Thông tin thị trường giá cả số 24/2020

10:27 AM 10/06/2020 |   Lượt xem: 4048 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Vải thiều “rộng đường” thông thương

Vải thiều Bắc Giang từ nhiều năm qua đã là thương hiệu trái cây nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để tiêu thụ được hết sản lượng vải năm 2020 với giá bán tốt nhất, tỉnh Bắc Giang đã chủ động tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua vải.

“Mở” cho doanh nghiệp

Theo ước tính, năm nay, sản lượng vải của tỉnh Bắc Giang đạt khoảng 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Bắc Giang hiện có 15.000 héc-ta diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 218.000 héc-ta sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, được Mỹ cấp mã số IRADS. Cùng với đó, 19 mã vùng trồng vải thiều được cơ quan chức năng Nhật Bản chấp thuận; 149 mã vùng trồng và 288 cơ sở đóng gói được cơ quan chức năng Trung Quốc chấp thuận... Quả vải thiều Bắc Giang đang được bảo hộ ở gần 10 quốc gia và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới; được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.

Để “rộng đường” cho trái vải đến với thị trường trong và ngoài nước, Bắc Giang cam kết đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, thương nhân đến giám sát thu mua, tiêu thụ vải thiều - nhất là các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài; tuyệt đối không để xảy ra sự cố về thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến tiêu thụ vải thiều. Ngay từ đầu tháng 5, UBND tỉnh Bắc Giang đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và Cục Quản lý xuất nhập cảnh tạo điều kiện cho phép thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào địa bàn thu mua vải thiều, đồng thời, triển khai các phương án cách ly, phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt, an toàn theo đúng quy định.

Song song với đó, Bắc Giang yêu cầu các đơn vị có liên quan chuẩn bị đủ nguồn vốn, tạo thuận lợi về thủ tục vay vốn, gửi tiền, chuyển tiền cho lưu thông, mua bán, xuất khẩu vải thiều. Chuẩn bị chu đáo nguồn điện sản xuất; các kho, bãi tập kết phương tiện vận tải; các điểm cân vải thiều tập trung, dịch vụ môi trường...

Cân đối giữa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu

Ngoài thị trường lâu năm là Trung Quốc, mùa vải năm 2020, tỉnh Bắc Giang tiếp tục chiến lược xuất khẩu vào các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia, Thái Lan, Singapore...

Sau những lo lắng về dịch bệnh COVID-19, đến nay, việc tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang đã có những tín hiệu tốt khi có hơn 300 doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài đã đăng ký nhập cảnh để khảo sát, thu mua vải thiều. “Như vậy có thể nhận định, việc tiêu thụ vải giữa thị trường xuất khẩu - nội địa đến nay là 50-50 và cũng cơ bản như các năm trước” – ông Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang – cho biết.

Bên cạnh đó, với tốc độ tăng trưởng và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, ông Trần Quang Tấn – Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang tin tưởng “Cùng với xuất khẩu thì thị trường nội địa với gần 100 triệu dân chính là thị trường lớn để tiêu thụ vải thiều”. Thực tế, các chuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều của Sở Công Thương Bắc Giang tại thị trường miền Trung, miền Nam, kết nối với các tỉnh để đưa vải thiều vào các chợ đầu mối, hệ thống bán lẻ, siêu thị đã cho thấy kết quả rõ rệt. Đến nay, đã có nhiều tập đoàn phân phối lớn tại Việt Nam như: Big C, Coopmart… đã đến Bắc Giang thu mua vải. Cuối tháng 5, đầu tháng 6, vải chín sớm ở Bắc Giang tiêu thụ khá thuận lợi, giá bán ở mức cao, trung bình 30.000 - 35.000 đồng/kg. Nhiều hộ trồng vải là đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Tân Yên (Bắc Giang)… đã có được nguồn thu đáng kể từ trái vải.

Mới đây, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) vừa ký hợp đồng bao tiêu hơn 100 tấn vải thiều trên diện tích hơn 10 héc-ta cho người dân tại các xã Tân Sơn, Nam Dương (Lục Ngạn) và Phúc Hòa (Tân Yên) để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (thành phố Bắc Giang) ký hợp đồng thu mua 700 tấn vải tươi của hai hợp tác xã trên địa bàn huyện Lục Ngạn để chế biến vải thiều xuất khẩu… Đây thực sự là những tín hiệu tốt lành, dự báo một mùa vải thiều ngọt ngào với hàng nghìn hộ trồng vải thiều ở Bắc Giang.

Quảng Bình: Người Khùa, người Mày nuôi ong lấy mật

Từ nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, 2 xã biên giới Dân Hóa và Trọng Hóa của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ mua con giống, tập huấn kỹ thuật để đồng bào người Khùa, người Mày phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Ngay từ vụ mật ong nuôi đầu tiên, nhiều hộ đã có thu nhập khá, bà con rất vui “cái bụng”.

Tại xã Dân Hóa, bà con người Khùa, người Mày bắt đầu nuôi ong lấy mật từ năm 2019. Đến nay, trên địa bàn xã đã phát triển được trên 500 đàn ong với 105 hộ nuôi. Mặc dù lần đầu tiên tiếp cận với nghề nuôi ong lấy mật nhưng nhờ được tập huấn kỹ càng nên bà con dần nắm vững kỹ thuật nuôi và biết cách nhân giống đàn ong mật. Từ trước đến nay, bà con chủ yếu khai thác mật ong rừng nên đây được xem là một bước tiến của đồng bào, góp phần không nhỏ trong lộ trình giảm nghèo bền vững của xã.

Tương tự, ở xã Trọng Hóa, đã có 25 hộ nuôi với 125 đàn ong. Bắt đầu thu hoạch từ tháng 3/2020, trung bình mỗi tháng bà con trên địa bàn xã Trọng Hóa thu được trên 100 lít mật. Nhờ diện tích rừng tự nhiên lớn, nhiều loại hoa rừng nên chất lượng mật ong nuôi của bà con rất bảo đảm, không thua kém gì mật ong rừng. Hiện mật ong nuôi được bà con bán với giá 170.000 đồng/lít, thấp hơn nhiều so với giá mật ong rừng. Tuy vậy, bà con ai cũng rất vui vì họ đã có nghề cho thu nhập ổn định, lâu dài. Hiện nay, Trọng Hóa tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ bà con phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Ngoài việc hỗ trợ vốn, thời gian tới, xã sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn để bà con tham gia, học hỏi kỹ thuật chăm sóc cũng như những định hướng cho quá trình phát triển lâu dài.

Tuy nhiên, để nghề nuôi ong ở Minh Hóa phát triển bền vững, thị trường tiêu thụ của sản phẩm vẫn đang là “bài toán” khó giải. Nhiều địa phương trên địa bàn huyện Minh Hóa đều có lợi thế về đồi núi đều phát triển nghề nuôi ong lấy mật nhưng không có thị trường tiêu thụ. Hầu hết các hộ nuôi ong đều bán lẻ qua các mối quen giới thiệu mà không có thị trường ổn định. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là liên kết, xây dựng kênh tiêu thụ ổn định, giúp bà con yên tâm với nghề nuôi ong lấy mật.

Gia Lai: Sản lượng mía cây giảm mạnh

Thời điểm hiện tại, Gia Lai đã kết thúc vụ ép mía 2020 trong nỗi lo lớn, khi sản lượng mía cây chỉ đạt một nửa so những năm trước.

Là tỉnh có diện tích mía lớn nhất ở khu vực Tây Nguyên nhưng những năm gần đây, mía liên tục mất mùa mất giá, hiệu quả kinh tế thấp. Tình trạng này khiến người trồng mía đang nghĩ đến việc chuyển đổi sang cây trồng khác. Vụ mùa 2020 này, diện tích mía tại Gia Lai tiếp tục giảm vì nhiều nông dân thua lỗ, sang trồng cây khác, trong khi rất ít người xuống giống vụ mới. Nguyên nhân chủ yếu do năng suất mía giảm mạnh. Mấy vụ gần đây, do nắng hạn, năng suất mía chỉ phổ biến dưới 50 tấn/héc-ta. Vụ mía 2020, với năng suất bình quân 25 – 30 tấn/héc-ta, giá trị kinh tế của mía giảm mạnh. Vì vậy, An Khê khuyến cáo bà con, trong thời gian tới, những diện tích nào đảm bảo được nước tưới bà con nên chuyển sang những cây trồng mới như rau, cây ăn trái, cây dược liệu.

Trên thực tế, cây mía gặp khó liên tiếp trong 3 vụ vừa qua do tác động kép của hạn hán và thị trường. Đến vụ ép 2020, giá đường phục hồi, giá mía lên tới 850.000 đồng/tấn thì vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến chỉ còn hơn 22.000 héc-ta, 25% trong số đó quá xấu, không cho thu hoạch. Sản lượng mía cây toàn niên vụ giảm tới 50%. Để giá trị kinh tế của cây mía được đảm bảo, buộc phải tổ chức lại sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, cơ giới hóa. Tuy nhiên, việc này đang gặp vướng mắc không dễ giải quyết. Đó là diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ và đồi núi nên chưa có sự quyết liệt phối hợp của địa phương với nhà máy; chưa quy hoạch rõ từng vùng, từng xã để xây dựng cánh đồng lớn. Doanh nghiệp muốn cùng nông dân sản xuất lớn tập trung nhưng địa phương khuyến cáo chuyển đổi cây trồng, đưa diện tích thuận lợi về nước tưới sang trồng các loại cây khác, khiến vùng mía bị xé vụn.

Bình Phước:  Xây dựng vùng chuyên canh cây ca cao

Bộ NN-PTNT có chủ trương xây dựng và phát triển vùng chuyên canh cây ca cao tại tỉnh Bình Phước. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có hơn 15.000 héc-ta cây ca cao trồng xen dưới tán các loại cây khác. Tỉnh phấn đấu cuối năm 2020, diện tích ca cao xen điều đạt từ 20.000 - 30.000 héc-ta và có khoảng 60.000 héc-ta đủ nước để trồng xen ca cao. Tại huyện Bù Đăng có 59.000 héc-ta điều thì 1/3 diện tích điều già cỗi được các hộ dân tận dụng trồng ca cao và hiện nay với 1.000 gốc ca cao, giá hạt là 60.000 - 65.000 đồng/kg, nhiều hộ thu lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Mô hình trồng xen ca cao dưới tán điều đang mở ra hướng đi mới cho người nông dân tại các khu vực có diện tích điều già cỗi kém năng suất, giúp tăng thu nhập, ổn định sản xuất, tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá mít Thái và xoài giảm mạnh

Các nhà vườn ở Đồng Tháp cho biết, mít Thái loại 1 hiện giá thu mua tại vườn chỉ ở mức 6.000 - 8.000 đồng/kg, mít loại 2 giảm còn 4.000 - 5.000 đồng/kg, trong khi trước đó giá dao động từ 15.000 - 18.000 đồng/kg. Tại An Giang, giá mít chỉ còn vài ngàn đồng mỗi cân như hiện nay thì các nhà vườn đang đối diện với tình trạng thua lỗ. Hiện nhiều nhà vườn trồng mít Thái phải cắt bỏ những trái mít non bởi giá mít xuống quá thấp, mặt khác là để phục hồi cây và chờ khi giá mít tăng mới cho ra trái. Nguyên nhân do đang mùa hè nên lượng mít tiêu thụ tại thị trường nội địa khá thấp, hàng xuất khẩu cũng hạn chế. Do đó, những ngày này các đại lý cũng mua cầm chừng, khách sỉ đặt hàng mới dám tới các nhà vườn cắt mít.

Cũng giống như mít Thái, giá xoài ở miền Tây giảm mạnh. Hiện giá thương lái thu mua tại các nhà vườn chỉ còn 1.000 - 4.500 đồng/kg. Với giá này, mỗi công xoài sau khi thu hoạch nhà vườn lỗ khoảng 6 triệu đồng. Thậm chí, số tiền lỗ còn nhiều hơn khi một số nhà vườn phải đổ bỏ xoài do ế ẩm. Riêng một số hộ trồng xoài VietGAP có ký kết hợp tác nên giá bán tương đối ổn định khoảng 5.000 - 5.500 đồng/kg.

Trà Vinh: Giá chôm chôm giảm sâu

Hiện giá chôm chôm ở cù lao Tân Qui, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh giảm sâu, chỉ bằng một nửa so với trước đây nhưng rất khó bán vì kém chất lượng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do vườn chôm chôm bị ảnh hưởng hạn mặn và hiện tượng sương muối. Nếu như chỉ có hạn mặn thì nhà vườn có thể chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại. Nhưng với hiện tượng sương muối làm cho chôm chôm rụng trái, cháy lá và cây bị chết dần. Còn những vườn chôm chôm không bị chết, cho trái nhỏ, vị chua cũng không thể bán được. Nhiều vườn, trái vẫn ra quả nhưng xấu, giá chỉ 5.000 – 6.000 đồng/kg mà không có người mua.

Toàn cù lao Tân Qui có khoảng 250 héc-ta cây ăn trái bị ảnh hưởng hạn mặn, chủ yếu là cây chôm chôm. Vườn chôm chôm thiệt hại với mức độ khác nhau nhưng phần lớn đều mất trắng vì không bán được. Hiện nay, địa phương đã cử cán bộ đến thẩm định, lập xong danh sách số hộ, số diện tích vườn cây ăn trái bị thiệt hại và đang niêm yết công khai để bà con tự kiểm tra, tránh sai sót trong việc hỗ trợ sau này.

Lào Cai: Tinh dầu sả bán chạy

Những năm qua, nông dân xã Mường Vi, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng sả để chiết xuất tinh dầu. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây sả cũng cho thu hoạch cao hơn những cây trồng truyền thống như ngô, lúa, sắn…

Theo tính toán, 1 tấn lá sả tươi chiết suất được khoảng 3 lít tinh dầu sả. Khoảng 2,5 tháng là nông dân thu hoạch một vụ lá sả, như vậy 1 năm có thể thu từ 4 – 5 vụ lá. Theo ước tính, mỗi vụ có thể thu hoạch 7 – 8 tấn lá sả/héc-ta, tương đương khoảng 20 – 25 lít tinh dầu sả/héc-ta/vụ. Hiện giá bán tinh dầu sả tại Mường Vi khoảng 1 triệu đồng/lít. Như vậy, bà con đã có nguồn thu nhập tương đổi ổn định từ tinh dầu sả. Quan trọng hơn cả là sản phẩm sản xuất ra được các công ty, các cơ sở sản xuất dược liệu thu mua ngay với giá cao.

Lạng Sơn: Giá ớt giảm mạnh

Ngay đầu vụ thu hoạch, giá ớt tại Lạng Sơn đã giảm mạnh, chỉ bằng 1/5 năm ngoái khiến bà con lo lắng. Bởi cây ớt được xác định là cây trồng hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở các vùng nông thôn.

Cuối tháng 5, nắng như đổ lửa, trên những thửa ruộng ở hai huyện Chi Lăng và Lộc Bình, bà con bắt đầu thu hái ớt chín đầu mùa bán cho thương lái. Đầu năm mưa lớn kéo dài ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây ớt. Ngay từ đầu vụ, giá ớt loại 1 (ớt xuất khẩu) mới được 20.000 đồng/kg, còn loại 2 (tiêu thụ nội địa) chỉ bán được 7.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá ớt thời điểm này năm ngoái là 70.000 - 100.000 đồng/kg. Với giá này, hầu hết bà con trồng ớt đều lỗ. Nguyên nhân khiến giá giảm là do phía Trung Quốc hạn chế thu mua trong bối cảnh dịch bệnh. Trong khi đó, năm nay, diện tích trồng ớt tăng cao, sản lượng dồi dào khiến cung vượt cầu.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn, năm 2020, diện tích gieo trồng ớt toàn tỉnh cao nhất từ trước đến nay với 1.389 héc-ta, tăng gần 620 héc-ta so với năm 2019. Riêng huyện Chi Lăng có diện tích trồng ớt là 826 héc-ta, tăng 326 héc-ta so với năm 2019, huyện Lộc Bình 298 héc-ta, tăng trên 100 héc-ta. Ngay từ đầu vụ gieo trồng, địa phương đã khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích nhưng người dân vẫn ồ ạt trồng.

