Thông tin giá cả thị trường số 1/2016

04:06 PM 26/05/2016 |   Lượt xem: 3428 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

 
Giải bài toán tiêu thụ nông sản

Điệp khúc “được mùa - rớt giá”, ùn tắc tại cửa khẩu mỗi khi nông sản vào chính vụ luôn là nỗi lo lắng của bà con nông dân. Để trái cây Việt có thị trường tiêu thụ bền vững, ổn định đòi hỏi nỗ lực tổng thể từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp như xây dựng mô hình chuyên canh tập trung; ưu tiên hỗ trợ đầu tư các xưởng sơ chế, đóng gói để bảo quản, đồng thời đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngay tại vùng sản xuất nguyên liệu.

Câu chuyện chung tay “giải cứu” nông sản

Trong hai năm trở lại đây, hàng loạt các cuộc hội thảo, hội nghị và cả các chương trình thiện nguyện xúc tiến tiêu thụ hàng nông sản cho bà con nông dân đã được nhà quản lý tổ chức với mục đích ngăn chặn tình trạng ế thừa, tồn đọng nông sản như đã diễn ra nhiều năm trước. Dư luận hẳn chưa quên câu chuyện tháng 4/2015, tại trụ sở Bộ Công Thương, Công đoàn cơ quan Bộ đã phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu tổ chức chương trình thiện nguyện mua dưa hấu hỗ trợ cho nông dân miền Trung. Sau sự kiện này, 14 tấn dưa bị ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đã được tiêu thụ. Vừa thoát cảnh ế thừa, bà con nông dân địa phương trồng dưa hấu còn không lo bị rớt giá dưa do giá bán đến tay người tiêu dùng vẫn theo giá của thị trường, không lâm cảnh thương lái ép giá. Trong bối cảnh toàn xã hội chung tay tiêu thụ nông sản cho nông dân, việc đó được đánh giá là nghĩa cử đẹp của ngành Công thương. Không chỉ dừng lại ở các chương trình thiện nguyện, Bộ Công Thương – cơ quan chủ quản chuyên trách lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa và thị trường trong nước đã lên kế hoạch để tìm cách tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân các địa phương trên cả nước.

Theo đó, vào mùa nhãn, mùa vải hay bất cứ vụ mùa nông sản nào sắp thu hoạch, chiến dịch “tiêu thụ nông sản, chống ùn tắc tại cửa khẩu” luôn được nhà quản lý xây dựng từ trước, không phải đợi đến lúc “nước đến chân mới nhảy” như đã từng xảy ra những năm trước. Thế nên khác với mọi năm, vụ mùa vải thiều năm 2015, hàng trăm ngàn tấn vải thiều thu hoạch tại Bắc Giang, Hải Dương đều được tiêu thụ hết, bà con nông dân được cả mùa lẫn giá. Tương tự, những chuyến xe dưa hấu, xoài, thanh long… cũng không phải dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm khi không tiêu thụ được. 

Liên kết tiêu thụ và Điều tiết tránh ùn tắc 

Những việc làm của nhà quản lý có thể chưa hoàn toàn giảm nhẹ những gánh nặng cho bà con nông dân mỗi vụ thu hoạch nông sản, song, những động thái đó cho thấy nhà quản lý đã không còn đứng ngoài cuộc để bà con nông dân “tự bơi” với hàng tấn nông sản ế thừa tồn đọng như đã xảy ra nhiều năm về trước. Thời điểm này tại Cửa khẩu Tân Thanh đang là cao điểm xuất khẩu nông sản. Cụ thể, sản lượng thanh long xuất khẩu đạt 139,312 tấn, tăng 26%; sản lượng dưa hấu xuất khẩu đạt 154,948 tấn, tăng 23%, nhưng không gây ùn ứ tại khu vực cửa khẩu như năm trước. Với sự chủ động thực hiện những giải pháp của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng tại cửa khẩu, tình trạng dồn ứ xe chở hàng hóa tại khu vực cửa khẩu đã không xảy ra. Chi cục Hải quan Tân Thanh đã áp dụng thông quan điện tử Vnaccs/Vcis đã rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại qua địa bàn. Đồn Biên phòng Tân Thanh phối hợp với các lực lượng tại cửa khẩu thực hiện phân luồng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống ùn tắc giao thông trên các tuyến đường ra cửa khẩu; bố trí lực lượng giải quyết ưu tiên thông quan xe chở hàng nông sản khi xảy ra ùn tắc kéo dài; kiểm soát tốt xuất, nhập cảnh đối với người, phương tiện vận tải hàng hóa nông sản qua lại cửa khẩu; thường xuyên kiểm tra hiệu quả an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông…

Về lâu dài, ngành nông nghiệp cần phải thay đổi phương thức sản xuất, phải làm sao tạo được chuỗi liên kết giữa nhà nông - nhà sản xuất, chế biến và nhà tiêu thụ rất quan trọng. Trên nữa là chính sách của nhà nước làm thế nào để doanh nghiệp chế biến tiếp cận được vốn ưu đãi, cải tiến máy móc thiết bị; nhà phân phối được giúp vốn để thu mua sản phẩm về tiêu thụ… Nếu liên kết các nhà với nhau trong một chuỗi như thế nông sản do bà con nông dân làm ra mới được tiêu thụ ổn định. 
 

