Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn

09:09 AM 13/06/2016 |   Lượt xem: 3172 |   In bài viết | 

Tạo môi trường học tập tốt để học sinh phát triển.

Ông Lường Văn Thống, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường hiện có 16 lớp, với hơn 100 học sinh, tất cả đều là dân tộc thiểu số (DTTS). Năm 2015, nhà trường được đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để xây dựng hệ thống sân, tường bao, công trình phụ trợ, nên các hoạt động của nhà trường diễn ra thuận lợi, bà con yên tâm cho con em đến trường.

Huyện vùng cao Đà Bắc có hơn 90% học sinh là người DTTS. Những năm qua, huyện đã quan tâm, đầu tư mạnh cho các trường vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Năm 2015, huyện đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng 8 công trình gồm lớp học, hạng mục phụ trợ tại các cấp. Qua đó, góp phần cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, huyện cũng xây dựng nhà bán trú cho học sinh ở một số xã đặc biệt khó khăn, tổ chức dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc.

Ông Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hòa Bình cho biết: Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất cho giáo dục vùng cao, tỉnh Hòa Bình cũng tập trung tuyên truyền, nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, chăm lo đào tạo nguồn cán bộ là con em dân tộc thông qua biện pháp ưu tiên tuyển dụng học sinh cử tuyển; có chế độ ưu tiên cho cán bộ công tác tại các huyện, xã; tăng chỉ tiêu đào tạo trung cấp tại tỉnh cho các ngành nông, lâm nghiệp, phát triển nông thôn, trồng và phát triển rừng… Tỉnh còn thực hiện tốt hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh bậc trung học, nhất là đối với học sinh DTTS học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú; tiếp tục thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu tiên, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, tín dụng cho học sinh, sinh viên DTTS.

Học sinh DTTS được tiếp cận với máy tính từ sớm.

Với mục tiêu giảm chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa vùng đồng bào dân tộc và vùng thuận lợi trong tỉnh, tỉnh Hòa Bình tập trung củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp, các trường phổ thông dân tộc nội trú; phấn đấu đến năm 2020, tất cả các huyện có đông đồng bào DTTS đều có trường phổ thông dân tộc nội trú; 100% giáo viên các cấp đạt chuẩn, riêng giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú THCS trên chuẩn đạt 70,5%. Đặc biệt, phát triển mạng lưới trường, lớp cho học sinh DTTS và thành lập mới các trường đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào trong tỉnh.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu 100% các trường phổ thông dân tộc nội trú được mở rộng và tăng quy mô tuyển sinh; chuyển đổi 5 trường tiểu học và THCS vùng khó khăn thành trường phổ thông dân tộc bán trú; đảm bảo 100% các trường vùng khó khăn có nhà ở bán trú cho học sinh. 100% các trường mầm non vùng đồng bào DTTS, vùng khó khăn có đủ bộ thiết bị đồ chơi ngoài trời, thiết bị dùng chung.

Theo: Vũ Hà (baotintuc.vn)