Thông tin thị trường giá cả số 51/2020

10:13 AM 18/12/2020 |   Lượt xem: 3945 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Gia Lai:

Cần liên kết tiêu thụ Khoai lang Lệ Cần

Khoai lang Lệ Cần là đặc sản quý của vùng cao nguyên đất đỏ Gia Lai. Đây cũng là giống khoai lang ngon nức tiếng, từng được xếp vào danh sách các món đặc sản tiến vua. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết không thuận lợi nên năng suất, sản lượng giảm, tiêu thụ khó khăn khiến người trồng lo lắng.

Thời tiết không thuận lợi khiến năng suất khoai lang đạt thấp so với các năm. Trung bình 1 héc-ta vụ này cho năng suất chỉ 6 - 7 tấn, các vụ trước đạt 10 - 12 tấn. Giá khoai cũng giảm mạnh so với các năm trước. Năm ngoái, giá thương lái thu mua tại ruộng khoảng 10.000 – 12.000 đồng/kg. Hiện tại, giá khoai lang tại ruộng còn 5.000 – 7.000 đồng/kg. Theo tính toán sơ bộ, nông dân làm khoai năm nay hòa vốn hoặc lãi rất ít.

Nguyên nhân giá khoai lang giảm sâu so với các năm là do tác động bởi dịch Covid-19, sức tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp bị ảnh hưởng. Bên cạnh khoai lang Lệ Cần, địa phương cũng trồng khoai lang Nhật Bản, nhưng thời tiết không thuận lợi khiến khoai lang Nhật Bản bị nhỏ củ, không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu qua Trung Quốc. Vì thế, số khoai lang Nhật Bản này phải tìm cách tiêu thụ trong nước, nguồn cung vượt nên kéo giá khoai lang giảm mạnh, giá khoai lang Lệ Cần cũng giảm theo.

Để hỗ trợ bà con gìn giữ và phát triển đặc sản vùng đất đỏ, thời gian qua, các sở, ngành và chính quyền địa phương đã quan tâm, hỗ trợ để phát triển khoai lang Lệ Cần. Trong đó, Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh thực hiện phục tráng giống khoai lang Lệ Cần thuần chủng. Nhiều chương trình, dự án của Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh cũng đã tiếp sức cho sản phẩm đặc trưng này. Trong đó, phải kể đến nỗ lực để khoai lang Lệ Cần được chứng nhận sản phẩm OCOP  đạt 3 sao cấp tỉnh năm 2019 và đạt chứng nhận VietGAP vào năm 2020. Thời gian tới, Gia Lai sẽ phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Đề án “Bảo hộ thương hiệu khoai lang Lệ Cần - Đắk Đoa”, hướng đến hình thành chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Đây sẽ là bước quan trọng góp phần gia tăng tính bảo hộ cho đặc sản này và là nền tảng quan trọng để khoai lang Lệ Cần mở rộng thị trường tiêu thụ. Khó khăn nhất hiện nay vẫn là quỹ đất canh tác. Bởi khoai lang đạt chất lượng tốt nhất khi canh tác ở xã Tân Bình hoặc một phạm vi nhỏ đồi đất đỏ thuộc các vùng lân cận trong khi quỹ đất mới gần như không còn. Để khắc phục khó khăn này, ngành nông nghiệp huyện Đắk Đoa đã định hướng bà con nông dân nên chia nhỏ diện tích, trồng rải vụ nhằm hạn chế việc thu hoạch cùng một thời điểm, giảm áp lực tiêu thụ. Đồng thời, tập trung phát triển các dòng sản phẩm chế biến sâu từ khoai lang, đa dạng hóa sản phẩm… Ví như HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Bình đã chế biến khoai lang thành nhiều sản phẩm khác nhau. Hiện có khoảng 6 sản phẩm được chế biến từ khoai lang Lệ Cần, gồm: Miến, bột khoai lang chín, tinh bột khoai lang, sữa khoai lang, bánh tráng khoai lang, rượu khoai lang. Hợp tác xã cũng thường xuyên đưa sản phẩm đến trưng bày, giới thiệu tại các triển lãm, hội chợ và các sự kiện nhằm quảng bá sản phẩm. Đồng thời, tăng cường quảng bá trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Nhờ những chính sách hỗ trợ, khoai lang Lệ Cần đã khẳng định được giá trị, chất lượng với người tiêu dùng. Hiện nay, hầu hết nông dân trồng khoai lang đã cơ giới hóa từ khâu làm đất, trồng và thu hoạch… nên giảm được nhiều công đoạn thủ công. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt vẫn là khâu tiêu thụ sản phẩm. Để làm tốt khâu này, địa phương cần chú trọng hơn nữa đến vấn đề liên kết, tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững cho bà con.

Long An:

Khuyến cáo bà con không tăng diện tích lúa nếp

Vụ lúa nếp đông xuân 2020 - 2021, ngành nông nghiệp tỉnh Long An khuyến cáo bà con nông dân không tăng diện tích nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu.

Thời gian qua, do lúa nếp có giá cao nên diện tích làm lúa nếp trên địa bàn tỉnh Long An đã tăng lên trên 37%. Trước đây, tỷ lệ này luôn ở ngưỡng 30% tỷ lệ vụ lúa. Chính vì vậy, ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An đã khuyến cáo bà con không tăng diện tích trồng lúa nếp vụ đông xuân năm nay. Bởi trên thực tế, nếu bà con không có lộ trình cụ thể để chuẩn bị đồng ruộng và kỹ thuật canh tác khi chuyển sản xuất từ lúa tẻ sang lúa nếp thì sẽ gặp nhiều trở ngại. Do vậy, bà con không nên chạy theo lợi nhuận, tự ý mở rộng diện tích trồng nếp và cũng để tránh tình trạng cung vượt cầu.Tốt nhất, bà con nên chuyển sang canh tác các giống lúa thơm đặc sản như: ST, RVT, VD20, nàng hoa và các giống lúa OM vừa có đặt tính chống chịu mặn, vừa đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu để cân đối điều kiện cung cầu thị trường.

Dự báo, diện tích vụ lúa nếp đông xuân năm nay có thể giảm bởi một số diện tích làm lúa thu đông thu hoạch trễ nên gieo sạ vụ lúa nếp đông xuân bà con sợ không kịp chạy hạn mặn. Địa phương đang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND các xã, thị trấn phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát địa bàn để hỗ trợ nông dân trong việc chăm sóc, bảo vệ lúa vụ đông xuân 2020 - 2021.

Vị Thủy (Hậu Giang):

Mất mùa trầu vụ tết

Huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang là vùng chuyên canh trầu lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vụ trầu vàng năm nay mất mùa do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan khiến bà con lo lắng.

Những năm trước, vào thời điểm này, người dân tất bật chăm sóc những vườn trầu xanh mướt, lá óng ánh vàng dưới nắng mai để kịp thu hoạch lá giao thương lái mang đi các nơi bán tết. Tuy nhiên, năm nay, nước dâng cao do những đợt triều cường kèm mưa lớn khiến cho những vườn trầu nơi đây bị ngập úng chạy dây, rũ lá xác xơ. Huyện Vị Thủy có hơn 200 hộ trồng trầu với tổng diện tích gần 40 héc-ta. Đợt triều cường kết hợp với mưa lớn vừa qua đã khiến hơn 35.000 nọc trầu bị chạy dây chết, nhiều vườn trầu thiệt hại nặng nề.

Trầu Vị Thủy là trầu vàng, hương vị cay nồng nên được nhiều người ưa thích. Thông thường, thương lái đến tận vườn thu mua trầu rồi chở đi các nơi giao lại cho bạn hàng ở các tỉnh. Thậm chí có thời điểm trầu được thương lái thu mua xuất khẩu sang những nơi có tục ăn trầu như Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc)… Những năm gần đây, đầu ra của lá trầu khá ổn định, ngày thường ở mức giá 3.500 - 5.000 đồng/ốp gồm 40 lá, riêng thời điểm gần tết có giá từ 12.000 - 15.000 đồng/ốp.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương hình thành được vùng đê bao quanh khu vực trồng trầu để chủ động bơm tát kịp thời khi có mưa lũ. Đồng thời, tranh thủ từ nhiều nguồn vốn để giúp bà con tiếp tục phát triển cây trầu bởi đây là loại cây cho thu nhập cao. Tính trung bình, mỗi công trầu cho người dân thu nhập mỗi năm bằng 10 công lúa. Hơn thế nữa, trầu là nét đẹp văn hóa mang đặc trưng riêng của Vị Thủy nên địa phương đang giữ gìn và phát triển gắn với tham quan du lịch nhằm nâng cao vị thế của một làng trầu truyền thống.

Lạng Sơn:

Thạch đen tiêu thụ tốt

Thạch đen là cây trồng mang đặc thù của các tỉnh miền núi phía Bắc. Lạng Sơn là tỉnh trồng nhiều thạch đen nhất với khoảng 2.000 héc-ta/năm, sản lượng 10.000 tấn. Hiện nay, thạch đen tiêu thụ thuận lợi, thị trường ngày càng được mở rộng khiến người trồng phấn khởi. Thạch đen khô được bán với giá khá cao, từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, có thời cao điểm lên tới 25.000 - 30.000 đồng/kg. Theo tính toán, năng suất thạch đen khô bình quân đạt 5,5 tấn/héc-ta, giá sản phẩm 15.000 đồng/kg, tổng thu nhập đạt 80 triệu đồng/héc-ta/1 lần thu hoạch (thạch đen có thể thu hoạch 2-3 lần/năm). Theo các kết quả nghiên cứu, thân, lá cây thạch đen không chỉ dùng nấu thạch làm thứ giải khát thông thường mà còn là một cây dược liệu quý, có vị ngọt, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, giúp hạ huyết áp, trị cảm nắng, đau khớp. Với nhiều công dụng kể trên, thị trường tiêu thụ thạch đen đang rất rộng mở.

Xín Mần (Hà Giang):

Gừng bán được giá

Gừng là cây trồng bản địa được đồng bào người dân tộc Mông ở thôn Suôi Thầu, thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang canh tác lâu năm. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, trồng gừng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác như ngô, lúa nương. Hiện giá gừng đạt 15.000 – 16.000 đồng/kg, tăng 4.000 – 5.000 đồng/kg so với vụ trước. Năm 2020, bà con Suôi Thầu trồng 35 héc-ta gừng, 5 héc-ta nghệ vàng cho thu hoạch với sản lượng 25 tấn/héc-ta. Hàng năm, bà con thu hoạch và bán phần lớn sản lượng gừng thu được, phần còn lại để dùng làm gia vị, thuốc trong gia đình và làm giống trồng vụ sau. Từ nhu cầu thị trường và giá trị kinh tế mang lại, diện tích gừng Suối Thầu tăng lên từng ngày và trở thành cây trồng chủ lực của bà con  sinh sống trên thảo nguyên này. Để cây gừng đạt năng suất cao hơn, cán bộ khuyến nông thị trấn Cốc Pài đã hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trừ dịch bệnh trên cây gừng. Nếu được chăm sóc tốt, bón phân đầy đủ, 1 héc-ta gừng có thể cho thu hoạch từ 25 - 35 tấn.

Tiền Giang:

Giá khóm tăng cao

Từ đầu năm đến nay, giá khóm (dứa) luôn ở mức cao, đầu ra thuận lợi nên người dân trồng loại cây này ở tỉnh Tiền Giang thu nhập khá. Năm nay là lần đầu tiên giá trái khóm ở tỉnh Tiền Giang đạt mức cao và ổn định gần 10.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhà nông có lãi trên 4.000 đồng/kg. Tỉnh Tiền Giang có diện tích cây khóm thương phẩm đứng đầu cả nước với hơn 16.000 héc-ta, tập trung ở huyện Tân Phước. Vùng đất này rất thích hợp với cây khóm phát triển. Mỗi năm, địa phương cung ứng hơn 250.000 tấn trái khóm cho thị trường khắp nơi. Với mức giá này, mỗi héc-ta người trồng thu lãi trên 300 triệu đồng/ năm.

Tây Ninh:

Trồng rau rừng thu nhập cao

Từ những cây rau rừng mọc tự nhiên, hoang dại ven sông, trong rừng, người dân trên địa bàn thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã đưa về trồng trong vườn. Qua thực tế, mô hình trồng rau rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con ổn định cuộc sống. Thời gian qua, người dân địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi những loại cây trồng kém năng suất sang trồng rau rừng như: Trâm, ổi, lộc vừng, mặt trăng, sơn máu, cóc… Trên địa bàn xã có khoảng 30 hộ gia đình tham gia Tổ liên kết rau rừng. Hộ nào ít cũng có 1 công, hộ nhiều thì 6 - 7 công. Trung bình mỗi công cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Với giá bán từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, các hộ đều có thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Vì vậy, hiện nay, các tổ hợp tác, tổ liên kết rau rừng trên địa bàn thị xã cũng dần hình thành, nhằm liên kết sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Các Tổ đã định hướng cho các thành viên sản xuất rau theo hướng VietGAP. Đến nay tất cả các sản phẩm rau rừng của tổ đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng hóa chất, thuốc kích thích tăng trưởng cho cây. Đây không chỉ là mô hình phát triển kinh tế mang về thu nhập ổn định mà còn là cách để người dân giữ gìn và phát triển đặc sản của thị xã Trảng Bàng.

Bình Phước:

Sản lượng tiêu giảm mạnh

Hiện nay, các vườn hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, thời tiết bất lợi đã khiến quá trình ra hoa, đậu trái diễn ra không thuận lợi, nguy cơ thất thu cả về năng suất lẫn sản lượng hiện hữu.

Vào thời điểm trung tuần tháng 12, tỷ lệ đậu trái tại nhiều vườn tiêu thấp so với mùa trước dù các hộ gia đình đã đầu tư khá nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm đẩy năng suất tăng cao. Bởi theo kinh nghiệm của các hộ trồng tiêu lâu năm, thời tiết khô nóng, mưa muộn nên độ ẩm không khí thấp dẫn tới cây tiêu khó ra hoa, đậu trái. Nhiều hộ nông dân lo lắng sẽ thất thu trong khi giá thu mua có xu hướng khởi sắc hơn năm ngoái. Thời điểm hiện tại, giá hồ tiêu dao động từ 50.000 - 57.000 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái hơn 10.000 đồng/kg. Huyện biên giới Bù Đốp là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất nhì của tỉnh Bình Phước. Đa phần các vườn tiêu đều có tỷ lệ đậu trái thấp. Mặc dù đã được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc từ Trung tâm Khuyến nông huyện nhưng nhiều vườn tiêu vẫn bị ảnh hưởng dẫn đến năng suất thấp.

Dự báo, vụ mùa năm nay sản lượng tiêu của tỉnh Bình Phước sẽ giảm. Nguyên nhân tiêu ít trái chủ yếu do thời điểm ra bông nhiệt độ quá cao, không thể thụ phấn, dẫn đến tình trạng bồ cào. Hồ tiêu sau khi ra hoa, trời chuyển nắng kéo dài làm cho rụng bông. Bên cạnh đó, do giá tiêu vụ trước thấp, nông dân không chú trọng đầu tư chăm sóc, bỏ bê vườn nên cây suy yếu. Hiện tình trạng các vườn tiêu “xuống cấp” rất trầm trọng, tỷ lệ chết cũng nhiều, khoảng 30 - 50%. Vì vậy, khi cây đã yếu, nhà nông muốn phục hồi tiêu phát triển được như lúc ban đầu thì không thể. Song nếu người dân tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh tốt thì chắc chắn mùa sau năng suất sẽ tốt hơn nhiều.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Gia Lai:

Tiêu hủy thuốc lá lậu các loại

Cục Quản lý thị trường Gia Lai phối hợp với các lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy 208.849 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại, trị giá gần 4 tỷ đồng.

Trong số thuốc lá bị tiêu hủy, nhiều nhất là thuốc lá Jet với 119.486 bao, tiếp đến là Esse (35.535 bao), Hero (17.262 bao). Ngoài ra còn nhiều loại khác như Cowboy, Scott, Caraven, Dom, 555… Đây là vật chứng và tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu từ ngày 1/4/2018 đến 30/7/2020, đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định tịch thu và quyết định xử lý tang vật. Đây cũng là đợt tiêu hủy thuốc lá nhập lậu lớn nhất kể từ năm 2018 đến nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhằm thực hiện tốt hơn nữa vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Việc tổ chức tiêu hủy nhằm bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức sản xuất, kinh doanh chân chính; đồng thời giáo dục, răn đe các đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, số lượng thuốc lá điếu nhập lậu đang tồn kho tại các đơn vị, lực lượng chức năng… đến thời điểm hiện nay còn khoảng 1,5 triệu gói. Số lượng thuốc lá điếu nhập lậu này sau khi có quyết định xử lý tịch thu sẽ được tổ chức tiêu hủy trong thời gian tới.       

HÀNG VIỆT

Sá sùng - đặc sản Quảng Ninh

Sá sùng là đặc sản mang tính đặc trưng của vùng biển Quảng Ninh. Thời gian qua, Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh đã thực hiện lưu giữ, bảo tồn, khoanh vùng, quản lý vận hành vùng bảo tồn sá sùng 10 héc-ta tại các địa phương: Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái.

Sá sùng khô Vân Đồn

Tại huyện Vân Đồn, sá sùng tập trung ở các bãi cát thuộc các xã đảo Minh Châu, Quan Lạn. Sá sùng Vân Đồn được đánh giá là ngon thượng hạng và có giá đắt đỏ nhất trong nước, từ 3,7 - 6 triệu đồng/kg khô. Đây cũng là nơi nổi tiếng với nghề đào sá sùng của những người dân trên đảo. Để có được sản phẩm sá sùng khô, người dân mất rất nhiều công sức và phải có kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Từ việc đi ra bãi biển tìm tổ sá sùng, rồi dùng mai đào (công cụ khai thác), sau đó về nhà sơ chế, loại bỏ hoàn toàn cát trong ruột sá sùng, trần qua nước sôi ở nhiệt độ 200C, sấy khô trên hệ thống bếp than hoa. Thường thì 12 - 14kg sá sùng tươi, sau khi sơ chế, sấy khô được 1kg sá sùng khô.

Nói về độ ngon và có giá trị kinh tế thì phải kể đến sá sùng tại các xã đảo Quan Lạn, Minh Châu bởi sá sùng ở đây to con, dày mình, nên khi sơ chế thành sản phẩm khô, sá sùng vẫn giữ được kích thước, khi chế biến thành món ăn có độ thơm, ngọt và dai. Chính vì khan hiếm song lại có giá trị dinh dưỡng cao nên giá sá sùng khô ở Vân Đồn luôn cao, nhất là dịp cuối năm, cận kề Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Theo kinh nghiệm của những người khai thác sá sùng lâu năm ở Vân Đồn, khi chọn sá sùng, cần chọn loại mình dày, đều con, màu trắng ngà, sạch cát và có mùi thơm đặc trưng của hải sản. Các loại sá sùng mỏng, trắng tinh dễ bị tẩy trắng; hoặc thân đã chuyển màu xanh nhạt, có lấm tấm trắng là loại đã bị để lâu hoặc bị mốc. Đến Vân Đồn, du khách có thể tìm mua sá sùng khô về làm quà ở bất kỳ đại lý bán hàng hải sản khô trên địa bàn hoặc trong chợ trung tâm Cái Rồng.

Sản phẩm OCOP Hải Hà

Sá sùng sống lác đác ở hầu hết các xã có biển của Hải Hà nhưng nơi có nhiều sá sùng nhất là bãi biển xã Quảng Minh. Hàng ngày từ sáng sớm tinh mơ, khi mặt trời vừa ló rạng, trên bãi biển đã thấy thấp thoáng người đào sá sùng. Riêng xã Quảng Minh có đến 80% các hộ gia đình làm nghề này, chưa kể số người sống ở các xã khác cũng đến đây để đào sá sùng. Ngư cụ để hành nghề của các thợ sá sùng cũng đơn giản, người đào chỉ cần sắm cho mình một chiếc mai chuyên dụng và một chiếc giỏ là có thể xuống bãi bắt sá sùng. Giá bán sá sùng tươi ngoài bãi khoảng 200.000 đồng/kg, do vậy người làm nghề kiếm được từ vài trăm đến cả triệu đồng cho một buổi đi đào sá sùng. Nhiều hộ đã chuyển sang thu mua và chế biến sá sùng khô. Sá sùng khô Hải Hà được xuất sang Trung Quốc và sang cả các nước Âu, Mỹ khi theo chân các Việt kiều về quê ăn tết.

Sá sùng được huyện Hải Hà đưa vào danh mục những sản phẩm OCOP và được khách hàng ưa dùng tại các Hội chợ OCOP Quảng Ninh được tổ chức hàng năm tại TP. Hạ Long. Với đặc tính chứa nhiều chất dinh dưỡng, giúp trị chứng tâm hàn, bổ dưỡng khí, sá sùng Hải Hà cũng đã lọt vào top 10 đặc sản nổi tiếng của Việt Nam.