhiều người tiêu dùng biết tới. Qua đó, góp phần thúc đẩy việc sản xuất, kinh doanh, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của địa phương.  

Trước đó, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương tỉnh Kon Tum) đã đưa vào khai thác điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại số 339, đường Phan Chu Trinh, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum. Tại điểm trưng bày này, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại tỉnh giới thiệu và bày bán 106 sản phẩm OCOP và công nghiệp nông thôn tiêu biểu (96 sản phẩm trong tỉnh, 10 sản phẩm ngoài tỉnh) của 48 nhà cung cấp. Hiện tại, toàn tỉnh Kon Tum có 88 sản phẩm OCOP (trong đó có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao) đều được trưng bày, giới thiệu và bày bán tại đây. Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP với nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn vì sức khỏe của người tiêu dùng. Đây cũng là hoạt động xúc tiến thương mại địa phương nằm trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” với mục đích tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP. Đồng thời, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ sản xuất, tìm kiếm hợp đồng, hợp tác liên doanh và phát triển thị trường. Như vậy, tính đến nay, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại tỉnh Kon Tum đã mở được 2 điểm trưng bày, giới thiệu và bày bán sản phẩm OCOP của tỉnh. Điểm đầu tiên được khai trương vào đầu năm 2021, đặt tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh (số 70, đường Lê Hồng Phong, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum).