Thông tin thị trường giá cả số 47/2021

10:08 AM 19/11/2021 |   Lượt xem: 20191 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Điện Biên:

Được mùa Dong riềng

Hiện nay, bà con xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đang tất bật vào vụ thu hoạch dong riềng. Phấn khởi hơn, mùa dong riềng năm nay không chỉ được mùa mà còn được giá.

Được gọi là cây “một vốn bốn lời”, những năm gần đây, nông dân các xã Nà Tấu, Mường Phăng (huyện Điện Biên) và Mường Đăng (huyện Mường Ảng) không ngừng mở rộng diện tích trồng dong riềng để làm giàu. Đến Nà Tấu những ngày này, đâu đâu cũng gặp cảnh bà con thu hoạch dong riềng trong không khí nhộn nhịp, hối hả. Trời xế chiều, sau một ngày thu hoạch dong riềng cật lực, bà con lại nườm nượp vận chuyển dong riềng về nơi tập kết bán cho các xưởng chế biến. Vào mùa thu hoạch cao điểm dong riềng, mỗi ngày bà con nơi đây bán cho tư thương hàng chục tấn củ. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn xã Nà Tấu có 7 cơ sở, hợp tác xã thu mua, chế biến tinh bột dong riềng tại chỗ. Từ đầu tháng 10, một số xưởng đã bắt đầu chuẩn bị máy móc, cơ sở vật chất và đến nay cả 7 cơ sở đều hoạt động, tiến hành thu mua củ dong cho người dân. Dong riềng thu mua đến đâu được cơ sở chế biến hết tới đó. Trung bình 1 tấn củ tươi sản xuất được từ 1,7 – 1,8 tạ tinh bột. Tinh bột dong riềng sau khi đóng bao sẽ được xuất bán cho thương lái ở các tỉnh dưới xuôi. So với năm 2020, giá bán tinh bột dong riềng giảm khoảng 1.500 đồng/kg, song giá thu mua củ dong tươi vẫn giữ nguyên. Hiện tại các cơ sở đang thu mua với giá từ 2.000 – 2.500 đồng/kg. Với giá này tính bình quân 1.000m2 trồng dong riềng sau khi trừ chi phí sẽ cho thu lãi từ 7 – 9 triệu đồng.

Vụ này, dong riềng được mùa, năng suất trung bình đạt 60 tấn/héc-ta nên bà con rất phấn khởi. Những hộ trồng nhiều phải dậy từ sáng sớm để kịp thu hoạch cho đúng thời vụ. Nếu vụ nào cũng bán được giá và ổn định như thế này, người trồng dong riềng cũng khấm khá hơn. Từ khi cây dong riềng “bén rễ” đất Nà Tấu, người dân trong xã không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Sau mỗi vụ thu hoạch dong, nhiều gia đình có tiền mua xe máy làm phương tiện vận chuyển, đi lại; sắm thêm tiện nghi sinh hoạt phục vụ cuộc sống hàng ngày…

Tại xã Nà Tấu, dong riềng trồng tập trung chủ yếu ở các bản: Tà Cáng, Xôm, Nà Cái, Phiêng Ban, Hua Rốm… Tuy nhiên, đây đều là những diện tích do người dân trồng tự phát bởi địa phương chưa xây dựng quy hoạch cũng như hướng phát triển cây dong riềng. Vậy nên những năm qua, xã không đưa kế hoạch phát triển, mở rộng cây dong riềng vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ðể tránh tình trạng cung vượt quá cầu và người trồng dong riềng bị tư thương ép giá, xã khuyến cáo người dân không tự ý mở rộng diện tích, đồng thời sẽ tìm hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một số diện tích đất trồng dong riềng đã bạc màu. Cụ thể, vụ dong riềng năm 2022 tới đây, diện tích trồng dong riềng của xã dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 250 héc-ta. Những diện tích đất trồng dong riềng bị bạc màu sẽ để tái sinh rừng hoặc trồng thay thế các loại cây trồng khác.

Đắk Nông:

Thu hoạch Cà phê đầu vụ

Thời điểm này, nông dân đang bước vào thu hoạch vụ cà phê năm 2021. Ngay đầu vụ, cà phê trúng mùa, được giá, bà con phấn khởi.

Hiện nay, không khí chuẩn bị thu hoạch cà phê khá khẩn trương. Hầu hết bà con đã hoàn thành công đoạn xử lý vườn cây như: Làm sạch cỏ; mua sắm bạt lót, bao bì; tìm nhân công... Thông thường mọi năm, vào đầu vụ, giá cà phê giảm, sau đó mới dần nhích lên ở thời điểm giữa và cuối vụ. Thế nhưng năm nay, mới chớm vụ thu hoạch, giá cà phê đã ở mức khá cao, có thời điểm đạt 42.000 đồng/kg. Tính trung bình các đại lý trên địa bàn thu mua cà phê tươi mức 8 triệu đồng/tấn, cà phê nhân mức 40 triệu đồng/tấn. Dự báo, nếu diễn biến giá cả vẫn giữ ổn định cho đến cuối vụ, các hộ trồng cà phê sẽ có một vụ mùa thắng lợi.

Hiện các hộ gia đình đều huy động nhân lực hái những cây cà phê có lượng quả đã chín trên 70%, những cây quả xanh sẽ hái đợt sau. Nguồn lao động thu hái cà phê hiện nay cơ bản được bảo đảm. Tuy nhiên, giá công hái cà phê tương đối cao so với mọi năm. Dự kiến, đến cuối tháng 11, bà con nông dân cơ bản thu hoạch xong vụ cà phê.

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có trên 131.000 héc-ta cà phê, ước sản lượng đạt khoảng 332.000 tấn. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân thực hiện việc thu hái cà phê đúng cách. Bà con nên thu hái khi tỷ lệ quả chín trên cây đạt từ 70% trở lên. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, năng suất cà phê ở nhiều vùng đều đạt khá. Trong đó, những diện tích cà phê tái canh cho năng suất cao. Cụ thể, toàn tỉnh đã tái canh được trên 20.500 héc-ta cà phê và năng suất đạt từ 3 - 4 tấn/héc-ta, cao hơn khi chưa tái canh 1 - 2 tấn/héc-ta. 

Tuyên Quang:

Cam Hàm Yên mất mùa

Giữa tháng 10, vùng cam Hàm Yên bắt đầu vào vụ thu hoạch. Do tình hình thời tiết bất lợi, nhiều diện tích cam Hàm Yên mất mùa nhưng bù lại, giá cam đầu vụ cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

So với vụ cam năm 2020, vụ cam năm nay ước giảm khoảng 20.000 tấn. Nguyên nhân là do giai đoạn đầu vụ cây ra hoa gặp thời tiết bất lợi nên tỷ lệ đậu quả thấp. Hơn nữa trong các vụ cam năm 2019, 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và việc phát triển ồ ạt vùng cam khiến cam Hàm Yên liên tiếp mất giá. Nhiều nhà vườn lỗ vốn nên đến vụ cam năm nay nhiều hộ dân không muốn đầu tư chăm sóc, để cây tự nhiên sinh trưởng phát triển dẫn đến dinh dưỡng nuôi cây ít, quả đạt năng suất thấp.

Với giá cam đạt từ 6.200 đến 6.500 đồng/kg, so với vụ trước, cam Hàm Yên năm nay cao hơn 1.000 đồng/kg. Nỗ lực không để cam Hàm Yên mất giá, trước khi vào vụ thu hoạch cam, tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối tiêu thụ sản phẩm cam với các tập đoàn phân phối, sở hữu các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C, Lan Chi, Vinmart&Vinmart+; kết nối tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử như Sen đỏ, Amazon, Shopee... Riêng bưu điện tỉnh Tuyên Quang thực hiện cam kết, kết nối tiêu thụ khoảng 10.000 tấn từ nay đến hết vụ.

Nhằm phát triển vùng cam theo hướng nông nghiệp sạch, đến nay, toàn vùng cam Hàm Yên có 756 héc-ta đạt tiêu chuẩn VietGAP, 18,6 héc-ta đạt chuẩn hữu cơ chuyển đổi. Năm 2021, huyện sản xuất và cung ứng được 7.000 cây giống cam sạch bệnh. Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành Hàm Yên.

Tuy An - Phú Yên:

Bò giảm giá, khó tiêu thụ

Chăn nuôi bò đã trở thành nghề truyền thống từ nhiều năm nay của huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Hiện nay là thời điểm người chăn nuôi sản xuất cho vụ tết nhưng giá bò giảm khiến nhiều người lo lắng. Trước đây, bò hơi có giá từ 80.000 - 90.000 đồng/kg nhưng hiện chỉ đạt 55.000 đồng/kg đối với những con bò có mã đẹp, nhiều thịt; còn bò xấu, tỷ lệ thịt thấp thì 50.000 đồng/kg hơi. Thương lái chỉ mua cầm chừng theo đơn đặt hàng của các mối quen chứ không dám “ôm” hàng như lúc trước bởi nhu cầu tiêu thụ có xu hướng giảm mạnh. Tuy vậy, người dân vẫn duy trì đàn với hy vọng giá sẽ tăng khi nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp cuối năm và tết. Hơn nữa, bò đến thời điểm xuất chuồng mà chưa bán được bà con có thể nuôi thêm sẽ giúp tăng tỷ lệ thịt, bán được giá hơn. Vì vậy, trong thời điểm giá bò đang hạ thấp, nhiều hộ gia đình không bán, giữ lại toàn bộ đàn, nuôi vỗ béo đến tết bán, khả năng lúc đó giá sẽ tăng trở lại.

Vĩnh Long:

Dừa khô tăng giá

Tuần qua, giá dừa khô đạt mức cao, thương lái hái tận vườn. Hiện thương lái thu mua 100.000 - 115.000 đồng/chục (12 trái), tăng 15.000 - 20.000 đồng/chục so với tháng trước. Thời điểm này nhiều vườn dừa cho ít trái vì ảnh hưởng bởi sâu bệnh và thời tiết bất lợi, dừa không được chăm sóc tốt, trái dừa cũng không đẹp. Nhiều vườn phải “vét” mới đủ số lượng. Dự báo, từ nay đến tết, giá dừa khô sẽ còn tăng do nhu cầu chế biến thực phẩm dịp tết tăng. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu dừa khô cũng đã hoạt động trở lại, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương dễ dàng hơn.

Đồng bằng sông Cửu Long:

Giá sầu siêng tăng mạnh trở lại

Giá trái sầu riêng tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đã tăng ít nhất từ 15.000 - 20.000 đồng/kg so với các tháng trước và đang ở mức khá cao. Hiện giá sầu riêng hạt lép như Ri 6 và Monthong bán lẻ tại nhiều điểm kinh doanh trái cây ở TP. Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre… ở mức 80.000 - 95.000 đồng/kg. Sầu riêng Monthong đang được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua trái cây ở mức 50.000 - 60.000 đồng/kg, trong khi trước đây giá chỉ 35.000 - 43.000 đồng/kg. Còn sầu riêng Ri 6 đang được nông dân bán ra với giá 45.000 - 50.000 đồng/kg, trong khi trước đây chỉ ở mức 30.000 - 35.000 đồng/kg. Hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua sầu riêng xuất khẩu và phục vụ chế biến các sản phẩm chuẩn bị phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán 2022. Thời điểm này, sầu riêng tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL và trong cả nước nói chung đã kết thúc vụ thu hoạch chính vụ nên nguồn cung giảm mạnh. Những vườn sầu riêng có trái bán vào lúc này chủ yếu do nông dân xử lý ra trái rải vụ và nghịch mùa. Dự báo, giá sầu riêng còn tăng và tiếp tục ở mức cao trong thời gian tới.

