Thông tin giá cả thị trường số 3/2017

12:00 AM 03/05/2017 |   Lượt xem: 2741 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Vụ đông xuân 2016 – 2017: Không lo sốt giá phân bón

Bà con đang bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân 2016 - 2017. Vụ này, nông dân gặp thuận lợi khi giá nhiều loại phân bón đang giảm thấp so với cùng kỳ năm trước.

Giá nhiều loại phân bón trên thị trường như: Urê, DAP, NPK, kali… hiện giảm ít nhất từ 20.000 - 100.000 đồng/bao/50 kg so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giảm mạnh nhất là các loại phân bón Urê, còn giá nhiều loại phân bón DAP (như DAP Đình Vũ, DAP Mỹ, DAP Trung Quốc…) đang ở mức 450.000 - 600.000 đồng/bao.

Giá các loại phân bón đang ở mức thấp do nguồn cung dồi dào, nhất là khi năng lực sản xuất phân Urê của các nhà máy trong nước đã được tăng cường, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu. Trong khi đó, các loại phân bón nhập khẩu cũng ngày càng đa dạng về chủng loại, giá cả rất cạnh tranh do nguồn cung phân bón tại nhiều nước trên thế giới cũng đang có xu hướng vượt cầu. Với tình hình nguồn cung dồi dào, giá nhiều loại phân bón được dự đoán sẽ tiếp tục bình ổn trong thời gian tới.

Thông qua việc liên kết với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vật tư đầu vào cho các hộ dân, bán sản phẩm đến cuối vụ mới thu tiền. Để bán được hàng, nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp cũng đã chủ động được nguồn phân bón có chất lượng và giá cả cạnh tranh. Điều này đã góp phần tích cực trong ổn định thị trường phân bón. Tuy nhiên, để bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần tích cực vào cuộc để ổn định giá cả và thị trường phân bón, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Bà con cần tránh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng… lợi dụng nhu cầu tiêu thụ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật của bà con nông dân đang tăng cao để “trà trộn” vào thị trường.

Nhà vườn được mùa dừa xiêm, dừa khô

Giá dừa xiêm ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh nhằm phục vụ nhu cầu giải khát của khách hàng tại các khu du lịch tăng cao.

Hiện nay, giá dừa xiêm trái ở 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang tăng ở mức kỷ lục là 80.000 – 90.000 đồng/chục (12 trái). Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá dừa hiện nay tăng khoảng 30% do nhu cầu phục vụ du lịch và xuất khẩu tăng cao.

Tiền Giang và Bến Tre hiện có hơn 15.000 héc-ta dừa xiêm thương phẩm. Với mức giá như hiện nay, nhà vườn thu nhập trên 300 triệu đồng/héc-ta/năm. Giá dừa tăng cao nên bà con nông dân rất phấn khởi.

Cùng với dừa xiêm, giá dừa khô cũng có xu hướng tăng. Nhiều tháng nay, nhà vườn trồng dừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh rất phấn khởi do giá dừa khô luôn ổn định ở mức cao, bình quân từ 85.000 - 90.000 đồng/chục (12 trái); tăng gần gấp đôi so với 6 tháng trước. Có thời điểm giá dừa khô lên đến 110.000 đồng/chục. Giá tăng do sản lượng dừa trong tỉnh giảm mạnh sau đợt hạn mặn năm 2016, trong khi nhu cầu thu gom dừa khô nguyên liệu xuất khẩu và làm bánh kẹo ở các tỉnh lân cận đang tăng.

Toàn tỉnh Trà Vinh hiện có gần 20.000 héc-ta dừa trồng tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Tiểu Cần và Càng Long. Xác định dừa là một trong những cây trồng chủ lực, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến khích nhà vườn cải tạo và nâng cấp các vườn dừa. Đồng thời, khuyến cáo nông dân cải tạo dần các vườn dừa năng suất thấp và bị lão hoá bằng các giống năng suất cao. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai chính sách hỗ trợ nhà vườn cải tạo, nâng cấp, trồng mới vườn dừa. Theo đó, tổ chức hoặc cá nhân đáp ứng điều kiện sản xuất liền vùng từ 2 héc-ta trở lên, nằm trong quy hoạch của tỉnh, sử dụng giống theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp… sẽ được hỗ trợ 6 triệu đồng/héc-ta năm đầu tiên và 3 triệu đồng/héc-ta năm thứ hai đối với doanh nghiệp hoặc cá nhân và hỗ trợ 8 triệu đồng/héc-ta năm đầu, 4 triệu đồng/héc-ta năm thứ hai đối với hợp tác xã.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Bảy núi (An Giang): Đặc sản đường thốt nốt

Khi mùa mưa kết thúc, thời tiết chuyển dần sang mùa khô là thời điểm lấy nước thốt nốt và vào mùa nấu đường ở vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang. Người sống với nghề nấu đường thốt nốt đều là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer nên sản phẩm mang hương vị đậm đà, dân dã, rất hấp dẫn du khách.

