Thông tin thị trường giá cả số 48/2020

03:51 PM 24/11/2020 |   Lượt xem: 3165 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Đắk Lắk:

Nâng cao chất lượng cà phê ngay từ khâu thu hoạch

Thời điểm này, nông dân Đắk Lắk đang vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2020 - 2021. Để có sản phẩm chất lượng, chính quyền và ngành nông nghiệp đang tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo, thậm chí là tổ chức giám sát ngay từ khâu thu hoạch để đảm bảo quả chín đạt trên 85%.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có hơn 203.000 héc-ta cà phê, năng suất bình quân ước đạt hơn 25 tạ/héc-ta; tổng sản lượng ước đạt khoảng 465.000 tấn. Để nâng cao được chất lượng cà phê, ngành nông nghiệp đã phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không thu hái cà phê xanh, đảm bảo an ninh trật tự để người dân yên tâm thu hái khi tỷ lệ cà phê chín đạt trên 85%; trường hợp thu cuối vụ, tỷ lệ quả chín phải đạt tối thiểu 80% nhằm đảm bảo chất lượng cà phê sau thu hoạch. Đặc biệt, vận động bà con nông dân cố gắng thực hiện thu hoạch phải đạt quả chín và không nên thu hoạch quả xanh. Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp với các đơn vị để vừa đảm bảo bảo vệ thu hoạch mùa màng cho bà con, vừa hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân thu hái theo đúng quy định.

Nâng cao nhận thức của người sản xuất về việc đảm bảo chất lượng cà phê trong thu hái, phơi sấy, chế biến và bảo quản sau thu hoạch cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong “Đề án phát triển cà phê bền vững tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 định hướng đến năm 2030” nhằm thúc đẩy ngành hàng cà phê của tỉnh Đắk Lắk phát triển theo hướng bền vững. Qua đó, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn; quản lý tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Giá bán sẽ cao hơn

Việc nâng cao được chất lượng cà phê từ khâu thu hoạch được xem là một trong những giải pháp đem lại lợi ích kép khi giá bán cao hơn so với thị trường và hướng đến sản xuất cà phê bền vững. Những năm gần đây do sự thay đổi thất thường về thời tiết nên cà phê thường ra hoa đậu quả nhiều đợt trong năm, rất khó để tất cả quả chín đồng loạt. Trước kia để thuận tiện trong thuê nhân công, rút ngắn thời gian thu hái các hộ gia đình sẽ hái một lần, vì vậy tỷ lệ quả xanh rất nhiều, không đảm bảo chất lượng. Năm nay, theo tư vấn của các cán bộ kỹ thuật, một số hộ quyết định thu hoạch cà phê thành 3 đợt vừa tránh tình trạng bị ép giá do hái non vừa giảm tỷ lệ quả xanh. Đợt đầu và đợt hai sẽ lựa hái những cây có tỷ lệ quả chín cao (khoảng 90%), đợt cuối cùng chờ hạt chín đều sẽ tuốt đồng loạt. Mặc dù thu hái cà phê chín chọn lọc khá tốn công và mất nhiều thời gian nhưng bù lại khi bán giá cao hơn so với cà phê hái đại trà vì năng suất, chất lượng cà phê đảm bảo. Ngoài ra, các cán bộ kỹ thuật cũng khuyến cáo bà con trong quá trình sơ chế nếu trong trường hợp chế biến ướt phải vận chuyển về cơ sở chế biến trong vòng 24 giờ. Nếu trong trường hợp chế biến khô phải tổ chức phơi trên sân bê tông. Thời gian quan, Đắk Lắk đã hỗ trợ một số hợp tác xã tổ chức sân bê tông phơi cà phê. Bà con lưu ý khi phơi không nên để độ dầy của cà phê trên 30 cm, phải đảo liên tục để đảm bảo hạt cà phê khô, đồng đều và chuẩn bị tất cả các điều kiện như bạt để che mưa…

Một doanh nghiệp chuyên thu mua và xuất khẩu cà phê cho biết, để tăng được giá bán trong bối cảnh cà phê rớt giá hiện nay, cách duy nhất là phải sản xuất được cà phê chất lượng cao. Muốn làm được điều này, cùng với quá trình chăm sóc thì khâu thu hoạch cà phê rất quan trọng. Vì vậy, nâng cao năng lực cho bà con về thu hoạch cà phê chín sẽ góp phần nâng cao chất lượng.

