Thông tin thị trường giá cả số 29/2021

11:06 AM 16/07/2021 |   Lượt xem: 6534 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Sông Mã - Sơn La:

Chủ động phương án tiêu thụ nhãn

Là huyện miền núi của tỉnh Sơn La, Sông Mã có điều kiện thời tiết, khí hậu để phát triển các sản phẩm hàng hóa nông sản như: Xoài, nhãn, mận… Hơn 1 tháng nữa, Sông Mã sẽ bước vào cao điểm thu hoạch nhãn - một loại cây ăn quả chủ lực. Nhằm hỗ trợ bà con, hiện Sông Mã đã chuẩn bị sẵn các phương án tiêu thụ nhãn.

Điều kiện thời tiết thuận lợi, dự kiến sản lượng nhãn của huyện Sông Mã năm nay ước đạt trên 55.800 tấn, chiếm hơn 55% tổng sản lượng toàn tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ quả nhãn tươi dự báo sẽ khó khăn hơn so với các năm trước. Trước tình hình đó, huyện Sông Mã đã kết hợp cùng các nhà vườn, hợp tác xã (HTX) trồng nhãn chuẩn bị sẵn các phương án tiêu thụ nhãn trên địa bàn. Theo kế hoạch, nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 có chiều hướng giảm, thị trường dần phục hồi, huyện khuyến khích các doanh nghiệp, HTX xuất khẩu quả nhãn tươi. Đồng thời, nâng cao chất lượng thành phẩm và đổi mới bao bì, nhãn mác, đưa sản phẩm nhãn lên sàn giao dịch thương mại Shopee, Sendo… nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm long nhãn đến nhiều người tiêu dùng hơn nữa. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hướng dẫn các HTX, cơ sở chế biến long nhãn trên địa bàn chủ động đầu tư hệ thống kho lạnh để kéo dài thời gian bảo quản nhãn sau khi thu hoạch thêm 2 tháng, đáp ứng việc kéo dài thời vụ làm long nhãn. Năm nay, huyện Sông Mã dự kiến có khoảng 700 cơ sở, hộ gia đình chế biến long nhãn, đủ sức đáp ứng việc thu mua toàn bộ số nhãn trên địa bàn để làm long nhãn.

Với sự  vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở, diện tích, sản lượng nhãn trên địa bàn huyện Sông Mã đã có những bước phát triển nhanh chóng. Nếu như năm 2018 toàn huyện có tổng diện tích chỉ khoảng 6.098 héc-ta, sản lượng 40.000 tấn quả tươi thì đến năm 2021, diện tích nhãn tăng lên 7.284 héc-ta, sản lượng ước đạt trên 55.869 tấn, đưa Sông Mã trở thành vựa nhãn lớn nhất của tỉnh Sơn La.

Từ những hiệu quả tích cực mà cây nhãn mang lại, thời gian qua, Sông Mã đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung nâng cao cải thiện chất lượng sản phẩm nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, tổ chức cấp mã vùng trồng xuất khẩu cho các HTX; mở rộng, kết nối mạng lưới hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm; chủ động phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm quả nhãn, long nhãn, góp phần nâng tầm giá trị của quả nhãn mang thương hiệu Sông Mã trên thị thường trong nước và quốc tế.

Sông Mã hiện là vùng nhãn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu Nhãn Sông Mã và Trung tâm Kiểm dịch thực vật I của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số vùng trồng, cấp mã cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, nhãn Sông Mã đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Australia. Xác định khâu chế biến, tiêu thụ là nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá, tỉnh Sơn La đã thành lập Ban Chỉ đạo về chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Các huyện, thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với nhiều hoạt động, sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản Sơn La. Giờ đây các sản phẩm nông sản đặc trưng của Sơn La như xoài, nhãn, mận... đã được người tiêu dùng trong nước biết đến. Riêng đối với sản phẩm nhãn, tỉnh Sơn La đã thống nhất chủ trương cây ăn quả phát triển đến đâu, HTX phát triển đến đó. Đến nay, tỉnh Sơn La đã có hàng trăm HTX tham gia trồng nhãn theo chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đây chính là cơ sở để sản xuất nhãn không còn manh mún, nhỏ lẻ, thay vào đó là những vùng chuyên canh với quy mô lớn. Không chỉ phát triển các HTX để tạo mối liên kết giữa các hộ trồng nhãn nhỏ lẻ, điều này còn giúp các vùng sản xuất chuyên canh xoài, nhãn… cho sản lượng lớn, đồng đều về chất lượng và khơi dậy sự tự chủ, năng động của người nông dân trong sản xuất nông sản.

Thái Nguyên:

Giá chè búp khô giảm

Thời điểm này đang vào mùa thu hoạch chè chính vụ nhưng do nắng nóng kéo dài, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến chất lượng và đầu ra của sản phẩm chè Thái Nguyên.

Đặc biệt, giá bán chè búp khô đang thấp hơn từ 15 - 20% so với mọi năm khiến người trồng chè lo lắng. Là một trong những vùng chè nổi tiếng, xã Tân Cương hiện có 447 héc-ta với trên 1.300 hộ sản xuất, chế biến chè. Năm nay, giá chè xuống thấp khiến nhiều hộ dân bị giảm nguồn thu. Với giá bán từ 300.000 – 450.000 đồng/kg chè búp khô, trừ chi phí, các hộ trồng chè chỉ hòa vốn. Lý giải về việc chè búp khô chính vụ “rớt” giá, một số hộ sản xuất chè cho rằng, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID -19 nên việc vận chuyển chè đi ngoại tỉnh gặp khó khăn. Các thị trường tiêu thụ chính như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… có số ca mắc cao, nhiều khu vực bị phong tỏa nên việc tiêu thụ tại đây hầu như “đóng băng”.

Dịch bệnh bùng phát, việc tiêu thụ khó khăn lại cộng thêm hiện tượng thời tiết cực đoan kéo dài làm cho chất lượng chè ở một số địa phương giảm. Nắng nóng kéo dài, người làm chè phải đầu tư nước tưới, phân bón… nhiều hơn mọi năm khiến người dân khó càng thêm khó. Tuy vậy, chất lượng chè vẫn giảm. Nắng nóng làm cho cánh chè cứng, nước chè sẽ bị đắng, chát… Chè là cây trồng chủ lực, giúp người dân ở nhiều địa phương xóa nghèo và vươn lên làm giàu. Thời gian qua, giá thu mua ở nhiều nơi giảm đã ảnh hưởng đến đời sống của người trồng chè. Tuy nhiên, đây chỉ là khó khăn tạm thời nên nhiều địa phương đang tích cực tuyên tuyền, động viên bà con không chặt bỏ cây chè để chuyển đổi sang cây trồng khác. Cùng với đó, vận động bà con chăm bón, thu hái, chế biến đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm chè; từng bước hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm chè của bà con khi dịch bệnh tại các tỉnh miền Bắc đã cơ bản được kiểm soát… Đặc biệt, ngành Công Thương đang phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho nông sản Thái Nguyên tại các kênh thương mại trực tiếp và trực tuyến. Trong đó, chè Thái Nguyên là một trong những mặt hàng trọng điểm được quảng bá, giới thiệu đến các doanh nghiệp, thị trường trong và ngoài nước.

Tây Ninh:

Các nhà máy tăng cường thu mua mì

Vụ trồng mì (sắn) năm nay, nông dân Tây Ninh phấn khởi do trúng mùa, được giá. Đáng mừng nhất là mì thu hoạch đến đâu, các nhà máy thu mua ngay, không phải chờ đợi như những năm trước.

Vụ mì năm nay, Tây Ninh trồng mới 39.331 héc-ta mì, năng suất đạt 18 - 25 tấn/héc-ta. Đặc biệt, do thời tiết tương đối thuận lợi nên mì đạt năng suất cao, mang lại lợi nhuận cao cho người trồng. Theo tính toán của người trồng mì, chi phí đầu tư cho 1 héc-ta từ 15 - 20 triệu đồng, với giá 3.000 - 3.400 đồng/kg (tăng từ 200 - 500 đồng/kg so với tháng trước), trừ các khoản chi phí nông dân còn lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng/héc-ta. Đáng mừng nhất là mì thu hoạch đến đâu, các nhà máy thu mua ngay, không phải chờ đợi như những năm trước.

