Thông tin thị trường giá cả số 37/2021

09:25 AM 09/09/2021 |   Lượt xem: 7814 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Lào Cai:

Giá sa nhân tím giảm mạnh

Những năm gần đây, sa nhân tím được coi là cây “xóa đói, giảm nghèo” đối với nhiều hộ gia đình ở Lào Cai. Tuy nhiên, do phát triển “nóng” cũng như ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá quả sa nhân tím tươi đang giảm mạnh khiến bà con lo lắng.

Không khuyến khích người dân mở rộng diện tích

Cây sa nhân được trồng ở Lào Cai chủ yếu là sa nhân tím. Những vụ trước, sa nhân tím được giá cao, trung bình 180.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 200.000 đồng/kg. Chính vì vậy bà con nơi đây đã đua nhau mở rộng diện tích trồng nên nguy cơ diện tích sẽ vượt cao so với mục tiêu quy hoạch. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 2.100 héc-ta sa nhân tím, tập trung ở các huyện: Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn, thị xã Sa Pa…

Vụ này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hàng không xuất khẩu được nên giá sa nhân tím giảm mạnh chỉ còn khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg. Không chỉ người trồng, mà những thương lái thu mua sa nhân tím cũng như “ngồi trên đống lửa” khi chưa tìm được cách xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Huyện Bát Xát hiện có khoảng 310 héc-ta sa nhân tím, tập trung chủ yếu ở các xã Phìn Ngan, Bản Qua, Mường Vi, Tòng Sành… với 734 hộ trồng. Cây sa nhân tím đã có thời gian mang lại thu nhập cao và giúp nhiều hộ làm giàu hoặc thoát nghèo nhưng giờ đang là nỗi lo của nhiều hộ. Huyện Mường Khương có diện tích cây sa nhân tím lớn nhất tỉnh, khoảng 1.367 héc-ta, trong số này có khoảng 838 héc-ta đã cho thu hoạch. Cây sa nhân tím được trồng nhiều ở các xã: Nậm Chảy, Tung Chung Phố, Thanh Bình, Lùng Vai và thị trấn Mường Khương. Do đầu ra phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, giá bấp bênh nên thời gian qua, huyện Mường Khương không khuyến khích người dân mở rộng diện tích cây sa nhân tím.

Sơ chế sa nhân tím khô

Trước tình hình đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc đã đầu tư xây dựng lò sấy sa nhân để bảo quản được lâu, chờ thời điểm sa nhân tăng giá mới bán. Cứ 2 - 3 hộ, thậm chí 4 - 5 hộ cùng chung vốn mở một lò sấy sa nhân khô công suất từ 1 - 5 tấn/lần sấy. Lò được đầu tư kiên cố, hết vụ sa nhân có thể dùng để sấy các loại nông sản khác như ngô, lúa, sắn… Thời điểm này, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát như một xưởng sơ chế quy mô lớn, đi đến đâu cũng thoang thoảng mùi sa nhân tỏa ra từ những chiếc lò sấy đang đỏ lửa. Diện tích sa nhân toàn xã khoảng 180 héc-ta, sản lượng khoảng 200 tấn/năm. Đây cũng là nơi cung ứng giống chính cho toàn tỉnh và là điểm trung chuyển gần như toàn bộ sản lượng sa nhân của tỉnh được tập kết bởi các tư thương, sau đó sơ chế rồi xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Từ đầu vụ, đã có hơn 100 tấn sa nhân tươi được tập kết về Phìn Ngan để sơ chế, sấy khô, bảo quản, chờ xuất bán. Sấy khô sa nhân thay vì bán tươi sẽ giảm áp lực về thời gian tiêu thụ, giảm phụ thuộc vào đối tác thu mua. Cách làm sáng tạo này được người dân Phìn Ngan ứng dụng từ năm 2020 và quy mô lan rộng trong năm 2021. Hiện nay, 40 lò sấy tại xã đã trở thành đầu mối thu mua sa nhân trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang… Năm nay, dự kiến các lò sấy tại xã sẽ tiêu thụ được khoảng 1.000 tấn sa nhân tươi. Đây là mô hình mới, thể hiện rõ hiệu quả kinh tế bởi lợi nhuận từ bán sa nhân sấy khô cao hơn rất nhiều so với bán tươi.