Bắc Quang (Hà Giang):

Kết nối thành công tiêu thụ cam sành

Từ lâu, cây cam sành được xác định là cây ăn quả mũi nhọn của huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Năm nay, nhờ sự kết nối của địa phương cũng như sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, tiêu thụ cam sành đã nhộn nhịp ngay từ đầu vụ.

Vụ cam năm nay, UBND xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang đã đứng ra làm trung gian kết nối thành công 7 hợp đồng tiêu thụ cam cho bà con. Các hợp đồng đều có sự cam kết chia sẻ giữa bên mua và bên bán. Có sự hỗ trợ thu hái, vận chuyển, tập kết hàng hoá, đóng bao bì, dán nhãn xác định sản phẩm làm ra của từng hộ, từng Tổ hợp tác, từng HTX với nhà kinh doanh. Ngay sau lễ ký, những chuyến xe chở đầy cam Vĩnh Hảo đã cùng lăn bánh về các nơi tiêu thụ. Giá bán bình quân dao động từ 5.500 – 6.500 đồng/kg, mang lại nguồn thu lớn cho các hộ đồng bào. Trên thực tế, việc ký hợp đồng ngay đầu vụ với các siêu thị, tiểu thương là bước tiến quan trọng để người trồng cam Vĩnh Hảo ổn định sản xuất. Chỉ 3 ngày sau khi ký kết hợp đồng, các tiểu thương đã cắt quả, dán nhãn, đóng hộp vận chuyển cam về các nơi tiêu thụ.

Hiện Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội cũng đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, phối hợp với các tỉnh nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông, đặc sản của địa phương. Tuy nhiên, biện pháp trước mắt tiêu thụ sản phẩm cam Bắc Quang vẫn là đẩy mạnh qua con đường hội chợ nông sản, đặc sản ở các vùng miền và kết hợp chợ đầu mối ở các địa phương. Đây là cách tốt nhất để giải quyết việc tiêu thụ sản phẩm với sản lượng lớn khi chưa đạt được các tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu.

Nguyên Bình (Cao Bằng):

Mở rộng diện tích cây trúc sào

Cách đây 10 năm, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã đưa cây trúc vào chương trình sản xuất hàng hóa nông lâm nghiệp, xác định đây là cây trồng chính để xóa đói, giảm nghèo. Hiện nay, cây trúc sào đã giúp nhiều hộ dân thu về hàng trăm triệu đồng, đem lại cuộc sống no ấm.

Dọc theo quốc lộ 34 từ huyện Nguyên Bình tới huyện Bảo Lạc, cây trúc sào được trồng bạt ngàn hai bên đường, trên thung lũng, sườn đồi. Huyện Nguyên Bình là vùng đất thích hợp cho cây trúc phát triển. Trúc sào trồng ở đây có đặc điểm thân thẳng, to, tròn đều, dễ uốn nên được các cơ sở sản xuất rất ưa chuộng. Thân trúc sào được sử dụng vào rất nhiều việc như: Làm đồ thủ công, mỹ nghệ, làm cần câu, đan mành, làm chiếu, đóng bàn ghế có giá trị… Trong đó, sản phẩm chiếu trúc sào có chất lượng cao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Những năm gần đây, huyện Nguyên Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tận dụng những khe núi, đất đồi để đưa cây trúc vào trồng, mở rộng diện tích. Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, huyện hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc trúc sào. Được người dân hưởng ứng, nhiều vùng đất trống, khu đồi bỏ hoang đã được phủ màu xanh của trúc sào. Từ diện tích nhỏ lẻ, đến nay, một số hộ dân đã mở rộng trồng hơn 10 héc-ta, mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng.

