Thông tin thị trường giá cả số 25/2020

10:17 AM 22/06/2020 |   Lượt xem: 3499 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Thừa Thiên Huế: Ðặc sắc phiên chợ vùng cao A Lưới

Phiên chợ vùng cao là hoạt động góp phần xúc tiến, đẩy mạnh tiêu thụ các đặc sản địa phương nhằm khuyến khích, phát triển sản xuất nông nghiệp chất lượng cao ở huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua đó, tạo đầu ra, giúp người dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập.

Phiên chợ vùng cao “Nơi hội tụ các đặc sản” A Lưới được tổ chức định kỳ 3 tháng một lần, chủ yếu vào dịp cuối tuần, các đợt lễ, Tết để nhiều người dân và du khách có thể tham dự.

Chị Nguyễn Thị Mai đến từ TP. Huế cho biết: Đã nhiều năm nay, mỗi lần lên A Lưới chị đều tìm mua các sản phẩm đặc sản của đồng bào, nhất là trong dịp diễn ra phiên chợ thế này. Bởi theo chị, sản vật ở đây rất phong phú. Mật ong rừng A Lưới nguyên chất có hương vị đặc trưng, thơm ngon, bổ dưỡng; thịt bò A Lưới thường có mùi thơm, ngọt và mềm... Do đó, không chỉ mua đủ cho gia đình dùng, lần này chị Mai mua khá nhiều 2 loại đặc sản này để làm quà cho người thân, bạn bè. Chị Hồ Thị Tối - Chủ gian hàng nông sản, đặc sản đến từ xã Quảng Nhâm giới thiệu thêm, tất cả sản phẩm đều được thu mua từ các cơ sở sản xuất rau an toàn ở thị trấn A Lưới và các xã Sơn Thủy, A Ngo, Hồng Thủy… Các hộ sản xuất cung ứng sản phẩm với thu nhập bình quân 250.000 đồng/ngày/vườn, có hộ đạt 500.000 – 600.000 đồng/ngày, nhờ đó thu nhập của bà con khá lên rất nhiều.

Ông Phan Duy Khanh – Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Các đơn vị, cá nhân tham gia Phiên chợ vùng cao đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, chất lượng, hình thức; các sản phẩm trưng bày và bán có tính đặc sắc về văn hóa các dân tộc của địa phương mình sinh sống, bảo đảm yếu tố truyền thống, là đặc sản của các dân tộc trên địa bàn huyện… “Phiên chợ vùng cao là hoạt động góp phần xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ mua bán các đặc sản địa phương nhằm khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp chất lượng cao ở huyện miền núi này. Qua đó, tạo đầu ra, giúp người dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập. Ngoài ra cũng kết hợp quảng bá, giới thiệu nét đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người, ẩm thực A Lưới… thu hút du khách, phát triển du lịch địa phương” - ông Khanh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: Phiên chợ đặc sản A Lưới là hoạt động mang tính chất thường xuyên, nhằm xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường đưa sản phẩm nông sản, đặc sản, thủ công mỹ nghệ và giới thiệu về văn hóa, du lịch, ẩm thực đặc sắc của các đồng bào dân tộc huyện A Lưới. Qua đó, khơi dậy ý thức trách nhiệm, sự chủ động vào cuộc trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của người dân; tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, giáo dục thế hệ trẻ, nhất là các em học sinh trong việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc và các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn huyện; tạo khí thế thi đua, đoàn kết trong học tập, lao động, sản xuất của cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới.

Thu hoạch vải thiều chính vụ

Vải thiều Lục Ngạn đã bước vào chính vụ nên bà con nông dân dậy rất sớm, từ 3 - 4 giờ sáng, để thu hoạch vải kịp giao hàng cho thương lái đổ buôn đi khắp các miền. Theo kinh nghiệm của bà con, vải hái vào thời điểm sáng sớm sẽ giữ cho quả vải tươi ngọt nước và vỏ không bị khô, khi cân ít bị hao. Công việc hái vải, buộc bó chủ yếu là chị em phụ nữ còn đàn ông phụ trách đóng vải vào sọt để đem bán.

Từ sáng sớm, con đường dẫn đến chợ vải thiều Lục Ngạn đã đông đúc, náo nhiệt. Hàng trăm phương tiện nối đuôi nhau nhập vải thiều và hàng nghìn phương tiện xe máy của nông dân chở vải đến đổ buôn cho thương lái. Dọc hai bên đường, hàng trăm điểm cân đang hoạt động hết công suất. Người cân vải, người tính tiền, người đứng chuyển vải từ sọt ra... Ai nấy đều tất bật, luôn chân luôn tay trong khi xe chở vải của nông dân xếp hàng dài chờ cân theo thứ tự.

