Thông tin thị trường giá cả số 34/2021

10:51 AM 18/08/2021 |   Lượt xem: 8083 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Tây Nguyên:

Chủ động các phương án tiêu thụ nông sản

Hiện nay, người dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản: Sầu riêng, bơ, mít… Những loại nông sản này có thời hạn sử dụng ngắn, nguy cơ hư hỏng cao nên nhiều cơ quan chức năng đang tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để vận chuyển, tiêu thụ.

Giá giảm mạnh

Đắk Lắk bắt đầu bước vào vụ thu hoạch sầu riêng trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến đầu ra sản phẩm gặp khó khăn. Huyện Krông Pắk là “thủ phủ” về cây sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk. Ngay đầu vụ thu hoạch, giá sầu riêng đã giảm mạnh. Thời điểm này năm ngoái, giá sầu riêng Ri6 là 50.000 – 60.000 đồng/kg, còn năm nay giảm còn khoảng 20.000 – 30.000 đồng/kg nhưng không ai dám “ôm” hàng vì dịch bệnh, xe cộ vận chuyển khó khăn. Còn sầu riêng truyền thống thì rụng đầy vườn nên các nhà vườn đem bán dọc các con đường với giá từ 7.000 – 10.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Đắk Nông, giá sầu riêng truyền thống được thương lái thu mua dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/kg; sầu riêng Ri6 có giá trên 20.000 đồng/kg; sầu riêng Thái, Dona được thu mua với giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Mức giá này đều thấp hơn mùa vụ trước từ 30 - 40%. Không chỉ cây sầu riêng, hiện giống bơ 034 tại tỉnh Đắk Nông cũng bước vào thu hoạch. Tuy nhiên, giá bơ đang xuống thấp gần 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể giá bơ năm ngoái thương lái thu mua tại vườn với giá thấp nhất là 25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện các thương lái thu mua với giá từ 14.000 - 15.000 đồng/kg.

Nguyên nhân chính khiến giá giảm là do nhiều tỉnh, thành phố phải giãn cách xã hội nên thị trường tiêu thụ bị bó hẹp, vận chuyển khó khăn. Mặc dù là xe luồng xanh nhưng khi di chuyển cũng trải qua nhiều công đoạn, nhiều khâu kiểm soát COVID-19. Do đó, thời gian vận chuyển kéo dài khiến nông sản giảm chất lượng.

Triển khai các phương án hỗ trợ tiêu thụ

Trước tình hình này, các địa phương đã nhanh chóng triển khai một số phương án nhằm tháo gỡ khó khăn. Huyện Krông Pắk – thủ phủ sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk đã lập một tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ các xã, thị trấn trong công tác phòng dịch cho thương lái đến thu mua sầu riêng. Tổ công tác đặc biệt này có nhiệm vụ test nhanh COVID-19 cho người lao động, thương lái đến thu hoạch, thu mua sầu riêng. Ngoài ra, tổ công tác đặc biệt này còn có vai trò giám sát chỗ ăn, chỗ ở cho những người dân ở nơi khác đến sinh hoạt tại địa phương trong mùa thu hoạch nông sản. Cách làm này của huyện Krông Pắk nhằm giúp cho người lao động, thương lái đến thu mua sầu riêng không bị cách ly 14 ngày theo quy định, làm chậm thời gian thu hoạch nông sản so với lịch thời vụ. Quan trọng hơn, việc làm này sẽ giúp địa phương bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 nhưng vẫn song hành với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tại tỉnh Đắk Nông, việc cấp mã thẻ QR Code “luồng xanh” cho các phương tiện vận tải đang được ưu tiên thực hiện. Việc cấp mã QR Code “luồng xanh” không chỉ gói gọn cho những xe tải tham gia các hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải hàng hóa mà các xe tải cá nhân, hộ gia đình cũng được cấp. Điều này tạo điều kiện cho các xe tải cá nhân cũng có thể tham gia vận chuyển, lưu thông hàng hóa trong mùa dịch. Việc cơ quan chức năng tiến hành cấp mã QR Code “luồng xanh” cho các xe tải vận chuyển hàng hóa là nhằm kiểm soát cung đường đi của các phương tiện này. Qua đó, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 chứ không phải để hạn chế sự lưu thông của các phương tiện vận tải. Khi có thẻ, việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu đi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh của các tỉnh, thành phố trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn.

