Thông tin thị trường giá cả số 49/2019

03:39 PM 17/12/2019 |   Lượt xem: 3470 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Lục Ngạn:

Khi sản xuất gắn với thị trường

Năm 2019, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) có tổng sản lượng quả tươi đạt trên 165.000 tấn. Sản lượng lớn là vậy nhưng hầu như các hộ trồng cây ăn quả ở Lục Ngạn không gặp khó khăn trong tiêu thụ. Đâu là nguyên nhân dẫn đến kết quả tích cực này?

Từ thủ phủ vải thiều đến trung tâm cây ăn quả chất lượng cao

Trước đây, nhắc đến Lục Ngạn là nhắc đến vải thiều – loại trái cây có ở Lục Ngạn từ hơn 50 năm trước, với chất lượng thơm ngon có tiếng. Mấy năm gần đây, cùng vải thiều, Lục Ngạn còn được biết đến với bưởi da xanh, bưởi ngọt, cam ngọt, cam lòng vàng, ổi, táo…

Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, nông dân Lục Ngạn còn nắm chắc kỹ thuật chăm sóc cây. Chính vì vậy, giống cây nào ở địa phương khác đưa về, chỉ sau 1 - 2 năm là người nông dân có thể chủ động trong chăm sóc, lai tạo và cho cây kết trái với chất lượng tốt nhất. Sau nhiều năm tập trung phát triển cây ăn quả, đến năm 2019, Lục Ngạn đã có tổng diện tích hơn 27.000 héc-ta cây ăn quả các loại với tổng sản lượng quả tươi đạt trên 165.000 tấn. Bao gồm: 15.300 héc-ta vải thiều, sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm; gần 7.000 héc-ta cam, bưởi, sản lượng khoảng 60.000 tấn/năm và trên 5.000 héc-ta các loại cây ăn quả khác. Tổng thu nhập từ cây ăn quả năm 2019 của Lục Ngạn ước đạt trên 4.300 tỷ đồng, chiếm hơn 70% tổng giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp, góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt bình quân 136 triệu đồng/héc-ta, thậm chí có những héc-ta vải thiều, táo cho thu nhập cả tỷ đồng/năm.

Năm 2018, 2019, tại Lục Ngạn đã có hơn 600 hộ trồng cây có múi cho thu nhập từ 300 triệu đồng – 1 tỷ đồng/năm; hơn 500 hộ thu nhập 300 – vài tỷ đồng/năm từ cây vải.  Sản xuất và tiêu thụ trái cây hằng năm còn thúc đẩy các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phụ trợ ở Lục Ngạn phát triển mạnh, với tổng doanh thu ước đạt trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

Tìm lối đi cho nông sản

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch huyện Lục Ngạn đã trao đổi với phóng viên Chuyên đề DTTS&MN Báo Công Thương về các giải pháp để trái cây Lục Ngạn không rơi vào tình trạng dư thừa, rớt giá. Theo đó, với quả vải, ngoài việc sang tận Trung Quốc xúc tiến thương mại; lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thường xuyên tiếp xúc các đơn vị chức năng tại cửa khẩu Lạng Sơn để trái vải thiều được qua cửa riêng, thông quan không kể giờ giấc. Với thị trường trong nước, Lục Ngạn liên tiếp có các chương trình giới thiệu, quảng bá vải, cam, bưởi… tại hệ thống siêu thị; các trang bán hàng trực tuyến; tham gia các hội chợ nông sản.

Đến nay, ngoài việc duy trì diện tích trồng vải là hơn 15 héc-ta, Lục Ngạn đã có chiến lược quy hoạch bài bản cho từng loại cây có múi. Đồng thời, tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cho các diện tích cây ăn quả hiện có.