Nguyên nhân khiến giá mì tăng cao là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến mì từ Campuchia nhập khẩu về bị hạn chế. Trong khi nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến mì tăng nên giá thu mua mì tăng cao. Nhờ kỹ thuật thâm canh tốt, củ mì tươi của Tây Ninh có độ trữ bột cao hơn mì của Campuchia. Vì thế lâu nay, giá mì từ Campuchia nhập về tỉnh thường thấp hơn giá mì trồng tại địa phương. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2021, ước khối lượng củ mì đưa vào chế biến khoảng 895.936 tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ, sản xuất được 223.984 tấn bột, trong đó sản xuất công nghiệp là 761.546 tấn củ, với 190.387 tấn bột; cơ sở vừa và nhỏ là 134.390 tấn củ, với 33.597 tấn bột; giá thu mua củ mì tươi dao động từ 3.000 - 3.400 đồng/kg (30 chữ bột) tùy khu vực. 

Cần Thơ:

Giá lúa hè thu có xu hướng giảm nhẹ

Vụ lúa hè thu năm nay năng suất đạt 500 - 650 kg/công, giá bán 5.300 - 5.800 đồng/kg, sau khi trừ chi phí nông dân lãi khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/công. Hiện nay nhiều trà lúa ở các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh đang bước vào thu hoạch rộ. Do dịch bệnh Covid-19 đã phần nào ảnh hướng đến giá lúa trên thị trường, lợi nhuận ít hơn so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù mới bước vào đầu vụ thu hoạch nhưng giá lúa ở Cần Thơ đang có chiều hướng giảm từ 350 - 800 đồng/kg so với giá đặt cọc trước đó (tùy vào từng loại giống). Thậm chí có trường hợp thương lái bỏ cọc không mua do giá lúa giảm. Nhìn chung, sản xuất vụ hè thu năm nay không được thuận lợi như các năm trước do giá cả vật tư tăng cao, nhất là giá phân bón.

Giá heo hơi giảm

Giá heo hơi tuần qua giảm từ 1.000 - 4.000 đồng/kg rải rác trên cả 3 miền. Trong đó, giá thị trường miền Bắc tương đối ổn định và có xu hướng giảm nhẹ ở một số tỉnh: Yên Bái, Nam Định, Thái Bình. Hiện giá heo hơi tại thị trường miền Bắc dao động quanh mức 62.000 - 66.000 đồng/kg. Tại miền Trung và Tây Nguyên giá giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg ở một số tỉnh thành. Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk giảm 2.000 đồng/kg xuống còn 57.000 đồng/kg; Bình Thuận và Khánh Hòa giảm 1.000 đồng/kg, đạt khoảng 61.000 - 62.000 đồng/kg. Giá giảm mạnh nhất ở miền Nam với mức giảm 1.000 - 4.000 đồng/kg. Trong đó, các tỉnh Tiền Giang, Vũng Tàu, Hậu Giang giảm 4.000 đồng/kg xuống còn khoảng 56.000 - 58.000 đồng/kg. Như vậy, giá heo hơi toàn miền Nam dao động quanh ngưỡng 56.000 - 62.000 đồng/kg.

Vĩnh Long:

Xà lách xoong khó tiêu thụ

Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hiện giá thu mua xà lách xoong ở Thuận An (Vĩnh Long) đã giảm mạnh, nhiều thương lái đã ngừng thu mua. Thuận An là vùng chuyên canh xà lách xoong với diện tích gần 147 héc-ta. Rau màu giảm giá, không bán được đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. So với tuần trước, hiện giá xà lách xoong ở mức trên dưới 10.000 đồng/kg, giảm mạnh so với mức 30.000 đồng/kg của tuần trước. Sức mua của thương lái cũng giảm một nửa và hơn 1 tuần nay nhiều thương lái không đến thu mua. Tới đợt thu hoạch, nhiều nông dân phải cán xà lách xoong xuống để chờ lứa sau và hạn chế đầu tư chăm sóc.

