Thông tin thị trường giá cả số 41/2021

12:00 AM 10/10/2021 |   Lượt xem: 7951 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Tây Nguyên mùa dổi chín

Dổi là loài cây rừng quen thuộc, cho gỗ quý, hạt quý và đang trở thành cây kinh tế mạnh, tạo ra làn gió mới về trồng rừng ở khu vực Tây Nguyên, tăng độ che phủ và hiệu quả kinh tế của cả rừng và nương rẫy.

Nếu như trước đây, người dân Tây Nguyên phải vào các cánh rừng để nhặt hạt dổi, thì vài năm trở lại đây, bà con đã chủ động trồng cây dổi ghép để lấy hạt. Ưu điểm của giống cây dổi ghép là sau 3 năm trồng, cây đã cho quả, thay vì 20 năm như cây thực sinh. Bước đầu, trồng dổi ghép ở Tây Nguyên đã có nhiều tín hiệu đáng mừng. Tại Đắk Lắk, một số địa phương như huyện Ea Hleo, Ea Kar và TP. Buôn Ma Thuột đang phát triển giống cây trồng này và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế. Tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, người dân trồng xen dổi trong các vườn cà phê. Ban đầu, họ trồng xen với mục đích để chắn gió. Khoảng 4 năm gần đây, thấy hiệu quả kinh tế từ cây dổi nên người dân bắt đầu mở rộng diện tích. Đến nay, trên địa bàn xã có khoảng 400 hộ trồng dổi và có thu nhập ổn định. Bên cạnh cây cà phê và hồ tiêu, hiện cây dổi được xem là cây “đẻ ra tiền”. Nhờ cây dổi mà đời sống vật chất của nhiều hộ đồng bào đã thay đổi, có của ăn của để. Những năm đầu, dổi có thể cho vài cân hạt mỗi cây. Nhưng càng về sau, cây càng sai quả. Có cây cho tới hàng yến hạt. Giá hạt dổi tươi hiện nay khoảng 650.000 – 750.000đ/kg, còn hạt khô thì phải 1,5 – 2 triệu đồng/kg.

Người dân huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã trồng dổi được 5 năm, chủ yếu là trồng xen với diện tích khoảng 50 héc-ta. Theo đánh giá chung, chất lượng quả dổi rất tốt, thu mua cũng thuận lợi. Từ năm 2018, huyện đã có chính sách hỗ trợ phát triển cây dổi theo hình thức trồng xen. Cụ thể, với hộ nghèo, huyện hỗ trợ 40% tiền mua giống cây, hỗ trợ 30% đối với hộ cận nghèo và hộ người dân tộc Ba Na. Năm nay là năm thứ 4 huyện tiếp tục hỗ trợ phát triển cây dổi và sẽ tăng mức hỗ trợ cho hộ nghèo để phát triển loại cây này. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, dổi thường phân bố ở khu rừng các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Những năm gần đây, hạt dổi có giá trị cao nên người dân bắt đầu đưa giống cây này vào sản xuất nông nghiệp. Cây dổi từ năm thứ 3 trở đi đã cho hạt và khoảng từ năm thứ 10 trở lên là có thể cho thu hoạch gỗ. Do đó, hiệu quả kinh tế mang lại cao. Hiện đơn vị đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khảo sát giống cây dổi để xem xét, định hướng phát triển theo hướng nông lâm kết hợp nhằm vừa tăng độ che phủ rừng, đảm bảo môi trường sinh thái, vừa mang lại hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, để phát triển một giống cây trồng mới, người dân cần phải tìm hiểu thị trường tiêu thụ bởi thị trường tiêu thụ của hạt dổi chưa ổn định. Vì vậy, địa phương khuyến cáo bà con chưa nên trồng thuần loại cây trồng này mà nên trồng xen trong vườn cà phê và các loại cây khác vì dổi vừa có khả năng chắn gió, vừa có nguồn thu nhập, đồng thời cải thiện được môi trường sinh thái.

Khánh Sơn - Khánh Hòa:

Khó tiêu thụ mía tím

Hiện nay, bà con huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang vào thời điểm thu hoạch rộ cây mía tím. Mặc dù đã bán cắt lỗ với mức giá giảm gần 50% nhưng tiêu thụ mía tím vẫn gặp khó khăn.

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, toàn huyện có gần 300 héc-ta mía tím, tổng sản lượng khoảng 11.000 tấn. Loại mía này chủ yếu cung cấp cho các tàu cá đánh bắt xa bờ ở các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Đến thời điểm này mới chỉ tiêu thụ được khoảng 2.000 tấn. Số còn lại, tuy đã đến kỳ thu hoạch, thậm chí nhiều diện tích đã quá lứa nhưng vẫn chưa tiêu thụ được. Hiện nay, giá mía giảm 50 - 60% so với năm trước. Trước đây, bó mía 12 cây bán được 120.000 đồng, nay bán với giá 50.000 đồng vẫn không có người mua.

Hiện nay, địa phương đang phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương đưa ra giải pháp hỗ trợ tiêu thụ mía tím cho bà con Khánh Sơn. Trước mắt, sẽ tổ chức thu mua 10 xe mía tím, tương ứng với 10.000 bó mía. Hội Nông dân tỉnh đưa mía tím vào 35 gian hàng hỗ trợ tiêu thụ nông sản mà hội đang triển khai, đồng thời, liên hệ với trung tâm hỗ trợ nông dân các tỉnh bạn để tìm kiếm thêm đầu mối hỗ trợ tiêu thụ. Tỉnh đoàn hỗ trợ việc quảng bá, đưa sản phẩm mía tím lên sàn thương mại điện tử… Đồng thời, làm việc cụ thể với các chủ tàu, đẩy mạnh hơn nữa việc thu mua, tiêu thụ mía tím cho nông dân. Ước tính mỗi tàu sẽ tiêu thụ khoảng 3 bó mía tím trong mỗi chuyến ra khơi. Còn theo lãnh đạo Sở Công Thương, ngoài các giải pháp trước mắt, có tính chất tình thế nhằm hỗ trợ tiêu thụ mía tím, về lâu dài, sở đề nghị địa phương nghiên cứu, vận động người dân chuyển đổi cây mía tím sang các cây trồng khác, vì hầu như năm nào mía tím vào vụ thu hoạch cũng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Quảng Trị:

Hỗ trợ tái canh cây cà phê

Cà phê là một trong sáu cây trồng chủ lực được tỉnh Quảng Trị ưu tiên tập trung đầu tư phát triển. Hiện tỉnh đang tập trung hỗ trợ người dân tái canh cây cà phê chè catimor theo hướng sản xuất hữu cơ nhằm nâng cao giá trị và tăng thu nhập.

Cà phê Quảng Trị tập trung chủ yếu ở các xã: Hướng Phùng, Hướng Tân, Hướng Sơn, Tân Hợp, Tân Liên, Ba Tầng và thị trấn Khe Sanh của huyện miền núi Hướng Hóa. Trong đó có hơn 50% diện tích đã bị già cỗi, thoái hóa và nhiễm sâu bệnh nặng nên cho năng suất, chất lượng thấp. Ngoài ra, giá hạt cà phê xuống thấp trong nhiều năm qua đã khiến bà con nông dân bị lỗ. Vì vậy, nhiều hộ đã chuyển đổi một phần diện tích trồng cà phê sang trồng cây khác để có thu nhập cao hơn.

Giai đoạn 2021 - 2026, Quảng Trị tập trung ổn định diện tích từ 4.500 - 5.000 héc-ta, trồng mới và tái canh từ 150 - 200 héc-ta/năm. Thực hiện chính sách này, tháng 9/2021 huyện Hướng Hóa bước đầu đã hỗ trợ 60.000 cây cà phê giống cho 33 hộ dân ở xã Hướng Phùng và thị trấn Khe Sanh để thực hiện tái canh trên 31 héc-ta.

Việc tái canh và trồng mới cây cà phê thời gian tới được thực hiện gắn với sản xuất theo hướng hữu cơ, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Ngoài ra, tỉnh còn lựa chọn bộ giống cà phê mới phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương; ứng dụng công nghệ vào trồng, chế biến và bảo quản hạt cà phê; xây dựng thương hiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại để tìm thị trường tiêu thụ. Tỉnh cũng quy hoạch vùng trồng cà phê để thuận lợi truy xuất nguồn gốc và đạt chứng nhận các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ; hỗ trợ giống, phân bón, chế phẩm sinh học và cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ.

Đồng bằng sông Cửu Long:

Giá ớt chỉ thiên tăng mạnh

So với cách nay 1 tháng, giá ớt chỉ thiên tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL đã tăng mạnh từ 15.000 - 20.000 đồng/kg và đang ở mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Tại TP. Cần Thơ và nhiều tỉnh An Giang, Vĩnh Long... giá ớt chỉ thiên loại 1 đang ở mức 37.000 - 40.000 đồng/kg, trong khi trước đây chỉ 19.000 - 24.000 đồng/kg; ớt loại 2 và loại 3 đang có giá 29.000 - 35.000 đồng/kg. Mức giá này cao gấp 3 lần so với những tháng đầu năm 2021. Giá ớt chỉ thiên tăng mạnh do nhu cầu tiêu thụ tăng cao, trong khi nguồn cung ớt tại nhiều địa phương có phần hạn chế vì thời gian qua người dân giảm diện tích trồng bởi giá cả đầu ra giảm thấp.

Dự báo, giá ớt chỉ thiên có khả năng còn tăng và duy trì ở mức cao trong thời gian tới, nhất là khi vùng ÐBSCL bước vào mùa lũ, việc mở rộng diện tích trồng ớt tại nhiều nơi sẽ gặp khó.

Thừa Thiên Huế:

Thanh trà bí đầu ra

Giữa tháng 9, hàng trăm nhà vườn ở vùng thanh trà nằm dọc thượng nguồn sông Hương - Thủy Biều đang vào mùa thu hoạch. Đây được xem là thời điểm lý tưởng nhất khi thu hoạch bởi trái thanh trà vào “độ chín”.  Năm nay, việc thu hoạch thưa thớt, các thương lái phương xa không đến đặt hàng. Giá thanh trà năm nay cũng giảm, chỉ còn khoảng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, không như mọi năm, có khi lên đến 40.000 - 45.000 đồng/kg nhưng vẫn “cháy” hàng. Hiện nhiều tỉnh thành đang phong tỏa để phòng chống dịch, phương tiện vận tải di chuyển khó khăn nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc đưa thanh trà đi ra các thị trường ngoại tỉnh.

Tuyên Quang:

Giá mía nguyên liệu tăng

Theo thông báo mới nhất của Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương, giá thu mua mía nguyên liệu vụ ép năm 2021 - 2022 sẽ là 950.000 đồng/tấn áp dụng với vùng có cự ly dưới 30km (tính từ Nhà máy đường Sơn Dương và Nhà máy đường Tuyên Quang); 900 nghìn đồng/tấn đối với vùng có cự ly trên 30km. Như vậy, so với vụ ép 2020 - 2021 thì giá mía nguyên liệu vụ này sẽ tăng 50.000 đồng/tấn. Cùng với giá thu mua mía nguyên liệu tăng, Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương cũng áp dụng các chính sách hỗ trợ tiền giống, phân bón, công chăm sóc, thu hoạch; hỗ trợ tiền chuyển đổi trên diện tích trồng các cây trồng khác sang trồng mía… Những năm gần đây, do việc thu mua mía nguyên liệu chậm, giá thu mua thấp khiến người nông dân trên địa tỉnh Tuyên Quang không còn mặn mà với cây mía. Do đó, vùng mía nguyên liệu đã giảm từ hơn 10.000 héc-ta xuống chỉ còn hơn 2.000 héc-ta. Với việc tăng giá thu mua mía nguyên liệu cũng các chính sách ưu đãi lần này, Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương hy vọng sẽ thu hút được người nông dân quay trở lại với cây mía, phát triển vùng nguyên liệu.
Quảng trị:

Giá cam K4 giảm

Nông dân trồng cam K4 ở tỉnh Quảng Trị đang vào vụ thu hoạch trong bối cảnh đầu ra thu hẹp, việc vận chuyển khó khăn. Dù đã vào vụ nhưng các nhà vườn vẫn im ắng, vắng bóng thương lái. Hiện giá cam dao động từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, giảm 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, sản lượng cam giảm do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan. Hiện Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị đang kết nối với các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm giúp người dân.                          