Bình Định:

Quýt đường được mùa

Hiện nay, các trang trại trồng quýt ở TP. Quy Nhơn và các huyện Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân… đang vào mùa thu hoạch. Quýt được trồng ở Bình Định chủ yếu là loại quýt đường. Năm nay, các trang trại trúng mùa quýt, bình quân thu hoạch 50 - 60 kg/cây, cao hơn bình thường khoảng 20 - 25%. Giá bán lẻ ở mức ngang năm ngoái 20.000 - 25.000 đồng/kg. Tại các chợ trong tỉnh, quýt đường Bình Định được ưa chuộng do giá rẻ, ngọt thơm. Nhiều nhà vườn đã rao bán quýt trực tiếp qua mạng xã hội và bán khá chạy.

Bình Dương:

Mô hình trồng chuối sứ hữu cơ

Thường Tân là xã còn nhiều khó khăn của huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Những năm qua, nhờ thành công từ dự án canh tác chuối sứ cấy mô theo hướng hữu cơ, nhiều hộ nông dân đã có thu nhập ổn định.

Đây là mô hình do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên triển khai, hỗ trợ giống. Sau một thời gian triển khai, đến nay, mô hình đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập thường xuyên và ổn định cho người trồng.

Trồng chuối sứ có ưu điểm như đầu tư ít vốn, đỡ công chăm sóc, ít bị sâu bệnh, sản lượng tăng hàng năm, không ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết… Đặc biệt, ngoài giá trị từ buồng chuối, bắp chuối, lá chuối và thân chuối có thể bán ra thị trường hoặc dùng ủ làm phân bón hữu cơ và làm thức ăn cho gia súc. Đặc biệt, cây chuối sứ có nhiều chất kali nên có khả năng cải tạo đất rất tốt. Vì vậy, một số hộ đã tiến hành trồng xen canh cây chuối sứ vào vườn bưởi, vừa có tác dụng cải tạo đất, diệt cỏ, lại có thể lấy ngắn nuôi dài.

Ngoài bán tại thị trường trong nước, hiện nay, sản phẩm của các hộ tham gia mô hình chuối sứ hữu cơ được khách hàng ký kết để xuất khẩu sang Nhật, mỗi lần giao khoảng 1 đến 2 tấn. Nhờ phát triển kinh tế vườn, thu nhập của một số hộ dân ở xã được cải thiện rõ rệt.

 Để nâng cao hiệu quả trồng cây chuối sứ, xã Thường Tân thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để phổ biến hướng dẫn nông dân về kỹ thuật, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên chuối sứ. Thời gian tới, mô hình này sẽ tiếp tục được Trung tâm nhân rộng ở các xã trên địa bàn Bắc Tân Uyên.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Nhận biết phân bón Supe Lâm Thao bằng tem thông minh

Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao là đơn vị sản xuất phân bón lâu năm và có uy tín, thương hiệu trên thị trường. Chính vì vậy, có không ít cơ sở sản xuất phân bón đã sử dụng mẫu mã bao bì giống với bao bì phân bón Lâm Thao nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Để mua đúng sản phẩm phân bón Lâm Thao bà con lưu ý đặc điểm nhận biết sau đây:

- Trên vỏ bao Lâm Thao có in hình logo 3 nhành lá cọ xanh, bên dưới có chữ Lâm Thao.

- Trên miệng vỏ bao có 2 đường chỉ khâu song song với nhau.

- Trên mép vỏ bao có 6 tem thông minh gắn mã QR Code bên ngoài và 1 tem dự phòng bên trong mép gấp.

- Bên dưới mặt trước vỏ bao ghi địa chỉ Công ty: Khu Phương Lai, Thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ - Điện thoại: 02103. 825131.