Hiện giá các loại rau màu khác cũng đang giảm mạnh và có xu hướng tiếp tục giảm. Nguyên nhân do TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương thuộc tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp... đang thực hiện giãn cách xã hội, một số chợ đầu mối ngừng thu mua. Bên cạnh đó, các thương lái nhỏ từ vùng dịch đến Vĩnh Long phải test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 còn trong thời hạn 72 giờ và cá nhân tự trả chi phí nên lời ít khiến các thương lái tạm ngưng thu mua.

Thanh Hóa:

Được mùa dứa

Thời điểm này, tại các nông trường, cánh đồng trồng dứa ở Thanh Hóa đang vào vụ thu hoạch. Giữa cái nắng “như thiêu, như đốt”, những người nông dân vất vả “đội nắng” để thu hoạch dứa trong niềm vui, phấn khởi. Năm nay, dứa được mùa, quả to và đẹp. Với giá bán 4.000 đồng/kg người trồng dứa đã có lãi. Theo đó, lao động bẻ dứa thuê cũng kiếm được từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày, có ngày nhiều thu nhập khoảng 700.000 đồng. Theo kinh nghiệm của những người trồng dứa, để có dứa bán quanh năm mà không lo rớt giá, họ thường trồng dứa xen kẽ giữa các vụ với nhau. Sau đó, sẽ tiến hành thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu để tránh tình trạng cung vượt cầu.

Lâm Đồng:

Nuôi ong mật theo hướng an toàn sinh học

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã xây dựng mô hình “Nuôi ong mật theo hướng an toàn sinh học trong vùng đồng bào dân tộc”. Mô hình nhằm giúp đồng bào thay đổi nhận thức, gắn nghề nuôi ong truyền thống với việc bảo vệ môi trường tự nhiên.

Mô hình đã được triển khai tại huyện Lâm Hà với quy mô 105 thùng/7 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng hỗ trợ 70% về giống ong và vật tư để thực hiện mô hình. Ngoài ra, các nông hộ tham gia mô hình và những hộ có nhu cầu chăn nuôi ong lấy mật được Trung tâm tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong mật theo hướng an toàn sinh học. Thông qua lớp tập huấn, các nông hộ tham gia đã cơ bản vận dụng được kiến thức chăn nuôi ong mật vào thực tế chăn nuôi ong tại gia đình. Đặc biệt, sản phẩm mật ong đảm bảo an toàn, không tồn dư kháng sinh.

Đàn ong giống sau khi giao cho các nông hộ để thực hiện mô hình đã sinh trưởng và phát triển tốt, tốc độ phát triển đàn mạnh phù hợp với điều kiện nuôi dưỡng và chăm sóc tại địa phương. Các nông hộ tham gia mô hình là những người đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi ong, thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. Với sự thích ứng và phát triển của đàn ong như hiện tại, các mô hình đạt năng suất bình quân từ 24 - 25 kg mật/đàn/năm, dự kiến mỗi đàn ong sẽ cho thu nhập từ 2,4 đến 2,5 triệu đồng/năm.

Đối với môi trường, khi phát triển nuôi ong theo hướng an toàn sinh học, các vùng nguồn phấn và mật hoa sẽ hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên các sản phẩm hữu cơ thân thiện và ít ảnh hưởng tới môi trường sống của cộng đồng. Kết quả bước đầu của mô hình có thể khẳng định, mô hình có hiệu quả cả về kinh tế - xã hội và môi trường. Đồng thời, có thể áp dụng nhân rộng ra các địa phương trong tỉnh, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho bà con.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Long An:

Kiểm soát chặt hoạt động buôn lậu qua biên giới

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo 389 Long An chỉ đạo các lực lượng chuyên môn tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả kết hợp với công tác phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An, thời gian qua, hoạt động buôn lậu qua biên giới được kiểm soát tốt, số các vụ buôn lậu giảm. Đây là kết quả tích cực của các lực lượng chức năng trong việc triển khai đồng bộ, chặt chẽ các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 kết hợp với công tác kiểm tra, kiểm soát, phòng chống người xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống buôn lậu. Các đường mòn, lối mở được lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu.  Bởi trên thực tế tuy số lượng thuốc lá buôn lậu qua biên giới giảm nhưng thuốc lá lậu vẫn tiếp tục được tuồn qua biên giới. Các đối tượng buôn lậu thường thuê cư dân biên giới chẻ nhỏ những bao hàng lậu đưa qua biên giới trong đêm tối, tổ chức cất giấu tại những địa điểm vắng người lại qua. Thuốc lá lậu sau khi vượt qua biên giới được những đối tượng khác thu gom và dùng ô tô du lịch 4 chỗ, 7 chỗ vận chuyển đến các tỉnh, thành phố tiêu thụ, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.

HÀNG VIỆT

Hướng Hóa - Quảng Trị:

Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cà phê Khe Sanh

Quảng Trị là 1 trong 8 tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn để phát triển cà phê đặc sản theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Hiện nay, huyện Hướng Hóa đang tập trung xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cà phê “Khe Sanh” và xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm cà phê.

Từ nhãn hiệu tập thể cà phê “Khe Sanh”

Xác định cây cà phê là loại cây chủ lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhiều năm qua, huyện Hướng Hóa đã hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng nông sản sạch; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghiệp chế biến sản phẩm đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển vùng nguyên liệu; nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Thực hiện chủ trương nhân rộng của tỉnh, vùng Bắc Hướng Hóa đã hình thành được vùng chuyên canh cà phê rộng lớn. Sản phẩm cà phê Hướng Hóa đã trở thành đặc sản của tỉnh và có chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu. Trong đó, sản phẩm cà phê chè Khe Sanh của huyện Hướng Hóa đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cà phê “Khe Sanh”.

Từ những lợi thế của cà phê vùng Hướng Hóa, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Hướng Hóa là cần thiết. Cà phê vùng Hướng Hóa có chất lượng đặc trưng riêng biệt, có mối liên hệ với điều kiện sinh thái của khu vực sản xuất. Đây chính là cơ sở khoa học để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cà phê vùng Hướng Hóa. Để giúp người sản xuất, kinh doanh sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời, tăng khả năng nhận biết bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm, UBND huyện Hướng Hóa và Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp đề xuất Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Khe Sanh” và xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm cà phê của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị”.

… đến việc xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm cà phê

Theo đó, trong 3 năm từ 2022 - 2024, dự án triển khai các nội dung để xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý “Khe Sanh” cho sản phẩm cà phê của huyện Hướng Hóa gắn với đăng ký mã số vùng trồng, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ. Xây dựng các điều kiện, phương tiện phục vụ quản lý và khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý phù hợp với điều kiện của địa phương, khu vực và tính chất của sản phẩm cà phê được bảo hộ. Quảng bá và phát triển chỉ dẫn địa lý “Khe Sanh” cho sản phẩm cà phê nhằm mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt, chú trọng phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và hướng đến đảm bảo đầu ra ổn định cho người trồng.

Dự án sẽ thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến sản phẩm cà phê và vùng sản xuất, kinh doanh sản phẩm; xây dựng bản đồ vùng sản xuất cà phê đủ điều kiện đăng ký chỉ dẫn địa lý và hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý…  Dự án cũng xây dựng hệ thống quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm cà phê được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của huyện Hướng Hóa; hệ thống công cụ, phương tiện quảng bá và thương mại hóa sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Nghiên cứu thị trường và xây dựng hệ thống phân phối cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Bên cạnh đó, dự án cũng thực hiện đăng ký mã số vùng trồng, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, đặc biệt là chuỗi giá trị có ứng dụng công nghệ cao. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình xây dựng và phát triển chuỗi giá trị liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ hình thành các liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với hợp tác xã và người dân. Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cà phê được bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị. Đồng thời, phát triển du lịch kết hợp với phát triển nông nghiệp bền vững, tạo được những nét đặc sắc cho khách du lịch có thể trải nghiệm và học hỏi.