So với thời điểm đầu mùa, giá vải hiện nay giảm gần một nửa. Cụ thể: Giá vải Thanh Hà trồng trên đất Lục Ngạn loại 1 (ngày10/6) bán cho các thương lái từ 25.000 – 30.000 đồng/kg (đầu mùa giá 40.000 – 45.000 đồng/kg); vải u hồng, u trứng đầu mùa giá trên 30.000 đồng/kg nay chỉ bán được với giá 17.000 – 18.000 đồng/kg, thậm chí có loại chỉ bán được 14.000 – 15.000 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá vải giảm chủ yếu do yếu tố mùa vụ, cung lớn hơn cầu, bà con thu hoạch nhiều, thương lái mua không hết.

Kon Tum: Giá mủ cao su thấp, năng suất giảm

Hiện nay, một số hộ trồng cao su trên địa bàn tỉnh Kon Tum không muốn khai thác mủ mặc dù đã vào vụ. Nguyên nhân do giá mủ đang ở mức thấp, năng suất giảm.

Năm nay, thời tiết nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh trưởng của cây cao su. Do thiếu nước, lá vàng, tán lá không phát triển như mọi năm khiến năng suất mủ giảm đi đáng kể. Không những vậy, giá mủ cao su trên thị trường thấp hơn so với đầu mùa năm ngoái khiến người dân trồng cao su lo lắng. Hiện giá mủ cao su được thu mua ở mức 220 đồng/độ (năm trước là 290 đồng/độ); mủ chén khô có giá 12.000 đồng/kg và 8.000 đồng/kg đối với mủ đông nước. Với mức giá này cùng với năng suất mủ khai thác đạt thấp như hiện nay, theo tính toán sơ bộ của người trồng cao su, trung bình 1 héc-ta (400 cây) thu được 20 - 25kg mủ/ngày, tương đương 150.000 - 200.000 đồng.

Nếu theo giá thị trường hiện tại, với những hộ gia đình lấy công làm lời thì vẫn còn có thu nhập, còn những hộ gia đình thuê nhân công khai thác chỉ đủ trả công. Các thương lái thu mua mủ cao su cũng gặp khó khăn. Vào những năm trước, thời gian đầu mùa, trung bình một thương lái thu mua khoảng 2 – 2,5 tấn mủ/ngày nhưng bây giờ chỉ hơn 1 tấn/ngày. Nguyên nhân chính là do nắng nóng kéo dài, năng suất mủ còn thấp. Người trồng cao su hy vọng, trong thời gian tới, lượng mưa nhiều hơn giúp cải thiện năng suất mủ cao su khai thác. Bên cạnh đó, thị trường mủ cao su sẽ có diễn biến theo chiều hướng tốt hơn, để người trồng cao su có thêm động lực gắn bó với vườn cây.

Khánh Hòa: Khoai sáp mất mùa

Hiện nay, nhiều hộ trồng khoai sáp tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang thấp thỏm lo thu không đủ bù chi, bởi sức tiêu thụ chậm và giá bán khoai sáp giảm hơn so với các năm trước. Vụ trước, nông dân thu hoạch khoai sáp năng suất đạt từ 1,6 - 1,9 tấn/sào và bán cho thương lái được giá cao, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của hạn hán nên nhiều vườn trồng khoai sáp đến thời kỳ thu hoạch bị tình trạng thối củ và hiện chỉ bán cho thương lái với giá dao động từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, giảm hơn 4.000 đồng/kg so với trước đây. Do giá bán khoai sáp thấp và sức mua giảm nên một số vườn dù đã đến kỳ thu hoạch mà chưa bán được. Ða số các hộ trồng khoai sáp lãi ít hoặc hòa vốn, thậm chí một số hộ bị lỗ.

Vĩnh Châu - Sóc Trăng: Được mùa củ cải trắng

Bà con nông dân Khmer miệt biển thị xã Vĩnh Châu đang bước vào vụ thu hoạch củ cải trắng trên nền đất vụ hành tím với niềm vui được mùa, được giá. Vụ sản xuất năm nay, nông dân Vĩnh Châu đã trồng trên 1.050 héc-ta củ cải, tăng gần 100 héc-ta. Với giá bán 4.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi từ 70 – 90 triệu đồng/héc-ta. Trên thực tế, diện tích củ cải trắng tăng hằng năm do đây là loại cây dễ trồng, ít tốn chi phí, mau cho thu hoạch và không sợ bị thương lái ép giá. Vì sau khi thu hoạch nếu củ cải trắng được giá, người dân sẽ bán ngay, còn nếu giá xuống thấp thì họ đem muối làm xá pấu (củ cải muối). Nhờ vậy mà nguồn thu nhập của người trồng củ cải trắng luôn ở mức cao và ổn định. Nhờ trồng củ cải trắng, không ít hộ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

Năm nay, thời tiết thuận lợi nên củ cải trắng trúng mùa. Vụ củ cải trắng năm nay, nhiều hộ gia đình không bán ngay mà trữ lại làm xá pấu (củ cải muối) để bán vì giá cao hơn bán tươi. Củ cải muối có giá từ 5.000 – 6.000 đồng/kg, nông dân có thể thu lợi nhuận lên tới 10 – 13 triệu đồng/công, thậm chí là 15 triệu đồng/công. Ngoài việc tiêu thụ tại địa phương, xá pấu cũng được các thương lái ở tỉnh An Giang, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh... thu mua.