Thực tế, ớt là loại cây không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc và phân bón, thu hoạch kéo dài trong hai tháng với giá trị kinh tế khá cao. Vì vậy, nhiều hộ nông dân đã tập trung trồng ớt, đưa ớt trở thành cây chủ lực trong vụ sản xuất đông xuân. Ngay từ năm ngoái, nhiều huyện đã mở rộng diện tích trồng ớt với nhiều loại giống mới để đáp ứng nhu cầu thị trường, như: Ớt chia tai, ớt tân nông, ớt chỉ thiên, ớt kim, ớt đồng tiền vàng… Trên địa bàn huyện Chi Lăng đã hình thành vùng chuyên canh cây ớt theo hướng sản xuất hàng hóa. Địa phương cũng chủ động quảng bá, giới thiệu tiềm năng về cây ớt của huyện đến những doanh nghiệp chế biến thực phẩm, xuất nhập khẩu lớn để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Hà Giang: Cao điểm kiểm tra hàng hóa tại chợ phiên

Đợt ra quân này, Cục QLTT Hà Giang mở cao điểm kiểm tra các mặt hàng thực phẩm đóng gói sẵn, thuốc bảo vệ thực phẩm, các mặt hàng giả, nhái tại các chợ phiên vùng sâu, vùng xa, biên giới…

Trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý các đối tượng hoạt động kinh doanh tại các chợ có dấu hiệu kinh doanh hàng giả, thực phẩm bao gói sẵn, thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng ghi trên nhãn bao bì, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…; kiểm tra hàng hóa của các đối tượng vận chuyển từ vùng dưới lên phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của bà con.

Thông thường, chợ phiên là nơi bà con mua bán, trao đổi hàng hóa do mình tự sản xuất như: Nông sản, nông cụ sản xuất, các sản phẩm vải lanh truyền thống, đồ ăn, thức uống, trang sức, thảo dược. Đồng bào các dân tộc đưa hàng hóa về bán và gần như không nói thách giá, không có chuyện ép mua, ép bán. Lợi dụng các phiên chợ, các đối tượng thường trà trộn để bán hàng giả, hàng nhái với giá cao. Thời gian tới, Cục QLTT Hà Giang tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong vận chuyển, sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Trong đó, tập trung vào nhóm các mặt hàng tiêu dùng như: Rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm các loại, thuốc tân dược, thiết bị y tế, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nắm chắc diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, siêu thị, chợ trung tâm, khu vực tập kết hàng hóa, kho bãi,… Phối hợp quản lý chặt chẽ  các hoạt động tại khu vực cửa khẩu, chợ cửa khẩu, chợ biên giới về hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới; những mặt hàng có nhu cầu sử dụng lớn, có thương hiệu nổi tiếng dễ bị làm giả… Qua đó, làm tốt công tác dự báo, làm rõ phương thức, rút ra các quy luật hoạt động của đối tượng; đề ra các phương án xử trí kịp thời và các tình huống có thể xảy ra.

HÀNG VIỆT

Điện Biên: Đưa bánh khẩu xén thành sản phẩm hàng hóa

Từ một loại bánh truyền thống làm từ gạo và sắn, bánh khẩu xén của bà con dân tộc Thái thị xã Mường Lay (Điện Biên) đã được phát triển thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng. Đây cũng là sản phẩm được hỗ trợ thành sản phẩm OCOP của địa phương.

Từ một loại bánhtruyền thống…

Bánh khẩu xén là loại bánh truyền thống của đồng bào dân tộc Thái Trắng tại thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên. Trước đây, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, khắp các bản làng rộn vang tiếng chày giã, máy xay nguyên liệu. Đi dọc các dãy nhà tái định cư là những dàn phơi bánh với đủ màu sắc từ đỏ của bánh gấc đến tím của bánh nếp cẩm, trắng của bánh gạo nếp nương. Những năm gần đây, bánh khẩu xén được tiêu thụ quanh năm, mang lại cho bà con nguồn thu nhập ổn định. Sản phẩm còn được mang đi giới thiệu tại các hội chợ nông sản của tỉnh và khu vực.

