Thông tin thị trường giá cả số 3/2021

10:23 AM 12/01/2021 |   Lượt xem: 4571 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Văn Chấn (Yên Bái):

Cam được mùa mất giá

Được thiên nhiên ưu đãi cho đất đai mầu mỡ và khí hậu ôn hòa, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái thích hợp để nhiều loại cây trồng phát triển. Trong đó, cam đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện. Tuy nhiên, năm nay, nhà vườn nơi đây thu hoạch cam trong không khí ảm đạm do tiêu thụ chậm, giá giảm thấp.

Theo thông lệ, tháng 12 là chính vụ thu hoạch cũng là thời điểm thị trường tiêu thụ cam, quýt sôi động. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cộng với những khó khăn do thiên tai, bão lũ nên đến nay Văn Chấn vẫn vắng bóng tư thương dù giá cam đã giảm so với mọi năm.Trên thực tế, khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường cam bị chững lại, cộng thêm ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên giá cam ở Văn Chấn giảm thấp khiến đời sống của người trồng cam gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, giá cam đường canh được cắt tại vườn dao động từ 15.000 – 17.000 đồng/kg; cam chanh chỉ 7.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm thương lái đến tận vườn mua chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg. Mỗi chuyến hàng, thương lái cũng chỉ mua khoảng vài ba tấn chứ không mua nhiều. Thế nên, có những vườn cam đã chín mọng, sai lúc lỉu mà không có người mua. Trong khi đó, nhiều vườn cam được bà con trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn khác chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp. Với giá bán như hiện nay, người trồng cam theo chương trình VietGAP thực sự khó khăn. Vì vậy, nhiều hộ gia đình đã tham gia sản xuất cam, quýt theo tiêu chuẩn VietGAP từ nhiều năm nay đang có ý định chuyển hướng bởi chi phí sản xuất cam VietGAP cao hơn, mất nhiều thời gian chăm sóc hơn nhưng giá bán lại không cao.Nguyên nhân chủ yếu do sức tiêu thụ các sản phẩm thấp, đầu ra vẫn phụ thuộc vào các thương lái. Bên cạnh đó, cam, quýt Văn Chấn còn có những thua kém về mẫu mã, chất lượng nên không cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của địa phương khác. Trong khi đó, việc vận chuyển cam đi lại khó khăn, tác động đến chi phí vận chuyển và từ đó cũng tác động đến giá thành.

Theo thống kê sơ bộ, tổng diện tích cam, quýt trên địa bàn huyện Văn Chấn gần 2.000 héc-ta; tổng sản lượng năm nay đạt khoảng 8.000 tấn quả. Cây cam tập trung chủ yếu ở 9 xã vùng ngoài của huyện gồm 5 giống chủ lực có thời vụ thu hoạch kéo dài từ đầu tháng 9 đến tháng 3 năm sau như: Cam chanh, cam đường canh, cam sen, cam V2, cam sành; trong số đó, nhiều diện tích cam, quýt đã được bà con trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP... Thời gian qua, để hỗ trợ người trồng, Văn Chấn đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ bà con tăng cường đầu tư, thâm canh chăm sóc… Nhiều diện tích đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với việc phát triển các diện tích cam, quýt, huyện đã tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại đưa các sản phẩm có chất lượng vào bán tại hệ thống siêu thị trong cả nước. Trong khi chờ các giải pháp lâu dài và căn cơ cho việc tìm đầu ra ổn định trong tiêu thụ sản phẩm cam, quýt, huyện Văn Chấn đang khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên về cây ăn quả, tăng cường liên kết tạo chuỗi sản phẩm theo giá trị; vận động người trồng cam đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để hình thành vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng vùng cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường quảng bá, xúc tiến tìm kiếm thị trường cho sản phẩm nông sản chủ lực. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình, dự án động viên người dân yên tâm, gắn bó lâu dài với loại cây chủ lực trong phát kinh tế ở địa phương. 

