Hạn chế trong dạy nghề cho lao động vùng cao
03:48 PM 09/12/2016 | Lượt xem: 3714 In bài viết |Học nghề xong đành "bỏ xó", quay về làm nông. Được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cho con giống, nhưng rồi không có sự đầu tư về sau, nên chỉ vài tháng lại "đâu hoàn đấy". Đó là thực trạng triển khai Đề án 1956 về dạy nghề cho lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương miền núi phía Bắc.
Đề án 1956 với nội dung chính là dạy nghề cho lao động nông thôn, dân tộc thiểu số, được triển khai nhằm khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất, cũng như việc chuyển đổi cơ cấu lao động, nhưng chính sách này chưa phát huy hết hiệu quả.
Nhiều lao động nông thôn ở tỉnh Cao Bằng cho biết, rất muốn có nghề trong tay để có việc làm, thu nhập để ổn định cuộc sống. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau buộc họ phải quay lưng lại với nghề đã học. Anh Dương Văn Hỏn, xóm Pú Dô, xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh học nghề sửa chữa máy nông nghiệp. Tuy nhiên, do trình độ có hạn, nên việc tiếp thu kiến thức không dễ. Thêm nữa, thời gian học không nhiều, nên rất khó khăn để "hành nghề" đã học.
Anh Hỏn cho biết: “Ở xã thì chẳng có mấy nhà đầu tư được máy cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong khi có đến chục người học, lấy đâu ra máy để sửa chữa. Muốn hành nghề thì phải là thợ lành nghề, nhưng với tay nghề non yếu từ lớp học ngắn hạn, liệu có thể sửa một cách thông thạo để khách hàng tin tưởng hay không?”. Vì những lý do này, nên cuối cùng anh Hỏn lại quay về làm nghề nông truyền thống.
Hay như trường hợp của anh Hoàng Văn Chang, xóm Phia Đán, xã Đào Ngạn, huyện Hà Quảng, bỏ gần 3 tháng để học nghề sửa chữa xe máy, đến khi học xong lại không có vốn để đầu tư máy móc và các phụ tùng thay thế để mở cửa hàng sửa chữa xe máy.
Chính vì được học nghề không sát với nhu cầu thực tế, nên đa phần thanh niên học xong để đấy, không tìm được việc làm. Câu chuyện đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Cao Bằng thời gian qua cũng là bài học chung của không ít các địa phương trên cả nước.
Theo Trưởng phòng Quản lý dạy nghề, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng, Đàm Văn Thủy, sau 6 năm thực hiện Đề án 1956, toàn tỉnh đã đào tạo nghề được trên 25.200 người. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp còn nhiều bất cập, người lao động chưa sống được bằng nghề. Nội dung và chất lượng đào tạo nghề còn mang nặng tính hình thức, chưa sát với thực tế. Một số địa phương không duy trì được nghề sau đào tạo, gây lãng phí thời gian của người dân và kinh phí đào tạo.
Trong khi đó, tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, việc đào tạo nghề cho đồng bào DTTS dù được triển khai đúng hướng theo hướng tập trung dạy nghề chăn nuôi và trồng trọt cho đồng bào DTTS, nhưng vẫn không thể phát huy được hiệu quả. Chị Vàng Phí Chóng ở xã Bum Nưa cho biết: "Trước đây chị cũng được học nghề chăn nuôi. Cán bộ phát cho 30 con ngan giống để nuôi, nhưng giờ nó bị bệnh chết hết rồi. Ở đây nhà nào cũng vậy mà, không nuôi được con gì đâu, khó lắm…".
Quả như lời người dân, khi tìm hiểu về các mô hình chăn nuôi trên địa bàn hai xã Bum Nưa và Bum Tở của huyện Mường Tè, hầu như chẳng có mô hình nào tồn tại được lâu. Đem câu chuyện trên trao đổi với cán bộ xã, ông Chang Xì Che, Phó Bí thư Thường trực xã Bum Tở cho biết: Sau khi đào tạo nghề cho bà con, việc giám sát, giúp đỡ người học bị bỏ ngỏ, nên khi triển khai các mô hình chăn nuôi xuống dân, đa phần thất bại. Phần lớn người dân chưa nắm vững kiến thức chăn nuôi vì chỉ học trong thời gian ngắn, thậm chí học trước quên sau.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho rằng: Đào tạo nghề phi nông nghiệp cho đồng bào DTTS thời gian qua là không hiệu quả. Thực tế bài học tại địa phương cho thấy, việc dạy nghề cần đi vào trọng tâm là chăn nuôi và trồng trọt. Cái chính là các mô hình hỗ trợ cung cấp đủ con giống cho bà con lao động, sản xuất. Nếu các chương trình lớn của Đảng và Nhà nước như CT135, CT30a… tiếp tục đầu tư mạnh cho hỗ trợ sản xuất thì đời sống đồng bào sẽ khá lên.
(baotintuc.vn)