Nguyên liệu sản xuất bánh gồm có gạo nếp nương, nếp cẩm, nếp tăm, sắn củ được lấy từ chính ruộng, nương của đồng bào. Các loại nguyên liệu sau khi nấu chín sẽ được cho vào máy nghiền nhỏ rồi được trộn với bột tự nhiên làm từ gấc và các loại lá rừng để tạo màu. Bánh có bốn màu chính là: Màu trắng từ gạo, đỏ từ gấc, vàng của bánh sắn và màu tím của nếp cẩm. Tùy vào nhu cầu và khẩu vị của người sử dụng mà bà con có thể cho thêm đường, sữa. Sau đó, hỗn hợp sẽ được cán mỏng, phơi khô tự nhiên và cắt theo những khuôn hình nhất định. Tuy nhiên, khi đã có nguyên liệu, để làm ra được bánh khẩu xén lại phải thực hiện nhiều công đoạn khác nhau. Gạo nếp được sàng sảy kỹ, ngâm vài tiếng cho mềm, sau đó đưa vào chõ đồ lên thành xôi. Sau khi để xôi nguội, bà con cho vào cối gỗ để giã nhuyễn như bánh giầy. Cuộc sống phát triển, hiện nhiều gia đình đã đầu tư máy nghiền chạy bằng điện nên khâu làm nhuyễn bánh đã nhanh hơn rất nhiều. Tiếp đó, thứ nguyên liệu dẻo quánh này được đưa lên bàn gỗ có các tấm nylon lót bên dưới. Các mẹ, các chị dùng một ống tre cán thành những miếng tròn như những chiếc bánh đa lớn, nhưng mỏng hơn nhiều, rồi đem để lên những chiếc giá nhiều tầng phơi cho se đi. Tiếp theo là công đoạn cắt tạo hình và phơi khẩu xén đến khi khô hẳn.

Nếu làm bánh khẩu xén từ sắn tốn nhiều công hơn, nhưng rất được ưa chuộng do hương vị đậm đà và thơm bùi hơn các loại khác. Muốn bánh ngon, phải dùng sắn truyền thống của người Thái, trồng từ tháng 2 đến tháng 9 hoặc tháng 10 âm lịch. Chính vùng ngã ba sông nước kết hợp với rừng núi đã tạo nên khí hậu và chất đất sơn thủy, làm cho củ sắn ở Mường Lay ngon, ngọt, bùi và nhiều tinh bột hơn. Sắn tươi bỏ vỏ, rửa sạch được nạo thành sợi nhỏ, đồ chín và cho vào máy xay nhuyễn với đường, sữa. Sau đó, hỗn hợp sắn được cán mỏng, phơi khô.

… đến sản phẩm hàng hóa

Nhằm hỗ trợ đồng bào phát triển sản phẩm truyền thống, mang tính thị trường cao, Công ty Safe Green đã cùng với Hội phụ nữ Thị xã Mường Lay thành lập câu lạc bộ sản xuất bánh khẩu xén tại bản Bắc 2, xã Nay Lưa. Địa phương cũng quan tâm, hỗ trợ máy móc cho câu lạc bộ. Mỗi hội viên sẽ được hỗ trợ tới 70% giá trị của máy nghiền bột và sắt làm dàn phơi bánh. Vào mùa sản xuất mỗi ngày 1 hội viên có thể làm từ 10 - 15 kg bánh, giá bán tại nhà dao động từ 27.000 - 45.000 đồng/kg tùy vào loại bánh. Thu nhập từ làm bánh của các hội viên trung bình từ 30 - 35 triệu/vụ bánh.

Do đặc điểm sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên nên người tiêu dùng tại các thị trường như Điện Biên, Hà Nội, Thái Bình… tiêu thụ bánh khá nhiều. Sản phẩm bánh thường được các tư thương đặt trước về số lượng và chất lượng bánh (lượng đường, sữa bổ sung vào bột bánh). Các hội viên sản xuất và gửi trực tiếp theo xe khách về xuôi hoặc thông qua tư thương tại chợ trung tâm Thị xã Mường Lay. Để đảm bảo nguồn cung ổn định và lâu dài, hiện Công ty Safe Green đang tiến hành thảo luận và mong muốn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài với câu lạc bộ.

Với sự ủng hộ, hỗ trợ từ chính quyền địa phương cùng với nhu cầu tiêu thụ đang ngày càng gia tăng của thị trường, sản xuất bánh khẩu xén theo chuỗi sẽ là hướng phát triển sinh kế mới cho đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Trong đó, không thể thiếu vai trò của các hợp tác xã trong liên kết và tiêu thụ sản phẩm.