Năm nay, ngay đầu vụ, đường thốt nốt đã được bà con và các cơ sở sản xuất tiêu thụ mạnh. Vào mùa nấu đường thốt nốt, một lò nấu được 10kg – 15kg đường thô/ngày, giá bán tại chỗ dao động 15.000 – 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vào cao điểm mùa khô và bước sang đầu tháng giêng, tháng hai, sản lượng đường thốt nốt tăng gấp đôi, ba lần. Nếu một hộ thuê 15 - 20 cây thốt nốt, có khả năng thu được trên 20 kg đường, trừ chi phí vật liệu sẽ lãi trên 250.000 đồng/ngày.

Thực tế cho thấy, việc khai thác nước và nấu đường thốt nốt không đơn thuần là nghề truyền thống phải duy trì và tạo công ăn việc làm cho đồng bào Khmer, mà còn được xác định là đặc sản độc đáo, sản phẩm thế mạnh của vùng Bảy Núi. Chình vì vậy, để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống độc đáo này, Sở Khoa học – Công nghệ An Giang đã tổ chức tập huấn, chuyển giao phương pháp khai thác nước và chế biến đường thốt nốt theo kỹ thuật mới tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Hội Nông dân và Sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh cũng đã triển khai dự án tương tự tại các xã An Phú, Nhơn Hưng (huyện Tịnh Biên) và Núi Tô, Châu Lăng (huyện Tri Tôn). Hơn 100 nông dân Khmer được tập huấn kỹ thuật khai thác nước, chế biến và sản xuất đường thốt nốt đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đồng thời, thành lập 4 tổ hợp tác sản xuất để hỗ trợ vốn và hướng dẫn cách thức làm ăn niên vụ 2016 - 2017. Đây là bước đột phá mới, vừa giúp nghề truyền thống hoạt động ổn định vừa giải quyết việc làm cho người lao động và tăng thêm thu nhập cho đồng bào Khmer vùng Bảy Núi.

Toàn vùng Bảy Núi ước có khoảng 65.000 cây thốt nốt và cho khoảng 5.500 - 6.000 tấn đường mỗi năm. Sản lượng đường thốt nốt hàng năm tăng lên từ 10 - 15% do cây tuổi thọ càng cao, cho trữ lượng nước nhiều và tỷ lệ đường nấu được cũng nhiều hơn.

Quỳnh Lưu - Nghệ An: Rau màu giảm giá mạnh

Giá một số mặt hàng rau màu tại Nghệ An đang giảm mạnh, có thời điểm chỉ bằng 1/10 cùng kỳ năm trước. Hiện nay, bà con nông dân vùng bãi ngang của huyện Quỳnh Lưu đang điêu đứng vì rau sạch.

Theo thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng vùng bãi ngang của huyện Quỳnh Lưu đã có hơn 700 héc-ta chuyên canh trồng rau màu. Thời gian qua, để nâng cao giá trị và tạo thương hiệu rau sạch, huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu và Nghi Lộc đã xây dựng các vùng sản xuất rau VietGAP, rau an toàn… Tuy nhiên, khi bà con đã tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, chất lượng, số lượng sản phẩm không ngừng tăng lên thì lại gặp cảnh “được mùa, rớt giá” thê thảm.

Quỳnh Bảng là xã có diện tích sản xuất rau lớn của huyện Quỳnh Lưu với hơn 200 héc-ta. Thời điểm này, giá rau xuống quá thấp, bà con không tiêu thụ được. Trong khi đó, thời tiết nắng ấm đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại rau màu đạt năng suất cao. Ví dụ như su su, giá hiện nay chỉ còn 400 đồng/kg, bằng 1/10 so với cùng thời điểm năm trước nhưng không có người đến thu mua. Trước tình trạng này, nhiều hộ trồng su su bỏ mặc, không chăm sóc, không tỉa lá.

Không chỉ su su mà cải ngọt, cải bắp, súp lơ… được trồng tại các xã của huyện Quỳnh Lưu, Hoàng Mai… cũng chỉ được tư thương thu mua tận vườn với giá 500 đồng/kg; bắp cải chỉ 500 đồng/bắp… Các loại rau màu khác trước đây thường giữ được giá nhưng nay cũng rẻ bèo như xà lách 2.000 đồng/kg, cà chua 3.000 đồng/kg… Mức giá này đều giảm khoảng 1/2 so với cùng thời điểm này năm trước. Với mức giá này, một số hộ gia đình đã chọn giải pháp bỏ mặc không thu hoạch vì giá bán sau thu hoạch không đủ tiền thuê nhân công. H.Q

MUA GÌ - BÁN GÌ

Đồng Nai: Giá công thu hoạch xoài tăng cao

Ngay sau tết, bà con nông dân khu vực xã Suối Dzui, La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) đã bắt đầu những ngày công đầu năm. Các vườn xoài đã bắt đầu thu hoạch. Giá công hái xoài cũng tăng lên gấp đôi ngày thường, khoảng 400.000 đồng/ngày/nhân công.

Năm nay, do nhiều vườn xoài có sản lượng không cao nên giá xoài tăng hơn so với mọi năm. Cụ thể: Xoài cát Hòa Lộc từ 80.000 – 100.000 đồng/kg; xoài giống Đài Loan có giá từ 35.000 - 45.000 đồng/kg... Theo thông lệ, xoài sẽ tiếp tục được thu hoạch rộ vào thời điểm sau Tết cổ truyền. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui được giá thì không ít nông dân trồng xoài phải ngậm ngùi vì mất mùa do thời tiết diễn biến phức tạp, làm giảm sản lượng. 

Đồng bằng sông Cửu Long : Ớt tăng giá mạnh

Thời điểm trước Tết Đinh Dậu, thời tiết thất thường, mưa dầm khiến diện tích trồng ớt tại nhiều nơi ở miền Trung bị ngập úng. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá ớt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao. Tại tỉnh Sóc Trăng, giá ớt bình quân từ 23.000 – 25.000 đồng/kg, cá biệt có thời điểm đạt 65.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt trên 60 triệu đồng/héc-ta. Chính vì vậy, thời gian qua có nhiều hộ dân đã chuyển đổi từ cây bí đao sang trồng ớt.

Theo tính toán của người trồng ớt, giá thành sản xuất ớt khoảng 20.000 - 22.000 đồng/kg (tùy theo kỹ thuật canh tác của từng hộ), năng suất ớt bình quân đạt khoảng 1 - 1,2 tấn/công. Với giá ớt hiện nay, nông dân trồng ớt lãi khoảng 25 - 32 triệu đồng/công/vụ. Hiện nay, nhu cầu ớt xuất khẩu sang các nước châu Á tăng mạnh nên giá ớt tăng. 

Vĩnh Long: Giá khoai lang tăng nhẹ

Tại Bình Tân, giá khoai lang tím Nhật được thương lái mua tại ruộng là 600.000 đồng/tạ, tăng 190.000 đồng/tạ so với tuần trước. Theo đó, khoai sữa cũng tăng giá thêm từ 50.000 - 70.000 đồng/tạ, đạt 220.000 đồng/tạ; khoai trắng giấy ổn định ở mức 280.000 đồng/tạ. Dù giá tăng nhưng diện tích khoai đủ tháng để thu hoạch đang hạn chế trong khi năng suất khoai không cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá khoai được thương lái nâng lên để tranh thủ mua đủ xe. 

Nghệ An: Thực phẩm tăng giá nhẹ

Tại chợ Sơn, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, mặt hàng tăng giá mạnh nhất là thịt bò, xương bò và lòng bò, cụ thể: thịt bò giá 250.000 đồng/kg, xương bò và lòng bò giá 30.000 đồng/kg. Tuy giá này đã khá rẻ so với nhiều vùng miền khác, nhưng so với trước tết cũng đã tăng 20.000 đồng/kg từng loại. Các loại rau củ như súp lơ xanh, súp lơ trắng, rau cải chíp... đều tăng 2.000 – 3.000 đồng lên 15.000 đồng/cây súp lơ xanh, 5.000 đồng/mớ cải chíp. Trước tết, giá tỏi tây chỉ 20.000 đồng/kg, nay tăng gấp 2,5 lần lên 50.000 đồng/kg. Lá chè xanh cũng tăng giá lên 40.000 đồng/bó. Giá ớt là 200.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Tại chợ Hôm, giá cá thu khô trước tết khoảng 200.000 đồng/kg nhưng hiện đã lên 230.000 – 250.000 đồng/kg. Cá chỉ vàng tăng 10.000 – 20.000 đồng/kg, lên 160.000 đồng/kg. Các loại cá ngon như cá vược cũng tăng nhẹ 10.000 – 20.000 đồng/kg lên 100.000 - 120.000 đồng/kg, cá leo lên 50.000 đồng/kg.

Các mặt hàng thực phẩm giá đều tăng do tuy chợ đã mở nhưng mỗi mặt hàng chỉ có một vài người bán. Hầu hết các tiểu thương trong chợ vẫn đang nghỉ tết nên lượng hàng cung ra vẫn khá ít. 

Đà Lạt: Sản lượng hành tây giảm, giá tăng

Mặc dù đang vào chính vụ nhưng sản lượng hành tây vụ này thấp hơn khoảng 30% so với những năm trước, nhưng bù lại giá bán khá cao. Nguyên nhân khiến sản lượng giảm là do thời tiết không thuận lợi, lượng mưa những tháng cuối năm quá lớn khiến cây trồng khó phát triển, một số bị hư hại khiến nhà vườn phải phá bỏ để chuyển sang cây trồng khác.

Về mặt chất lượng, hành tây năm nay rất ít loại củ lớn và kích cỡ cũng không đồng đều như những năm trước. Tuy nhiên, giá đầu vụ lại khá cao, hiện ở mức 10.500 đồng/kg. Với giá này, đa số nhà vườn thu hoạch hành tây bán ngay tại vườn. 

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Thu Lũm, huyện Mường Tè (Lai Châu): Đổi thay nhờ cây sả

Vài năm trở lại đây, cây sả đã trở thành loại cây thế mạnh của người Hà Nhì ở xã biên giới Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Đời sống của người Hà Nhì nơi đây đã thực sự đổi thay nhờ cây sả.

Trước đây, bà con xã Thu Lũm chủ yếu trồng thảo quả. Mấy năm nay, do thay đổi khí hậu, thảo quả không được chú trọng vì năng suất không cao nên bà con chuyển sang trồng sả. Từ trồng tự phát, đến nay toàn xã đã có khoảng 250 - 300 héc-ta sả, mỗi héc-ta thu được 60 - 70 triệu đồng/năm. Nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi đất trồng lúa nương và thảo quả không hiệu quả sang trồng sả và có nguồn thu nhập ổn định.

Về mặt tiêu thụ, hiện nay hầu như bà con không phải lo lắng bởi trồng sả sau khoảng một năm là thu được tinh dầu. Cứ đến phiên chợ, bà con mang sản phẩm xuống là thương nhân Trung Quốc sẽ thu mua hết. Các doanh nghiệp trong nước cũng mua nhiều để chế mỹ phẩm. Tinh dầu sả còn sử dụng để lau nhà, chống muỗi, khử mùi, tắm gội rất tốt. Không chỉ ở phiên chợ, trong những gian hàng tạp hóa nhỏ ở trung tâm xã Thu Lũm, tinh dầu sả cũng là mặt hàng đặc sắc với khách du lịch.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là việc chế biến tinh dầu sả còn sử dụng khá nhiều củi đốt. Về lâu dài, nếu không có biện pháp thay đổi mà cứ đốt bằng củi như thế này thì chắc chắn rừng sẽ bị phá. Chính vì vậy, gần đây, xã không có chủ trương cho bà con vay tiền mở rộng diện tích trồng sả. Đồng thời, đề nghị nhà nước hỗ trợ nghiên cứu lò nấu tinh dầu sả bằng điện hoặc gas.

Từ kiến nghị của xã Thu Lũm, các nhà khoa học thuộc Viện Nông nghiệp và Đại học Nông nghiệp 1 đã vào cuộc cùng bà con. Sắp tới đây, công nghệ chế biến tinh dầu sả không sử dụng củi đốt sẽ được áp dụng ở Thu Lũm.