Đắk Lắk:

Tăng cường giải pháp tiêu thụ nông sản

Để kết nối tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19, Sở Công Thương Đắk Lắk đã tích cực cập nhật diễn biến thị trường, xây dựng các kênh tiêu thụ và kiến nghị giải pháp thúc đẩy lưu thông, vận chuyển hàng nông sản.

Thời gian qua, Sở Công Thương Đắk Lắk thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động lưu thông, vận chuyển đối với mặt hàng bơ, sầu riêng; rà soát các đầu mối cung ứng, phân phối hàng nông sản trên địa bàn để kết nối tiêu thụ. Đồng thời, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Chương trình Gian hàng Việt trực tuyến trên sàn Thương mại điện tử Sendo và Voso; phối hợp với Công ty cổ phần F9 hỗ trợ, hướng dẫn cho 12 doanh nghiệp của tỉnh tham gia chuyển đổi số và tham gia các sàn thương mại điện tử trong nước. Đối với 2 loại trái cây chủ lực của tỉnh là quả bơ và quả sầu riêng, giá tuy có giảm nhưng tình hình tiêu thụ tương đối thuận lợi. Hiện giống sầu riêng Ri6 đã tiêu thụ hết, đang chuẩn bị vào thời điểm thu hoạch giống sầu riêng Dona Thái. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ hàng nông sản không thuận lợi như trước đây, dự kiến giá sầu riêng Dona trong thời gian tới sẽ giảm nhẹ khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kg. Đối với trái bơ giá không thay đổi so với thời điểm năm trước do hiện đang là cuối vụ thu hoạch. Giá bơ Cuba có giá khoảng 13.000 - 15.000 đồng/kg đang vào giai đoạn cuối mùa vụ.

Sở Công Thương đã yêu cầu Sở Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu theo nguyên tắc “1 cung đường, 2 điểm đến”, phân tuyến “luồng xanh” được thuận lợi nhất, không để các trạm, chốt kiểm soát giao thông gây ách tắc trong việc vận chuyển, lưu thông nông sản. 

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Tiền Giang:

Phát hiện phân bón, hóa chất công nghiệp vi phạm

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục QLTT và UBND tỉnh Tiền Giang về việc tăng cường kiểm tra mặt hàng phân bón; Đội QLTT số 4 phối hợp với Chốt kiểm dịch Covid-19 số 2 thuộc xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang tiến hành kiểm tra lô phân bón được vận chuyển trên xe ô tô tải biển kiểm soát 63C-063-63. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện trên xe có 1.960 chai phân bón lá NPK, loại 500ml/chai.  Qua làm việc, chủ xe đã thừa nhận hành vi vi phạm là kinh doanh phân bón nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phân bón; không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Lô hàng này có trị giá gần 70 triệu đồng, đang được vận chuyển từ tỉnh Long An về tỉnh Tiền Giang để bán.

Mới đây, Đội QLTT số 2 phối hợp Đội Cảnh sát giao thông – Công an thị xã Gò Công thực hiện thủ tục khám phương tiện ô tô tải biển kiểm soát 51C-695.40. Tại thời điểm khám, phát hiện 3.225 lít hóa chất công nghiệp được chứa trong 15 phuy, khối lượng 215 kg/phuy, trị giá hàng hóa là 52 triệu đồng. Người điều khiển phương tiện xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế thì hàng hóa này có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa như: Không ghi hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, thông tin cảnh báo... Đội trưởng Đội QLTT số 2 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH SXTM T.Đ.P về hành vi hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa, thu phạt 17.500.000 đồng.

Quảng Bình:

Thu giữ 1.000 bộ kit test nhanh Covid-19 nhập lậu

Đội QLTT số 7 thuộc Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Hà Thanh, địa chỉ số 44 đường Võ Thị Sáu, phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Qua kiểm tra phát hiện tại địa điểm kinh doanh có 1.000 bộ (test) sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 trong mẫu tỵ hầu SGTi-flex COVID-19 Ag do Hàn Quốc sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đại diện công ty chưa xuất trình được số đăng ký lưu hành của sản phẩm. Trị giá lô hàng ước tính khoảng 120 triệu đồng.