MUA GÌ

 
Đà Lạt : Rau sạch, an toàn ngày càng được ưa chuộng

Thời gian qua, nông dân và doanh nghiệp ở Đà Lạt không ngừng ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất rau, hoa để cho ra sản phẩm chất lượng cao, mang lại thu nhập mỗi năm gấp nhiều lần so với phương thức canh tác truyền thống. 


Sản xuất theo quy trình công nghệ hiện đại 
 

Đến trang trại sản xuất rau của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (TP. Đà Lạt), nhiều người hẳn sẽ choáng ngợp trước quy mô và kỹ thuật sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao mà đơn vị này đang làm. Toàn bộ diện tích sản xuất rau của HTX đã đạt chuẩn VietGAP, trong đó 220 héc-ta rau trong nhà kính và nhà lưới được sản xuất theo cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ màng phủ nông nghiệp, kỹ thuật tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt. Sản phẩm sau thu hoạch về đến kho được bảo quản trong phòng lạnh, vận chuyển tiêu thụ bằng xe chuyên dùng để giảm thiểu hao hụt, đảm bảo được chất lượng và giá trị hàng hóa. Hàng năm, HTX cung cấp ra thị trường bình quân hơn 40.000 tấn rau sạch, trong đó 80% phục vụ nhu cầu trong nước thông qua chuỗi cửa hàng và hệ thống siêu thị Co.op Mart. Nhờ sản xuất rau sạch áp dụng công nghệ cao nên HTX luôn có thị trường ổn định với giá cao hơn từ 10% - 15% so với rau sản xuất kiểu truyền thống.

Cùng với việc sản xuất trong nhà kính, sử dụng màng phủ nông nghiệp, thời gian gần đây, trồng rau bằng phương pháp thủy canh theo công nghệ châu Âu cũng được phát triển mạnh tại Đà Lạt. Theo ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt GAP, rau trồng bằng phương pháp thủy canh với hệ thống ống dẫn cung cấp nước chứa chất dinh dưỡng liên tục chảy từ đầu này ống thủy canh ra đầu kia, sau đó được máy bơm bơm chảy ngược trở lại. Cách thức này giảm được công chăm sóc và trong môi trường khép kín, sâu bệnh không xâm nhập được, hạn chế tối đa việc sử dụng chất bảo vệ thực vật. Còn ở khu vực đóng gói tại trang trại của Công ty Rừng hoa Bạch Cúc, các nhân công lần lượt xếp từng cây xà lách vẫn còn nguyên bộ rễ và giá thể được bó lại cẩn thận bằng bao nylon. Bà Phạm Thị Thu Cúc, Giám đốc Công ty Rừng hoa Bạch Cúc, cho biết: “Sản phẩm theo mô hình thủy canh rất sạch và an toàn. Cách làm này giúp xà lách tươi lâu hơn. Thu hoạch xong, chúng tôi giữ nguyên toàn bộ sản phẩm rồi đóng gói chuyển thẳng ra siêu thị, cung cấp cho người tiêu dùng”.

Giá trị xuất khẩu còn thấp

Theo ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Lâm Đồng, rau, hoa Đà Lạt những năm gần đây có mặt ở hầu khắp các siêu thị, hệ thống cửa hàng nông sản trong cả nước; riêng thị trường TP. HCM tiêu thụ hơn 60%, bên cạnh đó cũng từng bước chinh phục được một số thị trường quốc tế. Làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đang triển khai nhiều mô hình sản xuất rau, hoa công nghệ cao tại phố núi sẽ góp phần đưa giá trị của rau, hoa Đà Lạt ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển tỉnh Lâm Đồng, hiện nay lượng rau, hoa xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn, ngay cả những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tỷ lệ xuất khẩu mới chỉ đạt 10% - 20%. Muốn tháo gỡ nút thắt này, người làm nông nghiệp phải tạo ra sản phẩm có giá trị, chất lượng tốt bằng cách ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, khi đó năng suất sẽ tăng từ 4 - 6 lần so với canh tác truyền thống, đáp ứng thị trường khó tính. Hiện nay thị trường Nhật Bản đang nhập khẩu trên 50% lượng rau, củ, quả từ châu Âu, các thị trường gần với Việt Nam như Đài Loan, Singapore, Malaysia... cũng đang có nhu cầu rất lớn, đồng thời thị trường trong nước người dân cũng đang hướng đến nguồn nông sản có chất lượng, thương hiệu. Đây là cơ sở để chúng ta chuyển dần sang hướng sản xuất rau, hoa công nghệ cao. 