Theo thống kê, 2 tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk đang có trên 15.000 ngàn héc-ta sầu riêng các loại với sản lượng ước tính hơn 127.000 tấn. Nắm bắt được khó khăn, hiện nay, các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk đang khẩn trương triển khai thực hiện các phương án hỗ trợ tiêu thụ sầu riêng và các loại nông sản khác cho nông dân.

Quảng Ngãi:

Hỗ trợ tiêu thụ tỏi Lý Sơn

Sức mua chậm, sản lượng tồn đọng nhiều, giá tỏi xuống mức thấp kỷ lục khiến đời sống nông dân trồng tỏi ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn. Để giúp bà con, chính quyền huyện Lý Sơn lập phương án kêu gọi chung tay hỗ trợ tiêu thụ tỏi Lý Sơn.

Thông qua chương trình “San sẻ yêu thương - Cùng vượt qua đại dịch”, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi phối hợp nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức ký kết, hỗ trợ tiêu thụ tỏi giúp nông dân huyện đảo Lý Sơn. Cụ thể, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi ký kết, hỗ trợ tiêu thụ 20 tấn tỏi Lý Sơn; Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi 10 tấn. Ngoài ra, thông qua các đầu mối khác, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã hỗ trợ tiêu thụ gần 5 tấn tỏi. Tất cả các cơ quan, đơn vị ký kết, hỗ trợ tiêu thụ đều thu mua tỏi Lý Sơn với giá 50.000 đồng/kg.

Vụ tỏi đông xuân 2020 - 2021, nông dân huyện đảo Lý Sơn trồng 325 héc-ta tỏi, năng suất đạt 124 tạ/héc-ta, sản lượng tỏi tươi khoảng 3.000 tấn, tương đương với 2.100 tấn tỏi khô. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đã qua hơn nửa năm kể từ khi kết thúc vụ tỏi, nhưng nông dân trên đảo chỉ tiêu thụ được khoảng 1/7 sản lượng tỏi thu hoạch được. Hiện số lượng tỏi còn tồn đọng trong dân rất lớn, khoảng 1.800 tấn. Do dịch Covid-19 kéo dài, du khách không thể ra đảo nên lượng tỏi bán lẻ tại đảo sụt giảm mạnh. Trong khi đó, việc vận chuyển tỏi từ đảo Lý Sơn đến các thị trường lớn trong nước gặp khó khăn, sức mua rất chậm, thương lái e dè không dám thu mua nhiều là nguyên nhân chính dẫn đến tỏi Lý Sơn tồn đọng với số lượng lớn.

Thời gian qua, giá tỏi Lý Sơn luôn ở mức thấp dao động khoảng 30.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm chỉ còn 15.000 - 20.000 đồng/kg khiến hàng nghìn nông dân trồng tỏi ở Lý Sơn đối mặt với khốn khó. Theo tính toán của nông dân Lý Sơn, do chi phí sản xuất tăng cao, nên bán với giá 50.000 đồng/kg thì mới chỉ đủ chi phí. Còn với giá bán như hiện nay thấp hơn 5 -7 lần so với trước đây thì mỗi sào tỏi, nông dân thua lỗ khoảng 7 - 10 triệu đồng.

Giá ớt chỉ thiên tăng trở lại

TP. Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… giá ớt chỉ thiên liên tục tăng trong những tháng gần đây và hiện đã tăng hơn gấp đôi so với thời điểm cách nay hơn 2 tháng. Nguyên nhân do nguồn cung giảm và xuất khẩu phục hồi.

Những tháng trước, giá ớt chỉ thiên bán cho thương lái chỉ ở mức 9.000 - 11.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện ớt chỉ thiên loại 1 (hàng đẹp, đạt chuẩn xuất khẩu) được nhiều nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua ở mức 23.000 - 25.000 đồng/kg, còn ớt loại 2 và loại 3 đang có giá 15.000 - 20.000 đồng/kg. Trong khi giá nhiều loại rau màu bị giảm thấp do đầu ra gặp khó vì dịch COVID-19, giá ớt chỉ thiên có sự phục hồi mạnh là tín hiệu vui đối với người trồng ớt. Hiện nay, ớt chỉ thiên được các tiểu thương và doanh nghiệp thu mua không chỉ để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu dưới dạng trái tươi mà còn chế biến nhiều sản phẩm để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Ớt chỉ thiên trái nhỏ dài, ớt khi chín có màu đỏ đẹp, bắt mắt, ăn rất cay nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ dạng tươi thô thị trường trong nước và xuất khẩu mà còn được sử dụng để chế biến nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có thể bảo quản lâu.

Nguyên nhân khiến giá ớt chỉ thiên tăng mạnh so với vài tháng trước do nguồn cung giảm vì nông dân giảm diện tích trồng. Trong khi đó, nhu cầu ớt phục vụ chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước có xu hướng tăng tại nhiều địa phương. Gần đây, giá ớt khởi sắc, người dân tại nhiều địa phương phát triển trồng ớt trở lại nhưng diện tích không nhiều bằng năm trước, cũng như thời điểm này nhiều diện tích trồng ớt chưa có sản phẩm cho thu hoạch.

Dự báo giá ớt chỉ thiên có khả năng còn tăng và duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Đặc biệt, khi nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long bước vào mùa lũ, việc mở rộng diện tích trồng ớt sẽ gặp khó, nông dân phải tốn thêm nhiều chi phí đầu tư so với những tháng mùa khô.

Sông Mã - Sơn La:

Giá nhãn giảm sâu

Hiện tại là mùa thu hoạch nhãn ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Năm nay, nhãn được mùa, quả sai nhưng giá giảm sâu, chỉ còn 7.000 - 8.000 đồng/kg tại vườn. Nguyên nhân khiến giá nhãn giảm sâu là ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nơi giãn cách xã hội, thương lái không thể đến thu mua. Vì vậy, nhiều hộ trồng nhãn quyết định không bán nhãn tươi mà mang quả sấy khô, bán dưới dạng long nhãn. Ước tính, trung bình, cứ 10 kg nhãn tươi sẽ cho ra khoảng 1,1 - 1,2 kg long nhãn và bán được với giá 130.000 - 150.000 đồng/kg. Một số hộ có sản lượng nhãn lớn đã chọn cách bán cho các nhà máy, cơ sở làm long nhãn. Bởi theo kinh nghiệm của các hộ trồng nhãn lâu năm, so với các loại quả khác, nhãn thu hoạch, ăn ngon nhất chỉ trong vòng 10 ngày, nếu để lâu quá quả sẽ bị đội cùi, nhạt dần.

Tiền Giang:

Giá mít Thái tăng

Trong những ngày qua, giá mít Thái tại tỉnh Tiền Giang tăng mạnh, giúp nông dân có thêm thu nhập khá, giảm bớt khó khăn. Hiện nay, giá mít Thái thương lái thu mua tại vườn dao động từ 20.000 - 23.000 đồng/kg, tùy loại. Còn mua tại vựa giá cao hơn, từ 23.000 - 25.000 đồng/kg tùy loại, tăng gần gấp đôi so với tháng trước. Giá mít tăng mạnh trở lại do nhu cầu thị trường cao trong khi nguồn cung còn ít, nhiều nhà vườn chưa tới đợt thu hoạch mới. Nhìn chung, mít Thái siêu sớm có giá trở lại nói riêng và việc tiêu thụ nông sản nói chung trên địa bàn tỉnh đang khá tốt nhờ các rào cản trong khâu vận chuyển, tiêu thụ mùa dịch Covid-19 đã được địa phương tích cực tháo gỡ. Tỉnh đã kịp thời triển khai các văn bản liên quan hướng dẫn lưu thông hàng hóa cho các địa phương các cấp, nhất là các xã, phường biết và thực hiện, tạo thuận lợi trong việc lưu thông, tiêu thụ, thu hoạch nông sản. Ngoài ra, các phương tiện vận chuyển nông sản được ưu tiên vận chuyển nông sản, hàng hóa theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải.

Yên Bái:

Măng mai bán chạy

Thời điểm này, bà con xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đang tất bật thu hoạch măng mai để bán cho các thương lái. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, chất đất của địa phương nên măng mai được mùa, bà con rất phấn khởi. Với giá bán măng dao động từ 3.500 - 4.500 đồng/kg măng mai bán khá chạy. Hiện nay địa phương vận động bà con phơi khô bán, mặc dù tốn công hơn một chút nhưng được giá cao hơn so với giá măng tươi. Cây măng mai hiện nay là một trong những cây chủ lực trong phát triển kinh tế của xã Lâm Thượng. Thương hiệu măng mai Lâm Thượng đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020 của tỉnh Yên Bái.

Bến Tre:

Giá vịt giảm mạnh

So với cách nay hơn 1 tháng, giá vịt ta thương phẩm (vịt hơi) tại nhiều địa phương vùng Ðồng bằng sông Cửu Long hiện giảm ít nhất từ 5.000 - 10.000 đồng/kg và đang ở mức khá thấp. Tại nhiều tỉnh, thành như: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long… vịt ta (vịt nuôi thả đồng, cho ăn lúa, bắp…) giá chỉ còn 40.000 - 45.000 đồng/kg, trong khi trước đây giá lên đến 50.000 - 55.000 đồng/kg. Còn vịt siêu nạc (vịt Grimaud, nuôi nhốt, cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn tại tỉnh Bến Tre, Trà Vinh... chỉ từ 25.000 - 28.000 đồng/kg trở lại. Với mức giá này, người chăn nuôi vịt đang bị lỗ vốn nặng.Giá vịt giảm mạnh do đầu ra gặp khó vì dịch COVID-19, trong khi nguồn cung vịt thịt tại nhiều địa phương đang rất dồi dào vì vịt tại nhiều hộ chăn nuôi tới lứa xuất bán. Hiện nhiều tỉnh thành phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch bệnh nên các dịch vụ ăn uống phải đóng cửa và nhiều chợ truyền thống cũng tạm ngưng hoạt động làm cho sức tiêu thụ thịt vịt trên thị trường bị giảm mạnh. Tiểu thương cũng ngừng đi thu mua vịt hoặc giảm số lượng thu mua nên nông dân gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ dù giá giảm thấp.

Hậu Giang:

Hiệu quả từ mô hình cánh đồng lớn

Vụ lúa hè thu năm nay, mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được duy trì. Một số địa phương, trong đó có Hậu Giang còn mở rộng thêm diện tích.

Theo số liệu sơ bộ, quy mô thực hiện mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa tại Hậu Giang đạt gần 7.000 héc-ta trong tổng số 76.616 héc-ta lúa hè thu được xuống giống, tăng 302 héc-ta so với cùng kỳ với sự tham gia của khoảng 5.500 hộ dân. Hiện mô hình cánh đồng lớn được phân bổ ở huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Long Mỹ, Phụng Hiệp… Nhờ điều kiện canh tác thuận lợi nên năng suất lúa trong mô hình cánh đồng lớn thường cao hơn bên ngoài khoảng 1 tấn/héc-ta. Hiện nay, các diện tích lúa trong mô hình cánh đồng lớn đều có hệ thống đê bao khép kín và trạm bơm kiên cố. Từ đó, giúp bà con nông dân chủ động nguồn nước tưới tiêu nên có thể sản xuất cả 3 vụ lúa/năm được dễ dàng. Ngoài ra, nhờ điều kiện sản xuất thuận lợi nên năng suất lúa bình quân trong vụ hè thu năm nay đạt 7,2 tấn/héc-ta, cao hơn khoảng 1 tấn/héc-ta so với hộ canh tác bên ngoài. Mặt khác, nông dân trong mô hình còn an tâm sản xuất khi sản phẩm làm ra được liên kết bao tiêu thông qua hợp đồng thu mua giữa hộ dân với hợp tác xã nông nghiệp tại địa bàn. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng có nhiều năm gắn bó để thu mua lúa trong mô hình cánh đồng lớn cho người dân.

Thành công trong mô hình cánh đồng mẫu lớn của Hậu Giang cho thấy, để đạt được hiệu quả cao cần xây dựng mô hình gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, Hậu Giang sẽ tiếp tục hỗ trợ đầu tư đối với vùng chuyên canh, cánh đồng lớn để tạo điều kiện phối hợp tốt giữa doanh nghiệp với nông dân. Củng cố, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp; vận động nông dân tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác; xây dựng mô hình sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả để nhân rộng.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Liên tiếp phát hiện bộ test Covid-19 không xuất xứ

Chỉ trong tuần đầu tháng 8/2021, Công an quận Bắc Từ Liêm và Đội quản lý thị trường số 22 Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện hơn 2.000 bộ test Covid-19 và gần 20.000 chiếc khấu trang 3M nhập lậu.

Cụ thể, Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phối hợp cùng Đội QLTT số 22 tiến hành kiểm tra điểm bốc xếp hàng hóa đầu ngõ 136 Hồ Tùng Mậu (phường Phú Diễn). Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 1.100 que test Covid-19 do nước ngoài sản xuất. Chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa.

