Công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện nếp sống văn minh tại tỉnh Bình Thuận

01:45 AM 16/04/2013 |   Lượt xem: 3080 |   In bài viết | 

Trong những năm qua, để thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới việc, tang và lễ hội, tỉnh Bình Thuận đã ban hành Chỉ thị 62-CT/1999/UB-BT, ngày 02/10/1999; Quyết định số 09/2000/QĐ – UBBT, ngày 28/01/2000; Chỉ thị số 06/2000/CT-UBBT – VX, ngày 29/02/2000. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo và giao trách nhiệm cho từng thành viên xây dựng các chương trình tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nhằm bài trừ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, bảo tồn, chọn lọc và đổi mới những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Riêng tại huyện Bắc Bình, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị ..đồng thời đã lồng ghép các buổi hội diễn văn hóa, văn nghệ đến tận địa bàn dân cư, đặc biệt chú trọng đến các vị già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, nhân sĩ trí thức và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, đến nay đã có 17 thôn, bản được công nhận đạt thôn văn hoá (đạt 66,7%) và 4.718/6.527 hộ đạt gia đình văn hoá (đạt 72,28%); 15/15 xã thuần đồng bào dân tộc đều có hệ thống trạm truyền thanh và nhà văn hoá; 33 thôn dân tộc thiểu số đã có nhà sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, ngành Văn hóa - thông tin đã tổ chức tập huấn cho cán bộ thuộc xã, phường, thị trấn phụ trách lĩnh vực văn hóa thông tin; tổ chức Liên hoan Tiếng hát về nguồn tại các xã vùng cao; tham gia ngày Hội văn hoá Chăm toàn quốc lần thứ I/2004 tại Hà Nội; lần thứ II/2012 tại tỉnh Ninh Thuận; ngày Hội văn hoá, thể dục thể thao dân tộc Chăm tại An Giang, Bình Phước; ngày Hội văn hóa các dân tộc tỉnh Bình Thuận. Đặc biệt, tại vùng đồng bào Chăm, việc xây dựng quy ước văn hóa gắn với quy ước sinh hoạt tôn giáo để thực hiện các nghi lễ, phong tục tập quán đã được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Việc tổ chức cưới, hỏi được thực hiện theo quy định pháp luật, hầu hết, nam nữ thanh niên dân tộc đều đăng ký kết hôn đúng độ tuổi, không còn lệ thách cưới. Tùy theo tôn giáo và điều kiện của mỗi dân tộc, sính lễ và hình thức tổ chức cưới, hỏi gọn nhẹ, bớt rườm ra, thời gian tổ chức cưới được rút ngắn (trước kia kéo dài 2-3 ngày). Xã Phan Hoà (là nơi tập trung đồng bào Chăm theo đạo Bani) đã đi đầu trong việc tổ chức đám cưới tập thể cho nhiều đôi vợ chồng trẻ dưới sự chủ trì nghi lễ của các chức sắc tôn giáo cùng với sự chứng kiến của hai họ, chính quyền, đoàn thể. Trong buổi lễ này, chính quyền địa phương đã trao giấy kết hôn, phát biểu chúc mừng và căn dặn những cặp vợ chồng trẻ sống chung thuỷ, hạnh phúc.

Việc tang trong đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều tiến bộ. Đồng bào Chăm Hồi giáo Bani rút gọn chỉ còn 1 ngày đêm (trước kia phải để 1 tuần). Đối với người Chăm Bà La Môn đám thiêu không để quá 4 ngày (trước kia từ 7 – 10 ngày). Những gia đình quá nghèo, không đủ khả năng tự làm đám thiêu, sư cả sẽ đứng ra tổ chức nghi lễ cho chôn cất vĩnh viễn. Đối với xã Phú Lạc (huyện Tuy Phong), đám tang được thực hiện theo quy ước của làng đề ra; chẳng hạn: trong làng khi có người chết, các chức sắc Balamôn tổ chức nghi lễ chôn, sau ba năm, đồng bào lấy hài cốt lên để tổ chức hỏa thiêu; việc chôn cất cũng như hoả thiêu được thực hiện đúng nơi quy định, đã hạn chế ô nhiễm môi trường. Những năm gần đây, ở xã Phan Hiệp - huyện Bắc Bình (nơi tập trung đồng bào Chăm theo đạo Balamôn), đã vận động nhân dân đóng góp kinh phí (trên 20 triệu đồng) để xây dựng nhà lễ thiêu nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Đối với đám tang của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Raglay, K’ho, Chơ ro đã có nhiều tiết giảm chi phí và thời gian (chỉ để 24 giờ là địa táng). Cộng đồng người Nùng, Hoa khi có người chết sau 48 giờ tổ chức chôn cất, hạn chế đốt vàng mã, xoá bỏ dần việc báo tang từng nhà.