Đội Quản lý thị trường số 7 đã  lập hồ sơ vụ việc, tạm giữ toàn bộ số tang vật nói trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.             

HÀNG VIỆT

Sìn Hồ - Lai Châu:

Khai trương Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP

Đầu tháng 9/2021, Hợp tác xã nông sản, dược liệu cao nguyên Sìn Hồ tổ chức khai trương Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại khu 2, thị trấn Sìn Hồ. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại địa phương với mục đích tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP. Đồng thời, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ sản xuất, tìm kiếm hợp đồng, hợp tác liên doanh và phát triển thị trường.

Hiện nay, Hợp tác xã nông sản, dược liệu cao nguyên Sìn Hồ trưng bày, giới thiệu và bán hơn 60 sản phẩm OCOP, trong đó có 7 sản phẩm ngoài tỉnh. Tại địa bàn huyện hiện có 4 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. Các sản phẩm chủ yếu tập trung vào mảng dịch vụ và dược liệu như: Cao actiso, thuốc phong tê thấp Mí Dao, táo mèo khô…

Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại khu 2, thị trấn Sìn Hồ được khai trương sẽ là cầu nối giúp cho đối tác trong và ngoài tỉnh dễ dàng tìm kiếm thông tin về sản phẩm để liên kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ. Đồng thời cũng là địa chỉ tin cậy mang đến những sản phẩm OCOP, nông sản sạch an toàn và chất lượng đến người tiêu dùng. Qua tìm hiểu thực tế tại huyện Sìn Hồ, có thể dễ dàng nhận thấy, hàng Việt luôn chiếm tỷ lệ cao tại các cơ sở kinh doanh, từ trung tâm thị trấn đến các xã, bản vùng sâu. Đây là điều dễ hiểu vì hàng Việt có sức cạnh tranh hơn, được người tiêu dùng tin, lựa chọn sử dụng. Điều này khẳng định hàng Việt có chất lượng tốt, thậm chí một số mặt hàng được người tiêu dùng đánh giá cao hơn hàng nhập khẩu.

Khoảng 4 năm trở lại đây, Sìn Hồ đã đẩy mạnh phát triển các hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn. Qua đó, phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kích cầu tiêu dùng, góp phần thay đổi văn hóa tiêu dùng, đồng thời, thúc đẩy ngành thương mại vùng cao phát triển.         

Ðặc sản hà tĩnh:

Hồng giòn Yên Du

Thôn Yên Du nổi tiếng với đặc sản hồng giòn không hạt. Những năm gần đây, nhận thấy cây hồng mang lại giá trị kinh tế cao nên người dân đang dần mở rộng diện tích.

Với giá bán đầu mùa từ 30.000 – 35.000 đồng/kg, hồng giòn không hạt đang mang về nguồn thu ổn định cho bà con thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên hầu hết các vườn đậu quả rất cao, chất lượng quả tốt. Mặc dù do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng hồng thu hoạch đến đâu bán hết tới đó, thậm chí nhiều thương lái đến tận vườn đặt mua khiến bà con rất phấn khởi. Đặc biệt, từ khi tham gia vào Tổ hợp tác hồng Bình Du, sản phẩm hồng của các hộ gia đình tiêu thụ ổn định hơn.

Nhận thấy cây hồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều gia đình trong thôn đã chiết ghép cây giống để mở rộng diện tích.

Để sản phẩm hồng có chỗ đứng trên thị trường và tiêu thụ ổn định, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân xây dựng Tổ hợp tác hồng Bình Du và hiện đang tiếp tục vận động người dân tham gia vào tổ. Từ đó, mở rộng quy mô, sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hiện sản phẩm hồng Yên Du đã tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021. Nếu được liên ngành công nhận đạt chuẩn OCOP, sản phẩm hồng Yên Du sẽ còn vươn xa hơn nữa.