Bình Thuận: Thu nhập cao từ củ sắn

Vài năm trở lại đây, người dân ở xã Đức Tín, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận đã chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây củ sắn (củ đậu) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện giá bán trung bình dao động từ 3.000 - 5.000 đồng/kg; năng suất 1 sào đạt 4,5 - 5 tấn. Trước đây, bà con nông dân chủ yếu trồng sắn xen canh 1 vụ trên những khu ruộng cao. Nhưng những năm gần đây, do hiệu quả kinh tế mang lại cao, củ sắn đã dần được chuyển đổi thành cây trồng chính, xen canh quanh năm, góp phần giảm nghèo cho địa phương. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, luân canh mùa vụ để nâng cao giá trị, hiệu quả của đất canh tác là một hướng đi đúng. Vì thế, với mô hình trồng cây củ sắn của nông dân xã Đức Tín là yếu tố quan trọng, giúp xã xây dựng và giữ vững tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân.

Cần Thơ: Bí đao bán được giá

Giá bí đao ở huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ hiện là 6.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với thời điểm trước. Tuy nhiên, điều khiến bà con phấn khởi là thương lái đến tận ruộng để thu mua. Với giá này, mỗi công đất trồng bí đao, nông dân có thể kiếm lời từ 5 - 10 triệu đồng/vụ trở lên.

Trồng bí đao tốn ít chi phí và công chăm sóc. Nông dân có thể thực hiện các mô hình trồng bí trên bờ liếp rẫy hoặc trồng trên nền đất ruộng trong mùa khô và cho dây bí bò trên mặt đất hoặc làm giàn cho bí leo để hạn chế trái bí bị các loại sinh vật cắn phá, gây hại. Bí đao trồng khoảng 45 - 50 ngày là bắt đầu cho thu hoạch trái, thời gian thu hoạch trái có thể kéo dài hơn 1,5 tháng. Bí đao trung bình khoảng 2 - 3 trái/kg nên trồng bí đao nhẹ công thu hoạch và trái bí cũng dễ bảo quản, vận chuyển đi xa tiêu thụ.

Mai Sơn - Sơn La: Nhãn VietGAP đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu

Mai Sơn là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 76% dân số toàn huyện. Những năm qua, nhiều hộ đồng bào đã chọn nhãn là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Mai Sơn có diện tích trồng nhãn lớn của tỉnh Sơn La với hơn 2.500 héc-ta, sản lượng ước tính 14.650 tấn. Hiện các vùng trồng nhãn cho năng suất, chất lượng cao của huyện Mai Sơn tập trung ở các xã: Chiềng Mung, Hát Lót, Cò Nòi và thị trấn Hát Lót.

Để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, huyện Mai Sơn đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thực hiện nghiêm quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobaGAP. Đồng thời, tăng cường giám sát, quản lý mã vùng trồng xuất khẩu, đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu nông sản năm 2020.

Do đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, đến nay, huyện có 95 héc-ta nhãn được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I cấp 7 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu với 56 héc-ta. Vụ năm nay sản lượng nhãn đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu ước khoảng 5.200 tấn. Trong đó, dự kiến xuất khẩu khoảng 2.600 tấn nhãn sang thị trường các nước: Mỹ, Trung Quốc, Campuchia, Nhật Bản và các thị trường mới: UAE, Hàn Quốc, Pháp, Ba Lan, Malaysia.

Với những chính sách khuyến khích và hỗ trợ của chính quyền địa phương và nỗ lực của nông dân, vùng trồng nhãn ở Mai Sơn đã trở thành vùng có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Quảng Bình: Cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường

Cục Quản lý thị trường Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020.

Cụ thể, Cục Quản lý thị trường sẽ tiến hành kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ. Nội dung kiểm tra bao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; việc chấp hành quy định của phát luật về hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng hóa theo quy định. Đồng thời, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm.

Kế hoạch nhằm kiểm soát chặt chẽ thị trường, ngăn chặn và phát hiện kịp thời việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng hóa vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, đặc biệt là nhóm hàng nằm trong diện có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ.

Trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19 vừa qua, Cục Quản lý thị trường Quảng Bình đã tăng cường kiểm tra, giám sát các cửa hàng, quầy thuốc có bán thiết bị y tế; kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa; thực hiện niêm yết giá hàng hóa, ngăn chặn tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, ký cam kết đến cơ sở kinh doanh không tăng giá bán đối với mặt hàng khẩu trang y tế, các mặt hàng xát khuẩn; không kinh doanh khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Quý II/2020, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác quản lý thị trường chống buôn lậu, hàng giả và hành vi gian lận thương mại đối với các mặt hàng thuốc lá, xăng dầu và lĩnh vực thương mại điện tử... Triển khai thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm.        

Hàng Việt Quảng Bình: Xây dựng sản phẩm OCOP từ lợi thế địa phương

Đến nay, Quảng Bình đã xếp hạng 59 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP; trong đó, 28 sản phẩm đạt từ 2 đến 4 sao và 31 sản phẩm đạt 1 sao. Hiện Quảng Bình đang xây dựng 189 sản phẩm OCOP có nguồn gốc lợi thế địa phương. Đây chính là điểm mạnh của tỉnh trong quá trình triển khai OCOP.

Để tiềm năng thành hàng hóa

Những sản phẩm này khá phong phú về chủng loại, một số sản phẩm đã bước đầu xây dựng được thương hiệu như: Trà nấm linh chi Tuấn Linh, mật ong Tuyên Hoá, khoai dẻo Hải Ninh, gạo Lệ Thủy, dầu lạc Phong Nha, tiêu Phú Quý, nước mắm Hải Thành, nước khoáng Bang... Đây đều là những sản phẩm, sản vật của địa phương đã quen thuộc với người tiêu dùng trong tỉnh. Tuy nhiên, điểm hạn chế của sản phẩm OCOP Quảng Bình là có nguồn gốc ý tưởng dựa trên sản phẩm truyền thống nên khi đưa ra thị trường lớn ít được biết đến. Khâu bao bì đóng gói và khả năng cạnh tranh chưa được chú trọng nên hàng hóa chủ yếu tiêu thụ tại địa phương.

Chính vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo của chương trình OCOP, Quảng Bình xác định phải khơi dậy sức sáng tạo của người dân để có nhiều sản phẩm thế mạnh của địa phương. Tiếp tục xây dựng hệ thống hỗ trợ phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP từ cấp tỉnh, huyện, đến xã phường. Đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ sản phẩm chưa đạt chuẩn OCOP, nhưng có tiềm năng để phát huy lợi thế về cảnh quan, văn hóa và tính cộng đồng của từng địa phương. Đồng thời, các sản phẩm khi tham gia vào OCOP sẽ nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước theo chính sách phát triển ngành nghề nông thôn, sản phẩm 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại từ cấp quốc gia đến quốc tế. Ngoài ra, Sở Công Thương Quảng Bình cũng chú trọng hỗ trợ cộng đồng tham gia Chương trình OCOP được tiếp cận nguồn vốn khuyến công; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP; tổ chức hội chợ sản phẩm OCOP hoặc lồng ghép đưa sản phẩm OCOP tham gia hội chợ, hoạt động triển lãm trong năm 2020; thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động thương mại đối với hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong, ngoài tỉnh...

15 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Năm nay, Quảng Bình cũng đã chọn 15 sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu gửi tham gia bình chọn cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong số này có nhiều sản phẩm là sản phẩm OCOP có nguồn gốc lợi thế địa phương. Cụ thể, năm 2020, Quảng Bình có 46 sản phẩm, bộ sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Trong đó, huyện Bố Trạch có 12 sản phẩm, huyện Lệ Thủy 10 sản phẩm, TP. Đồng Hới 7 sản phẩm, huyện Quảng Ninh 7 sản phẩm, huyện Quảng Trạch 6 sản phẩm, huyện Minh Hóa 2 sản phẩm, huyện Tuyên Hóa 1 sản phẩm và TX. Ba Đồn 1 sản phẩm. Có 10 sản phẩm nhóm thủ công mỹ nghệ; 27 sản phẩm nhóm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; 2 sản phẩm cơ khí và 7 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm khác. Kết quả có 41/46 sản phẩm đạt các tiêu chí đề ra, được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Trong đó, 15 sản phẩm tiêu biểu được chọn để tham gia bình chọn cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên, gồm: Trà nhân sâm bố chính Tuệ Lâm Luxury; tinh bột sắn Long Giang, bột năng Long Giang; cao nấm linh chi Tuấn Linh; khay đựng trà, khay đựng hoa quả, túi xách đan xiên và kết hoa văn bằng sợi song mây Quảng Phương; rượu trầm hương... Các sản phẩm CNNT tham gia bình chọn năm nay có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt…, thể hiện sự phát triển ngày càng cao của CNNT trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Dù mới triển khai nhưng chương trình OCOP ở Quảng Bình đã có sự tham gia của 26 tổ chức kinh tế, trong đó 22 đơn vị có sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.