Sa nhân là cây cần độ che của tán cây rừng, nếu trồng dưới tán rừng tự nhiên, rừng phòng hộ sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của rừng. Đây là thời điểm thích hợp để các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động người dân không mở rộng diện tích cây sa nhân tím. Đồng thời, nghiên cứu, khảo sát những cây trồng phù hợp, hiệu quả hơn để tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Ðẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc xuất khẩu bị đình trệ nên nông sản cần tìm đầu ra tại thị trường trong nước. Theo Sở Công Thương Vĩnh Long, tính đến thời điểm cuối tháng 8, diện tích khoai lang tím trên ruộng còn khoảng hơn 2.800 héc-ta. Trong đó, diện tích khoai đến thời gian thu hoạch khoảng 900 héc-ta, ước sản lượng khoảng 27.000 tấn.

Khoai lang tím Nhật là mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Vĩnh Long, trồng nhiều tại huyện Bình Tân. Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, sản phẩm này chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và một số thị trường khác. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc xuất khẩu bị đình trệ nên số lượng khoai kể trên cần tìm đầu ra tại thị trường trong nước.

Bộ Công Thương cho biết, thực tế việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa là hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp hiện nay. Do vậy, ngay khi dịch bệnh bùng phát, từ tháng 7/2021, Bộ đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo việc lưu thông hàng hóa, trong đó có mặt hàng nông sản phục vụ người tiêu dùng tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Trước đó, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cũng gửi công văn tới Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh thành trên cả nước với mong muốn được hỗ trợ kết nối, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh.

Qua thời gian kết nối tiêu thụ nông sản, tình hình tiêu thụ nông sản của Sóc Trăng đã đạt được kết quả ban đầu đáng mừng. Tính đến nay, Sóc Trăng đã tiêu thụ hơn 121.480 tấn lúa hè thu (tỷ lệ tiêu thụ đạt 100% sản lượng),100.388 tấn hành tím (tỷ lệ 99%), 6.325 nhãn các loại (82%), 1.571 tấn bưởi (58%), cây ăn trái khác (ổi, chanh, đu đủ) 1.102 tấn (88%) và 1.518 tấn rau màu các loại (88%).

Khánh Sơn - Khánh Hòa:

80% sầu riêng đã được tiêu thụ

Nhờ chủ động xây dựng phương án, đề ra các giải pháp kết nối, tiêu thụ nên huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đã tiêu thụ được khoảng 80% sản lượng sầu riêng.

Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8/2021, sầu riêng Khánh Sơn bước vào thu hoạch chính vụ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà vườn trồng sầu riêng đều đứng trước nỗi lo tiêu thụ khi vụ mùa đã đến rất gần. Trước tình hình trên, huyện Khánh Sơn đã tổ chức đối thoại với bà con nông dân, chủ động xây dựng phương án, đề ra các giải pháp kết nối, tiêu thụ sầu riêng. Đặc biệt, huyện đã khuyến cáo các nhà vườn trồng sầu riêng sớm chốt giá bán, làm hợp đồng tiêu thụ với người thu mua để sớm tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, ngay từ tháng 6, huyện đã tạo điều kiện cho phép các thương lái, nhân công thu hái sầu riêng vào địa phương để thu hoạch. Đối với các xe vận tải nông sản đã đăng ký “luồng xanh” và được cấp mã QR Code, huyện không tiến hành kiểm tra xe nhưng phải phun khử khuẩn trước khi vào địa bàn. Tuy nhiên, các tài xế cũng phải có giấy xét nghiệm âm tính. Sau đó cho xe đi theo phân “luồng xanh” đến các điểm tập kết nông sản các xã. Để tránh tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc giữa thương lái với nông dân, các xã, thị trấn đã thành lập 31 điểm tập kết nông sản sau thu hoạch.

Ngoài ra, huyện Khánh Sơn cũng cho đăng ký tham gia xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm sầu riêng Khánh Sơn đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu sản lượng khoảng 3.750 tấn, tương ứng 287 héc-ta. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN-PTNT cung cấp danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh sầu riêng đề nghị Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các siêu thị, doanh nghiệp phân phối hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm sầu riêng Khánh Sơn.

Với sự nỗ lực triển khai các giải pháp trên, đến nay, các nhà vườn trồng sầu riêng ở Khánh Sơn cơ bản tiêu thụ 70 - 80% sản lượng. Dù giá sầu riêng thu mua giảm từ 15 - 20% so với mọi năm song nhìn chung bà con thu hoạch vẫn có lãi sau khi trừ chi phí.

Gia Lai:

Giá hồ tiêu tăng

Giá hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang ở mức 76.000 – 77.000 đồng/kg và dao động đến 80.000 đồng/kg. Hiện nay, giá hồ tiêu tăng nhưng người dân không có hàng trong vùng nguyên liệu để thu mua. Khoảng 80% sản lượng hồ tiêu năm nay đã được nông dân bán từ đầu vụ, hiện nay chủ yếu thu mua kiểu nhỏ lẻ. Điều này cũng dễ hiểu bởi khi tình hình hồ tiêu chết, giá giảm sâu, người dân buộc phải chuyển đổi sang loại cây trồng khác. Số diện tích còn lại thì gần như không được đầu tư chăm sóc nên năng suất, sản lượng sụt giảm. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết bất lợi, suất đầu tư giảm mạnh dẫn đến sản lượng của niên vụ 2019 - 2020 chỉ 240.000 tấn; niên vụ 2020 - 2021 ước tính giảm tới 30% so với niên vụ trước. Dự báo thị trường, khả năng giá hồ tiêu sẽ còn tiếp tục bật lên vào cuối năm nay.

Hậu Giang:

Thương lái bỏ cọc thu mua mía

Gần một tháng qua, nông dân trồng giống mía chín sớm ROC 16 (mía dùng làm nước giải khát) đã không bán được vì dịch bệnh. Nguyên nhân là do các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 nên người dân hạn chế ra đường, từ đó nhu cầu tiêu thụ nước mía không còn như trước. Do không tìm được đầu ra nên thời gian gần đây, thương lái không đến các vùng nguyên liệu trồng mía để thu mua. Tại nhiều nơi, thương lái đã đặt tiền cọc mua mía của nông dân nhưng cũng không vào thu mua mía. Niên vụ mía 2020 - 2021, nông dân Hậu Giang xuống giống được hơn 5.000 héc-ta. Riêng huyện Phụng Hiệp chiếm hơn 4.700 héc-ta, trong đó giống mía chín sớm ROC 16 chiếm diện tích khoảng 60%. Đến nay, nông dân trong tỉnh mới chỉ bán mía chục được gần 600 héc-ta.

Sơn Tây - Quảng Ngãi:

Giá cau tăng mạnh

Những ngày qua, người dân ở huyện Sơn Tây - xứ ngàn cau ở Quảng Ngãi - bắt đầu thu hoạch cau. Mới đầu mùa, cau thu hoạch chưa nhiều nhưng các chủ vườn rất vui vì giá cau tại lò dao động khoảng 50.000 đồng/kg, cao gấp đôi mức giá kỷ lục 26.000 đồng/kg vào đầu mùa những năm trước. Nguyên nhân khiến giá cau đầu vụ tăng cao là do bão số 9 năm ngoái tàn phá một số lượng cây rất lớn ở nhiều tỉnh miền Trung khiến nguồn cung khan hiếm. Ngoài ra, dù dịch bệnh phức tạp nhưng nhu cầu tiêu thụ cau của thị trường Trung Quốc vẫn tăng mạnh. Vụ này còn có một vài doanh nghiệp Ấn Độ đặt hàng mua cau ở địa phương. Nếu giá được duy trì như hiện nay, người dân Sơn Tây sẽ có nguồn thu nhập lớn.