Song song với đó, hỗ trợ, hướng dẫn các nhà vườn, hợp tác xã xây dựng chỉ dẫn địa lý, áp dụng quy trình sản xuất an toàn để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm từ cây có múi, từng bước đưa các sản phẩm tiêu thụ xa hơn, với số lượng và giá trị cao hơn. “Có xúc tiến thương mại tốt đến mấy mà người nông dân không làm ra sản phẩm ngon, sản phẩm sạch thì không thể cạnh tranh được” - Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Theo tính toán, từ nay đến Tết Nguyên đán, mỗi tuần, huyện Lục Ngạn sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 3.500 tấn quả có múi (bưởi da xanh, bưởi ngọt, cam ngọt, cam lòng vàng), 1.000 tấn táo, khoảng 1.300 tấn mỳ gạo… Với chất lượng thơm ngon, giá bán ổn định, dự báo bà con ở Lục Ngạn (trong đó có khoảng 49% nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số) sẽ lại có thêm một vụ mùa cây trái trĩu quả, ấm no.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Bình Thuận:

Cà phê mất mùa, rớt giá

Thời điểm này, bà con xã Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) đang vào vụ thu hoạch cà phê. Năm nay, cà phê mất mùa, rớt giá nên nông dân thất thu so với năm ngoái.

Hiện giá cà phê đang ở mức dao động từ 32 - 33 triệu đồng/tấn. Theo tính toán của người trồng cà phê, với mức giá hiện nay nếu trừ chi phí đầu tư, nhân công thu hái thì người nông dân thua lỗ. Nhiều gia đình đã trông chờ vào vụ cà phê này để có tiền trang trải phân thuốc đã ứng trước. Tuy nhiên, với năng suất, giá cả thấp như hiện nay, nhiều gia đình không đủ tiền để trả nợ.

Theo so sánh, nếu như vụ cà phê năm ngoái 1 héc-ta cà phê cho thu hoạch từ 6 - 7 tấn thì năm nay chỉ đạt 4 tấn (giảm 2 - 3 tấn/héc-ta). Nguyên nhân khiến năng suất cà phê đạt thấp là do thời tiết biến đổi thất thường. Khi cà phê ra hoa rộ gặp mưa và đợt sương muối nên ảnh hưởng đến quá trình đậu hạt. Lứa khác ra hoa lại gặp đợt nắng kéo dài, không có nước tưới nên hoa khô héo, rụng nhiều.

Vụ thu hoạch cà phê ở Đa Mi bắt đầu từ tháng 10 - 12 (âm lịch) và kéo dài đến tháng giêng mới hết. Dự báo năm nay sản lượng cà phê đạt thấp từ 3 – 4 tấn/héc-ta. Năng suất thấp, giá cũng xuống thấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân nơi đây. Đa Mi là xã có diện tích phát triển cây cà phê nhiều nhất tỉnh Bình Thuận với khoảng 1.500 héc-ta. Cà phê cũng được xem là cây trồng chủ lực của các hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn xã. Với tình hình hiện nay, bà con đang lo lắng vì không có vốn đầu tư cho niên vụ tiếp theo.

Kiên Giang:

Khoai lang được giá

Huyện Hòn Đất và Giồng Riềng là hai địa phương có diện tích trồng khoai lang tập trung nhiều nhất của tỉnh Kiên Giang với gần 1.000 héc-ta/năm. Vụ này, bà con trồng khoai lang phấn khởi vì được mùa, bán có giá, lợi nhuận cao.

Giá khoai lang năm nay ở mức 9.000 - 10.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với mùa khoai năm 2018, lợi nhuận trên dưới 15 triệu đồng/công (1.000 m²) sau khi trừ chi phí sản xuất. Trên thực tế, chi phí sản xuất 1 công khoai lang 14 - 15 triệu đồng như đắp vòng, trồng khoai, chăm sóc, phân bón, thu hoạch… Sau khoảng 4 tháng thu hoạch năng suất đạt 3,5 - 4 tấn/công, so với sản xuất lúa, trồng khoai lang lời gấp nhiều lần. Tuy nhiên, thời gian qua, giá khoai chưa thực sự ổn định và phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu sang Campuchia, Trung Quốc. Năm nay, khoai lang được mùa, bán có giá chứ năm ngoái giá khoai chỉ đạt 4.500 - 5.000 đồng/kg, bà con trồng khoai thua lỗ nặng, đời sống kinh tế hết sức khó khăn.