Xác định trúc sào là cây trồng chính, từ những diện tích trồng nhỏ lẻ tự phát, huyện Nguyên Bình đã khảo sát, đánh giá hiệu quả của trúc sào, lựa chọn trồng tại những vùng có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, hình thành vùng sản xuất tập trung. Đến nay, diện tích trúc sào của huyện Nguyên Bình đạt 2.160 héc-ta, trong đó đang cho khai thác trên 1.700 héc-ta... Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Trúc sào là cây trồng thế mạnh để xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Vì vậy, thời gian tới, Nguyên Bình sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông để người dân có thể dễ dàng chăm sóc và khai thác thế mạnh của loại cây này. Mục tiêu chính của huyện là tiếp tục mở rộng diện tích trồng mỗi năm khoảng 100 héc-ta, đưa trúc sào trở thành cây trồng hàng hóa có giá trị.

Quảng Ngãi:

Vườn cau thiệt hại do mưa bão

Khoảng vài năm trở lại, hàng ngàn hộ nông dân ở Quảng Ngãi xem cây cau là nguồn thu nhập chính. Tuy nhiên, đợt mưa bão vừa qua, người trồng cau ở các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức… chịu thiệt hại nặng nhất. Khi bão đổ bộ, ngọn cây đón gió cùng với sức nặng của trái làm cây bật gốc, bà con mất cả chì lẫn chài. Những cây cau xanh tốt, buồng chi chít trái non đều bật gốc hoặc gãy ngang thân. Sau bão, bà con phải mót cau non và thu gom những buồng cau chưa bị hư hại nhiều bán cho thương lái thu về ít vốn. Trong khi đó, giá cau đang ở mức 37.000 đồng/kg, nhiều vườn cau có thể mang về nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Được biết, từ khi trồng đến lúc cây cau cho trái phải mất 7 - 8 năm nhưng cây cho thu hoạch kéo dài từ 15 - 20 năm. Mấy năm qua, giá cau tăng cao nên người nông dân ra sức chăm bón. Thế nhưng sau bão, công sức của người trồng cau coi như mất trắng.

Hà Tĩnh:

Hồng Yên Du được mùa, được giá

Mặc dù đã vào cuối vụ thu hoạch nhưng người trồng hồng ở thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh vẫn tất bật thu hoạch hồng. Năm nay, hồng Yên Du không chỉ được mùa mà còn được giá nên người dân rất phấn khởi. Với giá bán từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, người dân xóm núi Hà Tĩnh có lãi khá. Quả hồng đã trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương, được bà con trong làng lưu giữ, phát triển. Đến nay, toàn thôn Yên Du có 80 hộ trồng hồng với diện tích trên 35 héc-ta. Năm nay, mặc dù thời tiết nắng hạn kéo dài nhưng người trồng hồng ở thôn Yên Du vẫn bội thu, ước tính sản lượng hết vụ đạt trên 20 tấn, giá trị ước đạt gần 1 tỷ đồng. Để xây dựng thương hiệu hồng không hạt Yên Du, hiện xã đang hoàn thiện hồ sơ sản phẩm để tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm, phấn đấu đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh vào cuối năm 2020.

