Tây Nam bộ: Các trường dân tộc nội trú quyết tâm giữ vững "vùng xanh học đường”
08:44 PM 08/03/2022 | Lượt xem: 5837 In bài viết |Từ sau kỳ nghỉ dài Tết Nguyên đán Nhâm Dần, học sinh các tỉnh, thành Tây Nam bộ bắt đầu quay trở lại trường học trực tiếp. Tuy nhiên, trong các trường học xuất hiện ngày càng nhiều ca nhiễm Covid - 19 trong giáo viên và học sinh. Là cơ sở giáo dục nội trú dành riêng cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS), các trường dân tộc nội trú (DTNT) trong khu vực Tây Nam bộ đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp, để giữ vững “vùng xanh học đường”.
Nhiều ngày qua, số ca mắc Covid-19 của các tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ liên tục gia tăng, đáng nói, tỉ lệ số ca nhiễm là học sinh của các trường khá cao. Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, các trường DTNT đã quyết liệt đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn dịch lây lan vào trường học, quyết tâm giữ vững "vùng xanh học đường".
Ghi nhận tại Bạc Liêu, mỗi ngày có trên dưới 200 ca nhiễm mới, trong đó có khoảng 20% số ca nhiễm là học sinh của các trường. Trước tình hình đó, một số trường trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang dạy trực tuyến.
Thầy Phạm Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông DTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, trường có trên 500 học sinh, từ lớp 7 đến lớp 12 bắt buộc học nội trú, còn với khối lớp 6 các em sẽ học bán trú. Để đón các em trở lại trường, nhà trường đã chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó.
Cụ thể, ngày đầu tiên học sinh trở lại trường, nhà trường đã tiến hành rà soát, test nhanh cho các em. Các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 đều được thực hiện nghiêm túc theo quy định 5K: về khẩu trang, khoảng cách trong lớp học, tại căng tin nhà ăn, kí túc xá cũng đều thực hiện giãn cách, hạn chế tụ tập.
Nhà trường kêu gọi các em không về quê khi thật sự không cần thiết, người thân đến thăm cũng được trường bố trí chỗ ngồi riêng, tránh tiếp xúc trực tiếp. Tính đến cuối tuần (5/3), nhà trường ghi nhận có 17 em nhiễm Covid-19. Sau khi phát hiện các ca nhiễm, trường đã phối hợp với ngành y tế, chính quyền địa phương đưa các em về gia đình để cách ly điều trị tại nhà.
"Vì đã xây dựng kế hoạch từ trước nên khi phát hiện các ca bệnh, nhà trường không bị động, lúng túng. Hiện tại, đã có 5/17 em trở lại trường, nhà trường cũng phân công giáo viên dạy trực tuyến giúp các em ôn tập kiến thức”, thầy Phạm Ngọc Minh thông tin thêm.
Tại Trường phổ thông DTNT Huỳnh Cương, tỉnh Sóc Trăng, một trong những trường có đông học sinh DTTS theo học, với sự chủ động xây dựng kế hoạch từ trước, nên đến thời điểm hiện tại, trường vẫn giữ được 100% sĩ số học sinh. Để duy trì tốt sĩ số học sinh, nhà trường đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống Covid -19.
Thầy Thạch Song, Hiệu trưởng Trường phổ thông DTNT Huỳnh Cương cho biết: “Dù các em đang sinh hoạt trong môi trường “nội bất xuất", nhưng khi lên lớp vẫn đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp 5K. Đồng thời, nhà trường cũng thông báo đến phụ huynh và học sinh khi vào học tập trung tại trường, nhà trường sẽ không giải quyết cho các em về nhà trong thời gian này, nhằm quản lý chặt chẽ các nguồn lây. Nếu người thân đến thăm các em thì cũng phải đảm bảo khoảng cách theo quy định”.
Trường PT DTNT THPT tỉnh Kiên Giang tổ chức các hoạt động vui chơi cho các em vào cuối tuần vừa để phòng chống dịch và cũng là giúp các em vơi nỗi nhớ nhà
Tương tự, tại Trường phổ thông DTNT, Trung học Phổ thông (THPT) tỉnh Kiên Giang trước kia, khi chưa xảy ra dịch bệnh, mỗi tháng các em sẽ được về nhà một lần. Còn hiện tại, khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, hầu hết các trường đều quy định tạm thời học sinh không về nhà để kiểm soát nguồn lây, giảm nguy cơ lây chéo trong trường.
Cô Châu Quỳnh Dao, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Trong điều kiện bình thường, các em sẽ được về nhà, ba mẹ sẽ nấu những món ăn mà các em thích để bồi bổ thêm. Nhưng trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, nhà trường đã tuyên truyền, vận động các em hạn chế về quê.
Để mang đến sân chơi mới lạ, thú vị cho các em trong những ngày cuối tuần, Nhà trường đã tổ chức các hoạt động vui chơi cho các em. Mỗi tuần, các lớp sẽ đăng kí món ăn muốn bán, các thầy cô sẽ hỗ trợ nấu cùng các em.
"Ngoài việc giúp các em vơi bớt nỗi nhớ nhà, các hoạt động này còn giúp phát huy thế mạnh, sở trường của các em. Với số tiền thu được từ bán đồ ăn, các em sẽ đóng góp vào quỹ khuyến học của TP. Rạch Giá để hỗ trợ các bạn có hoàn cảnh khó khăn khác", cô Dao chia sẻ.
(baodantoc.vn)