Số người di cư trên toàn cầu tăng cao nhất trong lịch sử
10:06 AM 23/06/2016 | Lượt xem: 5085 In bài viết |Báo cáo Xu hướng Toàn cầu 2015 của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) công bố ngày 20/6 cho thấy, tính đến cuối năm 2015, có tới 65,3 triệu người đã phải dời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, tăng 5 triệu người so với con số 59,5 triệu người của năm trước đó. Trong đó, có 21,3 triệu người đi tị nạn ở nước ngoài, 3,2 triệu người đang tìm kiếm tị nạn và 40,8 triệu người phải đi lánh nạn trong phạm vi đất nước của họ.
Như vậy, do với dân số trái đất hiện là 7,4 tỷ người, trung bình cứ trong 113 người thì có 1 người phải dời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Trung bình trong năm 2015, mỗi phút lại có 24 người phải dời bỏ nhà cửa, con số này cao gấp 4 lần so với thập kỷ trước đó.
Syria, Afghanistan và Somalia chiếm hơn một nửa số người phải đi tị nạn, với lần lượt là 4,9 triệu, 2,7 triệu và 1,1 triệu người. Colombia là nước có số người đi lánh nạn ở trong nước (IDP) cao nhất, với 6,9 triệu người, tiếp theo là Syria 6,6 triệu người và Iraq là 4,4 triệu người.
Báo cáo của UNHCR cũng chỉ ra rằng, phần lớn người tị nạn trên thế giới đến từ các nước đang phát triển ở phía nam trái đất. Trong tổng số, có 86% số người tị nạn (theo quản lý của UNHCR năm 2015) ở các nước có thu nhập thấp và trung bình gần với tình hình xung đột.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia tiếp nhận người tị nạn lớn nhất trên thế giới, với 2,5 triệu người. Trong khi đó, xét theo tỷ lệ người tị nạn với dân số, Li-băng là nước có tỷ lệ cao nhất, với gần 1 người tị nạn/5 người dân bản địa.
Một con số đáng nói trong báo cáo, đó là số trẻ em chiếm tới 51% tổng số người tị nạn trên toàn thế giới trong năm 2015, trong đó có nhiều em đã bị tách khỏi cha mẹ hoặc đi tị nạn một mình.
Thống kê từ báo cáo cho thấy, cũng trong năm 2015, khoảng hơn 1 triệu người di cư và người tị nạn đã vượt qua biển Địa Trung Hải để đến châu Âu bằng những con thuyền mỏng mảnh. Hàng nghìn người đã phải bỏ mạng trên biển trong khi hàng nghìn người khác vẫn được cho là mất tích./.
Theo: Kiều Giang