Long Phú (Sóc Trăng):

Nhà vườn chuẩn bị bưởi phục vụ tết

Những ngày này, các nhà vườn trên địa bàn huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đang tất bật chăm sóc để kịp đưa ra thị trường những trái bưởi đẹp phục vụ nhu cầu tết.

Do năm nay nhuận một tháng âm lịch nên dự báo tết này lượng bưởi sẽ ít và giá cao hơn năm ngoái. Hiện một số thương lái đã đặt cọc mua bưởi tại vườn từ 45.000 – 55.000 đồng/kg.

Bưởi là loại trái cây không thể thiếu để chưng bày trên bàn thờ gia tiên vào những ngày tết nên có giá cao và ổn định. Nếu ngày thường bưởi có giá từ 40.000 - 45.000 đồng/kg thì vào các dịp tết giá tăng lên gấp nhiều lần. Các nhà vườn đang tất bật chăm sóc, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; đồng thời cũng bán được giá, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình đón xuân thêm đầm ấm. Theo dự đoán của một số hộ dân chuyên trồng các loại cây ăn trái như: bưởi, xoài, mãng cầu, dừa… thì khả năng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các loại trái cây chưng tết sẽ tăng giá. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng mặn xâm nhập vào đầu năm, thời gian mặn xảy ra nhiều đợt và lâu ngày, kèm với đó là tại một số địa phương có triều cường dâng cao, ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất cây ăn trái, dẫn đến vườn cây ăn trái bị giảm năng suất, thậm chí một vài loại cây ăn trái do bị nước mặn xâm nhập dẫn đến chết cây. Nếu như thời điểm hiện tại, giá bưởi da xanh thương lái thu mua tại vườn 37.000 - 38.000 đồng/kg, thì đến tết giá bưởi dự kiến sẽ tăng lên 50.000  - 55.000 đồng/kg. Giá này cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 10.000 đồng - 15.000 đồng/kg vì sản lượng trái cây tết năm 2021 ít hơn.

Hiện trên địa bàn huyện Long Phú có trên 150 héc-ta trồng bưởi tập trung ở xã Phú Hữu, thị trấn Long Phú. So với các loại cây trồng khác, lợi nhuận từ trồng bưởi cao gấp 5 đến 10 lần và có thể chống chịu được độ mặn. Với hiệu quả kinh tế mang lại, cây bưởi không những góp phần nâng cao thu nhập của người dân mà còn mở ra hướng đi mới trong quá trình đa dạng hóa cơ cấu cây trồng.

Long An:

Giá khóm tăng, nông dân có lãi cao

Nông dân vùng trồng khóm chuyên canh xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đã chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang cây khóm (dứa). Sau thời gian ngắn chuyển đổi, cây khóm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có thu nhập ổn định.

Vụ này, bà con rất phấn khởi vì giá khóm tăng cao. Hiện tại, khóm loại 1 có giá khoảng 10.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm 2020. Với mức giá này, nông dân có lãi từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Hiện Tân Tây là xã được chọn để phát triển thành vùng trồng khóm chuyên canh của huyện Thạnh Hóa. So với các loại cây trồng khác thì cây khóm chịu được hạn, phèn và độ mặn tốt nên rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của xã. Với đà tăng như hiện nay, nông dân thu hoạch khóm trong thời điểm hiện tại có được lợi nhuận ổn định.

Để sớm phát triển vùng chuyên canh cây khóm, giúp người dân ổn định sản xuất và đời sống, địa phương đã tăng cường chuyển giao kỹ thuật thâm canh, thường xuyên mở các lớp tuyên truyền khuyến nông, phòng trừ sâu, bệnh gây hại, hướng dẫn kỹ thuật xử lý cho trái rải vụ, xây dựng và nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả cho người trồng khóm. Hiện huyện xây dựng được vùng chuyên canh khóm 600 héc-ta, sản lượng hàng năm đạt trên 9.000 tấn, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu

Nông dân vùng chuyên canh khóm đánh giá, giá khóm trong những ngày qua tăng mạnh do nguồn cung đã cạn trong khi nhu cầu thị trường còn lớn. Giá khóm tăng là động lực để người dân tiếp tục đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Lâm Đồng:

130 héc-ta sản xuất cà phê bền vững

Thống kê từ năm 2017 - 2020, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã thực hiện 165 mô hình sản xuất cà phê bền vững với tổng diện tích gần 130 héc-ta, tương ứng tỷ lệ gần 130% so với kế hoạch. Theo đánh giá của Dự án VnSAT, các nông hộ tham gia mô hình sản xuất cà phê bền vững ở Lâm Đồng theo đúng hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật, kết hợp với những kinh nghiệm thực tế từ khâu trồng, chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến khâu thu hái và bảo quản sau thu hoạch… Đồng thời, các nông hộ ở Lâm Đồng đều ghi chép đầy đủ nhật ký mô hình trong sản xuất cà phê bền vững. Kết quả năng suất cà phê bền vững năm thứ 2 của mô hình đạt gần 4,5 tấn nhân/héc-ta/năm, tăng khoảng 15% so với khi diện tích chưa tham gia mô hình. Số liệu này đến năm 3 trở đi đạt hơn 4,7 tấn nhân /héc-ta/năm, tỷ lệ tăng thêm 21%...

Phú Yên:

Nhà vườn vào vụ rau Tết

Khoảng nửa tháng qua, nông dân các địa phương bắt đầu xuống giống các loại rau màu chuẩn bị cho vụ tết. Năm nay, thời tiết mưa nhiều, trong khi đó hầu hết các vùng trồng rau đều là đất trũng, úng nước, các chân ruộng đều bẫy nên khó sản xuất. Vì vậy, hiện nay, bà con tranh thủ xuống giống ở những chân ruộng cao cho kịp vụ, còn lại đợi thời tiết nắng ráo, đất khô mới sản xuất được. Tại vùng chuyên canh rau màu ở thôn Ngọc Sơn Đông, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa, vụ này bà con xuống giống thuận lợi hơn vì đất sản xuất ở khu vực cao ráo. Tương tự, những ngày qua, người dân vùng sản xuất rau ở thôn Phú Điềm, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An cũng tất bật xuống giống để kịp vụ tết. Đây là vụ sản xuất lớn nhất năm của bà con nơi đây. Hội Nông dân xã An Hòa Hải cho biết, vùng chuyên canh rau màu của địa phương tập trung ở các thôn Phú Điềm, Tân Định và Đồng Nổ. Vụ tết này bà con sản xuất được 47 héc-ta. Để đảm bảo vụ sản xuất thắng lợi, địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh cho cây trồng.

Hà Tĩnh:

Được vụ thu hoạch cá cháo

Vùng biển Hà Tĩnh đang vào mùa cá cháo, nhiều ngư dân đánh bắt được 20 - 50 kg mỗi ngày. Những ngày này, vùng bãi ngang các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, hàng chục tàu thuyền gỗ công suất 6-24 CV từ ngoài khơi về với khoang đầy ắp cá cháo. Thường cá cháo rất đắt hàng nên các thương lái tranh nhau trả giá để cố thu gom được nhiều hơn. Ngư dân địa phương cho hay, dịp này mỗi lần ra khơi, trung bình một tàu thu gần 2 triệu đồng sau khi trừ hết các chi phí như nhân công, nhiên liệu, khấu hao ngư cụ. Một số gia đình đông người sắm 2 - 3 thuyền, ra khơi một ngày hai lần, hôm nào may mắn trúng đậm cá cháo có thể thu lời hàng chục triệu đồng. Ngoài nhập cho thương lái với giá 70.000 - 100.000 đồng/kg, ngư dân còn chở cá ra các chợ bán lẻ với giá cao hơn từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với bán tại bến.