Theo đó, bà con chỉ cần dùng điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm QR code, chụp, quét mã trên tem sẽ truy xuất được: Mã vùng, mã khách hàng, hướng dẫn sử dụng sản phẩm, ngày xuất hàng, tên sản phẩm, tên công ty, sản phẩm chính hãng và hướng dẫn sử dụng phân bón của Supe Lâm Thao. Những sản phẩm hàng nhái, hàng giả phân bón Supe Lâm Thao sẽ không có tem thông minh gắn mã QR Code như các sản phẩm chính hãng của Supe Lâm Thao.

HÀNG VIỆT

Đồng bằng sông Cửu Long:

Ðánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Trong quý cuối cùng của năm 2021, nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Hầu hết các sản phẩm được phân hạng là các sản phẩm tiêu biểu của địa phương.

Cà Mau: Công nhận 18 sản phẩm OCOP

Ðến nay, Cà Mau đã hoàn thành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1/2021. Theo đó, Hội đồng đánh giá phân hạng cấp huyện đề xuất Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh công nhận thêm 18 sản phẩm/11 chủ thể đạt chuẩn OCOP.  Nếu được Hội đồng tỉnh thông qua, tỉnh Cà Mau sẽ có 51 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó sẽ có 8 sản phẩm 4 sao và 43 sản phẩm đạt 3 sao. Trong đợt 2, Hội đồng phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh sẽ tiếp tục phân hạng, đánh giá thêm cho 12 sản phẩm OCOP.

Năm 2021, Cà Mau đặt mục tiêu phát triển mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm, trong đó, công nhận ít nhất 30 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao. Đồng thời, nâng hạng ít nhất 3 sản phẩm được công nhận trong năm 2020 từ 3 sao lên 4 sao; phát triển và nâng cấp ít nhất 28 - 30 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, chú trọng các sản phẩm truyền thống, sản phẩm lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể sản xuất phát triển bền vững các sản phẩm OCOP.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Cà Mau đưa ra mục tiêu phấn đấu có ít nhất 5 sản phẩm đạt 5 sao và 90 sản phẩm đạt 3 - 4 sao. Trong đó, xây dựng và phát triển các mô hình du lịch lên sàn OCOP như: Du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng... Nguồn kinh phí thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 302 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ thể tham gia là hơn 102 tỷ đồng. Ngoài ra, còn lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án trên địa bàn, nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác để tập trung phát triển sản xuất.

Tiền Giang: Thêm 20 sản phẩm được phân hạng

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang đã họp đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2021. Đợt này, tỉnh Tiền Giang có thêm 21 sản phẩm được đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP. Như vậy, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 60 sản phẩm đặc trưng tại địa phương được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Để tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm OCOP, các ngành chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, lập hồ sơ đăng ký tham gia chương trình này. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang là đơn vị chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm vừa đạt OCOP 4 sao, 3 sao sử dụng, in dán logo, thứ hạng sao OCOP lên sản phẩm. Đồng thời, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đạt OCOP.

Kiên Giang: 57 sản phẩm tham gia phân hạng

Đợt này có 57 sản phẩm thuộc các ngành hàng thực phẩm, đồ uống, mỹ nghệ của các địa phương tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021. Đến nay có 13/15 huyện, thành phố đã tổ chức Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện với 29 chủ thể tham gia. Trong đó, có 9 chủ thể là công ty, 6 hợp tác xã, 14 hộ sản xuất kinh doanh. Về sản phẩm của các chủ thể tham gia hầu hết là các sản phẩm đặc trưng của các vùng miền. Qua đánh giá hồ sơ, có 57/59 sản phẩm đạt yêu cầu, đủ điều kiện tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Kiên Giang đợt 1 năm 2021.

Kiên Giang đặt mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2021 - 2025, tổ chức đánh giá, cấp giấy công nhận và phát triển ít nhất 120 sản phẩm mới và hiện có (bình quân 8 sản phẩm/huyện, thành phố/năm) đạt 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 25 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm 5 sao cấp tỉnh.