TS. Colman Ross và những trăn trở về xóa nghèo ở Việt Nam

11:24 AM 13/11/2017 |   Lượt xem: 5417 |   In bài viết | 

TS Colman Patrick Ross và các sinh viên của trường CĐ Sư phạm Đà Lạt.

Phần lớn thời gian đó, ông làm việc trong các dự án ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Ông đặc biệt quan tâm đến việc cung cấp kiến thức, kỹ năng cho người trưởng thành ở vùng khó khăn, và coi đây chính là động lực để họ thoát nghèo. 

PV: Thưa TS Colman Patrick Ross, cơ duyên nào đưa ông đến Việt Nam?

Tôi sinh ra và lớn lên ở Ardee- một thị trấn nhỏ ở Ai Len. Ireland hồi những năm 196, 1970 còn chưa phát triển, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Năm 18 tuổi, tôi đến Dublin để học nghề thợ mộc nhưng vẫn tiếp tục học thêm các lớp buổi tối và tham gia các công việc tình nguyện.

Và tôi đã đến với Việt Nam chính từ hoạt động tình nguyện này. Tổ chức tình nguyện đưa ra các lựa chọn gồm: Tanzania, Lào và Việt Nam. Tôi chọn Việt Nam, năm 1998 tôi sang làm giáo viên ở trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.

Thời gian đó rất tuyệt, tôi làm việc cùng với các sinh viên sư phạm và hỗ trợ các thày cô giáo ở trường phổ thông dân tộc. Đà Lạt trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi. Đến nay tôi vẫn giữ liên lạc với nhiều đồng nghiệp và sinh viên cũ. Tôi là giáo viên nước ngoài đầu tiên đến làm việc ở Cao đẳng sư phạm Đà Lạt. Đến nay nhìn lại, tôi thấy thật may mắn khi mình được cử đến đấy. Đà Lạt là một thành phố nhỏ nhưng đẹp tuyệt vời với cảnh quan lãng mạn và cộng đồng dân tộc thiểu số đa dạng, độc đáo.

Thăm lại CĐ Sư phạm Đà Lạt.

PV: Ông đã sống ở Việt Nam suốt gần 20 năm, chứng kiến những thay đổi lớn về kinh tế- xã hội đã biến đất nước từ một quốc gia có thu nhập thấp sang một nước thu nhập trung bình. Xin ông cho biết cảm nhận của mình về sự thay đổi kinh tế, xã hội?

Tôi chứng kiến nhiều sự đổi thay tích cực. Tuy nơi này nơi kia vẫn còn nghèo, nhưng nói chung cuộc sống đã khá hơn nhiều và mọi người có nhiều sự lựa chọn hơn. Giống như nhiều người Việt Nam trung tuổi, tôi cũng có những hoài niệm về một thời cuộc sống giản đơn và truyền thống, mọi người đi xe đạp chứ không nhiều ô tô, xe máy như bây giờ; người ta cũng không hối hả, căng thẳng như bây giờ. Có thể nói mạng xã hội cũng là một kênh phản ánh sự đổi thay, ví dụ qua Facebook tôi thấy các đồng nghiệp cũ của mình nay có đời sống vật chất khá giả hơn.

Ông đã đi và làm việc tại nhiều tỉnh vùng đồng bào dân tộc ít người của Việt Nam.

Tuy nhiên, khi tôi đi thực tế để nghiên cứu và làm việc tại các dự án với người dân tộc Thái,  Mông, Dao, Lu, Ma, K’ Hor, Ba Nar, Pa Ko, Bru,  Vân Kiều, Khmer vv ... nhiều khi tôi thấy sự kết nối trong các cộng đồng này vẫn còn rất bền chặt, trong cộng đồng người Kinh thì không được như vậy. Đời sống vật chất khá lên cũng sẽ kéo theo mặt trái. Chúng ta phải làm sao cân bằng được nhu cầu phát triển với giữ gìn văn hóa và môi trường. Đây là một thách thức lớn ở Việt Nam, nơi có nhiều dân tộc cùng chung sống, nên đa dạng về văn hoá, ngôn ngữ và kinh tế xã hội. Làm thế nào để khai thác sự đa dạng này một cách tích cực, hỗ trợ phát triển toàn diện. Chẳng có phép lạ nào để nhanh chóng làm được điều đó, mà cần có hiểu biết và sự nhạy cảm thời cuộc. Phát triển phải gắn liền với không chỉ yếu tố kinh tế mà còn yếu tố xã hội. Đôi khi yếu tố xã hội bị bỏ quên, các cộng đồng dân cư không được tư vấn và không tham gia đầy đủ vào quá trình lập kế hoạch phát triển.