Phong Thổ (Lai Châu):

Sa nhân tím tiêu thụ tốt

Thời gian gần đây, đồng bào dân tộc xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đang mở rộng diện tích trồng cây sa nhân tím. Đây là loại cây dễ trồng, có khả năng sinh trưởng nhanh và không mất công sơ chế như thảo quả. Đặc biệt, tiêu thụ sa nhân tím rất tốt, bà con thu hoạch đến đâu có thương lái thu mua ngay. So với các loại cây khác, trồng sa nhân tím không cần nhiều chi phí đầu tư, lại có khả năng chịu hạn cao, nhất là ưu điểm sinh trưởng nhanh, rễ cây lan đến đâu diện tích tự mở rộng tới đó, góp phần giảm công sức lao động. Trên địa bàn xã Bản Lang, cây sa nhân tím được trồng tập trung ở các bản: Nà Vàng, Nà Giang, Sàng Giang, Thèn Thầu, bản Pho... Một số hộ trồng sa nhân tím sớm ở bản Pho đã cho thu hoạch với giá thành dao động từ 110.000 - 135.000 đồng/kg. Hy vọng thời gian tới, sa nhân thu hoạch sẽ mang lại lợi nhuận cao, giúp người dân Bản Lang vươn lên làm giàu, tạo sinh kế lâu dài.

Lạng Sơn:

Liên kết sản xuất khoai tây vụ đông

Khoai tây là một trong những cây trồng chủ lực trong vụ đông của một số huyện miền núi Lạng Sơn. Điểm đáng mừng trong vụ này là các doanh nghiệp đã triển khai liên kết, bao tiêu sản phẩm với diện tích trên 200 héc-ta.

Hiện nay, tại Lạng Sơn đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung như: Lộc Bình, Cao Lộc, Chi Lăng, Tràng Định… Trong đó, huyện Cao Lộc trồng trên 50 héc-ta khoai tây với diện tích liên kết sản xuất với doanh nghiệp khoảng 20 héc-ta. Năm nay, bà con ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp sản xuất khoai tây theo phương thức: Doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Vụ khoai tây đông này, Công ty Cổ phần Đại Nguyễn đã liên kết với các HTX trên địa bàn huyện triển khai chương trình liên kết sản xuất với người dân trên địa bàn 7 huyện với diện tích gần 200 héc-ta.

Theo tổng hợp sơ bộ, hiện nay có 3 doanh nghiệp đang triển khai liên kết sản xuất khoai tây tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Đây là tiền đề để nhà nông yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích cây khoai tây nói riêng và diện tích vụ đông nói chung.

Khoai tây là một trong những cây trồng chủ lực của vụ đông trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để có thể nâng cao giá trị, tạo sự bền vững trong sản xuất, việc hình thành các mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông là rất cần thiết. Chưa đến thời vụ sản xuất nhưng những mối liên kết sản xuất đã và đang hình thành sẽ tạo động lực để nhà nông vững tin bắt tay vào vụ sản xuất mới.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Quảng Bình:

Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm

Cuối năm là thời điểm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán, sản xuất hàng cấm, hàng giả diễn biến phức tạp. Trước tình trạng này, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Bình và các lực lượng chức năng đã tăng cường các đợt kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là các địa bàn giáp biên.

Vào thời điểm này, các chợ đầu mối lớn, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã chuẩn bị hàng hóa phong phú, số lượng lớn để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Nhằm ngăn chặn việc nhập các mặt hàng không bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, lực lượng QLTT tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo các nội dung quy định kinh doanh hàng hóa đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng. Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo nhận định của ngành chức năng, thời gian qua, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là thuốc lá ngoại, áo quần, rượu, hàng điện tử… Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, phức tạp, như: Chia nhỏ hàng hóa, trà trộn hàng giả, hàng nhập lậu với hàng hóa khác để tiêu thụ, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng; vận chuyển hàng hóa bằng xe khách, xe tải chạy đêm; hợp thức hóa đơn… Vì vậy, Cục yêu cầu các đội QLTT phải chủ động nắm bắt diễn biến thị trường, tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Tập trung kiểm tra, kiểm soát các khu vực tập kết hàng hóa, các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, kho chứa đông lạnh; các tuyến đường bộ, đường sắt, đường không… Kiểm tra các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, như: Hàng điện tử, quần áo, giày dép, hoa quả, lương thực, thực phẩm, rượu bia, thuốc lá, bánh kẹo… Tăng cường vận động người dân, nhất là bà con vùng biên không tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…

HÀNG VIỆT

Nghệ An:

Số lượng các sản phẩm đạt sao OCOP tăng cao

Nghệ An được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, có nền tảng vững chắc để cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, triển khai chương trình OCOP là hoàn toàn phù hợp với quá trình tái cơ cấu ngành, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, tăng nhanh thu nhập cho người dân.