Thạch Hà - Hà Tĩnh:

Dưa lưới Lưu Vĩnh Sơn bán chạy

Dưa lưới thơm ngon lại được thương lái thu mua tận vườn, không “ế” hàng giữa mùa dịch nên nông dân xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đang phấn khởi đầu tư vụ mới. Mặc dù giá dưa lưới thấp hơn thời điểm chưa ảnh hưởng dịch bệnh nhưng cơ bản đảm bảo chi phí, lợi nhuận cho người trồng. Hiện dưa lưới được bán giá 30.000 đồng/kg trong khi trước đây khoảng 35.000 – 40.000 đồng/kg.

Lưu Vĩnh Sơn là địa phương trồng dưa lưới trong nhà màng quy mô lớn của tỉnh Hà Tĩnh với 100% hộ dân tham gia tổ hợp tác dưa lưới thuộc HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn. Nhận thấy hiệu quả, đến nay đã có 27 thành viên tham gia tổ hợp tác với diện tích 1,5 héc-ta. Ngoài hướng cho người trồng đồng nhất giống, kỹ thuật, tổ hợp tác đã tính toán sản xuất gối vụ để đảm bảo tránh ùn ứ trong tiêu thụ. Đặc biệt, lấy đích đến là sản phẩm OCOP của tỉnh, thời gian qua, các thành viên của tổ hợp tác dưa lưới đã nỗ lực xây dựng thương hiệu, nhận diện sản phẩm bằng cách dán tem, quét mã QR. Trồng dưa lưới trong nhà màng ở xã Lưu Vĩnh Sơn cho hiệu quả kinh tế cao với sản lượng bình quân đạt khoảng 1,5 tấn/sào/vụ, doanh thu khoảng 45 triệu đồng. Chi phí đầu tư nhà màng diện tích 500m2 khoảng 130 triệu đồng. Để khuyến khích phát triển mô hình này, năm 2020, huyện Thạch Hà đã hỗ trợ 100.000 đồng/m2 đối với mô hình mới.

Bình Định:

Phát triển nhãn hiệu bò thịt chất lượng cao

Giai đoạn 2021 - 2025, Bình Định tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, đồng thời phát huy nhãn hiệu “Bò thịt chất lượng cao Bình Ðịnh”.

Thực hiện chính sách phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao nông hộ giai đoạn 2015 - 2020, Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở NN&PTNT) đã phối hợp với các địa phương triển khai 62 mô hình chăn nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao ở các huyện, thị xã trong tỉnh; đào tạo gần 120 kỹ thuật viên hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc bò, trồng cỏ kết hợp với phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn. Ngoài ra, Đề án còn hỗ trợ 123 con bò đực giống, mỗi hộ 1 con, sử dụng để phối giống trực tiếp tại các vùng đi lại khó khăn, không thuận lợi trong thực hiện thụ tinh nhân tạo.  Nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm bò thịt, Bình Định đã chú trọng đầu tư xây dựng nhãn hiệu và đến tháng 9/2020 đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) trao chứng nhận “Bò thịt chất lượng cao Bình Định”. Ngay sau đó có 117 hộ chăn nuôi đủ điều kiện đã được cấp chứng nhận. Với chứng nhận nhãn hiệu, bò thịt chất lượng cao Bình Định có thêm nhiều dấu hiệu nhận diện, đồng thời còn giúp người chăn nuôi gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. Ðây là cơ sở quan trọng để tỉnh ban hành đề án giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, tập trung vào phát triển chất lượng đàn bò thịt và phát huy hiệu quả nhãn hiệu “Bò thịt chất lượng cao Bình Ðịnh”. Với nhãn hiệu được cấp, các hộ chăn nuôi có thêm cơ sở để chào bán sản phẩm với giá tốt hơn trước. Khi đưa bò vào chợ bò mua bán tập trung, bà con có thể giới thiệu với khách mua về đàn bò, quy trình chăm sóc, chứng nhận, gia tăng mức độ tin tưởng, nâng cao giá trị sản phẩm mình chào bán.