PV: Thưa tiến sĩ Ross, quá trình làm việc tại nhiều tỉnh vùng sâu vùng xa, vùng biên giới (các tỉnh Lâm Đồng, Hà Giang, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Bắc Kạn, Cao, Bang, Thanh Hoá, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Trà Vinh) cho ông một cái nhìn toàn cảnh về sự phát triển. Phải chăng có những dự án ở nơi này thành công hơn nơi khác? Theo ông lý do vì sao?

Phải thừa nhận đó là thực tế. Một số vùng, một số tỉnh phát triển bền vững hơn các nơi khác. Không thể chỉ ra lý do cụ thể duy nhất để lý giải điều này nhưng phần nhiều nguyên nhân liên quan đến việc lập kế hoạch và sự tham gia của cư dân địa phương vào dự án. Những kế hoạch không sát thực tế, gây lãng phí vẫn còn tồn tại ở nơi này nơi kia, trong quá trình thực hiện các dự án phát triển.

Khi các cộng đồng dân địa phương có được cơ hội để tham gia vào quá trình ra quyết định thì sẽ có lợi vì họ sử dụng những kiến thức bản địa và chú trọng giữ gìn các giá trị văn hoá. Những điều này đôi khi bị bỏ qua.

Các địa phương làm tốt hơn các dự án phát triển cần được nghiên cứu và đề nghị phổ biến kinh nghiệm. Thành công ở các địa phương đó theo tôi nghĩ phụ thuộc nhiều ở người lãnh đạo và đội ngũ nhân lực thực hiện. Chỉ có thể có sự phát triển thực sự nếu chú ý đến nội lực của địa phương. Nếu chỉ quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng sẽ không bền vững, mà cần hết sức quan tâm đến yếu tố con người và cộng đồng. Có rất nhiều điều có thể học được từ các dự án quy mô nhỏ do các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ, đặc biệt ở các vùng dân tộc thiểu số khó khăn.

TS Colman Patrick Ross

PV: Nghiên cứu làm luận án Tiến sĩ của ông tập trung vào mối quan hệ giữa giáo dục kiến thức cơ bản dành cho người trưởng thành và giảm nghèo ở các cộng đồng dân tộc thiểu số (qua thực tế ở Hà Giang và Điện Biên). Vậy ông có thể giải thích tầm quan trọng của giáo dục cơ bản dành cho người trưởng thành trong các cộng đồng thiểu số và kết quả nghiên cứu của ông có thể ứng dụng vào thực tế như thế nào?

Tôi đã ấp ủ ý tưởng về đề tài nghiên cứu Tiến sĩ khi tôi làm việc cho một dự án của tổ chức SIDA (Thụy Điển) có tên là “Chia sẻ” được thực hiện ở Quảng Trị, Yên Bái và Hà Giang. Tôi nhận thấy người dân ở Gio Linh và Vĩnh Linh hiểu rõ hơn về mục tiêu của dự án; nếu so với người dân ở Yên Bái và Hà Giang. Điều này liên quan đến việc biết chữ Việt và tiếng Kinh. Dự án được truyền đạt chủ yếu bằng tiếng Kinh, vì vậy những người có trình độ văn hoá tốt hơn là một lợi thế. Còn khi dịch ra tiếng dân tộc, thì chắc chắn không thể truyền tải hết 100%.

Sau đó, tôi đề nghị với trường Trinity thuộc Đại học Dublin, Ireland phát triển nghiên cứu của tôi. Tôi theo dõi 3 nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số ở Hà Giang và Điện Biên, những người tham gia vào một số dự án do Chính phủ và ActionAid hỗ trợ. Rất thú vị vì chương trình của ActionAid gồm cách thức thực hiện sinh kế thật sự chứ không phải chỉ là một khóa học. Tôi phải lặn lội đến nhiều hộ gia đình ở những làng bản xa xôi và dành rất nhiều thời gian với cộng đồng người Tày, người Mông, Dao, người Thái Đen. Tôi đã thu thập được rất nhiều bằng chứng về tầm quan trọng của học hỏi kiến thức đối với phát triển gia đình. Đây là một khoảng thời gian tuyệt vời, đáng nhớ đối với tôi (các bạn có thể tham khảo nghiên cứu của tôi qua đây:  http://www.tara.tcd.ie/handle/2262/77585)