 

BÁN GÌ


Đắk Lắk: Hiệu quả từ mô hình trồng dưa leo trên đất ruộng

Những ngày này, tại thôn Trường Thọ 2, xã Ea Phê, huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nông dân đang tất bật thu hoạch dưa leo F1 SL 1.2 để kịp cân cho thương lái.

Đây là năm đầu tiên ông Phạm Công Năm, thôn Tường Thọ 2, xã Ea Phê, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk trồng giống dưa leo F1 SL 1.2 trên đất ruộng do Công ty TNHH An Phú Nông cung cấp. Ông Năm cho biết: Đất đai ở đây thích hợp với dưa leo F1 SL 1.2 nên dễ trồng và có thể trồng quanh năm. Mỗi sào dưa leo tính từ gieo đến bắt đầu thu hoạch lúc trái còn non từ 37 - 40 ngày, trái da láng có màu xanh nhạt, có thể thu hoạch hàng ngày hoặc thu cách ngày một lần, tùy theo yêu cầu của thị trường cần kích thước trái nhỏ hay trái lớn. Số lần thu hoạch một trà dưa có thể từ 25 – 30 lần. Thương lái ở huyện Krông Păk mua với giá 4.500 - 5.500 đồng/kg, có lúc giá dưa còn lên tới đỉnh điểm 7.000 đồng/kg nên những người trồng dưa leo ở đây thu nhập khá. 

Trong khi những người trồng bắp ở huyện Krông Pắk đang rảnh rỗi vì bắp đã thu hoạch xong thì ông Trần Minh Long xã Ea Phê, vẫn tất bật với việc thu hoạch hàng chục tấn dưa, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Ông Long chia sẻ: “Ban đầu tôi và một số hộ tham gia mô hình cũng rất sợ, nhưng khi trồng thấy giống dưa leo này sinh trưởng rất khỏe, phân nhánh mạnh, giống có khả năng kháng được một số loại bệnh như: Bệnh sương mai, phấn trắng, không bị chết dây, nên giảm được chi phí đầu vào và tăng hiệu quả kinh tế”. Tuy nhiên yêu cầu bà con phải tuân thủ quy trình cũng như đảm bảo đúng mật độ, để cho cây dưa phát triển. Đến nay, chỉ riêng xã Ea Phê, huyện Krông Păk đã có rất nhiều hộ chọn giống dưa leo này để canh tác trên mảnh đất của gia đình mình, góp phần tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động từ việc dắt đọt dưa lên dàn, bẻ dưa với mức thu nhập gần 150.000 đồng/người/ngày.

Với việc chuyển đổi cây trồng đúng hướng, tin rằng đây sẽ là điều kiện để bà con nông dân trong khu vực tiếp tục nhân rộng mô hình và mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, môi trường canh tác. 

Chuối Việt Nam chinh phục thị trường Nhật Bản

Chuối xuất khẩu của Việt Nam sẽ được bày bán tại hệ thống siêu thị bán lẻ Don Kihote của Nhật Bản từ ngày 30/4/2016, đánh dấu sự xuất hiện chính thức lần đầu tiên của quả chuối Việt Nam tại thị trường bán lẻ Nhật Bản.

Thị trường Nhật Bản có nhu cầu cao đối với mặt hàng chuối nhập khẩu với sức tiêu thụ xấp xỉ 1 triệu tấn/năm. Theo thống kê, hiện nay Philippines đứng đầu, chiếm tới 85% thị phần chuối nhập khẩu tại Nhật Bản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản cho biết đang có nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung cho thị trường Nhật Bản.

Đại diện thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, ông Nguyễn Trung Dũng, cho biết với khối lượng khoảng 15 tấn được công ty Huy Long An xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Don Kihote triển khai bán chuối Việt Nam tại hơn 10 địa điểm thuộc hệ thống siêu thị bán lẻ này tại Tokyo và nhiều địa phương quanh Tokyo như Saitama, Chiba… Dự kiến trong thời gian tới, thị trường Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi khối lượng chuối nhập khẩu từ Việt Nam, đồng thời mở rộng mạng lưới phân phối.

Đánh giá về khả năng cạnh tranh của chuối Việt Nam, ông Hidekatsu Ishikawa, Chủ tịch Công ty VIENT, doanh nghiệp nhập khẩu Nhật Bản, đánh giá cao chất lượng chuối Việt Nam, có vị ngọt phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng Nhật Bản và có mức giá cạnh tranh. Ông Ishikawa cho biết ngoài hệ thống siêu thị bán lẻ Don Kihote, một số hệ thống siêu thị địa phương khác cũng sẽ bày bán chuối Việt Nam như Chalenger của tỉnh Niiggata.

Với những cơ hội và lợi thế trên, chuối Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn trong việc mở rộng hơn nữa thị phần tại thị trường Nhật Bản. Dự kiến, trong thời gian tới, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ phối hợp với các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động quảng bá cho quả chuối Việt Nam tại các sự kiện xúc tiến thương mại nhằm tăng thị phần của chuối Việt Nam tại thị trường Nhật Bản.
 

LƯU Ý CẢNH BÁO


Ngành chè hội nhập TPP: Phải tổ chức lại khâu sản xuất, chế biến

Khi Việt Nam hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra cơ hội cũng như thách thức cho nhiều ngành nghề, trong đó có ngành chè. Vì vậy, để tăng khả năng cạnh tranh khi hội nhập, ngành chè cần thiết lập các kênh phân phối, tổ chức lại khâu sản xuất, sơ chế...

Thị trường được mở rộng

Theo phân tích của các chuyên gia, trong các nước tham gia TPP chỉ có Việt Nam và Nhật Bản là 2 nước sản xuất chè. Nhưng Nhật Bản vẫn có nhu cầu nhập khẩu chè rất lớn để phục vụ nội địa và xuất khẩu sang nước thứ ba. Do vậy, chè Việt Nam sẽ có thị trường rộng mở. Khi TPP chưa có hiệu lực, thuế nhập khẩu chè của một số nước trong TPP như Nhật Bản 17%, Peru 9%, Hoa Kỳ 6,4%, Chile 6%, Mexico 2%, Brunei là 22 cent/kg… Sau khi có hiệu lực, các doanh nghiệp chè của Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận với nhu cầu của người tiêu dùng chè tại tất cả các nước trong khối này, cũng như cơ hội mở kênh phân phối sản phẩm mà không bị bất cứ rào cản nào.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu lớn này, các doanh nghiệp chè cần thiết lập được các kênh phân phối đến người tiêu dùng. Trước hết là thay đổi loại hình đóng gói, từ bao to sang bao nhỏ. Thực tế hiện nay chè nước ta xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô đóng bao to từ 30 - 60kg, dưới dạng nguyên liệu để các nhà nhập khẩu cung ứng cho nhà đóng gói. Sau đó, các nhà đóng gói tổ chức đóng gói hoặc đấu trộn với chè nhập khẩu từ các nước khác để đóng thành bao gói nhỏ (dưới 3kg) nhưng mang thương hiệu của họ phân phối trên thị trường nước sở tại hoặc xuất khẩu sang các nước thứ ba. Do đó, nếu bán chè ở dạng bao lớn, người tiêu dùng có thể uống chè Việt Nam, nhưng lại mang một thương hiệu có thể hoàn toàn không liên quan gì tới Việt Nam và chúng ta có thể chỉ bán với mức giá bình quân như lâu nay khoảng 1,8 – 2 đô-la Mỹ/kg. Chuyển sang gói nhỏ, có thương hiệu, có thể bán với giá 5 - 10 đô-la Mỹ/kg. Thậm chí nếu làm thương hiệu tốt, có thể bán tới 20 - 25 đô-la Mỹ/kg.

Xây dựng quan hệ sản xuất, chế biến 

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, để mở đường cho ngành chè phát triển, khâu đột phá đó là xây dựng quan hệ sản xuất mới, xây dựng liên kết công – nông nghiệp chè trên từng địa bàn làm cơ sở để trong tương lai gần sẽ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể, phải tổ chức lại sản xuất, chế biến chè trên từng địa bàn theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Trong đó, mỗi cơ sở chế biến được chính quyền địa phương phân vùng, quy hoạch một hoặc một số vùng nguyên liệu cụ thể. Doanh nghiệp có trách nhiệm đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, đảm nhiệm toàn bộ hệ thống cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tập trung cho cây chè toàn vùng và bao tiêu sản phẩm. Nông dân có trách nhiệm thực hiện đúng quy trình kỹ thuật canh tác, thu hoạch và bán nguyên liệu cho doanh nghiệp. Đối với những vùng chè phân tán, doanh nghiệp không thể trực tiếp quản lý đến từng hộ, cần tổ chức các hợp tác xã trên nguyên tắc đảm đương tất cả các công việc mà từng xã viên cần nhưng không làm được, hoặc làm được nhưng hiệu quả thấp, lãng phí lao động xã hội. Cũng như các doanh nghiệp, các hợp tác xã cần chú trọng nhất là khâu bảo vệ thực vật tập trung để đảm bảo chè an toàn. 

Thực tế hiện nay cho thấy, công đoạn sản xuất nguyên liệu (chè búp tươi) có ý nghĩa quyết định đến chất lượng và an toàn thực phẩm cho sản phẩm. Hiện nay, ngoài số ít doanh nghiệp tự trồng hoặc liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị, còn lại đa phần là sản xuất tại các hộ gia đình nông dân và các hộ gia đình công nhân nhận khoán. Vì vậy, năng suất, chất lượng thấp, không đồng đều, giá thành cao, giá bán thấp. Về công nghiệp chế biến, rất nhiều doanh nghiệp thu mua chè nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, không kiểm soát được số lượng, chất lượng và an toàn thực phẩm đồng thời không chứng minh, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. 

Đã đến lúc cần sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước để đổi mới quan hệ sản xuất, chế biến, tạo tiền đề cho ngành chè tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong tương lai gần.
 

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG


Quy hoạch cây cao su trước nguy cơ bị phá vỡ

Thời tiết khô hạn ảnh hưởng đến giá cả và vấn đề phá vỡ quy hoạch trồng cây cao su là những khó khăn ngành cao su đang gặp phải trong vụ thu hoạch cao su năm nay.

Tại Tây Ninh, người trồng cao su lo lắng trước diễn biến giá trong mùa khô hạn này. Bởi cây cao su đã đến hồi thu hoạch, nhưng giá mủ xuống thấp khiến họ không có lãi, thậm chí càng thu hoạch càng lỗ vốn.

Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ, nơi được xem là “thủ phủ” của cây cao su, tình trạng cũng tương tự. Quy hoạch diện tích nhiều dẫn đến hệ lụy là giá cao su giảm mạnh và người trồng lỗ vốn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Phước, thời gian qua, trên địa bàn có tới hơn 1.800 héc-ta cao su bị chặt bỏ để chuyển sang các loại cây trồng khác, trong đó chủ yếu là hồ tiêu, điều, cây ăn trái… và mục đích khác.

Còn tại Bình Dương, các doanh nghiệp và hộ dân cũng đã chặt bỏ gần 2.400 héc-ta cao su do giá mủ xuống thấp. Trong khi đó, nhiều hộ dân tại Đắk Nông tỉa cành, chắn rễ cao su để làm trụ sống trồng tiêu. 

Điệp khúc “trồng - chặt, chặt - trồng” của nông dân trồng cao su ở các địa phương đã khiến họ không thể làm giàu, thậm chí nghèo đi.

Trước tình hình trên, các chuyên gia nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân tiếp tục chăm sóc, nếu không cần thiết thì không cạo mủ để bảo vệ cây và chờ giá tăng trở lại. Nông dân nên thực hiện các mô hình trồng xen nông lâm kết hợp với cây cao su để tăng thu nhập. Đối với diện tích hết hạn khai thác, sau chặt bỏ, nông dân nên trồng loại cây khác có hiệu quả hơn, không nên chặt bỏ cây cao su bằng mọi giá trong lúc này.

Suối Nho (Đồng Nai): Trồng hẹ - loại rau màu độc đáo

Toàn xã Suối Nho (huyện Định Quán, Đồng Nai) hiện có 70 héc-ta trồng rau màu, chủ yếu là hẹ. Rau hẹ trồng 1 lần có thể cho thu hoạch từ 2 - 3 năm, với đất mới có thể thu đến 4 năm. Trung bình 35 ngày rau hẹ thu một lần, năng suất từ 2 - 3 tấn/sào/lần thu hoạch; vườn chăm sóc tốt có thể đạt hơn 3 tấn/sào. Với mức giá bán trung bình khoảng 3.500 đồng/kg, 1 sào rau hẹ cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm, thậm chí có hộ đạt hàng trăm triệu đồng/năm. Do thấy hiệu quả kinh tế cao nên bà con đua nhau mở rộng diện tích trồng hẹ. Tuy vậy, nông dân trồng rau ở Suối Nho hiện chưa phải lo lắng về đầu ra. Chỉ riêng tại địa phương đã có cả chục đại lý tổ chức thu mua tại ruộng cho nông dân. 

Vùng rau này hiện tại không chỉ mang lại thu nhập cao cho người trồng mà tạo được nhiều công ăn việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương. Ở xã có hẳn đội ngũ hàng trăm lao động thời vụ chuyên làm các việc thu hoạch, nhặt rau hẹ... tại các đại lý thu mua. Công việc cũng nhẹ nhàng nên nhiều người già, trẻ em cũng tham gia kiếm thêm thu nhập, cải thiện điều kiện sống của gia đình. 