Trên thực tế, nếu có doanh nghiệp đứng ra thu mua nguyên liệu thô để chế biến tập trung theo công nghệ mới thì bà con Hà Nhì ở Thu Lũm sẽ bớt được nỗi lo về đầu ra cho sản phẩm.

Sóc Trăng: Năng suất hành tím giảm

Với diện tích trồng hàng năm khoảng 6.000 héc-ta, hành tím là cây trồng chủ lực của bà con Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Đây cũng là cây trồng chính, được bà con ưu tiên phát triển bên cạnh các loại hoa màu khác.

Tuy nhiên, vừa qua, mưa trái mùa khiến hàng nghìn héc-ta hành tím ở Vĩnh Châu bị giảm năng suất vì ngập nước. Bù lại, giá loại nông sản này đang tăng nên người trồng rất phấn khởi.

Theo khảo sát, hiện nông dân các phường, xã ven biển đã xuống giống được 4.100 héc-ta hành tím. Trong đó có 1.500 héc-ta hành sớm đang được thu hoạch, còn lại là hành mùa sẽ thu hoạch vào giữa tháng 4 đến đầu tháng 5. Ngoài hành sớm và hành mùa, Vĩnh Châu còn khoảng 1.500 héc-ta hành giống. Dự kiến đến cuối tháng 2, nông dân xuống giống dứt điểm 900 héc-ta hành mùa còn lại. Thời tiết biến đổi thất thường, mưa trái mùa đã khiến hàng nghìn héc-ta hành tím thu hoạch sớm giảm năng suất. Theo thông lệ hàng năm, năng suất bình quân của hành tím sớm khoảng 15 tấn/héc-ta mỗi vụ nhưng năm nay giảm còn 12 tấn do củ hành bị hư hoặc phát triển không đồng đều. Thương lái đã lợi dụng tình trạng này để ép giá bà con nhưng nông dân vẫn bán được từ 14.000 - 20.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2015.

Vĩnh Châu được gọi là “vương quốc hành tím” ở miền Tây. Mỗi năm, nông dân vùng ven biển này sản xuất được từ 50.000 - 80.000 tấn củ hành. Theo tính toán, trồng 1 héc-ta hành tím chi phí khoảng 80 triệu đồng, nếu năng suất từ 8 tấn trở lên và gặp giá cao như năm nay thì những hộ đạt 12 tấn/héc-ta sẽ thu lãi trên 50 triệu đồng.

HÀNG VIỆT

Xây dựng thương hiệu cà phê Sơn La: Đánh thức “nàng công chúa”

Nhắc đến cà phê, nhiều người thường nhớ đến cà phê Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), cà phê Đà Lạt… chứ ít ai biết rằng, Sơn La cũng là một trong những vùng nổi tiếng với cà phê Arabica. Vị ngon đặc biệt, mùi thơm nồng, những hạt cà phê chắt chiu tinh túy từ núi rừng Tây Bắc đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con. Tuy nhiên, cà phê Arabica Sơn La cũng đang chờ đợi một thương hiệu xứng tầm giá trị.

Những người đã có nhiều năm gắn bó với cây cà phê chia sẻ, Sơn La có độ cao 600m so với mặt nước biển, lại có hệ thống núi non trùng điệp bao quanh. Sơn La cũng có các cao nguyên nằm ở phía Tây dãy Hoàng Liên Sơn, có sườn dốc của các dãy núi thấp hoặc trên các chỏm đồi thuộc vùng đất đỏ đá vôi có tầng dày và độ phì nhiêu khá cao. Chính vì vậy, đây là địa phương có điều kiện khí hậu tương đương với vùng trồng cà phê của Brazil, phù hợp cho cây cà phê Arabica sinh trưởng, phát triển. Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La có khoảng hơn 8.000 héc-ta cà phê đang khai thác và sản lượng hơn 12.000 tấn/năm hầu hết được xuất khẩu sang Mỹ, EU và chất lượng của cà phê Sơn La đã được khẳng định là ngang tầm với thế giới...

Khẳng định vị thế ở thị trường nước ngoài nhưng ở thị trường trong nước, cà phê Sơn La lại chưa được biết đến nhiều. Tại Tuần hàng Sơn La tại Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 8/2016, cà phê Sơn La đã thực sự gây ấn tượng. Nhiều người tiêu dùng Hà Nội đánh giá, cà phê Sơn La có vị lạ và đặc biệt rất thơm, dễ kích thích người uống ngay từ lần đầu tiên.

Chị Đặng Nguyễn Khánh Linh – Công ty TNHH Cà phê Sơn La chia sẻ, cà phê Sơn La có đặc trưng là 100% rang mộc, không phụ gia, hóa chất và chất bảo quản. Hương vị của dòng cà phê Sơn La này cũng có đặc trưng riêng là chua thanh, đắng nhẹ, thơm nồng nàn, khác hẳn với cà phê Tây Nguyên là đắng đậm và ít hương. Tất cả các loại cà phê trên thị trường hiện nay muốn ngon hơn đều phải pha thêm cà phê Arabica của Sơn La vào. Tuy nhiên, do người tiêu dùng vẫn quen với cà phê Tây Nguyên, cà phê Sơn La lại có giá nhỉnh hơn một chút so với các loại cà phê khác trên thị trường nên chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Bên cạnh đó, mặc dù có lợi thế về chất lượng vượt trội, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh cà phê Sơn La có hương vị đặc biệt tương đương với các vùng cà phê nổi tiếng thế giới. Nhưng đáng buồn, cà phê Arabica Sơn La chưa xây dựng được thương hiệu riêng, nên người trồng cà phê nơi đây lại chưa có được lợi ích tương xứng.

Nguyên nhân của tình trạng này là việc phát triển trồng cà phê Arabica ở Sơn La đang gặp phải rất nhiều thách thức. Năng suất bình quân còn thấp, chỉ khoảng 0,6 - 0,7 tấn/héc-ta, kém xa so với năng suất bình quân 2 - 3 tấn/héc-ta của vùng Tây Nguyên. Thổ nhưỡng ở Sơn La giúp cà phê cho năng suất rất cao, nhưng Sơn La là vùng thiếu nước, không đủ tưới tiêu cho cây cà phê, khiến năng suất không được như dự kiến. Chưa kể, hầu hết cà phê ở Sơn La chế biến không đúng kỹ thuật khiến chất lượng chưa cao.

Trước mắt, để xây dựng thương hiệu cho cà phê Sơn La, một số nhãn hiệu riêng của cà phê Sơn La đã được đăng ký để phát triển thành thương hiệu cà phê của tỉnh, gồm: Cà phê Kim Cương Đen; Zabica Sơn La; Sơn La coffee… Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng bền vững của sản phẩm cà phê, theo các chuyên gia, phải xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và phải thu hút được doanh nghiệp thực sự có năng lực đầu tư xây dựng nhà máy chế biến với công nghệ hiện đại. Có như vậy, cà phê Sơn La mới phát triển và mang lại hiệu quả xứng tầm.

Cây cà phê trồng tại Sơn La cho chất lượng cao tương đương với cà phê Arabica nổi tiếng thế giới của Brazil. Cà phê Sơn La trồng tập trung chủ yếu dọc những ngọn đồi thoai thoải tại Chiềng Ban, Chiềng Mung (huyện Mai Sơn), Hủa La, Chiềng Đen (TP. Sơn La), Chiềng Pha, Tòng Cọ (huyện Thuận Châu).

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Cảnh giác với các tin nhắn lừa đảo qua Zalo

Giờ đây, khi mạng Internet đã phủ sóng trên toàn quốc, tại nhiều thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, bà con dân tộc thiểu số (DTTS) cũng đã bắt đầu sử dụng điện thoại thông minh (Smartphone), trong đó có ứng dụng Zalo. Lợi dụng ứng dụng này, nhiều kẻ lừa đảo đã mạo danh Ban quản trị Zalo để gửi tin nhắn trúng thưởng nhằm lừa đảo khách hàng. Dưới đây là những cảnh báo để bà con đang sử dụng Zalo lưu ý…

Những giải thưởng không có thật!

Khoảng 1 năm trở lại đây, nhiều người sử dụng ứng dụng Zalo trên điện thoại đã nhận được thông báo trúng thưởng từ tài khoản Zalo với giải thưởng gồm: “1 chiếc xe SH 150i, 1 phiếu quà tặng tiền mặt 200 triệu đồng, 1 phiếu sử dụng xăng dầu miễn phí 1 năm của Petrolimex”.

Khi điện thoại đến đường dây nóng (hotline) ghi trên tin nhắn trúng thưởng, người sử dụng sẽ được hướng dẫn truy cập vào website có trên tin nhắn để cập nhật thông tin cá nhân như: Tên, tuổi, địa chỉ, số CMND, số tài khoản…

Sau bước này, tổng đài sẽ yêu cầu người trúng thưởng nộp các khoản tiền để làm hồ sơ, tiền thuế thu nhập cá nhân, tiền vận chuyển quà tặng đến tận địa chỉ của người trúng thưởng… Hình thức nộp tiền là chuyển vào tài khoản, hoặc sử dụng thẻ điện thoại để nạp theo hướng dẫn của kẻ tự xưng là đại diện Ban Tổ chức giải thưởng.

Để thuyết phục khách hàng, những kẻ tự xưng là đại diện Ban Tổ chức giải thưởng còn thông tin: “Giải thưởng do Công ty CP Xe máy Honda và tập đoàn mạng xã hội Zalo tài trợ” và yêu cầu: “Khách hàng vui lòng bảo mật mã số trúng thưởng này và tuyệt đối không được cung cấp cho bất kỳ ai để tránh sự tranh chấp giải thưởng sau này”…

Thậm chí, gần đây, để khách hàng thêm tin tưởng, các tin nhắn lừa đảo còn ngang nhiên in cả logo của Bộ Công an, Bộ Thông tin – Truyền thông…

Tuy nhiên thực tế, tất cả các khách hàng đã làm theo hướng dẫn của các tin nhắn trúng thưởng này đều mất tiền oan, người ít là 1,5 triệu đồng, người nhiều lên đến cả chục triệu đồng. Tiền đã nộp, nhưng chờ mòn mỏi mà không thấy giải thưởng đâu. Gọi điện đến số máy trên tin nhắn trúng thưởng thì đã bị chặn cuộc gọi. Lúc này, liên lạc với Ban quản trị Zalo thì mới biết mình đã bị lừa…

Trường hợp khách hàng không nộp tiền nhưng trót cung cấp thông tin cá nhân, kẻ lừa đảo sẽ dùng thông tin này để tạo một tài khoản Zalo mới bằng chính tên của khách hàng, sau đó dùng tài khoản có tên của khách hàng để gửi tin nhắn đến bạn bè trong danh bạ của khách hàng để vay tiền, nhờ nộp tiền điện thoại, hoặc phát tán tin nhắn trúng thưởng….

Zalo không có bất kỳ chương trình khuyếnmãi, trúng thưởng nào

Theo đại diện của Ban quản trị Zalo, tất cả các tin nhắn trúng thưởng, khuyến mãi trên mạng Zalo đều là lừa đảo. Từ khi đi vào hoạt động, Zalo không có bất kỳ một chương trình khuyến mãi, trúng thưởng nào.

Trước hiện tượng khách hàng phản ánh tin nhắn lừa đảo ngày càng nhiều, Zalo cũng đã lần theo số điện thoại và địa chỉ trong tin nhắn, nhưng đây đều là những địa chỉ, thông tin ảo, những số điện thoại cá nhân sử dụng sim rác…

Với những khách hàng bị mất nick do sơ ý cung cấp thông tin cho đường dây tin nhắn lừa đảo, cần thông báo ngay với Ban Quản trị Zalo để có biện pháp giải quyết. Trường hợp người sử dụng phát hiện những đối tượng sử dụng nick Zalo để phát tán tin nhắn trúng thưởng, nếu đã đồng ý kết bạn thì nên xóa/hủy kết bạn Zalo ngay lập tức, đồng thời thông tin cho Ban Quản trị Zalo.

Đại diện Ban Quản trị Zalo cũng khuyến cáo: Khách hàng không nên quá tin vào những trò khuyến mãi, giải thưởng lớn trên các trang mạng xã hội nói chung. “Riêng với ứng dụng Zalo, nếu nhận những tin nhắn thông báo trúng thưởng, khách hàng nên ghi lại số điện thoại, tài khoản ATM mà các đối tượng lừa đảo cung cấp để có chứng cứ báo cho cơ quan công an, đồng thời không làm theo bất cứ yêu cầu nào từ tin nhắn” - nhân viên chăm sóc khách hàng Zalo nhấn mạnh.

Thực chất, trò lừa đảo trúng thưởng trên Zalo này cũng chính là chiêu trò của một số đối tượng lừa đảo mà trước đây đã từng áp dụng với nhiều người sử dụng tài khoản Facebook… Bà con nên lưu ý để tránh bị lừa, dẫn đến mất tiền oan.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)