Học sinh DTTS, miền núi: Học qua truyền hình, Online liệu có khả thi?

05:43 PM 05/04/2020 |   Lượt xem: 2413 |   In bài viết | 

Em Lý Đức Thiện, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Mường Tè (Lai Châu) trong giờ học trên truyền hình.

Ưu điểm đặc biệt của chương trình dạy học trên truyền hình, dạy học trực tuyến là không cần tập trung học sinh đến lớp nên phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, theo như ông Phạm Duy Thắng, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học -Thường xuyên và Chuyên nghiệp của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Lai Châu thì, nhược điểm của chương trình này là không kiểm soát được việc học của học sinh, không có sự tương tác giữa người dạy và người học. Đồng thời, khi dạy học trên truyền hình, bắt buộc gia đình học sinh phải có tivi, máy tính, điện thoại. 

Trong khi Lai Châu là tỉnh miền núi, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 85%, đa số các em sinh sống ở nhiều bản làng có điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều nơi chưa có điện, không có Internet, nhiều hộ dân không có tivi… Đây chính là rào cản khiến việc dạy học truyền hình không đạt được hiệu quả như học trực tiếp.

Thầy Bùi Duy Nam, Hiệu trưởng Trường PTDTBT - THCS Tà Mung, xã Tà Mung, huyện Than Uyên (Lai Châu) cho biết, Trường có 378 học sinh thì chỉ có 20% học sinh có điện thoại, 30% gia đình học sinh có tivi. Cùng với đó, do không có mạng, không có điện dẫn đến hầu hết học sinh của trường không có điều kiện tiếp cận giải pháp học trên truyền hình trong thời điểm này.

Còn tại Yên Bái, thay vì dạy học trên truyền hình, tỉnh lại triển khai dạy học trực tuyến với phần mềm Zoom Cloud Meeting. Cùng với đó, Yên Bái phối hợp với Đài Truyền hình Hà Nội để tiếp sóng chương trình và hướng dẫn cách học cho học sinh. Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Thu, Trưởng phòng Giáo dục, Sở GD&ĐT nhận định, tại các huyện vùng cao như: Trạm Tấu, Mù Cang Chải,… tỷ lệ tiếp cận được giải pháp học trên truyền hình, học trực tuyến của học sinh chỉ đạt khoảng 10%. Còn lại, việc học của các em phần lớn vẫn bị gián đoạn do nhiều khó khăn như: không có Internet, không có máy tính xách tay, iPad, không có điện thoại thông minh, không có điện, không có tivi,…

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, người từng có thời gian dài gắn bó với giáo dục vùng DTTS, miền núi gợi ý, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, để các em học sinh DTTS tiếp cận được với phương pháp học trên truyền hình thì những người đứng đầu ngành, đứng đầu các địa phương cần tính đến phương án hỗ trợ các thôn, bản đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để các em có thể tập trung học nhóm. Còn trường hợp nghỉ học dài ngày, không thể đáp ứng điều kiện thì địa phương cũng nên sớm lên phương án dạy học bằng cách khác, hình thức khác như mở thêm các lớp bồi dưỡng kiến thức.

Thầy Nhĩ cho rằng, với tình hình dịch như hiện nay, Bộ GD&ĐT cần kịp thời tham mưu cho Chính phủ có hướng dành 12 kênh trên truyền hình, tương ứng 12 khối lớp để dạy học trực tuyến. Mỗi ngày phát sóng từ 7 giờ sáng và 14 giờ chiều. Theo đó, mỗi cấp học có thể phát với thời lượng từ 2 tiếng đến 2 tiếng 30 phút. Như vậy, các cấp học, các khối lớp đều được học, đồng thời cũng đảm bảo được chất lượng giáo dục, vừa giữ được nền nếp thái độ học tập nghiêm túc cho học sinh.

“Muốn việc học trên truyền hình, học trực tuyến thực sự đem lại hiệu quả nên tổ chức thành từng nhóm nhỏ từ 3 - 4 em ở gần nhà nhau để cùng học. Theo đó, các trường cũng cử giáo viên đi đến từng nhóm nhỏ để kiểm tra, giải đáp những nội dung các em còn thắc mắc. Nếu học được như vậy thì hoàn toàn có thể kiểm tra, đánh giá và công nhận kết quả của giải pháp này”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Theo: Hoài Dương (baodantoc.vn)