BOX: Hiện tại, bà con nông dân đã liên kết lại thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Suối Nho. Dù mới thành lập được gần nửa năm nay, nhưng hợp tác xã đã tổ chức tiêu thụ được khoảng 10 tấn hẹ/ngày. Ngoài các chợ đầu mối, hợp tác xã đã liên kết, cung cấp hẹ tươi cho các cơ sở chế biến nên đảm bảo đầu ra với giá ổn định cho xã viên. Hợp tác xã đang mở rộng liên kết thêm với nhiều doanh nghiệp theo hướng hợp tác đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo mô hình cánh đồng lớn.
 

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG


Phú Yên: Khuyến cáo bà con luân canh cây họ đậu

Trước tình hình khô hạn hiện nay, Sở NN-PTNT Phú Yên đã khuyến cáo bà con nên luân canh các loại cây họ đậu vì đây là loại cây dễ trồng, thích hợp với khu vực miền núi.

Theo thống kê chưa đầy đủ, năm nay toàn tỉnh gieo trồng 2.240 héc-ta đậu các loại, trong đó đậu đỏ gần 1.800 héc-ta. Đây là cây trồng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số các xã Đức Bình Tây, Ea Bia, Ea Trol, Ea Lâm, Ea Ly. Theo nhiều nông dân ở các huyện miền núi, đậu đỏ dễ trồng, không kén đất vì vậy được trồng trên các vùng gò đồi bị xói mòn. Mấy năm gần đây, tại các xã miền núi, đậu đỏ còn là cây trồng lấp khoảng trống ở những vùng đất trồng sắn, mía bị chết, không thể trồng dặm.

Đặc biệt, tại nhiều xã, huyện diện tích đậu đỏ ngày càng tăng cao do nông dân trỉa xen vào rẫy keo. Ví như ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, bà con trồng keo thu hoạch trong tháng 2 sau đó chuyển sang trồng đậu đỏ để tăng thêm thu nhập. Mặc dù lá cây keo lai có chất dầu khi rụng xuống cỏ cũng không sống nổi nhưng khi trỉa đậu đỏ vào vẫn phát triển tốt. Có người trỉa đậu đỏ tắp vào hàng rào, bờ bụi rồi nó tự leo lên cao ra trái. Vùng này nhà nào cũng trồng đậu đỏ xen keo lai. Cây keo lai trồng năm trước đến năm sau cao ngang đầu người thì trỉa đậu đỏ xen vào giữa hai hàng keo. Cây keo làm chái cho dây đậu đỏ vươn cao. Đậu đỏ càng bò cao thì trái càng sai. 

Đậu đỏ không chỉ thích nghi trên vùng núi mà còn lấn xuống các xã ven biển. Vùng đất trên núi Mu Rùa, núi Đất Bằng của xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) là đất đá dăm, sạn cốm chai cứng, nếu trồng đậu xanh cao không quá gang tay người lớn, nhưng trồng đậu đỏ mang lại giá trị kinh tế cao. M.T

Cà Mau: Đậu xanh được mùa

Năm nay mưa ít, thời tiết khô hạn, nắng kéo dài là điều kiện thuận lợi để trồng đậu xanh. Do được dự báo tình hình khô hạn sớm nên nông dân tỉnh Cà Mau mạnh dạn chuyển sang trồng cây đậu xanh. 

Tại Cà Mau, cây đậu xanh đang là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao trong tình hình thiếu nước sản xuất nghiêm trọng, khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay. Những hộ trồng sớm đều được mùa, cây đậu đạt năng suất cao. Đây là vụ đậu xanh trúng mùa nhất so từ trước đến nay.

Địa phương có diện tích trồng đậu lớn nhất ở Cà Mau là huyện Trần Văn Thời, tập trung chủ yếu ở các xã Khánh Bình Tây, Khánh Hưng, Khánh Bình Tây Bắc, Trần Hợi và Khánh Bình Đông. Đến trung tuần tháng 4 này, phần lớn ruộng đậu đã được nhà nông thu hoạch, năng suất trung bình đạt từ 2,2 - 2,5 tấn/héc-ta, cao hơn từ 200 - 500kg/héc-ta so với vụ đậu năm 2015. Thậm chí, nhiều nông dân lợi dụng ruộng khô hạn đã gieo đậu xanh vào ngay những chỗ nứt nẻ cũng đạt năng suất cao từ 2,5 - 3 tấn/héc-ta. Ngay từ đầu tháng 4/2016, thương lái đã tới tận ruộng mua đậu xanh với giá từ 30.000 - 32.000 đồng/kg.

Nắm được dự báo thời tiết mưa ít, nắng nhiều kéo dài nên ngay từ đầu năm, Phòng NN&PTNT huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân trồng đậu xanh dưới ruộng lúa. Nhờ thực hiện đúng quy trình chỉ dẫn vào sản xuất, nên đậu xanh của bà con phát triển rất tốt, năng suất khá hơn mọi năm. Cũng nhờ có thêm nguồn thu từ đậu xanh mà nhiều nông hộ ở địa phương đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. 
 

