Vùng trung du và miền núi phía Bắc với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

10:09 PM 11/05/2018 |   Lượt xem: 3805 |   In bài viết | 

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH và CN Trần Văn Tùng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam Phan Văn Kiệm, đại diện 14 tỉnh trung du và miền núi phía bắc cùng các nhà khoa học, các tổ chức KH và CN... Hội thảo nhằm trao đổi, đề xuất các giải pháp tiếp cận thành công thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với từng tỉnh và cả vùng; đưa KH và CN phục vụ hiệu quả nhất cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH và CN Trần Văn Tùng khái quát quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Chỉ thị số 16/CT-TTg. Vùng trung du và miền núi phía bắc có nhiều khó khăn hơn so với các vùng kinh tế khác, nhất là cơ sở hạ tầng còn hạn chế, địa hình bị chia cắt bởi đồi núi, liên tục bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ quét, sạt lở. Do đó, việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cần đặt trong trong bối cảnh cụ thể của địa phương, của vùng. Tại Hội thảo các đại biểu đã chia sẻ các mô hình áp dụng KH và CN thời gian qua trong nông nghiệp, công nghệ thông tin, trồng dược liệu… đồng thời đưa ra các ý kiến đóng góp, trao đổi các nhằm giúp địa phương tiếp cận thành công các thành tựu của cuộc cách mạng, qua đó, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, của từng địa phương và cả vùng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Thanh cho biết, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động nghiên cứu, tiếp cận và triển khai thực hiện các biện pháp nhằm thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường hợp tác nghiên cứu và triển khai các nhiệm vụ KH và CN với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tập đoàn công nghiệp lớn; triển khai xây dựng chính quyền điện tử; ban hành Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2020; triển khai Dự án hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn; đẩy mạnh liên kết ứng dụng tiến bộ KH và CN trong sản xuất và đời sống. Bước đầu, tỉnh đã xây dựng được mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, cũng như các tỉnh khác trong khu vực, hoạt động KH và CN của tỉnh Lào Cai vẫn còn những hạn chế, sẽ đối mặt với các thách thức khi mà cơ bản nông nghiệp và công nghiệp của tỉnh vẫn còn ở trình độ của cách mạng công nghiệp lần thứ hai.

Với đặc điểm kinh tế - xã hội và đặc thù về địa lý của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía bắc, TS Nguyễn Võ Hưng, đại diện Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH và CN) cho rằng các tỉnh trung du và miền núi phía bắc cần xác định, lựa chọn lĩnh vực, chuỗi giá trị mà địa phương có thể tham gia dựa trên lợi thế so sánh của địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch; thu hút, khuyến khích sự tham gia và hợp tác của tất cả các bên liên quan, nhất là các doanh nghiệp trong việc tham gia vào các chuỗi giá trị địa phương và chuỗi giá trị của Việt Nam; khuyến khích các hoạt động sáng kiến, cải tiến kĩ thuật của người dân; tăng cường hỗ trợ, phối hợp của các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng kĩ thuật - công nghệ trong hoạt động sáng kiến, cải tiến kĩ thuật của người dân..

Kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH và CN Trần Văn Tùng đánh giá cao sự có mặt và đóng góp ý kiến của các đại biểu. Các ý kiến góp ý tại hội thảo giúp các nhà quản lý, các nhà khoa học định hướng được những nhiệm vụ, giải pháp khoa học, các giải pháp tổ chức thực hiện thiết thực đối với từng địa phương theo hướng tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, đề nghị các cơ quan quản lý KH và CN ở địa phương, các tổ chức KH và CN, nhà khoa học, các doanh nghiệp cần có sự liên kết, trao đổi thông tin và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện thành công các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

(nhandan.com.vn)