Hậu Giang:

Vào vụ làm khô cá đồng

Hiện đánh bắt thủy sản mùa nước nổi ở Hậu Giang đang diễn ra, cũng là lúc mùa làm khô vào vụ. Năm nay, sản lượng thủy sản ít hơn mọi năm, nên giá các loại khô cá đồng tăng từ 10 - 15% so với năm trước. Các loại khô cá đồng phổ biến ở Hậu Giang thời điểm này là cá sặc, cá lóc… với giá bán từ 150.000 - 350.000 đồng/kg tùy loại. Trong đó, khô cá lóc đồng rất được ưa chuộng, có giá 350.000 đồng/kg. Trung bình 3kg cá nguyên liệu sẽ cho ra 1kg khô, trừ hết các chi phí, cho lợi nhuận từ 50.000 - 100.000 đồng/kg. Theo nhiều nông hộ có kinh nghiệm làm khô lâu năm ở huyện Phụng Hiệp, để khô ngon, ngoài bí quyết ướp gia vị, phải được phơi từ 3 - 4 nắng mới đảm bảo chất lượng và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đức Trọng (Lâm Đồng):

Chuẩn bị vào vụ hoa tết

Làng hoa lay-ơn xã Hiệp An, huyện Đức Trọng là vùng trồng hoa lớn của tỉnh Lâm Đồng trong mỗi vụ hoa tết. Những ngày này, các nhà vườn đang tấp nập xuống giống, chăm sóc hoa để đáp ứng nhu cầu thị trường trong dịp Tết Tân Sửu 2021 sắp tới. Theo thống kê sơ bộ, trong vụ hoa tết năm nay, có khoảng 350 héc-ta hoa các loại được gieo trồng tại địa bàn xã. Ngoài ra còn có hàng trăm héc-ta lay-ơn được người dân trong xã đi xâm canh (thuê đất trồng hoa) tại một số khu vực lân cận. Với diện tích và số lượng cây giống được trồng ở địa phương như hiện nay sẽ bảo đảm được nhu cầu của người dân trong tỉnh và một số địa phương khác. Nhiều năm nay, vụ hoa tết không những đem lại nguồn thu nhập khá cho dân xã Hiệp An mà còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương với mức thu nhập khá ổn định. Năm nay, dự báo sản lượng hoa sẽ giảm do ảnh hưởng của mưa bão nên khả năng giá sẽ cao trong vụ thu hoạch vào dịp tết sắp tới.

Lạc Dương (Lâm Đồng):

Mô hình liên kết sản xuất nấm hương

Lạc Dương là huyện có đông dân cư là người dân tộc thiểu số của tỉnh Lâm Đồng. Thời gian qua, mô hình liên kết sản xuất nấm hương phù hợp với trình độ canh tác của bà con đã phát triển, mở ra cơ hội cho nhiều gia đình khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Đầu năm 2020, nhiều hộ đồng bào dân tộc ở huyện Lạc Dương đã vay tiền từ ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư xây dựng nhà trồng nấm hương. Sở dĩ bà con mạnh dạn chuyển sang trồng nấm vì đã tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất với một công ty tại Đà Lạt. Mọi yêu cầu về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nguồn mô giống và đầu ra sản phẩm đều được phía công ty đảm bảo. Sau 2 - 3 tháng trồng thử nghiệm, đến nay, các hộ gia đình đã có thu nhập ổn định với mức hơn 5 triệu đồng cho một mô hình diện tích nhỏ. Thực tế cho thấy, việc trồng nấm hương không khó mà lại đạt hiệu quả kinh tế cao nhờ được công ty liên kết bao tiêu sản phẩm.

Hiện toàn huyện Lạc Dương đã có hơn 30 hộ gia đình tham gia vào liên kết sản xuất này. Ngành nông nghiệp đang tiếp tục mở nhiều lớp tập huấn và chuyển giao kỹ thuật trồng nấm. Đồng thời, tìm kiếm thêm đối tác để giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ. Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng nấm hương nên hiện nay nhu cầu liên kết sản xuất của người dân rất lớn. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện mở rộng sản xuất và cũng đã đưa ra dự kiến đến năm 2025 cố gắng phấn đấu triển khai được khoảng 200 nhà nấm trên địa bàn.