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN


Phổ biến kiến thức cho các hộ kinh doanh phân bón

Phân bón giả, phân bón kém chất lượng không chỉ gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chân chính mà nguy hại hơn, nó còn khiến cho cây trồng chậm phát triển, năng suất giảm, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân. Ngay trong những tháng đầu năm 2016, một số chi cục quản lý thị trường các tỉnh đã có những động thái nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Tại Hưng Yên, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp với Công ty cổ phần Phân bón và hóa chất miền Bắc tổ chức hội thảo tuyên tuyền, phổ biến kiến thức cho trên 100 hộ kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh. Tại hội thảo, các hộ kinh doanh đã được nghe lãnh đạo Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương phổ biến những kiến thức cơ bản về kinh doanh phân bón, mức xử phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm và cách nhận biết phân bón giả. Đồng thời, xác định việc phòng chống hàng giả, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng quản lý nhà nước như quản lý thị trường, công an, thanh tra các ngành công thương, nông nghiệp thì việc nâng cao nhận biết của người kinh doanh về hàng giả, số tiền xử phạt lớn nếu vi phạm sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn tình trạng này. Qua đó, các hộ kinh doanh, buôn phân bón trên địa bàn tỉnh có thêm kiến thức, kỹ năng để nhận biết, phát hiện hàng giả trên thị trường.

Tại Bắc Giang, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn tổ chức hội nghị “Tuyên truyền pháp luật trong lĩnh vực phân bón”. Qua hội nghị này, các hộ kinh doanh đã được các cơ quan chức năng giải thích và hướng dẫn thực hiện một số quy định trong sản xuất, kinh doanh phân bón. Các đại biểu còn được hướng dẫn cách nhận biết phân bón thật - giả như: Quan sát bằng mắt thường tên sản phẩm, thông số về hàm lượng dinh dưỡng trên bao bì; kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm qua hóa đơn mua bán… Đặc biệt, Chi cục đã khuyến cáo người tiêu dùng khi mua phải phân bón giả, kém chất lượng cần thông báo ngay đến các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Thanh Hóa: Tăng cường thanh tra hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp

Trong các tháng đầu năm 2016, các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thanh tra hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN) tại hàng trăm cơ sở kinh doanh phân bón thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), kinh doanh thức ăn chăn nuôi, lấy mẫu nước tiểu của động vật để phân tích, giám định chất lượng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Cùng với việc thanh tra, kiểm tra chất lượng VTNN, các ngành chức năng còn tiến hành kiểm tra, đánh giá và phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và thủy sản. Qua đó, đã xác định được nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN chưa đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. Các lỗi cơ bản mà các cơ sở thường mắc phải như: Nằm trong khu dân cư, không bảo đảm các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, khu vực bảo quản sản phẩm không đạt yêu cầu, kinh doanh VTNN lẫn với các mặt hàng khác, người trực tiếp bán hàng không được khám sức khỏe định kỳ... Các cơ quan chức năng đã yêu cầu các cơ sở này khẩn trương khắc phục thiếu sót nhằm bảo đảm điều kiện kinh doanh.
Để tiếp tục ổn định thị trường VTNN, thời gian tới, các ngành chức năng sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra diện rộng 3 loại hàng hóa là giống cây trồng, phân bón và thuốc BVTV. Đồng thời có phương án xử lý dứt điểm tình trạng các cơ sở không bảo đảm điều kiện kinh doanh và lưu thông hàng hóa kém chất lượng, vi phạm trên địa bàn. Tăng cường tái kiểm tra, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm, không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh. Tập trung phổ biến các văn bản pháp quy về điều kiện kinh doanh VTNN; danh mục cơ cấu giống cây trồng, thuốc BVTV, thuốc thú y áp dụng trên địa bàn để các đơn vị tổ chức kinh doanh bảo đảm cung ứng đúng cơ cấu, chủng loại, chất lượng theo quy định của Bộ NN&PTNT. Đặc biệt chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người sản xuất, kinh doanh VTNN. 
 

HÀNG VIỆT


Sản phẩm của đồng bào dân tộc hút khách

Trước những thông tin về thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn liên tiếp được công bố... nhiều người tiêu dùng có xu hướng tìm mua thực phẩm sạch, thực phẩm được nuôi trồng tự nhiên. Đây chính là lý do để các sản phẩm do đồng bào DTTS vùng miền núi nuôi trồng, được chào đón hơn bao giờ hết.

Nhiều sản phẩm được tin dùng

Sống trong tòa nhà Kangnam hiện đại bậc nhất Hà Nội, nhưng thực phẩm mà gia đình cô Hoàng Minh Tâm sử dụng lại chủ yếu được mang về từ Hòa Bình, Sơn La. Cô Tâm chia sẻ: “Đắt một chút, kỳ công một chút nhưng sử dụng yên tâm hơn rất nhiều. Nếu như lợn nuôi công nghiệp chỉ 3 - 6 tháng đã xuất chuồng, thì lợn của đồng bào nuôi bằng thức ăn tự nhiên có thời gian nuôi từ 1 - 2 năm. Khi xào nấu, thịt không ra nước, mùi thơm ngon rất đặc trưng”. Thi thoảng muốn đổi bữa, cô Tâm lại thông qua facebook (trang mạng xã hội) của một người quen để đặt mua tôm, cá, mực tươi từ các vùng biển Quảng Ninh, Nghệ An chở về…

Giống như cô Tâm, gia đình anh Nguyễn Minh Nam (Long Biên, Hà Nội) tháng nào cũng có 1 – 2 bao hàng (bao gồm gạo, hành tỏi, thịt gà – lợn, rau xanh) được mua từ Điện Biên chở về. “Vợ chồng, con cái đều ăn bữa trưa ở trường, ở cơ quan. Còn mỗi bữa tối ăn tại nhà, nên gia đình tôi cố gắng để mua thực phẩm sạch ăn cho an toàn” – anh Nam nói. 

Anh Nam, cô Tâm là 2 trong số rất nhiều người dân thành thị đã lựa chọn các sản phẩm được chuyển trực tiếp từ các huyện miền núi, miền biển để sử dụng cho bữa ăn hàng ngày. Với những khách hàng này, giá cả không còn là vấn đề quan trọng, mặc dù thịt lợn mua theo cách này, luôn cao hơn thịt bán trong các chợ từ 50.000 – 70.000 đồng/kg; rau xanh đắt hơn từ 5.000 – 10.000 đồng/kg.

Cần chiến lược cho các sản phẩm của đồng bào

Từ kinh nghiệm mua sản phẩm của đồng bào dân tộc nhiều năm nay, anh Nam cho hay: Vì được nhiều người tin dùng nên có không ít người đã lấy giống cây, con của vùng cao về nuôi trồng công nghiệp rồi quảng cáo là “đặc sản vùng cao”. Đây chính là lý do khiến nhiều khách hàng than phiền vì: Thịt lợn bản, gà chạy bộ mà mềm, bở, không ngon. Hay nấm hương, môc nhĩ rừng mà tai to hơn cả nấm công nghiệp… Thậm chí tại nhiều hội chợ, hiện tượng tuồn hàng chợ vào rồi ghi là “sản phẩm do bà con dân tộc nuôi trồng” cũng khá phổ biến. 

Chính vì vậy, để mua thực phẩm thịt cá, rau quả sạch, an toàn nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn các kênh bán hàng uy tín như: Hệ thống siêu thị, nhờ bạn bè có người thân có sản phẩm tự nuôi, trồng mua hộ; mua hàng qua các trang facebook bán hàng uy tín, hoặc liên hệ thẳng với các lò làm miến, nuôi trồng nấm, mộc nhĩ để đặt mua. Các mặt hàng được đặt mua nhiều nhất là: Miến dong Bình Liêu (Quảng Ninh), miến dong Phia Đén (Cao Bằng), miến dong Bắc Kạn; nấm hương Sa Pa; Gạo Điện Biên, lợn đen Sơn La… 

Tại nhiều bản làng ở các tỉnh miền núi, hộ gia đình nào có số lượng lợn, gà chăn nuôi lớn đều được thương lái đặt mua. Chủ một trang trại ở Hoài Đức, Hà Nội cho hay, nếu đúng là lợn bản, gà đen do đồng bào nuôi thì không lo về đầu ra vì nhu cầu được sử dụng thực phẩm sạch đang ngày càng gia tăng. Đặc biệt là sau những vụ thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại liên tục bị phát giác thời gian gần đây.

Thực tế, với quy mô chăn nuôi hộ gia đình, lại chăn thả tự nhiên, năng suất thấp nên thực phẩm vùng cao vẫn được bán khá hạn chế. Anh Mùa A Chu – bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, Sơn La chia sẻ: Gà, lợn có đấy, thả rông trên nương rẫy quanh năm. Nhưng mỗi nhà nuôi một ít thôi, nên không phải lúc nào mua cũng có. Sản phẩm lúc nào cũng đắt hàng. Thực tế này cho thấy, thị trường cho các sản phẩm do bà con DTTS nuôi trồng là khá lớn. Để thị trường này phát triển, rất cần có sự định hướng, đầu tư để các sản phẩm của bà con nuôi trồng có thể tăng về số lượng nhưng vẫn giữ được chất lượng vốn có.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)