Giáo dục cơ bản dành cho người trưởng thành là rất quan trọng trong sự phát triển. Các mục tiêu phát triển của Liên Hợp quốc xác định giáo dục dài hạn là chìa khóa cho sự phát triển cá nhân và cộng đồng. Những phụ nữ có trình độ học vấn tốt hơn sẽ cho con học hành tử tế hơn, dễ kiếm sống hơn và chính kiến thức sẽ giúp những người trẻ tuổi thoát nghèo. Trong khi hiện nay có rất nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số không có cơ hội học hết tiểu học. Nhưng học tập không bao giờ là quá muộn!. Bỏ qua giáo dục người trưởng thành mà chỉ tập trung giáo dục trẻ em, đó là một sai lầm, sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực trong tương lai. Giáo dục là một quá trình lâu dài trong cuộc sống chứ không phải là một thời gian đi học!

PV: Ông nghĩ thế nào về hệ thống giáo dục của Việt Nam? Liệu có thể  học được gì từ những bài học của các nước trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc) và Châu Âu (Ireland, Phần Lan, Đức vv...)?

Tôi nghĩ Việt Nam cần phải nhìn lại và đánh giá hệ thống giáo dục của mình, giống như nhiều nước khác đã làm. Đánh giá và cơ cấu lại. Ireland của tôi, và Phần Lan đã làm điều này vào cuối những năm 1960 với sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã làm điều này. Hệ thống giáo dục phải có hiệu quả, gắn liền đến lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Nhiều cơ sở giáo dục không thực sự thay đổi vì có thể bị ảnh hưởng đến lợi ích riêng của họ. Ở Việt Nam có xu hướng đánh giá về sự lớn mạnh thông qua cơ sở hạ tầng, tăng quy mô và số lượng các trường (trường phổ thông, cao đẳng, đại học vv) và mặc định cho rằng cùng với sự lớn mạnh về cơ sở vật chất đó chất lượng sẽ tự động cải thiện!. Quan điểm này rất thiển cận. Nếu cứ tiếp tục phát triển như vậy sẽ không hiệu quả, chồng chéo và không phù hợp với mục tiêu sử dụng các nguồn lực thiết yếu; bỏ qua những cải cách hệ thống có ý nghĩa quan trọng hơn.

Trong giai đoạn này, để phát triển, Việt Nam cần có sự tư vấn kỹ thuật của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, hiểu được bối cảnh kinh tế xã hội và văn hoá của Việt Nam. Những người tâm huyết, có kiến thức ở trong và ngoài nước cần được huy động tham gia vào sự nghiệp phát triển chung. Việc chọn các chuyên gia tư vấn kỹ thuật cần được căn cứ và đánh giá dựa trên các dữ liệu thực tế, cụ thể. Nếu không có tầm nhìn dài hạn, chỉ sử dụng những công nghệ lỗi thời, Việt Nam sẽ bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình. Cần hướng tới cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để phát triển. Số lượng không phải là giải pháp. Quan trọng là chất lượng!

PV: Được biết hiện ông đang là giảng viên thỉnh giảng của ĐHQGHN, đồng thời ông cũng đã làm việc với tư cách là cố vấn cho một số bộ, ngành trong 10 năm qua. Vậy theo ông, liệu Việt Nam đã sẵn sàng để phát triển bền vững?

Tôi được GS TS Phạm Quang Minh- Hiệu trưởng của trường ĐH KHXH và NV, ĐHQG Hà Nội mời tham gia nghiên cứu về Khoa học Xã hội Ứng dụng liên quan đến Phát triển vùng đồng bào Dân tộc Thiểu số và nghiên cứu dựa trên bằng chứng thực tế có tính đến yếu tố văn hoá. Các cộng sự của tôi ở ĐHQG HN có nhiều tư liệu nghiên cứu có thể phục vụ cho sự phát triển. Điều này rất quan trọng cho sự phát triển cân bằng, bền vững và tôi hy vọng rằng tầm quan trọng của những nghiên cứu khoa học xã hội sẽ được nhìn nhận, trong khi thực tế hiện nay ở nhiều nơi người ta chỉ tập trung vào yếu tố kinh tế!

Tôi hy vọng cá nhân tôi có thể tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam, tập trung vào những cộng đồng dân tộc thiểu số  vùng sâu vùng xa, những cộng đồng đang chịu nhiều thiệt thòi. Đây là một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt và nên học hỏi kinh nghiệm của thế giới.

PV: Xin cảm ơn ông!

(vov.vn)