Để tạo điều kiện cho bà con, thời gian qua, huyện Hòn Đất đã quy hoạch lại diện tích trồng khoai lang ở những vùng có điều kiện thích hợp. Đồng thời, quan tâm đến việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn, tập huấn cho nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại… để nâng cao năng suất, chất lượng khoai lang. Qua đó, giảm chi phí đầu tư sản xuất, tăng lợi nhuận cho bà con theo hướng sản xuất sạch, an toàn thực phẩm. Tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm khoai lang để tìm đầu tiêu thụ và giá cả ổn định. Huyện cũng đang xây dựng thương hiệu tập thể “Khoai lang Hòn Đất”, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, VietGAP nhằm nâng lên giá trị kinh tế của loại sản phẩm nông sản này.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Đồng Tháp:

Giá nấm rơm tăng mạnh

Hiện nay, nông dân trồng nấm rơm trên địa bàn huyện Lai Vung khá phấn khởi khi giá nấm tăng mạnh so với 2 tháng trước. Điều này, giúp nông dân có thêm động lực để đầu tư sản xuất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Theo nhiều nông dân trồng nấm rơm tại huyện Lai Vung, nấm rơm loại 1 có giá 80.000 đồng/kg; loại 2 giá 70.000 đồng/kg. Mức giá này tăng khoảng 15.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 9/2019. Nguyên nhân giá nấm rơm tăng do hiện nay lượng nấm trên các ruộng không còn nhiều, khiến nguồn cầu vượt cung. Bên cạnh đó, việc sản xuất nấm rơm chưa mang lại hiệu quả như mong đợi nên nhiều nông dân trồng nấm chuyển đổi sang canh tác cây trồng khác.

Đắk Lắk:

Phát triển cây chuối sáp ở vùng biên

Hiện nay, mô hình trồng xen chuối sáp trong vườn cây ăn trái đã giúp một số hộ dân tại xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk tăng thu nhập. Là địa phương vùng biên, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, thời gian gần đây, cây chuối sáp đã giúp bà con có thêm thu nhập. So sánh với các giống chuối xiêm, chuối lùn, chuối sáp có thân cao, lá đứng, bụi gọn, ít cạnh tranh ánh sáng với các cây trồng khác. Bên cạnh đó, thân và lá chuối sau khai thác sẽ tự phân hủy làm tăng độ mùn, giữ độ ẩm cho đất nên rất có lợi cho các loại cây trồng chính trong vườn. Sau 1 năm kể từ khi xuống giống, cây mẹ cho thu hoạch buồng đầu tiên. Từ năm thứ hai trở đi, mỗi bụi chuối có thể cho thu hoạch 6 buồng/năm. Bình quân mỗi buồng chuối có 10 nải, trọng lượng khoảng 12 kg. Hiện với giá chuối sáp bán ngay tại địa phương là 100.000 đồng/buồng, bà con đã có thu nhập tương đối. Tại các chợ ở các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, giá chuối sáp bán sỉ dao động ở mức 15.000 - 20.000 đồng/kg. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ chuối sáp luôn duy trì đều đặn với giá bán khá ổn định. Buồng chuối sáp cũng nhỏ gọn, dễ thu hoạch và vận chuyển hơn chuối xiêm.

Quảng Ngãi:

Nguy cơ thiếu nước vụ tỏi xuân ở Lý Sơn

Vụ tỏi đông xuân 2019 - 2020, huyện Lý Sơn xuống giống hơn 330 héc-ta. Chi phí đầu tư sản xuất vụ tỏi năm nay tăng hơn 5% so với mọi năm. Tuy nhiên, dự báo năm nay sẽ hạn nặng nên bà con lo không có nước tưới, tỏi mất mùa.

Đến thời điểm này, nông dân huyện Lý Sơn đã xuống giống được 80% diện tích trồng tỏi. Năm nay, thời tiết ít mưa nên vụ tỏi đông xuân có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước. Thông thường, vụ tỏi đông xuân hàng năm thường bị thiếu nước. Vụ tỏi đông xuân này, huyện khuyến cáo nông dân dùng thiết bị phun tưới vừa đều vừa đủ, không nên tưới thủ công bằng ống trực tiếp. Thời gian tưới cũng nên linh hoạt theo thời gian sinh trưởng của cây. Huyện đang triển khai dự án thay bể nước tưới tiết kiệm nước sinh hoạt, vừa để cấp nước cho sinh hoạt của người dân vừa để cung cấp cho khoảng 80 héc-ta đất nông nghiệp. Dự án hoàn thành sẽ góp phần hạn chế nắng hạn cho cây tỏi vụ đông xuân.

