Thông tin thị trường giá cả số 23/2020

02:45 PM 03/06/2020 |   Lượt xem: 3560 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Ia Grai (Gia Lai): Liên kết sản xuất điều hữu cơ

Điều là cây trồng mang lại giá trị xuất khẩu hàng hóa cao trong những năm gần đây. Một hướng đi mới trong nâng cao giá trị cho cây điều là liên kết sản xuất sạch, trồng điều hữu cơ để xuất khẩu.

Canh tác điều theo hướng tự nhiên

Hiện nay, đa phần vùng điều nguyên liệu ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đều do bà con dân tộc thiểu số canh tác theo hướng tự nhiên. Đây là điều kiện cần thiết để làm chứng nhận điều hữu cơ cho cây điều Ia Grai.

Để nâng cao giá trị kinh tế, gia tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng điều của địa phương, từ cuối tháng 4 đến nay, Hợp tác xã (HTX) Mật ong Phương Di Ia Grai đã phối hợp cùng chính quyền và 133 nông hộ ở 2 xã Ia Chía, Ia O thực hiện dự án liên kết trồng điều hữu cơ trên diện tích gần 370 héc-ta. Bước đầu, HTX tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các nông hộ chuyển đổi quy trình canh tác cây điều theo tiêu chuẩn của Mỹ (USDA) và EU. Tham gia dự án, bà con được tập huấn kỹ thuật chăm sóc điều theo tiêu chuẩn hữu cơ, tuân thủ nghiêm quy trình, không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và phân hóa học.

Xã Ia O hiện có hơn 1.235 héc-ta điều. Đây là loại cây trồng chủ lực của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, chính quyền địa phương rất ủng hộ việc chuyển đổi quy trình canh tác cây điều theo tiêu chuẩn hữu cơ. Nếu làm được, thu nhập của bà con sẽ được nâng cao. Với vai trò đầu mối liên kết với HTX Mật ong Phương Di Ia Grai, xã Ia O đã thành lập tổ liên kết gồm 63 hộ trồng 170 héc-ta điều. Các hộ này tham gia làm thành viên HTX, được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, bao tiêu sản phẩm…

Xây dựng chứng nhận sản xuất điều hữu cơ

Với quyết tâm của HTX cùng với bà con, chắc chắn trong năm nay sẽ có một phần diện tích điều hữu cơ được chứng nhận. Những năm tới, vùng điều hữu cơ sẽ được mở rộng. Thông qua hoạt động khảo sát tại vùng nguyên liệu, trao đổi trực tiếp với nông hộ tham gia dự án thuộc 2 xã Ia Chía và Ia O, các cán bộ kỹ thuật của HTX Mật ong Phương Di Ia Grai cho biết, thay đổi thói quen canh tác không phải là quá khó khăn. Lâu nay, đồng bào dân tộc thiểu số có thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong trồng trọt. Do vậy, việc chuyển sang canh tác điều theo tiêu chuẩn hữu cơ sẽ tránh được những tác hại của ô nhiễm môi trường. Song song với việc hỗ trợ bà con chuyển đổi quy trình sản xuất, HTX đang tìm kiếm, ưu tiên lựa chọn diện tích điều được đồng bào dân tộc thiểu số canh tác theo xu hướng thuần tự nhiên để làm các mẫu kiểm tra, gửi các phòng thí nghiệm nước ngoài kiểm nghiệm. Nếu diễn tiến thuận lợi thì đến cuối năm nay hoặc đầu năm sau, HTX sẽ có chứng nhận vườn điều nguyên liệu hữu cơ cho một số diện tích.

Xây dựng chứng nhận sản xuất điều hữu cơ là bước đi cần thiết để phát huy lợi thế của vùng nguyên liệu điều Ia Grai. Gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững, HTX đã liên kết với đầu mối doanh nghiệp, sẵn sàng bao tiêu khoảng 2.000 tấn điều/vụ của vùng nguyên liệu ở xã Ia O và Ia Chía.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai, toàn huyện hiện có khoảng 5.755 héc-ta điều, tập trung ở 6 xã phía Tây gồm: Ia O, Ia Chía, Ia Tô, Ia Krai, Ia Khai, Ia Grăng. Sản lượng hàng năm khoảng 7.000 - 8.000 tấn, năng suất bình quân 1,4 - 1,5 tấn/héc-ta. Nếu được chăm sóc tốt, điều có thể đạt năng suất 2 - 3,5 tấn/héc-ta. Những năm gần đây, loại cây trồng chủ lực này đang được địa phương tập trung phát triển, nhất là xây dựng vùng điều nguyên liệu hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị nhằm mang lại thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc.

Minh Hóa (Quảng Bình): Lạc được mùa, được giá

Minh Hóa là 1 huyện miền núi của tỉnh Quảng Bình. Đây là vùng đất đỏ bazan, phù hợp với các giống lạc. Vụ lạc năm nay, bà con huyện miền núi phấn khởi vì lạc được mùa, được giá.

Vùng “5 hóa” của huyện Minh Hóa (cách gọi của 5 xã vùng cao: Hóa Thanh, Hóa Phúc, Hóa Tiến, Hóa Hợp, Hóa Sơn) đang vào vụ thu hoạch lạc. Vụ này, lạc bội thu, giá bán cao khiến bà con thêm phần phấn khởi. Ngay từ đầu vụ, nhằm hỗ trợ bà con, một số xã đã phân bổ nguồn vốn dự án 135, 30a hỗ trợ bà con mua những giống lạc có chất lượng cao, triển khai công tác khuyến nông, chỉ đạo bà con sản xuất đúng lịch thời vụ và chăm sóc lạc đúng quy trình kỹ thuật.

Theo Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa, vụ này toàn huyện trồng gần 770 héc-ta lạc. Trong suốt thời gian gieo trồng đến lúc thu hoạch, thời tiết khá thuận lợi nên cây lạc nẩy mầm, sinh trưởng và phát triển tốt. Thực tế từ đồng ruộng, năng suất bình quân của cây lạc đạt 23 tạ/héc-ta (tăng 0,5 tạ/héc-ta so với vụ đông xuân năm ngoái). Nhiều địa phương có năng suất lạc vượt lên trên 25 tạ/héc-ta. Ước tính, tổng sản lượng vụ lạc này ở Minh Hóa đạt hơn 1.800 tấn củ.

Hiện nay, thương lái đến tận ruộng thu mua lạc với giá từ 12.000 - 13.000 đồng/kg lạc tươi, tăng 5.000 đồng so với năm ngoái. Ước tính, bà con lãi 50 triệu đồng/héc-ta. Nhiều năm qua, trên địa bàn huyện Minh Hóa có Công ty Diến Hồng thu mua lạc cho bà con để sản xuất dầu lạc nguyên chất. Vụ lạc năm nay, công ty đã thu mua gần 1.000 tấn, giá 12.000 đồng/kg lạc tươi. Ngoài xuất khẩu lạc nhân, công ty còn đưa vào sản xuất dầu lạc nguyên chất. Mỗi năm, công ty đưa ra thị trường từ 2.500 - 3.000 lít dầu lạc chất lượng cao.

Lào Cai: Phát triển đàn ngựa theo hướng hàng hóa

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đồng bào phát triển mô hình chăn nuôi, huyện Bát Xát đã triển khai Đề án “Mở rộng, phát triển chăn nuôi đại gia súc giai đoạn 2018 - 2020” với dự án phát triển đàn ngựa theo hướng hàng hóa tại một số xã: Sàng Ma Sáo, Ngải Thầu, Cốc Mỳ và A Lù.

Sau một thời gian triển khai, dự án nuôi ngựa đã đạt được kết quả tích cực, đàn vật nuôi bắt đầu sinh sản và phát triển tốt, bà con cũng dần thay đổi cách thức chăn nuôi. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ ưu đãi của huyện, bản thân các địa phương cũng tích cực tuyên truyền, vận động từng hộ dân tham gia dự án.

Dự án “Phát triển đàn ngựa hàng hóa” của huyện Bát Xát có kinh phí hỗ trợ hơn 1,4 tỷ đồng. Mỗi hộ tham gia dự án được hỗ trợ vay 170 triệu đồng không lãi suất trong 3 năm để mua 10 con ngựa. Các hộ còn được huyện hỗ trợ vật liệu xây dựng chuồng nuôi. Dự án đã thu hút hàng chục hộ ở các xã Sàng Ma Sáo, Cốc Mỳ, Ngải Thầu tham gia.

Huyện Bát Xát hiện có đàn ngựa gần 2.000 con, tăng gần gấp đôi so với 3 năm trước. Từ đó có thể khẳng định, con ngựa phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện Bát Xát và mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. So với các loại gia súc khác như trâu, bò… thì ngựa có những ưu điểm vượt trội. Ngựa không những ăn cỏ mà ăn tinh bột vẫn phát triển rất tốt, phù hợp với điều kiện chăm sóc của người dân địa phương, nhất là vào mùa đông. Hơn nữa, giống ngựa thuần chủng ở Bát Xát rất khỏe, ít bị bệnh, nuôi nhanh lớn, thịt ngon nên được thị trường ưa chuộng. Bước đầu đánh giá việc nuôi ngựa của nông dân Bát Xát đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống người dân. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, mở rộng và phát triển đàn ngựa.

Quảng Bình: Giá lúa cuối vụ tăng

Quảng Bình đã cơ bản thu hoạch xong vụ lúa đông xuân 2019 - 2020. Hiện giá lúa một nắng đạt đến 6,6 triệu đồng/tấn vào cuối vụ đông xuân khiến bà con nhà nông phấn khởi. Từ đầu vụ, lúa được thương lái mua với giá 6 triệu đồng/tấn lúa 1 nắng (tức là lúa gặt vào được phơi 1 ngày nắng) đối với lúa nhóm giống cũ như VN 20, Khang dân 18, lúa lai, X21… Lúa này dùng để chế biến bún, bánh, nấu rượu hay phục vụ chăn nuôi. Giá lúa nhóm giống mới dùng để ăn có giá trên 7 triệu đồng/tấn. Giá lúa năm ngoái lần lượt là 5 triệu đồng/tấn và lúa ăn giá trên 6 triệu đồng/tấn. Từ trung tuần tháng 5 đến nay, dù giá lúa trên thị trường tăng đáng kể nhưng lượng lúa bán ra không còn nhiều. Nông dân Quảng Bình cơ bản thu hoạch đến đâu là bán đến đó bởi không có nhà nào đủ diện tích, có kho để chứa trữ lúa. Bà con chỉ để dành vài sào ruộng gieo cấy lúa để ăn dần trong năm.

Sở NN- PTNT Quảng Bình đang chỉ đạo các địa phương đôn đốc bà con khẩn trương thu hoạch hết lúa ở những trà chậm theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, chủ động chuẩn bị tốt điều kiện về giống, vật tư, phân bón để triển khai gieo trồng vụ hè thu.

Tây Nguyên:  Giá tiêu tiếp tục tăng

Giá hồ tiêu tại các vùng trọng điểm tiếp tục tăng từ 2.000 – 3.000 đồng/kg, kéo mức giá trung bình toàn vùng lên ngưỡng 50.000 - 52.000 đồng/kg. Cụ thể: Giá tiêu tại Đắk Nông và Đắk Lắk đạt mức 51.500 đồng/kg; tại các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 52.500 đồng/kg; Bình Phước đạt 52.000 đồng/kg. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người trồng tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, giá hạt tiêu có khả năng sẽ phục hồi trong 6 tháng cuối năm khi cung – cầu trở về mức cân bằng. Đồng thời, chất lượng hạt tiêu tăng lên và chi phí nhân công tăng cũng sẽ góp phần hỗ trợ giá hạt tiêu.

Quảng Bình: Được mùa ngô

Huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đang vào vụ thu hoạch ngô. Được mùa, được giá nên nông dân có lãi khá. Vụ đông xuân năm nay, toàn huyện gieo trồng gần 1.100 héc-ta ngô, năng suất bình quân đạt 64,3 tạ/héc-ta. Từ đầu vụ, thời tiết thuận lợi và người dân tích cực đầu tư chăm bón nên cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt.

Tranh thủ thời tiết nắng nóng, bà con nông dân đã huy động nhân lực để thu hoạch nhanh. Hiện giá thu mua ngô tại Tuyên Hóa khoảng 6,5 triệu đồng/tấn. Sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi trên 30 triệu đồng/héc-ta. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chuyển đổi một số diện tích trồng lúa, cây màu kém hiệu quả sang cây ngô. Lựa chọn các giống ngô chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt, thân to, bộ rễ chắc khỏe để có năng suất cao, tăng thu nhập cho bà con.

Hà Tĩnh: Mực được giá

Tuần qua, ngư dân cửa biển Hà Tĩnh phấn khởi vì trúng đậm mực biển. Càng phấn khởi hơn khi mực đầu mùa được giá, mỗi chuyến ra khơi cho thu nhập hàng triệu đồng. Bến cảng Xuân Hội tấp nập tàu thuyền vào ra, bà con ngư dân chuyền tay nhau từng rổ mực tươi ngon, hối hả mang lên bến bán cho thương lái. Mỗi chuyến đánh bắt mực của ngư dân Xuân Hội thường xuất phát từ 4 giờ sáng và cập bến vào lúc 14 - 15 giờ chiều cùng ngày. mỗi chuyến, ngư dân có thể thu về từ 4 - 7,5 triệu đồng. mực ống tươi được tư thương mua với giá 200 - 250.000 đồng/kg, mực nang giá dao động từ 100 - 150.000 đồng/kg. So với các loại hải sản khác, mực là loại có giá ổn định nhất. Với thời tiết thuận lợi như hiện nay, bà con hy vọng sẽ tiếp tục thắng lớn trong các chuyến biển tiếp theo.

Thanh Hóa: Trồng sâm báo thu lãi khá

Sâm báo là loài sâm trước kia chỉ mọc ở núi Báo làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Qua thời gian, những gốc sâm báo tự nhiên bị khai thác dần cạn kiệt. Gần đây, tỉnh Thanh Hóa và Tập đoàn TRISO GROUP đã chú trọng nhân giống, bảo tồn nhằm phục hồi loại sâm quý này.

Hiện nay, cây sâm báo trồng tại xã Vĩnh Hùng cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, khoai, lạc... Vì vậy, bà con nơi đây đã đua nhau chuyển đổi cây trồng, đầu tư giống, đi học hỏi kỹ thuật để mở rộng diện tích trồng. So với cây hoa màu khác, cây sâm báo trồng rất khó, hay mắc sâu bệnh, nhưng bù lại giá trị kinh tế cao. Nếu thời tiết “ủng hộ” và trừ mọi chi phí thì 1 sào thu lời khoảng 50 triệu đồng/năm.

Để phát triển cây sâm báo, cuối năm 2018, Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án phát triển cây sâm báo ở xã Vĩnh Hùng và giao cho Công ty Cổ phần Dược liệu Triệu Sơn (trực thuộc Tập đoàn TRISO GROUP). Đây là dự án có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch ở địa phương. Năm 2019, Công ty Cổ phần Dược liệu Triệu Sơn đã trồng được 2,5 héc-ta sâm báo. Với năng suất đạt 3 tấn/héc-ta, thu hoạch được 7,5 tấn, theo giá bán bình quân trên thị trường là 150.000 đồng/kg sâm tươi, doanh thu đạt 1 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn chế biến các sản phẩm như: Nước ép bổ dưỡng, trà sâm báo, rượu sâm báo… Dự án còn tạo điều kiện thu hút các lao động ở địa phương với thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Dược liệu Triệu Sơn còn đẩy mạnh hợp tác, liên kết, hỗ trợ đầu tư giống, phân bón và một phần tài chính cho bà con tham gia dự án. Sản phẩm sau thu hoạch cũng được công ty bao tiêu toàn bộ. Đây là yếu tố quan trọng giúp bà con yên tâm mở rộng diện tích.

Sâm báo trước kia là đặc sản để “tiến vua” do nó có vị ngọt nhạt, tính bình, vào kinh tỳ phế có nhiều tác dụng như: Bổ mát, nhuận phế, dưỡng tâm, sinh tâm dịch, trị ho, sốt nóng, phổi yếu... Thân, lá, củ của cây sâm báo dùng để ngâm rượu, tán thành bột pha nước uống trực tiếp rất tốt cho sức khỏe.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Long An: Kiểm soát đường mòn, lối mở trên biên giới

Long An có đường biên giới tiếp giáp Campuchia dài gần 133 km. Thời gian qua, mặc dù các cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên biên giới được kiểm soát chặt chẽ nhưng các đối tượng buôn lậu vẫn lợi dụng từng kẽ hở để hoạt động.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An, mặt hàng buôn lậu những tháng đầu năm 2020 chủ yếu là thuốc lá, đường cát, khẩu trang y tế. Các đối tượng thường lợi dụng đêm tối để lén lút đưa hàng lậu qua biên giới, sau đó sử dụng ôtô vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Quý I/2020, các lực lượng của tỉnh phát hiện 276 vụ kinh doanh, vận chuyển hàng lậu; thu giữ hơn 601.000 gói thuốc lá ngoại; gần 37 tấn đường cát; 93 xe gắn máy và 31 xe ôtô phục vụ vận chuyển hàng lậu. So với cùng kỳ năm trước, số vụ buôn lậu giảm 35 vụ, nhưng mặt hàng thuốc lá lậu thu giữ tăng gần 90.000 gói. Riêng trong tháng 4/2020, các cửa khẩu đều đóng cửa, nhiều chốt kiểm soát được thành lập trên biên giới nhưng do chênh lệch giá mặt hàng thuốc lá tăng cao nên các đối tượng vẫn tìm cách vận chuyển hàng từ bên kia biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ.

Đặc biệt, trong thời gian qua, lực lượng bộ đội biên phòng Long An đã tích cực chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới. Nhiều tổ, chốt đã được lập ra dọc tuyến biên giới. Các lực lượng cũng được tăng cường nhằm kiểm soát, ngăn chặn người qua lại, xâm nhập biên giới trái phép, đồng thời, phòng, chống buôn lậu. Quyết tâm đặt ra là phát hiện, ngăn chặn kịp thời xâm nhập biên giới trái phép và kiên quyết không để tội phạm, hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân biên giới. Bởi các đối tượng đầu nậu thường không ra mặt mà lợi dụng người dân biên giới, nhất là người già và trẻ em tham gia vận chuyển hàng hóa.         

HÀNG VIỆT

Bình Định: Phát triển OCOP theo chuỗi giá trị

Trọng tâm của Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bình Định là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Trong đó, xây dựng Ðiểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và phát triển OCOP gắn với du lịch là 2 lĩnh vực mà tỉnh tập trung triển khai trong thời gian tới.

Xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP

Theo đó, OCOP gồm nhiều dự án, như: Dự án phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP; Dự án một số vùng sản xuất, dịch vụ nông thôn trọng điểm; Dự án Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại các vùng trọng điểm. Trong đó, xây dựng Điểm giới thiệu - bán sản phẩm OCOP là một trong những nội dung mà Sở Công Thương sẽ tập trung triển khai. Ðây không chỉ là mô hình văn minh, hiện đại, mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá đặc sản Bình Ðịnh. Bởi thế, không những sản phẩm phải đạt các tiêu chí về chất lượng (sản phẩm OCOP phải thuộc Danh mục sản phẩm trong kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP; thuộc Danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh; là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đồng thời, phải có nhãn hàng, bao bì và ghi rõ xuất xứ của sản phẩm; phải có mã số, mã vạch giúp truy xuất các thông tin cơ bản) mà điểm giới thiệu - bán sản phẩm cũng phải đạt tiêu chí về trưng bày, bán hàng. Trên cơ sở những quy định về tiêu chí và hướng dẫn của Bộ Công Thương, Sở Công Thương đã phối hợp với một số sở, ngành chức năng lên kế hoạch xây dựng Điểm giới thiệu - bán sản phẩm OCOP. Cụ thể, trong năm 2019 chọn một điểm tại Big C Quy Nhơn - Trung tâm Thương mại và Dịch vụ Kim Cúc. Năm 2020 sẽ xây dựng 3 - 5 điểm tại các huyện, thị xã trong tỉnh. Sở cũng tiến hành chọn một số sản phẩm của tỉnh đạt danh hiệu “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” cấp tỉnh, cấp khu vực và sản phẩm đặc trưng của tỉnh (trừ sản phẩm cơ khí và sản phẩm thủ công mỹ nghệ) để trưng bày tại Điểm giới thiệu - bán sản phẩm OCOP. Dự kiến đó sẽ là các sản phẩm đã có thương hiệu, như: Rượu Bàu Đá, bún Song Thằn, bánh ít lá gai, nem Chợ Huyện, nước mắm Như Hoa, tinh dầu dừa Ngọc An, nước tương Magic…

Phát triển OCOP gắn với du lịch

Ðặc biệt, để tăng giá trị cho sản phẩm OCOP, nhiều địa phương ở Bình Định đã chọn phương án phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch. Điển hình là huyện Tây Sơn - địa phương có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Trong quá trình triển khai OCOP, huyện Tây Sơn đã chú trọng công tác đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch; phát triển sản phẩm du lịch mới. Cùng với đó, huyện kết hợp phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương. Đến nay, huyện Tây Sơn có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP gồm: Rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (thị trấn Phú Phong), rượu đậu xanh (xã Bình Tường) và bánh ít lá gai (xã Tây Bình). Đối với sản phẩm rượu đậu xanh xã Tây Phú nếu được công nhận thương hiệu, ngoài việc hình thành làng nghề nấu rượu đậu xanh, sẽ hình thành vùng nguyên liệu trồng đậu xanh để phục vụ cho việc nấu rượu. Du khách khi đến với Tây Sơn không chỉ được thưởng thức rượu mà còn được tham quan những cánh đồng đậu xanh canh tác an toàn. Với rượu đậu xanh và bánh ít lá gai phát triển thành sản phẩm để du khách mua làm quà. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng huyện hỗ trợ HTX, hộ sản xuất sản phẩm OCOP kỹ thuật, chú trọng thiết kế bao bì, nhãn mác.

Đề án phát triển du lịch 4 huyện phía Bắc tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt đã mở hướng giúp các địa phương chọn ra các mô hình phù hợp để phát triển du lịch. Nhạy bén đón đầu cơ hội này, UBND huyện Hoài Ân đã quy hoạch và phát triển các cây trồng thế mạnh; xây dựng các vùng trồng cây ăn trái quy mô lớn hướng tới việc hình thành mô hình du lịch nhà vườn tại địa phương. Từng bước định hình phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái bền vững. Ðồng thời, tích cực hỗ trợ người dân kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao giá trị cho sản phẩm, tạo điểm dừng chân du lịch sinh thái nông nghiệp trong tour - tuyến về các huyện phía Bắc tỉnh. Năm 2019, Hoài Ân có 3 sản phẩm OCOP gồm: Trà Gò Loi, bưởi Hoài Ân và nem chả Ngọc Liễu. Năm nay huyện Hoài Ân làm hồ sơ công nhận thêm 4 sản phẩm OCOP, đang chờ kết quả đánh giá.