Trước đó , Công an quận Bắc Từ Liêm cũng đã phát hiện và thu giữ gần 1.000 bộ test Covid-19 nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ tại phường Xuân Đỉnh. Nguồn gốc số hàng trên được thu mua gom về qua các đường tiểu ngạch do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, không được các cơ quan y tế cấp phép lưu hành. Liên quan đến các mặt hàng phòng chống dịch COVID-19, Tổ công tác tiếp tục tiến hành kiểm tra Văn phòng giao dịch của Công ty Cổ phần thiết bị nguyên phụ liệu khẩu trang Việt Nam tại LK34, khu Embassy Garden (phường Xuân Tảo). Tại thời điểm kiểm tra phát hiện 143 thùng khẩu trang 3M, số lượng khoảng gần 20.000 chiếc không có hóa đơn chứng từ được công ty mua lại để bán ra thị trường, nghi vấn có dấu hiệu giả nhãn hiệu.

HÀNG VIỆT

Triệu Sơn - Thanh Hóa:

Thực hiện Ðề án phát triển các sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 – 2025

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Triệu Sơn phấn đấu có từ 50 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên. Trong đó, chú trọng đến các sản phẩm của 4 xã miền núi là: Bình Sơn, Thọ Bình, Thọ Sơn, Triệu Thành.

Theo Đề án, huyện Triệu Sơn phấn đấu đến hết năm 2021 có 6 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, đến nay huyện đã có 4 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: Chè sạch; mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất, chè xanh túi lọc, chè cà gai leo túi lọc của Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp Bình Sơn; viên nang sâm báo và Siro sâm báo của Công ty dược liệu Triệu Sơn.

Thời gian tới, Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP của huyện Triệu Sơn tiếp tục hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ 3 sản phẩm gồm: Muối bột canh Ánh Viên, muối sấy Ánh Viên của Công ty TNHH Ánh Vân, xã Thọ Tân; mật ong Thọ Bình của Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp Thọ Bình, xã Thọ Bình để trình tỉnh công nhận vào tháng 9/2021.

Mục tiêu của Đề án là nhằm tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cấp chất lượng cho các sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP; phấn đấu có thêm từ 50 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, có từ 2 sản phẩm OCOP cấp quốc gia trở lên, mỗi xã có ít nhất mỗi sản phẩm OCOP trở lên. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP (huyện, xã) và các chủ doanh nghiệp/HTX tham gia OCOP.

Thời gian tới, Triệu Sơn tiếp tục thực hiện một số giải pháp đó là: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP; phát triển nguồn nhân lực, đào tạo tập huấn; phát triển các tổ chức kinh tế; phát triển các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao giá trị và phát triển bền vững một số sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; xây dựng đề án, dự án phát triển sản phẩm chủ lực cấp huyện…

Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 là 21.250.000.000 đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 7.500.000.000 đồng; nguồn huy động từ cộng đồng là 13.750.000.000 đồng.

Lai Châu:

Đạt 13 sản phẩm OCOP 3 sao

Vừa qua, Hội đồng OCCOP tỉnh Lai Châu đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1/2021. Theo đó có 13 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Đây đều là những sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống của địa phương, được các chủ thể chú trọng đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác theo quy định. Như vậy, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Lai Châu có tổng số 60 sản phẩm được công nhận đạt OCOP.

Xác định trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, thời gian qua, Lai Châu đã đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai, thực hiện Chương trình OCOP. Đặc biệt là quảng bá các sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2020 và đợt 1 năm 2021. Đối với các sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng cấp tỉnh, các chủ thể cần nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, nhãn hiệu nhằm khẳng định rõ hơn tiêu chuẩn vừa được Hội đồng cấp tỉnh công nhận. Đồng thời, tiếp tục lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của địa phương; hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm, bổ sung hồ sơ, định hướng phát triển sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng đợt 2 năm 2021.

Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Trong đó, chú trọng xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp với định hướng phát triển các nhóm sản phẩm ở 3 cấp độ, đặc biệt là sản phẩm cấp huyện, cấp xã. Từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường khác nhau. Việc phát triển sản phẩm, dịch vụ đi liền với các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp và gắn với công tác đánh giá, xếp hạng của OCOP nhằm mang lại uy tín, chất lượng và thương hiệu cho sản phẩm. Tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Tổ chức các lớp đào tạo; hỗ trợ xây dựng các điểm, trung tâm bán hàng kết nối nông sản với thị trường…