Nhìn về miền núi
02:47 PM 03/06/2016 | Lượt xem: 3786 In bài viết |Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu 3 định hướng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này. Đây cũng được xem là những định hướng cơ bản cho các tỉnh miền núi cao, những tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn. Lâu nay, với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các tỉnh miền núi đã bớt khó. Nhưng, trong tốc độ phát triển chung của cả nước thì vẫn còn nhiều việc bộn bề, cần được tập trung tháo gỡ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc phấn đấu đưa Lai Châu thoát nghèo, vươn lên không chỉ là mong ước của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh mà còn là mong muốn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Để phát triển, Lai Châu cần phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tốt hơn, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở. “Phải coi lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích của tỉnh mình, đất nước mình”- Thủ tướng lưu ý.
Cùng đó, Lai Châu phải đẩy mạnh quan hệ hợp tác với nước bạn, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, tạo điều kiện mở ra thị trường tiêu thụ lớn hơn cho sản phẩm hàng hóa. Và nữa, Lai Châu phải quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa. “Không để phát triển lệch pha giữa tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong quá trình phát triển, miền núi cao luôn thua thiệt so với các tỉnh/thành phố đồng bằng, duyên hải. Đó cũng là một thực tế, như thể là định mệnh vì những nơi này địa hình chia cắt, đi lại khó khăn, đất canh tác ít, khí hậu lại khắc nghiệt. Hệ thống đường giao thông, bệnh viện, trường học cũng thật khó phát triển.
Có những nơi người dân vẫn chưa được dùng điện. Không ít nơi đường nhựa chưa vào tới trung tâm xã. Lại có những nơi, một trường học của xã có tới cả chục điểm trường. Dân cư phân tán, điều kiện sống không thuận lợi, đời sống vật chất lẫn tinh thần của bà con không ít gian nan.
Cũng chính vì địa hình, thổ nhưỡng, dân cư như vậy nên việc đầu tư vào khu vực miền núi không được doanh nghiệp quan tâm. Bởi lẽ mức độ rủi ro cao, đồng vốn chậm quay vòng, lãi suất thấp- chưa nói đến khả năng lỗ dễ nhìn thấy hơn là lãi.
Một ví dụ cụ thể, tính từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh Lai Châu thu hút được 124 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 204.892 tỉ đồng, nhưng chủ yếu là đầu tư từ ngân sách, thông qua các doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam… Đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân còn thấp.
Tính đến tháng 3/2016, trên địa bàn tỉnh Lai Châu chỉ có 3 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 4 triệu USD và cũng chỉ hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, tuyển quặng, khai thác và gia công đá phiến. Như vậy, các doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào khu vực này mang nhiều tính an sinh xã hội hơn là mục đích lợi nhuận. Còn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại chỉ bỏ vốn để khai thác kiếm lợi nhuận nhanh, thiếu tính bền vững. Vậy thì, ai sẽ là “chủ công” đầu tư vào miền núi cao?
Cùng với việc địa phương “trải thảm đỏ”, Nhà nước có những chính sách ưu đãi doanh nghiệp, thì rất cần một chủ trương đầu tư mang tính tổng thể của Nhà nước. Khi mà những địa bàn thuận lợi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đầu tư thì miền núi cao rất cần vốn của Nhà nước. Với những khu vực thuận lợi, cần đẩy mạnh việc xã hội hóa, giảm dần sự đầu tư từ ngân sách để dùng ngân sách ấy kiến thiết những khu vực khó khăn.
Miền núi cao, nơi được coi là phên dậu của đất nước lại cũng chính là những nơi rất khó khăn. Khi mà kinh tế không phát triển được, nhất là về công nghiệp, du lịch, dịch vụ thì tất yếu dẫn tới những bất cập về xã hội. Nâng cao đời sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, không để tệ nạn xã hội xâm nhập và tàn phá, đó chính là sự nghiệp vừa trước mắt vừa lâu dài đối với miền núi.
Thật đau lòng khi từng có những bản làng bị “cái chết trắng” tràn qua, lại có những nơi bà con bị dụ dỗ, lừa phỉnh theo tà đạo, bỏ bê sản xuất, rủ nhau vào rừng sinh sống. Những đứa trẻ mươi tuổi đã bỏ học rồi bị cuốn vào tệ nạn. Rồi nữa, đó là việc lao động chính trong gia đình bỏ nhà sang bên kia biên giới làm thuê, những chị em bị lừa bán làm vợ xứ người…
Phát triền kinh tế ở miền núi vừa phải đi trước, vừa song hành với an sinh xã hội, bởi tính đặc thù của khu vực. Chúng ta từng nói nhiều về ưu tiên cho miền núi, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, đôi khi còn nghĩ tới việc miền núi tiến kịp miền xuôi. Đó là chủ trương và cũng là mơ ước.
Không thể phủ nhận việc đầu tư lớn của Nhà nước cho miền núi, nhưng cũng không thể không nhận thấy khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi với miền xuôi đang giãn rộng. Không thể để miền núi như một nàng tiên vẫn chìm trong giấc ngủ nơi rừng xanh núi đỏ, mà phải đầu tư mạnh mẽ để khơi dậy tiềm năng. Tiềm năng nếu chỉ mãi là tiềm năng thì nơi này cũng vẫn sẽ chỉ là điểm đến rồi đi của những bạn trẻ đi phượt, của những nhà hảo tâm hay một vài đội thiện nguyện nào đó.
Dĩ nhiên, đó đã là điều đáng quý, nhưng còn quý giá hơn khi chính nơi này vươn mình đứng dậy, là sức hút thực sự đối với mọi người. Nhà nước đầu tư trước để xây dựng nền tảng, từ đó các doanh nghiệp sẽ vào. Tại sao ở Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu… không có những khu công nghiệp lớn, trong khi hai chữ tiềm năng luôn được nhắc tới?
Câu hỏi đó cần có lời giải thỏa đáng để mỗi khi nhìn về miền núi nơi biên cương Tổ quốc người ta lại thấy ấm lòng.
Theo: Nam Việt (daidoanket.vn)