Đồng Nai:

Thịt gà tăng giá

Hai tháng trước giá gà lông trắng ở mức 13.000 - 15.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên 42.000 đồng/kg. Có 3 nguyên nhân khiến giá gà thời điểm này tăng cao. Thứ nhất là do hồi tháng 9, giá gà giảm mạnh khiến nhiều cơ sở chăn nuôi đua nhau bán để cắt lỗ nên nguồn cung giảm mạnh tới 30 - 40%. Thứ hai là do dịch tả heo châu Phi lan rộng, nguồn cung heo giảm khiến giá heo tăng vọt, người dùng chuyển sang tiêu thụ thịt gà. Cuối cùng là giá gà trong nước xuống thấp kỷ lục khiến gà nhập khẩu khó cạnh tranh. Do đó, các đơn vị nhập khẩu dừng nhập khiến nguồn cung giảm so với trước.

So với giá bình quân của tháng 10, giá gà trắng đang cao hơn gần 40%. Không chỉ giá gà trắng, giá gà thịt lông màu cũng tăng tới 30% so với giá bình quân của tháng 10, đạt 40.000 đồng/kg hơi. Người chăn nuôi cho biết, mặc dù giá gà tăng cao nhưng do trước đó giá xuống thấp hơn giá thành nên nhiều trang trại vẫn chưa thể bù lỗ.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Lào Cai:

Phát triển kinh tế hộ gia đình từ gà đen bản địa

Với mức giá 180.000 - 200.000 đồng/kg, mô hình nuôi gà đen bản địa đang được nhiều hộ gia đình ở Lào Cai phát triển. Mô hình này cũng giúp bà con phát triển kinh tế hộ gia đình.

Giống gà đen bản địa ở vùng cao Lào Cai (còn được mọi người biết đến là gà H Mông) là giống gà quý hiếm, chất lượng bậc nhất ở nước ta. Song song với việc bảo tồn, quá trình phát triển giống gà này ngay tại địa phương đã cho thấy không cần phải nhìn đâu xa, chính những đồng bào thiểu số ở vùng cao, là chủ nhân của giống gà này hoàn toàn có thể làm giàu từ nó.

Xã Lùng Sui, huyện Si Ma Cai có gần 500 hộ dân, với 99% người dân tộc Mông, đa phần các hộ còn nghèo khó. Vài năm trở lại đây, khi mô hình chăn nuôi gà đen được áp dụng đã góp phần tích cực giúp bà con phát triển kinh tế. Đến nay, toàn xã đã có trên 60 hộ dân tham gia nuôi giống gà này bởi nuôi gà đen rất dễ, hầu như nhà nào cũng có vườn cây ăn quả, chỉ cần rào quây lại là nuôi được gà.

Hiện nay trên thị trường, 1 kg gà đen có thể bán được 180.000 - 200.000 đồng, mỗi lứa bình quân 1 hộ có thể thu về 20 - 30 triệu đồng. Chính vì vậy, ngay từ năm 2015, huyện Si Ma Cai đã triển khai dự án đưa giống gà đen bản địa về phát triển trên chính vùng cao này. Tháng 8/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh mở rộng dự án cung cấp thêm cho bà con gà đen giống thuần để bà con mở rộng chăn nuôi.

Sau thành công bước đầu tại Si Ma Cai, tới đây mô hình chăn nuôi gà đen sẽ được mở rộng ra các địa bàn vùng cao khác của tỉnh Lào Cai, hứa hẹn mở ra hướng sinh kế mới cho đồng bào. Từ bán thịt, bán giống, đến bán thành phẩm vốn gắn với thương hiệu sẵn có của Lào Cai, như: Gà đen hầm tam thất Si Ma Cai, phở gà đen Bắc Hà, gà đen gác bếp…

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Tăng cường phòng chống lợn nhập lậu qua biên giới Tây Nam

Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT) yêu cầu Cục QLTT nhiều địa phương tăng cường phòng chống lợn nhập lậu qua biên giới Tây Nam.

Tổng cục Quản lý Thị trường đã ban hành Công văn số 2344/TCQLTT-THKHTC, chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu.

Theo đó, thời gian gần đây, tình hình mua bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn nhập lậu qua biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng diễn biến phức tạp, trong khi dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu ngưng lại. Do đó, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh nói trên, cần thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ như sau: Tại khu vực biên giới các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, lực lượng QLTT chủ động xây dựng phương án phối hợp với Bộ đội biên phòng, Hải quan, Công an, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại nói chung và buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu nói riêng.

Trong thị trường nội địa, lực lượng QLTT tăng cường phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu trên khâu lưu thông. Phối hợp với cơ quan chức năng thuộc Sở NN-PTNT kiểm tra, kiểm soát các chợ đầu mối, các trung tâm giết, mổ gia súc để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và các tác hại, nguy cơ lây lan dịch bệnh của việc sử dụng, kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

HÀNG VIỆT

Kết nối các sản phẩm OCOP vào khu vực miền Trung – Tây Nguyên

Ngày 29/11/2019, tại Đắk Lắk, Vụ Thị trường trong nước và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Hội nghị kết nối các sản phẩm tham gia chương trình OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khu vực miền Trung - Tây Nguyên”.

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Theo kết quả tổng hợp, tại 63 tỉnh, thành phố, đã xác định được có 6.010 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình (có đăng ký kinh doanh), trong đó có 3.126 doanh nghiệp (chiếm 76,6% số doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong cả nước), tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm, trong đó: Nhóm thực phẩm có 2.584 sản phẩm; nhóm đồ uống có 1.041 sản phẩm; nhóm thảo dược có 231 sản phẩm; nhóm vải may mặc có 186  sản phẩm; nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 580 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 201 sản phẩm với 413 làng bản văn hóa gắn liền với du lịch.

Chương trình OCOP sau hơn 1 năm triển khai đã có những kết quả vượt bậc cả về số lượng sản phẩm tham gia chương trình, mẫu mã, chất lượng được từng bước khẳng định, từng bước hình thành nhóm sản phẩm đặc sản của từng vùng quê gắn với bảo tồn văn hoá và đặc trưng của mỗi vùng miền… Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến năm 2020 là 3.749 sản phẩm. Tổng nguồn lực huy động dự kiến đạt gần 9.583 tỷ đồng. Đã có 9 tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng và có Quyết định công nhận cho 470 sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm đề xuất 5 sao, 160 sản phẩm 4 sao, 308 sản phẩm 3 sao, trong đó: Tỉnh Bắc Kạn có 37 sản phẩm (5 sản phẩm 4 sao, 32 sản phẩm 3 sao); tỉnh Quảng Nam có 25 sản phẩm (5 sản phẩm 4 sao, 20 sản phẩm 3 sao); tỉnh Lào Cai có 46 sản phẩm (1 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm 4 sao, 34 sản phẩm 3 sao); tỉnh Quảng Ninh có 196 sản phẩm (8 sản phẩm 5 sao, 62 sản phẩm 4 sao, 126 sản phẩm 3 sao); tỉnh Bến Tre có 45 sản phẩm (31 sản phẩm 4 sao, 14 sản phẩm 3 sao); tỉnh Nam Định có 36 sản phẩm (17 sản phẩm 4 sao, 19 sản phẩm 3 sao); tỉnh Thái Nguyên có 25 sản phẩm (13 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm 3 sao); tỉnh Hà Tĩnh có 9 sản phẩm (1 sản phẩm 4 sao và 8 sản phẩm 3 sao); tỉnh Bình Định có 51 sản phẩm (3 sản phẩm đề xuất 5 sao, 6 sản phẩm 4 sao, 42 sản phẩm 3 sao).

Hội nghị nhằm kết nối thành công, hiệu quả các sản phẩm tham gia chương trình OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. qua đó, góp phần liên kết giữa hộ sản xuất với tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp, phát triển, kết nối các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế địa phương, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP vào điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP. Theo đó, đại diện Sở Công Thương các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên sẽ ký biên bản ghi nhớ hợp tác, các doanh nghiệp phân phối sản phẩm, hệ thống siêu thị đã ký kết biên bản ghi nhớ giao thương với các hộ sản xuất, các hợp tác xã để đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối và tiêu thụ phục vụ người dân cả nước và từng bước hướng tới thị trường nước ngoài.