Chương trình sữa học đường: Đừng để lỡ nhịp
01:44 PM 16/11/2019 | Lượt xem: 2910 In bài viết |Tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân, thiếu máu,… vẫn ở mức cao, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS. Chương trình sữa học đường được xây dựng nhằm can thiệp kéo giảm tỷ lệ này. Tuy nhiên, hiện việc triển khai Chương trình vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Thách thức ở vùng cao
Trong một lần lên huyện Mường Khương (Lào Cai), chúng tôi về Trạm Y tế xã Nấm Lư để tìm hiểu công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trạm Y tế không nhiều bệnh nhân nên chúng tôi có dịp trao đổi kỹ với đội ngũ y, bác sĩ ở Trạm.
Y sĩ Hoàng Ngọc Ánh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nấm Lư là người đã gần 20 năm gắn bó với mảnh đất này cho biết, ở đây, tình trạng trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi rất báo động; tính trung bình cứ 2 trẻ tLào hì có 1 trẻ bị SDD thể thấp còi.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, nhiều gia đình cuộc sống khó khăn, bữa ăn hàng ngày rất đạm bạc, nên trẻ em bị thiếu chất ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, khi trẻ sinh ra lại không được ăn uống đầy đủ chất, nên hay ốm, suy nhược cơ thể dẫn tới còi cọc, chậm lớn. Thêm vào đó, những ông bố, bà mẹ trẻ ở vùng cao lại thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc con, nên càng làm cho trẻ bị SDD nặng hơn.
Y sĩ Ánh dẫn chứng, như cháu Lù Việt Anh, con anh Lù Văn Lìn, dân tộc Nùng, ở thôn Lủng Phạc đã từng được khám, chữa bệnh ở Trạm Y tế xã. Cháu Anh dù đã gần 2 tuổi nhưng cân nặng chỉ được gần 8kg và cao 71cm. So với những đứa trẻ bình thường khác, thì cháu Lù Việt Anh bị SDD mức độ 1.
Thực ra, trăn trở của y sĩ Hoàng Ngọc Ánh cũng là tâm sự của hầu hết các Trạm trưởng các Trạm Y tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Theo số liệu của Sở Y tế Lào Cai, hiện tỷ lệ trẻ em SDD thể thấp còi trên địa bàn tỉnh còn chiếm gần 40%; nghĩa là cứ 10 trẻ thì có tới 4 trẻ bị SDD thể thấp còi. Trong năm 2018 này, bằng nhiều giải pháp, Lào Cai đang nỗ lực hạ tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 33,9%.
Nhưng Lào Cai không phải là địa phương miền núi duy nhất đang gánh áp lực lớn về tỷ lệ trẻ em bị SDD thể thấp còi. Theo Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Trương Tuyết Mai, cả nước vẫn còn gần 1/4 trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD thấp còi. Trong đó, tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi người DTTS là 32,1%, cao gấp gần 2 lần so với trẻ em người dân tộc Kinh (16,2%).
Cùng với SDD thể thấp còi thì, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em DTTS cũng đang ở con số đáng báo động. Có 80,8% trẻ em bị thiếu kẽm; 31,3% thiếu máu và 16% thiếu vitamin A. Rất nhiều vấn đề sức khỏe có liên quan đến tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng như hiện tượng mù lòa ở trẻ em do thiếu vitamin A; thiếu máu do thiếu sắt; đần độn kém phát triển trí tuệ do thiếu i-ốt.
Vì dinh dưỡng và chiều cao của trẻ
Để cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học, ngày 08/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 phê duyệt Chương trình Sữa học đường, giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa; 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học thành thị, nông thôn được uống sữa; đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học, đạt 90-95% vào năm 2020; đến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ độ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5-2cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.
Nghệ An là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai Chương trình sữa học đường. Trong 2 năm 2016, 2017, Chương trình đã được triển khai tại 21/21 huyện, thị xã, thành phố, huy động được 311.733 học sinh tại các trường mầm non và tiểu học tham gia (đạt tỷ lệ 69%).
Đặc biệt là các huyện miền núi, nhiều huyện đạt tỷ lệ trên 80% học sinh tham gia, trong đó có huyện Quỳ Châu đạt tới 94%. Có được tỷ lệ này là nhờ cơ chế hỗ trợ chi phí sử dụng sản phẩm sữa cho học sinh: học sinh diện hộ nghèo được hỗ trợ 100%; học sinh thuộc diện hộ cận nghèo được hỗ trợ 50%; các học sinh còn lại được hỗ trợ 30%.
Kết quả đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình sữa học đường tỉnh Nghệ An cho thấy, ở các trường (tiểu học và mầm non) tham gia Chương trình sữa học đường, tình trạng SDD thể thấp còi giảm rất tích cực; tỷ lệ giảm tình trạng SDD ở các trường này cao hơn rất nhiều so với các trường chưa tham gia. Trên cơ sở những kết quả đạt được, UBND tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình Sữa học đường cho học sinh mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2020.
Mặc dù hiệu quả của Chương trình sữa học đường là rất rõ ràng nhưng tính đến nay, cả nước mới có 6 tỉnh, thành phố đang thực hiện và 11 tỉnh, thành phố đang xây dựng kế hoạch để triển khai. Một trong những nguyên nhân là do khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện. Đối với các tỉnh miền núi, rất khó huy động được nhà tài trợ, không có kinh phí để triển khai nên rất khó đạt mục tiêu tới năm 2020 triển khai Chương trình Sữa học đường với 100% ở các huyện nghèo và 70% ở các địa phương khác.
Ngoài ra, nhân lực thực hiện công tác dinh dưỡng học đường ở các địa phương miền núi hiện còn hạn chế; nhiều trường học cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhất là ở các trường mầm non chưa bố trí được kho, kệ để sữa đạt chuẩn, phải sử dụng phòng chức năng để lưu trữ sữa, ảnh hưởng đến việc bảo quản,... Đây cũng là nguyên nhân khiến chính quyền các địa phương còn băn khoăn trong việc triển khai Chương trình.
Phải khẳng định, Chương trình Sữa học đường mang đậm chất nhân văn, gắn với an sinh xã hội. Đối với một số địa phương ở vùng sâu, vùng xa, nơi kinh tế các hộ gia đình còn nhiều khó khăn thì đây sẽ là động lực cho các em ham thích đến trường; tạo điều kiện cho các em học sinh phát triển về thể chất và trí tuệ. Để Chương trình sớm triển khai trên diện rộng thì rất cần cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để khuyến khích doanh nghiệp tham gia.