Những kết quả đạt được từ mô hình liên kết trồng nấm ở Lạc Dương không chỉ góp phần giúp địa phương thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững mà còn tiến đến xây dựng vùng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá”, hình thành tư duy sản xuất mới cho nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Đắk Nông:

Tịch thu hơn 28 kg bột ngọt giả mạo Ajinomoto

Đầu tháng 11/2020, Đoàn kiểm tra của Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông đã tiến hành kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh tạp hóa Cô Sen ở chợ xã Nghĩa Thắng và cơ sở kinh doanh tạp hóa Hòa Trang ở thôn 2, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp. Tại 2 cơ sở này, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 40 gói bột ngọt hiệu Ajinomoto, với tổng khối lượng 28,172 kg không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, trên bao bì hàng hóa ghi ngày, tháng sản xuất ở đáy bao không rõ ràng, mép dán bên trên bao bì nhăn nheo không phẳng có dấu hiệu là hàng giả. Đoàn kiểm tra đã tiến hành thu giữ toàn bộ số bột ngọt trên, đồng thời tiến hành xử phạt đối với 2 cơ sở vi phạm này số tiền là 3,2 triệu đồng.

Hà Giang:

Tiêu huỷ hàng hóa nhập lậu

Cục Quản lý thị trường Hà Giang đã tiến hành tiêu hủy gần 3 tấn thực phẩm và hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm, tinh dầu thuốc lá điện tử nhập lậu. Các sản phẩm bị tiêu hủy gồm: Mỳ sợi, gia vị thực phẩm, sản phẩm mỹ phẩm và 760 ống tinh chất có chứa Nicotine dùng cho thuốc lá điện tử nhập lậu. Đối với các sản phẩm đồ chơi trẻ em, cầu trượt, xe đẩy trẻ em, giá để hoa, chậu tắm, móc khóa, xe thăng bằng trẻ em, khay đựng gia vị; đồ điện dân dụng, gia dụng (quạt làm mát bay hơi, quạt mi ni, máy say thịt, máy rửa mặt mi ni, quạt gió sạc điện không dây, nồi hầm điện, bếp từ, chảo điện, đèn năng lượng mặt trời, pin, quạt thóc) đã được Cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức thực hiện bán đấu giá theo quy định.

HÀNG VIỆT

Lâm Đồng:

Tích cực đưa hàng Việt về nông thôn

Thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, những tháng cuối năm 2020, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nhiều chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi, tạo cơ hội cho người tiêu dùng được mua sắm các sản phẩm hàng Việt chính hãng, có chất lượng, giá cả phải chăng. 

Ông Bùi Thế - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, vừa qua Sở Công Thương đã tổ chức Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại 3 huyện Bảo Lâm và Di Linh, Đơn Dương. Gần đây nhất là phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện Đơn Dương. Phiên chợ diễn ra trong 3 ngày tại Nhà văn hóa xã Ka Đô với quy mô 30 gian hàng, bao gồm các mặt hàng, sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân như: Thực phẩm, đồ gia dụng, thiết bị công nghiệp, dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Ông Nguyễn Đình Tịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương - cho biết: Trong phiên chợ này, các doanh nghiệp đã mang đến những mặt hàng trong nước sản xuất với chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá hợp lý. Từ đó, đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu của người dân địa phương. Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn là hoạt động có ý nghĩa rất lớn, vừa giúp người dân tiếp cận được các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao, phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp với thu nhập của người dân địa phương. Đồng thời, qua phiên chợ đã tạo cơ hội tốt để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường nông thôn nhiều tiềm năng, từ đó xây dựng mạng lưới, kênh phân phối, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng.

Từ năm 2009 đến nay, Sở Công Thương Lâm Đồng đã phối hợp tổ chức được 24 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người dân, nâng cao giá trị của các sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, tạo kênh thông tin hai chiều giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, tạo sự hiểu biết, lựa chọn các mặt hàng chất lượng cao, giá cả phù hợp.

Theo Sở Công Thương Lâm Đồng, thông qua các phiên chợ hàng Việt về nông thông, Ban tổ chức Phiên chợ cũng đã trao tặng các phần quà cho hộ nghèo và học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn.