Đào tạo bác sĩ chuyên khoa I cho 13 huyện khó khăn

03:49 PM 14/11/2017 |   Lượt xem: 3974 |   In bài viết | 

Lễ khai giảng Dự án bác sĩ trẻ tình nguyện công tác tại vùng khó khăn, biên giới, hải đảo

Khóa đào tạo này có tổng số 19 bác sĩ trẻ được lựa chọn theo các tiêu chuẩn đầu vào khắt khe sẽ theo học các chuyên khoa cấp I: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Gây mê hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh và Truyền nhiễm tại Trường Đại học Y Dược Hải Phòng trong 24 tháng, trước khi được đưa về 13 huyện vùng khó khăn của chín tỉnh công tác.

Thời gian tối thiểu làm việc tại vùng khó khăn đối với bác sĩ nam là ba năm, bác sĩ nữ là hai năm. Riêng đối với các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại bệnh viện, trung tâm y tế các huyện nghèo.

TS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Tổ chức - Cán bộ (Bộ Y tế), Giám đốc dự án 585 cho biết: đến nay, sau hơn bốn năm triển khai, dự án đã tuyển chọn được 126 bác sĩ trẻ để đào tạo trước khi đưa về công tác tại các huyện vùng khó khăn. Khóa đầu tiên có bảy bác sĩ tốt nghiệp ra trường đã về công tác tại những huyện nghèo của các tỉnh Lào Cai, Bắc Cạn, Sơn La, Điện Biên…

Chương trình đào tạo dành riêng cho các bác sĩ này được Bộ Y tế phối hợp các cơ sở đào tạo xây dựng mới, thẩm định và phê duyệt. Chương trình đào tạo chú trọng đến thực hành tay nghề chiếm 70% đơn vị học trình. Các bác sĩ sẽ được đào tạo như bác sĩ nội trú, theo hướng “cầm tay chỉ việc”.

Đặc biệt, Trường đại học Y Dược Hải Phòng cũng đã giao mỗi giảng viên trực tiếp hướng dẫn một học viên và có sự kiểm soát chặt chẽ kết quả đầu ra, bảo đảm khi ra trường họ có thể thực hiện tốt các kỹ thuật khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện.

Đánh giá về công tác đào tạo, đưa bác sĩ trẻ về công tác tại vùng khó khăn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng: Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Qua đó, tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.

Việc triển khai tốt dự án này còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước

(nhandan.com.vn)