Các lễ hội Katê của đồng bào dân tộc Chăm đạo Bàlamôn; lễ hội Ramưwan của người Chăm Hồi giáo (Bani); lễ hội Nhôvrêhê, Tết đầu lúa của đồng bào dân tộc Raglay, K’ho; lễ hội Phật bà Quan âm, lễ Tả Tài Phán, lễ hội Nghinh Ông, Tết Nguyên tiêu, đại lễ Vu Lan của người Nùng - Hoa hằng năm đều duy trì gắn liền với các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh. Trong các dịp lễ trên, nhiều địa phương đã kết hợp tổ chức ngày hội cho đồng bào dưới các hình thức: tổ chức các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thi đấu bóng rổ, bóng chuyền, cờ tướng, cầu lông... giao lưu với các xã bạn nhằm góp phần tạo sự đa dạng cũng như tạo sự thân tình đoàn kết của các dân tộc ở địa phương.

Những kết quả trên đã khẳng định được lòng tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, toàn quân; sự đúng đắn, hợp lòng dân qua các chính sách của Đảng và nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cán bộ cấp cơ sở, đặc biệt là vị trí của các chức sắc già làng, các nhân sĩ trí thức dân tộc thiểu số có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác tuyên tuyền, vận động quần chúng nhân dân.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện theo Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị tại địa phương chưa được thường xuyên, liên tục, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở một số nơi chưa đi vào chiều sâu. Trong việc cưới, việc tang, lễ hội ở một số nơi còn phát sinh hiện tượng không lành mạnh, một số hủ tục có chiều hướng phục hồi, tổ chức đám cưới, đám tang linh đình, lãng phí. Một số địa bàn trong đồng bào dân tộc vẫn còn tình trạng tảo hôn, có trường hợp kết hôn sớm không đúng độ tuổi, hoặc có trường hợp lấy nhau không làm thủ tục đăng ký kết hôn. Đối với đồng bào Chăm, việc để người chết lâu ngày tuy có giảm, nhưng phần nào vẫn gây ô nhiễm môi trường đối với mọi người xung quanh. Một số tục lệ chia của cho người chết hiện nay vẫn còn tồn tại trong đồng bào Rai...

Nguyên nhân còn tồn tại những nhủ tục trên là do nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội ở một số cấp uỷ, chính quyền địa phương trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa sâu sát, từ đó dẫn đến thiếu quan tâm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc. Trình độ dân trí đồng bào dân tộc thiểu số thấp dẫn đến ý thức tự lực, tự cường chưa cao, còn tư tưởng ỷ lại, dựa dẫm và trông chờ vào các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Công tác tuyên truyền, vận đồng và giáo dục chính trị tư tưởng cho đồng bào thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang lễ, cưới hỏi, lễ hội của một số địa phương chưa đạt hiệu quả, một số phong tục tập quán của đồng bào không còn phù hợp chưa được loại bỏ, tâm lý và thói quen lạc hậu vẫn còn in đậm trong một số dân tộc, gia đình và cá nhân.

Để công tác vận động, tuyên truyền đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, các ngành chức năng cần quan tâm thực hiện tốt một số công tác như : Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, nhất là cán bộ văn hoá ở các thôn, xã, cán bộ có trình độ, năng lực để vận động đồng bào tham gia các phong trào tại địa phương; Đẩy mạnh việc khảo sát sưu tầm, nghiên cứu đánh giá toàn diện các giá trị văn hoá truyền thống, từ văn hoá đến văn nghệ dân gian, phong tục tập quán, lễ hội, lễ cưới, lễ tang…song phải tránh lãng phí, tốn kém về của cải và thời gian tổ chức thực hiện; Đầu tư phát triển giáo dục, mở mang dân trí; Tăng cường giáo dục sức khoẻ, vệ sinh phòng bệnh cộng đồng; Xây dựng hệ thống y tế để khám chữa bệnh, đồng thời tiếp tục vận động đồng bào thực hiện tốt công tác sinh đẻ có kế hoạch theo chủ trương của Đảng và Nhà nước./.

Minh Hiền