Không chỉ có vậy, để tạo điều kiện cho người chăn nuôi, Bình Định còn xây dựng 3 chợ bò hợp chuẩn tại các xã phát triển mạnh chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, gồm: Nhơn Lộc, Nhơn Hậu (TX An Nhơn) và Phước An (huyện Tuy Phước), quy mô diện tích 1.500 m2/chợ; họp theo phiên 10 ngày/lần. Có chợ bò, người chăn nuôi dễ dàng nắm bắt được xu hướng, thị hiếu khách hàng, biến động giá cả, tăng cơ hội kết nối, giảm các khâu trung gian từ sản xuất đến tiêu thụ, qua đó tăng hiệu quả kinh tế chăn nuôi.   

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Gia Lai:

Xử lý vi phạm buôn bán sản phẩm cấm kinh doanh

Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh phân bón thuốc bảo vệ thực vật PN ở xã Bình Giáo, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện đại lý này đã có hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật là thuốc diệt cỏ thuộc danh mục mà Nhà nước cấm kinh doanh. Cụ thể trên nhãn sản phẩm ghi thuốc trừ cỏ hiệu Haihadup 480SL số lượng 10,8 lít (12 chai x 900ml/chai) do Công ty cổ phần GenTa Thụy Sỹ, địa chỉ 34 đường 6B Khu dân cư Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh phân phối và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, có chứa thành phần Glyphosate. Đây là hoạt chất không được phép buôn bán, sử dụng tại Việt Nam kể ngày 01/7/2021. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ và xử lý vi phạm hành chính với số tiền là 7.500.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật theo quy định.

Tiền Giang:

Thu giữ thuốc lá điếu nhập lậu

Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh đã phát hiện và thu giữ một số lượng thuốc lá điếu nhập lậu được ngụy trang bên dưới các loại rau, củ, quả… nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng. Tại thời điểm khám, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 90 bao thuốc lá điếu nhập lậu gồm 60 bao hiệu JET và 30 bao hiệu HERO. Số lượng thuốc lá này được vận chuyển từ tỉnh Tây Ninh về tỉnh Bến Tre để tiêu thụ.

Lạng Sơn:

Tạm giữ thuốc trừ cỏ không rõ xuất xứ

Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6, Cục QLTT Lạng Sơn chủ trì, phối hợp với Đội chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Lạng Sơn (Đội 389) đã tiến hành kiểm tra các bao tải dứa đang để trên vỉa hè đường Hùng Vương, thuộc Khòn Phổ, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 30 bao tải dứa chứa các thùng bìa cát tông có chứa tổng số 600 chai nhựa đựng dung dịch màu xanh loại 1 lít/chai. Tất cả đều là thuốc trừ cỏ không chọn lọc Lagoote không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra toàn bộ số hàng hóa trên không có giấy tờ, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc kèm theo. Ước tính lô hàng có trị giá khoảng 60 triệu đồng. Đội quản lý thị trường số 6 đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ hàng hóa để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

HÀNG VIỆT

Lạng Sơn:

Ðặc sản cao khô Chợ Bãi

Làm cao khô (phở khô) là nghề truyền thống ở thôn Chợ Bãi, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Năm 2020, cao khô Chợ Bãi đã được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao tỉnh Lạng Sơn và nổi tiếng bởi vị thơm, ngon đặc trưng riêng.

Từ quá trình chinh phục người tiêu dùng

Cao khô Chợ Bãi hay được gọi là phở khô, mỳ gạo là nghề truyền thống của người dân thôn Chợ Bãi. Qua đôi bàn tay khéo léo của những người thợ, sản phẩm được chế biến từ 100% gạo nguyên chất đã chinh phục nhiều thực khách khó tính. Gạo được chế biến cao khô là gạo Bao Thai hay gạo Đoàn Kết được trồng ở các xã của huyện Văn Quan. Lý do khiến cao khô Chợ Bãi được ưa thích so với các loại mỳ gạo khác là do nguyên liệu để sản xuất được các hộ dân làng nghề lựa chọn kỹ càng. Để có được những sợi cao khô mềm và dẻo thơm, bà con phải đãi gạo, vo sạch, sau đó ngâm hoàn toàn bằng nước suối trong 6 - 8 giờ, sau đó mới đem gạo đi xay. Gạo được xay thành bột để làm cao khô phải được xay bằng cối đá thì bột mới mịn. Để giảm sức lao động và gia tăng sản lượng những năm gần đây người dân đã lắp thêm mô tơ để xay gạo. Tiếp theo là công đoạn pha bột tráng bánh. Đây là công đoạn khó nhất đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm pha bột làm sao cho mỗi cái bánh đều bằng nhau không mỏng quá và cũng không dầy quá. Đặc biệt, cao khô Chợ Bãi không dùng lò để sấy mà đều phải phơi nắng mới có độ dai dòn và không có mùi. Sau khi bánh đã khô thì sẽ tẩm ướt miếng bánh và cuộn lại cho vào máy thái. Sau đó để bánh được hong khô 1 ngày rồi mới bó lại thành hình tròn hai lớp như hai hình tròn đồng tâm, được buộc bằng lạt tre nhỏ. Người dân thường đóng 5 bó cao khô trong 1 túi nylon, kích thước tùy vào loại sản phẩm. Các sợi cao khô có độ đồng đều, giữ nguyên nếp gấp. Vì là sản phẩm khô nên dễ bảo quản, đóng gói, thời gian bảo quản có thể kéo dài đến 6 tháng.

Do tiện lợi và dễ sử dụng, giờ đây cao khô Chợ Bãi đã trở thành hàng hóa và được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đắk Lắk…

... đến sản phẩm OCOP 3 sao

Với mục tiêu nâng cao giá trị cho sản phẩm cao khô Chợ Bãi, từ tháng 3/2018 huyện Văn Quan đã xây dựng và phát triển Dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cao khô Chợ Bãi”. Mục tiêu nhằm đưa làng nghề truyền thống ở thôn Chợ Bãi thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn và chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời giúp các hộ sản xuất, kinh doanh cao khô kết nối với các tổ chức sản xuất, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Qua 2 năm triển khai, dự án đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực như: Điều tra, khảo sát bản đồ quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa sản phẩm cao khô; kiểm nghiệm một số mẫu cao khô theo các chỉ tiêu, chất lượng; xây dựng tem, nhãn mác; quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm,...

Đến tháng 11/2019, “cao khô Chợ Bãi” đã chính thức được nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Đây là cơ hội rất lớn cho sản phẩm cao khô Chợ Bãi chinh phục thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm tương tự nhưng sản phẩm Cao khô Chợ Bãi vẫn luôn chiếm được niềm tin của người tiêu dùng bởi sản phẩm dễ sử dụng, không cầu kỳ trong việc nấu nướng. Hơn nữa, từ khi sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể người tiêu dùng lại càng yên tâm hơn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, các hộ sản xuất cao khô đã áp dụng cải tiến công nghệ để phù hợp với xu thế phát triển. Nhiều hộ dân đã tự động hóa một số công đoạn để nâng cao năng suất, ngoài ra vẫn thực hiện thủ công nhằm đảm bảo chất lượng và giữ những ưu điểm của cao khô Chợ Bãi. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, các hộ làm cao khô trong thôn Chợ Bãi đều đã ký bản cam kết không sử dụng hàn the, thuốc tẩy hay chất phụ gia, đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm…

Để nâng cao chất lượng sản phẩm cao khô Chợ Bãi, huyện Văn Quan đã tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như mở các lớp đào tạo kỹ năng về vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ năng sản xuất cho các hộ sản xuất cao khô; tạo ra sự đồng đều về chất lượng; các sản phẩm sẽ được thiết kế mới hoặc cải tiến phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng ở thị trường; đồng thời gìn giữ được giá trị của sản phẩm truyền thống.