Năm 2020 sẽ có 90 sản phẩm đạt sao

Qua gần 2 năm triển khai, chương trình OCOP đã thực sự đi vào cuộc sống, được cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân, doanh nghiệp nhiệt tình hưởng ứng. Hiện 21/21 huyện, thành, thị đã phê duyệt kế hoạch thực hiện. Hiện Nghệ An nằm trong tốp đầu cả nước về số lượng các sản phẩm đạt sao OCOP. Dự kiến năm 2020 sẽ có 90 sản phẩm đạt sao. Đặc biệt, năm nay Nghệ An đã chủ động triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết với các địa phương trong cả nước nhằm tái khởi động nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh này, nhờ “chiếc phao OCOP” mà các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ có cơ hội tái đầu tư, tiếp tục củng cố, nâng cao kiến thức trong sản xuất, kinh doanh. Thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại, các sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương ngày càng tạo dựng được niềm tin nơi người tiêu dùng. Thông qua các hội chợ đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đặc trưng. Đây cũng là cơ hội để tăng cường hợp tác đầu tư giữa Nghệ An và các tỉnh, thành trên nhiều lĩnh vực: Khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm thủy hải sản, chăn nuôi, lâm sản…

Đảm bảo tính công khai, minh bạch

Qua khảo sát, các sản phẩm sau khi được công nhận đạt 3 sao OCOP trở lên từng bước tạo dựng được uy tín nhờ được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi. Qua đó, củng cố niềm tin về chất lượng đối với số đông người tiêu dùng. Điển hình là huyện Quỳnh Lưu có 3 sản phẩm xếp hạng 4 sao là: Tảo xoắn Spirulina michio, đậu tương lên men, rượu đông trùng hạ thảo của Công ty CP Khoa học xanh Hidumi Pharma; 1 sản phẩm xếp hạng 3 sao là giò bê Từ Tâm của HTX Sản xuất và Kinh doanh thực phẩm Từ Tâm. Năm 2020, huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức chấm điểm một số sản phẩm tiêu biểu khác gồm: 6 sản phẩm đạt 3 sao cấp huyện (trứng gà thảo mộc ở Quỳnh Bảng; 2 sản phẩm cơm cháy ở Quỳnh Bá; ổi và thanh long của một trang trại ở Quỳnh Tam; nước mắm của HTX Tân An, xã An Hòa). Riêng 3 sản phẩm đã xếp hạng 4 sao cấp tỉnh trong năm 2019 sẽ tham gia xếp hạng sao OCOP cấp Quốc gia. Huyện Yên Thành cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm lúa hàng hóa mang thương hiệu Yên Thành, trong đó ưu tiên khôi phục giống lúa nếp rồng. Ngoài ra sẽ mở rộng hình thức nuôi lươn không bùn, dự kiến xây dựng làng nghề lươn để nâng tầm thương hiệu…

Về mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Nghệ An sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô thị trường tiêu thụ, hướng đến mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm đã đạt sao OCOP. Trước mắt, phấn đấu có ít nhất 150 sản phẩm OCOP năm 2025; phát triển từ 2 - 3 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch. Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, các địa phương, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo đề cương Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách áp dụng cho chương trình giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó nhấn mạnh, các đơn vị phải tuân thủ nghiêm túc quy trình 6 bước, đặc biệt phải dựa trên nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”. Trong quá trình đánh giá phân hạng phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, không nể nang, chạy theo số lượng mà coi nhẹ chất lượng.